Trong chương này, tôi sẽ chia sẻ với bạn các bài phỏng vấn với sáu người Nhật về ikigai của họ. Không phải ai cũng biết ikigai của mình là gì hay làm sao để diễn tả nó một cách đơn giản, nhưng khi có ikigai như điều cốt lõi trong cuộc sống thì mọi việc bạn làm đều sẽ đóng góp vào ikigai của bạn theo cách này hoặc cách khác. Những nhân vật mà tôi phỏng vấn đều có sự nghiệp đáng nể và nhìn chung là thành công. Sự thành công ở đây không nằm ở việc họ có thu nhập và địa vị cao (tuy thực tế đó là sự thật, nhưng chuyện này không liên quan đến điều tôi muốn nói), mà vì họ đã tìm thấy ikigai đích thực. Họ chọn theo đuổi ikigai vì nó mang đến cho họ sự mãn nguyện, chứ không phải vì mục tiêu vật chất, địa vị hay sự tôn vinh từ xã hội.
Những người này không chỉ chia sẻ về ikigai của họ với chúng ta, mà còn chia sẻ cách để chúng ta tìm thấy ikigai của mình. Tôi hy vọng bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những câu chuyện này.
1. Rika Yajima
Nhà sáng lập công ty sản xuất sản phẩm truyền thống aeru Nhật Bản
Năm mười chín tuổi, niềm đam mê mãnh liệt với đồ thủ công truyền thống Nhật Bản của Rika Yajima đã đưa cô đi khắp nước Nhật trong vai trò ký giả của một chuyên mục trên tạp chí, và đây cũng là quãng thời gian cô xây dựng mạng lưới mối quan hệ với các nghệ nhân. Bốn năm sau, vào năm 2011, cô sáng lập công ty aeru, một thương hiệu chuyên về các sản phẩm truyền thống Nhật Bản dành cho trẻ em từ 0-6 tuổi. Cô đoạt Giải thưởng BEST của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.
Ikigai của cô là gì?
Ikigai của tôi là sống hoặc khao khát được sống trong một thế giới tươi đẹp. “Tươi đẹp” có thể mang nhiều nghĩa, đó có thể là sự thoải mái và hài hòa, cũng như vẻ đẹp về mặt nhãn quan hoặc cảm quan. Trong thế giới hiện đại, bất kỳ sản phẩm nào cũng phải tiện dụng, nhưng tôi muốn vượt lên sự hữu dụng đơn thuần và tạo ra những sản phẩm đẹp, thuận tiện và hữu ích. Bởi vì khi chuyển sang dùng những bộ chén đũa đẹp hơn, bạn sẽ ăn ngon miệng hơn. Đây là lý do tôi bị thu hút bởi thủ công truyền thống Nhật Bản và sáng lập công ty aeru. Tôi mong muốn được sống trong một thế giới đẹp, và tất cả những quyết định của tôi đều hướng đến việc biến mong muốn này trở thành sự thật. Đó chính là ikigai của tôi.
Ikigai mang lại cho cô và cuộc sống của cô điều gì?
Ikigai là điều khiến bạn cảm thấy biết ơn vì được sống. Nó song hành cùng những cảm xúc tích cực như phấn khích hay hạnh phúc. Ikigai của tôi là tạo ra một thế giới đẹp không chỉ cho bản thân mà còn cho cả xã hội, bao gồm cả những nghệ nhân mà tôi hợp tác cùng. Mục tiêu của ikigai không phải là sự đánh giá hay coi trọng của xã hội - hay chí ít thì đó không phải là xuất phát điểm của ikigai. Theo tôi, ikigai là điều bạn sẵn sàng làm dù không ai yêu cầu. Bạn làm chỉ đơn giản vì bạn muốn vậy. Nếu bạn theo đuổi điều đó và sau cùng nó lại có ích cho xã hội, bạn sẽ cảm nhận được ikigai rõ rệt. Một khi tìm thấy ikigai, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn.
Theo tôi, ikigai là điều bạn sẵn sàng làm dù không ai yêu cầu. Bạn làm đơn giản vì bạn muốn vậy.
Ikigai của cô có thay đổi theo thời gian không?
Ikigai của tôi không thay đổi bởi nó nằm ở cốt lõi của cuộc sống. Tôi nghĩ nó sẽ không bao giờ thay đổi. aeru là một cách tôi theo đuổi ikigai, nhưng tôi cũng theo đuổi nó cả trong cuộc sống thường ngày. Tôi chỉ mua những thứ mình cho là đẹp, và cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ, vì một món đồ dẫu đẹp đến đâu mà được đặt trong một căn phòng bừa bộn thì cũng chỉ là lãng phí. Mục tiêu cá nhân của tôi là sống trong một thế giới đẹp, và aeru là một cách để biến ước mơ đó thành hiện thực. Do đó, tôi đang sống theo ikigai của mình trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Có ikigai là tâm điểm, các hành động của tôi luôn nhất quán với nó. Không phải lúc nào tôi cũng làm được điều này một cách hoàn hảo, vì tôi cũng chỉ là con người bình thường, nhưng tôi sẽ vui vẻ nếu thực hiện được khoảng 80%. Bên cạnh đó, sự không hoàn hảo cũng có thể là một nét đẹp.
