Các yếu tố NHƯ THẾ NÀO đóng vai trò bộ lọc
Sau khi đã diễn đạt rõ ràng các yếu tố NHƯ THẾ NÀO, lúc này chúng ta đã có trong tay công thức để tạo ra những môi trường trong đó chúng ta có thể ở vào trạng thái tự nhiên tự nhiên tốt nhất. Dĩ nhiên, chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Mặc dù không thể thực hiện điều này trong mọi tình huống, nhưng điều cốt yếu là cần phải tìm kiếm và chớp lấy những cơ hội trong đó mỗi người chúng ta đều mang lại tác động lớn nhất có thể cho những người khác, để rồi đến lượt mình, chúng ta sẽ càng thấy mãn nguyện hơn.
Để chắc chắn rằng những người chúng ta bắt tay cộng tác, những dự án chúng ta đảm nhiệm, và những tổ chức chúng ta chọn làm nơi làm việc đều phù hợp với các giá trị cá nhân của mình, chúng ta có thể sử dụng các yếu tố NHƯ THẾ NÀO làm bộ lọc. Sau khi bạn đã diễn đạt các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của mình theo hướng đơn giản, khả thi, hãy bổ sung thêm một vài gạch đầu dòng để làm rõ ý nghĩa của chúng trên thực tế. Phần thông tin chi tiết bổ sung này sẽ hữu ích cho bạn và những người mà bạn hợp tác cùng. Dưới đây là cách Simon diễn đạt các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của cá nhân anh.
Các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của Simon là:
1. Tiếp cận góc nhìn phi truyền thống
• Nhìn nhận sự việc từ một góc nhìn khác. Cởi mở tư duy để làm mọi việc theo một cách khác.
• Đặt câu hỏi: “Liệu còn cách nào khác, có thể là tốt hơn, để làm việc này không?”
• Hãy thử làm điều gì đó. Nếu không có hiệu quả, hãy thử làm điều gì đó khác.
2. Giữ cho mọi việc thật đơn giản
• Khi mọi việc đơn giản, tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Nếu một đứa trẻ 10 tuổi có thể hiểu những gì bạn đang nói, nghĩa là bạn làm tốt rồi.
• Ngôn ngữ và ý tưởng đơn giản thường dễ hiểu và dễ thực hiện.
3. Nhìn nhận sự việc từ góc độ tích cực
• Hãy tìm kiếm những điều tích cực trong mọi tình huống và ở tất cả mọi người.
4. Chia sẻ mọi thứ
• Chia sẻ ý tưởng và cảm giác. Không những thế, hãy khuyến khích và hướng dẫn người khác cách chia sẻ nữa.
• Hãy chia sẻ ý tưởng của bạn, nhất là trong trường hợp ý tưởng đó không hoàn hảo. Ngay cả những ý tưởng “tệ hại nhất” cũng có thể được hoàn thiện dần.
• Những người khác sẽ không biết bạn cảm thấy thế nào hay mong muốn gì nếu bạn không chịu chia sẻ với họ.
5. Tập trung vào dài hạn
• Hãy xây dựng một điều gì đó có thể trường tồn hơn tất cả chúng ta.
• Hãy tập trung vào động lực và xu hướng thay vì những con số và ngày tháng mục tiêu ngẫu hứng.
Simon đưa những yếu tố NHƯ THẾ NÀO của anh vào thực hành hằng ngày. Anh sử dụng chúng để xác định xem liệu một dự án hay cơ hội mới có cho phép anh sống với hai chữ TẠI SAO của mình ở mức độ toàn vẹn nhất có thể không. Nhiều năm trước, một vị lãnh đạo nhờ Simon giúp ông xây dựng nên một tổ chức vận hành theo hướng đặt con người lên trước. Vừa nghe ông đặt vấn đề xong, Simon đã lập tức có thiện cảm với ông và đề xuất ban đầu này khiến anh ấy hứng thú. Xin lưu ý, hai chữ TẠI SAO của Simon là truyền cảm hứng để mọi người làm những việc mang lại nguồn cảm hứng cho họ để chúng ta có thể cùng nhau thay đổi thế giới. Simon biết rằng những nền văn hóa đặt con người lên trước mang lại nguồn cảm hứng lớn hơn cho cả đội ngũ nhân viên và khách hàng. Anh cũng biết rằng việc hỗ trợ một tổ chức thay đổi không chỉ về tư duy mà còn cả các hệ thống và quy trình vận hành nhằm tạo dựng nên một tổ chức lấy con người làm ưu tiên không phải chuyện dễ dàng. Để dự án thành công thì sự hợp tác của họ phải dài hạn, vì thế Simon cần phải bảo đảm rằng anh và họ phù hợp với nhau. Mặc dù Simon và vị lãnh đạo trên đều ăn ý với nhau ở mức độ TẠI SAO, nhưng đây mới chỉ là bộ lọc đầu tiên.
