Như chúng ta đã thảo luận ở phần trước, để trở thành một người làm inbound marketing hiệu quả, điều quan trọng là bạn phải tạo ra được nhiều nội dung đáng được chú ý. Viết blog là một cách tuyệt vời để thực hiện điều này.
Việc viết blog có ý nghĩa đối với nhiều loại hình doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, một trang blog sẽ giúp định hình công ty của bạn như là một người dẫn đầu tư tưởng trong thị trường. Thứ hai, do blog có tính năng động và bạn thường xuyên tạo ra nội dung mới, nên blog sẽ giúp chuyển trang web của bạn từ một brochure trực tuyến trở thành một cái hub sống động trong thị trường của bạn. Thứ ba, trang blog giúp khách hàng tiềm năng của bạn trở nên gắn kết với bạn hơn so với việc họ phải nghe bài giới thiệu bán hàng vội vội vàng vàng; bằng cách trò chuyện với khách hàng tiềm năng thông qua trang blog, bạn xây dựng niềm tin theo thời gian, để khi bạn thực sự nói chuyện với họ về sản phẩm và dịch vụ của mình, thì họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bạn. Thứ tư, trang blog sẽ cải thiện đáng kể thứ hạng của bạn trên các công cụ tìm kiếm; trang blog là một cách tuyệt vời để tạo ra nhiều trang hơn trên web của bạn (mỗi bài viết là một trang), càng nhiều trang có trên Google, trang web của bạn hiển thị càng nhiều trên các trang kết quả công cụ tìm kiếm (SERP) đối với hàng tá từ khóa. Và, bởi vì các công cụ tìm kiếm muốn hiển thị các trang có liên kết với nhau, nên blog sẽ hỗ trợ các kết quả công cụ tìm kiếm của bạn bởi vì các blogger có xu hướng thích liên kết đến một bài viết ngành nghề nổi bật trên blog của bạn hơn là liên kết đến trang sản phẩm trên trang web của bạn. Càng có nhiều liên kết inbound dẫn đến trang web của bạn, càng có nhiều lượt truy cập đến trang web đó và Google càng xem trang web của bạn như là một “cái hub đáng tin cậy” – do đó trang web của bạn càng được xếp hạng cao hơn trong SERP.
Bắt tay tạo trang blog cho chính mình ngay
Có nhiều nền tảng và công cụ viết blog giúp bạn thiết lập trang blog một cách nhanh chóng. Phổ biến nhất trong số này là trang WordPress.com.
Tuy nhiên, cho dù bạn chọn nền tảng nào đi nữa, điều bắt buộc là blog của bạn được lưu trữ với tên miền của riêng bạn, chứ không phải dựa trên nền tảng của nhà cung cấp (theo đó địa chỉ trang web của bạn giống như mygreatsite.wordpress.com). Sử dụng tên miền WordPress cũng tốt thôi, nhưng sẽ có vấn đề với việc lưu trữ dưới tên miền của họ– nghĩa là bạn đang xây dựng quyền tìm kiếm cho tên miền WordPress.com chứ không phải cho công ty của bạn. Chúng tôi khuyên bạn nên có địa chỉ blog (hoặc URL) của riêng mình ở dạng yourcompany.com/blog hoặc blog.yourcompany.com (trong kỹ thuật gọi là tên miền con). Hầu hết các công cụ viết blog miễn phí đều cho phép bạn thiết lập tên miền của riêng bạn (thường là với một khoản phí hàng năm rất nhỏ).
Một phương án khác là đặt tên cho trang blog của bạn dựa trên chủ đề chứ không phải là doanh nghiệp của bạn. Sau đó bạn sẽ đăng ký một tên miền mới cho trang blog và đặt blog của bạn ở đó. Tuy nhiên, tạo tên miền riêng cho blog có thể khó khăn một chút nếu tài chính và/hoặc nguồn nhân lực của bạn eo hẹp, vì việc quản lý thương hiệu thứ hai và riêng biệt này cũng là một công việc khá tốn kém. Bạn cũng tạo lập độ uy tín SEO (chúng ta sẽ nói đến việc này trong chương 6) cho cả hai tên miền.
Một điều bạn sẽ muốn làm với blog của mình là đảm bảo rằng mọi người có thể để lại bình luận và đăng ký nhận thông tin về blog của bạn thông qua RSS và e-mail (Đúng thế, có nhiều người muốn được thông báo về các bài viết mới trên blog thông qua e-mail).
Tạo các bài viết hiệu quả
Bây giờ bạn đã thiết lập xong trang blog, hãy bắt tay vào viết thôi.
Để có một trang blog thành công mà mọi người đều mong đợi để đọc, chúng tôi khuyên bạn nên tập trung đăng trên blog các bài viết về ngành nghề của bạn. Ví dụ, nếu bạn làm việc trong lĩnh vực phần mềm bảo mật, chúng tôi khuyên bạn nên viết về phần mềm bảo mật và không sa đà vào những thứ khác kể cả những bài viết về các chuyến đi trượt tuyết vào cuối tuần, về chương trình thành viên ở Red Sox Nation, về hình ảnh con cái của bạn, hoặc là bộ sưu tập tiền xu của bạn. Các bài viết có thể có độ dài khác nhau – chúng tôi thấy cả bài viết ngắn và dài đều thành công. Điều quan trọng là làm cho các bài viết trở nên hữu ích.
