Kênh truyền thông xã hội là một xu hướng rất thịnh hành. Chúng tôi cá rằng sẽ không có chuyện trong vòng một tuần (hoặc có lẽ chưa tới một ngày) mà bạn không liên lạc với đồng nghiệp trên LinkedIn, nhận được yêu cầu kết bạn trên Facebook, hoặc nghe tivi nói về Twitter. Kênh truyền thông xã hội là gì? Trang Wikipedia-biết-tuốt định nghĩa kênh truyền thông xã hội là “các công cụ dựa trên Internet để mọi người chia sẻ và thảo luận thông tin”. Đó không phải là một định nghĩa tồi. Chúng tôi sẽ đơn giản hóa và nói rằng kênh truyền thông xã hội là cách mọi người liên kết, tương tác và chia sẻ trực tuyến.
Tại sao bạn cần quan tâm đến kênh truyền thông xã hội? Câu trả lời cũng giống như việc trả lời cho câu hỏi vì sao bạn cần phải quan tâm đến Google vậy – bởi vì nó cung cấp phương thức tuyệt vời để có được và thu hút khách hàng tiềm năng. Giống như trong trường hợp của Google, càng ngày càng có nhiều khách hàng tiềm năng của bạn tham gia mạng xã hội, nên nếu muốn thu hút họ thì bạn cũng phải cùng tham gia mạng xã hội với họ.
Ngày nay, bạn có thể tìm thấy nhiều trang web truyền thông xã hội. Bao gồm mạng xã hội (như Facebook, Twitter và LinkedIn), các trang tin tức xã hội (như Reddit), và các trang đánh dấu/khám phá xã hội (như StumbleUpon). Mỗi loại đều có cách sử dụng khác nhau, nhưng hầu hết đều chia sẻ khả năng tạo ra một hồ sơ người dùng, kết nối với các người dùng khác trên trang web, và tương tác chia sẻ thông tin với cộng đồng người dùng của mạng lưới.
Tạo hồ sơ trực tuyến hiệu quả
Trong chương này, chúng ta xem xét các trang web truyền thông xã hội cụ thể và cách bạn có thể tận dụng chúng, nhưng trước khi làm điều đó, hãy xem xét một khía cạnh chung nhất của hầu hết các trang web này: hồ sơ người dùng. Một hồ sơ thường bao gồm tên người dùng (username), hình đại diện (avatar), tiểu sử/tóm tắt, và các liên kết trang web. Khi bạn bắt đầu tham gia phương tiện truyền thông xã hội, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về cách bạn tiếp cận việc xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp của mình trên kênh truyền thông xã hội.
CHỌN USERNAME
Đối với nhiều trang web truyền thông xã hội (ví dụ: LinkedIn và Facebook), bạn không được tự tạo username mới cho chính bạn – bạn truy cập trang web như chính mình. Trên thực tế, việc tạo một cá nhân ảo là vi phạm các điều khoản dịch vụ của những trang web này và có khả năng khiến bạn bị cấm sử dụng mạng xã hội. Nhưng không phải tất cả các trang web đều hoạt động theo cách này. Các trang như StumbleUpon và Twitter cho phép bạn tạo bất kỳ username nào bạn muốn. Dựa trên mục tiêu của bạn, các cách tiếp cận khác nhau đối với username có thể có ý nghĩa. Nếu bạn đang đọc cuốn sách này, chúng tôi giả định rằng bạn là một nhà kinh doanh đang cố gắng mở rộng phạm vi marketing cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Trong trường hợp này, chúng tôi có một số mẹo nhỏ để đặt username:
1. Bất cứ khi nào có thể được, hãy dùng tên thật của bạn để làm username. Ví dụ, chúng tôi sử dụng @bhalligan và @dharmesh cho những tài khoản Twitter đầu tiên. (Chúng tôi cũng có @hubspot cho việc kinh doanh của mình.)
2. Đặt username của bạn sao cho đơn giản và rõ ràng. Tránh xa kiểu đặt username như chơi đánh đố (ví dụ, dùng số “3” để thay cho chữ “E” viết ngược).
3. Đừng chèn chữ số vào username. Nó không chỉ khiến người ta nghĩ bạn đến từ một kỷ nguyên xưa cũ (“Xin chào, tôi là John4382 ở AOL”), mà còn khiến họ nghĩ tài khoản của bạn giống spam.
4. Chọn một cái tên khả dụng trên tất cả hoặc ở phần lớn các trang mạng xã hội chính, để bạn có thể có một tên thống nhất ở càng nhiều trang càng tốt. Nếu tên của bạn thuộc loại khá phổ biến thì làm như vậy hơi khó, nhưng hãy cố gắng hết sức. Mục tiêu là xây dựng thương hiệu trực tuyến sao cho mọi người nhận diện được bạn.
CHỌN HÌNH ẢNH ĐẠI DIỆN/HÌNH CHO HỒ SƠ (PROFILE IMAGE)
Bên cạnh username, tất cả kênh truyền thông xã hội đều cho phép bạn tải lên một hình ảnh nhỏ gắn liền với tài khoản của bạn. Hình này sẽ hiển thị trên hồ sơ của bạn, và thường xuyên được đính kèm với những bình luận và những đóng góp khác mà bạn thực hiện trên trang mạng. Hãy chọn tấm hình của chính bạn và đảm bảo nó có kích thước phù hợp khi tải lên. Hãy thử nhiều tấm hình khác nhau. Nếu bạn không có kỹ năng cân chỉnh hình ảnh thì nhờ bạn bè hoặc người thân làm giúp. Hình trên hồ sơ là thứ quan trọng để nhận diện bạn trực tuyến. Sử dụng cùng một hình cho tất cả các hồ sơ của bạn ở mọi kênh truyền thông xã hội. Nếu bạn đang thiết lập tài khoản truyền thông xã hội cho doanh nghiệp của mình thì hình đại diện nên là biến thể từ logo. Hãy xem hình đại diện như là một phần của thương hiệu (bởi vì nó đúng là như thế). Thử dùng tấm hình thật độc đáo và dễ nhớ. Hãy nhất quán.
TIỂU SỬ/TÓM TẮT
Các trang truyền thông xã hội thường cho phép bạn nói với toàn thế giới về bản thân bằng một mô tả ngắn, từ một đến hai câu. Đừng bỏ qua bước này! Nhiều người trên mạng xã hội sẽ đọc tiểu sử của bạn để quyết định xem họ có muốn nghe những gì bạn nói hay không. Việc không có tiểu sử ngầm ý rằng bạn thiếu tự tin và mọi người sẽ bỏ qua bạn, vì thế hãy dành thời gian để viết tiểu sử sao cho ngắn gọn mà vẫn thu hút. Khi viết tiểu sử, chúng tôi khuyên bạn nên tập trung hướng đến những người mà bạn muốn kết nối với họ. Mặc dù có một số người quan tâm đến việc bạn có thích những chú chó hoặc có phải là chuyên gia về rượu vang hay không nhưng điều mọi người muốn biết là bạn kinh doanh trong lĩnh vực nào và họ có thể có được gì từ việc kết nối với bạn. Dĩ nhiên, không có gì sai khi bạn đưa một vài thông tin mang tính chất cá nhân vào tiểu sử, chỉ cần điều đó hấp dẫn và có liên quan là được.
LIÊN KẾT WEBSITE
Các trang web truyền thông xã hội thường cho phép bạn đưa ra một hoặc nhiều đường dẫn đến các website mà qua đó, mọi người có thể biết thêm về bạn hoặc công ty của bạn. Cách tiếp cận thông thường này bao gồm cả việc liên kết đến blog của bạn (nếu bạn có blog) hoặc liên kết tới trang web công ty của bạn. Thật không may, các đường dẫn tạo ra rất ít giá trị SEO (nếu có). Chúng thường là các đường dẫn no-follow (loại đường dẫn không cho tín nhiệm SEO). Tuy vậy, chúng cũng thu hút được thêm lượt truy cập vào website mà bạn muốn, vì thế hãy tận dụng điều này.
