H
ay lắm. Hay thật.
Đứng trong tầng hầm cửa hàng ở SoHo nơi Chloe Moore đã bị bắt cóc, Amelia Sachs nhăn mặt, ngó xuống và nhìn hé vào phòng để đồ. Cô đang nhìn vào một đường hầm hẹp dẫn từ căn phòng đó tới hiện trường vụ án, rõ ràng đó là một đường hầm rộng hơn nơi Chloe đã bị giết.
Cái xác hiện trong tầm nhìn và được chiếu sáng bằng những chiếc đèn mà đội cảnh sát đầu tiên đã dựng lên.
Hai lòng bàn tay vã mồ hôi, Sachs tiếp tục nhìn xuống qua cái lỗ bé tí mà cô sẽ phải trèo vào.
Hay thật đấy.
Cô bước lùi lại và hít vào hai, ba lần, hít đầy phổi mùi ẩm mốc và mùi dầu đốt trong không khí. Nhiều năm trước, Lincoln Rhyme đã tạo một cơ sở dữ liệu bao gồm sơ đồ bố trí các khu vực ngầm dưới lòng đất New York, được tập hợp từ Sở xây dựng và các cơ quan chính phủ khác. Cô đã tải xuống một bản nhờ một ứng dụng an ninh trên chiếc điện thoại iPhone của mình. Lúc này, cô đang buồn bực nhìn vào cái sơ đồ trước mặt.
Những căn bệnh ám ảnh này từ đâu mà ra nhỉ? Sachs tự hỏi. Một bi kịch nào đó thời thơ ấu, một mã gen nào đó ngăn chúng ta không đánh bạn với lũ rắn độc hay là nhảy cẫng lên ngay bên cạnh vách núi chăng?
Rắn rết và độ cao không phải vấn đề của cô; nhưng không gian kín thì có. Nếu cô tin vào kiếp trước, mà vốn không phải thế, chắc hẳn Sachs đã tưởng tượng rằng ở kiếp sống đó cô đã bị chôn sống. Hoặc, nếu tuân theo logic nhân quả, nhiều khả năng cô từng là một nữ hoàng ác độc, kẻ đã dần dần chôn sống những kẻ thù của mình trong lúc họ cầu xin sự nhân từ.
Sachs – một người phụ nữ cao lớn với chiều cao gần một mét tám - đang nhìn xuống bản đồ quả báo của mình: một đường hầm chỉ có đường kính tầm bảy mươi mốt cho tới bảy mươi sáu phân từ phòng để đồ thông sang một đường hầm vận chuyển to hơn - hiện trường vụ án mạng. Theo bản đồ này, lối đi hẹp kia kéo dài độ bảy mét.
Nó đúng là một cái quan tài hình tròn, cô nghĩ.
Người ta cũng có thể tiếp cận hiện trường qua một cái lỗ cống cách cái xác khoảng chín mét. Đó có thể là lối vào của hắn nhưng Sachs biết cô sẽ phải luồn lách qua đường hầm nhỏ hơn này, vừa đi vừa thu thập dấu vết, vì đó là chỗ hắn đã bò vào tầng hầm của cửa hàng quần áo – cũng là chỗ hắn đã kéo Chloe đi qua trước khi giết cô ấy.
“Sachs?” Giọng Rhyme bật qua tai nghe. Cô giật nảy mình và vặn nhỏ âm lượng. “Em đang ở đâu? Anh không thấy gì hết.” Thiết bị liên lạc mà Sachs mang không chỉ gắn loa và tai nghe mà còn kèm cả máy quay độ phân giải cao. Cô vừa mới mặc bộ đồ vào và chưa kịp khởi động máy quay.
Cô chạm vào một nút trên chiếc máy quay nhỏ bé đến kinh ngạc – nó chỉ to bằng một cục pin AA – và nghe thấy, “Được rồi.” Sau đó là tiếng làu bàu. “Vẫn còn hơi tối.”
“Bởi vì trong này tối. Em đang ở tầng hầm – và chuẩn bị trèo xuống một đường hầm chỉ to bằng cỡ cái giỏ đựng bánh mì.”