Bạn nên viết cái gì? Bất cứ cái gì có liên quan đến lĩnh vực của bạn và điều đó sẽ được người đọc quan tâm: các bài hướng dẫn, phân tích xu hướng hoặc thách thức, thông báo về các sự kiện sắp tới, phản hồi về các bài viết mà bạn đã đọc được trong các tài liệu xuất bản ở dạng in ấn…
Ngoài các bài viết mang tính thông tin, bạn có thể kể đến nhiều thông tin khác – kết hợp mọi thứ một cách độc đáo cho độc giả của bạn. Cung cấp cho độc giả danh sách liên kết tới 5 hoặc 10 bài viết có liên quan khác mà bạn đã đọc trong thời gian gần đây, hoặc các video mà bạn đã xem. Dựa trên bài viết của một blogger khác, bạn hãy thảo luận thêm dưới góc nhìn của riêng bạn hoặc không đồng ý với một blogger nào đó – đây cũng là một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý từ những blogger hàng đầu trong cùng lĩnh vực với bạn. Đa dạng hóa bài viết trên blog bằng cách thêm video – nhúng các liên kết tới các video có sẵn trên YouTube hoặc mở máy quay video và tự mình quay lại một chủ đề nóng trong ngành, nhưng nhớ ngắn gọn – tối đa không quá 2 - 3 phút! Tạo phim hoạt hình hoặc tranh biếm họa về những điều xảy ra trong ngành nghề của bạn. Để có nguồn cảm hứng, hãy xem các hình vẽ hài hước vào ngày Chủ nhật trên New York Times về cách họ nhại lại các chính trị gia, và sau đó tìm một họa sĩ có thể tạo ra một thứ tương tự cho lĩnh vực của bạn. Mua tạp chí New Yorker, xem hình vẽ, và cố gắng tìm một ai đó để tạo ra những nhân vật hài hước tương tự về chính ngành nghề của bạn.
Để đưa ra những ý tưởng tốt, nhất quán cho blog, bạn cần tìm xem mình làm việc tốt nhất theo cách thức nào. Ví dụ, Brian có xu hướng có được những ý tưởng tốt nhất vào sáng thứ Bảy sau một giấc ngủ ngon, nhưng Dharmesh thì tìm được ý tưởng tốt vào bất cứ lúc nào. Để theo đuổi những ý tưởng, hãy mang theo sổ ghi chép và bút bên mình, hoặc sử dụng thiết bị di động để lưu lại. Ví dụ, Brian thích tự gởi e-mail cho chính mình trên iPhone để ghi lại các ý tưởng mới cho blog. Tuy nhiên, cách tốt nhất để tìm kiếm ý tưởng, là học hỏi từ các blogger khác bằng cách đọc các trang blog của họ.
Ngoài nội dung blog tự viết, bạn sẽ muốn mời những người khác viết bài cho blog của bạn, bao gồm các giáo sư trong nước quan tâm đến lĩnh vực của bạn, những khách hàng có cái nhìn sâu sắc, nhà phân tích và các blogger khác cùng ngành. Những bài viết của khách đăng trên blog của bạn rất có ý nghĩa vì một vài lý do sau đây: Họ giới thiệu công ty của bạn với những người dẫn đầu trong lĩnh vực của bạn – những người sẽ cảm thấy được tôn vinh bởi lời mời của bạn, trao cho bạn cơ hội tạo dựng sự cam kết với họ một cách sâu sắc hơn so với khi bạn chỉ gọi điện cho họ như một khách hàng tiềm năng; những bài viết của khách làm giảm tải gánh nặng sáng tạo nội dung cho bạn; và họ mang đến cho bạn đọc của bạn nhiều ý tưởng hơn – điều này (hy vọng rằng) giúp củng cố tuyên bố giá trị đáng được chú ý của bạn. Còn đối với các blogger khách mời, kết quả dành cho họ là họ được tiếp cận thêm một lượng bạn đọc mới và nhận được một liên kết trở lại từ blog của bạn đến blog của họ. Trong một số trường hợp, nếu các blogger khách mời thực sự nổi tiếng, bạn cũng nên nghĩ đến việc trả cho họ một khoản tiền để đền đáp cho những nỗ lực của họ.
Khi bạn yêu cầu ai đó trở thành một người viết với tư cách khách mời, bạn có thể phải “hối thúc” họ, bởi vì mọi người đều bận rộn và không phải lúc nào cũng có thời gian để viết một bài viết mới (đặc biệt nếu họ là những blogger tự mình viết nhiều!). Để giúp mọi người phát triển nội dung cho blog, bạn có thể sử dụng các chiến thuật sau: Gửi cho họ những câu hỏi phỏng vấn qua e-mail để họ phản hồi, và sau đó bạn dán nội dung này vào bài viết; hoặc mua một máy quay video và tự ghi lại cuộc phỏng vấn các khách mời – có thể khá thú vị khi giả vờ làm Charlie Rose hoặc Anderson Cooper trong một giờ đồng hồ.