Thu hút người hâm mộ trên Facebook
Facebook là một trong những mạng xã hội lớn nhất trên Internet. Vào thời điểm viết cuốn sách này, có một vài thông số về Facebook như sau:
• Có hơn 1,1 tỷ người dùng đang kích hoạt (vâng, hàng tỷ).
• Có hơn 700 triệu người dùng đăng nhập mỗi ngày.
• Phân khúc phát triển nhanh nhất là người dùng từ 45 – 54 tuổi.
Thống kê mới nhất này đặc biệt thú vị bởi vì dù Facebook là một website được thành lập bởi các sinh viên đại học, nhưng nó đã phát triển xa hơn và không còn là một website dành cho sinh viên nữa. Hiện giờ, ứng dụng này phổ biến với hàng triệu người dùng ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Bạn có thể thắc mắc lợi thế của việc xuất hiện trên các trang truyền thông xã hội như Facebook là gì khi doanh nghiệp của bạn đã có một website riêng. Câu trả lời là để tiếp cận. Bạn muốn thông điệp và câu chuyện của mình tiếp cận được càng nhiều người càng tốt. Để tối đa hóa việc tiếp cận của mình, bạn cần phải xuất hiện ở nơi mà mọi người xuất hiện và người ta xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook.
Tạo một fanpage trên Facebook khá dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Một khi đã tạo xong, trang này có thể được thương hiệu hóa gắn liền với logo công ty của bạn và được tùy chỉnh để đính kèm thông tin về doanh nghiệp, và liên kết trở lại với website chính của bạn. Người dùng trên Facebook sau đó có thể trở thành “người hâm mộ” trang fanpage của bạn bằng cách “thích” trang. Bên cạnh việc cung cấp một trang với các thông tin cơ bản về tổ chức của bạn, Facebook cho phép vô số các tính năng khác giúp thu hút cộng đồng tốt hơn. Chúng bao gồm các diễn đàn thảo luận, hình ảnh, video, lời chứng thực và hàng trăm tính năng khác được tạo bởi các nhà phát triển bên thứ ba. Những tính năng tương tác này thực sự làm cho Facebook trở thành một cộng đồng sôi động, nơi các cá nhân cùng chí hướng có thể tương tác và chia sẻ.
Điều làm cho phạm vi tiếp cận của Facebook đặc biệt mạnh mẽ là khía cạnh lan truyền của Facebook. Khi người dùng cá nhân tham gia vào cộng đồng của bạn trên Facebook, bạn bè của họ sẽ thấy bản cập nhật trong trang chủ Facebook của họ. Điều này dẫn đến việc nhiều người dùng nữa sẽ tham gia vào cộng đồng của bạn, khiến cho doanh nghiệp của bạn được nhiều người nhìn thấy hơn, và cứ thế mở rộng thêm. Bằng cách tận dụng khía cạnh xã hội này của Facebook, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận một cộng đồng rộng lớn.
TẠO TRANG FACEBOOK FANPAGE DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Tất cả các người dùng Facebook đều có một trang cá nhân để đăng thông tin về chính họ, đăng cập nhật trạng thái mà người khác sẽ thấy được, và chia sẻ thông tin, như hình ảnh và các liên kết. Bên cạnh trang thông tin cá nhân, bạn nên tạo một trang riêng biệt cho doanh nghiệp của mình.
Nếu bạn chưa có tài khoản cá nhân trên Facebook, hãy tạo nó trước tiên. Bạn không nên tạo một tài khoản người dùng tiêu chuẩn cho một doanh nghiệp. Điều này vi phạm điều khoản dịch vụ của Facebook, và có nguy cơ tài khoản của bạn sẽ bị cấm.
Để tạo trang cho doanh nghiệp, đầu tiên, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản cá nhân (chỉ những người dùng đã đăng ký mới có thể tạo fanpage). Một khi bạn đã đăng nhập, hãy truy cập đường dẫn URL này: www.facebook.com/pages/create.php.
Bước đầu tiên để tạo trang cho bạn là xác định xem bạn muốn phân loại mình vào ngành hàng nào. Bạn có thể chọn trong các lựa chọn như Local/Brand/Product/Organization, và Artist/Band/Public Figure. Chọn cái nào gần đúng với bạn nhất.
Sau khi đã tạo xong trang doanh nghiệp cho công ty của mình, bạn sẽ cần dành thời gian để quảng cáo nó. Đây là vài cách mà bạn có thể làm:
1. Đăng trên trang cá nhân của bạn một đường dẫn đến trang doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể làm điều này bằng cách nhấp vào nút “chia sẻ” khi đang ở trong trang fanpage cho doanh nghiệp của bạn.
2. Quảng cáo trang Facebook fanpage mới của bạn trên các kênh hiện có (website công ty, blog, e-mail newsletter, hồ sơ LinkedIn của bạn…).
3. Mua quảng cáo xã hội của Facebook. Facebook sẽ hiển thị các mẩu quảng cáo này đến người dùng mục tiêu của bạn ở nhiều vị trí khác nhau trong Facebook.
Mẹo từ chuyên gia: Nhằm giúp cho các khách hàng tiềm năng dễ dàng truy cập và nhớ vị trí trang Facebook fanpage của bạn, hãy tạo tên miền phụ (facebook.yourcompanyname.com) ở tên miền chính để giúp chuyển người dùng đến trang Facebook của bạn. Việc này hoàn toàn miễn phí và chỉ mất vài phút để thực hiện. Bạn cũng nên tùy chỉnh URL cho trang Facebook của mình. Theo cách này, người dùng có thể tiếp cận trang của bạn với một URL theo dạng http://facebook.com/yourcompany thay vì một URL mặc định xấu xí mà Facebook cung cấp sẵn.
HỌC HỎI TỪ QUẢNG CÁO CỦA FACEBOOK
Facebook cho phép các doanh nghiệp quảng cáo trang fanpage doanh nghiệp của họ (hoặc bất kỳ trang web nào khác) trong Facebook. Các quảng cáo này hiện ra cho những người dùng Facebook cụ thể tại nhiều nơi khác nhau trong phạm vi Facebook.
Ngay cả khi bạn không có ý định mua quảng cáo trên Facebook, cũng rất đáng để làm bước đầu tiên như trong trường hợp bạn có mua quảng cáo. Công cụ quảng cáo của Facebook cho phép bạn thiết lập nhân khẩu học đặc thù như độ tuổi và giới tính – một cách rất tốt để biết được có bao nhiêu người dùng Facebook trùng khớp với thị trường mục tiêu của bạn. Hình 7.1 cho thấy một ví dụ về nhân khẩu học trong “marketing”: có 47.260 người trên 25 tuổi, sống ở Mỹ có đề cập đến từ “marketing” đâu đó trong hồ sơ của họ. Thử chạy công cụ này cho lĩnh vực của bạn và xem bạn có thể tìm được bao nhiêu người dùng. Việc này đặc biệt có ích nếu bạn là một doanh nghiệp địa phương tập trung vào một vùng địa lý nhất định, bởi vì Facebook cũng cho phép bạn nhắm đến đối tượng người dùng theo nơi cư trú.
Hình 7.1 Thống kê nhân khẩu học của người dùng Facebook
Sử dụng Facebook khá dễ, nhưng nó đòi hỏi bạn tập trung đáng kể để có được giá trị tối đa, bởi vì người dùng ở đây luôn mong muốn thấy các thông tin mới. Bạn nên có kế hoạch phân công một người trong công ty chịu trách nhiệm cập nhật fanpage và tham gia tương tác một cách thường xuyên. Dành thời gian để nuôi dưỡng một trang mạng xã hội có thể là một thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ với các nguồn lực hạn chế, nhưng đó là một khoản đầu tư đáng giá. Các trang giống như Facebook đủ lớn và phát triển đủ nhanh để chúng không bị mọi người bỏ qua. Sự hiện diện trên trang mạng xã hội nhanh chóng trở nên quan trọng như việc có một website vậy. Xét theo mặt nào đó, các mạng xã hội là một dạng mở rộng của website truyền thống. Chức năng, tính chất lan truyền và cơ sở người dùng rộng lớn của Facebook làm cho nó trở thành nền tảng marketing lý tưởng cho nhiều loại tổ chức khác nhau.
