Chúng tôi đã từng trải qua những tình huống trong đó hai chữ TẠI SAO không tạo được sự đồng vọng với một hoặc hai người trong phòng. Dưới đây là một số lý do phổ biến cho hiện tượng này:
• Trong quá khứ, tổ chức này không phải lúc nào cũng sống đúng với hai chữ TẠI SAO của mình.
• Chữ TẠI SAO không phù hợp với chiến lược hiện tại vốn đã nhận được sự đồng thuận của tổ chức và/hoặc các thành viên trong đội ngũ.
• Đôi khi các thành viên trong đội ngũ cảm thấy hai chữ TẠI SAO đó là đúng, chỉ có điều họ không tin rằng toàn bộ đội ngũ nhân viên sẽ ủng hộ nó, vì thế họ cho rằng cần phải thay đổi nó.
• Có thể một thành viên trong đội ngũ không cảm thấy có sự liên hệ với hai chữ TẠI SAO của tổ chức và đây cũng là thành viên không thực sự phù hợp với công ty.
• Nếu đại đa số những người có mặt trong phòng đều không đồng tình với bản tuyên ngôn “tại sao”, nhiều khả năng bạn cần phải điều chỉnh lại nó.
Nếu tất cả mọi người không đạt được sự đồng thuận về hai chữ TẠI SAO, điều đó không sao cả. Mục tiêu của bạn không phải là thuyết phục để tất cả cùng chấp nhận, mà nhằm tạo ra một môi trường mang lại cho họ cơ hội được truyền cảm hứng. Hãy nhớ, toàn bộ mục đích của việc diễn đạt thành lời hai chữ TẠI SAO là để chúng ta có thể làm việc cùng nhau và mang lại sự thay đổi tích cực trong thế giới này.
Như vậy, bây giờ tất cả mọi người đều đã nắm được về hai chữ TẠI SAO cùng các chủ đề và câu chuyện đằng sau nó, bạn hãy tiến hành chia họ ra thành từng nhóm nhỏ để tiếp tục cuộc trao đổi. Lý tưởng nhất, mỗi nhóm nên có từ ba đến tám người. Quy mô nhóm phải nhỏ để tạo môi trường cho việc trao đổi ý kiến diễn ra hiệu quả. Mỗi nhóm đều phải báo cáo lại kết quả trao đổi của họ cho mọi người vào cuối buổi hội thảo này, vì thế đừng chia quá nhiều nhóm.
Một cách để khuyến khích mọi người tiếp nhận vai trò làm chủ hai chữ TẠI SAO của tổ chức là yêu cầu từng nhóm chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân hỗ trợ cho hai chữ đó. Dưới đây là một số cách gợi ý để họ bắt đầu cuộc trao đổi trong nhóm:
• Hãy kể một câu chuyện cụ thể nói về lý do khiến bạn thích được làm việc trong tổ chức này. Hãy chia sẻ một câu chuyện kể về khi bạn cảm thấy tự hào vì được là một phần của bộ lạc này.
• Điều gì ở câu chuyện bạn vừa kể xác minh cho hai chữ TẠI SAO của chúng ta?
• Người nào trong tổ chức có thể đại diện đầy đủ nhất cho hai chữ TẠI SAO của chúng ta?
Hãy giao cho mỗi nhóm một bảng kẹp giấy và yêu cầu những người tham gia viết vào đó câu trả lời của họ cho từng câu hỏi trên. Lưu ý, các câu trả lời nên được trình bày thành một danh sách các câu hoặc cụm từ ngắn, và cần tập trung vào các câu chuyện. Cũng giống như trong cuộc hội thảo Khám phá câu hỏi “tại sao”, những câu chuyện cụ thể và mang tính nhân văn nhất sẽ hàm chứa nhiều ý nghĩa nhất.