Các blogger mới thường cảm thấy lo lắng về mức độ thường xuyên mà họ cần phải viết. Theo quy tắc chung, chúng tôi khuyên bạn nên viết tối thiểu một lần mỗi tuần. Nếu bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ phải tự mình thực hiện việc này. Nếu bạn làm việc cho một công ty hoặc cho đối tác lớn hơn, chúng tôi khuyên bạn nên phân chia công việc cho nhiều người khác trong công ty. Ví dụ, trong một công ty phần mềm bảo mật, CEO, CTO, giám đốc sản phẩm và kỹ sư ứng dụng có thể luân phiên hàng tuần – mỗi người viết một bài mỗi tháng. Hiệu quả của sự phân chia công việc cho nhiều người là nó làm giảm khối lượng công việc cho bạn, và nó cho phép tiếp cận đến các “ngôi sao đang lên” trong tổ chức, những người rất thích thú với trách nhiệm này.
Trên hết, hãy đảm bảo cho bài viết của bạn đáng được chú ý!
Hỗ trợ cho Google giúp bạn
Chúng ta sẽ thảo luận về việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) trong chương 6, nhưng nó đáng được đề cập ngắn gọn ngay bây giờ trong bối cảnh làm thế nào để bạn viết các bài viết trên trang blog của mình.
Đối với SEO, phần quan trọng nhất trong bài viết của bạn là tiêu đề. Mỗi bài viết riêng lẻ là một trang riêng lẻ nằm trong chỉ mục của Google để mọi người tìm thấy khi họ tìm kiếm trên Google. Khi Google khớp giữa những gì đang được tìm kiếm với tất cả các trang trong chỉ mục của nó, thì một trong những điều quan trọng nhất mà nó cố gắng làm là khớp giữa tiêu đề bài viết với cụm từ đang được tìm kiếm. Nếu bạn muốn bài viết của mình xếp hạng nhất cho cụm từ “mỏ lết tay trái” trên Google, thì tiêu đề bài viết của bạn phải có chứa cụm từ đó. Việc có cụm từ khóa trong tiêu đề bài viết rất hữu ích dù việc này không đảm bảo cho bài viết của bạn được xếp hạng tốt.
Trong nội dung bài viết của bạn, hãy tìm các cụm từ khóa quan trọng mô tả lĩnh vực của bạn và biến chúng thành các siêu liên kết. Các nhà kỹ thuật gọi những từ mà bạn có thể nhấp vào là “văn bản neo”. Ví dụ, nếu trong văn bản bài viết của bạn có cụm từ “phần mềm bảo mật tốt nhất thế giới”, thì bạn nên đặt cụm từ đó thành một liên kết dẫn đến trang chủ của bạn hoặc dẫn đến một bài viết tuyệt vời khác trên blog (cũng đề cập đến nội dung đó) của bạn. Những từ mà Google và các công cụ tìm kiếm khác thấy trong các siêu liên kết giúp chúng hiểu được sự liên quan của trang mà bạn đang liên kết đến.
Nếu bạn đã là một blogger, chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu một dự án nơi bạn xem xét tất cả các bài viết ở blog cũ của mình và làm lại các tiêu đề bao gồm các từ khóa ngành, cũng như tìm những cơ hội để tạo liên kết từ các bài viết cũ đến trang web hoặc những bài viết của mình.
Làm cho bài viết của bạn được lan truyền
Nếu bạn muốn các bài viết của bạn được đọc và được lan truyền, bạn cần phải thực sự giỏi trong việc tạo ra các tiêu đề bài viết hấp dẫn. Nhiều chuyên gia copywriting khuyên bạn nên dành một nửa thời gian để viết bài và một nửa thời gian còn lại để viết một tiêu đề hấp dẫn.