MẸO SỬ DỤNG CÔNG CỤ FACEBOOK
Đây là ba mẹo vặt quan trọng:
1. Không tạo tài khoản giả mạo. Phải là tài khoản chính gốc.
2. Kiểm tra tính năng thông tin chi tiết của trang Facebook thường xuyên để xem trang fanpage doanh nghiệp của bạn hoạt động tốt như thế nào.
3. Liên kết trang Facebook của bạn từ website công ty và từ các tài liệu trực tuyến khác. Xây dựng phạm vi tiếp cận trong cộng đồng của bạn.
Tạo mối liên kết với LinkedIn
Nếu bạn là một chuyên gia kinh doanh, bạn có thể đã nghe nói đến LinkedIn và có khi đã đăng ký một tài khoản ở đây rồi. LinkedIn là một trang mạng xã hội nghề nghiệp; người dùng ở đây có độ tuổi trung bình là 41. Không giống các mạng xã hội khác (như Myspace và Facebook) tập trung vào nhóm người dùng rộng lớn, LinkedIn chỉ dành cho doanh nghiệp. Tại thời điểm chúng tôi viết cuốn sách này, LinkedIn có hơn 277 triệu người dùng. Nền tảng của LinkedIn tương tự như Facebook. Bạn đăng ký một tài khoản và xây dựng hồ sơ bao gồm tóm tắt ngắn hoặc tiểu sử, quá trình làm việc và bằng cấp học thuật. Trong LinkedIn, thường là đồng nghiệp liên kết với nhau. Cũng giống như Facebook, bạn có thể tạo một trang dành cho doanh nghiệp trên LinkedIn.
Như phần lớn các mạng xã hội, LinkedIn cũng cho phép bạn kết nối những người khác. Thông tin của hàng triệu người, bao gồm các mối liên hệ của họ nữa, là những thứ khiến cho LinkedIn trở thành Một Công Cụ đầy sức mạnh. Ví dụ, bạn đang tìm một vị trí như phó tổng giám đốc Marketing ở một tổ chức cụ thể. LinkedIn cho phép bạn tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của nó và tìm ra những người ở công ty mà bạn có vẻ có liên hệ. Điều làm cho việc này trở nên hữu ích là bạn không phải kết nối trực tiếp đến các cá nhân này, bởi vì LinkedIn tìm đường liên kết giữa bạn và những người mà bạn muốn kết nối. Ví dụ, bạn muốn kết nối đến CEO của một công ty cụ thể nào đó. Bạn thực sự không biết vị CEO ấy, nhưng một người trong danh sách trung gian của bạn thì biết – thực tế, một đồng nghiệp cũ của bạn đang báo cáo trực tiếp cho vị CEO này. LinkedIn cho phép bạn yêu cầu cuộc giới thiệu ảo thông qua một hoặc nhiều kết nối trung gian. Đây là một cách mạnh mẽ để tận dụng mạng xã hội LinkedIn nhằm kết nối với mọi người vì lợi ích chung.
XÂY DỰNG MỘT NHÓM LINKEDIN
Nhóm là một tính năng rất mạnh mẽ của LinkedIn. Nhóm LinkedIn về cơ bản là một cộng đồng trực tuyến của những người quan tâm đến một chủ đề cụ thể (bất kể trọng tâm của nhóm là gì). Hiện tại có hơn 1,9 triệu nhóm khác nhau trên LinkedIn bao gồm một loạt các chủ đề. Chúng tôi có một nhóm, Inbound Marketers, là một trong những nhóm lớn nhất trên LinkedIn với hơn 100.000 thành viên.
Bắt đầu một nhóm khá dễ dàng, nhanh chóng và miễn phí. Nếu bạn chưa từng làm như vậy, hãy xác định xem có một nhóm đã tồn tại nào có ngành hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm hay không. Để thực hiện điều này, bạn có thể sử dụng tính năng tìm kiếm nhóm bằng cách nhấp vào mũi tên thả xuống bên cạnh trường “Search People” (Tìm mọi người) ở góc trên cùng bên phải của ứng dụng (xem Hình 7.2). Chọn “Search Groups” (Tìm nhóm) từ danh sách tìm kiếm có sẵn và sau đó, nhập một số từ khóa mô tả loại nhóm bạn đang tìm kiếm.
Hình 7.2 Click chọn “Tìm mọi người”
Hình 7.3 cho thấy các kết quả từ một tìm kiếm mẫu cho từ “small business” (doanh nghiệp nhỏ). (Lưu ý với bạn rằng khi bạn thử tìm kiếm nhóm “OnStartups”, thì kết quả đầu tiên bạn nhận được là một nhóm có 59.459 thành viên. Dharmesh là tác giả của nhóm này và trong hơn 250.000 nhóm, nó là một trong năm nhóm lớn nhất.)
Hình 7.3 Ví dụ kết quả tìm kiếm trên LinkedIn cho “small business”
Lưu ý khi bạn tìm kiếm từ “startups”, nhóm OnStartups đứng vị trí số 1 với 414.000 thành viên. Dharmesh là người sáng lập nhóm này, và trong 2 triệu nhóm ở LinkedIn, nó là nhóm lớn nhất. Khi tự tạo nhóm, bạn hãy chọn tên cho nhóm sao cho mô tả được đúng chủ đề mà bạn quan tâm và có gì đó thôi thúc mọi người muốn trở thành thành viên của nhóm. Một cách tiện lợi để nghĩ ra tên cho nhóm là bạn hãy điền vào chỗ trống trong câu này:
Tôi tự hào là một thành viên của ……….
Việc này rất quan trọng. Khi mọi người tham gia vào nhóm của bạn, theo mặc định, một logo/huy hiệu nhỏ của nhóm sẽ hiện ra trong hồ sơ cá nhân của họ. Người ta càng biết rõ nhóm của bạn là gì và tại sao có người muốn trở thành thành viên, thì càng có khả năng cao họ muốn tham gia. Ví dụ, một trong những nhóm chúng tôi đã tạo có tên là “Inbound Marketers”. Đối với những người trong thị trường mục tiêu của chúng tôi (những người làm marketing chuyên nghiệp), rất dễ thấy vì sao những người ấy lại muốn gắn trong hồ sơ của họ một huy hiệu nhỏ ghi chữ “Inbound Marketers”.
Khi viết mô tả cho nhóm, bạn hãy chắc chắn có ghi kèm các từ khóa quan trọng nhất của bạn. Bằng cách này, khi mọi người sử dụng LinkedIn để tìm kiếm những nhóm mà họ muốn, nhóm của bạn sẽ dễ xuất hiện hơn. Chức năng tìm kiếm nhóm trên LinkedIn đơn giản hơn nhiều so với Google. Cách chức năng này hoạt động là gộp tất cả các nhóm có cùng một cụm từ trong tên nhóm hoặc phần mô tả nhóm, và hiện ra theo thứ tự độ lớn giảm dần (độ lớn dựa trên số lượng thành viên). Cũng giống như các kênh trực tuyến khác, số lượng thành viên của nhóm được thống kê. Bạn sẽ muốn nhóm của bạn thu hút được càng nhiều thành viên càng tốt.
Quảng cáo nhóm của bạn trên các kênh hiện có của bạn. Đưa tên nhóm vào chữ ký thư điện tử. Đánh dấu nhóm trên website. Viết bài đăng trên blog về nó. Gởi thông tin của nhóm trong các bản tin newsletter hàng quý. Đăng các bài thảo luận từ nhóm của bạn lên Twitter. Mục tiêu là có được nhiều người tham gia nhóm của bạn. Càng nhiều người tham gia, càng nhiều người sẽ thấy huy hiệu nhóm của bạn trên hồ sơ của người dùng. Càng nhiều người nhìn thấy huy hiệu nhóm của bạn, càng nhiều người sẽ tham gia nhóm. Cứ như vậy, nó tạo thành một “vòng lặp tích cực” – thành công này đưa đến thành công khác.