Hãy dành ra ít nhất 20-30 phút cho bài tập này. Thường thì bạn sẽ phải lên tiếng ra lệnh ngưng bài tập này vì thiếu thời gian chứ không phải bởi những người tham gia thiếu ý tưởng để trao đổi với nhau. Sau khi ra lệnh ngưng, bạn hãy yêu cầu từng nhóm đứng lên báo cáo cho tất cả mọi người trong phòng về kết quả cuộc trao đổi của họ. Mỗi nhóm nên có chừng 5-7 phút cho việc này.
Khi mọi người cảm thấy hào hứng về việc những trải nghiệm cá nhân của họ phù hợp với hai chữ TẠI SAO của tổ chức như thế nào, điều đó có nghĩa họ đang bắt đầu chủ động nắm lấy vị thế làm chủ sở hữu của hai chữ TẠI SAO ấy. Điều đó giúp củng cố sợi dây kết nối của họ với công việc và các đồng nghiệp. Hãy truyền lại nguồn năng lượng mà bài tập này tạo ra cho phần cuối cùng của cuộc hội thảo.
Bước 3: Khám phá những cơ hội mới (45 phút)
Hai chữ TẠI SAO đến từ quá khứ, nhưng giá trị và lời hứa hẹn của nó nằm ở tương lai. Hai chữ TẠI SAO có khả năng truyền cảm hứng, được diễn đạt một cách mạch lạc sẽ đóng vai trò bệ phóng cho sự ra đời của vô vàn cách thức mới mẻ khác nhau để một tổ chức phát triển hướng về phía trước. Sử dụng hai chữ TẠI SAO của bộ lạc để đưa chúng ta tiến vào tương lai là trọng tâm trong phần cuối cùng của cuộc hội thảo này. Chúng tôi gọi đây là “Cuộc trao đổi về khả năng”.
Đây là thời điểm để những người tham gia nêu ý tưởng về việc tổ chức có thể tiến lên theo những cách thức mới mẻ hoặc khác lạ như thế nào với sự định hướng của hai chữ TẠI SAO. Đây không chỉ là một buổi động não (brainstorming) thông thường (trước tiên, chúng ta đưa ra những ý tưởng lớn lao, thế rồi một người bắt đầu đặt ra những rào cản và thách thức, và trong vỏn vẹn ba phút đồng hồ, hầu hết những người tham gia đều nhất trí cho rằng ý tưởng lớn lao mới nghĩ ra đó là điều bất khả thi). “Những hạn chế về nguồn lực” là một trong những bóng ma được nêu tên nhiều nhất; và chắc chắn bạn cũng nghĩ ra được vô số những khó khăn vướng mắc khác. Thật đáng buồn, khi làm như vậy, tức là chúng ta xây bức tường thành chặn đứng các ý tưởng của mình trước khi chúng kịp bắt đầu, đồng thời tự bó tay buộc chân mình nên không đưa ra được hành động nào. Chúng ta tự giới hạn sự tiến bộ của mình ở những bước đi nhỏ, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những cú đại nhảy vọt. Một Cuộc Trao đổi về Khả năng sẽ đưa chúng ta ra khỏi cung đường an toàn quá mức ấy. Nó cho phép chúng ta thay đổi lối tư duy của mình để không tự cản trở bản thân nữa.
Hãy tiếp tục chia những người tham gia thành các nhóm như trước. Đừng quên đặt ra quy ước với họ rằng trong Cuộc Trao đổi về Khả năng, vấn đề nguồn lực hạn chế sẽ không được áp dụng. Hãy khuyến khích mọi người chia sẻ bất kỳ ý tưởng nào họ có – suy cho cùng, bạn sẽ không thể biết những ý tưởng đó dẫn đến đâu. Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp trong đó một vài người chia sẻ về một ý tưởng mà họ đã rào trước đón sau rằng đó là ý tưởng ngu ngốc, và rồi cả nhóm chung tay điều chỉnh nó thành điều mà tất cả mọi người đều háo hức muốn triển khai. Ý tưởng càng to lớn càng tốt. Bất kỳ ý tưởng nào cũng được chào đón. Không có gì là không thể cả. Không có ý tưởng nào “ngu ngốc” hết. Bên cạnh đó, mọi người cần hiểu rằng một Cuộc Trao đổi về Khả năng về bản chất cũng chỉ là một cuộc trao đổi. Nếu bạn đưa ra một ý tưởng và nó được mọi người tán thưởng, bạn chưa hẳn có nghĩa vụ thực thi ý tưởng đó. Nếu mọi người sợ rằng việc đưa ra gợi ý đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm biến nó thành sự thực, có thể họ sẽ giữ kín những ý tưởng tham vọng nhất của mình.
