Hôm nay, bạn đã thực hiện việc tìm kiếm một thứ gì đó trên Google bao nhiêu lần? Chắc là rất nhiều lần rồi đúng không. Trên thực tế, mỗi ngày có khoảng 5,9 tỷ lượt tìm kiếm trên Google. Có vẻ như trong số hàng tỷ lượt tìm kiếm ấy, có một số lượt tìm kiếm liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nói một cách đơn giản, nếu trang web của bạn không được tìm thấy trên Google thì bạn đã bỏ lỡ một cơ hội to lớn để tạo ra những khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp bạn. Thực sự, có thể bạn đang chuyển những khách hàng tiềm năng này sang cho các đối thủ cạnh tranh của mình!
Ngoài số lượng khách truy cập tiềm năng mà bạn có thể có được thông qua Google, có một cân nhắc quan trọng khác để đảm bảo trang web của bạn được xếp hạng tốt: Những người tìm kiếm trên Google đang thực sự tìm kiếm một điều gì đó. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng khi so sánh với việc truy cập các trang blog, chúng ta sẽ nhận thấy được sự khác biệt. Những người vào xem trang blog thường tập trung tìm hiểu việc gì đó hoặc chỉ để giải trí. Họ thường không có mục tiêu cụ thể. Trái lại, người tìm kiếm trên Google thực sự muốn tìm kiếm một điều gì đó. Đôi khi họ tìm về một sản phẩm hoặc dịch vụ. Có lúc thì họ tìm kiếm thông tin. Nhưng họ có mục tiêu cụ thể. Nếu thứ họ tìm kiếm có liên quan đến doanh nghiệp của bạn, bạn cần phải được tìm thấy.
Trả phí và Miễn phí
Khi người dùng thực hiện việc tìm kiếm trên Google, có hai dạng kết quả hiện ra ở SERP (search engine results page – trang kết quả của công cụ tìm kiếm): kết quả tìm kiếm “hữu cơ” (còn gọi là kết quả “tự nhiên”) và kết quả có trả phí hoặc tài trợ. Nhìn chung, kết quả có trả tiền, hoặc liên kết được tài trợ, xuất hiện ở bên phải của SERP, và thỉnh thoảng nằm ở phía trên (xem Hình 6.1).
Các liên kết được tài trợ chủ yếu là quảng cáo – đây là lý do các liên kết được tài trợ thường được xem là “Quảng cáo trả cho mỗi lần nhấp chuột”.
Hình 6.1 Ảnh chụp màn hình Quảng cáo miễn phí và Quảng cáo được tài trợ trên Google
Các tổ chức có thể đặt giá thầu cho vị trí trong kết quả tìm kiếm của Google bằng cách mua Google AdWords, chương trình quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột (PPC). Đây là cách thức thực hiện: Bạn đề nghị trả cho Google một khoản tiền nhất định cho mỗi cú nhấp chuột (CPC) bất cứ khi nào quảng cáo của bạn được hiển thị với người tìm kiếm dựa trên từ khóa mà họ đã sử dụng. Bạn trả tiền cho tần suất mọi người nhấp vào quảng cáo và truy cập vào website của bạn – chứ không phải cho tần suất quảng cáo của bạn được hiển thị. Ví dụ, bạn là một luật sư thuế ở Boston và bạn muốn tìm đến những người dùng Google có nhu cầu tìm kiếm với cụm từ “luật sư thuế ở Boston”. Bạn có thể mua Google AdWords và trả 2,5 đô la cho một lần nhấp chuột. Điều này có nghĩa là nếu quảng cáo của bạn hiện ra với người dùng, bạn trả cho Google 2,5 đô la cho mỗi lần có ai đó nhấp vào quảng cáo của bạn. Mức giá bạn đề nghị trả (hoặc đấu thầu) quyết định liệu rằng quảng cáo của bạn có được hiển thị hay không, hiển thị ở đâu và bao nhiêu lần. Mức giá bạn phải trả tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người khác nữa cũng quan tâm đến từ khóa mà bạn muốn. Google AdWords là phiên đấu giá được tổ chức theo thời gian thực. Những công ty sẵn sàng trả nhiều hơn sẽ có nhiều khả năng quảng cáo của họ được hiển thị trong số lượng giới hạn “bất động sản” mà Google có sẵn cho những quảng cáo AdWords trả phí này. Điều quan trọng cần lưu ý là, ngoài mức giá đấu thầu, Google cũng sử dụng chất lượng của quảng cáo để xác định vị trí đặt quảng cáo. Quảng cáo có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tìm kiếm có thể phải trả ít tiền hơn cho mỗi lần nhấp chuột.
Đó là cách hoạt động của hình thức tìm kiếm có trả tiền. Bạn trả tiền cho Google để đưa khách truy cập đến trang web của bạn, và số tiền bạn trả dựa trên việc có bao nhiêu người cùng cạnh tranh trên một tập hợp những người tìm kiếm tương tự.
Mặt khác, kết quả không phải trả tiền (hay tự nhiên) không dựa trên việc trả tiền, mà dựa trên chất lượng của nội dung và dựa trên việc Google tin trang web nào có giá trị nhất cho người dùng của họ. Khi trang web của bạn hiện ra ở kết quả không phải trả tiền, đồng thời người dùng nhấp vào đường dẫn và truy cập trang web của bạn, các cú nhấp chuột này về cơ bản là không phải mất phí (bạn không phải trả tiền cho Google khi mọi người nhấp vào đường dẫn trang web của bạn). Rõ ràng, tất cả đều công bằng, bạn muốn doanh nghiệp của mình có khách hàng từ Google miễn phí, phải không? Nó thậm chí còn tốt hơn thế nữa. Không chỉ có được một vị trí trong kết quả hữu cơ không phải trả tiền, mà khách truy cập nhấp vào các kết quả này còn thường xuyên hơn nhiều so với kết quả trả tiền. Nghiên cứu từ MarketingSherpa và Enquiro cho thấy 75% người tìm kiếm nhấp vào danh sách không phải trả tiền trong khi chỉ có 25% nhấp vào kết quả trả tiền. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có thể nhận được nhiều lượng truy cập hơn nữa nếu bạn có thể xếp hạng cho các từ khóa hữu cơ hơn là cố gắng mua kết quả trả tiền cho những từ khóa tương tự.
Rõ ràng là bạn muốn có được lượt truy cập miễn phí thay vì phải trả tiền. Đây chính là công cụ tối ưu hóa tìm kiếm (SEO). Bạn muốn khi người dùng tìm kiếm từ khóa có liên quan đến doanh nghiệp của bạn thì cơ hội cho trang web của bạn sẽ hiển thị trong kết quả của Google càng cao càng tốt.
Theo mặc định, khi người dùng tìm kiếm trên Google, sẽ có 10 kết quả hoặc danh sách hiển thị trong mỗi trang. Điều này có nghĩa là trang kết quả đầu tiên sẽ hiện ra 10 kết quả đứng đầu, trang thứ hai hiện ra 10 kết quả đứng kế tiếp, và cứ tiếp tục như thế. Điều quan trọng cần lưu ý là việc có được vị trí hiển thị ở trang đầu tiên trong kết quả tìm kiếm của Google là rất quan trọng, bởi vì trang đầu tiên nhận được phần lớn lượt truy cập khi mọi người tìm kiếm với từ khóa đó. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trang đầu tiên của Google chiếm hơn 89% lượng truy cập và hầu hết người dùng sẽ không tìm xa hơn trang đầu tiên. Ngay cả trong trang đầu tiên, lượt truy cập cũng không phân bổ đều – kết quả nằm ở đầu (vị trí số một trên trang đầu tiên) chiếm khoảng 42% lượt truy cập. Với một cụm từ cụ thể, bạn được xếp hạng càng cao, thì trang web của bạn càng được nhiều người xem, và sự chênh lệch về số lượng khách truy cập không nhỏ – điểm mấu chốt là ở đây. Vì vậy, bạn muốn làm hết sức để được xếp hạng càng cao càng tốt cho từ khóa mà bạn quan tâm.