“Thực ra anh chưa từng trông thấy cái giỏ đựng bánh mì bao giờ,” anh trả lời. “Anh còn không chắc là chúng có tồn tại.” Rhyme luôn có tâm trạng hóm hỉnh mỗi khi tiếp cận một hiện trường mới. “Nào, ta vào việc thôi. Quét một vòng xem chúng ta có gì nào.”
Cô thường mang thiết bị này khi rà soát một hiện trường. Rhyme sẽ cho cô những gợi ý – giờ đây đã ít hơn hẳn so với hồi họ bắt đầu làm việc cùng nhau và cô chỉ là lính mới. Anh cũng muốn thấy cô được an toàn, dù anh sẽ không bao giờ thừa nhận chuyện đó. Rhyme luôn khăng khăng đòi cảnh sát phải kiểm tra hiện trường một mình – nếu không anh ta sẽ bị phân tâm quá nhiều. Những chuyên gia khám nghiệm giỏi nhất kết nối với mỗi hiện trường về mặt tâm lí. Họ trở thành nạn nhân, trở thành thủ phạm – và từ đó họ có thể xác định những bằng chứng mà họ sẽ bỏ lỡ. Mối liên hệ ấy không xảy ra, hay nó rất khó xảy ra khi có người khác cùng tìm kiếm với bạn. Nhưng làm một mình cũng rất mạo hiểm. Số lần một hiện trường trở thành nơi nguy hiểm nhiều đến mức đáng ngạc nhiên: Thủ phạm quay lại, hay vẫn còn ở đó, và tấn công cảnh sát đang kẻ ô vuông hiện trường. Thậm chí còn có chuyện thủ phạm chính đã bỏ đi từ lâu nhưng vẫn xảy ra một vụ tấn công khác không liên quan đến vụ án. Sachs từng bị một người vô gia cư mắc bệnh tâm thần phân liệt tấn công vì tưởng cô tới ăn trộm con chó trong tưởng tượng của ông ta.
Sau khi nhìn vào phòng để đồ thêm một lần nữa để Rhyme thấy được, cô thoáng liếc sang đường hầm địa ngục.
“À,” anh nói, giờ đã hiểu mối lo của cô. “Giỏ bánh mì.”
Sachs điều chỉnh bộ quần áo của mình lần cuối. Cô đang mặc bộ đồ bảo hộ Tyvek màu trắng, gồm cả mũ trùm đầu lẫn ủng. Vì vũ khí giết người là chất độc nên cô đã đeo một chiếc khẩu trang chuyên dụng N95. Những cảnh sát đầu tiên đến hiện trường đã báo cáo rằng chất độc được tiêm vào người nạn nhân thông qua khẩu súng xăm, và dường như họ đã không đề cập đến một loại hóa chất nào còn trong không khí. Tuy nhiên, tại sao phải mạo hiểm?
Tiếng bước chân sau lưng cô, ai đó đang đến từ tầng hầm ẩm thấp của tiệm Chez Nord.
Cô quay lại nhìn cô cảnh sát hiện trường có ngoại hình lôi cuốn đang giúp cô kiểm tra cửa hàng quần áo. Sachs đã quen Jean Eagleston nhiều năm; cô là một trong những ngôi sao của ngành khám nghiệm hiện trường. Eagleston đã thẩm vấn quản lí cửa hàng, người tìm được thi thể. Sachs muốn biết liệu người quản lí có tự mình bước vào hiện trường – nơi Chloe nằm – để kiểm tra nhân viên của mình không.
Nhưng Eagleston đã nói, “Không. Cô ta để ý thấy cánh cửa đang mở và đã nhìn vào trong phòng để đồ, trông thấy nạn nhân ở đó. Với cô ta như thế là đủ. Cô ta không đi xa hơn.”
Không thể trách người quản lí, Sachs nghĩ. Ngay cả khi không mắc chứng sợ chỗ kín đi chăng nữa, thì cũng chẳng ai muốn đi vào một đường hầm bỏ hoang với một nạn nhân vừa bị giết đang nằm trên mặt đất, và có thể tên sát nhân vẫn còn ở đó?
“Làm sao cô ta thấy được nạn nhân?” Rhyme hỏi. Anh đã nghe được cuộc nói chuyện. “Tôi nghĩ là giờ ở trong đó đang có ánh đèn rọi do nhân viên y tế đặt. Nhưng lúc trước chẳng lẽ không tối à?”
