Glatten 1967
Rừng Đen chẳng có màu đen. Thậm chí cũng không phải một khu rừng. Không còn vậy nữa. Một nghìn tám trăm năm trước, những bộ lạc German cổ xưa thuộc tộc người Alemanni đã tiên phong khai hoang cả một vùng u tối rộng lớn từng làm khiếp sợ những người La Mã, để lấy chỗ cho gia súc và làng mạc. Đội quân truyền giáo Celtic đến từ Scotland và Ireland, mang theo búa rìu và lòng tin, không ngừng tấn công ác liệt cho tới khi nhóm người nguyên thủy bị đánh bại. Ngày nay, tàn dư của nơi tăm tối này chỉ còn là nguyên liệu cho những cơn ác mộng của bầy trẻ nhỏ và những chiếc đồng hồ cúc cu, đồng thời là một thương hiệu du lịch đẳng cấp.
Từ trong và ngoài nước, người ta đổ dồn về rặng núi thấp ở góc Tây Nam nước Đức, để giải thoát trái tim và buồng phổi khỏi những bụi bặm nơi đô thị. Sau chiến tranh, Rừng Đen trở thành địa điểm yêu thích của một đoàn làm phim khi đó đang cần một bối cảnh sạch đẹp, một không gian bình dị cho những cảnh quay thực tế lẫn hư cấu về y học, một trong những nơi mà sự mê ảo và thực tại hòa trộn với nhau tạo thành một hiệu ứng thú vị.
Những ai hoài nghi lưu ý, bởi những điều này, dĩ nhiên, đều là thật - ở thị trấn Glatten đẹp tới từng góc cạnh. Những ngôi nhà màu trắng giản dị với mái màu bánh gừng và ban công bằng gỗ, khiêm nhường dựa lưng vào những ngọn đồi, phóng tầm mắt theo những triền dốc xanh bất tận. “Thường thì người ta xây nhà trên đỉnh đồi, để phô trương sự bề thế. Nhưng người Swabia lại nương theo sườn đồi, để giấu đi việc thực ra chúng hoành tráng như thế nào,” cựu chính trị gia Đảng Xanh Rezzo Schlauch giải thích về lối nghĩ khiêm nhường của dân địa phương, những người bà con của ông. “Họ sẽ cất chiếc Mercedes trong ga-ra và lái chiếc Volkswagen ra đường.”
Con sông Glatt chảy từ phía bắc hướng vào thị trấn nhỏ cùng tên, lướt qua nhà máy công nghệ chân không bọc thép J. Schmalz GmbH. Dòng sông là người đồng hành lặng lẽ với khu phố chính (với đại lý xe hơi, nhà băng, tiệm bánh, lò mổ, cửa hàng hoa tươi, sạp bánh mỳ doner-kebab), là nguồn cung hữu hạn cho một bể bơi tự nhiên, rồi tuôn chảy bên cạnh một sân thể thao ở Böffingen, một ngôi làng được sáp nhập vào trung tâm Glatten.
Khí hậu khắc nghiệt với những trận mưa triền miên khiến mảnh đất xinh đẹp luôn phải giành giật với thiên nhiên, chứ không phải món quà của tạo hóa. Người dân trồng cỏ, bắp và nuôi heo… Họ là những con người có quyết tâm và biết tính toán kinh ngạc - một kiểu người Đức đặc trưng, nỗ lực vượt cả sự chăm chỉ, không có thiện ý thỏa hiệp với bản thân. “Schaffe, schaffe, Häusle baue!” Lao động, lao động, để xây nhà - đấy là câu châm ngôn nổi tiếng của vùng này.
“Làm việc không quản ngày đêm là phẩm chất nổi bật của người Swabia,” Schlauch cho hay. “Điều này bắt nguồn từ lịch sử, bởi người dân nơi đây có tiếng về tư duy không ngừng đổi mới. Ở các vùng khác, những người con trưởng sẽ thừa hưởng toàn bộ ruộng đất của cha mẹ. Nhưng ở Swabia, đất đai được chia đều cho con cái. Đất nông nghiệp bị thu hẹp tới khi không còn canh tác được nữa, do đó thế hệ sau bị buộc phải làm những công việc khác. Nhiều người trong số họ trở thành nhà sáng chế và Tüftler, những người đi tìm giải pháp mới cho những vấn đề cũ.”