Trong bài tập này, chúng ta chỉ có hai nguyên tắc:
• Mọi ý tưởng đều phải phù hợp với hai chữ TẠI SAO.
• Các thành viên trong nhóm có thể bổ sung ý tưởng mới hoặc xây dựng dựa trên ý tưởng của người khác. Họ không được phép nói những câu như: “Không thể nào”, “Làm như vậy không ổn đâu”, hay “Chúng ta không thể làm được việc này” – đó không phải cuộc trao đổi mà chúng ta cần thực hiện.
Để bắt đầu, hãy hướng dẫn các nhóm trả lời câu hỏi sau đây:
• Khi đã biết rằng đây là hai chữ TẠI SAO của chúng ta, các bạn có thể nghĩ ra khả năng thực hiện những việc gì bên trong nội bộ tổ chức của mình? (Chẳng hạn, hãy nghĩ xem đâu là những hệ thống và quy trình cần phải điều chỉnh hay áp dụng.)
Mục tiêu là nhằm khuyến khích mọi người nhìn vào bên trong tổ chức của mình. Hãy nhớ, chúng ta cần phải thực hành những điều mình vẫn rao giảng. Đây là cơ hội để bảo đảm rằng mọi điều chúng ta nói và làm bên trong tổ chức đều phản ánh con người thực sự của chúng ta. Những người trong nội bộ tổ chức trước tiên cần phải sống đúng với hai chữ TẠI SAO của mình; sau đó, họ mới có thể tập trung vào việc tìm cách để chữ TẠI SAO đó tác động tới những người ở bên ngoài tổ chức. Nhiều tổ chức muốn đi thẳng đến mục tiêu tập trung vào khách hàng hoặc sản phẩm. Hãy khuyên họ nên duy trì trong cuộc trao đổi nội bộ trước tiên, và bảo đảm với họ rằng tiếp theo chúng ta sẽ chuyển sang bàn về các yếu tố thuộc khía cạnh CÁI GÌ. Câu hỏi bên trên có thể giúp họ bắt đầu.
Sau khoảng 10 phút, bạn hãy đặt ra một câu hỏi mới:
• Với hai chữ TẠI SAO của tổ chức này, những yếu tố CÁI GÌ nào là khả thi? (Chẳng hạn, hãy nghĩ về những sản phẩm hoặc dịch vụ khác mà chúng ta có thể cung cấp, hay nghĩ về cách thức chúng ta giao tiếp với những khách hàng mà mình phục vụ.)
Thông thường, các tổ chức cảm thấy thoải mái với việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cốt lõi, và không nghĩ đến chuyện còn có những sản phẩm, dịch vụ, hay đối tác nào khác có thể giúp họ sống với hai chữ TẠI SAO của mình. (Nếu Apple làm như vậy, có lẽ không ai trong chúng ta muốn mua iPhone, iPad, hay iTunes.) Bằng cách nêu yêu cầu cụ thể để những người tham gia khám phá các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, câu hỏi này nhằm khích lệ họ nhận ra rằng một sản phẩm mới có thể khác biệt hoàn toàn so với những gì họ đang cung cấp nhưng vẫn tương thích 100% với hai chữ TẠI SAO của tổ chức.