Tương tự Facebook, LinkedIn cũng có sản phẩm quảng cáo cho phép bạn mua quảng cáo trực tuyến. Bạn có thể định vị quảng cáo dựa trên các thuộc tính của người dùng như quy mô công ty, ngành nghề, giới tính và địa lý. Quảng cáo có thể mua bằng CPM (số lần quảng cáo được hiển thị) hoặc bằng CPC (số lượt người xem nhấp vào quảng cáo). Dựa vào ngân sách của bạn, quảng cáo có thể là cách hay để tạo ra sức hút ban đầu cho nhóm của bạn, để rồi sau đó giúp bạn thu hút được nhiều thành viên hơn.
Một khi nhóm của bạn đã có thành viên, hãy xây dựng các giá trị cho các thành viên của nhóm. Trước hết, và cũng là quan trọng nhất, LinkedIn cho phép bạn gởi e-mail đến tất cả thành viên trong nhóm. Việc này rất dễ thực hiện vì e-mail được gởi từ tên miền LinkedIn.com. Như vậy, e-mail có tỷ lệ nhận được cao (nghĩa là nó không bị xem là thư rác). Khả năng nhắn tin nhóm của LinkedIn là một cách tuyệt vời để cập nhật về nhóm và chia sẻ thông tin. Với cơ chế trao đổi thông tin quy mô lớn thế này, bạn nên suy nghĩ kỹ tần suất gởi tin nhắn và gởi tin nhắn về cái gì. Bạn sẽ không muốn gởi tin quá thường xuyên hoặc quá thưa thớt, vì sẽ dễ bị xem là thư rác. Tiếp theo, đăng nội dung tin nhắn lên phần thảo luận của nhóm. Mặc dù tính năng này có sẵn cho tất cả thành viên nhóm, nhưng với tư cách là quản trị viên, bạn sẽ có quyền “ghim” các bài đăng cụ thể của mình vào diễn đàn thảo luận để chúng luôn hiển thị ở trên cùng và không bị cuộn xuống. Như vậy, cuộc thảo luận của bạn sẽ có vị trí nổi bật hơn và có khả năng được nhìn thấy nhiều hơn.
Có thêm người theo dõi trên Twitter
Twitter đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới với hàng triệu người dùng hiện tại và hàng chục ngàn người dùng mới tham gia mỗi ngày. Mặc dù có nhiều cách mô tả khác nhau về Twitter, nhưng với cách mô tả phổ biến nhất, Twitter là một nền tảng blog vi mô (microblog). Nếu bạn tự hỏi blog vi mô là gì, câu trả lời rất đơn giản: bạn đăng “bài viết” (giống như blog), nhưng mỗi “bài viết” chỉ dài tối đa 140 ký tự. Các bản cập nhật ngắn này do người dùng đăng lên trên Twitter được gọi là “tweet”. Bạn có thể đăng tweet từ trang web Twitter, từ thiết bị di động hoặc từ bất kỳ ứng dụng tùy chỉnh nào do bên thứ ba tạo ra. Vậy ai có thể nhìn thấy chúng? Theo mặc định, chúng được đăng công khai (để mọi người có thể nhìn thấy). Trong thực tế, chúng thường được nhìn thấy bởi những người dùng khác theo dõi những người đăng tweet đó (xem Hình 7.4).
Hình 7.4 Hình chụp cho việc viết một dòng tweet trên Twitter.
Ở thời kỳ đầu, Twitter có cách sử dụng tương tự cách cập nhật trạng thái trên Facebook. Người dùng Twitter đăng các cập nhật nhanh để trả lời các câu hỏi mà Twitter đưa ra như: “Bạn đang làm gì?”. Kết quả thu được dường như là một dòng vô tận các cập nhật ngắn của người dùng về những việc họ làm thường nhật như: họ ăn trưa ở đâu, họ xem phim gì và đại loại thế. Và khi Twitter phát triển, các thông điệp này ngày càng trở nên đa dạng hơn. Thay vì trả lời câu hỏi “Bạn đang làm gì”, nhiều người bắt đầu đăng tải thông tin, đường dẫn và tương tác với thông tin này, cũng như các sự kiện đang diễn ra. Thế là những cuộc đối thoại bắt đầu thế chỗ. Ngày nay, Twitter được dùng theo nhiều cách khác nhau bởi nhiều nhóm người khác nhau, cũng như nhiều độ tuổi khác nhau.
Phản ứng của chúng tôi đối với Twitter cũng giống như phản ứng của nhiều người: “Nó có ích lợi gì? Tại sao tôi cần quan tâm đến việc người ta ăn trưa ở đâu? Làm thế nào để nó có thể giúp phát triển doanh nghiệp của tôi?”. Giống như những doanh nhân bận rộn khác, ban đầu chúng tôi bỏ qua Twitter bởi vì dường như dòng tweet đều đặn về cuộc sống thường nhật không thể giúp chúng tôi marketing doanh nghiệp của mình tốt hơn. Nhưng ngạc nhiên thay, nó lại có tác dụng! Bây giờ, chúng tôi rất tin tưởng vào tính hữu dụng của Twitter. Chắc chắn vẫn còn một số lượng tweet cao hơn rất nhiều cho chúng tôi biết ai đó đang ăn trưa, trong số đó là những cuộc trò chuyện mà chúng tôi cho là hữu ích. Mọi người hỏi nhau về sản phẩm hoặc dịch vụ, khách hàng đăng nhận xét, những người tham dự cập nhật trực tiếp thông tin từ workshop và hội thảo mà họ đang tham gia.
BẮT ĐẦU VỚI TWITTER
Nếu bạn chưa có tài khoản Twitter, bước đầu tiên, bạn cần tạo cho mình một tài khoản. Hệ thống đăng ký của Twitter là một trong những hệ thống đơn giản nhất và chỉ mất một phút để bạn có được một tài khoản. Bạn phải quyết định nên tạo username theo tên của bạn hay tên công ty bạn. Chúng tôi gợi ý tài khoản đầu tiên của bạn nên là tên riêng của bạn. Nhưng bạn cũng nên tạo thêm một tài khoản có tên công ty của bạn. Tài khoản ở đây đăng ký miễn phí, và thậm chí nếu bạn nghĩ chưa cần có một tài khoản Twitter cho công ty của mình thì cũng chẳng hại gì khi cứ tạo trước và giữ cái tên đó trước khi có người nào khác đăng ký mất cái tên bạn muốn. Không giống với tên miền, đăng ký tài khoản Twitter hoàn toàn miễn phí.
Giống như các trang mạng xã hội khác, Twitter cho bạn làm một hồ sơ trực tuyến. Bạn nên dành thời gian hoàn thành hồ sơ này. Việc này cũng cần hình ảnh, và đường dẫn đến website của bạn, bản tóm tắt/tiểu sử và vị trí của bạn. Hồ sơ của bạn càng hoàn thiện thì càng nhiều người sẽ kết nối với bạn.
Bước kế tiếp là đăng dòng tweet. Không cần quá chú trọng về chất lượng của tweet – bạn không phải đang cố chiến thắng giải thưởng văn chương cho kỹ năng viết của bạn (mà việc này cũng khó làm chỉ với 140 chữ). Hãy chia sẻ vài thông tin hữu ích hoặc bình luận sâu sắc. Thời gian đầu mới dùng Twitter, mọi thứ hơi nản một chút, bởi vì lúc ban đầu có rất ít người nhìn thấy các dòng tweet của bạn và bạn sẽ có cảm giác như đang độc thoại. Không sao cả. Mục tiêu của những tweet ban đầu là có nội dung cho tài khoản Twitter của bạn. Bạn cần làm vậy trước khi bắt đầu tiếp cận và kết nối với mọi người để xây dựng lượng người theo dõi. Những người mà bạn muốn họ theo dõi bạn sẽ không muốn theo dõi bạn nếu họ thấy tài khoản của bạn không có nội dung gì. Họ không có cách nào biết được bạn có chung chủ đề quan tâm với họ hay không và bạn có chia sẻ những điều có ích cho họ hay không.
