Hãy làm điều mà bạn nói rằng mình tin tưởng
Dành thời gian để khám phá hai chữ TẠI SAO và diễn đạt các yếu tố NHƯ THẾ NÀO mới chỉ là phần khởi đầu của cuộc hành trình. Chặng đường gian nan tiếp theo là chúng ta cần phải hành động dựa trên chúng. Chúng ta cần phải đưa chúng vào thực tế cuộc sống. Chúng ta cần phải chia sẻ chúng.
Chia sẻ hai chữ TẠI SAO của bạn
Sau khi biết hai chữ TẠI SAO của mình, không có nghĩa là chúng ta ngay lập tức cảm thấy thoải mái khi chia sẻ nó với người khác. Thực ra, hầu hết chúng ta đều truyền đạt thông tin về những yếu tố CÁI GÌ của mình – hệt như cách người khác chỉ dẫn chúng ta làm mọi việc. Đó là những gì chúng ta đã được dạy. Đó là những khuôn mẫu đã được đúc sẵn cho chúng ta. Có thể bạn sẽ thấy rất khó khăn khi muốn truyền đạt và chia sẻ về mục đích, sứ mệnh, hay niềm tin của mình cho những người khác. Nếu đúng vậy thì bạn không phải là người duy nhất đâu!
Bạn còn nhớ cái thời mình tập đi xe đạp không? Ban đầu bạn sẽ thấy ngượng nghịu tay chân. Mỗi lần ngồi lên yên, bạn lại tập trung vào một kỹ thuật đạp xe khác, trong khi vẫn phải cố gắng duy trì thăng bằng. Bạn nhấc chân lên, bóp phanh vài lần, cố gắng khiến chiếc xe di chuyển theo hướng mà bạn muốn đi, trong khi đầu óc vẫn mải nghĩ xem tay chân cần thao tác thế nào cho đúng. Có thể bạn sẽ ngã vài lần, nhưng rồi lại leo lên xe và thử lần nữa... Chẳng bao lâu sau, bạn đã có thể lượn xe vèo vèo ra đường mà không cần phải mảy may nghĩ ngợi về kỹ thuật đạp xe nữa. Việc bắt đầu với hai chữ TẠI SAO cũng như vậy đấy. Sau khi bạn đã nắm rõ về nó, nó sẽ diễn ra tự nhiên như chuyện đạp xe vậy.
Chúng tôi nhận thấy rằng cách tốt nhất để tập luyện là tập với người lạ. Khi gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, hầu như câu hỏi phổ biến nhất mà họ đặt ra cho chúng ta là: “Bạn làm gì?” Đây chính là cơ hội để chúng ta bắt đầu với hai chữ TẠI SAO. Từ thời điểm này trở đi, hãy coi người lạ mặt gặp gỡ tình cờ trên máy bay, trong những cuộc chuyện trò xã giao... là chiếc xe đạp của bạn.
Bạn có thể nhắc lại nguyên văn bản tuyên ngôn “tại sao” của mình, nhưng cũng có thể thử biến tấu cách diễn đạt và kể nhiều câu chuyện khác nhau để truyền tải ý nghĩa của nó cho người khác hiểu. Chẳng hạn, Simon có thể nói: “Tôi truyền cảm hứng cho mọi người để họ làm những việc truyền cảm hứng cho bản thân, qua đó chúng ta có thể cùng nhau thay đổi thế giới.” Đó là bản tuyên ngôn tại sao gốc của anh. Nhưng đôi khi, anh ấy cũng có thể nói: “Tôi làm việc với các nhà lãnh đạo để xây dựng nên những tổ chức có khả năng lan truyền cảm hứng và biết đặt con người lên làm ưu tiên hàng đầu. Tôi tin rằng nếu có đủ số lượng các tổ chức làm việc này, chúng ta sẽ thay đổi được thế giới.” Anh ấy thường mở đầu câu chuyện bằng tuyên ngôn về tầm nhìn của chúng tôi. Nếu nói về tổ chức Start With Why của chúng tôi, anh ấy thường mở đầu như sau: “Chúng tôi hình dung về một thế giới trong đó đại đa số mọi người đều thức giấc trong tâm trạng háo hức muốn đi làm và tới cuối ngày, trở về nhà trong tâm trạng mãn nguyện với công việc mình làm. Mọi sản phẩm chúng tôi làm ra, mọi mối quan hệ hợp tác chúng tôi có, và mọi việc chúng tôi làm đều nhằm mục đích đưa tầm nhìn này vào cuộc sống.” Bạn hiểu được vấn đề rồi đấy. Mục tiêu không phải là sử dụng chính xác từng từ từng chữ trong bản tuyên ngôn “tại sao” của mình, dù ban đầu bạn có thể làm vậy. Mục tiêu là tìm ra những cách thức khác nhau để chia sẻ về con người bạn và những điều mà bạn đại diện.