Ikigai có giúp ích cho cô trong lúc khó khăn không?
Giai đoạn khó khăn là những lúc chúng ta có thể mất phương hướng và đưa ra những quyết định sai lầm. Nhưng nếu sở hữu một tôn chỉ - mà trong trường hợp này là ikigai - bạn sẽ có khả năng đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nếu có những quyết định đi ngược lại ikigai, bạn sẽ đánh mất nó và nhận lấy hậu quả rất đáng thất vọng. Chúng ta tìm thấy ikigai bằng cách trung thực với cảm xúc của mình và lấy điều đó làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Khi sống đúng với ikigai ngay cả trong giai đoạn khó khăn, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn và thu về những kết quả tích cực.
Cô đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Khoảng sáu tháng trở lại đây tôi mới biết tóm tắt ikigai của mình trong vài từ đơn giản: được sống trong một thế giới đẹp. Mọi việc tôi từng làm luôn liên quan đến điều này, nhưng tôi đã sử dụng những cụm từ khác nhau để mô tả nó. Tôi tin rằng cách duy nhất để tìm thấy ikigai là liên tục đối thoại với bản thân. Tôi không bao giờ ngừng đặt câu hỏi cho mình, chẳng hạn như vì sao mình thích thứ này, hay tại sao việc này khiến mình dễ chịu hơn những việc khác. Ikigai không phải là thứ có được do rèn luyện, mà là thứ bạn phải đi tìm. Bạn có thể tìm thấy ikigai vì bạn có khả năng cảm nhận. Tôi nghĩ điểm mấu chốt là chúng ta phải để ý đến cảm xúc và tự hỏi tại sao mình cảm thấy như vậy. Nếu duy trì việc này, ta sẽ tìm thấy lý do của mình, và chúng sẽ dẫn ta đến với ikigai.
Tôi tin rằng cách duy nhất để tìm thấy ikigai là liên tục đối thoại với bản thân.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của cô?
Ikigai là một phần trong cuộc sống thường ngày của tôi, bao gồm cả công việc tại aeru, nơi chúng tôi khao khát tạo ra một thế giới đẹp hơn. Nhật Bản có rất nhiều công ty với lịch sử trăm năm. Lý do của sự trường tồn này bắt nguồn từ tư duy “sanpou yoshi” (tạm dịch: đôi bên cùng có lợi) được truyền qua các thế hệ. Từ thời Edo, các thương nhân Nhật Bản đã tin là mọi người - người bán, người mua và xã hội - đều có thể cùng hưởng lợi. Chúng tôi ra những quyết định kinh doanh dựa trên sanpou yoshi bởi chúng tôi tin đây là cách để tạo ra một thế giới đẹp. Tất cả quyết định của tôi trong cuộc sống, bao gồm cả những quyết định ở aeru, đều nhất quán với ikigai của tôi.
2. Ryuichiro Takeshita
Tổng biên tập của trang tin HuffPost Nhật Bản
Sau khi tốt nghiệp Đại học Keio ở Nhật Bản, Ryuichiro Takeshita trở thành nhà báo làm việc tại tòa soạn Asahi Shimbun. Sau một năm làm học giả thỉnh giảng ở Đại học Stanford, anh phụ trách phát triển kinh doanh công nghệ tại Asahi Shimbun. Anh trở thành tổng biên tập của HuffPost Nhật Bản vào tháng Năm năm 2016.
Ikigai của anh là gì?
Ikigai của tôi là kết nối các thế giới khác nhau. Trong vai trò tổng biên tập của HuffPost Nhật Bản, tôi theo đuổi ikigai bằng cách hợp nhất phương tiện truyền thông truyền thống và phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Công việc của tôi cũng liên quan đến việc kết nối các nền văn hóa khác nhau, cũng như kết nối giá trị của thế hệ già và thế hệ trẻ. Tôi không chỉ theo đuổi điều này trong công việc mà còn cả trong cuộc sống cá nhân, chẳng hạn như tôi đọc sách để hiểu các giá trị khác nhau và gặp gỡ những con người thuộc nhiều độ tuổi để tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa họ.
Ikigai đem lại cho anh và cuộc sống của anh điều gì?