THU HÚT NGƯỜI THEO DÕI
Cũng giống như phần lớn các trang mạng xã hội, Twitter cũng có khái niệm bạn bè. Những người dùng khác trên Twitter có thể theo dõi bạn. Khi họ làm như thế, dòng tweet của bạn sẽ hiển thị trên trang của họ. Tương tự, bạn cũng có thể theo dõi người khác, và kết quả là, bạn cũng thấy dòng tweet của họ trên Twitter của bạn. Lưu ý là không như Facebook chỉ tính các kết nối hai chiều, Twitter cho phép các mối quan hệ một chiều. Nghĩa là bạn có thể theo dõi người khác nhưng người ấy không nhất thiết phải theo dõi ngược lại bạn để bạn có thể thấy tweet của họ. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần thu hút người theo dõi nếu bạn muốn tweet của bạn được nhìn thấy.
Sau khi đã có tài khoản Twitter, bạn hãy tìm những người dùng khác có liên quan. Có nhiều cách để làm. Một trong số đó là sử dụng tính năng tìm kiếm được tích hợp sẵn trên Twitter (http://search.twitter.com). Chỉ cần nhập từ khóa có liên quan đến lĩnh vực của bạn và Twitter sẽ cho bạn thấy tweet từ những người dùng khác có chứa từ khóa đó. Khi bạn đã tìm thấy những người có cùng mối quan tâm như bạn, hãy theo dõi họ.
KIỂM SOÁT THƯƠNG HIỆU VÀ LĨNH VỰC CỦA BẠN
Một cách tốt khác để tìm mọi người và theo dõi họ là sử dụng chức năng tìm kiếm trên Twitter, tìm thương hiệu của bạn và các thuật ngữ có liên quan đến ngành của bạn. Ví dụ, nếu bạn bán phần mềm Nhân sự, bạn có thể tìm trên Twitter từ “HR software”. Khi làm vậy, bạn sẽ phát hiện có rất nhiều người trên Twitter đang nói về chủ đề này. Sau đó, bạn có thể theo dõi những ai quan tâm đến lĩnh vực này, tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa và có ích. Bạn cũng có thể tìm kiếm theo tên công ty của mình để xem mọi người đang nói gì về công ty của bạn.
Hoạt động này nên được thực hiện thường xuyên để bạn luôn dẫn đầu và tạo ảnh hưởng lên thị trường của bạn.
SỬ DỤNG TWITTER BOTS TỰ ĐỘNG
Một số công cụ trực tuyến cho phép bạn đặt Twitter ở chế độ tự động cho các hoạt động khác nhau. Ví dụ, bạn có thể lập trình một trong những công cụ tự động theo dõi ngược lại bất kỳ ai đang theo dõi bạn. Một số công cụ thậm chí cho phép bạn tự lập trình theo dõi hàng trăm hoặc hàng ngàn người dùng. Động cơ đằng sau việc sử dụng các công cụ loại này là để giúp bạn tích lũy được số lượng lớn người theo dõi trong thời gian ngắn. Theo ý kiến cá nhân, chúng tôi không đồng tình với những cách tiếp cận như thế này. Lập luận của chúng tôi không phải là vấn đề luân lý hay đạo đức (mặc dù, nếu cố gắng, chúng tôi chắc chắn có thể đưa ra những luận chứng phù hợp) mà đúng hơn, cách làm này không giúp bạn có được mục tiêu thực sự như một người làm inbound marketing – xây dựng các mối quan hệ hiệu quả. Các hành động theo dõi hàng loạt này cũng giống như việc xuất hiện tại các sự kiện kết nối doanh nghiệp và đánh giá thành công của bạn bằng số danh thiếp bạn có thể trao cho càng nhiều người ngẫu nhiên càng tốt. Mặc dù bạn chắc chắn có thể nhận được một số sự chú ý từ những người thực sự quan tâm đến công ty của bạn, nhưng kết quả thường gặp nhất là bạn có ít hoạt động và kết quả thấp. Tệ hơn, bạn có thể đặt mình vào tình huống tiêu cực đối với những người quan trọng. Lời khuyên của chúng tôi là: Tránh xa các phương pháp robot để xây dựng mối quan hệ trực tuyến. Mạng xã hội là về xã hội, hãy xây dựng mối quan hệ chân chính để cùng với mọi người có được thành công chứ không phải là hệ thống phần mềm tự động.
Mở rộng phạm vi tiếp cận từ Google+
Google tung ra dịch vụ mạng xã hội của mình, Google+, vào năm 2011. Trang web này được xem là câu trả lời của Google cho Facebook và đã phát triển nhanh chóng. Google+ tuyên bố có số lượng người dùng bằng một nửa Facebook và gấp đôi Twitter.
Cựu nhân viên và cũng là bậc thầy về marketing của Apple, Guy Kawasaki có một lượng người hâm mộ lớn trên Google+ và một người dùng lâu năm của dịch vụ này. Trong cuốn sách của mình, APE: Author, Publisher, Entrepreneur, Kawasaki nói rằng ông và các đối tác của mình thích Google+ vì “nó cho phép chúng tôi viết các bài viết dài, nhúng hình ảnh và video, cũng như tương tác với những người chia sẻ cùng đam mê với chúng tôi”.
Nếu bạn không có blog, hoặc nếu blog của bạn có một lượng khán giả nhỏ, Kawasaki khuyên bạn chỉ nên sử dụng Google+ làm nền tảng blog của bạn. “Việc tạo lượng truy cập cho tài khoản Google+ dễ dàng hơn nhiều so với blog độc lập nhờ các tính năng chia sẻ và thích được tích hợp sẵn của dịch vụ”, ông viết. Kawasaki thậm chí còn xuất bản một hướng dẫn về Google+, có tiêu đề What the Plus!.
VÒNG KẾT NỐI (CIRCLES)
Tính năng chủ đạo của Google+ là Vòng kết nối. Bạn có thể sắp xếp mọi người vào các Vòng kết nối khác nhau, chỉ cần dùng một giao diện kéo và thả. Việc này cho bạn gởi các tài liệu liên quan đến công việc tới những người nằm trong Vòng kết nối “Công việc”, gởi hình ảnh gia đình đến Vòng kết nối “Bạn bè”, và cứ thế. Bạn cũng có thể lựa chọn xuất bản thứ gì đó cho mọi người xem. Các Vòng kết nối cũng làm nhiệm vụ lọc những gì bạn muốn thấy trên dòng thời gian của mình. Nếu bạn chọn một Vòng kết nối cụ thể thì bạn chỉ thấy những gì mà bạn bè trong Vòng kết nối đó đăng lên.
Một tính năng quan trọng khác nữa là Hangout, cho phép thảo luận nhóm có video miễn phí, hỗ trợ lên tới 10 người tham gia thảo luận cùng lúc. Google+ cũng cho phép Hangout trực tiếp, giống như truyền hình trực tiếp live stream ngay tại sự kiện. Sau khi sự kiện kết thúc, bạn có thể chia sẻ Hangout thông qua trang Google+ và kênh YouTube. Đó là một lựa chọn miễn phí thay thế cho phần mềm hội thảo trên web cao cấp, nhưng vì miễn phí, nên nó thiếu nhiều tính năng lập kế hoạch và tích hợp trong khi các tính năng này được cung cấp sẵn trong các ứng dụng hội thảo khác.
GOOGLE+ CHO DOANH NGHIỆP
Bạn có thể và nên tạo một trang Google+ cho doanh nghiệp của bạn. Rất dễ làm và sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn xuất hiện nhiều hơn trên web.
Khách hàng có thể nhanh chóng biết được thông tin từ công ty của bạn như thời gian làm việc, địa chỉ, số điện thoại và hướng dẫn.
Tương tự như vậy, các thông tin khác về doanh nghiệp của bạn cũng hiện ra trên Google Maps. Nếu bạn có kênh YouTube, bạn có thể liên kết kênh YouTube đến trang Google+.
Google có tạo một thứ gọi là “Partner Playbook” có thể có ích cho bạn. Đường dẫn ở đây: http://services.google.com/fh/files/misc/googleplus-partner-playbook-may13.pdf
Dưới đây là năm bước giúp bạn sử dụng Google+.
