Mainz 2001
Christian Heidel vô cùng hào hứng với câu chuyện, ông bắt đầu hồi tưởng lại và tự hỏi liệu nó có thật hay không. “Là một cổ động viên của Mainz, tôi có thể nói: hay là cứ bịa ra đi. Nhưng câu chuyện này thực sự đã xảy ra,” ông nhấn mạnh, sẵn sàng cho một chuyến du hành tâm trí ngược thời gian: từ sự nhàm chán đặc quánh trong căn phòng làm việc tại Schalke 04 đến nơi thành thị đang hát ca nhảy múa mê say trong cơn mưa hoa công-phét-ti, và một đội bóng hạng hai nhược tiểu, vô vọng, bị đẩy vào một chuyến làm khách cách đó bốn mươi phút chạy xe với sự chêch lệch rõ mồn một.
Hôm trước đó, ngày 25 tháng 2 năm 2001, FSV Mainz 05 gặp đối thủ kỵ giơ SpvGG Greuther Fürth và thua 3-1 trên sân Playmobil-Stadion. “Klopp bị đau nhẹ và chơi dở nhất đội, cậu ấy bị thay ra hai mươi phút trước khi hết giờ,” Heidel kể. Thất bại vùi Mainz sâu hơn xuống khu vực rớt hạng. “Chúng tôi đội sổ,” cựu giám đốc điều hành FSV cười. “Quả thật tận đáy bảng xếp hạng, không chút ánh sáng le lói nào ở, e hèm, phía cuối đường hầm. Trung bình có 3.000 người tới xem các trận đấu, nhưng khi ấy chẳng ai buồn đoái hoài đến chúng tôi nữa. Tất cả đều chắc chắn rằng chúng tôi sẽ xuống hạng.”
Các cộng sự của ông trong ban lãnh đạo Mainz đều đang ở trung tâm thành phố, mải mê tiệc tùng ở lễ hội hóa trang Rose Monday, nhờ nó mà thủ phủ bang Rhineland-Palatinate nổi tiếng trên toàn nước Đức. Nửa triệu con người diện những bộ đồ ngộ nghĩnh, ngà ngà say và trở nên thân mật hơn thường lệ. Các đài truyền hình quốc gia ARD và ZDF dành cả một buổi tối để ghi hình buổi gặp mặt kéo dài bốn tiếng đồng hồ giữa các câu lạc bộ lễ hội của thành phố ở Electoral Palace, cuộc tụ họp của những câu tán dóc và các màn châm biếm chính trị sặc men bia.
Eckhart Krautzun, huấn luyện viên ưa xê dịch của Mainz, cho rằng sức cám dỗ của lễ hội quá lớn đối với đội bóng trước trận đấu rất quan trọng tại Duisburg vào ngày Ash Wednesday . “Sau trận thua tại Fürth, tình hình ở Mainz trở nên khó lường. Chúng tôi biết hoặc họ sẽ trảm huấn luyện viên, hoặc sẽ gí lửa vào mông hội cầu thủ. Chúng tôi phải ở biệt lập trong một khách sạn ở Bad Kreuznach trong vòng ba ngày, vậy nên không ai ra ngoài đi lung tung được,” theo lời tiền vệ FSV Jürgen Kramny, bạn cùng phòng của Jürgen Klopp thời điểm đó.
Christian Heidel ở lì trong nhà tại Mainz. Ông chẳng có tâm trạng đâu để tiệc tùng; tình hình của đội bóng quá sầu não để diễn mấy trò mua vui. Hiển nhiên là huấn luyện viên trưởng phải ra đi. Krautzun là một người đàn ông rất dễ mến, không nghi ngờ gì, một người điều hành đầy kinh nghiệm từng dẫn dắt Diego Maradona ở một trận đấu cho Al-Ahli FC tại Saudi Arabia, ngoài ra còn có đội tuyển quốc gia Kenya và Canada, cũng như một số lượng lớn các câu lạc bộ trên toàn thế giới, nhưng sáu điểm sau chín trận đấu kể từ khi ông tiếp quản đội vào tháng 11 là một chuỗi trận hướng thẳng xuống bờ vực rớt hạng. Heidel linh cảm rằng ngay từ đầu Krautzun đã dùng mánh khóe qua mặt ông để được bổ nhiệm.