Tôi nghĩ ikigai không có mối tương quan với tiền lương hay thù lao. Ikigai thúc đẩy bạn từ bên trong và là việc bạn làm vì niềm vui. Mọi hành động của tôi trong đời sống thường nhật đều kết nối với ikigai. Ví dụ, gần đây tôi có dạy một số học sinh trung học cách viết và biên tập truyện. Tôi đã dành tổng cộng khoảng hai mươi giờ cho dự án này. Thoạt nhìn thì đây có vẻ không phải một cách sử dụng thời gian hiệu quả, vì tôi không được trả lương và nó cũng không làm tăng lượng truy cập cho website của tôi, nhưng tôi tìm được ikigai trong đó. Tất cả những học sinh này đều đã bỏ học hoặc bị bắt nạt, và tôi cảm thấy cần phải sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình để dạy chúng cách thể hiện bản thân. Bằng cách này, chúng sẽ biết kết nối với xã hội, và đó chính là ikigai của tôi. Khi chúng ta theo đuổi ikigai nằm ngoài công việc được trả lương của mình, về dài hạn nó sẽ ảnh hưởng đến công việc đó. Cuối cùng tôi đã viết một bài về trải nghiệm dạy học của mình.
Ikigai của anh có thay đổi theo thời gian không?
Ikigai của tôi không thay đổi theo thời gian, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi biết định hình và diễn tả nó rõ ràng hơn. Tuy nhiên, về cơ bản, ikigai của tôi vẫn không thay đổi.
Anh đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Hồi khoảng chín hay mười tuổi, tôi sinh sống ở Mỹ. Cứ mỗi mùa hè tôi lại quay về Nhật học để không quên mất văn hóa và ngôn ngữ của quê hương. Có lần tôi đã quyết định quay một video về cuộc sống học đường tại Mỹ bằng cách nhờ bạn bè phát biểu trước máy quay. Tôi cũng thực hiện một video tương tự tại ngôi trường ở Nhật và khoe nó với bạn bè ở cả hai nước. Kết quả là bạn bè ở Nhật và ở Mỹ của tôi đã trở thành bạn qua thư của nhau, và điều đó khiến tôi rất vui. Đây không phải một bài tập về nhà hay một thứ được chấm điểm, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui khi kết nối hai nền văn hóa. Chính việc nhớ về thời thơ ấu đã giúp tôi nhận ra đây là ikigai của mình và tiếp tục theo đuổi nó cho đến hôm nay. Thay vì xem xét từ lúc bắt đầu sự nghiệp, bạn hãy ngẫm lại khoảng thời gian từ trước đó, rất có thể bạn sẽ tìm thấy các “manh mối” về ikigai của mình.
Ikigai có giúp ích cho anh trong lúc khó khăn không?
Có. Hiểu rõ ikigai của mình đã giúp tôi đưa ra được những quyết định mà nếu không có ikigai thì sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn như quyết định nghỉ việc ở Asahi Shimbun (một tòa soạn lớn) để chuyển sang trang tin HuffPost Nhật Bản vào tháng Năm năm 2016. Tại một tòa soạn uy tín như Asahi, người ta có xu hướng làm việc và gắn bó cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng khi biết ikigai của bản thân và tập trung vào nó, bạn sẽ nhận ra mình có thể theo đuổi nó không chỉ ở một công ty nhất định mà có thể ở bất kỳ đâu. Ikigai giúp bạn can đảm đưa ra những quyết định mang tính thay đổi cuộc đời bởi vì bạn biết điều gì quan trọng với mình. So với công việc cũ, bây giờ tôi được tự do hơn trong việc theo đuổi ikigai của mình, đó là kết nối các thế giới khác nhau.
Hiểu rõ ikigai của mình đã giúp tôi đưa ra được những quyết định mà nếu không có ikigai thì sẽ rất khó khăn.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của anh?
Bí quyết của tôi là kết hợp chặt chẽ ikigai vào công việc càng nhiều càng tốt, như việc dạy các học sinh trung học chẳng hạn. Bằng cách này, sự khác biệt giữa công việc và cuộc sống riêng sẽ thu hẹp và bạn không cần phải cố dành thời gian cho các hoạt động ngoài công việc nữa, bởi vì chúng đều liên quan đến nhau theo cách này hay cách khác.
Theo anh, người khác có thể tìm thấy ikigai bằng cách nào?
Nếu không thể tìm thấy ikigai, có lẽ bạn không nên cố tìm kiếm nữa. Tôi nghĩ ikigai là thứ mà ta tình cờ bắt gặp. Ta “va” vào nó và không thể không nhận ra nó.Ikigai là điều thuộc về nội tâm và bạn sẽ theo đuổi nó kể cả khi cả thế giới đều không thể hiểu nổi điều đó. Ikigai xuất phát từ bên trong chúng ta.
3. Haruka Mera
Nhà sáng lập Readyfor, trang web gây quỹ cộng đồng tại Nhật Bản
Sau khi tốt nghiệp Đại học Keio, Haruka Mera theo học Đại học Harvard. Vào tháng Ba năm 2011, khi trở về Nhật Bản, cô sáng lập trang web gây quỹ cộng đồng đầu tiên ở Nhật Bản mang tên Readyfor. Khi đó cô hai mươi ba tuổi. Cũng trong năm này, cô được xướng tên là một Global Shaper (3) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và là người Nhật trẻ tuổi nhất từng tham dự Cuộc họp thường niên của Diễn đàn này.