1. Tạo một trang Google+. Việc này rất dễ dàng. Bạn có thể bắt đầu tại URL: www.google.com/+/business/.
2. Chọn một lĩnh vực cho công ty của bạn, như “doanh nghiệp/địa điểm địa phương”, hoặc “sản phẩm/thương hiệu”.
3. Hoàn thiện hồ sơ. Bạn nên làm cho hồ sơ thú vị và hấp dẫn. Chèn thêm đường dẫn tới website và các thông tin cơ bản khác về doanh nghiệp của bạn. Nếu được, bạn nên đưa thêm hình ảnh và video.
4. Yêu cầu một URL ảo. Google cho phép bạn yêu cầu một URL tùy chỉnh cho doanh nghiệp của bạn. Để làm vậy, bạn đăng nhập vào Google+. Vào hồ sơ của bạn, sau đó nhấp vào tab About, và trong Liên kết> URL Google+, nhấp vào “Get URL”. Google tạo URL cho bạn; bạn không thể thay đổi URL mà Google cung cấp cho bạn.
5. Sử dụng nút Google+ để có thêm người theo dõi. Nếu bạn đặt nút “+1” bên cạnh nội dung đăng trên website, mọi người có thể nhấp vào đó để chia sẻ nội dung của bạn lên Google+ và gợi ý nó cho Google Search. Nút “+1” tương tự nút “Like” trong Facebook.
Chúng tôi tin Google+ nên là một phần trong bất kỳ chiến dịch truyền thông xã hội nào bên cạnh Facebook, Twitter, LinkedIn và các mạng khác. Mặc dù có thể khó khăn để định lượng số lượng người mà bạn đang tiếp cận, nhưng việc kết nối với Google và công cụ tìm kiếm của nó là đủ lý do cho bạn đầu tư thời gian xây dựng sự hiện diện của mình trên Google+.
Được tìm thấy trên StumbleUpon
StumbleUpon là một cách khác để có lượt truy cập vào nội dung tốt nhất của bạn thông qua mạng lưới hơn 7 triệu người dùng đã đăng ký. StumbleUpon được biết đến như là một trang xã hội khám phá, vì nó giúp bạn khám phá ra những nội dung mới mà bạn có thể thích. Giống như các trang mạng xã hội khác, nó cũng miễn phí và khá dễ dàng để bắt đầu. Bước đầu tiên là đăng ký và tạo một tài khoản, đây cũng là bước mà bạn xác định lĩnh vực bạn quan tâm trong hơn 100 chủ đề cho sẵn. Sau đó, bạn tải xuống và cài đặt StumbleUpon vào thanh công cụ của trình duyệt. Cài đặt xong, thanh công cụ sẽ hiện lên bên phải trong trình duyệt của bạn, và trên thanh công cụ, bạn sẽ thấy một loạt nút, nút đầu tiên là “Stumble!”.
Hình 7.5 Thanh công cụ của StumbleUpon
Khi bạn nhấp vào nút “Stumble!”, bạn tự động được đưa tới một trang web khác. Trang bạn được đưa tới sẽ tùy thuộc vào nhiều thứ, nhưng chủ yếu nó phụ thuộc vào việc bạn thích cái gì và mức độ phổ biến của trang trong cộng đồng người dùng StumbleUpon. Khi bạn đã đi đến trang đó rồi, bạn có thể chọn bỏ phiếu đồng thuận (up-vote) bằng cách nhấp vào “I Like It” trên thanh công cụ, hoặc bạn có thể bỏ phiếu không đồng thuận (down-vote) cho nó bằng cách nhấp nút “Thumbs Down”. Đúng như bạn nghĩ, trang web nào được bỏ phiếu càng nhiều thì sẽ hiện ra với càng nhiều người dùng.
Một trang web được bỏ phiếu đồng thuận càng nhiều trên StumbleUpon thì càng nhận được nhiều khách vào xem. Với StumbleUpon, bạn sẽ dần dần có nhiều lượt truy cập khi bạn nhận được nhiều phiếu. Điều này khá tốt, bởi vì nếu nội dung của bạn vừa đủ tốt để có một số ít người bỏ phiếu, thì bạn sẽ vẫn thấy mức truy cập tăng lên một cách đáng chú ý. Càng có nhiều phiếu bình chọn tích cực, bạn càng có thêm nhiều lượt truy cập. Bằng StumbleUpon, lượt truy cập tiếp tục tăng lên trong thời gian dài. Chúng tôi có những bài viết nổi tiếng trên blog của mình, đã được gởi lên cách đây hai năm nhưng đến tận bây giờ, chúng vẫn nhận được lượt truy cập từ StumbleUpon.
MẸO SỬ DỤNG CÔNG CỤ STUMBLEUPON
Hãy dùng các mẹo này với StumbleUpon:
1. Hãy tìm hiểu tất cả các lĩnh vực có sẵn và chọn những lĩnh vực liên quan nhất cho hồ sơ của bạn. Điều này khiến bạn bắt gặp được nội dung thú vị hơn đối với bạn.
2. Khi mới bắt đầu, hãy chống lại sự cám dỗ tự gởi nội dung của riêng mình. Bạn chỉ cần sử dụng StumbleUpon để tìm nội dung thú vị (đó là lý do người ta thiết kế ra nó). Bầu chọn cho những điều bạn thích.
3. Bắt đầu kết bạn. Đặc biệt chú ý đến những ai là người đầu tiên thấy trang web mà bạn thích. Những người dùng này có cùng mối quan tâm với bạn và có nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu bầu chọn cho nội dung của bạn hơn.
4. Cân nhắc chạy chiến dịch quảng cáo nhỏ có trả tiền trên StumbleUpon (họ tính phí khoảng 0,05 đô la cho mỗi khách truy cập trang web – nhưng bạn có thể nhắm mục tiêu dựa trên lĩnh vực mà khách hàng quan tâm). Cách này thường không mất nhiều chi phí để tìm hiểu xem phần nội dung cụ thể nào đó có khả năng là một ứng cử viên để phát tán trên web.
Được tìm thấy trên YouTube
YouTube là một website cực kỳ phổ biến ngay cả trước khi Google mua lại công ty này với giá 1,65 tỷ đô la. Kể từ đó, lượng người xem tăng trưởng liên tục, và ngày nay YouTube nằm trong số 10 website phổ biến nhất trên Internet. Hãy lướt nhanh một vài con số:
• YouTube có hơn 1 tỷ người vào xem mỗi tháng.
• Mỗi tháng, người ta xem số video dài tổng cộng hơn 6 tỷ giờ đồng hồ – như vậy trung bình là 30 phút trong một tháng cho mỗi người trên Trái đất.
Bạn cũng nên biết là YouTube không chỉ có các video vui nhộn về mấy chú mèo làm những điều ngộ nghĩnh. Bạn có thể tìm thấy nhiều dạng video phổ biến khác nhau, bao gồm “How To” (Làm thế nào), “Expert Interviews” (Phỏng vấn Chuyên gia), đoạn ghi hình các hội thảo, và kể cả những quảng cáo hài hước (nhưng chúng phải thực sự vui nhộn).
Bước đầu tiên khi bắt đầu với YouTube là thiết lập tài khoản cho doanh nghiệp của bạn (ví dụ: www.youtube.com/yourcompanyname). Khi tạo tài khoản, bạn nên chọn tên khớp với tên doanh nghiệp vì tên này cũng sẽ trở thành tên kênh YouTube của bạn. Bước tiếp theo là bắt đầu đăng các video đáng chú ý (việc tải lên video khá đơn giản), YouTube lưu trữ miễn phí – nghĩa là bạn không phải lo lắng về chi phí lưu trữ hoặc băng thông.
Chúng tôi phác thảo một số cách để bạn có thể tạo ra được những video đáng chú ý.
CÂU CHUYỆN CỦA KHÁCH HÀNG
Ghi hình lại cuộc nói chuyện với một số khách hàng thân thiết nhất của bạn, để cho họ chia sẻ trải nghiệm và thông tin mà bạn nghĩ sẽ thú vị đối với các khách hàng tương lai. Mặc dù khách hàng có thể nói về doanh nghiệp của bạn, nhưng đừng ép buộc. Mục tiêu không phải là để có được một lời chứng thực, mà là để họ chia sẻ thông tin hữu ích cho người khác.