Người tiền nhiệm của Krautzun, cựu tuyển thủ quốc gia Bỉ René Vandereycken, là dạng huấn luyện viên cộc cằn, đơn điệu, luôn khước từ giao tiếp với các cầu thủ, thành viên ban lãnh đạo và quan chức, và tỏ ra miễn cưỡng trong việc đề xuất một hệ thống lối chơi chặt chẽ. Ông bị sa thải sau mười hai trận với vỏn vẹn mười hai điểm ở mùa giải 2000-01, khiến Mainz một lần nữa rơi vào khu vực xuống hạng. Heidel muốn người phụ trách sau này có thể tái tạo hệ thống phòng ngự danh tiếng với bốn hậu vệ mà cựu huấn luyện viên Wolfgang Frank trình làng sáu năm trước. Chiến thuật này được cho là hiện đại và cấp tiến so với mặt bằng chung của Bundesliga thời điểm đó, mà gần như không ai biết cách vận hành nó ra sao.
Heidel: “Tôi đã nói với tất cả mọi người rằng tôi cần một huấn luyện viên có tầm hiểu biết về sơ đồ bốn hậu vệ. Ai đó có thể thực hành nó, có thể giảng giải cho các cầu thủ? Đột nhiên, tôi nhận được một cuộc gọi từ Krautzun. Nói thật, tôi không hề nghĩ đến anh ta. Anh ta từng ở Kaiserslautern trước đó, không thành công cho lắm, và tôi có cảm giác chuyện này không đi đến đâu cả. Nhưng anh ta nói không ngừng cho đến khi thuyết phục được tôi đi gặp mặt. Rồi chúng tôi gặp nhau ở Wiesbaden. Anh ta tiếp tục giải thích cặn kẽ mọi thứ về sơ đồ bốn hậu vệ và tôi tự nhủ, ‘Ồ, hóa ra gã này siêu thật!’ Tôi đã quan sát nhiều buổi tập của Frank đến mức biết chính xác những bài tập chuyên biệt trông ra sao. Vậy nên tôi bổ nhiệm anh ta làm huấn luyện viên trưởng. Khoảng hai tuần sau, Klopp đến gặp tôi và kể Krautzun đã gọi cho cậu ấy một tháng trước. ‘Ông ta muốn biết sơ đồ bốn hậu vệ vận hành ra sao, chúng tôi đã nói chuyện trong ba giờ đồng hồ.’ Đó là những gì hiển hiện trên sân đấu. Chúng tôi thắng trận đầu tiên và rồi mọi chuyện đổ vỡ.”
Chia tay Krautzun là quyết định đúng đắn và dễ dàng. Nhưng tìm ra người kế nhiệm lý tưởng thì khó hơn nhiều. Heidel đọc lướt qua một núi ấn phẩm niên san của Kicker, mong tìm ra một ứng cử viên phù hợp. “Khi đó chưa có mạng thông tin toàn cầu, chẳng thể biết ai từng huấn luyện ở Brugge, giả dụ vậy. Bất luận như thế nào, những đội bóng đó thường lớn gấp năm lần chúng tôi. Thời thế cũng khác nữa. Lúc đó gần như không có huấn luyện viên ngoại ở Bundesliga. Toàn phải tận dụng nguồn lực trong nước.” Một lúc sau, Heidel gập hết những cuốn sách lại và tỏ ra bất lực: “Tôi thấy cơ may duy nhất còn lại cho chúng tôi là bằng cách nào đó phải đạt được mục tiêu chơi bóng như dưới thời Wolfgang Frank. Nhưng tôi chưa tìm được ai cả. Chẳng biết ai có thể làm được việc này.”
Có thể Heidel tìm được cảm hứng từ những chú hề diễu hành qua các con phố ở Mainz, trong ngày các luật lệ thông thường không có hiệu lực. Ông đang thiếu những lời giải hữu ích. Nước cờ hợp lý duy nhất còn lại là chơi tất tay cho giải pháp cực kỳ nực cười này. Nếu không tìm được một người dẫn dắt lý tưởng, có lẽ câu trả lời là… cứ thế đá mà chẳng cần huấn luyện viên?
