Đ
ứng dựa vào bức tường với hai cánh tay khoanh lại, Billy nhìn dì Harriet – em gái của mẹ hắn – đổ xà phòng vào máy giặt.
Bà hỏi, “Con có thấy ai trong sảnh không? Dì lo là cảnh sát đang theo dõi dì. Dì cảm thấy gì đó.”
“Không. Con kiểm tra rồi. Rất kĩ. Con đã ở trên đó cả tiếng.”
“ Dì không trông thấy con.”
“Con theo dõi,” Billy nói. “Chứ không phải bị theo.”
Bà hạ cái nắp xuống và hắn liếc vào ngực bà, chân và cổ bà. Kí ức…
Hắn đã luôn thắc mắc ông chú có biết về khoảng thời gian của họ trong phòng Trúc đào không.
Một mặt, dường như không thể có chuyện chú Matthew không biết gì về quan hệ dan díu của họ, hay bất kể cái tên nào mà bạn muốn gọi. Làm sao ông ta có thể bỏ qua việc cả hai biến mất hàng giờ liền trong những buổi chiều bà không dạy học tại nhà cho lũ trẻ hàng xóm?
Lại còn mùi chung, mùi của cơ thể cả hai và nước hoa lẫn nước thơm.
Cả mùi máu nữa, mặc dù họ đã kì cọ thật kĩ sau mỗi lần quan hệ vào những buổi chiều ấy.
Từng ấy máu…
Hội đồng thứ nhất các gia đình Mĩ là một tập hợp tôn giáo. Các giáo lí của hội không cho phép thành viên dùng biện pháp ngừa thai, cũng như họ không chấp nhận chuyện phá thai vậy. Vì thế Harriet chỉ “mời” Billy lên phòng làm việc khi chắc chắn tuyệt đối sẽ không có chuyện thụ thai. Billy có thể kiểm soát cảm giác ghê tởm của mình, và không hiểu sao hình ảnh những vệt máu dây lại càng làm Harriet hứng hơn. Trúc đào và máu đã mãi mãi dính lấy nhau trong tâm trí Billy Haven.
Thậm chí chú Matthew có khi còn không biết gì về khía cạnh ấy trên cơ thể phụ nữ. Việc đó sẽ không làm Billy ngạc nhiên.
Tuy nhiên, khi liên quan đến những gì bà ta muốn, Harriet Stanton có thể nhìn thẳng vào mắt bạn và làm bạn tin gần như bất kì điều gì. Billy không nghi ngờ chuyện dù bà đã nhồi cho chồng mình câu chuyện thế nào, ông ta vẫn nhất nhất tin là thật.
“Đây sẽ là xưởng vẽ của con,” bà ta đã bảo với cậu bé Billy mười ba tuổi, khi lần đầu tiên chỉ cho cậu thấy căn phòng bà đã trang hoàng bên trên gara rời ở căn nhà tại nam Illinois của họ. Trên tường có treo bức tranh màu nước mà cậu đã vẽ cho bà, một cây trúc đào – loài hoa bà yêu thích (tất nhiên là hoa có độc). “Đây là bức tranh yêu thích của dì. Chúng ta có thể gọi đây là phòng Trúc đào. Phòng Trúc đào của chúng ta.”
Rồi bà ta kéo thắt lưng của cậu. Giỡn chơi thôi nhưng kiên quyết không lùi.
“Chờ đã, không, Dì Harriet. Dì đang làm gì vậy?” Cậu nhìn lên bà ta với nỗi hoảng sợ; không chỉ vì giữa mẹ cậu, chị gái Harriet với bà có điểm tương đồng khủng khiếp, mà Harriet và Matthew còn là bố mẹ nuôi không chính thức của cậu. Cha mẹ Billy đã chết một cách khủng khiếp dù anh hùng. Cậu bé đã được vợ chồng Stanton nhận về nuôi sau khi thành trẻ mồ côi.
“Ừm, con không nghĩ là con muốn, dì biết đấy, làm chuyện đó,” thằng bé nói.
Nhưng cũng chẳng khác gì việc cậu chưa hề lên tiếng.
Chiếc thắt lưng vẫn rơi xuống.
Vậy là những năm tháng máu me của phòng Trúc đào bắt đầu.
Trên đường tới New York, đã có một lần quan hệ bất chính giữa hai người họ: ngày Billy thoát ra khỏi bệnh viện – nơi hắn tới không phải để xăm thêm một nạn nhân nữa mà chỉ đơn giản là để thăm bà dì, ông chú ốm bệnh cùng cậu em họ Josh. Billy gần như không có tâm trạng thỏa mãn bà (Vốn là toàn bộ mục đích của việc quan hệ tình dục với dì Harriet). Nhưng bà khăng khăng bắt hắn phải tới khách sạn – Matthew vẫn còn ở viện và bà đã sai Josh ra ngoài làm việc vặt. Josh lúc nào cũng làm theo lời Mẹ.
