Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Cụm từ “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” đã bị lạm dụng đến mức chúng ta sử dụng mà không nghĩ đến ý nghĩa thật sự của nó. Cân bằng tức là phân chia 50/50, nhưng trong hầu hết các trường hợp thì chuyện đó là không khả thi. Vào những thời điểm quan trọng - và phụ thuộc vào tính chất công việc - bạn sẽ phải cống hiến 100% cho công việc; trong khi vào những lúc khác, bạn sẽ cần ưu tiên gia đình, và công việc xếp thứ hai. Cũng rất khó để tách biệt hoàn toàn công việc và cuộc sống, vì công việc là một phần của cuộc sống - cũng giống như gia đình, bạn bè và sở thích. Không thể xem công việc là một điều hoàn toàn riêng biệt.
Cũng không có gì sai nếu coi công việc chỉ đơn giản là phương tiện đáp ứng nhu cầu tài chính, nhưng nếu xét đến tổng số thời gian bạn dành cho công việc mỗi tuần, thì việc tìm kiếm ikigai trong công việc để duy trì động lực làm việc dài hạn là điều đáng làm.
Tìm kiếm ikigai trong công việc
Như ta đã biết, đặc điểm của ikigai là chú trọng chi tiết - chia cuộc sống thành những khoảnh khắc nhỏ - và cách tiếp cận này cũng có thể được áp dụng cho công việc. Thay vì xem xét công việc như một vấn đề lớn, hãy thử tách nó thành những phần khác nhau để tìm hiểu xem yếu tố nào đem lại niềm vui hoặc động lực. Khi ai đó suy nghĩ tiêu cực và thốt lên, “Cuộc đời tôi chán ngắt”, thì tức là họ đang sử dụng cách tiếp cận cực đoan - bỏ quên những điều tốt đẹp trong cuộc sống và chỉ chăm chăm nghĩ đến mặt tiêu cực. Điều này cũng đúng với công việc. Dù công việc của bạn không như ý, nhưng nếu xem xét kỹ, hẳn bạn sẽ tìm thấy vài điểm mình thích trong công việc đó. Hãy tránh lối suy nghĩ phiến diện, bởi nó ngăn cản bạn tiến bộ và cải thiện công việc. Vậy nên bất cứ khi nào bạn chợt nghĩ “Công việc của mình chán ngắt!”, hãy thử thay đổi góc nhìn. Có thể bạn không thật sự thích khía cạnh nào đó trong công việc mà bạn đang nghĩ tới ở thời điểm đó, nhưng hãy nhớ đến những điều mà bạn thích - có thể đó là cảm giác được làm việc nhóm với đồng nghiệp, hay cảm giác chiến thắng khi hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Theo nghiên cứu về động lực làm việc (yarigai) vào năm 2015, khoảng 60% trong số 8.156 người lao động Nhật Bản tham gia khảo sát nói rằng lời cảm ơn là một động lực lớn, 45% được truyền động lực khi hoàn thành một công việc hoặc một nhiệm vụ được giao. Theo một cuộc khảo sát khác tại Nhật, phụ nữ ở độ tuổi hai mươi cũng chọn lời cảm ơn hay lời khen ngợi từ cấp trên hoặc senpai (đàn anh, đàn chị) là động lực của mình. Văn hóa và con người Nhật Bản nổi tiếng với lòng mến khách, và cuộc khảo sát này tiết lộ rằng ngay cả trong công việc thì họ cũng cảm thấy được truyền động lực khi giúp ích cho người khác. Trên phương diện việc làm và sự nghiệp, cụm từ yarigai (giá trị của hành động) thường được sử dụng để diễn tả động lực. Những cuộc khảo sát về yarigai rất phổ biến tại Nhật, và những cuộc khảo sát này mang đến cho người Nhật cơ hội suy ngẫm về lý do họ làm việc và phương diện nào trong công việc mang lại nhiều động lực hơn. Nếu coi lời cảm ơn là động lực, làm thế nào để ta được nhận nó? Thuở mới làm nhà báo tự do, tôi cố gắng cho đi mà không đòi hỏi nhận lại. Nếu ai đó nhờ tôi viết lời tựa, tôi sẵn sàng giúp, miễn là việc đó có lợi cho cả hai bên. Họ không chỉ cảm ơn tôi, mà bản thân họ cũng sẽ hỗ trợ lại tôi khi cần thiết. Tôi luôn thể hiện sự cảm kích khi ai đó giúp đỡ mình, cho dù sự hỗ trợ đó nhỏ đến mức nào đi nữa (và cho dù đó là công việc của họ). Nếu động lực làm việc của bạn là cảm giác được trân trọng thì hãy bắt đầu bằng việc cảm ơn hành động của người khác trước.
