Trong cuộc đời mỗi người, ít nhiều gì chúng ta cũng đã từng tổ chức hoặc được mời tham dự các buổi lễ vui buồn như đám cưới, đám tang, v.v. của bạn bè hay người thân. Vì thế, “nghi lễ” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cá nhân, đoàn thể, và quốc gia.
Có thể kể ra một số nghi lễ liên quan đến cá nhân như lễ tốt nghiệp, lễ nhậm chức, lễ thành hôn, v.v. thậm chí lúc từ giã cõi đời, con người ta cũng còn có lễ tang. Về phương diện đoàn thể, có các buổi lễ như lễ khai giảng, lễ bế mạc, lễ trao giải thưởng, lễ chào cờ, hoặc lễ kỷ niệm tròn một năm, lễ ra mắt sản phẩm mới, v.v. Hay như trong lĩnh vực quốc phòng, có lễ duyệt binh, lễ chào mừng chuyến bay đầu tiên, lễ hạ thủy tàu chiến, cho đến kỷ niệm ngày lập quốc, ngày tưởng niệm anh hùng dân tộc, v.v.
Buổi lễ chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng lại có giá trị kỷ niệm lâu dài. Điều quan trọng là sau khi nghi lễ kết thúc, ý nghĩa của buổi lễ vẫn còn vang vọng mãi trong tim, để từ đó có thể đi theo suốt một đời, trường tồn cùng năm tháng.
Nghi lễ có khi diễn ra mỗi tháng một lần, hoặc mỗi năm một lần, thậm chí cả đời cũng chỉ có một lần. Trong buổi lễ, chỉ cần nhìn lướt qua thành phần tham dự, chúng ta cũng có thể biết được nghi thức ấy có tổ chức long trọng hay không và tầm vĩ đại của sự nghiệp đó đến mức nào.
Trong các vị hoàng đế ngày xưa lên ngôi, có vua Khang Hy mới mười hai tuổi đã thiết triều nghe chính sự. Tuy tuổi nhỏ nhưng sau khi đăng cơ, ông đã dốc sức thực thi hoài bão của mình, mấy mươi năm sau cả nước từ trên xuống dưới ai cũng đều chịu sự ảnh hưởng của ông. Trong xã hội có biết bao người ban đầu cũng rất bình thường, nhưng sau khi nhận được giải thưởng Nobel, cuộc đời họ đã mở sang một trang hoàn toàn mới đầy xán lạn.
Mỗi một lần tổ chức lễ hội, lại tốn kém vô cùng. Nhìn vào địa điểm tổ chức, đến những vị khách quý tham dự, cung cách bài trí, v.v. của các buổi lễ, mà ta có thể biết rõ vai trò và địa vị của người chủ trì sự kiện đó. Đặc biệt, dân tộc Trung Hoa vốn coi trọng thể diện, họ luôn muốn mời được những vị khách quý như người có địa vị, giàu có, quyền thế, và nổi tiếng. Nhưng họ cũng thật đáng thương, vì quanh năm suốt tháng cứ phải vội vội vàng vàng chạy ngược chạy xuôi tham gia đủ loại nghi lễ, đến nỗi bỏ bê việc chính của đời mình, chỉ vì mải lo xã giao trong những buổi tiệc mà uổng phí một đời.
Các buổi lễ luôn làm cho cuộc sống thêm phần rạng rỡ, ngay cả lúc sinh ly tử biệt. Tuy rằng việc lễ lược rất cần thiết đối với cá nhân, xã hội, song cũng nên cố gắng đơn giản hóa và giảm thiểu những người ít có liên quan. Có lẽ, chỉ cần quy tụ những người chủ chốt và bạn bè thân thích có quan hệ mật thiết với buổi lễ đến tham dự, vậy là cũng đủ ý nghĩa rồi.
Ở xã hội ngày nay, nhìn vào một vị ủy viên lập pháp hay một số cán bộ cấp huyện hoặc thành phố, thường ngày phải chạy đôn chạy đáo dự tiệc ma chay, tối đến chạy show cho kịp giờ cưới hỏi, đã phần nào nói lên hiện thực. Qua đó ta thấy, lễ nghi rườm rà phức tạp làm cho xã hội hao tài tốn của với khoản chi phí không hề nhỏ.
Đối với lễ lược tiệc tùng, không nên biến nó thành một hoạt động mang tính xã giao hay mối quan hệ hữu nghị, mà phải xem trọng giá trị tinh thần và ý nghĩa thực tại. Các buổi lễ cũng không nên phô trương hình thức, càng không được lợi dụng danh phận người khác để đánh bóng cho tên tuổi của mình. Bởi lẽ, hết thảy muôn sự vạn vật trên thế giới này, chỉ cần giản đơn, hài hòa, vừa phải là đẹp rồi.