PHỎNG VẤN CHUYÊN GIA
Tìm các chuyên gia trong ngành của bạn và ghi lại các cuộc phỏng vấn với họ. Sẽ dễ dàng hơn để mọi người đồng ý được phỏng vấn trong một podcast hoặc video hơn là viết một bài viết cho blog của bạn.
VIDEO LÀM-THẾ-NÀO (HOW TO)
Video là một cách tuyệt vời để hướng dẫn mọi người, do đó rất đáng để xây dựng một thư viện các video ngắn mà người xem mục tiêu của bạn sẽ thấy thú vị và hữu ích cho công việc của họ.
Chìa khóa để thành công trên YouTube, cũng như trường hợp các kênh inbound marketing khác mà chúng tôi đã nói đến, là tạo ra nội dung đáng chú ý mà mọi người sẽ muốn xem và chia sẻ. Mặc dù bạn chắc chắn có thể tạo một video không khác gì đoạn quảng cáo nhàm chán cho sản phẩm/dịch vụ của mình, nhưng không có nhiều lượt xem (ngoại trừ mẹ của bạn, nhưng ngay cả bà ấy cũng mong đợi trải nghiệm web của mình sẽ có nhiều thứ vui vẻ hơn trong thời buổi này).
Quay video ngắn, chất lượng cao có thể được thực hiện với hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Thậm chí, chỉ cần chuẩn bị và thực hành một chút, bạn có thể, với chi phí và kinh nghiệm tương đối ít, quay video và chia sẻ chúng với khán giả trên web. Đăng lên YouTube nhanh chóng, dễ dàng và không cần chỉnh sửa gì cả.
Khi video của bạn đã được đưa lên YouTube, bạn cần hướng lượt truy cập đến video đó. Thực hiện việc này bằng cách sử dụng các kênh mà bạn dùng để quảng cáo bất kỳ nội dung nào – trang web, blog và tài khoản truyền thông xã hội của bạn. Một trong những tính năng hữu ích hơn mà YouTube cung cấp là khả năng nhúng video vào ngay trong trang web, để người dùng thậm chí không phải truy cập YouTube cũng có thể xem chúng. Chúng tôi sử dụng tính năng này để thêm video vào blog – ngoài ra, chúng tôi viết nội dung xung quanh video. Bằng cách đưa video YouTube vào các bài viết trên blog của bạn, bạn đảm bảo rằng ít nhất người đăng ký blog của bạn sẽ nhìn thấy chúng. Như bạn có thể mong đợi, YouTube cũng có tính năng tìm kiếm cho phép mọi người tìm thấy các video liên quan đến các chủ đề cụ thể. Cách hoạt động tương tự như Google, nhưng đơn giản hơn rất nhiều. Khi tối ưu hóa video của bạn cho tìm kiếm trên YouTube, hãy chắc chắn ghi mô tả, đặt tên cho video thật hấp dẫn và lời mô tả cần có các từ khóa của bạn.
YouTube có tính năng phân tích được tích hợp sẵn vào sản phẩm của họ, cho bạn biết video của bạn được xem bao nhiêu lần và xem ở đâu (trên YouTube, được nhúng trong trang web của bạn…).
MẸO SỬ DỤNG CÔNG CỤ YOUTUBE
Đây là bốn gợi ý ngoài lề để tối ưu hóa cách dùng YouTube:
1. Thử nghiệm! Bạn sẽ không biết loại video nào sẽ thu hút khách hàng tiềm năng cho đến khi bạn thực hiện việc thử nghiệm.
2. Đừng cố trở nên hoàn hảo hoặc quá bóng bẩy. Bạn không cần một nhà sản xuất video chuyên nghiệp để tạo nội dung cho doanh nghiệp của mình. Đừng tốn quá nhiều tiền cho một video; hãy chia đều khoản tiền ra cho nhiều video khác nhau và xem xem bạn làm được gì.
3. Đừng đầu tư quá nhiều vào các thiết bị đắt tiền. Các máy quay phim kỹ thuật số, micro hiện nay cũng dùng tốt. Kể cả quay phim bằng điện thoại thông minh cũng ổn cho những mục đích của bạn.
4. YouTube có một tính năng cho phép bạn thêm chú thích và những vùng có thể nhấp chuột trên video. Sử dụng tính năng này để liên kết các video của bạn lại với nhau.
Theo dõi tiến trình của bạn
Với fanpage của Facebook, hãy theo dõi số lượng người hâm mộ bạn có được và theo dõi xem con số này thay đổi theo thời gian như thế nào. Facebook có một tính năng là “insights” cung cấp cho bạn các dữ liệu như thế.
Nếu bạn có nhóm trên LinkedIn cho doanh nghiệp của mình, hãy theo dõi có bao nhiêu thành viên trong nhóm của bạn. Tìm kiếm dựa trên từ khóa trong lĩnh vực ngành nghề của bạn bằng cách sử dụng tính năng tìm kiếm nhóm để biết nhóm của bạn đang được xếp hạng bao nhiêu. Việc này sẽ cho bạn hiểu được nhóm của mình nằm ở vị trí nào trong lĩnh vực bạn đang kinh doanh.
Với Twitter, hãy quan sát xem số lượng người theo dõi đang tăng trưởng thế nào, và các thông tin liên quan đến bạn (retweet và yêu thích). Để đo lường năng lực và độ tiếp cận của bạn trên Twitter, hãy xem xét số lượng người theo dõi bạn, năng lực của những người này, mức độ cam kết của bạn đối với cộng đồng Twitter và có thêm người đọc, cũng như phản hồi những thông điệp bạn đã viết.
Trên YouTube, hãy xem có bao nhiêu người xem kênh của bạn. Bạn có hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn lượt xem cho mỗi video? Loại video nào cho hiệu ứng tốt hơn các video còn lại?
Câu chuyện thành công: FreshBooks đã áp dụng inbound marketing như thế nào?
FreshBooks, công ty dẫn đầu về phần mềm kế toán dựa trên điện toán đám mây dành cho các doanh nghiệp nhỏ, có một cộng đồng hơn 10 triệu người sử dụng FreshBooks để gửi, nhận, in và thanh toán hóa đơn. Theo Mike McDerment, CEO của FreshBooks, mặc dù FreshBooks là một công ty phần mềmmang tính kỹ thuật, nhưng họ vẫn nghĩ họ là một công ty dịch vụ, mang lại sự trải nghiệm.
Để nhắc nhở toàn bộ đội ngũ về sứ mệnh và mục tiêu của công ty, FreshBooks sử dụng một khái niệm gọi là 4E, “Thực thi trải nghiệm đặc biệt mỗi ngày (Executive on Extraordinary Experiences Everyday)”. Với việc tập trung mang lại trải nghiệm đã giúp cho FreshBooks mở rộng thương hiệu của họ trực tuyến và có nhiều người nói về họ hơn. Theo McDerment, khách hàng dường như thích nói về các trải nghiệm khác thường của họ với FreshBooks hơn là nói về các tính năng đặc biệt của phần mềm.
FreshBooks xuất hiện ở Twitter vào tháng 1 năm 2008, khi họ nhận thấy mọi người đang tweet về công ty và bởi vì họ muốn giúp cho khách hàng tương tác với họ dễ dàng hơn. Hiện nay, công ty có hơn 20.000 người theo dõi và đăng tin cập nhật thường xuyên (xem Hình 7.6).
McDerment nói: “Mặc dù chúng tôi trả lời các câu hỏi và hỗ trợ, cũng như tổ chức các cuộc thi trên Twitter, nhưng chúng tôi thực sự chỉ xem Twitter là một cách thức khác để có mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng của mình. Trong khi chúng tôi nhận được những đồng đô la từ dịch vụ mà mình mang lại, thì điều thật sự đáng giá mà công ty chúng tôi có được lại là các mối quan hệ. Twitter, blog và các diễn đàn của chúng tôi đều giúp chia sẻ văn hóa của chúng tôi đến cả thế giới và có thêm hiểu biết về khách hàng của mình. Chúng tôi thích thế”.