“Tôi nghĩ, hay là làm cái gì đó khác đi. Tự dạy bảo nhau chẳng hạn. Có đủ người giỏi và những cầu thủ sáng dạ trong đội,” ông nói. Và để thực thi ý tưởng này, họ có thể chỉ bảo cho những người gia nhập đội sau thời kỳ của Frank ở sân Bruchweg. Nhưng bóng đá là bóng đá, vẫn cần một người chịu trách nhiệm. Heidel ngần ngại tự ứng cử. “Tôi có thể chỉ cho họ cách vận hành sơ đồ sau rất nhiều lần dự khán các buổi tập của Wolfgang, nhưng tôi chưa từng đá trận nào ở Bundesliga, cũng như ở giải hạng Tư Oberliga. Như thế trông thật ngớ ngẩn. Sở dĩ vậy tôi mới gọi điện cho Klopp đang trong phòng khách sạn ở Bad Kreuznach. Cậu ấy không hề biết chuyện gì sắp xảy ra.”
Heidel thông báo với hậu vệ phải kỳ cựu về việc họ không thể tiếp tục với Krautzun, rằng đội phải có một sự thay đổi. “Tôi bảo cậy ấy: ‘Tôi thấy cậu học hết chữ rồi. Cách chúng ta chơi bóng - hoặc muốn chơi - để có được thành công, chẳng ai ở nước Đức này hiểu cả. Cậu, đội bóng này, nắm được điều đó. Nhưng không một huấn luyện viên nào nhìn ra vấn đề.’ Klopp vẫn chưa hiểu tôi đang đề cập đến chuyện gì. Rồi tôi nói: ‘Cậu nghĩ sao về việc đội tự kèm cặp nhau? Ai đó phải đứng ra chỉ đạo, người đó nên là cậu.’ Một khoảng lặng chừng ba, bốn giây ở đầu dây bên kia. Rồi cậu ấy đáp: ‘Ý tưởng hay quá. Làm thôi!’”
Rồi Heidel gọi cho thủ môn Dimo Wache, đội trưởng của câu lạc bộ. “Kloppo là thủ lĩnh đích thực, nhưng Dimo mới là người giữ chiếc băng tay. Dietmar Constantini đã tước nó từ Klopp, bởi cậu ấy luôn phàn nàn về chiến thuật. Cách cậu ấy hứng thú với chiến thuật không giống bất kỳ cầu thủ nào, cậu ấy dành rất nhiều thời gian để nghĩ về nó. Constantini cũng đã gạt cậu ấy ra khỏi đội trong một thời gian ngắn. Kloppo phải ngồi dự bị, điều đó cũng chẳng thay đổi được gì. Bây giờ thật khôi hài là cậu ấy lại than phiền về những điều cầu thủ phàn nàn, bạn nên thấy cậu ấy khi đó…”
Harald Strutz, vị chủ tịch dễ mến của Mainz, đang bận rộn hoàn thành những phần việc liên quan đến hội hè, khi ông là thành viên cộm cán của Ranzengarde, đội cận vệ giả lính lên án chủ nghĩa quân phiệt Phổ được thành lập từ thế kỷ XIX. “Heidel gọi cho tôi và bảo: ‘Phải sa thải huấn luyện viên trưởng thôi, gấp lắm rồi’.” Strutz kể, khi đang ngồi trong căn phòng làm việc giản dị tại trụ sở hành chính của Mainz thuộc một khối nhà văn phòng ở ngoại ô thành phố. Dưới sảnh có một tủ kính trưng bày các vật phẩm của FSV, trong đó có phiên bản đặc biệt của trò cờ tỷ phú với hình ảnh Klopp và Heidel trên bao bì. “Krautzun rất lịch thiệp. Ông ấy muốn tiếp tục công việc nhưng chúng tôi nói với ông ấy mọi chuyện đã kết thúc. Tôi cởi phăng chiếc áo đồng phục của Ranzengarde và lái xe đến Bad Kreuznach. Ai nấy đều đang tiệc tùng trong lễ hội Rose Monday tại Mainz, nhưng không có nghĩa là tất cả đều say. Ồ, tôi không nhé, không thì sao tôi lái xe đến đây được. Chúng tôi hỏi Kloppo: ‘Cậu nghĩ mình sẵn sàng cho việc này chứ?’ Cậu ấy không chần chừ dù chỉ một giây: ‘Vâng, hoàn toàn sẵn sàng. Tất nhiên rồi’.”