Sachs nhắc lại câu hỏi. Nhưng cô cảnh sát không biết. “Tất cả những gì viên quản lí nói là cô ấy có thể nhìn vào bên trong.”
Rhyme nói, “Chà, chúng ta sẽ tìm ra thôi.”
Eagleston nói thêm, “Ngoài ra, những người có mặt ở hiện trường vụ giết người là người cảnh sát nhận được cuộc gọi báo và một nhân viên y tế. Nhưng họ đã lùi lại ngay khi xác nhận nạn nhân đã tử vong. Để chờ chúng ta. Tôi đã lấy mẫu dấu giày của họ, vậy nên chúng ta có thể loại trừ các dấu giày đó. Họ nói với tôi là họ chưa chạm vào bất kì thứ gì trừ nạn nhân, để kiểm tra tình trạng của cô ấy. Và nhân viên cấp cứu thì đeo găng tay.”
Vậy là độ nhiễu hiện trường – tổng hợp các bằng chứng không liên quan đến vụ án hay thủ phạm – sẽ ở mức tối thiểu. Đó là một lợi thế của vụ án mạng xảy ra tại một cái hố trời ơi đất hỡi như thế này. Một vụ án xảy ra trên phố phải có đến cả chục sự nhiễu loạn, từ bụi do gió thổi đến, nước mưa và bụi tuyết (như hôm nay) cho đến người qua lại và thậm chí cả những kẻ tìm kiếm vật kỉ niệm nữa. Một trong những nguồn gây nhiễu hiện trường tệ nhất lại là các đồng nghiệp cảnh sát, đặc biệt là đội canh gác hiện trường nếu có phóng viên hiện diện và háo hức được chộp lấy vài phân cảnh để đăng lên bản tin hai mươi bốn giờ.
Thêm một cái liếc nhìn vào chiếc quan tài hình tròn nữa.
Được rồi, Amelia Sachs nghĩ: Đã đến lúc lên gân…
Đó là cách nói của cha cô. Ông cũng từng là một cảnh sát, từng được tặng huân chương khi làm việc cho sở Deuce - Midtown South; hồi ấy Quảng trường Thời đại chỉ giống như Deadwood hồi những năm 1800. Lên gân có ý nhắc tới những giờ phút mà bạn phải chống lại nỗi sợ hãi lớn nhất của mình.
Giỏ bánh mì…
Sachs quay lại với cánh cửa thông và trèo xuống phòng để đồ bên dưới tầng hầm. Rồi cô nhận chiếc túi đựng đồ thu thập vật chứng từ nữ cảnh sát kia. Sachs bảo, “Cô kiểm tra tầng hầm chưa, Jean?”
“Giờ tôi làm đây,” Eagleston nói. “Rồi đưa tất cả vào xe RRV.”
Họ đã tiến hành kiểm tra nhanh tầng hầm. Nhưng rõ ràng thủ phạm chỉ dành rất ít thời gian ở đó. Hắn chộp được Chloe, khống chế cô bằng cách nào đó và lôi cô qua cửa thông; các dấu vết để lại từ gót giày cô rất dễ thấy.
Sachs đặt chiếc túi nặng nề lên sàn nhà và mở nó ra. Cô chụp ảnh và thu thập các vật chứng trong phòng để đồ, mặc dù cũng giống như trong tầng hầm, thủ phạm và nạn nhân chỉ ở đây rất ít; chắc hẳn hắn đã muốn đưa cô gái ra khỏi đó nhanh nhất có thể. Cô đóng túi và ghi nhãn cho các vết tích và đặt những chiếc túi nhựa và giấy lên sàn tầng hầm để những cảnh sát khám nghiệm hiện trường khác mang chúng lên xe RRV.
Rồi Sachs quay sang lối vào cái hố bé tí kia, nhìn vào nó như cách người ta nhìn một họng súng trong tay tên tội phạm đang tuyệt vọng.
Giỏ bánh mì…
Cô không cử động. Nghe được tiếng tim mình đang đập.
“Sachs.” Giọng Rhyme văng vẳng trong tai cô.
Cô không đáp lại.
Anh nói nhẹ nhàng, “Anh hiểu. Nhưng.”