(3) Cộng đồng Global Shapers: một tổ chức thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi hội tụ những gương tiêu biểu trong độ tuổi 20-30 đã và đang có những đóng góp thiết thực cho xã hội, có tố chất lãnh đạo và nhiệt huyết xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Ikigai của cô là gì?
Ikigai của tôi là giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu của họ. Đối với tôi, ikigai là nhiệm vụ và trách nhiệm với xã hội, một việc mà tôi cảm thấy mình phải làm và phải hành động vì nó. Nó giúp tôi cảm thấy được sống và nó quyết định mọi hành động của tôi. Tôi đã sáng lập một trang web gây quỹ cộng đồng mang tên Readyfor khi hai mươi ba tuổi và tôi tìm thấy đam mê trong việc giúp đỡ những người khác biến ước mơ của họ thành hiện thực. Sứ mệnh này đã trở thành trọng tâm trong cuộc sống của tôi, và những thứ khác, bao gồm cả đời sống xã hội, đều kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với sứ mệnh này.
Ikigai đem lại cho cô và cuộc sống của cô điều gì?
Ý chí sống và lẽ sống.
Ikigai của cô có thay đổi theo thời gian không?
Ikigai của tôi không thay đổi kể từ khi sáng lập Readyfor. Có chăng là nó trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn mà thôi.
Ikigai có giúp ích cho cô trong lúc khó khăn không?
Ikigai là kim chỉ nam trong mọi quyết định của tôi. Cuộc sống có những khó khăn hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, nhưng đối với những khó khăn có thể kiểm soát được, việc biết về ikigai giúp tôi định rõ hành động và đón nhận những thử thách mới. Trước đây tôi cũng từng suy ngẫm về ikigai, nhưng tôi chỉ thật sự trăn trở về nó vào năm ngoái, lúc tôi bị chẩn đoán có khối u ác tính ở tuổi ba mươi. Trước đó, tôi chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về sự sống và cái chết bởi quá bận rộn theo đuổi sứ mệnh của mình. Khoảng thời gian dừng lại và ngẫm nghĩ một lần nữa khẳng định với tôi rằng ikigai liên quan mật thiết đến ý chí sống và những giá trị trong cuộc sống của tôi.
Cô đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Nhìn lại thời điểm sáng lập Readyfor, tôi nhận ra mình chưa từng muốn điều hành một công ty hay có ý định biến công việc trở thành ikigai. Mọi chuyện chỉ đơn giản bắt đầu khi tôi cảm nhận được yarigai (giá trị của hành động) trong việc giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu, và khi tôi tìm ra công cụ để thực hiện điều đó - đó là hoạt động gây quỹ cộng đồng. Vậy là tôi khám phá ra ikigai khi chọn một điều kích thích bản thân và bắt đầu hành động vì nó. Tôi đã dành hết thời gian để xây dựng Readyfor và mọi việc tôi làm đều là vì Readyfor. Tôi tin rằng thứ mà bạn không ngừng theo đuổi và gặt hái được kết quả sẽ trở thành ikigai của bạn. Nếu công việc bạn đang làm đáp ứng một nhu cầu nào đó trong xã hội, việc đó sẽ bền vững và trở thành vai trò của bạn trong xã hội, đồng thời cũng là ikigai của bạn.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của cô?
Với tôi, mọi thứ trong cuộc sống là một hệ sinh thái bao quanh sứ mệnh của tôi dành cho Readyfor. Bởi vậy, giữa công việc và cuộc sống riêng của tôi không có sự phân biệt rõ ràng. Chúng ta có nhiều cách để hoàn thành sứ mệnh, vì thế tôi thật sự muốn dành thời gian cho các hoạt động khác nhau. Hoạt động đó có thể đơn giản chỉ là đọc sách về cách quản lý. Thử thách tiếp theo của tôi là quản lý thời gian hiệu quả hơn và quan tâm đến sức khỏe của mình hơn. Tôi nghĩ việc có một giá trị cốt lõi, hoặc ikigai, sẽ giúp điều này khả thi.
4. Midori Sakano
Giám đốc sáng tạo của công ty sản xuất nước hoa Skylar
Midori Sakano học trung học và đại học tại Canada và Mỹ với tư cách là học sinh trao đổi. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Marshall, cô làm chuyên viên thiết kế tại một số công ty. Năm 2012, cô gia nhập The Honest Company từ giai đoạn mới thành lập và đóng góp vào sự phát triển của công ty này. Mới đây, cô nhận chức Giám đốc sáng tạo tại Skylar, một công ty chuyên về nước hoa tự nhiên. Midori đã có một cô con gái mười ba tháng tuổi tên là Māra.
Ikigai của chị là gì?