Simon có linh cảm tốt về chuyện này nhưng anh vẫn dành thời gian để đặt một số câu hỏi nhằm tìm hiểu xem vị lãnh đạo này nhìn nhận ra sao về mối hợp tác này. Ông hào hứng cho anh xem một biểu đồ phức tạp trình bày chi tiết cách triển khai sáng kiến đó. Ông giải thích cho Simon biết rằng nếu muốn ban lãnh đạo của công ty tham gia đầu tư vào dự án này, cần phải sớm có kết quả cho họ.
Ngay lập tức, những tín hiệu cảnh báo ban đầu xuất hiện. Biểu đồ rắc rối kia, kết hợp với mong muốn “sớm có kết quả”, khó có thể bảo đảm sự tiến bộ dài hạn được (xem yếu tố NHƯ THẾ NÀO của Simon: Tập trung vào dài hạn). Simon bày tỏ mối lo ngại của mình và hỏi vị lãnh đạo xem ý ông là gì khi nói đến việc “sớm có kết quả”. Nếu ban lãnh đạo muốn nhìn thấy mọi việc đi đúng hướng trong vài tháng đầu tiên, Simon cho rằng họ có thể tìm ra một vài thông số đo lường chủ đạo nào đó. Simon giải thích rằng để anh có thể hợp tác với vị lãnh đạo này, thì ông ấy và ban lãnh đạo sẽ phải cởi mở đón nhận một số góc nhìn hoàn toàn mới mẻ (xem phần yếu tố NHƯ THẾ NÀO của Simon: Đánh giá sự việc từ một góc nhìn khác). Họ sẽ phải sử dụng một cách tiếp cận khác với trước đây để tạo ra sự thay đổi như mong muốn. Cuối cùng, Simon nhận thấy rõ rằng sự phức tạp đó (xem phần yếu tố NHƯ THẾ NÀO của Simon: Giữ cho mọi việc thật đơn giản), khung lịch trình, và tư duy của ban lãnh đạo công ty sẽ khiến mối hợp tác này, nếu diễn ra, trở nên không thuận lợi.
Đó là một tổ chức lớn, mang đến cơ hội tuyệt vời để chạm được vào cuộc sống của nhiều người. Tuy vậy, có điều gì đó không đúng. Từ kinh nghiệm của bản thân, Simon biết rằng tốt hơn hết anh hãy đứng ngoài cuộc và cổ vũ cho tổ chức này thay vì tích cực tham gia vào một mối quan hệ chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cả hai bên, bởi anh sẽ không có được môi trường trong đó anh được ở vào trạng thái tự nhiên tốt nhất. Bởi Simon tin rằng vị lãnh đạo này thực lòng muốn tạo ra một sự thay đổi trong tổ chức của mình, nên anh vui vẻ giới thiệu ông ấy cho một số người khác mà anh cho rằng có thể phù hợp với ông ấy hơn.
Hãy sử dụng các yếu tố NHƯ THẾ NÀO làm bộ lọc cho bạn trong quá trình ra những quyết định quan trọng. Mặc dù không phải mọi mối quan hệ, dự án, hay đề nghị hợp tác đều sẽ phù hợp hoàn toàn với các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn, nhưng bạn sẽ biết được những khó khăn hay căng thẳng có thể xuất hiện ở đâu. Việc này có thể mang lại cho bạn cơ hội để trao đổi trước về những vấn đề tiềm ẩn, giúp bạn và đối tác tiềm năng có được sự chuẩn bị tốt nhất để mối quan hệ hợp tác phát huy hiệu quả.
Cũng có thể áp dụng cách làm này theo chiều ngược lại. Khi bạn thấy mình ở vào hoàn cảnh khiến mình cảm thấy không thoải mái – “dường như có điều gì đó không đúng” nhưng bạn “không thể chỉ rõ nó là cái gì” – hãy tham chiếu các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn để tìm ra nguyên nhân. Đôi khi chỉ cần thực hiện một thao tác đơn giản là rà soát lại một lượt từ trên xuống dưới danh sách các yếu tố NHƯ THẾ NÀO, bạn sẽ ngay lập tức diễn đạt được thành lời những điều không phù hợp với mình. Ngay khi có thể diễn đạt thành lời cảm giác không thoải mái của mình, bạn sẽ dễ dàng đặt ra yêu cầu về những gì cần thiết để mọi việc trở lại quỹ đạo bình thường vốn có.