Việc thực hành tìm hiểu về cách thức hoạt động của công cụ tìm kiếm, và cố gắng cho trang web được xếp hạng tốt dựa trên các từ khóa, được gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Phần còn lại của chương này là phân tích nền tảng SEO và cách bạn có thể tận dụng thực tiễn này để có được nhiều khách truy cập hơn vào trang web của bạn.
Giới thiệu (tổng quan) về cách thức hoạt động của Google
Để thành công trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, và có thứ hạng cao cho những từ khóa mà bạn quan tâm, bạn cần hiểu một chút về cách thức hoạt động của Google.
Google thực hiện hai công việc cơ bản. Thứ nhất, nó thu thập dữ liệu về việc mọi người tìm kiếm các trang web trên Internet, lưu trữ các trang này vào chỉ mục. Hãy nghĩ chỉ mục của Google là một danh mục khổng lồ (giống như mọi thư viện đều có một danh mục chứa toàn bộ cuốn sách). Thứ hai, nó có phần mềm xử lý hoạt động tìm kiếm của người dùng và tìm ra các trang web phù hợp nhất trong chỉ mục của nó.
Để trang web của bạn được xếp hạng cao trong Google dựa theo một từ khóa nhất định, có hai điều cần xảy ra. Thứ nhất, Google cần thu thập và đưa trang web của bạn vào chỉ mục của nó. Nếu trang web của bạn không được Google thu thập, thì coi như bạn bị loại ngay từ đầu. Sau đó, trong tất cả các trang web mà Google nghĩ là phù hợp với từ khóa được tìm kiếm, trang của bạn phải được xem là tốt hơn các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khác.
Ngày nay, việc cho phép Google truy cập một trang web và lập chỉ mục không còn khó khăn như trước đây. Vào những ngày đầu của SEO, người ta thường phải tự gửi một cách thủ công các trang web mới cho Google và các công cụ tìm kiếm khác để họ biết những trang này có tồn tại. Nhiều chuyên gia tư vấn về SEO và các công cụ phần mềm cung cấp dịch vụ này như một dịch vụ đăng ký trang web cho các công cụ tìm kiếm. Ngày nay, việc gửi thủ công các trang dường như không cần thiết nữa. Thay vào đó, chỉ cần nhận được một liên kết đến trang web mới từ trang web đã được Google thu thập thông tin là đủ cho trang web mới này được nhận diện có tồn tại. Ngày nay, hầu hết các trang mới được đưa vào chỉ mục của Google theo cách này. Nếu bạn quyết định gửi các trang của mình theo cách thủ công đến Google, việc này hoàn toàn miễn phí và dễ dàng (và không cần thuê chuyên gia tư vấn). Chỉ cần sử dụng công cụ Google Add URL (www.Google.com/addurl).
Việc các trang web được Google lập chỉ mục không còn là vấn đề nữa. Mà thử thách ở đây chính là làm cho trang web được xếp hạng cao. Để hiểu làm thế nào một trang web được xếp hạng cao, bạn nên hiểu các khái niệm cơ bản về cách hoạt động của thuật toán xếp hạng của Google.
Bộ não của google hoạt động như thế nào?
Chúng ta hãy tìm hiểu cách hoạt động của bộ não phần mềm của Google. Chúng tôi hứa sẽ không quá đi sâu vào vấn đề kỹ thuật, và những gì bạn biết sẽ đủ để gây ấn tượng với bạn bè và gia đình tại bữa tiệc sắp tới.
Khi người dùng nhập từ khóa vào ô tìm kiếm của Google, Google sẽ xem xét hàng tỷ trang trong chỉ mục của nó và đưa ra danh sách kết quả phù hợp với cụm từ khóa. Ví dụ, nếu bạn nhập từ inbound marketing vào ô tìm kiếm của Google, hiện có khoảng 1.060.000 trang mà Google tìm thấy có liên quan đến thuật ngữ đó. Khi Google có danh sách các trang này, nó sẽ sắp xếp danh sách sao cho kết quả chất lượng cao nhất nằm ở đầu danh sách và kết quả có chất lượng thấp nhất nằm ở dưới cùng.
Việc xếp hạng dựa trên sự kết hợp hai yếu tố: mức độ liên quan và uy tín. Mức độ liên quan là thước đo sự phù hợp của một trang web cụ thể với cụm từ được tìm kiếm. Điều này dựa trên các yếu tố như thẻ tiêu đề (title tag, đôi khi được gọi là “tiêu đề trang”), nội dung trang và văn bản neo của đường dẫn liên kết đến trang. Uy tín của trang là thước đo độ quan trọng và độ tin cậy của trang theo cách đánh giá của Google.
Độ uy tín của trang web là trọng tâm trong thuật toán của Google. Google gọi độ uy tín này là PageRank, được đặt theo tên của Larry Page, một trong những nhà sáng lập Google. Ý tưởng đằng sau PageRank rất đơn giản, dựa trên công trình nghiên cứu của Đại học Stanford về cách đo độ tin cậy và tầm quan trọng của các tài liệu học thuật. Độ uy tín của một bài báo học thuật có thể được xác định bởi số lượng các bài viết khác có trích dẫn và tham khảo từ bài báo đó. Bài báo được trích dẫn càng nhiều thì càng có uy tín. Tuy nhiên, không phải tất cả các trích dẫn đều có giá trị như nhau. Một trích dẫn từ một bài báo khác mà bản thân bài đó đã có số lượng trích dẫn cao sẽ có giá trị hơn nhiều. Các bài viết có uy tín cao lại được trích dẫn bởi các bài viết khác cũng có uy tín cao. PageRank của Google cũng áp dụng nguyên tắc tương tự, nhưng thay vì các tài liệu học thuật, thì đó là về các trang web. Và thay vì trích dẫn, đó là về các liên kết dẫn từ các trang web khác. Độ uy tín của một trang web được tính toán dựa trên số lượng các liên kết inbound từ các trang web khác và độ uy tín của các trang web đó.
Đây là một ví dụ đơn giản. Bạn vừa tạo ra một trang web về các nhà hàng tốt nhất ở Boston. Nếu trang của bạn cứ ở yên đấy, và không ai liên kết đến nó, Google sẽ chấm trang web của bạn có điểm uy tín thấp. Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Google không có bằng chứng nào cho thấy rằng bạn biết bạn đang nói gì hoặc nội dung của bạn có chất lượng cao. Qua thời gian, một vài blogger khác tìm thấy trang web của bạn và liên kết nó với trang của họ. Điều này làm tăng độ uy tín cho trang web của bạn lên. Càng có nhiều trang web có quyền lực liên kết tới trang của bạn, độ uy tín của bạn càng tăng. Bây giờ, nếu ngày nào đó, trang Boston.com (website của tờ Boston Globe ) liên kết tới trang của bạn thì độ uy tín của bạn tăng lên đáng kể. Tại sao ư? Bởi vì bản thân trang Boston.com đã là một website có độ uy tín cao.
Vì vậy, để có độ uy tín SEO, bạn phải làm sao để có được nhiều đường dẫn từ các trang có uy tín cao, càng nhiều càng tốt. Bạn làm thế nào để có đường dẫn này? Bằng cách tạo ra những nội dung đáng được chú ý.
