C
ó chuyện gì đó đã xảy ra.
Người ta đã bảo với Ron Pulaski là sẽ không có lễ truy điệu nào dành cho Richard Logan.
Nhưng rõ ràng chuyện ấy đã thay đổi.
Sáu người đang đứng trong căn phòng nơi anh được chỉ tới trong Nhà tang lễ Berkowitz, Broadway và phố 96.
Anh chưa đi vào vội. Cảnh sát tuần tra đứng ở hành lang, nép về một bên và ngó vào. Anh đang nghĩ: Rất khó để nhập hội một cách dễ dàng khi anh chỉ là người lạ đối diện với sáu người đã quen biết nhau – một người hay tất cả bọn họ có thể có trực giác nhạy đến mức nghi ngờ anh là kẻ thâm nhập và bắn anh chết ngay.
Đã thế còn cái tên của nơi này nữa chứ! Chẳng phải Berkowitz là Con trai của Sam à? Tên sát nhân hàng loạt từ những năm 70 hay 80 gì đó?
Điềm gở.
Mặc dù Ron Pulaski đã cố bắt chước Lincoln Rhyme và không tin vào dấu hiệu hay mê tín dị đoan, nhưng anh vẫn là kiểu người như thế.
Anh dợm bước đến. Dừng lại.
Pulaski đã phải gom biết bao dũng khí với ý tưởng làm cảnh sát chìm. Anh là cảnh sát đường phố, kiểu cảnh sát khu vực – anh và cậu em trai song sinh, cũng mang màu áo xanh, thường nói như vậy. Anh nghĩ lại bản hip-hop dở tệ mà hai anh em từng sáng tác với nhau.
Cảnh sát khu vực, cảnh sát phố phường, viết thẻ phạt và mời bạn đi.
Hay đọc quyền của bạn và đá đít bạn đi…
Ở Rikers, trên đảo, trong vịnh…
Anh gần như không biết gì về nghệ thuật sắp đặt và giả vờ - đã được những con người như Fred Dellray trình diễn quá xuất chúng. Đặc vụ FBI gốc Phi cao ráo và rắn chắc ấy có thể là bất kì ai từ một tên buôn ma túy người Caribe cho đến Charles Taylor – người dẫn đầu xu hướng cho đến một vị CEO của công ty trong top Fortune 500.
Anh ta là một diễn viên bẩm sinh. Từ giọng nói, dáng điệu, biểu cảm… tất tần tật mọi thứ. Và rõ ràng cả cái anh chàng Gielgud cũng vậy (có lẽ Dellray đã làm việc cùng anh ta). Và Serpico. Kể cả nếu anh ta có bị bắn.
Cảnh sát khu vực, cảnh sát đường phố, cảnh sát đi dưới cơn mưa tuyết…
Đoạn rap quanh quẩn trong đầu anh, bằng cách nào đó làm cuộn lên sự bất an.
Sao mình lại hồi hộp đến thế kia chứ?
Đâu phải anh đang bầu bạn với tụi buôn ma túy hay cưỡng dâm tập thể. Dù những người khách này là ai, gia đình hay bè bạn của Richard Logan, trông bọn họ vẫn có vẻ như những công dân Manhattan tuân thủ pháp luật. Thợ đồng hồ đã sống trong một vòng tròn rất khác, một tầm cao hơn hẳn lũ tội phạm thông thường. Ồ, chắc chắn hắn đã phạm tội giết người. Nhưng người ta không tài nào tưởng tượng ra Logan, Thợ đồng hồ, với phong cách tinh tế như thế trong một ngôi nhà dột nát hoặc giữa xưởng nấu cỏ trên chiếc rờ-moóc đôi. Những nhà hàng sang trọng, những trận đấu cờ, viện bảo tàng nghe có vẻ giống kiểu của hắn hơn. Tuy nhiên, anh cũng biết Thợ đồng hồ đã cố giết Rhyme trong lần cuối họ gặp nhau. Có thể hắn đã để lại chỉ thị trong di chúc cho một đồng phạm sát thủ nào đó làm chính cái việc mà Pulaski đang làm đây: lượn lờ ở nhà tang lễ, phát hiện bất kì cảnh sát chìm nào có vẻ lo lắng, lôi họ vào con ngõ nhỏ sau đó.
Được rồi. Chúa ơi. Thực tế đi.
Anh biết có nguy hiểm, nhưng không đến mức một viên đạn vào sau gáy đâu. Chỉ có chuyện anh sẽ làm hỏng bét và khiến Lincoln và Amelia thất vọng thôi.