Lúc này, khi chiếc máy giặt đang rung theo nhịp điệu, Billy hỏi, “Chú sao rồi? Josh bảo ông ấy khỏe. Chỉ hơi xanh.”
“Chết tiệt,” Harriet cay đắng nói. “Matthew sẽ khỏe lại. Lão không thể tỏ ra lịch thiệp mà chết phắt đi.”
“Sẽ tiện hơn thật,” chàng trai đồng ý. “Nhưng theo cách dì lên kế hoạch từ đầu thì vẫn tốt hơn.”
“Dì cho là vậy.”
Tốt hơn theo nghĩa này: Sau khi họ đã hoàn thành việc Biến cải ở New York này, họ sẽ trở về quê nhà ở nam Illinois, giết Matthew và đổ lỗi cho một gã da đen hay Nam Mĩ không may nào đó nhặt bừa ở một bếp ăn từ thiện ở Alton hay Đông St Louis. Matthew sẽ thành chiến sĩ tử vì đạo còn Billy thì đảm nhận Hội đồng thứ nhất các gia đình Mĩ và biến nó thành tổ chức dân quân tinh nhuệ nhất trong cả nước.
Billy sẽ thành vua còn Harriet là nữ hoàng. Hay thái hậu. Mà thực ra là cả hai.
AFFC1 là một trong vài chục tổ chức dân quân trên khắp đất nước, liên kết với nhau thành một liên minh rời rạc. Tên của chúng khác nhau nhưng tầm nhìn thì gần như giống hệt: quyền của tiểu bang hay thành phố hay – tốt hơn cả - quyền thị tộc còn lớn hơn quyền liên bang, chấm dứt quyền tự do báo chí trong việc ngăn chặn sự truyền giáo, triệt để dừng hết mọi trợ giúp hay can thiệp vào ngoại quốc, cấm tình dục đồng giới (chứ không chỉ hôn nhân đồng giới), không cho phép kết hôn đa sắc tộc và ủng hộ các học thuyết chia rẽ (không nhất thiết là bình đẳng) sắc tộc, tống cổ hết người nhập cư ra khỏi đất nước, một chính phủ của Cơ đốc giáo và học tập tại gia. Giới hạn hoạt động của các tôn giáo phi Cơ đốc.
1 Tên tắt của Hội đồng thứ nhất các gia đình Mĩ.
Rất nhiều người Mĩ vẫn còn mang những tư tưởng này hay một phần của chúng, nhưng vấn đề mà các tổ chức trên phải đối mặt trong việc mở rộng thành viên không phải do tầm nhìn, mà là chúng đều được những kẻ như Matthew Stanton điều hành – già cỗi, trí tưởng tượng kém cỏi và không có chút hấp dẫn nào trừ với những kẻ cũng già cỗi và kém trí tưởng tượng như mình.
Không nghi ngờ gì về chuyện hồi còn trẻ chú Matthew Stanton cũng là người có ảnh hưởng. Ông là một nhà thuyết giảng và giáo viên đầy lôi cuốn. Ông tin tưởng đến tận gốc rễ những lời dạy của Chúa và các cha khai đạo – ít nhất là tin vào những người mộ đạo. Nhưng ông ta chưa bao giờ có một chiến thắng nào như vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma. Và cách tiếp cận chủ động của ông trong cuộc chiến vì sự nghiệp chỉ là những vụ giết chóc nhỏ lẻ hay thỉnh thoảng đánh bị thương một ông bác sĩ chuyên phá thai, đánh bom một phòng khám hay sở IRS nào đó, đánh đập các công nhân nhập cư hay lũ Hồi giáo hay tụi đồng tính.
Tuy nhiên, Harriet Stanton tham vọng hơn chồng bà rất nhiều. Bà ta biết rằng chỉ trong thập kỉ tới các nhóm dân quân sẽ chết trừ khi họ thay máu, có những cách mới để lan truyền thông điệp chính trị của mình và thu hút những khán giả trẻ hơn, bất cần hơn. Biến cải chính là ý tưởng của bà ta – dù nó đã được nhồi nhét từ từ cho Matthew để ông ta tin rằng chính mình đã nghĩ ra nó.
Trong lúc Harriet và Billy cùng nằm trên chiếc ghế sô pha ở phòng Trúc đào vài tháng trước, bà ta đã giải thích tầm nhìn của mình cho cháu trai. “Chúng ta cần một người lãnh đạo có thể cuốn hút được thế hệ trẻ. Sự hăng hái. Nhiệt huyết. Lối suy nghĩ sáng tạo. Mạng xã hội. Con sẽ mang người trẻ tới. Khi con nói chuyện về Quy luật, họ sẽ lắng nghe. Tụi con trai sẽ thần tượng con. Lũ con gái sẽ đam mê con. Con có thể bảo chúng làm bất kì điều gì. Con sẽ là Harry Potter của sự nghiệp này.”