Quy ước địa phương đòi hỏi mọi thứ đều phải được thực hiện một cách chỉn chu, nghiêm túc, bao gồm cả các hoạt động giải trí. Một trong mười bốn câu lạc bộ xã hội đang hoạt động tại Glatten là dành cho lễ hội. Một câu lạc bộ khác mang những người bạn của giống chó Đức Shepherd lại gần nhau.
Dãy chuồng trại vẽ ra một con đường nhỏ lấm chấm đất để lại sau những chiếc máy cày, và nơi đây, ngay cạnh một thửa ruộng, là cửa hiệu “Haarstüble” của Isolde Reich, một salon tóc bé xinh, chốn tụ tập kín đáo, và còn là điểm bán bít tất đan tay gây quỹ từ thiện tổ chức bởi một người bạn của Reich. Lợi nhuận đóng góp vào việc mua giày cho những người vô gia cư.
Isolde sinh ra tại Glatten vào năm 1962, trên cô còn có một chị gái. Cha cô, Norbert, là một thủ môn tài năng, đồng thời là một gã cuồng thể thao. Bị ngăn cản bởi cụ thân sinh có tư tưởng truyền thống - “Ông ấy cho rằng cha tôi nên làm một nghề chính thống, chứ đừng cố thử trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp,” Reich kể - sự nghiệp của ông kết thúc trước khi nó thực sự bắt đầu. Tuy vậy, hoài bão của ông không hề suy giảm. Ông tham gia chơi bóng đá nghiệp dư, bóng ném và quần vợt, rồi cố truyền lại đam mê đó cho gia đình. Khi vợ Elisabeth và con gái lớn Stefanie cho thấy chẳng có chút thiên hướng chơi bất kỳ môn thể thao nào, hy vọng của Norbert dồn cả vào Isolde. “Trong cuốn album ảnh hồi bé của tôi, ông viết: ‘Isolde, lẽ ra con nên là một cậu bé’.” Cô mỉm cười. “Tôi là đứa con gái đầu tiên trong cả cái Glatten này đi tập đá bóng.”
Norbert huấn luyện cô, với phương pháp đòi hỏi nhiều nỗ lực và khắt khe. Ông bắt một Isolde mới năm tuổi tập chơi đánh đầu ở sân bóng Riedwiesen cạnh bờ sông, nơi có một trái banh cũ nặng trịch được buộc vào dây thừng và treo lên một thanh sắt ngang màu xanh. Khi tư thế không chuẩn hoặc tay giơ quá cao, Norbert phạt cô chạy một vòng quanh sân. “Ông cứng rắn nhưng công bằng. Một con người nguyên tắc, đầy đam mê.” Reich chia sẻ.
Mùa hè năm 1967, mẹ cô vắng nhà trong vòng một tháng. Elisabeth mang thai to, nguy cơ biến chứng buộc bà phải nhập viện ở Stuttgart, cách nhà 80 phút lái xe về phía tây bắc. Bệnh viện địa phương Freudenstadt cách nhà 8,5km không được trang bị đủ dụng cụ để thực hiện ca sinh mổ. Thật gay go cho Stefanie và Isolde vì phải xa mẹ lâu như thế. “Chúng tôi được hứa hẹn: ‘Mẹ sẽ có bất ngờ cho hai đứa khi trở về’.”
Tuy nhiên, khi Norbert và Elisabeth trở về, trong tay họ chỉ có một đứa trẻ sơ sinh bé bỏng, đang gào khóc váng trời. Sau chừng một giờ, hai cô chị tự hỏi liệu có thể trả lại cậu nhóc để đổi lấy thứ gì khác không. Một đứa em bé tí, la hét inh tai nhức óc - một bất ngờ thật tệ hại! Nhưng Isolde mau chóng nhận ra cô được ban tặng nhiều hơn một đứa em ồn ào đến phiền phức. “Mọi định hướng về thể thao của ba tôi ngay lập tức chuyển sang cho thằng bé. Tôi được giải cứu khỏi trò đánh đầu với cái quả lắc ấy, thay vào đó sẽ được tập ballet và các môn điền kinh. Jürgen chào đời thực sự là vận may của tôi. Cậu ấy trả tự do cho tôi.”