NGUY HIỂM! NGUY HIỂM!: Sau khi đã biết hai chữ TẠI SAO của mình, bạn sẽ phải sống với nó mỗi ngày. Sống với hai chữ TẠI SAO nghĩa là liên tục thực hiện những hành động nhất quán với những điều bạn nói. Nếu thường xuyên nói một đằng làm một nẻo, bạn sẽ đánh mất sự tin tưởng của người khác. Các hành động của chúng ta hoặc củng cố thêm hoặc bào mòn đi niềm tin tưởng và lòng trung thành của người khác dành cho chúng ta. Khi những điều chúng ta nói và những việc chúng ta làm nhất quán với những gì chúng ta tin tưởng, chúng ta sẽ hoàn toàn sống với hai chữ TẠI SAO của mình. Bạn có quyết tâm khẳng định lập trường của mình không nào?
Nếu trong vài lần đầu tiên bạn thử áp dụng cách làm này và không nhận được phản ứng đúng như kỳ vọng của mình, đừng để điều đó khiến bản thân nhụt chí. Trong thời gian viết chương này, cả hai chúng tôi đều nhớ lại một số câu chuyện đáng xấu hổ về lần đầu tiên chia sẻ hai chữ TẠI SAO của mình. Sau khi đã thành thạo một kỹ năng, người ta thường ngẫm lại thuở mới bắt đầu và không khỏi bật cười về mình. Chúng tôi chưa từng gặp một ai thoát được cảnh những ngày đầu, khi họ lấy hết dũng khí để chia sẻ về hai chữ TẠI SAO của mình để rồi người đối diện cảm thấy họ rất kỳ lạ. Việc đó cũng giống như người đang tập xe đạp bị ngã nhào! Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Nếu đó là phản ứng mà bạn nhận được, thì có hai khả năng sau đây.
Có thể bạn nói chưa được rõ ràng. Những gì bạn nói chưa diễn đạt được ý nghĩ của bản thân. Cũng có thể những gì bạn nói là hợp lý, chỉ có điều nó không tạo được sự đồng vọng ở người mà bạn đang tiếp chuyện. Hãy nhớ, hai chữ TẠI SAO là một bộ lọc. Khi bạn bắt đầu chia sẻ về hai chữ TẠI SAO của mình, nó sẽ thu hút những người tin tưởng vào điều mà bạn tin tưởng và đẩy ra xa những người không có chung niềm tin với bạn. Những người lịch sự kết thúc cuộc nói chuyện hay chuyển sang chủ đề khác có lẽ không có chung hai chữ TẠI SAO với bạn. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Đừng dành quá nhiều thời gian để trao đổi xã giao với những người này. Đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy còn có người khác để bạn có những cuộc trao đổi sâu sắc và đầy ý nghĩa. Hãy đứng dậy và đi tìm họ!
Chia sẻ hai chữ TẠI SAO của Bộ lạc (3-4 giờ)
Một trong những cách hữu hiệu nhất để chia sẻ trong một tổ chức là tạo cơ hội để những người khác lắng nghe và được truyền cảm hứng bởi hai chữ TẠI SAO. Sau đó, họ có thể chủ động giành quyền sở hữu hai chữ TẠI SAO đó và đưa nó vào thực tế. Nếu bộ lạc của bạn có quy mô quá lớn nên không thể thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho tất cả các thành viên, trong trường hợp này đâu là cách tốt nhất để chia sẻ nó với những người khác? Nếu bạn là nhà sáng lập của tổ chức đó, đồng thời cũng đã khám phá được hai chữ TẠI SAO của mình, và giờ đây bạn muốn chia sẻ nó với cả bộ lạc, vậy bạn có thể làm gì để bắt đầu?