Hãy yêu cầu các nhóm viết những ý tưởng của họ lên các bảng kẹp giấy. Sau khoảng 20-30 phút, hãy yêu cầu từng nhóm đứng ra trình bày kết quả thảo luận với tất cả mọi người trong phòng. Trong lúc lắng nghe phần trình bày của các nhóm khác, mọi người có thể nghĩ đến thêm nhiều khả năng khác nữa. Có thể ví việc này giống như người đi lên cầu thang của một tòa tháp cao tầng – càng bước lên cao, tầm nhìn của bạn sẽ càng được mở mang hơn.
Để kết thúc phần Cuộc Trao đổi về Khả năng này, hãy hỏi xem có ai muốn đưa ra cam kết sẽ tiếp tục công việc gắn với hai chữ TẠI SAO không. Cụ thể, bạn hãy yêu cầu những lời cam kết về việc:
• Trở thành các “Đại sứ Tại sao”, những người duy trì hai chữ TẠI SAO của tổ chức trong đời sống hằng ngày bằng cách sống đúng với nó và chia sẻ với những người khác.
• Chọn ra bất kỳ khả năng nào mà cả nhóm đã xác định được và biến nó thành hành động.
• Nếu các yếu tố NHƯ THẾ NÀO vẫn chưa được diễn đạt như chúng tôi đã đề xuất ở Chương 6, hãy yêu cầu những người tình nguyện bàn luận để xác định ra các yếu tố này bằng cách khám phá sâu thêm về những chủ đề khác xuất hiện trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”.
Mục tiêu là tới cuối cuộc hội thảo này, những thành viên trong tổ chức không tham gia vào quy trình khám phá trước đó sẽ bắt đầu chủ động tiếp nhận vai trò chủ sở hữu hai chữ TẠI SAO của tổ chức – điều này sẽ giúp giải phóng nguồn năng lượng và tạo cảm hứng cho toàn bộ tổ chức. Mỗi người tham gia sẽ bắt tay vào việc đưa hai chữ TẠI SAO đó vào cuộc sống với những câu chuyện của chính họ. Họ càng nói về nó, hai chữ TẠI SAO càng được củng cố hơn. Đây chính là cách bắt đầu để mở rộng sức mạnh của hai chữ TẠI SAO.
* * *
Sống với hai chữ TẠI SAO của bạn
Việc truyền tải thông điệp về hai chữ TẠI SAO của chúng ta là một phần thiết yếu trong việc xác định những người tin tưởng vào điều mà chúng ta tin tưởng, những người bạn đáng tin cậy, những khách hàng trung thành, những nhân viên tận tâm, và những đối tác cảm thấy hào hứng với việc đưa hai chữ TẠI SAO của chúng ta vào cuộc sống. Đó là một nhiệm vụ lớn, và mới chỉ là bước khởi đầu.
Đối với một cá nhân, hành trình tìm kiếm hai chữ TẠI SAO có thể dẫn họ tới chỗ nhận ra rằng còn có việc khác có thể làm hoặc còn có chỗ làm khác mang lại cho họ cảm giác mãn nguyện hơn nữa. Việc tìm kiếm hai chữ TẠI SAO cho một tổ chức cũng có thể dẫn đến một kết luận tương tự. Có thể tổ chức nên cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ khác. Có thể họ nên cân nhắc lại về quy trình tuyển dụng hoặc về các thông số đo lường sự tiến bộ của công ty. Có lẽ một số nhân viên sẽ làm việc hăng hái hơn trong những vị trí hoặc phòng ban, bộ phận khác. Hoặc cũng có khi các nhân viên đó hoàn toàn không phù hợp với tổ chức.