Chính sự không chắc chắn ấy, sự hoài nghi ấy. Chúng không bao giờ bỏ đi. Không hoàn toàn.
Ít nhất anh nghĩ trông mình cũng khớp với vai diễn. Vest đen, áo sơ mi trắng, cà vạt bản nhỏ. (Suýt thì anh đã thắt cà vạt NYPD nhưng đã nghĩ: Mày bị điên hay sao? Trên đó không có in logo nào nhưng một trong những người này có thể từng quen biết cảnh sát. Phải khôn lên.) Anh đã làm mình bệ rạc, đúng như yêu cầu của Lincoln Rhyme. Bộ râu lún phún mới mọc một ngày (hơi thảm hại vì bạn phải ghé sát vào mới trông thấy túm lông vàng hoe ấy), áo sơ mi hoen ố, giày xước xát. Và anh còn tập trừng mắt lạnh lùng nữa.
Khó dò, nguy hiểm.
Pulaski nhìn vào phòng truy điệu thêm một lần nữa. Những bức tường sơn màu xanh lục đậm, ghế xếp một dọc cạnh tường, đủ chỗ cho khoảng bốn, năm mươi người. Ở giữa căn phòng là một chiếc bàn phủ vải tím; một cái lọ đựng tro đơn giản được đặt lên đó. Khách viếng gồm bốn người đàn ông, tuổi đời từ gần năm mươi tới tầm bảy mươi, theo phán đoán của anh. Hai người phụ nữ có vẻ là vợ hay bạn gái của hai người đàn ông. Cách ăn vận đúng như trông đợi – áo vest và váy đen thủ cựu.
Kì lạ thật. Anh đã nhận thông tin là không có lễ viếng hay truy điệu gì cả. Chỉ có ai đó đến nhận di cốt.
Phải, đáng nghi thật. Đây có phải một cái bẫy không?
Một viên đạn vào đầu?
Mặt khác, nếu việc này có thật, nếu kế hoạch đúng là đã thay đổi và đây là buổi lễ vào phút chót cho Thợ đồng hồ thì nó đúng là một phần thưởng đích thực. Chắc chắn kẻ nào đó ở đây biết rõ Richard Logan và có thể là một nguồn tin về tên đầu sỏ đã chết kia.
Được rồi, cứ thế mà vào thôi.
Cảnh sát đường phố, cảnh sát khu vực, cảnh sát lao vào một buổi lễ tang trong cơn mưa tuyết thế thôi.
Anh bước đến chỗ một trong số những người đến chịu tang, một ông già trong bộ vest đen.
“Chào ông,” anh nói. “Stan Walesa.” Anh đã diễn tập câu giới thiệu này và đáp lại tiếng gọi cho cái tên không biết bao lần (anh đã bắt Jenny gọi mình bằng cái tên ấy suốt cả đêm qua), để không phớt lờ khi ai đó gọi anh là “Stan” trong suốt buổi lễ. Hay, tệ hơn, liếc ra sau mình khi có ai gọi như thế.
Người đàn ông tự giới thiệu – ông ta không mang họ Logan – và giới thiệu Pulaski với một trong hai người phụ nữ và một người đàn ông khác. Anh vật lộn để ghi nhớ tên họ, rồi nhắc mình phải chụp ảnh danh sách khách mời bằng điện thoại sau đó.
“Cậu quen ông ta như thế nào?” một cái hất cằm về phía lọ tro.
“Chúng tôi làm việc với nhau,” Pulaski nói.
Tất cả mọi người đều chớp mắt.
“Vài năm trước.”
Một cái cau mày từ một trong số những người trẻ tuổi hơn. Y như bước ra từ bộ phim The Sopranos. “Hai người từng làm việc cùng nhau?”
“Đúng vậy.”
“ Thân thiết?”
Cứng rắn lên. “Vâng. Khá thân.” Ánh mắt anh nói, Thế thì sao nào? Pulaski nhớ lại mọi điều có thể về những vụ án mà Thợ đồng hồ đã tổ chức. Kế hoạch của anh không phải là thẳng thừng thừa nhận anh là đồng sự của hắn mà gợi ý rằng anh có một giao dịch bí mật nào đó – để khơi gợi sự tò mò của bất kì kẻ nào có thể muốn tham gia vào những dự án dang dở của Thợ đồng hồ sau khi hắn chết.
Container, các chuyến hàng, giao dịch nội gián…
Ít là nhiều, nhiều là ít.
Mọi người đều im lặng. Pulaski nhận ra một bản nhạc cổ điển vừa vang lên từ chiếc loa vô hình nào đó. Lúc nãy anh đã không nghe thấy nó.