Thực hiện tốt việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm không phải là việc đánh lừa Google để xếp hạng trang web của bạn. Đó là tạo ra nội dung mà người dùngmuốn tìm và giúp Google đưa ra các kết quả tìm kiếm tuyệt vời. Cách tốt nhất để có được thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm trên Google là tạo ra nội dung xứng đáng được xếp hạng. Nó là điều mà người dùng tìm kiếm đánh giá là có chất lượng cao và có sự liên quan.
Chọn từ khóa hoàn hảo
Bước đầu tiên trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là quyết định từ khóa nào để tối ưu hóa trang web của bạn. Từ khóa là những gì người dùng nhập vào hộp tìm kiếm cho câu hỏi của họ. Có ba tiêu chí chính để chọn đúng từ khóa cho việc tối ưu hóa trang web của bạn: mức độ liên quan, số lượng tìm kiếm và độ khó.
MỨC ĐỘ LIÊN QUAN
Bạn muốn chọn các từ khóa liên quan đến doanh nghiệp của bạn. Khi liệt kê danh sách các từ khóa có thể sử dụng, tốt nhất là hãy nghĩ từ góc độ của khách hàng tiềm năng. Cố gắng nghĩ xem khách hàng tiềm năng sẽ dùng các từ khóa nào để tìm kiếm trên Google về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau.
ƯỚC LƯỢNG SỐ LƯỢNG TÌM KIẾM
Ngay cả khi bạn nhận được vị trí số một trong kết quả tìm kiếm của Google cho một từ khóa, nó cũng không đảm bảo bạn sẽ nhận được nhiều khách truy cập vào trang web của mình. Số lượng truy cập bạn có cho website của mình phụ thuộc vào việc bao nhiêu người dùng từ khóa đó để tìm kiếm. Để chọn được từ khóa tốt, bạn cần phải dự đoán được gần đúng số lần mà người dùng tìm kiếm từ đó trong Google. Kiểm tra phần tài nguyên ở cuối cuốn sách để biết thông tin về các công cụ bạn có thể sử dụng nhằm giúp xác định số lượng tìm kiếm cho từ khóa.
ĐỘ KHÓ
Đây là thước đo độ khó trong xếp hạng cho từ khóa, dựa trên sức mạnh của việc cạnh tranh và độ uy tín cho trang web của bạn. Xếp hạng tốt trong Google là một cuộc đua tranh. Trong số hàng ngàn trang web đang cố gắng để được xếp hạng cho một từ khóa nhất định, chỉ 10 trang có thể được nằm ở trang kết quả đầu tiên. Vì vậy, nếu bạn có một trang web mới và đang cố gắng gia nhập vào top 10, bạn sẽ phải thay thế một người khác. Đối với một số từ khóa, điều này tương đối dễ dàng thực hiện, nếu top 10 hiện tại tương đối yếu. Đối với từ khóa có tính cạnh tranh, sức mạnh của đối thủ cạnh tranh có thể cao và rất khó khăn để được xếp hạng trên trang đầu tiên.
Chọn từ khóa tốt nhất là một bài tập cân bằng ba yếu tố này: mức độ liên quan, số lượng tìm kiếm và độ khó. Bạn không nên giải quyết chỉ một yếu tố đơn lẻ. Ví dụ, chọn một từ khóa có liên quan có số lượng tìm kiếm rất cao sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu độ khó quá cao đến nỗi bạn sẽ không bao giờ được xếp hạng. Tương tự, việc chọn những từ rất dễ, có khả năng cạnh tranh rất yếu cũng không tạo ra nhiều lượt truy cập nếu trong một tháng chỉ có vài người sử dụng cụm từ đó để tìm kiếm.
Khi chọn từ khóa, bạn nên bắt đầu với danh sách các từ khóa có liên quan đến doanh nghiệp của mình. Sau đó, xác định số lượng ước tính cho các từ khóa đó, và mức độ cạnh tranh của từ khóa. Nếu bạn mới bắt đầu, bạn nên bắt đầu với các từ khóa có độ cạnh tranh tương đối thấp. Nếu trang web của bạn không có nhiều uy tín đối với Google, bạn sẽ không được xếp hạng cao cho một từ khóa cạnh tranh cao. Ngoài ra, nếu bạn không vào được trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm, bạn cũng không nhận được nhiều lượt truy cập từ những từ khóa này. Thay vào đó, hãy chọn từ khóa có tính cạnh tranh tương đối thấp. Sau đó, khi bạn xây dựng uy tín cho các trang web của mình và bắt đầu xếp hạng cho các từ khóa này, bạn có thể chuyển sang các từ khóa có số lượng cao hơn, có nhiều sự cạnh tranh hơn.
Khi lập danh sách các từ khóa ban đầu, điều quan trọng là bạn phải suy nghĩ từ quan điểm của khách hàng tiềm năng. Đừng nghĩ theo cách bạn mô tả về doanh nghiệp của mình, mà hãy nghĩ theo hướng người dùng sẽ tìm kiếm về doanh nghiệp của bạn như thế nào trên Google. Ví dụ, bạn có thể tự mô tả mình là “nhà thiết kế nội thất cho doanh nghiệp”. Sau đó bạn sẽ đưa ra một số biến thể về thiết kế nội thất và thậm chí có thể là trang trí nội thất (vì người dùng thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này). Tuy nhiên, có lẽ một số khách hàng tiềm năng của bạn lại không dùng cụm từ “thiết kế nội thất”. Thay vào đó, họ sử dụng cụm từ “thiết kế không gian làm việc”. Điểm mấu chốt là bạn phải đặt mình vào vị trí khách hàng. Một cách hiệu quả để biết khách hàng có thể tìm kiếm về bạn như thế nào là quan sát họ. Nếu bạn đã có sẵn một trang web đang nhận được lưu lượng truy cập từ Google, bạn có thể dùng phần mềm phân tích để xem khách hàng thường sử dụng các cụm từ nào để truy cập vào trang web của mình. Cách này sẽ không có hiệu quả gì mấy nếu trang web của bạn không được tối ưu hóa tốt và các lượt truy cập duy nhất mà bạn có được từ Google là do khách hàng tìm kiếm bằng chính tên doanh nghiệp của bạn. Trong đa số trường hợp, phân tích loại dữ liệu này mang lại cho bạn những hiểu biết mới về các từ khóa tiềm năng mà bạn có thể thêm vào trong danh sách của mình.
SỬ DỤNG PPC CHO DỮ LIỆU TỐT HƠN
Thậm chí nếu bạn chỉ có khoản ngân sách khiêm tốn, bạn cũng nên xem xét việc thực hiện một chiến dịch quảng cáo PPC nhỏ (trả tiền cho mỗi cú nhấp chuột) để xác định những từ khóa tốt nhất của bạn. Việc này đặc biệt hữu ích khi bạn mới bắt đầu và không biết từ khóa nào sử dụng được. Khi bạn chạy một chiến dịch PPC, bạn có thể chọn ra một loạt các từ khóa và bắt đầu có lượt truy cập ngay lập tức. Thông thường, với SEO, bạn phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi bạn có thể được xếp hạng đủ tốt cho những từ khóa nhất định để nhận được lượt truy cập. Hơn nữa, bạn có thể chuyển lượt truy cập đến một trang web cụ thể, chẳng hạn như landing page (sẽ được thảo luận sau). Bằng cách này, bạn có thể đo lường tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) cho các lượt truy cập đến từ các từ khóa khác nhau. Lợi ích của việc có dữ liệu chuyển đổi này là bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn khi chọn lựa từ khóa. Nên nhớ rằng, mục đích của inbound marketing không phải là có thêm nhiều lượt truy cập đến trang web của bạn, mà là chuyển đổi càng nhiều càng tốt các lượt truy cập ấy thành khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng thực sự.