Tại sao tiêu đề lại quan trọng như vậy? Vâng, hầu hết mọi người sẽ tìm kiếm bài viết của bạn thông qua hộp thư e-mail của họ, qua công cụ tìm kiếm hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta đang sống trong một xã hội, nơi mà mọi người bị quá tải thông tin, vì vậy bài viết của bạn cần thu hút sự chú ý của họ trong nửa giây đầu tiên. Hãy suy nghĩ về cách thức và lý do khiến bạn nhấp vào xem các bài viết – đó thường là vì dòng tiêu đề khiến bạn chú ý. Ví dụ, khi bạn xem màn hình của Google với 10 kết quả, có khi nào bạn nhấp vào tất cả 10 kết quả hay chỉ là kết quả đầu tiên lọt vào mắt mình? Khi lướt Facebook, bạn có luôn nhấp vào liên kết của ai đó hay bạn chỉ lướt qua tiêu đề đầu tiên và chỉ nhấp vào tiêu đề đó nếu nó thực sự thu hút sự chú ý của bạn? (Xem Hình 5.1)
Hãy nhớ rằng, bài viết của bạn đang cạnh tranh với hàng trăm thông tin khác, vì vậy tiêu đề cần phải ở mức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Dưới đây là những tiêu đề của một số bài viết trên blog mà chúng tôi đã lan truyền:
8 Marketing Tips from an Olympic Gold Medalist (tạm dịch: 8 lời khuyên về marketing từ người nhận được huy chương vàng Olympic)
10 Leadership Lessons from Don Corleone (tạm dịch: 10 bài học lãnh đạo từ Don Corleone)
Steve Jobs and Guy Kawasaki – PowerPoint Best Practices (tạm dịch: Steve Jobs và Guy Kawasaki – Các phương pháp hay nhất về PowerPoint)
7 Signs You Should Run Screaming from an SEO Consultant (tạm dịch: 7 dấu hiệu bạn nên chạy Screaming từ một tư vấn SEO)
How to Convince a CEO to Enter Twenty-First Century Internet Marketing (tạm dịch: Làm thế nào để thuyết phục một giám đốc điều hành tiến hành marketing Internet thế kỷ 21)
12 Quick Tips to Search Google Like an Expert (tạm dịch: 12 mẹo nhanh để tìm kiếm trên Google như một chuyên gia )
Hình 5.1 Hộp thư đến quá tải
Những bài viết này đã lan truyền nhanh chóng bởi vì nhiều bài trong đấy có con số liệt kê – vì một số lý do nào đó mà người ta thích những con số liệt kê (ví dụ, 7 lý do hàng đầu [khoảng trống] sẽ bị chết yểu trong 10 năm tới), vì vậy bạn cũng có thể sử dụng nó như lợi thế của mình. Các bài báo cũng đã lan truyền nhanh vì chúng có tựa đề đề cập đến các công ty nổi tiếng (như Google) hoặc những người nổi tiếng (như Don Corleone) – các bài viết dạng này có xu hướng làm tốt hơn những bài viết không có. Hãy suy nghĩ về các tạp chí tại quầy hàng tạp hóa: Các tiêu đề thu hút được sự chú ý của chúng ta bởi vì chúng thét ra các “tin tức” vượt trội nhất.
Đẩy mạnh bài viết của bạn
Giờ đây, khi bạn đã dành thời gian để viết một bài viết hay với một tiêu đề tuyệt vời, bạn sẽ muốn marketing nó để hầu hết mọi người đều có cơ hội đọc. Twitter, Facebook và LinkedIn đều có một biểu mẫu nhỏ cho phép bạn đăng “cập nhật trạng thái” để chia sẻ với bạn bè và người theo dõi của bạn. Bạn có thể đăng liên kết tới bài viết của mình trên từng mạng xã hội này và khuyến khích người đọc chia sẻ nó. Chúng tôi cũng khuyên bạn nên khuyến khích người dùng của bạn trên vô số các trang web dùng cho việc đánh dấu (bookmarking) như Reddit, StumbleUpon… để họ giúp bạn đăng bài viết và bỏ phiếu cho bài viết của bạn bằng cách đưa ra những biểu tượng có liên quan này trên trang web của mình. Nếu blog của bạn viết về mỏ lết tay trái, nó có thể vô nghĩa khi có icon dẫn đến Digg hoặc Reddit, nhưng sẽ có ý nghĩa nếu đặt icon của Twitter, Facebook, LinkedIn và StumbleUpon.
Nhiều lĩnh vực sở hữu các trang web đánh dấu trang xã hội của riêng họ và/hoặc các diễn đàn thảo luận (như nhóm LinkedIn). Đối với lĩnh vực của mình, bạn sẽ muốn tìm hiểu các diễn đàn này và đảm bảo rằng bạn đăng các bài viết hay của mình ở đây để những người khác cũng có thể vào nhận xét.
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu với trang blog của mình và không có bất kỳ người theo dõi nào, chúng tôi khuyên bạn nên gửi link bài viết của bạn đến một nhóm nhỏ (qua e-mail cá nhân) có thể quan tâm đến bài viết. e-mail của bạn nên chứa một liên kết đến bài viết và yêu cầu mọi người chuyển tiếp nó, nhận xét về nó, đăng lên trang mạng xã hội ưa thích của họ và đăng ký blog nếu họ thích nó. Việc này rất dễ lỗi thời, vì vậy chỉ nên vận dụng chiến thuật này với các bài báo đặc biệt và chỉ khi bạn mới bắt đầu.
Bắt đầu cuộc trò chuyện với những bình luận
Bạn nên khuyến khích độc giả để lại lời bình luận, đặc biệt nếu họ không đồng ý với bạn. Khi độc giả truy cập vào bài viết trên blog của bạn và thấy nhiều nhận xét, họ cho rằng bài viết có nội dung tốt và có nhiều khả năng sẽ đọc bài viết cũng như tham gia vào cuộc trò chuyện qua phần nhận xét bài viết. Nếu bạn không yêu cầu người đọc nhận xét, họ sẽ ít khi làm điều này. Lời kêu gọi hành động ở cuối mỗi bài viết trên blog phải nêu rõ điều gì đó, kiểu như “Hãy cho tôi biết suy nghĩ của bạn trong phần bình luận bên dưới bài viết”.
