Trong Phật Quang thái căn đàm có câu: “Thắng lý mà có thể bao dung người, đó là đôn hậu. Đôn hậu thì đường đi sẽ thênh thang, rộng lớn. Vô lý mà lại tổn hại người, đây chính là cường bạo. Cường bạo thì đường đi ắt tối tăm, chật hẹp”.
Con người cần có tấm lòng vị tha, bao dung người khác, bởi tâm lượng rộng lớn bao nhiêu thì thành tựu sẽ càng huy hoàng bấy nhiêu. Thời Chiến Quốc, có Lạn Tương Như “vì nước chịu nhục”, đến thời cận đại có Tưởng Giới Thạch lấy đức báo oán. Họ đều nhờ lòng khoan dung đôn hậu, biết tha thứ cho kẻ thù nên được lưu danh hậu thế.
Vua Ung Chính đời nhà Thanh vì ghi nhớ lời dạy tiên đế Khang Hy rằng: “Phải biết thương yêu, che chở anh em của con”, mà sau này mặc dù huynh đệ của ông lập bè kéo cánh, tìm cách gây trở ngại, âm mưu soán ngôi, thế nhưng Ung Chính trước sau chưa từng có ý định ra tay sát hại một ai. Thời Xuân Thu, Sở Trang Vương vì tha tội chết cho kẻ thuộc hạ dám mạo phạm, trêu ghẹo ái phi của mình, mà về sau đã nhận được sự báo đáp quên mình của vị tướng đó.
Tô Đông Pha là một trong tám vị đại thi hào thời Đường Tống, là bạn tâm giao của tể tướng Chương Đôn từ thuở thiếu thời. Nhưng khi Chương Đôn lên nắm giữ quyền hành, đã hạ lệnh đày Tô Đông Pha đến Lĩnh Nam, sau đó giáng về vùng Hải Nam. May thay, sau đó Tô Đông Pha được ân xá, Chương Đôn lại bị đày đến bán đảo Lôi Châu ở tận Lĩnh Nam. Hay tin, Tô Đông Pha đã viết tâm thư gửi cho bạn mình. Trong thư, ông đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc, đồng thời an ủi con trai của Chương Đôn rằng: “Những chuyện đã qua không nên nhắc lại, mà hiện tại cần suy nghĩ cho tương lai sau này!”.
Khoan dung là một mỹ đức, vị tha là con đường đưa nhân loại đến bến bờ hạnh phúc, bình an! Bất kể là việc gì, chỉ cần có trái tim tôn trọng và bao dung thì nhất định sẽ được mọi người quý mến. Ngược dòng lịch sử có thể thấy, không ít những văn thần võ sĩ vì nhất thời được trọng dụng mà ngang ngược bạo tàn, hà khắc với nhân dân, cuối cùng đã gây thù kết oán với không biết bao nhiêu người, dẫn đến mối họa vong thân. Điển hình như Niên Canh Nghiêu, Ngao Bái đời nhà Thanh; Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy thời Thái Bình Thiên Quốc, đó đều là những minh chứng lịch sử không xa thời đại mà chúng ta đang sống.
Những nhân vật chính trị tài hoa lỗi lạc, những bậc trung thần báo đáp minh quân, những văn sĩ ít nhiều được vinh danh, những đấng trọng nghĩa khinh tài, đa phần đều là những người đối xử với người khác bằng tấm lòng bao dung, từ ái. Khi xưa, anh hùng nghĩa sĩ trên giang hồ thường có câu nói rất hay: “Một nụ cười xóa tan mọi ân oán”. Cho dù trước đó họ từng có những mối hiềm khích sâu nặng, nhưng khi đứng trước chân lý chính nghĩa, họ đều có thể bắt tay làm hòa, nối lại tình xưa.
Xử sự với người càng khoan dung độ lượng bao nhiêu, thì cuộc sống càng ít gặp chướng ngại, trắc trở bấy nhiêu. Hác Bách Thôn và Lý Hoán là hai vị “tôi trung bỏ nước mà đi, kiên trinh một dạ sá gì thanh danh”, nên được người đời sau tưởng nhớ. Trong một số câu chuyện dân gian Trung Quốc, rất nhiều bà mẹ kế đối xử cay nghiệt với con chồng, nhưng đứa bé ấy mỗi khi có được món đồ gì đều nhường cho đứa em cùng cha khác mẹ của mình, lại còn hết lòng hiếu thuận với cha mẹ, nhờ vậy mà được người đời sau tôn kính.
Người đời thường nghĩ độ lượng với kẻ thù chính là tàn nhẫn với bản thân, nhưng đây cũng không hẳn là lẽ tất nhiên. Ngược lại, người đôn hậu chắc chắn sẽ được nhiều người giúp đỡ. Ngay cả việc tha thứ cho người khác cũng mang lại lợi ích cho chính mình. Vì thế, trong quan hệ tình thân và trong đạo lý làm người, nhất định cần phải bao dung lẫn nhau. Những lời nói vô tâm trong lúc nóng giận nhất thời, thường gây tổn hại đến công đức và tình hữu hảo đã dày công vun đắp bao năm. Nếu có thể dùng tấm lòng đôn hậu, khoan dung để đối đãi với tất cả những việc làm ngang ngược, trái khoáy của kẻ khác trong cuộc sống, lâu dần sẽ hóa thành sức mạnh phi thường. Khi đó, nhất định con đường tương lai của bạn sẽ thong dong, mọi việc đến đi trong cuộc đời đều sẽ suôn sẻ.