McDerment nói thêm: “Chúng tôi bắt đầu sử dụng Twitter bởi vì chúng tôi thấy mọi người đang nói về mình. Trên thực tế, ban đầu, chúng tôi cảm thấy bối rối khi nghe mọi người bàn tán về mình ở đó! Chúng tôi có một trang blog, gửi đi nhiều e-mail, tổ chức các sự kiện và trả lời điện thoại. Chúng tôi chỉ muốn giúp cho mọi người liên hệ với chúng tôi dễ dàng hơn thôi. Người dùng chọn lựa phương tiện truyền thông mà họ thích và chúng tôi chỉ giúp cho việc kết nối dễ dàng hơn. Bạn có biết vài thứ khá ngầu về Twitter của chúng tôi không? Bây giờ, mọi người đang giúp chúng tôi hỗ trợ và trả lời câu hỏi – thật ngạc nhiên! Vì vậy, giờ đây, điều chúng tôi đang học là lắng nghe và để người khác nói giúp”.
Hình 7.6 Freshbooks trên Twitter
Một vấn đề mà các doanh nghiệp phải vật lộn với mạng xã hội là xác định sự cân bằng giữa tính cá nhân và tính chuyên nghiệp. Cần có các chính sách và hướng dẫn như thế nào cho nhân viên khi làm đại diện trực tuyến cho công ty? Công ty có cần phải lên tiếng về những gì mà nhân viên đăng trên tài khoản Twitter của họ nếu bài đăng đó không liên quan đến doanh nghiệp? FreshBooks tiếp cận vấn đề này thật đơn giản và mới lạ. Công ty nhận thấy những người mà họ tuyển dụng đều đã có sẵn một mạng lưới trực tuyến khá phát triển (chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau khi nói về việc tuyển dụng những người tuyệt vời). FreshBooks khuyến khích những nhân viên ấy cứ là chính mình. McDerment nói: “Chúng tôi không muốn mọi người mang mặt nạ công việc, chúng tôi chỉ muốn họ là chính họ. Vì thế, chúng tôi cố gắng tránh liên quan đến phần lớn công việc của đội ngũ. Nhiều khách hàng chúng tôi có được chính là nhờ các mối quan hệ cá nhân của các thành viên trong đội ngũ của công ty mình – những người chúng tôi gặp gỡ tại các sự kiện, khách hàng, bạn bè, mạng lưới. Người ta có xu hướng sử dụng hồ sơ cá nhân của họ khi tham dự vào những nơi có tính quan hệ cá nhân”.
Điều đó nói rằng các công ty nên có một hồ sơ doanh nghiệp riêng biệt trên Twitter (@freshbooks). Tài khoản Twitter này được một nhóm nhỏ trong công ty quản lý để đảm bảo giọng điệu được thống nhất. “Chúng tôi có vài hướng dẫn như từng bài viết phải vui nhộn, khôi hài, chuyên nghiệp và không được hứa hẹn về vài điều nhất định”. Công ty cho phép bất kỳ nhân viên nào cũng có thể viết bài cho blog, nhưng có “biên tập viên” chịu trách nhiệm đảm bảo nội dung phù hợp với người đọc.
McDerment có vài lời khuyên cho doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để xây dựng sự tương tác trực tuyến:
• Kể câu chuyện thật về bạn – là những gì người ta nói về bạn.
• Tham gia – theo dõi kịp thời các bình luận. Luôn luôn nhớ bạn đang thiết lập tinh thần cho cộng đồng của mình.
• Cởi mở và cư xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được mọi người đối xử lại. Xây dựng lòng tin, đó là nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ tuyệt vời nào… và mạng xã hội là tất cả những gì về việc xây dựng các mối quan hệ.
• Lắng nghe – điều tuyệt vời nhất về các cộng đồng là họ giống như một nhóm sống động, có cùng hơi thở. Nếu bạn lắng nghe đúng cách, bạn sẽ học được mọi thứ bạn cần phải biết về chính doanh nghiệp của mình.
• Cuối cùng, mạng xã hội là cách làm kinh doanh và là con đường dài, chứ không phải là một chiến dịch. Nó cần sự cam kết tổ chức, hỗ trợ và ngân sách dài hạn. Những kết quả có được không phải dễ dàng mang lại lợi nhuận trực tiếp (bán hàng), nhưng tác động lên một cộng đồng là một cách phát triển đầy tiềm năng.
Thực hành
• Bằng cách nào đó, nếu bạn đang cố gắng chống lại việc đăng ký sử dụng Facebook, mặc cho lời đề nghị từ bạn bè và gia đình thì cứ tiến tới đi, làm ngay đi.
• Tạo một trang Facebook fanpage cho doanh nghiệp.
• Cấu hình một tên miền phụ, đường dẫn trực tiếp tới trang Facebook (ví dụ: http://facebook.yourcompanyname.com). Việc này giúp bạn dễ dàng giao tiếp URL trang của mình cho tới khi Facebook cho bạn một URL rõ ràng hơn (tức là facebook.com/yourcompany).
• Lần tới, khi chủ trì một sự kiện cho doanh nghiệp của mình, hãy dùng Facebook event để gởi lời mời mọi người tham dự và khách mời sẽ phản hồi trên đó luôn.
• Tìm Facebook của những người mà bạn có liên hệ công việc. Mời họ kết nối với bạn.
• Hãy đảm bảo hoàn thiện 100% hồ sơ LinkedIn của bạn. Liên kết hồ sơ đến website doanh nghiệp và blog.
• Tải xuống và cài đặt StumbleUpon trên thanh công cụ.
• Tạo tài khoản LinkedIn và đưa địa chỉ website công ty của bạn vào đó. Khi chèn đường dẫn, nhớ sử dụng văn bản neo cụ thể (đoạn văn bản mà người dùng sẽ nhấp vào) thay vì cứ để như mặc định.
• Sử dụng tính năng tìm kiếm nhóm để tìm các nhóm lớn nhất trong ngành của bạn. Tham gia các nhóm này và thảo luận với họ.
• Nếu bạn không tìm thấy nhóm nào trong lĩnh vực ngành nghề của mình, hoặc nhóm vẫn còn nhỏ (< 500 thành viên), hãy tạo một nhóm mới.
• Đảm bảo rằng bạn dùng tên công ty làm username trên Twitter. Mặc dù bạn không có ý định duy trì hai tài khoản riêng biệt, tài khoản công ty và tài khoản cá nhân, thì ít nhất, bạn vẫn nên tạo một tài khoản cho doanh nghiệp của mình. Miễn phí, dễ làm và có thể sau này bạn sẽ cần tới nó.
• Phải hoàn thiện hồ sơ trực tuyến của bạn, bao gồm cả tóm tắt tiểu sử, vị trí (nhất là thành phố, bang), và liên kết tới website của bạn. Nhiều người trên Twitterđang tìm những người thú vị để theo dõi. Hãy đảm bảo là họ sẽ tìm thấy bạn.
• Sử dụng các công cụ như tìm kiếm trên Twitter để tìm những người dùng Twitter có sức ảnh hưởng trong ngành nghề của bạn. Kết nối với họ sớm.
• Tạo một tài khoản StumbleUpon và tải về thanh công cụ.
• Chọn ra những danh mục có liên quan nhất đến doanh nghiệp của bạn.
• Bắt đầu “stumbling” (nhấp vào nút Stumble trên thanh công cụ). Bỏ phiếu đồng thuận cho các trang mà bạn thích, bỏ phiếu không đồng thuận cho những trang bạn không thích.
• Khi bạn thấy website hay bài viết nào thú vị, hãy đề xuất nó lên StumbleUpon (khoan tự đề xuất bài của mình). Đề xuất một bài bằng cách vào trang bạn muốn nộp, rồi nhấp nút “Thumbs Up” trên thanh công cụ.
• Làm bạn với những ai đang đề xuất những bài mà bạn thấy có tính liên quan cao. Hãy tạo danh sách bạn bè trước.