Dưới đây là một cách mà chúng tôi vẫn áp dụng để giúp mọi người chia sẻ hai chữ TẠI SAO của họ với các thành viên khác trong bộ lạc vốn không tham gia vào quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Bạn cũng có thể áp dụng cách tiếp cận này để lôi kéo sự tham gia của nhân viên mới hay đối tác nhằm bảo đảm rằng hai chữ TẠI SAO của bộ lạc luôn song hành cùng với sự phát triển của tổ chức. Đó là một quy trình đơn giản gồm ba bước, có thể được thực hiện với khoảng 50 người mỗi lần trong một cuộc hội thảo kéo dài từ ba đến bốn giờ. Bạn có thể cân nhắc sử dụng người điều hành phụ trách dẫn dắt quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Bộ lạc vào vị trí điều hành cuộc hội thảo này. Sau đây là lộ trình: Mỗi bước là một cuộc trao đổi có sự dẫn dắt của người điều hành được tổ chức trong một bối cảnh tương tự như chúng tôi đã đề xuất cho quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho Bộ lạc ở Chương 4.
Phần dành cho người điều hành
Những ai nên tham gia?
Theo chúng tôi, thành phần tham gia cuộc hội thảo này nên là những người tình nguyện đăng ký. Trong các giai đoạn ban đầu khi triển khai quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”, hãy tuyển chọn những người tiếp nhận sớm, vốn quan tâm và hào hứng với việc tham gia vào quy trình này. Bạn còn nhớ Quy luật Khuếch tán Đổi mới Sáng tạo mà Simon đã nói đến trong cuốn Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao) chứ? Quy luật này phát biểu rằng những người tiếp nhận sớm các ý tưởng đổi mới sáng tạo sẽ nhiệt tình lan truyền nó tới những người khác. Nếu có thể, hãy bắt đầu với những người tỏ ra nhiệt tình nhất với ý tưởng về quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Đội ngũ những người tiếp nhận sớm này sẽ giúp bạn truyền bá ý tưởng đó tới khắp tổ chức. Cách làm này sẽ nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với cách triển khai chính thức do công ty thực hiện từ trên xuống.
Tham khảo Chương 7 trong cuốn Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao) để tìm hiểu thêm về đề tài này.
Nếu tình hình buộc bạn phải đưa vào hội thảo một số người không thuộc nhóm tiếp nhận sớm, điều đó cũng không sao cả. Hãy làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng đa số những người tham gia hào hứng muốn dự phần trong cột mốc mới mẻ và thú vị này của tổ chức.
Bước 1: Chia sẻ kinh nghiệm (60-75 phút)
Mở đầu cuộc hội thảo, hãy rà soát lại một lần về Vòng tròn vàng và khái niệm về hai chữ TẠI SAO. Một số người có thể đã nghe phong thanh về những ý tưởng này; một số khác có thể sẽ bắt đầu từ con số 0. Tất cả mọi người có mặt trong phòng đều cần có sự hiểu biết ở mức độ nền tảng về ý nghĩa của việc bắt đầu với hai chữ TẠI SAO. Để công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn, trước tiên hãy cho họ xem video về bài thuyết trình của Simon trên diễn đàn TED Talk (http://bit. ly/GoldenCircleTalk). Hoặc cách khác, bạn có thể tự mình giới thiệu với mọi người về khái niệm này – bạn có thể tham khảo các slide và ghi chú liên quan được cung cấp miễn phí tại địa chỉ http://bit.ly/FYWresources.
Sau khi đã giới thiệu về Vòng tròn vàng, bạn hãy mời một hoặc hai thành viên từng tham gia trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” đứng lên chia sẻ về nó. Trước khi hội thảo diễn ra, hãy hướng dẫn cho những người này để họ không tiết lộ ngay ý tưởng về bản tuyên ngôn “tại sao”. Thay vào đó, hãy yêu cầu họ chia sẻ với các đồng nghiệp của mình cảm nhận về trải nghiệm khám phá đó. Nhưng để phòng trường hợp bạn phải gợi ý cho họ, hãy soạn sẵn trong đầu một số câu hỏi sau đây. Hãy thoải mái lựa chọn những câu hỏi mà bạn thích và có thể bổ sung thêm các câu hỏi khác.
• Hãy cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra trong cuộc hội thảo Khám phá câu hỏi “tại sao” đó.
• Trong số những câu chuyện được các bạn đồng nghiệp chia sẻ, câu chuyện nào có liên hệ đặc biệt với bạn?
• Một số điểm nhấn quan trọng trong cuộc hội thảo đó là gì?
• Cả nhóm đã phản ứng lại như thế nào?
• Qua cuộc hội thảo đó, bạn học được điều gì mà trước đây bạn chưa từng biết về tổ chức hoặc các đồng nghiệp của mình?
• Những điều bạn nghe được trong cuộc hội thảo đó khiến bạn cảm thấy như thế nào về chuyện làm việc ở đây?
• Điều gì tạo cảm hứng nhất cho bạn trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”?