Sau khi khám phá ra hai chữ TẠI SAO và diễn đạt thành lời các yếu tố NHƯ THẾ NÀO, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra những thành viên, chiến lược, chính sách, quy trình, hệ thống, sản phẩm, cũng như các hoạt động giao tiếp nội bộ và bên ngoài nào phù hợp hoặc không phù hợp với những niềm tin cốt lõi của mình. Nếu ban đầu, danh sách những điều bạn muốn thay đổi có vẻ tương đối dài, điều đó là bình thường. Song như vậy không có nghĩa bạn phải thực hiện những thay đổi lớn ngay lập tức. Hãy củng cố thêm cho hai chữ TẠI SAO và các yếu tố NHƯ THẾ NÀO trước khi hướng đến một lối đi khác. Nhớ xây dựng mối quan hệ giữa bạn với chúng trong lúc cân nhắc việc chúng có thể định hình các bước đi tiếp theo của bạn như thế nào. Nếu dựa trên những điều bạn vừa học được về bản thân và tổ chức của mình, bạn cảm thấy rằng nên thực hiện một thay đổi nào đó, hãy bắt đầu từng bước nhỏ và tự tin tiến về phía trước.
Hãy nhớ rằng, những lần chúng ta cảm thấy mãn nguyện nhất chính là khi chúng ta sống đúng với hai chữ TẠI SAO của mình. Giờ đây, bạn đã sẵn sàng để chia sẻ với thế giới về hai chữ TẠI SAO của mình và hành động dựa theo đó một cách có chủ đích. Khi bạn viết hai chữ TẠI SAO đó lên một tờ giấy rồi để nó trong ngăn kéo bàn, mọi thứ sẽ không còn ý nghĩa nữa. Khi sống với hai chữ TẠI SAO của mình, bạn sẽ phát triển và trưởng thành dần lên, những người xung quanh bạn cũng vậy.
* * *
Duy trì sức sống cho hai chữ TẠI SAO
Gần đây, Peter đặt vé của hãng hàng không Southwest Airlines để đi từ St. Louis, bang Missouri, tới Columbus, bang Ohio. Chuyến bay chật kín chỗ, và các khoang chứa đồ ở phía trên đều đã đựng đầy hành lý. Khi những hành khách cuối cùng lên máy bay, họ được hướng dẫn để hành lý ở khoang chuyển tiếp để đưa vào khoang chứa hành lý. Peter quan sát thấy rằng người phục vụ chuyến bay đang làm việc rất tất bật để bảo đảm rằng từng hành lý đều được gắn nhãn đầy đủ trước khi chuyển đi.
Đây không phải cảnh hiếm thấy trên những chuyến bay nội địa ở Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là những gì diễn ra sau đó. Khi cơ trưởng của chuyến bay liếc nhìn một vòng khắp máy bay và trông thấy người phục vụ đang hối hả gắn nhãn cho hành lý rồi đưa chúng tới khoang chuyển tiếp, anh ta lập tức xắn tay lên giúp đỡ người nhân viên kia. Trông thấy cảnh đó, Peter không khỏi ngạc nhiên. Ngày nay giữa phi hành đoàn và đội ngũ trực ở sân bay vốn có một ranh giới rất rõ ràng, thế nhưng trong chuyến bay này, vị cơ trưởng cấp cao lại không hề do dự bước qua ranh giới đó để giúp đỡ một thành viên khác trong hãng hàng không Southwest Airlines nhằm bảo đảm rằng hành lý của khách hàng được chuyển tới nơi cần đến. Thông qua những hành động của mình và thông qua cách anh nói chuyện với nhân viên phục vụ chuyến bay, vị cơ trưởng này đã chứng minh rằng anh là người biết quan tâm. Peter nhìn lên biểu tượng của hãng hàng không này in ở buồng lái với hình ảnh trái tim ở chính giữa, và anh chợt mỉm cười. Anh vừa được chứng kiến cảnh những thành viên trong tổ chức này thể hiện hai chữ TẠI SAO của mình bằng hành động.