Ở Start With Why, chúng tôi khuyến khích những thành viên đang trải qua trạng thái căng thẳng không những nhìn vào Vòng tròn vàng của họ mà còn xem xét Vòng tròn vàng của đồng nghiệp đang khiến họ thấy không thoải mái. Chúng tôi trưng bày Vòng tròn vàng của từng thành viên để tất cả đội ngũ đều có thể tham khảo các yếu tố TẠI SAO và NHƯ THẾ NÀO của đồng nghiệp vào bất kỳ thời điểm nào. Đôi khi điều khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái nhất về nhau lại là những điểm mạnh của nhau! Khi nhìn vào những thông tin này, chúng tôi sẽ thấy đồng cảm và biết trân trọng năng lực của đồng nghiệp. Điều đó cho phép chúng tôi nói về sự căng thẳng mà mình đang trải qua bằng một thứ ngôn ngữ chung, nhờ đó các mối căng thẳng này được hóa giải nhanh chóng hơn. Giống như đối với hầu hết các công cụ khác, càng chịu khó nói về các yếu tố NHƯ THẾ NÀO và sử dụng chúng làm công cụ, bạn sẽ càng thành thạo trong việc sử dụng chúng.
Giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi và các yếu tố NHƯ THẾ NÀO
Về cơ bản, quy trình diễn đạt phần NHƯ THẾ NÀO của một tổ chức cũng giống với cách làm của cá nhân. Các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của một bộ lạc chính là những nguyên tắc dẫn đường, được rút ra từ các chủ đề nổi lên trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Tuy nhiên, thường thì khi chúng tôi được mời tới thực hiện một chương trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Bộ lạc, các tổ chức đã có sẵn một tập hợp những giá trị mà họ theo đuổi. Trong nhiều trường hợp, dù các giá trị đó đã được viết thành chữ khổ lớn trên các bức tường, nhưng chúng tôi vẫn có thể nhanh chóng phát hiện ra rằng rất ít người thực sự hiểu được ý nghĩa của chúng.
Nhiều người trong số chúng ta từng làm việc cho những công ty sốt sắng liệt kê các giá trị cốt lõi của tổ chức lên mọi bức tường trong mọi phòng họp, trong đó không thiếu những câu từ thời thượng như “trung thực”, “chăm chỉ”, “đa dạng” và thậm chí “liêm chính”. Tất cả các giá trị này đều tốt cả. Chỉ có điều, chúng không phải những yếu tố NHƯ THẾ NÀO.
Hầu hết các công ty đều không đặt các giá trị cốt lõi của mình trên cơ sở sự hiểu biết về cách thức hoạt động của tổ chức khi ở vào trạng thái tự nhiên tốt nhất. Nhìn chung, các giá trị cốt lõi chỉ nhằm thể hiện sự khao khát. Chúng biểu đạt các phẩm chất mà doanh nghiệp mong muốn đội ngũ nhân viên của mình có được thay vì những phẩm chất đội ngũ đó thực sự sở hữu. Hãy nhớ, các yếu tố NHƯ THẾ NÀO không phản ánh mong muốn. Chúng không thể hiện con người mà chúng ta mong muốn trở thành. Chúng mô tả những việc chúng ta thực sự làm – khi ở vào trạng thái tự nhiên tốt nhất.
Điểm khác biệt nữa giữa các yếu tố NHƯ THẾ NÀO và các giá trị cốt lõi nằm ở chỗ, bản thân giá trị không phải là hành động. “Lịch thiệp” là một giá trị. “Đối xử với người khác bằng sự tử tế và thái độ tôn trọng” là yếu tố NHƯ THẾ NÀO. Sự khác biệt này thậm chí còn quan trọng hơn nữa khi những cách áp dụng giá trị cốt lõi thường không được thể hiện ngay lập tức. Hãy hình dung cảnh một người đi làm ngày đầu tiên ở công ty mới, và khi ngồi trong căng tin ở công ty, họ trông thấy một tấm áp phích lớn dán trên tường ghi những giá trị cốt lõi của tổ chức này. Khi đọc thấy từ “sự liêm chính”, có thể họ sẽ nghĩ thầm trong bụng: “Được rồi, chắc chắn phải thế chứ. Nhưng các vị muốn tôi làm gì nào?” Bây giờ, vẫn với nhân viên đó, chúng ta hãy hình dung họ được công ty mới đưa cho bản tuyên ngôn “tại sao” và ở phần NHƯ THẾ NÀO, họ đọc được yếu tố “Luôn luôn nói sự thật.” Tiếp đến, trong buổi đào tạo diễn ra sau đó cũng trong ngày đầu tiên đi làm, họ nghe thấy người giám sát nói: “Chúng ta không được phép nói dối về hiệu quả của sản phẩm để mong chốt được đơn hàng.” Trong trường hợp này, có thể nhân viên mới kia sẽ nói thầm trong bụng: “À, ra vậy! Mình có thể làm được việc này.” Nếu muốn mọi người sống đúng với những giá trị cốt lõi của tổ chức, chúng ta phải chỉ ra được cho họ thấy cách áp dụng các giá trị đó vào thực tế. Nói cách khác, các yếu tố NHƯ THẾ NÀO cần phải được diễn đạt theo hướng đơn giản và khả thi.