Từ khi Māra chào đời, bé đã trở thành ikigai của tôi. Nhưng trước đó (và cả hiện tại), ikigai của đời tôi là đặt ra mục tiêu cho bản thân và hoàn thành nó. Chẳng hạn như gần đây tôi đã nghỉ việc tại một công ty mà mình gắn bó suốt gần sáu năm để nhận vai trò mới, đó là giám đốc sáng tạo tại Skylar. Tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng bước lên nấc thang kế tiếp, thế nên tôi tìm kiếm cơ hội để thực hiện điều này. Cho dù có làm được hay không, việc đặt ra mục tiêu vẫn giúp tôi cải thiện bản thân. Thiếu ikigai, tôi sẽ không có động lực hay đam mê. Nhờ ikigai, tôi cảm thấy được sống và hạnh phúc khi được sống.
Ikigai đem lại cho chị và cuộc sống của chị điều gì?
Con gái là niềm vui lớn của tôi - một niềm hạnh phúc mà tôi từng nghĩ là không thể tìm được trên đời. Còn ikigai của tôi, tức là việc đặt ra và hoàn thành mục tiêu, lại đem đến cho tôi một kiểu niềm vui khác. Tôi nghĩ một phần sự phấn khích nằm ở việc cảm thấy bản thân liên tục phát triển, cũng như khám phá những điều mới mẻ về chính mình. Quá trình thử thách bản thân tiến bộ đôi khi đòi hỏi bạn phải thay đổi quan điểm của mình. Trong vai trò một nhà thiết kế, tôi thường xuyên làm điều này cả trong công việc. Nếu cách này không hiệu quả, hãy thử cách khác, và rồi chúng ta sẽ tìm thấy những điều mới mẻ.
Chị đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Tôi từng có một khoảng thời gian không muốn làm gì cả và chỉ muốn ngủ. Nhưng tôi nhận ra cách sử dụng thời gian (để không làm gì) đó sẽ chỉ khiến tôi thêm căng thẳng. Giai đoạn không có ikigai đã giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của việc có một mục tiêu để phấn đấu. Tôi cảm nhận được ikigai khi sáng tạo một thứ gì đó và thành quả của tôi được người khác trân trọng. Người Nhật có câu “Suki koso mono no jouzu nare”, nghĩa là tình yêu của bạn dành cho một việc nào đó sẽ quyết định mức độ tinh thông của bạn đối với việc đó. Để tìm được ikigai, hãy tìm việc bạn thích làm bằng cách chú ý đến cảm xúc của bản thân. Hãy tự hỏi “Tôi cảm thấy hào hứng và phấn khích nhất khi nào?”.
Ikigai của chị có thay đổi theo thời gian không?
Sự ra đời của con gái tôi rõ ràng là một thay đổi lớn. Nhưng ikigai của tôi - việc đặt ra và hoàn thành mục tiêu - thì luôn không đổi vì nó có thể phát triển cùng với tôi. Từ khi sinh con, tôi cảm thấy mình cần nỗ lực theo đuổi ikigai này hơn, không chỉ vì bản thân mà còn vì con nữa. Sau khi có con, cuộc sống của bạn sẽ tự động giảm đi tính linh hoạt. Tôi luôn ghi nhớ điều này, và thử thách kế tiếp tôi đặt ra cho mình là tiếp tục theo đuổi cả hai ikigai.
Ikigai có giúp ích cho chị trong lúc khó khăn không?
Việc tìm thấy ikigai giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn và thiếu động lực trong cuộc sống. Ikigai không phải thứ bạn tìm thấy trong một sớm một chiều, mà quan trọng là phải hành động. Dù muốn nằm ườn trên giường cả ngày, nhưng tôi vẫn ra ngoài và gặp gỡ mọi người để lấy cảm hứng. Đây là một việc mà tôi cố gắng làm thường xuyên. Ngoài ra tôi còn ghé thăm những địa điểm có chút mới lạ. Tôi nạp năng lượng sáng tạo cho mình bằng cách này. Hãy làm bất cứ việc gì truyền cảm hứng cho bạn, bất kỳ hành động nào cũng tốt hơn là không làm gì.
Ikigai không phải thứ bạn tìm thấy trong một sớm một chiều, mà quan trọng là phải hành động.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của chị?
Khi tôi mới có con, việc dành thời gian cho bất kỳ thứ gì khác cũng là một thử thách. Tôi đã cố gắng không gánh vác một mình mà nhờ đến sự hỗ trợ của chồng. Tôi cũng lên trước các kế hoạch để chắc chắn thực hiện được những điều mình muốn làm. Việc tăng sự tập trung để xử lý mọi việc trong thời gian ngắn hơn cũng rất quan trọng. Tất cả những gì bạn có thể làm là tận dụng mọi khoảng thời gian mình có.