On-Page SEO: Cái nào dễ, làm trước
Một khi bạn đã chọn được danh sách các từ khóa mục tiêu, bước tiếp theo là bắt đầu sử dụng các từ khóa này trên trang web của bạn.
Các yếu tố on-page gây ảnh hưởng đến việc xếp hạng chính là những thứ có trong nội dung của trang mà bạn đang cố cho nó được xếp hạng. Đây là những yếu tố bạn có thể kiểm soát trực tiếp bằng cách chỉnh sửa các trang web của bạn và như vậy, đó là những yếu tố dễ dàng giải quyết nhất nhằm cải thiện SEO của bạn.
QUYỀN NĂNG CỦA THẺ TIÊU ĐỀ TRANG (PAGE TITTLE TAG)
Cho đến nay, trong số các yếu tố trên trang web ảnh hưởng tới Google, tiêu đề trang là yếu tố quan trọng nhất. Tiêu đề trang hiển thị ở phần trên đầu của cửa sổ trình duyệt (và được sử dụng làm văn bản của liên kết trong kết quả tìm kiếm). Trong Hình 6.2, thẻ tiêu đề trang được hiển thị phía trên URL nằm ở trên cùng (“Content Distribution Management software – Signiant”).
Do tầm quan trọng của thẻ tiêu đề trang trong SEO, rất đáng cho bạn dành một lượng thời gian hợp lý để tạo tiêu đề tuyệt vời cho các trang quan trọng nhất. Trang chủ website là một nơi tuyệt vời để bắt đầu, vì nó có uy tín SEO nhất. Tuy nhiên, đừng dừng lại ở đó. Hãy tìm sâu hơn vào các trang quan trọng của website và tối ưu hóa tiêu đề cho các trang đó. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, lượt truy cập tiềm năng của các trang bên trong này cũng rất đáng kể.
Hình 6.2 Ảnh chụp màn hình tiêu đề trang trên Google
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO TIÊU ĐỀ TRANG
Dưới đây là bốn mẹo để viết tốt cho tiêu đề trang:
1. Sử dụng các từ khóa quan trọng nhất trong tiêu đề trang. Rất nhiều website đã thất bại trong việc sử dụng sức mạnh của tiêu đề trang khi thực hiện SEO. Việc này rất dễ làm. Hãy đảm bảo là tiêu đề trang của bạn có các từ khóa quan trọng nhất.
2. Các từ đứng đầu trong tiêu đề trang có sức nặng hơn so với các từ đứng phía sau, vì vậy hãy đặt các từ khóa quan trọng nhất ở vị trí đầu tiên. Ví dụ, thay vì viết “Phần mềm thân thiện với người dùng giúp quản lý hàng tồn kho”, hãy viết “Phần mềm quản lý hàng tồn kho thân thiện với người dùng”. Cụm từ “Quản lý hàng tồn kho” có vẻ quan trọng hơn cụm từ “thân thiện với người dùng” (xét theo quan điểm của khách hàng tiềm năng).
3. Đừng quên yếu tố con người! Mục đích không chỉ xếp hạng cho các từ khóa quan trọng, mà còn kích thích khách hàng thực sự nhấp vào xem trang web nữa. Nếu tiêu đề trang của bạn không có ý nghĩa, cách viết giống như là dành cho máy chứ không phải dành cho con người, mọi người sẽ không nhấp vào nó. Hãy đảm bảo tiêu đề trang của bạn có gì đó khiến cho người dùng muốn nhấp vào khi họ thấy nó trong kết quả tìm kiếm.
4. Khi chọn tiêu đề trang cho trang chủ, hãy cân nhắc đặt tên công ty của bạn ở cuối tiêu đề. Điều này cho phép các từ khóa quan trọng của bạn có được sức nặng hơn.
THÊM MÔ TẢ HIỆU QUẢ
Tương tự như tiêu đề trang, thẻ mô tả (meta description) là thông tin về một trang web. Nó thường là một bản tóm tắt ngắn gọn về những gì người dùng có thể thấy trên một trang. Cũng giống như tiêu đề trang, thẻ mô tả nằm trong đoạn mã HTML đặc biệt của trang và không hiển thị trong trình duyệt giống như phần nội dung còn lại.
Từ quan điểm SEO, thẻ mô tả không tác động lên bảng xếp hạng tìm kiếm của bất kỳ công cụ tìm kiếm chính nào. Vì vậy, việc chèn các từ khóa vào thẻ mô tả không giúp bạn có được vị trí xếp hạng tốt. Tuy nhiên, thẻ mô tả cũng quan trọng vì mặc dù các công cụ không sử dụng nó để xếp hạng, nhưng lại thường xuyên sử dụng thẻ mô tả trong trang kết quả tìm kiếm. Mô tả (hoặc một phần của nó) thường hiện bên dưới tiêu đề trang. Bằng cách viết mô tả hấp dẫn và chính xác về trang web của mình, bạn dường như sẽ có thêm các lượt nhấp chuột từ người dùng (Xem Hình 6.3).
Dưới đây là ba mẹo nhỏ để viết thẻ mô tả:
1. Viết ngắn gọn (một hoặc hai câu) và không nhiều hơn 160 ký tự, bởi vì Google sẽ cắt ngắn các mô tả dài.
2. Mỗi trang đều nên có một mô tả riêng biệt (giống như có tiêu đề trang riêng biệt).
3. Sử dụng các từ khóa khi viết mô tả. Google thường sẽ hiển thị in đậm các từ khóa phù hợp trong mô tả từ truy vấn tìm kiếm. Từ khóa của bạn được hiển thị theo cách này sẽ tăng cơ hội người dùng nhấp vào liên kết của bạn trong trang kết quả.
Hình 6.3 Phần mô tả trang trong các kết quả tìm kiếm
TỐI ƯU HÓA URL
Mọi tài nguyên có thể truy cập công khai trên Internet đều có một URL duy nhất, về cơ bản thì đó là địa chỉ Internet của trang. (Trường hợp bạn chưa hiểu, thì URL là từ viết tắt của “Uniform Resource Locator – Định vị tài nguyên thống nhất”.)
Dưới đây là vài ví dụ về URL:
http://en.wikipedia.org/wiki/Url
www.hubspot.com/cmos-guide-to-brand-journalism
Phần lớn các hệ thống quản lý nội dung hiện đại sẽ cho phép bạn tùy chỉnh URL cho trang web của bạn. Có thể tận dụng điều này và tối ưu hóa URL theo cách SEO. Khi Google thu thập thông tin một trang web, nó cân nhắc URL như là một yếu tố để quyết định độ liên quan của trang web với một từ khóa cụ thể. Trong ví dụ về HubSpot ở trên, trong URL có cả hai chữ “CMO” và “brand”. Nếu người dùng tìm trên Google cụm từ “CMO branding guide”, thì ngoài việc xem xét những thứ khác (như tiêu đề trang và nội dung trang), URL giàu từ khóa này cũng gửi một tín hiệu tinh tế tới Google rằng đây có thể là những gì trang web đó giới thiệu. Thứ hai, khi người dùng liên kết tới trang web của bạn, họ thường sao chép/dán URL vào trang web của họ và không gặp khó khăn khi xác định văn bản neo (anchor text). Trường hợp này, URL thường trở thành văn bản neo. Nếu trong URL của bạn có luôn từ khóa mục tiêu, thì bạn sẽ có cơ hội cao hơn để có văn bản neo với các từ khóa mà mọi người liên kết tới trang của bạn.