Southwest Airlines là công ty được xây dựng xung quanh niềm tin vào việc chăm sóc tốt cho nhân viên của mình, để họ chăm sóc tốt cho khách hàng. Trong cuốn Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao), Simon nêu hãng hàng không này làm ví dụ về một tổ chức biết suy nghĩ, hành động, và giao tiếp bằng cách bắt đầu với hai chữ TẠI SAO. Và vào thời điểm bảy năm sau đó, khi chúng tôi viết cuốn sách này, dường như hai chữ TẠI SAO đó của Southwest vẫn đang căng tràn sức sống.
Để tìm hiểu thêm về câu chuyện của Southwest Airlines, hãy đọc Chương 5 trong cuốn Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao).
* * *
Để duy trì được sức sống cho hai chữ TẠI SAO theo thời gian, chúng ta phải giữ cho nó luôn ở vị trí trung tâm, truyền đạt thông điệp về nó, và cam kết sống với nó mỗi ngày – một cách có chủ đích. Nếu không như vậy, hai chữ TẠI SAO đó có thể sẽ sụp đổ, mờ nhạt đi, hoặc bị lãng quên. Trong một tổ chức, khi hai chữ TẠI SAO sụp đổ, chúng tôi gọi đây là “vết nứt”.
Để tìm hiểu thêm về “vết nứt”, hãy đọc Chương 12 trong cuốn Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao).
Có thể đo lường sự phát triển, tăng trưởng, hoặc kết quả hoạt động của mọi tổ chức theo hai trục. Trục thứ nhất là thời gian, và trục thứ hai hiển thị một thông số đo lường khác, thường là doanh thu. Khi một tổ chức được thành lập, những gì họ làm có mối liên kết chặt chẽ với lý do tại sao đằng sau những việc đó, dù công ty này chưa thể diễn đạt thành lời hai chữ TẠI SAO của mình. Khi tổ chức này phát triển, hai phần CÁI GÌ và TẠI SAO của họ cũng phát triển song song với nhau. Nhưng theo thời gian, khi công ty ngày càng mở rộng quy mô và tuyển dụng thêm nhiều nhân viên, vết nứt kia sẽ trở thành một mối nguy hại thực sự.
Ban đầu, khi một tổ chức vẫn còn hoạt động ở quy mô nhỏ, nhà sáng lập tuyển dụng những nhân viên đầu tiên và trực tiếp chia sẻ với đội ngũ về tầm nhìn của họ. Thường thì cả bộ lạc này sẽ làm việc với nhau trong cùng một không gian văn phòng; nếu không, có lẽ họ cũng thường xuyên liên lạc với nhau hằng ngày. Nhân viên được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của nhà sáng lập và háo hức được đi làm mỗi ngày. Họ cống hiến hết mình cho tổ chức, dù mức lương thấp và giờ làm việc kéo dài. Trong những tình huống như thế, hai chữ TẠI SAO vẫn duy trì được sức sống mạnh mẽ.
Khi tổ chức ngày càng mở rộng hơn, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Nhà sáng lập ban đầu của công ty giao cho người khác phụ trách việc tuyển dụng và quản lý một bộ phận nhân viên. Cuối cùng, họ xây dựng nên một cấu trúc quản lý để đảm đương giai đoạn phát triển của công ty. Vị trưởng ban tuyển dụng lại tuyển thêm người khác vào để hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ này. Sau một thời gian, những người mới được tuyển dụng ngày càng ở vị trí cách xa nhà sáng lập và không gắn kết với lý do khiến tổ chức này làm những việc họ đang làm. Một cách tự nhiên, những nhân viên mới bắt đầu tập trung vào phần CÁI GÌ vốn dễ đo lường hơn, và không lâu sau, hai chữ TẠI SAO bắt đầu lung lay. Điểm mà tại đó sự lung lay này diễn ra – tức là khi hai chữ TẠI SAO trở nên mờ nhạt và sự tập trung chuyển hướng sang phần CÁI GÌ – chính là vết nứt.