Để nối tiếp cuộc nói chuyện, Pulaski bảo, “Buồn thật.”
“ Thực ra là một phước lành,” một người phụ nữ nói.
Phước lành ư, Pulaski nghĩ. Anh cho là đúng vậy, thay vì dành phần lớn cuộc đời bạn trong tù, một cái chết nhanh chóng, ít đau đớn đúng là một phước lành.
Pulaski nói tiếp, “Mấy năm trước, lúc chúng tôi còn làm việc cùng nhau, ông ta có vẻ khỏe mạnh.” Đúng là anh có thể tưởng tượng ra Logan vào lúc ấy. Hắn đã có vẻ rất khỏe.
Những người có mặt lại liếc nhìn nhau lần nữa.
“Và còn trẻ,” cảnh sát chìm nói thêm.
Có gì đó không đúng. Nhưng người già nhất trong nhóm ghé lại gần và chạm vào cánh tay Pulaski. Một nụ cười. “Phải, với tôi thì cậu ta còn trẻ.”
Những vị khách khác tản đi. Anh chú ý thấy một người đã ra khỏi phòng.
Để đi lấy súng?
Việc này không ổn rồi. Anh quay lại với ông già nhưng trước khi kịp nói thêm điều gì thì một người đã chen vào. Giọng nói mềm mỏng nhưng kiên định. “Xin thứ lỗi, thưa anh.”
Pulaski quay sang và thấy một người đàn ông to lớn trong bộ vest đen đang nhìn anh khắp lượt. Ông ta có mái tóc bạc và cặp kính viền đen. “Tôi nói chuyện với anh một lát được không?”
“Tôi ư?”
“ Anh.”
Người đàn ông đưa một tay ra – bàn tay rất to và chai sạn – nhưng không phải để bắt tay. Ông ta chỉ và dẫn Pulaski ra khỏi phòng, đi trên hàng lang bên tay trái.
“Thưa anh,” ông ta hỏi, “anh là?”
“Stan Walesa.” Anh có mang một cái chứng minh thư rẻ tiền mà anh đã tự kiếm được.
Nhưng người đàn ông không hỏi thăm bất kì điều gì về chứng minh thư cả. Mắt ông ta nhìn xoáy vào mắt Pulaski, ông ta nói bằng giọng khàn, “Anh Walesa. Anh biết đôi khi người ta vẫn tới các buổi lễ với hi vọng lấy được thứ gì đó.”
“Lấy thứ gì đó ư?”
“Từ thức ăn sau lễ viếng cho đến bán bảo hiểm hay các chương trình tiết kiệm. Cả luật sư nữa.”
“Thật vậy sao?”
“Thật vậy.”
Pulaski nhớ lại đáng lẽ mình phải tỏ ra là người cứng rắn. Thay vì trông lo lắng và nói rằng điều ấy thật kinh khủng, anh quát, “Việc ấy thì liên quan gì đến tôi? Ông là ai?”
“Tôi là Jason Berkowitz. Phó giám đốc. Gia đình trong kia nghĩ hành xử của anh khá đáng nghi. Anh tuyên bố mình biết người đã khuất.˝
“Có gì đáng nghi chứ? Tôi biết anh ta mà.”
“ Anh tuyên bố đã từng làm việc với ông ấy.”
“Không phải tuyên bố. Tôi đã làm.” Tim Pulaski đang đập mạnh đến mức anh chắc chắn ông ta có thể nghe thấy nó. Nhưng anh vẫn gắng đóng trọn vai ghê gớm.
“Trông anh không giống kiểu người từng làm việc cùng ông Ardell.”
“Ai kia?”
“Blake Ardell.”
“Và người đó được cho là ai?”
“Không phải được cho. Mà ông ta là, hay đã là, chủ nhân buổi lễ viếng mà anh vừa mới phá kia.”
“Phá? Nói thế là có ý quái quỷ gì? Tôi ở đây vì Richard Logan cơ mà.”
Vị phó giám đốc chớp mắt. “Ông Logan ư? Ôi trời. Tôi rất tiếc, thưa anh. Đó là phòng Thanh thản.”
“Thanh thản gì?”
“Tên của căn phòng bên kia hành lang. Phòng này là Bình yên, buổi lễ của ông Ardell.”
Chết tiệt thật. Pulaski nghĩ lại. Người đứng ở cửa trước đã bảo anh rẽ phải. Còn anh lại rẽ trái.