TÊN MIỀN VÀ SEO
Khi thảo luận về URL, một chủ đề thường được nêu ra chính là tầm quan trọng của tên miền. Tên miền là một phần của URL được chia sẻ cho tất cả các trang khác của website (ví dụ, hubspot.com và inbound.org đều là tên miền). Bởi vì tên miền là một phần của tất cả các URL của cùng một website, nên tên miền của bạn mà có chèn từ khóa thì rất hữu dụng. Lý do đơn giản là bởi vì toàn bộ URL của bạn đều có tên miền, nên bất kỳ từ khóa nào có trong tên miền đều tự động trở thành một phần của tất cả các URL. Đây là lý do tại sao tên miền giàu từ khóa từ lâu đã trở nên phổ biến. Câu hỏi đặt ra là, bạn có nên thay đổi tên miền của mình sao cho nó có chứa một hoặc nhiều từ khóa quan trọng nhất của bạn hay không? Điều đó còn tùy vào từng trường hợp khác nhau. Với website của một doanh nghiệp, tên miền nên trùng khớp với tên của doanh nghiệp. Nếu tên doanh nghiệp có từ khóa mô tả, thế thì tốt rồi. Nếu không, có lẽ bạn sẽ không muốn đổi tên trang web và tên doanh nghiệp, để đơn giản là có một tên miền giàu từ khóa. Ngoài ra, nếu bạn quyết định thay đổi tên miền, bạn sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để lấy lại độ uy tín SEO mà bạn đã có với tên miền cũ. Hãy thận trọng ở bước này. Chúng tôi đã trải qua việc này nhiều lần và nó luôn có nhiều thách thức.
Nếu bạn vẫn muốn sử dụng tên miền có một hoặc nhiều từ khóa trong đó (thường là khi bạn mới khởi nghiệp hoặc là chưa quyết định tên cho doanh nghiệp), hãy lưu ý những điều này: tên miền tốt nhất là tên miền ngắn, rõ ràng, và dễ nhớ. Mặc dù có nhiều tên miền đứng đầu như .net, .biz, .info, và nhiều nữa, nhưng tên miền .com là tên miền chuẩn cho các doanh nghiệp. Một ngoại lệ đáng chú ý là các tên miền quốc tế như .ca (Canada), .in (Ấn Độ) và các tên miền khác tương tự, thường phổ biến đối với các doanh nghiệp chỉ hoạt động kinh doanh nội địa.
Nhóm tên miền .com chưa đăng ký, chất lượng cao với các từ khóa đặc biệt thì khá hạn chế. Ngày nay, có hẳn một thị trường thứ cấp về tên miền; ở đây, bạn có thể mua những tên miền đã được người khác đăng ký trước đó. Nếu bạn đang tìm một tên miền chất lượng rất cao, dường như bạn sẽ phải trả khoản tiền nhiều hơn cả phí đăng ký. Giá cả của tên miền có thể thay đổi từ vài trăm đô la đến vài trăm ngàn đô la. Nếu doanh nghiệp của bạn mới thành lập và lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm là cực kỳ quan trọng, bạn nên xem xét việc đặt tên cho doanh nghiệp của bạn gần với các tên miền chất lượng cao. Tuy nhiên, lưu ý rằng, qua các năm, Google sẽ cập nhật lại thuật toán tìm kiếm của họ để giảm sự tác động của việc có từ khóa trong tên miền. Đã từng có thời, khi một miền “khớp chính xác” (nơi tên miền hoàn toàn trùng khớp chính xác với cụm từ tìm kiếm cụ thể) là một cách hiệu quả để vươn lên tốp dẫn đầu trong kết quả tìm kiếm. Việc này giờ không còn nữa. Vì vậy, nếu bạn đang đầu tư vào một tên miền cao cấp, hãy làm vì giá trị thương hiệu và trải nghiệm người dùng, chứ không phải vì việc xếp hạng trên công cụ tìm kiếm.
NỘI DUNG TRANG WEB
Cho đến nay, chúng ta đã nói về tiêu đề trang và mô tả trang. Cả hai đều được lưu trữ trong một phần riêng biệt của trang web vì chúng mô tả trang web. Bây giờ, hãy thảo luận về nội dung trang web, phần thân của web. Từ quan điểm SEO, có một số cân nhắc sau đây cần ghi nhớ.
TIÊU ĐỀ
Khi tạo một trang web, bạn có thể đặt tiêu đề trong phần nội dung. Giống như các tiêu đề trong sách hoặc bài báo, tiêu đề của một trang web được dùng để tổ chức thông tin và giúp nội dung dễ đọc hơn. Khi khách truy cập nhìn lướt qua một bài viết, các tiêu đề giống như các tín hiệu trực quan của những thứ mà họ mong muốn thấy. Ví dụ, bài báo trên tờ Sunday viết về những việc phổ biến nhất người ta hay làm ở thành phố sẽ có các tiêu đề phụ như “Bảo tàng”, “Nhà hát”, “Nhà hàng”, và “Sự kiện thể thao”. Khi bạn đọc lướt qua bài báo này, mắt của bạn sẽ nhanh chóng nhận ra các tiêu đề phụ và biết bạn mong muốn đọc được cái gì trong bài báo này. Google cũng làm công việc tương tự khi đọc trang web của bạn. Nó nhìn qua các tiêu đề trong trang web để quyết định trang web này nói về cái gì. Đây là lý do vì sao bạn nên kèm các từ khóa quan trọng của bạn trong tiêu đề. Khi Google tìm thấy các tiêu đề trong website của bạn, nó cũng xem các từ khóa trong tiêu đề là tín hiệu để biết đây là các từ quan trọng.
Có một số từ, khi nhìn qua thì chúng là những tiêu đề dành cho người đọc, nhưng chúng lại không có ý nghĩa tương tự đối với Google. Vì vậy, bạn phải “gắn thẻ” các từ đó vào trang web của bạn để các công cụ tìm kiếm hiểu các từ đó giống như tiêu đề.
MẸO NHỎ VỀ TIÊU ĐỀ
Hãy làm theo ba mẹo nhỏ này khi viết tiêu đề:
1. Dùng các từ khóa quan trọng khi viết tiêu đề.
2. Viết tiêu đề càng ngắn càng tốt để từ khóa có được sức nặng tối đa (nguyên tắc tương tự với tiêu đề trang và URL).
3. Dùng một tiêu đề đơn h1 cho từng trang, và dùng nhiều tiêu đề h2, h3.
HÌNH ẢNH
Nhiều trang web có chèn hình ảnh. Hình ảnh là một cách minh họa tốt và làm cho nội dung trở nên thu hút, hấp dẫn hơn.
Hình 6.4 Ảnh chụp màn hình có nhiều hình ảnh trên trang web
Điều này đặc biệt đúng đối với các trang có nội dung dài, nhiều chữ. Đứng từ quan điểm SEO, một điều quan trọng cần phải hiểu đó là Google thực sự không thể “nhìn thấy” hình ảnh, hoặc bất kỳ câu chữ nào có trong hình ảnh. Ví dụ, trong Hình 6.4, mặc dù có cụm từ “Wall Street Journal”, nhưng chúng chỉ là một phần hình của hình ảnh lớn hơn nên Google thực sự không nhìn thấy những chữ này.