Mặc dù không diễn đạt được thành lời sự thay đổi này, nhưng tất cả chúng ta đều có thể nhận ra khi nào tổ chức của mình bắt đầu trải qua giai đoạn vết nứt. Các triệu chứng ở đây bao gồm sự căng thẳng gia tăng, niềm đam mê và năng suất giảm dần, sự tham gia cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo bị hạn chế. Mọi người bắt đầu nói với giọng điệu hoài niệm như: “Trước đây công ty giống như một gia đình vậy. Bây giờ dường như chỉ còn là nơi để làm việc.” Nếu như trước đây mọi người có động lực và nguồn cảm hứng để gắn bó với công ty, thì hiện tại các vị lãnh đạo và quản lý cấp cao phải nỗ lực tìm đủ mọi cách để giữ chân nhân viên. Họ sử dụng đủ thứ mẹo vặt như tăng lương, xây dựng chính sách khen thưởng dựa trên kết quả công việc, và chỉ trao quyền chọn cổ phiếu cho những người sẵn sàng cam kết làm việc cho tổ chức từ năm năm trở lên. Cách thao túng người khác dựa trên tiền bạc này có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ thất bại nếu xét về lâu về dài. Cuối cùng, niềm tin và lòng trung thành của nhân viên bị phá vỡ, hiệu quả công việc giảm sút, các số liệu hoạt động sụt giảm, những đợt sa thải nhân viên rục rịch bắt đầu, và toàn bộ nền văn hóa của tổ chức cũng dần đi vào thoái trào.
Bất kỳ tổ chức nào, ngay cả những tổ chức có nền văn hóa tuyệt vời xây dựng trên nền tảng của hai chữ TẠI SAO, cũng có thể nhận thấy họ đang gặp phải một vết nứt như vậy nếu để mất sự tập trung vào lý do khiến họ thực hiện những việc mình đang làm. Tuy nhiên, chỉ cần nhận thức được vấn đề này, bạn và tổ chức đã có thể thực hiện những hành động để khắc phục tình hình.
Công ty Ultimate Software là một ví dụ hoàn hảo cho thấy một tổ chức có thể làm gì để bảo vệ bản thân trước sự đe dọa của vết nứt. Công ty này không những đạt được sự phát triển ở ngưỡng bùng nổ, họ còn xây dựng nên một nền văn hóa “lấy con người làm ưu tiên hàng đầu”. Ultimate Software thường xuyên góp mặt trong danh sách 100 công ty tốt nhất để làm việc do tạp chí Fortune bình chọn. Năm 2017, họ xếp thứ bảy trong danh sách đó, đồng thời cũng xếp thứ hai trong danh sách Các Công ty Biết Quan tâm do tạp chí People bình chọn.
Đầu năm 2014, họ mời chúng tôi hợp tác – lý do không phải vì họ đang trải qua giai đoạn vết nứt, mà bởi họ muốn được tiêm phòng để miễn dịch trước nó. Họ nhờ chúng tôi hỗ trợ thiết kế một chương trình đào tạo lãnh đạo nhằm bảo đảm rằng đội ngũ lãnh đạo của họ được trang bị tất cả những gì cần thiết để luôn biết thực hiện đúng việc cần làm.
Đội ngũ lãnh đạo ở Ultimate Software nắm rõ được hai chữ TẠI SAO của tổ chức: Cần phải tạo điều kiện để mọi người được phát triển và cảm thấy rằng mình được trao quyền để có thể luôn luôn làm đúng việc. Họ sử dụng chữ TẠI SAO đó để định hình nên nền văn hóa của tổ chức, đồng thời hình dung về tương lai của mình thông qua lăng kính đó. Hai chữ TẠI SAO của họ không chỉ là bức tranh treo tường để trang trí. Họ thực sự sống với nó, hít thở bầu không khí của nó. Và họ rất năng nổ trong việc bảo vệ nó. Ultimate Software ngăn chặn vết nứt xảy ra bằng cách chủ động, liên tục, và không ngừng điều chỉnh để những GÌ họ làm phù hợp và nhất quán với lý do TẠI SAO – và họ đang đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
Dù lúc này bạn đang chủ động bảo vệ hai chữ TẠI SAO vẫn đang rất mạnh mẽ hay cần phải hồi sinh hai chữ TẠI SAO vốn đã bị lãng quên hoặc bỏ qua từ lâu, bạn vẫn có thể sử dụng một trong những công cụ đắc lực nhất nhưng cũng đơn giản nhất: kể chuyện. Điều này áp dụng với cả hai trường hợp cá nhân và tổ chức.