Chết thật, chết thật. Vết thương ở đầu chết dẫm. Nếu đây là một vụ dàn xếp ma túy thì anh đã chết rồi.
Nghĩ cho khôn lên chứ.
Nhưng vẫn phải đóng trọn vai. “Một trong những nhân viên của ông, tôi không nhớ là ai, đã đưa tôi đến phòng đó.”
“Tôi rất tiếc. Xin hãy chấp thuận lời xin lỗi của chúng tôi. Hoàn toàn là lỗi của chúng tôi.”
“Còn tên? Tôi chưa bao giờ nghe đến chuyện đặt tên cho các phòng trong nhà tang lễ cả. Đáng lẽ các ông phải dùng số chứ.”
“Vâng, thưa anh, đúng là có chút khác thường. Tôi rất tiếc. Thành thật xin lỗi anh.”
“Ôi, được rồi.” Pulaski nhăn nhó. Anh gật đầu lại. Rồi anh chợt nhớ ra biểu cảm tò mò của những người đến đưa tiễn lúc anh nhắc đến việc từng làm cùng với người quá cố.
“Một câu hỏi. Ông bảo tôi trông không giống kiểu người từng làm việc với ông Ardell này. Thế ông ta kiếm sống bằng nghề gì?”
“Ông ấy là diễn viên phim người lớn đã ngoài bảy mươi tuổi,” Berkowitz thì thầm. “Gay. Gia đình không thích nói về chuyện đó.”
“Tôi đoán là không.”
“Kia là phòng có di hài của ông Logan.” Ông ta chỉ vào một ngưỡng cửa nhỏ.
Thanh thản…
Pulaski bước qua ngưỡng cửa vào một căn phòng nhỏ, chỉ rộng chừng sáu mét nhân sáu mét. Trong đó có vài chiếc ghế, một cái bàn nước, vài bức tranh phong cảnh tẻ nhạt treo trên tường. Còn có cả một lẵng hoa trắng dịu dàng. Và trên một chiếc bàn phủ vải nhung đỏ thẫm, tương tự với cái đặt bình tro của diễn viên phim khiêu dâm quá cố, là một chiếc hộp bằng bìa màu nâu. Pulaski biết đây hẳn là tro cốt của Thợ đồng hồ. Bên cạnh nó là một người đàn ông to béo, hói đầu trong bộ vest đen kiểu doanh nhân. Ông ta đang gọi điện thoại. Ông ta nhìn lướt qua Pulaski với vẻ tò mò rồi quay đi. Dường như ông ta đang nói nhỏ hơn. Cuối cùng ông ta cũng cúp máy.
Hít vào một hơi vững vàng, Pulaski bước đến chỗ ông ta. Anh gật đầu.
Người đàn ông không nói gì.
Pulaski nhìn ông ta từ trên xuống dưới – cứ thẳng thừng mà nhìn, ra vẻ cứng rắn. “Ông là bạn của Richard à?”
“Còn anh là...?” người đàn ông hỏi bằng giọng nam trầm nhẹ nhàng, với âm giọng miền Nam.
“Stan Walesa,” Pulaski nói. Đến lúc này thì cái tên gần như đã được thốt ra tự nhiên. “Tôi đang hỏi, ông là một người bạn của Richard à?”
“Tôi không biết anh là ai và tôi không biết tại sao anh lại hỏi thế.”
“Được rồi, tôi làm việc cùng Richard. Lúc này lúc kia. Tôi nghe nói anh ta được hỏa táng sáng nay và đoán là sẽ có một buổi lễ.”
“Làm việc cùng Richard,” người đàn ông lặp lại, nhìn người cảnh sát từ trên xuống dưới. “Chà, chẳng có lễ lạt gì cả. Tôi được thuê để tới mang di cốt ông ta về nhà.”
Pulaski cau mày. “Một luật sư à.”
“Đúng vậy. Dave Weller.” Không có bàn tay nào được đưa ra.
Pulaski vẫn tiếp tục giữ thế tấn công. “Tôi không nhớ có mặt ông trong phiên tòa.”
“Ông Logan không phải là khách hàng của tôi. Tôi chưa từng gặp ông ta.”
“Chỉ tới lấy tro về nhà thôi à?”
“ Như tôi đã nói.”
“Đó là ở California đúng không?”
Câu trả lời duy nhất là: “Anh làm gì ở đây, anh Walesa?”
“Tới viếng.” Anh bước gần hơn tới chỗ cái hộp. “Không có hộp đựng tro à?”
“Không thành vấn đề,” Weller nói. “Richard mong muốn tro của mình được rải đi.”