Trong một số trường hợp, chúng tôi tiếp xúc với ban lãnh đạo của các tổ chức, và vì nhiều lý do khác nhau, họ muốn giữ chặt lấy danh sách các giá trị hiện hành của mình. Có thể nguyên nhân nằm ở chỗ các giá trị này đã được phổ biến từ rất lâu rồi, nên họ cho rằng việc đột ngột thay đổi chúng sẽ là quyết định thiếu trung thực. Có thể họ vừa chi ra hàng triệu đô-la để thuê một hãng tư vấn lớn giúp họ xây dựng và triển khai danh sách các giá trị này, nên việc thay đổi chúng một lần nữa chẳng khác gì gián tiếp thừa nhận rằng những việc họ vừa làm là không hiệu quả. Bất luận lý do là gì, nếu bạn cảm thấy mình đang ở vào tình huống đó, lời khuyên của chúng tôi là hãy triển khai phương pháp Bộ lạc đúng như các bước đã hướng dẫn ở các chương 4 và 5, sau đó sử dụng các chủ đề mà bạn khám phá được để làm phong phú thêm cho những giá trị mà doanh nghiệp đã có sẵn. Có thể bạn sẽ nhận thấy một số giao điểm rất rõ ràng giữa những gì họ đã có và các chủ đề bạn vừa tìm ra. Hãy giúp họ tạo nên một sợi dây kết nối ở tầng sâu hơn và có ý nghĩa hơn, nơi mọi thứ đến với nhau một cách tự nhiên.
Các yếu tố NHƯ THẾ NÀO giúp đưa hai chữ TẠI SAO vào cuộc sống thực tế
Cuối những năm 1950, Enrique Uribe, một người sống ở Costa Rica, quyết định nhập khẩu một ý tưởng từng làm thay đổi hoàn toàn cách thức mua sắm thực phẩm ở Mỹ. Tại Costa Rica, người dân vẫn quen với việc đi tới cửa hàng và nêu yêu cầu về món đồ cần mua cho người bán đứng sau quầy – một cân bột mỳ, một lít dầu ăn, một ổ bánh mỳ... Sau đó, người bán hàng sẽ lấy đủ số lượng đó và mang ra cho khách. Thực ra, đây cũng là hệ thống mua sắm phổ biến ở Mỹ trong một thời gian dài trước đó, nhưng bây giờ mọi việc đã khác xưa nhiều rồi. Thời điểm này, thị trường tự phục vụ đã trở thành thông lệ mua sắm mới ở Mỹ; người ta trưng bày sẵn các sản phẩm và để khách hàng tự do lựa chọn những thứ họ muốn mua, sau đó mang tới quầy thanh toán. Cách mua sắm mới này mở ra cơ hội để bên bán có thể cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn hơn nữa, và phục vụ được cho nhiều khách hàng hơn. Enrique muốn đây cũng trở thành tương lai cho việc mua sắm ở Costa Rica, nhưng giống như bất kỳ người nào có ý tưởng mới đi ngược lại với truyền thống, ông cũng vấp phải sự phản đối.
Người ta đưa ra vô số những lý do để miệt thị và mỉa mai tầm nhìn của Enrique. Một số người dự đoán rằng tình trạng trộm cắp tại cửa hàng sẽ gia tăng. Một số khác chỉ là thích được tiếp tục tận hưởng dịch vụ cá nhân khi người bán hàng tìm kiếm và sửa soạn tất cả các mặt hàng theo yêu cầu mà họ đưa ra. Một số khác nữa chỉ ra rằng nếu áp dụng cách mua sắm mới, thì sẽ phải kiến tạo lại toàn bộ chuỗi cung ứng. Sản phẩm không còn được đựng trong các loại thùng hay bao nữa, mà phải được đóng thành từng gói riêng. Và các cửa hàng cũng cần phải trữ lượng hàng trong kho lớn hơn so với trước đây.
Năm 1960, Enrique cùng với các anh chị em của ông là Marta, Flory, và Luis khai trương Mas x Menos, một siêu thị biến tầm nhìn về cách thức mua sắm mới của ông thành hiện thực. Và mọi người rất thích nó. Khi Mas x Menos phát triển thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Costa Rica, với hơn 500 cửa hàng, nó đã định hình lại hoàn toàn thị trường ở quốc gia này.
Hai con trai của Enrique là Rodrigo và Carlos tiếp tục kế thừa niềm đam mê đổi mới sáng tạo của cha. Tuy rằng về sau, họ bán lại chuỗi siêu thị của gia đình, nhưng hai anh em lại bắt tay vào thành lập Cuestamoras, một công ty mẹ cai quản hơn 10 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, từ y tế, nhà hàng, khách sạn, phát triển đô thị, cho đến năng lượng. Nhưng sau nhiều năm Cuestamoras phát triển, Rodrigo và Carlos, lúc này đã là chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, chợt nhận ra rằng họ đang gặp phải một vấn đề.