5. Yuko Kaifu
Chủ tịch Japan House, Los Angeles
Sau khi làm việc trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Yuko Kaifu được chuyển sang Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Los Angeles vào năm 2001. Bà từng giữ chức Phó chủ tịch Quan hệ công chúng cấp cao tại Ngân hàng Union, đồng thời từng là Phó chủ tịch của Bảo tàng Quốc gia Mỹ-Nhật. Hiện tại, bà đang là Chủ tịch Japan House - trung tâm triển lãm văn hóa và nghệ thuật Nhật Bản - tại Los Angeles.
Ikigai của bà là gì?
Sau khi suy ngẫm nhiều về vấn đề này, tôi sẽ nói rằng công việc chính là ikigai của mình. Tôi không đơn giản nói đến phương tiện tài chính, mà nói đến cảm giác hài lòng và thỏa mãn thu được trong quá trình làm việc. Khi là Phó chủ tịch tại Bảo tàng Quốc gia Mỹ-Nhật, tôi cảm nhận được ikigai trong việc thu hẹp khoảng cách giữa người Mỹ gốc Nhật và nước Nhật. Hiện tại, trong vai trò Chủ tịch của Japan House tại Los Angeles, một dự án của Bộ Ngoại giao Nhật Bản với mục đích nâng cao hiểu biết và nhận thức sâu sắc về Nhật Bản cho cộng đồng quốc tế, tôi cảm thấy vui khi ngày càng có nhiều người quan tâm tìm hiểu nước Nhật.
Công việc không phải thứ duy nhất mang lại cảm giác mãn nguyện. Tôi thường được mời tham gia các sự kiện dành cho cộng đồng người Nhật và người Mỹ gốc Nhật. Đôi khi những sự kiện này liên quan trực tiếp đến công việc của tôi, nhưng đôi khi thì không. Tôi không thể rút bớt thời gian làm việc để đi dự những sự kiện này, nhưng nếu chúng diễn ra vào cuối tuần hoặc buổi tối thì tôi luôn cố gắng tham gia, cho dù phải hy sinh một buổi tối thư giãn ở nhà. Khi nhìn thấy gương mặt vui vẻ của những người ở đó, tôi có cảm giác được tưởng thưởng. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, tôi nghĩ động lực thúc đẩy tôi là cảm giác mình đang đóng góp cho mọi người và xã hội. Cho dù có mệt mỏi đến mức nào thì cảm giác này luôn giúp tôi tiến lên.
Ikigai đem lại cho bà và cuộc sống của bà điều gì?
Ikigai mang lại cho tôi sinh khí để tiến về phía trước. Thậm chí vào những thời kỳ tôi cực kỳ bận rộn, thường xuyên làm việc đến tận khuya và không có ngày nghỉ, ikigai cho tôi năng lượng để hoàn thành công việc. Mọi nỗ lực đều là xứng đáng bởi tôi biết mình đang sống đúng với niềm tin của mình và tạo ra sự khác biệt.
Ikigai mang lại cho tôi sinh khí để tiến về phía trước.
Bà đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Tôi nghĩ không có thời điểm cụ thể nào cả, mà trong suốt sự nghiệp của mình, mỗi lần thực hiện những bước thay đổi lớn về nghề nghiệp, tôi lại tái khám phá ikigai. Không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được ikigai ngay lập tức, mà trong mỗi công việc, ta sẽ mất một khoảng thời gian mới tìm ra nó. Ngẫm lại những gì mình đã làm và những đóng góp nhỏ mình có thể tạo ra, bạn sẽ khám phá được ikigai. Ikigai là điều bạn tìm thấy thông qua trải nghiệm.
Tôi không nghĩ người ta sẽ liên tục tự hỏi ikigai của mình là gì. Nhưng khi sống một cách trọn vẹn và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ có những trải nghiệm mang lại cảm xúc mãnh liệt hoặc cảm giác vui sướng. Tôi nghĩ chúng rất giống với cảm xúc về ikigai. Nếu có điều gì mang lại cho bạn những cảm xúc mạnh như vậy, thì đó có thể chính là điều sẽ đem đến cảm giác thỏa mãn, cảm giác của ikigai.
Ikigai của bà có thay đổi theo thời gian không?
Nền tảng ikigai của tôi không thay đổi. Ikigai của tôi bao gồm những điều nhỏ bé như được thấy người khác vui vẻ. Về cơ bản, tất cả công việc của tôi đều liên quan đến kết nối những thứ khác nhau. Nó có thể là kết nối suy nghĩ của mọi người hay kết nối hai nền văn hóa khác nhau. Tạo ra sự kết nối là điều cốt lõi trong mọi công việc của tôi.
Ikigai có giúp ích cho bà trong lúc khó khăn không?
Dự án Japan House là một sáng kiến rất mới. Chính phủ Nhật Bản chưa từng thực hiện bất kỳ ý tưởng nào tương tự, và các tổ chức khác cũng vậy. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải đối mặt với những thử thách mới và khó lường mỗi ngày. Nhưng ikigai và cảm giác mình có ích với người khác đã giúp tôi có những bước tiến trên hành trình này.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của bà?