Kể chuyện là phương pháp truyền đạt kiến thức và sự hiểu biết đã và đang được áp dụng từ hàng thiên niên kỷ nay, và tồn tại từ lâu trước khi chữ viết ra đời. Kể chuyện là một phần trong cuộc sống của con người. Và những câu chuyện hay nhất thường chia sẻ về các giá trị cũng như niềm tin của chúng ta. Đó là những câu chuyện hàm chứa nguồn sức mạnh lớn lao. Đó là những câu chuyện có khả năng truyền cảm hứng. Đó là những câu chuyện vừa đóng vai trò là nguồn gốc tạo nên hai chữ TẠI SAO của chúng ta, vừa là nguồn nhiên liệu để truyền sự sống cho nó. Đó là lý do vì sao những công ty hiểu được tầm quan trọng của việc sống đúng với hai chữ TẠI SAO của mình chủ động tạo điều kiện để các đội ngũ của họ có thể tự củng cố thêm sức mạnh cho họ thông qua những câu chuyện.
Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của các câu chuyện đối với quy trình khám phá. Hai chữ TẠI SAO xuất phát từ các câu chuyện của bạn – kể về những khoảnh khắc trong cuộc sống khi bạn cảm thấy mãn nguyện nhất, và được là phiên bản tốt nhất của chính mình. Càng hành động dựa trên hai chữ TẠI SAO này, bạn càng thu thập được thêm nhiều câu chuyện tích cực như vậy. Và chúng sẽ làm sâu sắc thêm cho mối quan hệ giữa bạn với hai chữ TẠI SAO của mình, đồng thời tạo nguồn cảm hứng để bạn tiếp tục tiến bộ. Đến lượt mình, bạn sẽ lại trở thành nguồn cảm hứng để tiếp sức cho những người khác.
Hãy tiếp tục truyền ngọn lửa cảm hứng
Chúng tôi đã vài lần nói rằng điều hành thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” là công việc khiến chúng tôi cảm thấy mãn nguyện nhất, truyền nguồn cảm hứng lớn nhất cho chúng tôi. Tuy nhiên, khám phá ra hai chữ TẠI SAO của bạn là một chuyện, giúp người khác khám phá ra hai chữ TẠI SAO của riêng họ lại là một công việc khác. Chúng tôi đề xuất bạn hãy làm cả hai!
Đội ngũ của chúng tôi ở Start With Why hiện đang nỗ lực làm việc để xây dựng nên một thế giới trong đó đại đa số mọi người đều thức giấc trong tâm trạng háo hức muốn đi làm rồi tới cuối ngày khi về nhà, cảm thấy mãn nguyện với công việc mình làm. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để bảo đảm rằng mọi nhân viên đều dán Vòng tròn vàng của họ ở trên bàn và mọi tổ chức đều có thể diễn đạt thành lời một cách mạch lạc mục đích, sứ mệnh, hay niềm tin của họ. Cuốn sách này chỉ là một trong những việc chúng tôi đang làm để đưa hai chữ TẠI SAO của mình vào cuộc sống. Chúng tôi biết rằng không thể làm được việc này một mình. Cảm ơn các bạn đã tham gia vào phong trào này và giúp chúng tôi chia sẻ hai chữ TẠI SAO của mình. Hãy tiếp tục truyền ngọn lửa cảm hứng nhé!