Là công ty mẹ quản lý quá nhiều công ty con hoạt động trong quá nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, Cuestamoras đang có nguy cơ đánh mất sự kết nối với điều mà hai anh em Rodrigo và Carlos cho là mục đích thành lập của công ty. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở những công ty phát triển mở rộng ra khỏi phạm vi của sản phẩm hoặc dịch vụ ban đầu. Họ trở nên quá tập trung vào khía cạnh họ đang làm gì, và để mất dấu sự liên hệ với khía cạnh “tại sao” họ bắt đầu. Họ không biết nên tiếp tục như thế nào. Vì vậy, vào năm 2014, hai anh em Rodrigo và Carlos quyết định tìm cách diễn đạt thành lời một cách chính xác hai chữ TẠI SAO của công ty, nhằm tìm ra mối liên kết giữa mọi việc họ đang làm ở hiện tại với những gì từng diễn ra trong quá khứ. Sau khi thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Cá nhân, họ xác định được mục đích bao trùm của công ty Cuestamoras là: Cần phải thực hiện đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ để có thể tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người.
Họ cũng xác định và diễn đạt được các yếu tố NHƯ THẾ NÀO mà họ dựa vào để ra quyết định và điều hành các công ty của mình:
- Làm những điều chưa ai từng làm
- Đón nhận sự thay đổi
- Học hỏi với tâm thế khiêm nhường
- Làm những việc đúng đắn
- Làm việc cùng nhau
Hiện nay công ty này đặt trọng tâm vào việc thực hiện các yếu tố NHƯ THẾ NÀO với mức độ kỷ luật cao. Mặc dù phần CÁI GÌ của họ hết sức đa dạng và phong phú, nhưng với mọi dự án mới, họ đều tiếp cận bằng cách áp dụng một quy trình mà họ đặt tên là Hệ thống Cuestamoras. Bước 1 là đặt câu hỏi: “Việc thực hiện dự án này có giúp đưa hai chữ TẠI SAO của chúng ta vào cuộc sống thực tế không?” Nếu câu trả lời là có, công ty sẽ triển khai dự án và bảo đảm bám sát các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của họ trong suốt quá trình thực hiện.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của gia đình đã thay đổi và mở rộng rất nhiều kể từ những năm 1950, nhưng di sản đích thực mà Enrique để lại vẫn tiếp tục trường tồn thông qua hai người con trai của ông, bởi họ đã khám phá lại được hai chữ TẠI SAO của cha mình – vốn hiện diện trong cửa hàng Mas x Menos đầu tiên – và củng cố lại chúng với những giá trị và hành vi giống với nhà sáng lập. Chừng nào hai chữ TẠI SAO và những yếu tố NHƯ THẾ NÀO đó vẫn còn được duy trì ở vị trí trung tâm, thì việc Rodrigo và Carlos tham gia vào bao nhiêu công ty hay mở rộng sang bao nhiêu lĩnh vực kinh doanh đều không phải là vấn đề lớn. Dù có thay đổi yếu tố CÁI GÌ của công ty ra sao, họ vẫn có được nguồn cảm hứng bền vững và lâu dài.
Lưu ý: Trước khi bắt tay vào khám phá những yếu tố NHƯ THẾ NÀO của riêng bạn, chúng tôi có một lưu ý nhỏ. Các mẫu trình bày yếu tố NHƯ THẾ NÀO mà bạn vừa đọc được trong chương này đều liên quan đến những con người và tổ chức cụ thể. Đừng mặc nhiên cho rằng những yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn cũng phải giống như thế. Những yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn sẽ đến từ những câu chuyện mà bạn hay nhóm của bạn chia sẻ trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Đó chính là điều giúp cho chúng trở nên thực tế hơn so với việc chọn một cụm từ bóng bẩy được nghĩ ra chỉ cốt để nghe cho thuận tai.
* * *
Dưới đây là lộ trình thực hiện quy trình diễn đạt các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn. Quy trình này áp dụng cho cả trường hợp cá nhân và bộ lạc.
Quy trình khám phá các yếu tố NHƯ THẾ NÀO
Trong quá trình thực hiện quy trình khám phá hai chữ TẠI SAO của bản thân, bạn xác định được một số chủ đề nổi lên trong những câu chuyện mình kể. Một hoặc hai trong số các chủ đề này – tạo được sự đồng vọng nhất trong bạn – được đưa vào trong bản tuyên ngôn “tại sao”. Số chủ đề còn lại đang chờ bạn làm điều gì đó với chúng. Bây giờ là lúc để bạn chuyển sự tập trung sang chúng rồi. Trong phần còn lại của chương này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn cách đưa những chủ đề này trở thành các yếu tố NHƯ THẾ NÀO bằng cách thực hiện ba bước sau đây.