Thuở đôi mươi, tôi hăm hở muốn phát triển và muốn có được sự tin tưởng từ các cộng sự. Trước khi trở thành nhà báo tự do, tôi đã làm ở bốn công ty khác nhau. Mỗi công việc mới đem lại cho tôi những ý tưởng và kỹ năng mới để học hỏi, cũng như những gương mặt mới để tương tác cùng. Nhưng tôi thích nhất công việc đầu tiên của mình, một công ty startup (2) công nghệ và có vỏn vẹn mười nhân sự vào lúc tôi gia nhập. Tôi đã gắn bó với công ty này gần năm năm, và vào thời điểm tôi nghỉ việc, công ty có hơn năm mươi nhân viên. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những quãng thời gian khó khăn nhất, cũng như những trải nghiệm xây dựng một sản phẩm (và công ty) từ con số không. Chúng tôi đã cùng nhau chứng kiến công ty phát triển, và những thử thách mà chúng tôi đương đầu đã giúp chúng tôi trở thành một đội mạnh hơn. Mỗi sáng thức dậy, tôi từng rất háo hức khi có được một ngày làm việc mới cùng các cộng sự. Việc hiểu động lực của mình nằm ở đâu đã giúp tôi vươn lên, bất chấp công việc khó khăn cỡ nào.
(2) Startup: thuật ngữ chỉ những công ty đang trong giai đoạn khởi nghiệp.
Theo một cuộc khảo sát năm 2016, 82% trong số năm ngàn đàn ông và phụ nữ Nhật Bản tham gia chương trình đã trả lời rằng họ cần tìm thấy niềm vui trong công việc thì mới cảm thấy hạnh phúc. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng có một sự thật đáng tiếc là mặc dù tìm kiếm niềm vui trong công việc, chúng ta vẫn hiếm khi được giao công việc mình mơ ước. Và thực tế là công ty không có nghĩa vụ tìm cho bạn một công việc hoàn hảo. Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng, và vì thế không có công việc nào là hoàn hảo. Không những vậy, bạn mới là người có trách nhiệm tự điều chỉnh công việc của mình để nó ý nghĩa nhất có thể.
Cũng theo cuộc nghiên cứu này, 74,4% số người được khảo sát cho rằng nhờ chủ động, họ có thể tìm thấy niềm vui trong công việc thay vì chỉ biết chấp nhận công việc được giao. Họ sẵn sàng điều chỉnh công việc để tìm ra ikigai trong sự nghiệp.
Chế tác công việc
Quá trình chủ động điều chỉnh công việc cho phù hợp hơn với động lực, thế mạnh và đam mê của bản thân được gọi là chế tác công việc. Đó là hành động chế tác và thiết kế công việc của mình thay vì thụ động nhận phần việc được giao. Cụm từ này được Jane Dutton và Amy Wrzesniewski đưa ra vào năm 2001. Dutton, giáo sư ngành Quản trị kinh doanh và Tâm lý học tại Đại học Michigan của Mỹ, cho rằng ý tưởng chế tác công việc không phải là mới và người lao động đã áp dụng nó nhiều năm nay. Bà nhận thấy gần 75% số người lao động mà bà khảo sát đã chủ động tạo ra những thay đổi hoặc điều chỉnh nhỏ trong công việc để đáp ứng nhu cầu cá nhân và đạt được sự thỏa mãn trong công việc. Quá trình tìm ikigai trong công việc thường đòi hỏi chúng ta phải chế tác công việc của mình để cảm thấy gắn bó và mãn nguyện với nó hơn.
Khi nghe thuật ngữ “chế tác công việc”, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi đó là bài phát biểu tại Chicago của Adam Grant, tác giả có sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn, đồng thời là giáo sư ngành Quản lý ở Đại học Wharton. Ông nhắc đến nghiên cứu của nhà kinh tế học Michael Housman về lý do một số nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng lại gắn bó với công việc lâu hơn một số khác. Ông đã khám phá ra một sự liên hệ thú vị, đó là những nhân viên trụ lại lâu hơn đều sử dụng trình duyệt web Firefox hoặc Chrome. Dĩ nhiên thứ giữ họ ở lại với công việc không phải trình duyệt, mà là hành động tải về một trình duyệt phù hợp với mình hơn. Trình duyệt mặc định trên máy vi tính chạy hệ điều hành Windows là Internet Explorer, còn trên máy Mac là Safari. Gần hai phần ba số nhân viên chăm sóc khách hàng trong nghiên cứu đã sử dụng trình duyệt mặc định mà không hề băn khoăn liệu còn trình duyệt nào tốt hơn không. Thế nhưng, những nhân viên gắn bó lâu hơn không chỉ nhận công việc - và công cụ - được giao mà còn điều chỉnh nó theo nhu cầu. Điều này không có nghĩa là trình duyệt web này làm bạn hạnh phúc hơn trình duyệt khác! Điều quan trọng là hành động này cho thấy họ chủ động đánh giá các công cụ mặc định, và việc điều chỉnh công việc cho phù hợp giúp họ vui vẻ làm việc hơn. Kết quả là những nhân viên này có thể rút ngắn thời gian cuộc gọi và nâng cao hiệu quả bán hàng.