Có nghĩa là: Nhấc mông lên đi.
Cũng đúng thôi.
“Được rồi, Rhyme. Đừng lo.”
Đến giờ lên gân…
Nó cũng không dài lắm đâu, cô tự trấn an. Chỉ cỡ bảy mét. Chẳng là gì cả. Mặc dù, không hiểu sao Sachs lại thấy vô cùng căm ghét đoạn đường ngoài năm mét đầu tiên. Trong lúc tiến đến, hai lòng bàn tay cô bắt đầu vã mồ hôi ròng ròng; da đầu cô cũng đổ mồ hôi làm nó ngứa ngáy hơn bình thường. Cô muốn gãi, muốn cắm móng tay vào da, vào lớp biểu bì. Một thói quen lúc căng thẳng. Ham muốn ấy trỗi dậy khi cô không cử động được – ở mọi mặt cả về thể xác, cảm xúc và tinh thần.
Tĩnh tại: Cô ghét cái trạng thái ấy làm sao.
Hơi thở của cô trở nên gấp gáp và ngắt quãng.
Để định hướng lại tinh thần, cô chạm vào khẩu Glock 17 đang đeo trên hông. Vũ khí là một nguy cơ nhỏ làm nhiễu hiện trường, kể cả khi cô không thổi bay ai đi nữa, nhưng vẫn còn đó vấn đề an ninh. Và nếu tên thủ phạm nào đó có cơ hội lớn để làm hại một cảnh sát hiện trường thì đó chính là ở nơi này.
Cô buộc một sợi dây ni lông vào túi đựng đồ nghề thu thập vật chứng còn đầu kia thì buộc vào đai của bao súng, để kéo lê nó sau lưng mình.
Di chuyển về phía trước. Dừng lại trước cửa đường hầm. Rồi bò bằng tứ chi. Vào trong cái hố. Sachs không muốn bật đèn trên trán – nhìn thấy đường hầm sẽ làm cô lo lắng hơn là tập trung vào mục tiêu ở cuối đường – nhưng cô lo mình sẽ bỏ lỡ một bằng chứng nào đó.
Tách.
Dưới ánh sáng đèn halogen, chiếc quan tài bằng kim loại dường như co rút lại và bó chặt quanh cô.
Đi. Thôi.
Cô lôi ra một cây lăn lông chó từ trong túi và quét sàn của đường hầm trong lúc bò tới trước. Cô biết rằng vì không gian eo hẹp và giả thuyết thủ phạm phải vật lộn với nạn nhân, chắc chắn hắn sẽ bị rớt lại vật chứng ở đây, nên cô tập trung vào những mối nối và điểm gồ ghề, chỗ có thể đã giữ lại một chất gì đó từ thủ phạm.
Cô nghĩ đến một câu đùa, kiểu Steven Wright từ nhiều năm trước. “Tôi đã đến bệnh viện để chụp MRI. Tôi muốn tìm hiểu xem mình có bị chứng sợ chỗ kín không.”
Nhưng câu chuyện hài hước và sự sao nhãng nhiệm vụ không giúp cô ngăn nỗi hoảng sợ được lâu.
Vừa mới đi được một phần ba quãng đường thì nỗi sợ đã như một lưỡi dao làm từ băng đâm xuyên vào gan ruột cô.
Ra ngoài, ra ngoài, ra ngoài!
Hai hàm răng va nhau lập cập bất chấp cái nóng bừng bừng quanh người cô.
“Em đang làm rất tốt, Sachs,” giọng của Rhyme vang lên trong tai cô.
Cô cảm kích giọng nói ấm áp trấn an ấy, nhưng không muốn nghe nó. Cô vặn nhỏ âm lượng trên tai nghe.
Thêm vài chục phân nữa. Hít thở, hít thở.
Tập trung vào công việc. Sachs đã cố. Nhưng hai bàn tay vẫn run rẩy và cô làm rơi cây lăn, tiếng lanh canh của tay cầm va đập với mặt đường hầm kim loại gần như làm cô buồn nôn.
Rồi nỗi sợ hãi điên rồ tóm được cô. Sachs nảy ra ý nghĩ nghi phạm bí ẩn kia đang ở sau lưng cô. Bằng cách nào đó, từ trên trần của căn phòng để đồ, hắn đã nhảy xuống sàn. Tại sao ta không nhìn lên? Luôn phải nhìn lên trong các hiện trường tội ác! Chết tiệt thật.