Nếu nội dung trang web của bạn chủ yếu bao gồm các hình ảnh có văn bản trên đó, thì Google sẽ không thể dịch các văn bản đính trên hình ảnh được. Như vậy, Google không nhận được tín hiệu để biết trang web của bạn nói cái gì. Một mẹo nhanh để xác định văn bản trên trang web có phải là hình ảnh hay không đó là: hãy thử highlight đoạn văn bản đó bằng chuột, giống như bạn thực hiện thao tác sao chép/dán. Nếu bạn không thể highlight văn bản đó, khả năng lớn văn bản ấy là hình ảnh và Google sẽ không thể thấy nó. Để trợ giúp điều này, tất cả các hình ảnh quan trọng trên trang web của bạn nên bao gồm cái được gọi là thuộc tính “alt”. Đây là một đoạn mã đặc biệt cho phép bạn mô tả hình ảnh bằng văn bản để cho Google thấy được. Tương tự, cũng giống như URL của trang web, URL cho các hình ảnh quan trọng của bạn nên chứa các từ khóa.
Off-Page SEO: Sức mạnh của các liên kết inbound
Mặc dù các yếu tố on-page SEO mà chúng ta thảo luận trước đó có tầm quan trọng và dễ thực hiện, để cải thiện đáng kể cho việc xếp hạng các từ khóa của bạn, bạn cũng cần phải giải quyết các yếu tố off-page nữa. Các yếu tố off-page không nằm trong trang web mà bạn có thể kiểm soát, mà nằm ở các trang web khác. Điểm quan trọng nhất của yếu tố off-page là các liên kết inbound. Liên kết inbound là đường dẫn trên một trang web khác dẫn thẳng đến trang web của bạn. Như đã thảo luận, Google nhấn mạnh độ uy tín của một trang web để xác định xếp hạng tìm kiếm. Độ uy tín được tính toán dựa trên số lượng liên kết inbound dẫn tới trang web của bạn, và độ uy tín của các trang web liên kết với trang của bạn.
Cách hiệu quả nhất để có liên kết inbound là tạo nội dung đáng được chú ý. Và, có được những liên kết inbound là cách hiệu quả nhất để được xếp hạng tốt hơn ở Google.
YÊU CẦU LIÊN KẾT TỪ CÁC TRANG WEB KHÁC
Một cách để có được liên kết từ những người khác là liên lạc với họ và đề nghị họ liên kết đến trang web của bạn. Bạn có thể làm việc này bằng cách gửi e-mail yêu cầu đến người chủ của website mà bạn muốn đặt đường dẫn. Mặc dù cách làm này cũng có tác dụng trong một số trường hợp, nhưng chúng tôi không phải là người hâm mộ của mô hình yêu cầu liên kết này. Sẽ rất khó để có được đường dẫn chất lượng từ các trang web mà chủ trang web đó lại không biết bạn là ai. Cũng giống như người chủ các trang web mà bạn muốn xin đường dẫn, bản thân bạn cũng thường xuyên nhận được nhiều đề nghị đặt đường dẫn. Chúng tôi xem những đề nghị này như thư rác – chúng tôi xóa chúng. Điều đó nói rằng, nếu nội dung bạn tạo ra thật sự hay và bạn nghĩ nó hữu dụng cho người đọc ở một trang web hay một blog nhất định, thì bạn có thể tiếp cận các trang đó. Khi tiếp cận các blogger hay chủ website, hãy chắc chắn e-mail bạn viết có tính cá nhân hóa cao. Cho họ thấy rằng bạn có đọc trang web và hiểu độc giả của họ. Gửi đường dẫn đến một nội dung mà bạn cho là có liên quan đến họ. Thông thường, đấy không phải là trang chủ, mà là một trang bên trong, giống như một bài viết blog. Cuối cùng, đừng yêu cầu đặt liên kết một cách rõ ràng. Cứ chia sẻ thông tin mà bạn nghĩ là họ thấy có ích. Nếu họ thích và cho rằng thông tin này thú vị đối với độc giả của họ, họ sẽ đặt đường dẫn.
ĐO LƯỜNG GIÁ TRỊ CỦA LIÊN KẾT INBOUND
Khi số lượng các blog kèm với các bình luận đăng trên blog tăng lên, Google đã gặp phải một vấn đề. Phần lớn các bình luận trên blog cho phép người bình luận nhập URL liên kết về một trang web mà họ chọn – thường liên kết về blog của người viết bình luận đó hoặc website của công ty. Vấn đề là bất kỳ người dùng nào cũng có thể tự tạo một liên kết inbound trên bất kỳ website nào cho phép mọi người vào bình luận đã làm cho mọi thứ trở nên khó khăn với Google. Công cụ tìm kiếm không thể phân biệt được giữa các liên kết inbound chính thống, được xem là có xác nhận và có thể làm tín hiệu về chất lượng của trang được dẫn đến, và các liên kết inbound chất lượng thấp mà chủ sở hữu trang web đã không thực sự tạo ra. Để giải quyết vấn đề này, thuộc tính “no-follow” được hình thành để đánh giá các đường dẫn.
Thuộc tính no-follow là thông tin thuộc về mã nguồn của trang web, có thể được đính kèm vào đường dẫn. Khi Google thấy một đường dẫn được đánh dấu là no-follow, Google sẽ xem đó là tín hiệu cho thấy chủ sở hữu của trang web không muốn chuyển tín nhiệm SEO đến trang đích. Mặc dù người dùng vẫn có thể nhấp vào đường dẫn (nó vẫn giống các đường dẫn bình thường khác), nhưng việc này không giúp cho trang đó nhận được liên kết từ góc độ SEO. Ngày nay, phần lớn các blog tự động thiết lập cho tất cả các đường dẫn nằm trong phần bình luận là no-follow. Thực chất, hầu hết các phần mềm cho phép nội dung do người dùng tạo (là nội dung do công chúng tạo ra, không phải do chủ sở hữu trang web tạo ra) sẽ đánh dấu các liên kết trong nội dung này là no-follow.
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng sẽ không hiệu quả nếu bạn dành nhiều thời gian để tạo nội dung trên các trang web của người khác với mục đích duy nhất là nhận giá trị SEO. Hầu hết các liên kết đó sẽ là no-follow, và như vậy sẽ không có độ tín nhiệm SEO.
Vì vậy, một liên kết nhất định sẽ có giá trị thế nào theo quan điểm SEO? Có nhiều yếu tố để xác định bạn sẽ nhận được bao nhiêu độ tín nhiệm SEO từ một liên kết inbound nhất định.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ TRỊ CỦA LIÊN KẾT
Có bốn yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của liên kết:
1. Độ uy tín của trang web mà bạn đặt liên kết ở đó. Trang web có độ uy tín càng cao, thì càng nhiều uy tín được chuyển đến cho trang web của bạn.
2. Đường dẫn có thuộc tính no-follow hay do-follow như đã thảo luận ở trên.
3. Số lượng các liên kết khác có trên trang web liên kết đến trang của bạn. Càng có nhiều liên kết thì mỗi liên kết có độ tín nhiệm SEO càng thấp.
4. Văn bản neo của liên kết. Đây là văn bản mà người dùng thấy trên trang web và có thể nhấp chuột vào. Theo mặc định, văn bản neo hiển thị dưới dạng được gạch dưới trên hầu hết các trang web. Liên kết mà trong văn bản neo có chứa từ khóa bạn muốn thì liên kết đó có giá trị nhất đối với bạn trong việc xếp hạng cho những từ khóa mà bạn chọn.
SEO Mũ Đen: Trang web của bạn bị Google cấm trong trường hợp nào?