Rút gọn các chủ đề còn lại
Hãy lấy danh sách ra và gạch bỏ những chủ đề mà bạn đã đưa vào trong bản tuyên ngôn “tại sao”. Sau đó, hãy thu hẹp danh sách các chủ đề còn lại cho tới khi chỉ còn tối đa năm chủ đề. Vì sao lại là năm? Không có phát kiến khoa học nào ở đây cả. Vấn đề chỉ là sau hàng nghìn lần triển khai quy trình này, chúng tôi nhận thấy cách làm hiệu quả và thành công nhất là nên rút gọn các chủ đề xuống thành tối đa năm ý tưởng tách bạch rõ ràng. Chúng tôi sẽ trình bày cách tập trung các chủ đề ở phần dưới. Do kết quả đầu ra của phương pháp Bộ lạc là một danh sách gồm các động từ ở thể chủ động (ví dụ: tiếp nhận những điều chưa biết, bảo vệ, kết nối), nên chúng tôi sẽ sử dụng một ví dụ nói về cách một cá nhân thực hiện quy trình này vì các chủ đề của họ có thể vẫn cần hoàn thiện thêm. Quy trình này cũng áp dụng cho một tập thể.
Sau khi soạn xong bản tuyên ngôn “tại sao”, người này có thêm tám chủ đề trong danh sách của họ:
• Niềm vui
• Lạc quan
• Sự kết nối
• Cảm giác an toàn
• Luôn luôn học được từ người khác
• Luôn luôn có giải pháp
• Bảo vệ những người thân yêu
• Giải quyết vấn đề
Trước tiên, hãy tìm kiếm các chủ đề diễn đạt những ý tưởng giống nhau. Sau khi xác định được những ý tưởng trùng lặp hoặc dư thừa này, bạn có hai lựa chọn: giữ lấy một ý tưởng và gạch bỏ cái còn lại hoặc kết hợp hai ý tưởng thành một chủ đề mới. Trong ví dụ bên trên, hai ý tưởng “bảo vệ những người thân yêu” và “cảm giác an toàn” về bản chất khá tương đồng nhau. Nếu một phương án nghe có vẻ đúng hơn, hãy giữ nó lại. Trong trường hợp ví dụ này, chúng tôi đưa ra một cụm từ khác dựa vào cả hai ý tưởng trên: “biết làm cho người khác cảm thấy an toàn”.
Một sự trùng lặp nữa là hai ý tưởng “luôn luôn có giải pháp” và “giải quyết vấn đề”. Xin nhắc lại, chúng ta có hai lựa chọn: giữ lại một hoặc kết hợp cả hai. Ở đây, dường như ý tưởng “luôn luôn có giải pháp” phù hợp hơn.
Tương tự, một cặp trùng lặp khác là “niềm vui” và “lạc quan.” Nếu tra từ điển, có thể chúng ta sẽ thấy hai từ này được định nghĩa khác nhau, nhưng hãy nhớ, vì mục đích của bài tập khám phá này, chúng ta sẽ không tham chiếu từ điển mà xem xét các câu chuyện đã gợi lên những chủ đề đó. Trong trường hợp này, nhân vật của chúng ta quyết định giữ lại yếu tố “lạc quan”.
Bây giờ, chúng ta đã có trong tay bản danh sách cuối cùng gồm năm chủ đề:
• Lạc quan
• Sự kết nối
• Biết làm cho người khác cảm thấy an toàn
• Luôn luôn học được từ người khác
• Luôn luôn có giải pháp
Rút gọn các chủ đề còn lại
1. _____________________________________________
2. _____________________________________________
3. _____________________________________________
4. _____________________________________________
5. _____________________________________________
Trình bày các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn
Như chúng tôi đã giải thích ở các phần trước, yếu tố NHƯ THẾ NÀO phải tập trung vào hành động bởi đó là những việc bạn làm để đưa hai chữ TẠI SAO của mình vào cuộc sống thực tế. Các đặc điểm và thuộc tính, chẳng hạn “sự trung thực” hay tính từ, chẳng hạn “quyết tâm”, không phải là hành động. Để biến các chủ đề thành yếu tố NHƯ THẾ NÀO, chúng ta phải làm cho chúng mang tính khả thi. Có thể một số chủ đề của bạn đã được diễn đạt bằng một động từ, như vậy là tốt. Đối với những chủ đề được diễn đạt bằng các đặc điểm hay tính từ, hãy xử lý như sau.
Hãy lấy ra một chủ đề trong danh sách ví dụ ở trên:
• Lạc quan
Có nhiều cách khác nhau để biến tính từ “lạc quan” thành một yếu tố NHƯ THẾ NÀO. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ:
• Tìm kiếm khía cạnh tích cực trong tất cả mọi điều
• Nhìn nhận sự việc theo góc độ cốc nước đầy một nửa1
1 Hình ảnh ẩn dụ nói về hai tính cách lạc quan và bi quan. Người lạc quan sẽ nhìn thấy cốc nước đầy một nửa, còn người bi quan sẽ thấy cốc nước vơi một nửa. (ND)
• Trông về phía trước, không nhìn lại đằng sau
• Tìm kiếm điều hay trong mọi vấn đề
Sau khi đào sâu vào các câu chuyện, chúng ta nhất trí với nhau rằng cách diễn đạt “Tìm kiếm khía cạnh tích cực trong tất cả mọi điều” thực sự nói lên được đúng ý của nhân vật trong ví dụ này về chủ đề “lạc quan.”