Rồi một cú giật.
Cô thở hổn hển.
Đó không phải là do chiếc túi đồ nghề đang buộc vào cô. Không, đó chính là tay của thủ phạm! Hắn sắp trói cô lại dưới này. Rồi hắn lấp đầy đường hầm bằng đất, một cách chậm rãi, bắt đầu từ chân cô. Hay làm nó ngập nước. Cô nghe tiếng nước chảy trong không gian phòng để đồ; ở đó có nhiều ống nước. Hắn đã rút một cái núm hay mở một van. Cô sẽ chết chìm, rồi gào thét trong lúc nước dâng lên và không thể tiến lên hay lùi lại.
Không!
Viễn cảnh ấy dù không thể có thực thì nó cũng chẳng quan trọng gì. Sợ hãi làm cho điều không chắc chắn, thậm chí cả điều bất khả thi vẫn trở nên có lí. Bản thân nỗi sợ lúc này đã là một thực thể nữa của đường hầm, nó đang thở, đang hôn hít, đùa bỡn, trượt những cánh tay ngoằn ngoèo của nó quanh người cô.
Cô giận dữ với chính mình. Đừng có điên. Mày chỉ có nguy cơ bị bắn chết khi trèo qua đầu bên kia của đường hầm chết tiệt này thôi, chứ không phải bị một tên tội phạm nào đó thậm chí còn không tồn tại làm cho chết ngạt bằng một cái xẻng cũng không tồn tại nốt. Không đời nào đường hầm này bị sập và làm mày bị kẹt như con chuột trong họng con rắn được. Chuyện-ấy-sẽ- không-xảy-ra.
Nhưng chính hình ảnh ấy – con rắn và con chuột bị kẹt cứng – đã in sâu vào tâm trí cô, khiến nỗi kinh hoàng bừng lên thêm một cấp độ nữa.
Khỉ thật. Mình sắp điên rồi. Mình sắp điên thật rồi.
Đầu kia của đường hầm chỉ cách đó hơn hai mét, và cô bị ám ảnh với việc phải thoát khỏi chỗ này thật nhanh. Nhưng cô không thể. Không có đủ chỗ để cô có thể cử động nhanh hơn, cô chỉ có thể bò. Hơn nữa, Sachs biết việc cố gắng đi nhanh hơn sẽ là một thảm họa. Thứ nhất, cô có thể làm mất dấu vết. Và càng đi nhanh thì càng thúc đẩy nỗi sợ, khiến nó nổ bùng bên trong cô như một phản ứng dây chuyền.
Và tương tự, di chuyển nhanh hơn để ra khỏi đường hầm, kể cả khi cô có thể làm được điều đó, sẽ là một thất bại.
Bài tụng kinh riêng của cô – cũng do cha truyền lại – là: Con chuyển động thì chúng sẽ không tóm được con.
Nhưng đôi khi, như lúc này chẳng hạn, chúng sẽ tóm được cô nếu cô chuyển động.
Vì vậy, hãy dừng lại, cô ra lệnh cho mình.
Và cô làm đúng như thế, dừng lại hoàn toàn. Cô cảm nhận những cánh tay hư hỏng của đường hầm càng ôm lấy mình chặt hơn nữa.
Cơn hoảng loạn dâng lên từng đợt như những cơn sóng, đâm vào gan ruột như lưỡi dao băng giá.
Đừng cử động. Cứ ở nguyên đó, cô tự nhủ. Hãy đối diện với nó. Chiến đấu với nó. Cô tin rằng Rhyme đang nói chuyện với cô, lời thì thầm từ giọng nói xa xăm của anh chất chứa đầy băn khoăn, lo lắng hay sốt ruột. Có khi là tất cả những điều trên. Âm lượng tai nghe bị giảm xuống mức câm lặng.
Hít thở đi nào.
Cô thực hành. Hít vào, thở ra. Mắt mở to nhìn vào cái đĩa ánh sáng trước mặt, niềm vui đang còn cách cả dặm phía trước. Không, không phải thế. Bằng chứng. Tìm kiếm bằng chứng. Đó là công việc của cô. Cô nhìn chằm chằm vào một cái vỏ kim loại nằm cách đó vài phân.
