Ngày nay, có một số người vì không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nên đã đặt hết niềm tin vào những ý tưởng mới lạ và tiến bộ từ khoa học. Có thể họ hy vọng rằng, nhờ vào kỹ thuật đông lạnh ngủ đông vài ba mươi năm, sau đó sẽ thức dậy và tiếp tục cuộc sống lý tưởng của mình.
Suy đi ngẫm lại, sau ngần ấy thời gian, cha mẹ bạn bè của họ đều đã qua đời, những kỷ niệm và thói quen ngày xưa cũng đã thay đổi, họ bắt đầu một đời sống mới, thử hỏi như vậy còn có gì vui chứ?
Y học hiện đại đã phát hiện một hạng người mắc bệnh thần kinh vận động, gọi là “người thực vật”. Từ ngũ quan, tứ chi, cho đến các bộ phận trên cơ thể dần dần mất khả năng hoạt động, sau cùng ngay cả hơi thở cũng phải nhờ vào sự hỗ trợ của các thiết bị y học mới duy trì được mạng sống.
Một người sống đời sống thực vật thì miệng không thể nói năng, tay không thể cử động, chân không thể đi lại, mọi suy nghĩ đều không có cách gì biểu đạt, v.v. chẳng phải sống mà như đã chết hay sao?
Đa phần những người bất mãn với cuộc sống hiện tại, thường có ý muốn làm người đông lạnh chờ hồi sinh. Ngoại trừ những người bị xơ cứng teo cơ một bên (ALS) mới trở thành người đông lạnh bất đắc dĩ, điều này còn có thể hiểu được. Ấy thế mà một số người rất khỏe mạnh, nhưng tâm lý và thái độ cảm xúc lại giống hệt như người đông lạnh hay sắp đóng băng. Gương mặt không thể nở lấy nụ cười, mỗi ngày đều mặt nặng mày nhẹ như thể ai đó mắc nợ hoặc đắc tội gì với họ vậy. Hoặc một số người quá kiệm lời, cũng như khó hòa đồng với mọi người, đặc biệt chẳng bao giờ nói những lời từ ái dễ nghe.
Có suy nghĩ nhưng không có lối thoát, có tâm hồn nhưng không dễ dàng cảm động, đó chính là thiếu sự đồng cảm. Khi con người sống cùng nhau mà quá lãnh đạm thờ ơ, thậm chí xem nhau như kẻ xa lạ, hạng người này dù đang sống đó nhưng cũng giống như cái xác vô hồn mà thôi. Vì thế, nếu tặng một cái tên cho họ, thì cũng chỉ là “kẻ vô tình” mà thôi.
Trong Kinh A hàm, Đức Phật có đề cập đến “năm hạng người chẳng phải người” như sau:
1. Lúc nên nói không nói.
2. Lúc nên cười không cười.
3. Lúc nên làm không làm.
4. Lúc nên vui không vui.
5. Lúc nên khen không khen.
Hạng mà mọi người gọi là “phi nhân” chẳng phải là “người vô cảm” đó sao?
Ngày nay, con người vì muốn đi lại nhanh chóng, nên đã dùng xe hơi thay thế cho việc đi bộ. Lâu ngày thành ra, nếu không có xe hơi họ sẽ không chịu đi làm. Đúng ra, đôi tay có thể làm được rất nhiều việc, nhưng sau khi đã quen dùng thiết bị điều khiển từ xa, thì việc thiếu đi những thứ ấy lại có thể khiến đôi tay trở nên vụng về lúng túng. Miệng vốn để nói, vậy mà sau khi quen dùng loa phóng thanh, đến khi không có nó, con người lại chẳng chịu cất lời. Đôi mắt có khả năng quan sát mọi thứ, nhưng khi sử dụng mắt kính lâu ngày, giả sử không có nó thì phải chăng nhìn cũng không được bao xa. Đa phần những người như thế đều không thể tiến bộ từ vật chất, mà ngược lại, chính vật chất đã khiến họ ngày càng trở nên thụ động, và cuối cùng trở thành một người “vô cảm”.
Khi quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia có chiều hướng chuyển biến xấu, lúc này cần phải nhờ vào sự hòa giải của Bộ Ngoại giao. Tình bạn đôi bên xảy ra hiềm khích, cũng phải nhờ người thứ ba hóa giải hiểu lầm. Còn với những tập khí, khuyết điểm, và sự vô cảm của bản thân, thì chúng ta phải làm thế nào để chuyển hóa đây? Điều đó, chỉ có thể dựa vào chính bạn mà thôi.