Các chủ đề khác trong danh sách diễn đạt tương đối đầy đủ, và chỉ cần điều chỉnh một chút là có thể trở thành các hành động:
• Sự kết nối → Kết nối với người khác theo những cách thức có ý nghĩa
• Biết làm cho người khác cảm thấy an toàn → Làm cho người khác cảm thấy an toàn
• Luôn luôn học được từ người khác → Học hỏi điều gì đó từ tất cả mọi người
• Luôn luôn có giải pháp → Tìm kiếm những giải pháp sáng tạo
Bạn hãy để ý thật kỹ, chỉ một sự thay đổi đơn giản trong cách dùng từ ở trên cũng đã biến cách diễn đạt thụ động thành các hành động mà chúng ta có thể thực hiện hằng ngày.
Dưới đây là danh sách các yếu tố NHƯ THẾ NÀO cuối cùng trong ví dụ của chúng ta:
• Tìm kiếm khía cạnh tích cực trong tất cả mọi điều
• Kết nối với người khác theo những cách thức có ý nghĩa
• Làm cho người khác cảm thấy an toàn
• Học hỏi điều gì đó từ tất cả mọi người
• Tìm kiếm những giải pháp sáng tạo
Chúng ta có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa cách nói “Có kết nối” và “Kết nối với người khác theo những cách thức có ý nghĩa”, hay giữa cách nói “Có tinh thần lạc quan” và “Tìm kiếm khía cạnh tích cực trong tất cả mọi điều”. Ngoài ra, cũng nên tránh mô tả về hành động để lời chỉ dẫn trở nên rõ ràng hơn: chuyển câu “Biết làm cho người khác cảm thấy an toàn” thành “Làm cho người khác cảm thấy an toàn”.
Nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ, và điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là hãy lựa chọn theo trực giác của bạn.
Hãy bảo đảm rằng những từ ngữ bạn sử dụng chạm được tới tâm hồn bạn và nhắc cho bạn nhớ về những câu chuyện đằng sau chúng. Chính sự liên kết về mặt cảm xúc này sẽ truyền cảm hứng để bạn biến những yếu tố NHƯ THẾ NÀO này thành hành động.
Trình bày các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của bạn
1. _____________________________________________
2. _____________________________________________
3. _____________________________________________
4. _____________________________________________
5. _____________________________________________
Cung cấp bối cảnh
Sau khi đã diễn đạt các yếu tố NHƯ THẾ NÀO, bạn có thể củng cố thêm cho mối liên hệ giữa bạn với chúng bằng cách viết một phần mô tả ngắn cho mỗi yếu tố để cung cấp bối cảnh và gợi ý về cách thực hiện chúng trong thực tế. Phần mô tả này không nhất thiết phải trình bày quá phức tạp. Thực ra, hãy viết càng đơn giản càng tốt. Như vậy, bạn mới có thể dễ dàng biến chúng thành hành động.
Dưới đây là ví dụ minh họa về phần mô tả cho các yếu tố NHƯ THẾ NÀO dành cho nhân vật trong ví dụ của chúng ta:
• Tìm kiếm khía cạnh tích cực trong tất cả mọi điều – Khi sự việc có vẻ không ổn, hãy tìm kiếm những điều ổn thỏa.
• Kết nối với người khác theo những cách thức có ý nghĩa – Khiến các mối quan hệ trở nên thân tình và thể hiện cho mọi người thấy rằng bạn quan tâm đến họ.
• Làm cho người khác cảm thấy an toàn – Khiến mọi người tin tưởng bạn và cho họ biết rằng bạn luôn ở bên để hỗ trợ họ.
• Học hỏi điều gì đó từ tất cả mọi người – Cởi mở tiếp nhận những ý tưởng và góc nhìn của người khác; tất cả mọi người đều có điều gì đó để dạy chúng ta.
• Tìm kiếm những giải pháp sáng tạo – Giả định rằng luôn luôn có một giải pháp và đừng dừng lại cho đến khi bạn tìm ra nó.
Chúng tôi có đưa ra một số ví dụ về các buổi Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Bộ lạc mà chúng tôi từng thực hiện ở cuối chương này. Chúng tôi cũng chia sẻ về quy trình từng bước giúp họ biến các chủ đề của mình thành yếu tố NHƯ THẾ NÀO.