“Sau khi Matthew chết, địa vị của con sẽ vọt lên đỉnh. Chúng ta có thể mang về hội cả trăm, cả ngàn người trẻ tuổi. Chúng ta sẽ đoạt lấy Mặt trận Yêu nước vùng Trung tây.” Đây là một tổ chức huyền thoại không xa quê hương AFFC là mấy, được hai vị thủ lĩnh lãnh đạo. “Và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên, mở rộng ra toàn nước Mĩ.”
Harriet tin rằng có một số lượng lớn người Mĩ ghét hướng đi hiện nay của đất nước này và sẽ gia nhập AFFC. Nhưng họ cần biết những mối nguy hiểm bên ngoài là gì – bọn khủng bố, bọn theo đạo Islam cực đoan và những kẻ thiểu số quá khích. Và họ cần một thủ lĩnh trẻ có sức lôi cuốn để bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy này.
Harriet và Billy sẽ cứu rỗi tất cả.
Hành động táo bạo này còn có một nguyên do khác nữa. Harriet chỉ có quyền năng giới hạn trong AFFC như cái cách nó tồn tại hiện nay – vì tất nhiên, bà ta chỉ là một người đàn bà, vợ của người sáng lập Hội đồng. Billy và thế hệ mới tin tưởng rằng sự phân biệt đối xử với phụ nữ làm chệch hướng các vấn đề quan trọng khác – phân cách sắc tộc và quốc gia chủ nghĩa. Chừng nào Matthew hay loại người như ông ta – kiểu chỉ biết đi săn và hút xì gà – còn lãnh đạo, Harriet sẽ còn bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chuyện ấy đơn giản là không chấp nhận được. Billy sẽ trao quyền lực cho bà.
Lúc này, trong phòng giặt, hắn cảm nhận được ánh mắt bà và cuối cùng cũng nhìn lại. Cảnh khóa mắt này vẫn giống như những gì hắn còn nhớ trong suốt nhiều năm. Khi hắn nằm trên bà ta, mỗi lần hắn ấn mặt vào gối bà sẽ lại giật tóc hắn và kéo hắn ngẩng lên cho đến khi họ mắt đối mắt.
Bà ta hỏi, “Đầu mối của cảnh sát thì thế nào?”
“Chúng ta ổn,” Billy nói. “Cảnh sát rất giỏi. Giỏi hơn cả dự đoán nhưng họ vẫn tin vào mô tả của dì – người Nga hay Slavo, khoảng ba mươi, đầu tròn, mắt xanh nhạt. Đối lập với con.”
Khi Amelia Sachs “giải cứu” Harriet ở bệnh viện, người đàn bà đã nghĩ ra một mô tả nhân dạng giả cho nghệ sĩ dựng ảnh, hòng dẫn cảnh sát tránh xa cháu trai mình. Bởi hắn tới bệnh viện không phải để xăm cho một nạn nhân khác mà chỉ là viếng thăm Matthew.
Billy hỏi về cậu em họ, cậu ta có đang xử lí mọi chuyện đúng đắn không?
“Josh là Josh,” Harriet thờ ơ nói. Câu nói mô tả khá súc tích mối quan hệ mẫu tử của họ. Rồi bà ta cười sằng sặc như một cô học sinh. “Chúng ta có chuyến đi đến New York đáng nhớ, phải không nào? Hóa ra không như cách chúng ta đã dự liệu nhưng dì vẫn nghĩ như thế là tốt nhất rồi. Sau vụ đau tim, Matthew sẽ bị coi là yếu đuối. Dễ dàng hơn để lão… biến đi khi chúng ta về nhà. Chúa làm việc theo những cách thật bí ẩn, phải không nào?”
Dì của hắn bước tới, một tay nắm chặt cánh tay hắn, còn bàn tay kia đặt trên một bên má nhẵn nhụi của hắn.
Một ngọn đèn sáng lên trên máy giặt và nó chuyển sang một chu kì khác. Harriet nhìn chiếc máy với cặp mắt chỉ trích. Billy nhớ lại hồi ở nhà bà ta luôn phơi quần áo khô tự nhiên trên dây. Giờ hắn đang tưởng tượng ra chúng, những phần cơ thể nhàu nhĩ, lắc lư trong gió. Đôi khi bà ta sẽ mang vài đoạn dây phơi vào trong phòng Trúc đào.
Lúc này hắn thấy hai bàn tay Harriet trên tóc bà và những cái kẹp tóc đang được tháo ra. Bà ta lại mỉm cười với hắn. Mỉm cười theo một cách chắc chắn.
Bây giờ ư? Bà ta nghiêm túc chứ?
Nhưng vì sao hắn còn phải thắc mắc kia chứ? Dì Harriet chưa bao giờ đùa. Bà ta đi ra cửa phòng giặt và đóng nó lại.
Nhịp nước đập đều đặn như thôi miên trong máy giặt là âm thanh duy nhất trong phòng.
Harriet khóa cửa phòng giặt lại. Rồi tắt ngọn đèn phía trên đầu.