Strutz ngưng lại trong giây lát, chưa hết sửng sốt vì tính phi lý của quyết định quan trọng nhất ông từng chỉ đạo ở Mainz. Ông là chính trị gia địa phương của Đảng Dân chủ và là một luật sư, luôn có một bản sao của Bürgerliches Gesetzbuch - Bộ Luật Dân sự Đức - trên bàn hội nghị. Strutz, nói ngắn gọn, là người khá nghiêm túc, không phải kiểu ông chủ dễ bị cuốn theo Schnapsidee (ý tưởng viển vông) của vị giám đốc điều hành. “Câu chuyện đó rất đặc biệt,” ông tiếp tục. “Khởi đầu như vậy đấy. Tại sao chúng tôi lại phải có thay đổi đó? Nếu bạn hiểu mọi thứ lúc đó như thế nào thì… Để gắn kết cả đội với nhau là một thành tựu đáng kinh ngạc. Một khởi đầu không tưởng của một sự nghiệp huấn luyện khác thường. Đến giờ sự lạ thường ấy vẫn râm ran trong tâm trí tôi.”
Mười nhà báo địa phương đến dự buổi họp báo của FSV ngày hôm sau trông thật kém phấn khởi. Heidel kể lại: “Họ đã biết tin Krautzun bị sa thải. Chúng tôi xác nhận điều đó. Rồi một nhà báo tên Reinhard Rehberg, người hiện giờ vẫn đang công tác, cất tiếng, ‘Klopp làm gì ở đây vậy?’ Họ đều nghĩ chúng tôi sẽ đôn một trợ lý lên làm huấn luyện viên tạm quyền nhưng tôi không cho là lúc đó đội có cả trợ lý huấn luyện. Vì thế tôi trả lời, ‘Kloppo sẽ là huấn luyện viên.’ Cả bàn phá lên cười. Tất cả bọn họ cười nghiêng ngả. Họ giễu cợt chúng tôi trên mặt báo ngày hôm sau. Bây giờ ai cũng tung hô Klopp nhưng người đàn ông lúc đó không phải là Klopp của hiện tại, mà chỉ là một cầu thủ rất đỗi bình thường, không hề có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp, ngoại trừ tấm bằng về Khoa học thể thao.”
Klopp biết các phóng viên không tin mình đủ khả năng cứu Mainz khỏi nguy cơ rớt hạng. Anh bông đùa về sự thiếu kinh nghiệm của bản thân, bằng cách vờ như không biết kịch bản trả lời họp báo. “Chắc các anh phải chỉ cho tôi xem tôi cần nói gì,” anh yêu cầu đội quân báo chí kèm một nụ cười ngoác miệng.
“Chuyện sau đó, tôi sẽ không bao giờ quên,” Heidel kể. “Khi các nhà báo đã giải tán, Klopp rủ: ‘Chúng ta ra sân tập thôi.’ Chúng tôi nhảy vài tuyến buýt rồi chạy xe đến Friedrich-Moebus-Stadion. Khi đến đó, chợt có vài điều khiến tôi nảy ra suy nghĩ: ‘A, có sinh khí rồi.’ Những chiếc cột ở mọi nơi trên sân tập. Đội bóng lại tập cách di chuyển ngang sân theo đội hình. Đấy là khi tôi nhận ra: chúng tôi đã trở lại thời kỳ của Wolfgang Frank.”
Toàn đội cũng ngạc nhiên không kém các nhà báo về việc Klopp là thuyền trưởng mới. “Đột nhiên, Kloppo xuất hiện trong phòng họp và trao đổi với chúng tôi trên tư cách huấn luyện viên,” cựu tiền vệ FSV Sandro Schwarz hồi tưởng. “Anh ấy vẫn là con người của tập thể, thật vậy, đại loại như không cần xưng hô trang trọng hay giữ khoảng cách. Anh ấy có cái uy bẩm sinh nhưng chúng tôi vẫn thân thiết, thế nên anh ấy sâu sát được mọi việc. Cả đội chẳng có ý kiến gì bởi chúng tôi đang gặp khó trong cuộc chiến trụ hạng. Chẳng ai tin vào chúng tôi nữa. Những cầu thủ đã ở đây lâu năm nóng lòng muốn đá lại với sơ đồ 4-4-2 từng khiến chúng tôi mạnh mẽ. Bằng thái độ tích cực, anh ấy giúp chúng tôi thích nghi với kiểu vận hành cũ đó một lần nữa.”