Cung cấp bối cảnh cho các yếu tố NHƯ THẾ NÀO bằng cách bổ sung phần mô tả ngắn cho từng yếu tố:
1. _____________________________________________
2. _____________________________________________
3. _____________________________________________
4. _____________________________________________
5. _____________________________________________
Và cuối cùng, hãy viết ghi chú cho phần CÁI GÌ của bạn:
1. _____________________________________________
2. _____________________________________________
3. _____________________________________________
* * *
Xin chúc mừng. Như vậy, bằng cách khám phá ra hai chữ TẠI SAO và các yếu tố NHƯ THẾ NÀO đằng sau khía cạnh CÁI GÌ, bạn đã hoàn thiện Vòng tròn vàng cá nhân của mình rồi đấy. Khi bạn bắt đầu vận dụng hai chữ TẠI SAO và chia sẻ về tầm nhìn cũng như các giá trị của mình với người khác, hãy sử dụng những câu chuyện trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Nguồn năng lượng và các cung bậc cảm xúc mà những câu chuyện đó gợi lên chính là chìa khóa giúp bạn thiết lập kênh giao tiếp chân thực với những điều mà bạn đại diện.
Các ví dụ khác về bộ lạc
Dưới đây là ví dụ có thật về Vòng tròn vàng mà một nhóm nhỏ thu được sau khi thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Bộ lạc:
Danh sách các cụm từ chỉ hành động ban đầu:
• Giáo dục
• Tạo điều kiện
• Định hướng
• Tư vấn
• Truyền cảm hứng
• Hợp tác
Các từ và cụm từ chỉ hành động trên có thể được diễn đạt thành các chủ đề như sau:
Kết nối, giáo dục, hỗ trợ, hợp tác, khích lệ lòng tự tin, truyền cảm hứng về các khả năng.
Từ những chủ đề trên, nhóm này đã xây dựng được hai chữ TẠI SAO như sau:
“Cần phải kết nối và kêu gọi để mọi người cảm thấy họ được trao quyền trong cuộc sống.”
Và dưới đây là các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của họ:
• Chúng tôi giáo dục và khai sáng.
• Chúng tôi hỗ trợ và chỉ dẫn.
• Chúng tôi củng cố sự hợp tác.
• Chúng tôi khích lệ sự tự tin.
• Chúng tôi truyền cảm hứng về các khả năng.
Và, để hoàn thiện bức tranh này, dưới đây là phần CÁI GÌ của họ:
• Chúng tôi xây dựng mối quan hệ giữa con người với thông tin để tạo điều kiện giúp họ đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn.
• Chúng tôi trao cho mọi người sự tự tin để có thể xử lý các vấn đề về công nghệ thông tin và đưa ra những lựa chọn liên quan đến lĩnh vực này.
• Chúng tôi phụ trách việc ra các quyết định đầu tư ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của công ty.
• Chúng tôi phát triển các ứng dụng phục vụ cho cộng đồng lớn hơn đang bị cô lập.
• Chúng tôi thiết kế và triển khai các hệ thống nhằm tạo điều kiện giúp mọi người giao tiếp hiệu quả, tránh những sự cố gây gián đoạn.
• Chúng tôi kết hợp chiến lược của công ty vào các hoạt động hoạch định kế hoạch công nghệ thông tin nhằm bảo đảm sự nhất quán cho tương lai của công ty.
• Chúng tôi hỗ trợ cơ sở hạ tầng thông tin đang phục vụ chúng tôi.
• Chúng tôi đưa các cộng đồng xích lại gần nhau hơn, dù là ở bên trong hay bên ngoài công ty.
• Chúng tôi cung cấp thông tin và truyền cảm hứng cho mọi người thông qua những khả năng mà công nghệ thông tin có thể mang lại.
Dưới đây là một ví dụ khác về Vòng tròn vàng do một nhóm với quy mô dưới 10 người lập ra:
Danh sách các cụm từ chỉ hành động ban đầu:
• Khích lệ
• Trấn an
• Hỗ trợ
• Sáng tạo
• Đổi mới
• Truyền cảm hứng
Những từ trên được diễn giải thành các chủ đề như sau:
Cảm thấy an toàn, hỗ trợ, tôn vinh sự khác biệt, lắng nghe và ghi nhận, cởi mở, hợp tác.
Từ những chủ đề trên, họ đưa ra hai chữ TẠI SAO của mình:
“Cần phải hỗ trợ nhau mà không phán xét để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng lòng can đảm để thách thức các giới hạn của bản thân.”
Và các yếu tố NHƯ THẾ NÀO của họ:
• Chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau.
• Chúng tôi tôn vinh sự khác biệt.
• Chúng tôi ghi nhận những điều nhỏ nhặt.
• Chúng tôi củng cố tinh thần cởi mở.
• Chúng tôi tập hợp năng lực của nhau lại.
Điều thú vị nằm ở chỗ, sau khi các thành viên của nhóm này khám phá ra hai chữ TẠI SAO và những yếu tố NHƯ THẾ NÀO, họ thấy rằng mình không cần phải viết quá nhiều về những yếu tố CÁI GÌ:
• Thiết kế
• Xây dựng thương hiệu
• Kỹ thuật phần mềm
• Thiên văn học