Vậy là cái vòi sợ hãi bắt đầu rời ra. Không biến mất hoàn toàn. Nhưng nó lỏng lẻo hơn.
Được rồi. Cô tiếp tục bò trong đường hầm, đẩy con lăn để hút dư chất, thu thập những mẩu vụn, cố tình di chuyển chậm hơn lúc nãy.
Rốt cuộc đầu cô cũng ló ra ngoài. Rồi đến hai vai.
Như đang ra đời, cô cười với chính mình một cách yếu ớt và chớp mắt để mồ hôi rơi khỏi mắt.
Cô nhanh chóng lộn người vào trong đường hầm to hơn; nếu phải so sánh thì nơi này trông giống như một sảnh hòa nhạc. Cô cúi xuống và rút khẩu Glock ra.
Nhưng không có kẻ đột nhập nào đang chĩa họng súng vào cô, ít nhất là trong không gian trước mắt. Ánh đèn rọi vào cái xác đang làm cô chói mắt, và có thể có hiểm họa nào đó quanh quẩn trong bóng tối, nhưng cô đã ngay lập tức chĩa đèn Maglite về hướng ấy. Không có mối đe dọa nào.
Sachs đứng dậy và kéo chiếc túi đồ nghề ra khỏi đường hầm. Cô nhìn quanh và nhận thấy bản đồ trong dữ liệu của Rhyme đã chính xác. Đường hầm này rất giống một cột khoan trong hầm mỏ, rộng khoảng một mét tám. Nó biến mất trong bóng tối ở mé phía tây. Cô biết rằng từ một thế kỉ trước nó đã được dùng để vận chuyển các xe hàng hóa đi ra đi vào các nhà máy và kho. Giờ đây những lối đi ẩm ướt, mốc meo này chỉ còn là một phần của cơ sở hạ tầng trong thành phố New York. Trên đầu cô là những cái ống to đùng và những cái ống nhôm, ống PVC nhỏ hơn, chắc dành cho cáp điện, chạy qua những cái hộp kĩ thuật cũ kĩ xước xát. Những đường dây mới hơn trổ ra từ những chiếc hộp màu vàng sáng cài khóa dày cộp.
Trên đó có khắc hàng chữ IFON. Cô không biết nó có nghĩa là gì. Những cái ống thép in hàng chữ NYC DS và NYC DEP – Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, các cơ quan của thành phố xử lí hệ thống nước thải và cấp nước.
Cô nhận ra xung quanh hoàn toàn im lặng và bật âm lượng điện đàm lên.
“Chuyện quái quỷ gì thế?”
“Xin lỗi anh, Rhyme,” Sachs nói. “Em phải tập trung ấy mà.”
Anh im lặng một lát rồi có vẻ đã hiểu ra – việc cô đang phải vật lộn với cái giỏ bánh mì. “Được rồi. Nào. Hiện trường đã an toàn đấy chứ, theo chỗ em thấy?”
“Hiện trường trực tiếp.” Căn hầm đã bị bịt kín ở đầu phía đông nhưng cô lại liếc lần nữa vào bóng tối ở đầu phía tây.
“Em quay một trong mấy cái đèn chĩa vào hướng ấy. Nó sẽ làm lóa mắt bất kì kẻ nào định nhắm vào em. Và em sẽ trông thấy hắn đang bước tới trước khi hắn trông thấy em.”
Những cảnh sát đầu tiên đến hiện trường đã mang theo hai chiếc đèn halogen đặt trên giá ba chân, nối với hai cục ắc-quy to. Cô xoay một cái về hướng Rhyme vừa bảo và nheo mắt trong lúc quan sát đường hầm kéo dài.
Không có dấu hiệu nguy hiểm.
Sachs hi vọng sẽ không có vụ đấu súng nào. Cái ống lớn trên đầu cô chắc vừa được lắp đặt – nó có dòng chữ DEP – và có vẻ làm bằng sắt dày; những loạt đạn đầu tròn từ khẩu Glock của cô sẽ không chọc thủng được lớp kim loại. Nhưng nếu thủ phạm quay lại với những khẩu súng tự động, có thể hắn sẽ thủ sẵn loại đạn xuyên giáp có thể làm thủng đường ống. Cô tưởng tượng với áp lực nước khổng lồ bên trong nó, một lỗ thủng có thể tạo ra cả một vụ nổ như quả bom nhiệt dẻo.