Cuộc họp toàn đội đầu tiên để lại một ấn tượng sâu đậm với Heidel. “Tôi vẫn còn nhớ căn phòng trông như thế nào. Anh chàng này chưa diễn thuyết trước một đội bóng bao giờ. Chưa từng. Bỗng tôi thấy mình như thon gọn lại, sung sức hẳn lên. Nếu ai đó ném cho tôi một đôi giày ngay lúc ấy, tôi sẽ lao ra sân thi đấu với Duisburg ngay sau khi nghe cậu ấy nói. Tôi đã chứng kiến mười, mười một huấn luyện viên trước đó. Nhưng không ai làm được thế này. Chỉ muốn ra ngoài và chơi bóng ngay lập tức. Khi rời khỏi căn phòng, tôi bắt gặp nhiều vẻ mặt hồ nghi. Họ bảo: ‘Gã đó chỉ là cầu thủ…’ Tôi nói với Strutz và các cộng sự trong ban lãnh đạo rằng chúng tôi sẽ thắng, 100 phần trăm. Nếu đội bóng cũng đồng lòng với tôi, rằng chúng tôi phải thắng, thì chúng tôi sẽ thắng. Tôi không biết dùng từ nào cho đúng nhưng cuộc nói chuyện đó là sự pha trộn giữa sách lược và động lực, còn hơn cả một bài diễn thuyết. Chúng tôi có thể ra sân ngay lập tức. Cậu ấy nói và nói cho tới khi toàn đội tin rằng họ là những cầu thủ cừ khôi.”
“Nhận công việc đó giống như thực thi một nhiệm vụ cảm tử,” Klopp thú nhận trên spox.com một thập kỷ sau đó. “Lúc đó tôi chỉ tự hỏi mình một câu: chúng tôi có thể làm gì để ngừng thua? Tôi chưa nghĩ một chút nào đến việc thắng trận. Buổi tập đầu tiên chủ yếu là di chuyển ngang sân theo chiến thuật. Tôi dựng những chiếc cột lên rồi tự hỏi khoảng cách chuẩn giữa các hàng cột dưới thời Wolfgang Frank là bao nhiêu. Hầu hết các cầu thủ vẫn nhớ như in các bài tập tiêu chuẩn này từ những ngày rèn giũa đến kiệt sức dưới sự chỉ đạo của ông ấy. Chúng tôi muốn chơi một trận đấu chủ động trước đối thủ.” Như ở phần gợi mở động lực trong bài nói của mình, Klopp cũng nhắc lại một trong các chủ đề của Frank: việc “dồn sức vào 5 phần trăm cuối” sẽ tạo nên sự khác biệt.
Klopp đưa ra “những quyết định đơn giản”, Kramny cho hay. “Tôi được chuyển từ vị trí tiền vệ phải vào trung tâm. Thêm một hay hai sự thay đổi nữa. Heidel nhắc tất cả chúng tôi phải nỗ lực hết mình sau khi gây ra cảnh điêu đứng cho các huấn luyện viên trước đó. Chúng tôi đều cảm thấy có trách nhiệm. Không có nhiều thời gian để vẽ ra lắm thứ, vì thế kế hoạch là đưa vào ít trò vui, luyện cách di chuyển và các tình huống bóng chết. Và rồi chúng tôi hô hào nhau: ‘Tốt rồi, tiến lên!’ ‘Nhanh lên, mau nào, chạy đi!’ Hôm diễn ra trận đấu, trời mưa như trút.”
Heidel: “Trên sân có 4.500 cổ động viên. Thi đấu vào ngày Ash Wednesday là một điều đặc biệt ở Mainz. Duisburg là đội bóng vượt trội so với chúng tôi, một ứng viên sáng giá cho suất lên hạng. Phải nói thật là chúng tôi đá cho họ lên bờ xuống ruộng. Chúng tôi chỉ thắng 1-0 nhưng họ tuyệt nhiên không thể áp sát gôn đội tôi lấy một lần. Họ hoàn toàn không thể đối phó được với chiến thuật của chúng tôi. Mọi người trên sân như phát rồ.”
Riêng các cổ động viên ở khán đài chính lại còn được mua vui ra trò. Họ thấy huấn luyện viên của Mainz “hành xử như một cầu thủ thứ mười hai, điều khiển trận đấu trên đường biên vô cùng ấn tượng,” Heidel nói thêm. “Khán đài chính lúc đó chỉ chứa được 1.000 người nhưng các cổ động viên đổ dồn về đó để cười cợt anh chàng phía dưới. Tôi thậm chí chẳng biết cậu ấy chạy đi đâu khi chúng tôi ghi bàn. Có thể cậu ấy bị trọng tài đuổi khỏi sân cũng nên?” (Trên thực tế là không phải.) “Mọi thứ thực sự rất, rất đặc biệt. Nhưng phải nói điều này: đó là sự khởi đầu của cậu ấy. Rồi sau đó cậu ấy lên đường.”