Những người đã quyết định đảm nhận vai trò cộng sự trong quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho một người bạn hoặc đồng nghiệp nên đọc Chương 3 của cuốn sách này để tham khảo các thông tin chỉ dẫn về cách quản lý quy trình nói trên. Ngoài ra, bạn hãy đọc phần phụ lục dưới đây, tóm tắt nhanh về các mẹo và câu hỏi giúp bạn trở thành một cộng sự hiệu quả.
• Vai trò của bạn: Lắng nghe chủ động và ghi chép. Trong lúc người đang trải qua cuộc khám phá này kể cho bạn nghe những câu chuyện của họ, hãy ghi lại bất kỳ ý tưởng, từ ngữ, cụm từ, và chủ đề nào xuất hiện lặp đi lặp lại. Sau này, những yếu tố đó sẽ kết hợp lại tạo nên một sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp xác định bản chất con người của họ khi ở vào trạng thái tự nhiên tốt nhất. Không phải vai trò của bạn: chuyên gia tâm lý trị liệu, cố vấn, người đưa ra lời khuyên, người giải quyết vấn đề.
• Cách “lắng nghe chủ động”: Tích cực giao tiếp bằng ánh mắt; thể hiện sự ghi nhận (bằng lời nói hoặc ngôn ngữ phi lời nói) những điều người kia chia sẻ; khuyến khích họ kể thêm về những gì đã diễn ra hoặc về các cảm giác của họ khi đó. Hãy đặc biệt chú ý đến các biểu cảm trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể, những khoảng im lặng kéo dài, sự thay đổi trong giọng nói và trạng thái cảm xúc (trở nên hào hứng hay nghẹn ngào). Nếu có thể, hãy ghi lại những biểu hiện này.
• Ba cách để đặt câu hỏi tốt:
o Đặt những câu hỏi mở (không thể trả lời bằng câu “có” hoặc “không” đơn giản). Câu hỏi mở giúp đối phương dẫn dắt bạn.
o Tránh đặt những câu hỏi bắt đầu bằng từ “tại sao”. Việc trả lời câu hỏi bắt đầu bằng từ “cái gì” sẽ dễ dàng hơn. Hãy hỏi: “Ở câu chuyện đó có điều gì thực sự quan trọng đối với bạn?”
o Yên lặng lắng nghe. Nếu người kia gặp khó khăn trong khi tìm cách trả lời câu hỏi của bạn, đừng lấp đầy bầu không khí yên lặng đó bằng một câu hỏi khác hoặc bằng cách gợi ý câu trả lời. Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Cảm xúc là thứ khó diễn đạt và đối phương có thể cần thêm một chút thời gian để tìm đúng từ ngữ phù hợp.
• Tìm kiếm những khía cạnh tích cực. Câu chuyện bạn nghe được có thể đượm màu sắc u buồn hoặc thậm chí khủng khiếp – nhưng nó vẫn hé lộ đôi điều về con người của đối phương hoặc về hai chữ TẠI SAO của họ. Hãy sử dụng góc nhìn của người ngoài cuộc để rút ra bài học mà người kể chuyện không nhìn ra.
• Tập trung vào sự đóng góp và tác động của đối phương trong các câu chuyện họ kể. Trong mỗi câu chuyện bạn nghe được, hãy lưu ý đến những gì đối phương trao cho người khác và tác động của chúng đối với người nhận. Nếu họ không chủ động cung cấp thông tin này, hãy đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu vấn đề.
• Tập trung vào cảm giác. Trong các câu chuyện, những gì đã xảy ra không quan trọng bằng việc người khác cảm thấy như thế nào về sự kiện đó.
• Đặt các câu hỏi để đào sâu vấn đề hơn và tìm hiểu về cảm giác của đối phương. Dưới đây là một số câu hỏi hiệu quả:
o Chuyện đó diễn ra khi nào, khiến bạn cảm thấy như thế nào?
o Còn ai khác cũng liên quan tới câu chuyện này và họ tạo ra sự khác biệt gì cho bạn?
o Bạn thích điều gì nhất ở trải nghiệm này?
o Có lẽ bạn cũng từng trải qua cảm giác này trước đây. Vậy câu chuyện này có điều gì khiến nó trở nên đặc biệt đến vậy?
o Trải nghiệm này tác động tới bạn và con người mà bạn trở thành như thế nào?
o Bài học nào rút ra từ trải nghiệm ấy mà đến giờ bạn vẫn khắc ghi trong lòng?
o Hãy cho tôi biết ý của bạn khi nói: “Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy mãn nguyện.” (Hoặc bất kỳ nhận định khái quát nào mà người kể chuyện có thể đưa ra.)
o Bạn nói rằng những gì đã xảy ra khiến mình thấy thất vọng (hoặc buồn bã, vui vẻ, nghi ngờ). Nhưng có lẽ bạn cũng từng nhiều lần trải qua cảm giác đó trước đây. Hãy mô tả cho tôi biết cảm giác lần này có điều gì khác lạ hơn khiến nó vẫn tìm đến với bạn trong suốt ngần ấy năm.
o Trong số tất cả các câu chuyện bạn có thể chia sẻ với tôi, điều gì khiến câu chuyện này đặc biệt đến nỗi bạn quyết định sẽ kể nó trong cuộc Khám phá câu hỏi “tại sao” này?
VÍ DỤ VỀ CÁCH GHI CHÚ
Sự kiện
• Năm 2010, hỗ trợ tổ chức một buổi dã ngoại cho nhóm ở Aspen.• Chịu trách nhiệm tuyển dụng hầu hết các thành viên trong nhóm suốt bảy năm. • Cô ấy quen biết tất cả bọn họ, nhưng vị CEO cũng có mặt và rất nhiều thành viên trong nhóm chưa từng gặp ông ấy (vì làm việc từ xa). • Không rõ mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào – lo lắng. • Mong muốn đó là trải nghiệm giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. |
Ý nghĩa
• Sự đoàn kết.• Mọi người tập trung lại. • Điều quan trọng đối với cô là làm sao để tất cả mọi người đều cảm thấy họ đang ở trong bầu không khí an toàn. • Cảm giác về đồng đội/ gia đình. • Niềm vui (tất cả mọi người đều được thoải mái là chính mình). • Cảm thấy có rất nhiều trách nhiệm đối với nhóm. • Thích nhìn thấy các mối quan hệ được xây dựng nên một cách tự nhiên. • Điều đó quan trọng bởi cô ấy thực lòng quan tâm đến cá nhân từng người. |