Khi lần đầu tiên viết blog, bạn có thể bối rối khi nghĩ rằng những người khác có thể công khai bình luận về suy nghĩ, sản phẩm, thị trường của bạn… Tuy nhiên, thực sự khá hiếm trường hợp khách hàng không hài lòng hay một đối thủ cạnh tranh để lại những bình luận hoang đường trên blog của bạn. Nếu họ làm như vậy, chúng tôi khuyên bạn nên để những nhận xét đó lại, vì chúng mang đến cho bạn cơ hội công khai xử lý các phản đối và thể hiện những kỹ năng về dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với ý kiến đó, hầu như tất cả các hệ thống viết blog ngày nay đều cho bạn quyền xóa bình luận sau khi đăng.
Đừng để bị cám dỗ với việc sử dụng tính năng kiểm duyệt bình luận của blog (kiểm duyệt bình luận cho phép bạn phê duyệt các ý kiến trước khi bạn đồng ý cho chúng xuất hiện trên blog), vì tính năng kiểm duyệt bình luận chỉ gây cản trở mọi người thực hiện các cuộc hội thoại có ý nghĩa. Kiểm duyệt bình luận cũng không khuyến khích người đọc tích cực của bạn nhận xét về các bài viết sau này. Tương tự, chúng tôi khuyên bạn cũng không nên tắt đi chức năng bình luận trên trang blog.
Hầu hết các hệ thống viết blog sẽ gửi cho bạn một e-mail để bạn có thể trả lời nhanh chóng khi ai đó để lại bình luận. Nếu ai đó đã dành thời gian để lại cho bạn một bình luận (thường có dạng câu hỏi), hãy trả lời bình luận cho họ để có một cuộc thảo luận diễn ra trên trang web của bạn. Các cuộc thảo luận này sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng chất lượng hơn so với trang sản phẩm trên trang web của bạn!
Tại sao đôi khi các trang blog lại thất bại
Các lý do thường gặp nhất khiến các blog không thành công là do tác giả hoặc công ty viết blog quá đề cao sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Nếu bạn muốn phần blog biến trang web của mình trở thành một cái hub trong lĩnh vực của bạn, thì đừng chỉ chăm chăm quảng cáo sản phẩm. Ý tưởng là tạo sự thu hút cho lĩnh vực của bạn bằng nội dung hữu ích, thông minh với hy vọng rằng những khách hàng tiềm năng sẽ tự sắp xếp các thông tin lại với nhau, họ thấy bạn là người chu đáo nhất trong lĩnh vực này và cuối cùng họ sẽ chọn mua hàng từ bạn.
Món quà được liên tục trao tặng
Các trang blog gần như không bao giờ có được thành công chỉ qua một đêm – thành công được gầy dựng theo thời gian. Mỗi khi bạn viết một bài viết mà có được liên kết từ các trang web khác, thì bài viết đó luôn có thể được tìm thấy bởi những người duyệt web trên các trang web khác. Tương tự, bài viết cũng luôn có thể được tìm thấy bởi những người tìm kiếm trên Google cho các cụm từ tìm kiếm khác nhau. Bài viết đó cũng có thể thu hút khách truy cập – những người có thể đăng ký theo dõi blog của bạn. Điều tuyệt vời về bài viết trên blog đó là trang mà Google đang xếp hạng, những liên kết và người đăng ký đều là tài sản bền vững. Mỗi một bài bạn viết ra sẽ mãi mãi mang đến giá trị cho bạn. Khi bạn viết bài thứ hai, điều tương tự cũng xảy ra. Và cứ thế. Mỗi trang blog là một tài sản mang lại giá trị bền vững theo thời gian.
Nếu bạn dành công sức và tiền bạc cho việc quảng cáo trong tháng này, bạn sẽ nhận được một lượng truy cập từ đó, nhưng bạn sẽ phải trả tiền một lần nữa vào tháng tới để nhận được nhiều lượt truy cập hơn. Bài viết trên blog mang lại giá trị tương đối bền vững.
Bởi vì lợi ích tích lũy theo thời gian và phi tuyến tính, nên đôi khi người ta dễ dàng từ bỏ sau một vài bài viết. Lời khuyên của chúng tôi là hãy gắn bó với nó.
Đọc nội dung bằng RSS
Giờ đây, chúng ta đã đi qua phần làm thế nào để sản xuất nội dung trên trang blog của bạn, hãy chuyển sự chú ý về cách thu hút khách hàng tiềm năng trên các blog khác cùng ngành. Điều này có thể thực hiện được cho dù bạn có hay không có blog!
Bước đầu tiên là tìm một trình đọc RSS tốt, một công cụ cần thiết cho người làm inbound marketing, vì nó cung cấp cho bạn khả năng theo dõi nhiều trang blog liên quan mà không phải xem lại chúng thường xuyên để xem các bài viết mới đã được đăng hay chưa. Điều này là tương đối quan trọng vì bạn phải cập nhật nội dung mới xuất hiện, như chúng tôi sẽ mô tả nhiều hơn trong phần về bình luận.