“Đi đâu?”
“Anh đã gửi chúng đến à?”
Pulaski nhìn vào lẵng hoa mà Weller vừa hất cằm về phía đó. Cảnh sát cố tỏ ra chút bối rối, nhưng không quá mức. “Không.” Anh bước đến chỗ bình hoa và đọc tấm thiệp. Anh cười cay đắng.
Khó dò.
Anh nói, “Chơi bẩn thật đấy.”
Weller hỏi, “Ý anh là gì?”
“Ông biết cái người đã gửi chúng tới là ai không?”
“Tôi đã đọc cái thiệp khi mới tới đây. Nhưng tôi không biết tên ấy. Lincoln Rhyme?”
“Ông không biết Rhyme ư?” Anh hạ giọng: “Hắn chính là tên khốn đã đưa bạn tôi vào tù.”
Weller hỏi, “Cảnh sát à?”
“ Làm việc cùng cảnh sát.”
“ Sao ông ta lại gửi hoa đến?”
“Tôi nghĩ hắn đang hả hê.”
“Chà, chuyện ấy chỉ phí tiền. Giờ đây Richard đâu còn thấy bị xúc phạm nữa, đúng không?” Một cái liếc vào hộp đựng tro.
Im lặng.
Giờ phải cư xử ra sao đây? Trời ạ, cái vụ diễn trò này mệt mỏi thật đấy. Anh quyết định mình phải lắc đầu trước sự bất công ở đời. Anh nhìn xuống. “Thật sự là đáng hổ thẹn. Khi tôi nói chuyện với anh ấy lần cuối, anh ấy vẫn còn ổn cả. Hay ít nhất là không nhắc tới chuyện gì, như là đau ngực.”
Weller lúc này đã tập trung. “Nói chuyện với ông ấy?”
“ Đúng vậy.”
“Vừa mới đây à?”
“ Phải. Trong tù.”
“Anh tới đây một mình?” Weller hỏi.
Một cái gật đầu. Pulaski hỏi câu tương tự.
“Đúng vậy.”
“Vậy là không có lễ tang nào?”
“Gia đình còn chưa quyết định.” Weller nhìn khắp lượt Pulaski cẩn trọng.
Được rồi, đã đến lúc chơi ít…
“Chà, thế thì tạm biệt, ông Weller. Bảo với gia đình anh ấy, hay bất kể ai là khách hàng của ông ấy, tôi rất tiếc vì sự mất mát của họ. Tôi cũng sẽ nhớ anh ấy. Anh ấy là… một người đàn ông thú vị.”
“Như đã nói, tôi chưa từng gặp ông ta.”
Pulaski đeo hai chiếc găng tay len màu đen vào. “Chào nhé.”
Weller gật đầu.
Khi Pulaski đã ở cửa thì viên luật sư nói, “Thật ra tại sao anh lại đến đây, anh Walesa?”
Cảnh sát trẻ dừng bước. Anh quay lại. “Thật ra là sao? Ý ông muốn hỏi là gì?”
Cứng cựa như De Niro. Như Tony Soprano.
“Không hề có buổi lễ viếng nào cả. Nếu anh đã gọi đến để xem khi nào tôi tới nhận di hài – mà đúng là anh đã gọi, vì anh đã ở đây rồi – chắc hẳn anh đã biết sẽ không có lễ viếng. Vậy. Tôi phải nghĩ sao về việc này?”
Pulaski cân nhắc – và thể hiện luôn là mình đang cân nhắc. Anh thọc tay vào túi áo và lấy ra một tấm danh thiếp rồi đưa nó cho người đàn ông bằng bàn tay đi găng. Anh bảo, “Hãy đưa nó cho thân chủ của ông.”
“Tại sao?”
“Cứ đưa nó cho họ. Hay ném nó đi.” Một cái nhún vai. “Tùy ông thôi.”
Viên luật sư nhìn anh lạnh lùng rồi cầm lấy tấm danh thiếp. Trên đó chỉ có một cái tên giả kèm số điện thoại trả trước.
“Chính xác thì anh làm gì, anh Walesa.”
Ánh mắt chăm chú của Pulaski bắt đầu từ cái đầu hói của ông luật sư và kết thúc ở mũi giày ông ta, cả hai đều sáng bóng như nhau. “Chúc một ngày tốt lành, ông Weller.”
Cùng với cái nhìn cạnh khóe vào chiếc hộp chứa tro cốt của Thợ đồng hồ, Pulaski hướng ra cửa.
Vừa đi anh vừa nghĩ: Được rồi, ghi điểm rồi!