Với tôi, ikigai chính là công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là làm việc nhiều hơn thì tôi sẽ hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ việc lùi một bước rất quan trọng. Chẳng hạn như hàng tuần tôi đều tập yoga và thỉnh thoảng đi du lịch qua đêm tại một thắng cảnh nào đó. Việc chủ động rời xa công việc giúp tôi nạp lại năng lượng và truyền cảm hứng để theo đuổi ikigai.
6. Dai Tamesue
Cựu vận động viên điền kinh, hiện đang là chủ tịch của Deportare Partners, doanh nghiệp chuyên về các dự án kết nối thể thao với công nghệ
Dai Tamesue, người Nhật đầu tiên giành huy chương tại Giải vô địch chạy nước rút thế giới, là người đang nắm giữ kỷ lục chạy vượt rào bốn trăm mét của Nhật Bản (tính đến thời điểm viết quyển sách này). Hiện tại anh là Chủ tịch của Deportare Partners, chuyên thực hiện các dự án kết nối thể thao và công nghệ. Anh cũng là tác giả của một số quyển sách về các chủ đề như triết lý điền kinh và quyết định bỏ cuộc một cách có ý thức.
Ikigai của anh là gì?
Tôi hạnh phúc nhất khi hiểu biết sâu về một điều gì đó, khi giúp người khác củng cố kiến thức hay quan điểm, và khi tìm thấy một khía cạnh mới của bản thân. Tôi tin rằng cách duy nhất để làm được điều này là gặp gỡ và tương tác với nhiều người. Tôi cũng thường xuyên đọc sách và dành thời gian để suy ngẫm về các cuộc gặp gỡ.
Ví dụ, trong ba năm sống ở San Diego, tôi kết thân với một cặp đôi đồng tính nam. Hồi đó, tình yêu đồng tính công khai là điều tương đối hiếm ở Nhật, và đây là những người bạn đồng tính đầu tiên của tôi. Khi quen biết họ, thế giới của tôi đột nhiên rộng lớn hơn. Nó khiến tôi thấy thế giới trước đây mình sống quá nhỏ bé. Tôi đã rất vui khi nhận ra điều này.
Cậu con trai ba tuổi cũng là một nguồn cảm hứng tuyệt vời đối với tôi. Tôi vẫn nhớ hồi thằng bé mới bắt đầu hiểu khái niệm lớn nhỏ. Khi nhìn các phép so sánh của thằng bé, tôi nhận ra nó chỉ so sánh những thứ cùng loại hoặc những thứ nó cho là cùng loại với nhau. Chẳng hạn, thằng bé sẽ so sánh kích thước của cha và mẹ, chứ không phải giữa cha và một ngọn núi. Bên cạnh những phân loại quá rõ ràng (giữa con người và thiên nhiên) giống như con trai tôi đã làm, có lẽ trong đầu tôi cũng đang có những phân loại riêng, khiến tôi không thể có cái nhìn đa chiều về các vấn đề. Việc nhận ra điều này đã giúp tôi mở rộng tầm mắt.
Ikigai của tôi là tiếp tục thay đổi nhận thức của mọi người, bao gồm cả chính mình. Đó là cách tôi tạo ra tác động và ảnh hưởng đến người khác, và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu có thể làm điều đó suốt đời.
Ikigai đem lại cho anh và cuộc sống của anh điều gì?
Rất nhiều vận động viên có chung động lực lớn là để lại một dấu ấn, hoặc di sản, chẳng hạn như xác lập một kỷ lục mới hay đơn giản được mọi người nhớ đến. Với tôi, điều đó không quá quan trọng. Tôi nghĩ ikigai sẽ giúp tôi không bao giờ buồn chán cho đến tận cuối đời. Có lẽ đó chính là hạnh phúc. Ta theo đuổi ikigai và đến một ngày nào đó, ta cứ thế mà thanh thản nhắm mắt xuôi tay. Ta sống mỗi ngày một cách trọn vẹn, lên giường ngủ khi cạn năng lượng vào cuối ngày, chìm vào giấc ngủ rồi sau đó thức dậy đón một ngày mới. Ikigai giúp tôi cảm thấy được sống và khiến cuộc sống có ý nghĩa.
Tôi nghĩ ikigai sẽ giúp tôi không bao giờ buồn chán cho đến tận cuối đời.
Anh đã khám phá ra ikigai của mình như thế nào?
Tôi khám phá ra ikigai vào thời điểm quyết định từ giã sự nghiệp vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng khác với những người nghỉ hưu bình thường, tôi vẫn còn trẻ và phải suy nghĩ về hướng đi tiếp theo. Lúc này, bạn thật sự phải tự vấn về những việc mình đã và đang làm, bởi chuyện gì rồi cũng kết thúc.