Thay đổi nhận thức
Nếu không tìm được ý nghĩa trong công việc, bạn khó có thể xem công việc là ikigai. Nhưng việc tìm kiếm ý nghĩa đó không chỉ phụ thuộc vào công việc được giao, mà còn đặc biệt phụ thuộc vào cách bạn nhận thức công việc đó. Thay đổi cách nhìn nhận công việc là một phần thiết yếu của quá trình chế tác công việc, và nó được gọi là định hình nhận thức.
Tại Nhật Bản, tàu siêu tốc chạy với sự chính xác cao độ, và một số tuyến đường chính có tần suất tàu chạy lên đến ba phút một chuyến. Tại đây, bạn có thể thấy sự khéo léo đáng kinh ngạc của những người lau dọn tàu cao tốc. Theo một bài viết về đội lau dọn của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, mỗi nhân viên trong một đội hai mươi hai người phụ trách toàn bộ một khoang tàu một-trăm-ghế trên từng chiếc tàu, và họ phải hoàn thành việc trong chỉ vỏn vẹn bảy phút. Tôi có thể làm chứng cho kết quả lau dọn không tì vết của họ. Nếu họ chỉ xem mình là nhân viên lau dọn, động lực của họ sẽ chỉ giới hạn ở mức làm cho xong việc. Nhưng những người này đã đặt mình vào ngành dịch vụ (người Nhật gọi là omotenashi): họ chịu trách nhiệm đem lại sự hài lòng cho hành khách đi tàu siêu tốc. Tuy cần điều chỉnh rất nhiều thứ, trong đó phải kể đến những việc như đổi mới đồng phục lao động để thay đổi cách nhân viên lau dọn nhìn nhận công việc của mình, nhưng giờ đây họ tự hào về vai trò của họ; và nhờ hiểu rõ mục đích và đối tượng mà công việc của mình hướng tới, họ đã tìm được ikigai trong công việc. Nếu ikigai có thể được tìm thấy trong những việc đơn giản như lau dọn, không có lý do gì bạn không tìm được ikigai trong công việc của mình cả.
Nhìn ra tác động
Người Nhật cho rằng đối với những người lấy việc hỗ trợ người khác và nhận lại lời cảm ơn làm động lực số một, thì sự tương tác với cộng sự hoặc khách hàng là rất quan trọng. Trường hợp của đội lau dọn tàu siêu tốc, những người có thể quan sát vẻ mặt của hành khách bước lên con tàu mình vừa dọn dẹp, là một minh chứng. Nhưng điều này không chỉ đúng với người Nhật. Nhìn thấy sự khác biệt và tác động mà mình tạo ra qua công việc là bí quyết để cảm thấy được tiếp thêm động lực. Trong bài nghiên cứu mang tên “Outsource Inspiration” (tạm dịch: Cảm hứng từ bên ngoài), Giáo sư Grant lý giải động lực của người lao động chính là “làm công việc có tác động đến hạnh phúc tinh thần và sức khỏe thể chất của người khác” và “trông thấy hoặc gặp gỡ người nhận tác động từ việc làm của mình”. Một cuộc khảo sát các chuyên viên vận động gây quỹ học bổng tại Đại học Michigan cho thấy họ có thể vận động được số tiền cao hơn 171% nếu từng gặp các sinh viên nhận được học bổng do chính họ kêu gọi được.
Trong quá trình nghiên cứu để viết quyển sách này, tôi đã phỏng vấn Giáo sư Dutton về chế tác công việc. Bà chia sẻ rằng vào năm 2001, trong quá trình tìm hiểu những lao công tại Trung tâm Ung thư của Đại học Michigan, bà nhận ra họ chế tác công việc bằng cách tạo ra thay đổi nhỏ trong phần việc được giao, bởi họ hiểu những điều đơn giản như cách lau vòi nước cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Những người lao công này có thể nhìn thấy tác động của công việc mình làm và đối tượng hưởng lợi từ nó, do đó họ tìm được ikigai ngay cả trong những nhiệm vụ đơn giản nhất.