Có nhiều chương trình đọc RSS để bạn chọn lựa, nhưng chúng tôi khuyên bạn chọn Feedly. Nó hoàn toàn miễn phí và chạy trên nền tảng web, không cần phải download về máy tính. Để đăng ký, hãy truy cập tại địa chỉ http://feedly.com. Khi một bài viết mới có sẵn trên blog mà bạn đăng ký, blog đó sẽ được đánh dấu bằng chữ in đậm trong trình đọc tin tức của bạn. Trình đọc RSS hoạt động giống như một hộp thư e-mail song song và nó có các bài viết liên quan từ các trang web yêu thích của bạn ngay khi bài viết được xuất bản.
Đăng ký các trang blog liên quan trong ngành
Truy cập công cụ tìm kiếm blog của Google và nhập cụm từ hoặc từ viết tắt mô tả tốt nhất về ngành nghề của bạn. Bắt đầu nhấp vào những trang hấp dẫn và đăng ký chúng với trình đọc RSS của mình.
Nếu chỉ có một vài blog trong ngành nghề của bạn, hãy đăng ký tất cả những trang blog này. Nếu bạn tìm thấy hàng ngàn blog, hãy sử dụng grader.com để xác định blog nào có chất lượng thu hút người dùng và blog nào thì không.
Một trang web có điểm cao (ví dụ, > 90) nghĩa là blogger có rất nhiều người theo dõi và có độ tin cậy cao, vì vậy việc tham gia vào blog này sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn so với việc tương tác với một blogger ít được biết đến. Hãy suy nghĩ về quá trình này như thể bạn là một con sư tử đang săn voi (ở đây ý nói là những khách hàng). Bạn cần phải tạo ra những vũng nước (blog), nơi hầu hết những con voi đến uống nước và tắm.
Đóng góp cho cuộc hội thoại
Khi bạn đã đăng ký các blog liên quan và có uy tín trong ngành nghề của bạn, hãy đọc chúng như một phần công việc tiêu chuẩn hàng ngày. Mỗi buổi sáng khi bạn nhận được tách cà phê, hãy mở trình đọc RSS trong 20 phút trong khi bạn khởi tạo năng lượng trong mình! Đọc các bài viết thông qua trình đọc RSS giống như đọc một tờ báo, nhưng hiệu quả hơn nhiều. Nhanh chóng đọc lướt qua các tiêu đề để tìm kiếm nội dung thú vị và đi sâu vào cái thu hút sự chú ý của bạn. Một cách tốt để có được thói quen này là dừng việc đăng ký nhận báo in hàng ngày và bắt đầu dành buổi sáng để có lượng tin tức thông qua RSS.
Khi bạn thấy một bài viết liên quan đến doanh nghiệp của mình, hãy để lại một bình luận – một ý kiến mở rộng ý nghĩ của tác giả theo hướng có ý nghĩa, có lẽ bằng một ví dụ hoàn hảo. Một nhận xét có ý nghĩa cũng có thể thể hiện sự không đồng ý với bài viết của tác giả, miễn là nó đáng tin cậy. Các blogger có xu hướng thích thú với những bình luận mang tính phản đối bởi vì nó thu hút nhiều người hơn. Một bình luận có ý nghĩa không phải là một bình luận với cụm từ “bài viết tuyệt vời”, cũng không phải là một quảng cáo trắng trợn về sản phẩm của công ty bạn như “Hãy ghé thăm www.yourcompany.com”. Khi để lại lời bình luận, chúng tôi khuyên bạn nên ghi vào các trường chuẩn về họ tên, e-mail, trang web và bình luận. Một khi bình luận của bạn được đăng, địa chỉ trang web của bạn sẽ tự động hiển thị, vì vậy không cần phải nhập lại nó trong chính nội dung bình luận đó.
Tại sao bạn muốn đăng bình luận? Bởi vì hai lý do sau đây:
Trước tiên, bạn muốn tác giả của blog chú ý và đánh giá cao nhận xét của bạn và sau đó dạo qua trang web (hoặc blog) của bạn để xem. Nếu tác giả làm điều này nhiều hơn một lần và nhận ra đề xuất giá trị của bạn đáng được chú ý, người đó thường sẽ quyết định viết về các dịch vụ của bạn và liên kết đến trang web của bạn. Liên kết này mang lại cho trang web của bạn nhiều uy tín hơn trong mắt của Google – giúp trang web của bạn tăng xếp hạng đối với các từ khóa có liên quan.
Thứ hai, việc bình luận trên các trang blog sẽ cho bạn có được những lượng truy cập có liên quan. Nếu người đọc blog đánh giá cao nhận xét của bạn, họ sẽ thường xuyên nhấp vào blog hoặc trang web của bạn – do đó sẽ mang lại cho bạn khách hàng tiềm năng. Hãy nhớ rằng trang blog càng có uy tín (dựa trên grader.com), càng có liên quan thì nó càng có nhiều độc giả – những người, theo mong đợi, sẽ nhấp vào và đọc trang web của bạn.