Và kể cả nếu hắn chỉ mang đạn thường, những viên đạn nảy từ kim loại lên đá, lên tường gạch bật lại cũng có khả năng sát thương không khác gì phát đạn trực tiếp.
Cô lại nhìn vào đường hầm lần nữa và không thấy có cử động nào.
“An toàn rồi, Rhyme.”
“Tốt lắm. Vậy vào việc thôi.” Anh đã trở nên sốt ruột.
Sachs cũng vậy. Cô muốn thoát ra khỏi đây.
“Bắt đầu với nạn nhân.”
Cô ấy không chỉ là một nạn nhân, Rhyme, Sachs nghĩ. Cô gái có một cái tên. Chloe Moore. Cô là một nhân viên bán hàng hai mươi sáu tuổi của một cửa tiệm thời trang bán thứ quần áo vẫn còn vải thừa bên ngoài đường may. Cô làm với với mức lương dưới trung bình vì cô đã trở nên mê muội bởi New York. Bởi nghề diễn viên. Bởi cái tuổi hai mươi sáu. Và Chúa phù hộ cô vì điều đó.
Cô không đáng phải chết. Nhất là cái chết như thế này.
Sachs đeo sợi dây thun cao su vào đế ủng của mình để phân biệt dấu chân cô với dấu vết của thủ phạm và những cảnh sát đầu tiên – cô sẽ chụp ảnh đế giày họ sau để dùng làm mẫu đối chứng.
Cô tiến lại gần thi thể. Chloe đang nằm ngửa, áo sơ mi của cô ấy bị kéo lên ngay dưới viền ngực. Sachs để ý thấy ngay cả khi đã chết, khuôn mặt tròn trịa, xinh đẹp của cô gái vẫn bị biến dạng do căng cơ, trông như cô đang nhăn mặt vậy. Nó là bằng chứng rõ ràng của cơn đau mà cô ấy đã phải chịu đựng, cơn đau dẫn tới cái chết. Miệng Chloe sùi bọt mép và cô ấy đã nôn ra rất nhiều thứ. Mùi nôn thật kinh khiếp. Sachs thầm gạt chuyện ấy ra khỏi đầu.
Hai bàn tay Chloe đặt bên dưới cơ thể, bị trói bằng loại còng rẻ tiền. Bằng một chiếc chìa khóa vạn năng, Sachs mở được nó. Cổ chân nạn nhân bị trói bằng băng dính. Dùng chiếc kéo phẫu thuật, Sachs gắp đoạn băng dính và bỏ đoạn nhựa màu xám bụi bặm vào túi. Cô gọt bên dưới đầu móng tay đã tím sẫm của cô gái trẻ, để ý thấy những sợi vải và các vẩy màu trắng. Có lẽ cô ấy đã chiến đấu với hắn và nếu thật như vậy thì những mẩu dư chất vô giá, thậm chí cả mẩu da, có thể nằm ở đây; nếu kẻ giết cô gái có trong cơ sở dữ liệu CODIS1 DNA, họ sẽ tìm được danh tính của hắn chỉ trong vài giờ.
1 CODIS là viết tắt của Combined DNA Index System, tạm dịch ‘Hệ thống Chỉ số Kết hợp DNA’.
Rhyme bảo, “Anh muốn xem hình xăm, Sachs.”
Sachs nhìn thấy một hình xăm nhỏ màu xanh trên cổ Chloe, nó nằm bên phải gần vai cô, nhưng đó là hình cũ từ lâu rồi. Bên cạnh nó, cô dễ dàng trông thấy hình vẽ tên sát nhân đã làm. Cô quỳ xuống và căng mắt, gí camera gần bụng Chloe.
“Nó đây, Rhyme.”
Nhà tội phạm học thì thầm, “Lời nhắn của hắn. À, một phần lời nhắn. Em nghĩ nó có nghĩa là gì?”
Nhưng Sachs nhận ra, với những chữ cái rời rạc này, chắc đó chỉ là câu hỏi tu từ.