Trong vai trò nhà báo tự do, tôi viết bài cho rất nhiều cửa hàng, cả trên mạng lẫn ngoài đời. Đối tượng độc giả khác nhau tùy theo phương tiện truyền thông, và tôi rất hào hứng khi có thể “chạm” đến nhiều kiểu người khác nhau. Tuy nhiên, không dễ “cảm nhận” được độc giả khi nhìn nhận họ theo phương diện nhân khẩu học. Những mô tả như “doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ” hay “phụ nữ lao động ở độ tuổi ba mươi” giúp tôi biết được đối tượng độc giả, nhưng chúng không đem đến nhiều động lực bằng những câu chuyện mang màu sắc cá nhân. Khi độc giả gửi thư cho tôi về việc bài viết của tôi đã tác động đến cuộc sống của họ như thế nào, tôi nhận thức được sự khác biệt mình tạo ra, từ đó cảm nhận được ikigai và được nhắc nhớ về lý do tôi làm công việc này.
Tự đặt câu hỏi phù hợp cho mình
Trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Dutton chia sẻ rằng bước đầu tiên để chế tác công việc thành công là nhận thức rõ tình trạng làm việc hiện tại. Theo bà, chúng ta có thể làm điều này bằng cách ghi chép để nghiên cứu thói quen làm việc của mình và tự đặt những câu hỏi như dưới đây cho bản thân. Tôi đã giải thích thêm về các câu hỏi của Giáo sư Dutton để hướng dẫn bạn cách trả lời.
• Tôi đang làm công việc gì? Hãy ghi lại những gì bạn làm trong ngày, dù có nhỏ bé đến thế nào đi nữa.
• Tôi cảm thấy như thế nào về những việc này? Khi thực hiện từng nhiệm vụ, bất kể là ghi chép cuộc họp hay tham gia gọi hội nghị với khách hàng, hãy để ý đến cảm nhận của bản thân. Bạn có thích những nhiệm vụ này không? Hay bạn chỉ muốn làm cho xong?
• Tôi sử dụng thời gian như thế nào? Hãy theo dõi thời lượng bạn dành cho từng công việc. Bạn có đang mất nhiều thời gian cho một việc mà bạn không yêu thích không?
• Tôi đang trò chuyện hoặc kết nối với ai trên mạng hoặc ngoài đời? Giáo sư Dutton tin là một trong những cách chế tác công việc mạnh mẽ nhất là chế tác mối quan hệ. Con người sinh ra để hợp tác, không phải để ganh đua. Thế nên những mối quan hệ trong công việc và người mà bạn tương tác cùng có thể liên quan đến cảm xúc của bạn đối với công việc đó. Bạn có thiếu tương tác hay bị một số tương tác nào đó tác động một cách tiêu cực không?
Những câu hỏi này có vẻ rất bình thường, nhưng mục đích chính là giúp bạn nhận thức rõ hơn về công việc mình đang làm và cảm nhận của bạn về công việc đó. Sau khi đã phân tích rõ công việc, hãy suy nghĩ về một hành động nhỏ bạn có thể thực hiện để tạo sự hứng thú, niềm vui hay động lực lớn hơn trong từng nhiệm vụ. Bước tiếp theo là thể nghiệm bằng cách thực hiện hành động đó. Nó có hiệu quả không? Nó có dẫn bạn đến con đường mà bạn muốn đi không? Nếu sự điều chỉnh này hiệu quả, hãy đưa nó vào trong công việc.
Theo Giáo sư Dutton, bạn có thể tự đặt câu hỏi một mình, nhưng cùng đặt câu hỏi với đồng nghiệp có thể giúp các bạn lập thành một nhóm chế tác công việc. Có thể có người nào đó thật sự thích phần việc mà bạn sợ làm (thế nên bạn mất rất nhiều thời gian loay hoay với nó) và ngược lại. Trong trường hợp này, hoán đổi công việc cho nhau là khả khi và có thể đem lại hiệu quả cao hơn (cho các bạn lẫn cho người sử dụng lao động). Vì vậy, nếu bạn không thích ghi biên bản cuộc họp, nhưng đồng nghiệp của bạn lại thích việc này vì họ cảm thấy nó giúp họ tăng khả năng tập trung, hãy thử giao trách nhiệm này cho họ, và đổi lại, bạn có thể đảm nhận những công việc mà bạn làm tốt hơn.
Phát huy sự sáng tạo
Giáo sư Dutton cũng nói thêm rằng quá trình chế tác công việc là tìm cơ hội để phát huy sự sáng tạo và thử nghiệm liên tục. Những thay đổi có thể không quá lớn, nhưng một chút thay đổi ở đây, một chút điều chỉnh chỗ kia sẽ giúp công việc trở thành ikigai. Và ngay cả khi ikigai của bạn không nằm trong công việc thì những bước hành động này vẫn giúp bạn thỏa mãn hơn với công việc mình đang làm.