Lý do chúng tôi ủng hộ bạn đọc nội dung blog thông qua trình đọc RSS là vì tính kịp thời. Nếu trang blog mà bạn đăng bình luận là một blog rất phổ biến, thì quả thật nó sẽ có nhiều bình luận được đăng lên đó sau khi bài viết xuất hiện trực tuyến. Nếu bạn là người đăng bình luận thứ 15, khả năng bạn được tìm thấy bởi độc giả đang đọc quét qua các bình luận sẽ bị giảm sút. Bạn sẽ cần phải trở thành một trong những người đầu tiên bình luận.
Hình minh họa 5.2 Tổng số người theo dõi
Theo dõi tiến độ của bạn
Bạn có thể theo dõi một số chỉ số để xác định sự thành công cho blog của bạn. Đầu tiên, hãy đo số lượng người đăng ký theo thời gian (blog + e-mail) (xem Hình 5.2).
Tiếp theo, theo dõi số lượng khách truy cập vào trang blog của bạn (blog.yourcompany.com) theo thời gian, số lượng khách hàng tiềm năng theo thời gian đến từ blog của bạn và số lượng khách hàng mới mà bạn đã đăng ký – những người tìm thấy bạn bắt nguồn từ blog của bạn (xem Hình 5.3). Bạn nên đo số khách truy cập/khách hàng tiềm năng/khách hàng thực mà bạn có được thông qua blog và so sánh số liệu này với các kênh mới khác như Google và các trang web truyền thông xã hội (inbound), cũng như các kênh cũ (outbound) như quảng cáo, chương trình thương mại, cuộc gọi cho khách hàng tiềm năng và các hình thức khác. Sau từ 6 đến 12 tháng thực hiện theo các bước này, blog của bạn sẽ trở thành một trong những nguồn tốt nhất để có được khách hàng.
Hình minh họa 5.3 Blog phân tích phễu bán hàng
Bạn cũng nên theo dõi từng bài viết riêng lẻ theo các thứ tự sau: ngày, tác giả, khách truy cập, bình luận và liên kết. Khi bạn có các thông tin này, bạn có thể thực hiện một số phân tích thú vị. Ví dụ: bạn có thể sắp xếp các bài viết theo từng chỉ số thành công để xác định tiêu đề bài viết thế nào sẽ thu hút sự quan tâm nhiều nhất, tác giả nào đang viết tốt nhất,… Bạn có thể sử dụng thông tin này để liên tục cải thiện nội dung blog của mình theo thời gian (xem Hình 5.4).
Một đại diện tuyệt vời cho cách bạn làm việc trong thế giới blog là đo lường số lượng liên kết ngược trở lại trang web của bạn theo thời gian và đo lường lượt truy cập bạn nhận được từ các liên kết từ blog (xem Hình 5.5).
Hình minh họa 5.4 Phân tích Blog
Hình minh họa 5.5 Thu hút các liên kết inbound
Câu chuyện thành công: Whole Foods đã ứng dụng inbound marketing như thế nào?
Chúng tôi không thể cho bạn biết đã bao nhiêu lần chúng tôi nghe nói rằng internet marketing sẽ không hoạt động hiệu quả trong một thị trường “kiểu cũ”. Chẳng có ngành nghề nào cũ kỹ hơn ngành kinh doanh thực phẩm, nhưng nhà bán lẻ mặt hàng hữu cơ Whole Foods Market đang sử dụng blog Whole Story của mình để “chia sẻ một số điều thú vị đang diễn ra trong công ty, cũng như ngành thực phẩm tự nhiên”, theo như chia sẻ của Paige Brady, điều phối viên cao cấp của Nhóm Biên tập viên Truyền thông tích hợp cho Whole Foods Market. Bạn có thể tìm thấy trang blog của họ tại blog.wholefoodsmarket.com.
Thay vì chỉ đơn giản là đăng những bài viết về giờ giấc bán hàng hoặc phiếu giảm giá trên trang web của họ theo như cách mà nhiều cửa hàng tạp hóa đang thực hiện, Whole Foods tạo ra nội dung đáng được chú ý trên blog của mình để thu hút khách hàng mới, cho phép họ kết nối sâu hơn với những khách hàng đó và giúp khách hàng dễ dàng lan truyền thông tin. Whole Foods đang thực hiện nhiều việc thú vị ngay trên blog của mình, vì vậy hãy xem qua một số phương pháp hay nhất của họ.
Nội dung của Whole Foods thật đáng được chú ý. Bởi vì Whole Foods đã tạo ra nội dung đáng được chú ý kể từ tháng 7 năm 2006, blog của họ hiện là một tài sản lớn, bền vững với hơn 7.500 trang nằm trong chỉ mục của Google, đủ điều kiện để xếp hạng cho các cụm từ tìm kiếm khác nhau. Hơn 12.000 trang web khác liên kết đến 7.500 trang này, cung cấp cho Whole Foods 12.000 cách để khách hàng mới có thể tìm thấy họ. Số lượng liên kết tương đối lớn này cho Google biết rằng blog Whole Foods xứng đáng được xếp hạng cho nhiều thuật ngữ quan trọng. Whole Foods cũng có hàng chục ngàn người đăng ký blog để nhận được thông báo và gửi liên kết mỗi khi công ty đăng một bài viết mới. Các trang, các liên kết và người đăng ký theo dõi là một loại tài sản cố định quan trọng của Whole Foods.