Thuật ngữ “mũ đen” và “mũ trắng” được lấy từ các bộ phim phương Tây kiểu cũ, trong đó kẻ xấu thường đội mũ đen và người tốt thì đội mũ trắng. Các chuyên gia SEO thường xuyên tranh luận về thủ thuật nào được xem là mũ trắng hoặc mũ đen. Theo ý kiến của chúng tôi, sự khác biệt lớn là SEO mũ trắng giúp Google cung cấp kết quả chất lượng cho người dùng bằng cách làm việc trong khuôn khổ nguyên tắc hiện có. Mặt khác, SEO mũ đen liên quan đến việc khai thác các giới hạn hiện có trong phần mềm của Google để thử và đánh lừa nó nhằm giúp xếp hạng một trang web cụ thể mà trang này thường không được xếp hạng.
Dù bạn gọi chúng là gì đi nữa, bạn cũng nên tránh thực hiện SEO dựa trên việc đánh lừa Google và bóp méo kết quả tìm kiếm. Dưới đây là quy tắc của chúng tôi: Nếu một kỹ thuật cụ thể không cải thiện được trải nghiệm cho người dùng và có thể bị phát hiện bởi một người đang xem xét thủ công, thì kỹ thuật đó có thể là một ý tưởng tồi. Có thể giả định rằng nếu bạn cố gắng khai thác lỗ hổng trong phần mềm của Google, bạn tạm thời có lợi thế. Quan trọng hơn, bạn mang một rủi ro đáng kể khi trang web của bạn có thể bị Google phạt hoặc cấm hoàn toàn. Rủi ro này thực sự không đáng chút nào.
Dưới đây là các thủ thuật bạn nên tránh xa khi tối ưu hóa trang web của mình cho Google.
LINK FARMS
Có sự đồng thuận chung rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên bảng xếp hạng tìm kiếm là số lượng và chất lượng của các liên kết inbound đến một trang web. Link farms là một nhóm các website được tạo ra với mục đích chính là tạo số lượng lớn các đường dẫn liên kết đến một trang web cụ thể. Các website này không có thật và các đường dẫn đặt ở đấy không phải là tín hiệu thực về chất lượng. Chúng thường được máy tính tạo ra tự động và nội dung của chúng có giá trị (nếu có) ở mức tối thiểu.
TỰ ĐỘNG PHÁT TRIỂN/SAO CHÉP NỘI DUNG
Công cụ tìm kiếm cũng giống như nội dung. Mọi người đặc biệt thích nội dung được cập nhật thường xuyên. Thật không may, việc tạo nội dung độc đáo cần có thời gian và năng lượng. Để cố gắng kích hoạt trình thu thập thông tin của một công cụ tìm kiếm để lập chỉ mục nhiều trang hơn của một trang web và làm như vậy một cách thường xuyên, một số trang web có thể cố gắng tự động phát triển nội dung hoặc lấy nội dung từ các trang web khác để đăng lại. Thủ thuật này thường đi đôi với link farms. Đó là bởi vì nếu bạn đang tạo hàng ngàn trang web, bạn cần một lượng nội dung kha khá để đăng ở các website đó. Google đã hoạt động rất tốt trong việc xác định nội dung tự nhiên so với nội dung vô nghĩa được tạo bởi máy tính mà không có giá trị. Đối với việc sao chép nội dung trên các trang web khác mà không được phép, điều này không chỉ bị Google phạt, mà còn vi phạm luật bản quyền.
NHỒI NHÉT TỪ KHÓA
Đây là việc khai thác quá mức một số phần nhất định của trang web với một tập hợp các từ khóa, hy vọng nó làm tăng cơ hội mà Google sẽ xếp hạng cho trang có chứa từ khóa đó. Các công cụ tìm kiếm đã bắt gặp mẹo này từ nhiều năm trước và mẹo này không còn hiệu quả nữa. Tất nhiên, điều này không ngăn mọi người cố gắng làm thử.
THỦ THUẬT CHE GIẤU NỘI DUNG (CLOAKING)
Thủ thuật cung cấp cho trình thu thập thông tin tìm kiếm của Google nội dung trang web khác với nội dung cung cấp cho người dùng. Thông thường, mục đích là gửi cho trình thu thập thông tin của công cụ tìm kiếm phần nội dung để xếp hạng cho một cụm từ nhất định – nhưng gửi cho người dùng một nội dung khác. Công cụ tìm kiếm dễ dàng phát hiện ra điều này. Nếu bạn bị nghi ngờ sử dụng thủ thuật che giấu, một người nào đó (như nhân viên của Google) chỉ cần truy cập trang web của bạn và kiểm tra xem bạn có đang che giấu hay không. Khi bị phát hiện, thủ thuật này là một trong những cách đáng tin nhất để họ cấm luôn trang web của bạn.
VĂN BẢN ẨN (HIDDEN TEXT)
Thủ thuật này ẩn văn bản trên trang web. Ý tưởng là đính kèm văn bản để chỉ Google mới có thể nhìn thấy, nhưng con người thì không thể. Ví dụ đơn giản nhất là một số biến thể của văn bản màu trắng trên nền trắng. Sự kết hợp này làm cho người dùng không nhìn thấy được văn bản, nhưng từ góc nhìn của máy tính, nội dung vẫn tồn tại. Thủ thuật này khiến Google gặp một chút khó khăn để phát hiện, nhưng không phải là không thể phát hiện.
CÁC TRANG CẦU NỐI (DOORWAY/GATEWAY)
Cách này tương tự như thủ thuật che giấu. Thay vì tự động cung cấp nội dung khác cho Google, trang doorway liên quan đến việc nhận một trang nhất định cần được xếp hạng tốt trong Google, nhưng sau đó chuyển hướng người dùng đến một trang khác. Rõ ràng, điều này không phải vì lợi ích của người dùng cuối vì họ không nhận được nội dung họ mong đợi.
Thật không thông minh khi cố gắng tỏ ra tinh ranh hơn các kỹ sư của Google. Đừng nghĩ rằng các công cụ tìm kiếm sẽ không phát hiện ra khi bạn sử dụng các thủ thuật trên và cũng đừng nghĩ là bạn chỉ khai thác các giới hạn được cho là đang có (và thậm chí là không tồn tại) của các thuật toán của công cụ tìm kiếm. Chúng tôi cho rằng Google là một công ty khá thông minh và dành nhiều nguồn lực đáng kể để cập nhật thuật toán cho Google. Một chiến lược Internet dựa trên việc tỏ ra thông minh hơn Google thì không thông minh chút nào cả.
Đối với hầu hết những người làm marketing, thay vì dành thời gian và năng lượng cho việc sử dụng các lối đi tắt thì tốt hơn họ nên đầu tư vào việc cải thiện trang web của công ty và nội dung để xứng đáng được xếp hạng cao, cũng như giúp các công cụ tìm kiếm khám phá nội dung mang lại lợi ích cho người dùng. Làm việc với các công cụ tìm kiếm thay vì cố gắng khai thác chúng là phương pháp duy nhất để SEO hoạt động trong dài hạn.
MỐI NGUY HIỂM CỦA PPC
Chúng ta đã nói khá nhiều về việc xếp hạng hữu cơ và cách thực hiện SEO sao cho hiệu quả. Nhưng chúng ta chưa dành nhiều thời gian để nói về việc tìm kiếm có trả tiền thông qua PPC.
Quảng cáo PPC đã được chứng minh là có hiệu quả khi nhiều người làm marketing đạt được lượng truy cập mục tiêu cho website của họ. Tuy nhiên, có mối nguy hiểm dài hạn là họ sẽ bị lệ thuộc vào PPC cho lượng truy cập. Đó là do chương trình PPC như Google AdWords hoạt động theo cách đấu thầu trong thời gian thực, vì thế giá của một cú nhấp chuột (CPC) có thể tăng cao ngoài dự đoán.