Trong lúc các vị đại sứ này chia sẻ, những thành viên khác trong nhóm có lẽ cũng muốn đặt ra một số câu hỏi cho họ. Hãy khuyến khích mọi người làm như vậy và để cho cuộc trao đổi diễn ra tự nhiên. Càng có nhiều người trong nhóm tham gia vào cuộc thảo luận, họ sẽ càng hiểu rõ hơn về giá trị của hai chữ TẠI SAO và càng tích cực đóng góp hơn cho cuộc hội thảo lần này.
Đừng thúc giục mọi người. Hãy quan sát và đánh giá về trường năng lượng trong phòng. Khi phần tương tác này đạt tới điểm dừng tự nhiên – có thể là 15 hoặc 30 phút sau khi bắt đầu – hãy chuyển sang bước 2.
Bước 2: Giúp người khác sở hữu hai chữ TẠI SAO (45-60 phút)
Bây giờ là thời điểm cho màn tiết lộ quan trọng: bạn sẽ chia sẻ về bản nháp tuyên ngôn “tại sao” đã soạn ra trong quy trình khám phá trước đó. Cách bắt đầu tốt nhất là hãy giới thiệu các thành phần cấu tạo nên bản tuyên ngôn:
Hãy giải thích rằng bản tuyên ngôn “tại sao” mà các thành viên trong bộ lạc sắp nhìn thấy sau đây được khám phá (chứ không phải được tạo ra) thông qua các chủ đề nổi bật trong những câu chuyện mà các đồng nghiệp của họ đã chia sẻ. Hãy đưa ra tấm bảng kẹp giấy sử dụng trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” trên đó ghi lại các từ và cụm từ được cân nhắc sử dụng cho bản tuyên ngôn. Hãy giới thiệu lại một chút về quy trình mà các bạn đã thực hiện để rút ra một bản tuyên ngôn “tại sao” thống nhất. Khi thấy cần thiết, bạn có thể chọn kể lại một số câu chuyện cụ thể mà những người tham gia hội thảo trước đó chia sẻ. Những câu chuyện này sẽ góp phần giúp đưa hai chữ TẠI SAO của tổ chức vào cuộc sống. Nếu bạn vẫn giữ các trang giấy ghi những nội dung đã trao đổi trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” hay có ảnh chụp các trang giấy đó, thì đây là lúc rất thích hợp để đưa chúng ra cho mọi người cùng xem. Khi thấy những trang giấy có dấu hoa thị, có những từ được gạch chéo, và những chủ đề được khoanh tròn, những người có mặt trong cuộc hội thảo mới này nhưng không tham gia vào cuộc hội thảo trước đó đều có thể hình dung được cách thức để cho ra đời một bản tuyên ngôn thống nhất.
Khi trình bày tới trang giấy ghi bản tuyên ngôn “tại sao”, bạn hãy đọc thật to nội dung tuyên ngôn và sau đó ngừng lại một lát để mọi người có thời gian lĩnh hội nó.
Tới lúc này, mọi chuyện có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng hơi khó xử lý một chút. Mọi người có thể mải bám vào từng câu từng chữ trong đó thay vì tập trung vào ý nghĩa và các cảm giác mà chúng gợi lên. Theo chúng tôi, ở đây bạn hãy dành ra một vài phút để mọi người nắm rõ tinh thần rằng câu chữ không phải là hoàn hảo. Đây mới chỉ là lần nhắc lại đầu tiên, hoặc lần nhắc lại sớm, về bản tuyên ngôn “tại sao” này. Hãy cho họ biết rằng đôi khi các câu chữ trong bản tuyên ngôn có thể sẽ thay đổi một chút theo thời gian, dù cảm giác đằng sau hai chữ TẠI SAO đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Hãy khuyên mọi người nên tạm gác lại những ý kiến phê bình hoặc chỉ trích về các từ ngữ cụ thể; thay vào đó, yêu cầu họ tập trung vào việc tìm hiểu xem hai chữ TẠI SAO khi được áp dụng vào cuộc sống thực tế sẽ như thế nào. Bạn hãy thử thuyết phục xem liệu tất cả mọi người có nhất trí với nhau rằng họ có chung một cảm thức – hoặc cảm giác – về hai chữ TẠI SAO hay không, dù theo đánh giá của họ, việc diễn đạt nó thành lời như vậy vẫn chưa phải hoàn hảo 100%. Điều này sẽ giúp bạn tránh sa vào vũng bùn lầy và tiếp tục đà thúc đẩy mọi việc diễn ra.