Theo ý kiến của chúng tôi, họ đã thiết lập tên miền của họ rất đúng: blog.wholefoodsmarket.com. Thay vì tạo ra một thương hiệu mới để theo dõi, họ đã biến blog thành một tên miền phụ của trang web chính thức – một thực tiễn rất phổ biến. Theo Brady, công ty may mắn có được “một nhóm người thông minh, đam mê làm những công việc đáng kinh ngạc trong mọi lĩnh vực như hữu cơ, hỗ trợ nông dân ở các địa phương, thực hành xanh, công bằng thương mại, tín dụng vi mô và tất cả các thứ liên quan đến thực phẩm. Chúng tôi có một người đứng đầu đội ‘thợ săn hái lượm’ cho blog để đảm bảo rằng chúng tôi không bỏ lỡ các cửa hàng quan trọng và chúng tôi cũng mời các chuyên gia là thành viên trong nhóm chúng tôi viết bài của riêng họ”. Nội dung trên Whole Story bao gồm các bài viết chân thật, những công thức nấu ăn của khách mời, các cuộc thi và video, và được tạo bởi hơn 20 nhân viên.
Whole Foods đặc biệt giỏi trong việc viết các tiêu đề bài viết ngắn, thông minh, dễ lan truyền trong phạm vi phương tiện xã hội, bao gồm:
Tiếp cận dị ứng một cách tự nhiên
Và người chiến thắng Prom xanh là...
Mang thai – Khoảng thời gian đến với tự nhiên
Sự kết hợp giữa tiêu đề súc tích và bài viết tốt là một lý do khiến công ty có hơn 3,6 triệu người theo dõi trên Twitter và hơn 1,5 triệu người hâm mộ trên Facebook.
Brady nói thêm rằng một khía cạnh quan trọng khác của blog là “tiếp tục cuộc trò chuyện thông qua các bình luận từ độc giả của chúng tôi. Chúng tôi có một nền tảng khách hàng có giáo dục và họ đặt những câu hỏi tuyệt vời, chúng tôi sẽ trả lời những câu hỏi này trong phần bình luận hoặc bằng cách đăng một bài viết mới lên blog. Điều này rất quan trọng vì chúng tôi giành được tình cảm của độc giả”. Có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, và hiện có hàng chục ngàn người đăng ký đọc Whole Story.
Đội ngũ Whole Story là bậc thầy về việc thuyết phục người mua hàng. Rất khó để có được người đăng ký theo dõi và nhận được những nhận xét từ rất nhiều trang web khác nói về bạn nếu như blog của bạn đang công khai bán sản phẩm của mình. Khoảng 90% nội dung blog của Whole Foods không bán sản phẩm của họ. Một ví dụ tuyệt vời về một bài viết thuyết phục người mua là một bài viết về phô mai sữa cừu có tên là Mons-Cazelle de Saint Affrique. Thay vì nói về bản thân sản phẩm (và tại sao mọi người nên mua nó), người mua phô mai đã viết về thị trấn lãng mạn nơi phô mai được sản xuất, cách chế biến và những người làm ra nó. Bài viết kết thúc thế này: “Dù bằng cách nào thì đây cũng là một món phô mai tuyệt vời mà chúng tôi đang cung cấp cho bạn trong tháng Tư. Chào đón mùa xuân với món phô mai tươi mới, dễ thương từ Pháp, và hãy nhanh tay vì cơ hội có thể không kéo dài!” (Xem Hình 5.6).
Hình minh họa 5.6 Một hình chụp màn hình từ Blog của Whole Foods
Thực hành
1. Thiết lập blog của bạn dưới dạng blog.yourdomain.com hoặc tên miền mới “net” (không phải ở dạng _.blogger.com hoặc wordpress.com).
2. Bắt đầu sản xuất nội dung đáng được chú ý dưới nhiều hình thức khác nhau (bài viết, video, liên kết, blog của khách mời) với các tiêu đề hấp dẫn, thân thiện cho việc tìm kiếm.
3. Marketing nội dung đó thông qua e-mail, RSS và các phương tiện truyền thông xã hội.
4. Đo lường số lượng người đăng ký blog, đo lường số cuộc trò chuyện trong blog thành khách hàng tiềm năng/khách hàng, và đo lường các bài viết blog riêng lẻ để có các phương pháp hay nhất.
5. Hãy kiên nhẫn.
6. Thiết lập Google Reader.
7. Tìm và đăng ký các blog cùng ngành.
8. Hủy đăng ký báo giấy hàng ngày của bạn.
9. Bắt đầu bình luận một cách có ý nghĩa trên các blog khác.
10. Mỗi ngày khi bạn uống cà phê, hãy đọc RSS của mình.
11. Tìm hiểu trang blog.wholefoodsmarket.com để biết ví dụ về một trang blog hay.
12. _____________________________________________
13. _____________________________________________
14. _____________________________________________