Chúng ta hãy xem xét một ví dụ cụ thể. Xem như bạn đang mua các cú nhấp chuột cho cụm từ “Cung cấp dịch vụ cưới hỏi San Francisco” và bạn trả khoảng 2,5 đô la cho mỗi lần nhấp. Bạn phân tích dữ liệu và thấy rằng với giá đó, các cú nhấp có giá trị xứng đáng bởi vì giá trị sản sinh từ khách hàng tiềm năng mà bạn có được từ các cú nhấp chuột cao hơn so với chi phí bỏ ra. Bây giờ, mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho đến một buổi sáng nọ, bạn thấy rằng CPC tăng thành 3 đô la, mức tăng 20%. Việc này có nhiều lý do, nhưng lý do phổ biến nhất là bỗng dưng có một đối thủ cạnh tranh xuất hiện và họ cũng quan tâm đến cùng cụm từ của bạn, và họ sẵn sàng trả giá cao hơn. Ngay cả khi bạn là một chuyên gia PPC, những gì bạn có thể làm cũng rất ít để có thể ngăn cản người khác đấu giá cao hơn giá của bạn. Bạn dễ bị tổn thương vì giá thay đổi liên tục dựa trên sự cạnh tranh. Giá của bạn có thể tăng đột biến và tăng rất nhanh. Trái ngược với cách thức hoạt động của SEO. Nếu bạn đầu tư vào việc xếp hạng cho các từ khóa hàng đầu của mình trong danh sách không phải trả tiền, ít có khả năng một người mới tham gia thị trường, không hiểu về kinh doanh lại có thể nhanh chóng thay thế bạn và chiếm mất các lượt truy cập mà bạn đang nhận được. Bởi vì trong danh sách hữu cơ thường không có những người mới tham gia, những người vừa khởi nghiệp. Ngay cả khi họ ném tiền vào nó (như họ có thể làm ở PPC) thì cũng không hiệu quả lắm. Và, ngay cả khi đối thủ cạnh tranh mới này cuối cùng cũng có thể đánh bại bạn, thì cũng cần phải có thời gian. Bạn có thể xem bảng xếp hạng cho các từ khóa hàng đầu của mình và xem liệu các đối thủ cạnh tranh có đạt được vị trí này hay không.
Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi là phải cân đối một cách hợp lý khoản đầu tư của bạn vào PPC và SEO. Trong những ngày đầu xây dựng trang web, bạn có thể cần mua lượt truy cập. Hoặc, bạn có thể chạy một chiến dịch ngắn để thu thập dữ liệu có giá trị để biết được từ khóa nào có hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn nên hướng tới việc thiết lập thứ hạng hữu cơ. Khoản đầu tư này có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong dài hạn và có khả năng bảo vệ tốt hơn.
Theo dõi tiến độ
Theo dõi tiến độ khi xếp hạng là một phần quan trọng trong SEO – và thực ra, nó khá dễ.
Sử dụng công cụ miễn phí Website Grader (grader.com) và tùy chỉnh báo cáo về website của bạn. Nó cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích, tìm kiếm vấn đề, và cho bạn gợi ý để xử lý các vấn đề đó. Ghi lại điểm số của bạn, làm theo các gợi ý, và thường xuyên kiểm soát điểm của bạn qua thời gian. Website Grader xem xét nhiều yếu tố khác nhau và cho bạn cái nhìn tổng quát cao độ về hoạt động của website của bạn.
Một trong những dữ liệu trọng điểm mà bạn nên kiểm tra là số lượng trang trong trang web của bạn nằm trong chỉ mục của Google. Nếu số trang được lập chỉ mục có vẻ thấp hơn bạn mong đợi (hoặc không), có thể có vấn đề với kiến trúc trang web và Google không thấy được tất cả các trang web của bạn.
Theo dõi số lượng các liên kết inbound đang kết nối đến trang web của bạn. Như chúng tôi đã thảo luận trước đó, thứ hạng trên Google của bạn phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng của các liên kết mà bạn đang nhận được. Bạn nên làm việc để có được con số này càng ngày càng cao hơn nữa.
Theo dõi danh sách các từ khóa yêu thích của bạn (những từ khóa có kết hợp đúng đắn giữa độ liên quan, khối lượng tìm kiếm cao và độ khó thấp) và xem bảng xếp hạng của bạn đang hoạt động như thế nào. Bạn sẽ hiểu rằng bạn làm tốt cho những từ này hơn là những từ khác. Bắt đầu tìm kiếm các kiểu mẫu. Đặc biệt chú ý đến các trang trên website của bạn đang bắt đầu được xếp hạng. Các trang này là tài sản quan trọng vì Google gửi cho bạn một tin nhắn (bằng cách xếp hạng các trang đó) rằng chúng đang có độ tin cậy.
Quan trọng nhất, hãy theo dõi kết quả thực tế. Có bao nhiêu khách truy cập đến trang web của bạn thông qua tìm kiếm không phải trả tiền? Đối với điểm thưởng, thực hiện một hệ thống báo cáo vòng lặp đóng và theo dõi có bao nhiêu khách hàng tiềm năng chuyển đổi thành khách hàng thực sự (Vòng lặp đóng nghĩa là bạn theo dõi một khách hàng mới từ cuộc điều tra ban đầu cho đến khi bán hàng cho họ).
Câu chuyện thành công: LinkedIn “Elite” đã áp dụng inbound marketing như thế nào?
Inbound không chỉ là thu hút khán giả mới. Đó cũng là cách giữ chân người xem hiện tại của bạn theo cách tích cực. LinkedIn hiểu được nhu cầu này cũng như bất kỳ tổ chức nào.
Công ty cần tìm cách nhắc nhở các thành viên của họ quay trở lại LinkedIn – để cập nhật hồ sơ của họ, khám phá một bài thuyết trình từ SlideShare, một công ty mà LinkedIn mới mua lại, hoặc tình cờ tìm được công việc (tốt hơn công việc hiện nay, quảng cáo cho công việc) – thông thường, không chỉ khi họ đang tích cực tìm việc làm. Nhưng những gì nó có thể mang lại cho người dùng có đủ để lôi kéo họ trở lại với mạng xã hội?
Thay vì tạo ra một phần nội dung hoặc phát triển một công cụ trực tuyến, công ty cung cấp một giá trị cốt lõi hơn: một hành trình của bản thân.
Khi LinkedIn có được thành viên thứ 200 triệu của mình, thay vì phát hành một thông cáo báo chí tự chúc mừng, họ đã chúc mừng các thành viên tiềm năng nhất của mình. Công ty đã gửi e-mail thông báo đến cho 1%, 5% và 10% các hồ sơ được xem nhiều nhất vào năm trước đó. Lời nhắn cảm ơn các thành viên trở thành “một phần độc đáo” trong cộng đồng LinkedIn.
Thông báo có muôn vàn giá trị. Nó không chỉ nhắc nhở các thành viên phổ biến nhất tham gia lại với LinkedIn, mà còn thúc đẩy họ chia sẻ thành quả của mình trên các mạng xã hội khác nhau, tận dụng sự ảnh hưởng của họ.
Nó có vẻ chỉ là một thư điện tử đơn giản, nhưng đúng thông điệp vào đúng thời điểm cho đúng đối tượng có thể là một sức hút inbound mạnh mẽ.
Thực hành
1. Kiểm tra website của bạn trên grader.com. Làm theo gợi ý mà nó đưa ra.
2. Tìm xem điểm mạnh nhất trong trang web của bạn là gì.
3. Tối ưu hóa tiêu đề trang cho các trang quan trọng nhất (như trang chủ).
4. _______________________________________________
5. _______________________________________________
6. _______________________________________________
7. _______________________________________________