Ở thời điểm đó, rất nhiều lần tôi đã tự hỏi vì sao mình lại trở thành vận động viên. Có phải vì danh tiếng? Hay vì tiền? Và tôi tìm được hai yếu tố giúp tôi phấn chấn. Thứ nhất là sự thay đổi không ngừng của bản thân khi chạy điền kinh: mỗi ngày tôi lại là một con người khác với hôm qua. Thứ hai là được thấy màn thi đấu của mình có tác động đến người khác. Tôi nhận ra trong sự nghiệp vận động viên, điều tôi muốn làm chính là thay đổi hoặc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người khác, và có lẽ tôi sẽ làm một nghề tương tự trong chặng đường tiếp theo. Tôi còn tự hỏi liệu mình có muốn làm vậy dù đã có đủ tiền để sống hạnh phúc suốt đời hay không. Và câu trả lời là “có”, tôi vẫn muốn tiếp tục.
Khi nhìn lại cuộc đời mình, có lẽ khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là những lúc cảm xúc dâng trào. Ai cũng có thể nhớ lại ít nhất vài khoảnh khắc như vậy trong đời. Steve Jobs có một câu nói nổi tiếng, “Bạn không thể nối các điểm nếu nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể nối chúng khi nhìn lại đằng sau”. Tôi nghĩ điều này đúng với tầm nhìn hay phương hướng của cuộc đời, nhưng đích đến của ikigai lại là cảm giác hài lòng trong cuộc sống thường nhật. Thế nên hãy tự hỏi khoảnh khắc nào khiến bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc hoặc mãn nguyện. Hãy nhìn lại cuộc đời để tìm và kết nối những gợi ý, rất có thể điều đó sẽ giúp bạn biết ikigai của mình là gì.
Hãy tự hỏi khoảnh khắc nào khiến bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc hoặc mãn nguyện.
Ikigai của anh có thay đổi theo thời gian không?
Hồi còn trẻ, tôi thích nhận được sự công nhận từ mọi người. Mỗi ngày tôi đều hăng hái tập luyện, và đôi lúc nỗ lực được đền đáp, đôi lúc không. Nhưng vào giai đoạn nghỉ hưu ở tuổi ba mươi tư, tôi bị chấn thương và ngày càng khó đạt được các mục tiêu điền kinh của mình hơn. Đó chính là lúc quan điểm của tôi thay đổi - thay vì chỉ tập trung vào các mục tiêu, tôi chú ý đến những thay đổi nhỏ hơn mà mình tạo ra mỗi ngày. Có lẽ với tôi, nền tảng cơ bản của hạnh phúc không hề thay đổi.
Ikigai có giúp ích cho anh trong lúc khó khăn không?
Đối với vận động viên, cơ hội để nỗ lực được đền đáp đến mỗi năm một lần, hoặc mỗi năm bốn lần, tại các cuộc thi. Nếu bạn đang còn trẻ và tiến bộ mỗi ngày thì không sao, nhưng sẽ đến lúc bạn chạm đến giới hạn trần và cảm thấy bế tắc. Với tôi, giai đoạn này đến vào năm tôi hai mươi lăm hay hai mươi sáu tuổi. Như đã nói, đây là lúc tôi bắt đầu chú tâm đến những thay đổi thường nhật và những thành quả nho nhỏ thay vì mục tiêu lớn. Nếu bạn không làm được điều này, giai đoạn tuột dốc sẽ khó vượt qua hơn nhiều. Khi bạn không thể trèo cao hơn bằng cách nhìn lên đỉnh núi, hãy nhìn xuống con đường đang đi và bước từng bước một; giai đoạn khó khăn rồi sẽ kết thúc. Tôi không biết điều này có được gọi là ikigai không, nhưng với tôi, việc chú ý đến những cảm xúc hàng ngày hữu hiệu hơn việc dò ngược từ cái đích mà bạn nhắm đến.
Ikigai có vị trí như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của anh?
Khi có ikigai nằm ngoài công việc, bạn sẽ thấy một đặc điểm của nó là giúp bạn nhìn về phía trước; đó là thứ khiến bạn háo hức trông chờ ngày mai. Khi ngẫm lại và tự hỏi điều gì khiến mình hào hứng nhất, tôi nghĩ chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho những việc không mang lại hạnh phúc. Vì vậy với tôi, điều quan trọng là xác định việc gì làm bạn vui vẻ nhất và “chốt” nó vào thời gian biểu. Trong công việc, tôi không phạm vào khoảng thời gian này. Do quỹ thời gian cho những việc còn lại bị thu hẹp nên tôi khá bận rộn, nhưng khoảng thời gian riêng này giúp tôi có thể gặp gỡ những con người mới hoặc suy ngẫm đủ thứ trên đời. Đừng coi việc này là dành thời gian cho ikigai, mà hãy cứ ưu tiên cho nó. Theo đuổi ikigai nên là ưu tiên số một, vì ikigai là dưỡng chất cho cuộc sống.