S
uốt cái ngày Hai mươi tư tháng Mười hai dài lê thê ấy, hai đứa trẻ nhà bác sĩ Stahlbaum không được phép bén mảng đến phòng sinh hoạt chung của gia đình và cũng bị cấm luôn việc lê la đến gần phòng tiếp khách kế bên. Fred cùng Maria ngồi nép vào nhau, rúc mình trong một góc của căn phòng ngủ nhỏ phía sau ngôi nhà; hoàng hôn mờ ảo đã buông xuống, khiến bọn trẻ cảm thấy thật u ám và đáng sợ. Lại càng sợ hơn khi mà chẳng có ai chịu mang đèn đóm gì cho hai đứa như thường ngày. Fred ra vẻ bí hiểm, thì thầm vào tai cô em gái Maria mới bảy tuổi rằng sáng nay cậu nghe thấy rất nhiều những tiếng sột soạt, sột soạt, thỉnh thoảng lại còn có tiếng gõ cửa nhè nhẹ trong những căn phòng mà hai đứa bị cấm bén mảng tới. Mới trước đó không lâu, Fred còn nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé mặc trang phục sẫm màu rón rén đi qua lối vào, và kẹp dưới cánh tay một chiếc hòm lớn. Nhưng mà cậu biết rõ rằng đấy chẳng thể là ai khác ngoài cha đỡ đầu Drosselmeyer.
Nghe thấy thế, Maria bèn vỗ hai tay vào nhau vui sướng, cô bé kêu lên:
“A ha! Thể nào lần này cha đỡ đầu cũng lại làm cho chúng ta những thứ tuyệt đẹp cho mà xem!”
Cha đỡ đầu của lũ trẻ là ngài Drosselmeyer. Ông không phải người đàn ông đẹp trai cho lắm với vóc người gầy gò, bé nhỏ, khuôn mặt hằn lên nhiều nếp nhăn. Trên mắt phải của ông có một mảng màu đen lớn, cái đầu trọc lốc vì chẳng có lấy một sợi tóc nào, thế nên lúc nào ông cũng đội trên đầu bộ tóc giả màu trắng rất đẹp. Bộ tóc ấy được làm hết sức khéo léo và tài tình. Bản thân cha đỡ đầu cũng là một người đàn ông rất tài giỏi và khéo léo, ông tường tận tất cả mọi thứ về các loại đồng hồ, thậm chí còn chế tác ra chúng nữa. Thế nên mỗi khi trong nhà bác sĩ Stahlbaum có cái đồng hồ xinh xắn nào bị ốm yếu hay không ngân nga được nữa, cha đỡ đầu Drosselmeyer sẽ đến khám chữa tận tình ngay. Ông sẽ nhấc bộ tóc giả ra, cởi chiếc áo choàng màu nâu rồi mặc vào chiếc tạp dề màu xanh da trời, sau đó ông sẽ dùng những dụng cụ đầu nhọn hoắt chọc vào chiếc đồng hồ khiến Maria lo lắng hết sức. Nhưng việc này chẳng hại gì đến chiếc đồng hồ cả, trái lại, nó khiến chiếc đồng hồ sống lại, những chiếc kim lại nhảy nhót tươi vui theo nhịp đều đặn và lại chỉ đúng giờ, lại ngân lên những âm thanh du dương cho bất kỳ ai có niềm vinh hạnh được lắng nghe. Lần nào đến ông cũng đem theo thứ gì đó hay ho trong túi áo để tặng cho lũ trẻ, lúc là một con rối bé nhỏ có đôi mắt biết nhắm mở, biết đưa qua đưa lại, và có thể cúi chào, lúc khác lại là chiếc hộp mà cứ mở nắp thì lại có một con chim nhảy ra, lúc thì thứ này, khi thì thứ khác...
Cứ mỗi dịp Giáng sinh tới, bao giờ ông cũng chuẩn bị trước cho lũ trẻ một món đồ nào đó đẹp mê ly mà ông đã để vào đó không ít tâm sức, nhưng cũng vì thế, những món đồ ấy được cha mẹ của bọn trẻ gìn giữ rất cẩn thận ngay sau khi chúng được trao tặng.
“Chao ôi, thể nào món quà lần này của cha Drosselmeyer làm cho chúng ta cũng sẽ tuyệt đẹp cho mà xem!” Maria reo lên. Nhưng theo ý của Fred thì lần này sẽ chẳng có gì khác ngoài một tòa lâu đài mà trong ấy có đủ các kiểu binh lính cừ khôi diễu hành tới lui và duyệt binh theo đội hình. Rồi những quân địch xông đến và cố gắng tấn công lâu đài, nhưng những người lính bên trong hết sức dũng cảm, họ nã đại bác phản công cho đến khi tất cả địch thủ vỡ trận, bỏ chạy tán loạn, nháo nhác mới thôi.
“Không! Không đời nào!” Maria kêu lên, cắt ngang Fred. “Cha đỡ đầu Drosselmeyer đã nói với em về một khu vườn rất đẹp có cái hồ lớn cho những con thiên nga đeo vòng cổ vàng bơi lội xung quanh và cất lên những khúc hát du dương nhất của chúng. Rồi sau đấy có một cô bé bước đi quanh hồ, dùng giọng nói ngọt ngào và dịu dàng của mình để gọi chúng vào bờ rồi cho chúng ăn bánh ngọt.”
“Thiên nga không bao giờ ăn bánh ngọt.” Fred ngắt ngang, nói hơi cộc cằn. “Và chỉ có mình cha đỡ đầu Drosselmeyer thì không thể tự làm được cả khu vườn đâu. Mà rốt cuộc, chúng ta cũng chỉ được chơi tí chút những món đồ của cha đỡ đầu, vì sau đó bố mẹ sẽ cất chúng đi ngay ấy mà. Anh thích những thứ bố và mẹ tặng chúng mình hơn, vì chúng mình có thể tự giữ những món quà đó, và tha hồ muốn làm gì với chúng cũng được.”
Bây giờ, hai đứa trẻ lại bắt đầu đoán già đoán non xem lần này chúng sẽ được tặng món quà gì. Maria nghĩ rằng cô búp bê Trutchen của mình đã quá nhiều tuổi rồi, giờ cô nàng cứ ngã xuống sàn suốt để lại những vết trầy xước buồn bã trên mặt, càng lúc càng trở nên lỏng lẻo, còn về chiếc váy thì bây giờ hoàn toàn không thể nói trông nó thật trang nhã nữa. Có trách mắng cũng chẳng ích gì. Fred thì quả quyết luôn là chuồng ngựa của cậu còn thiếu một con ngựa màu nâu đỏ dũng mãnh, đội quân của cậu còn thiếu một đội kỵ binh, và cha cậu thì biết rất rõ điều này.
Lúc này, trời đã tối mịt. Fred và Maria ngồi sát lại gần nhau và chẳng dám hé môi nói lời nào nữa. Dường như có những đôi cánh nhẹ nhàng lướt qua trên đầu chúng, văng vẳng từ xa có tiếng nhạc vui tai vọng lại. Đúng lúc ấy, tiếng chuông ngân nga vang lên rộn rã.
Bính boong! Bính boong!
Những cánh cửa bật mở toang ra, ánh sáng rực rỡ tràn vào từ căn phòng lớn, hai đứa trẻ kêu lên “A! A!” và đứng ngây như phỗng trước ngưỡng cửa. Nhưng bố và mẹ chúng đã bước đến chỗ cánh cửa, nhấc bổng chúng lên và nói: “Nào, lại đây các con yêu, xem Giáng sinh năm nay mang tới cho các con những gì nào.”