Khái niệm “tại sao” trong thực tế
Vị giám đốc nhân sự, trong bộ com-lê phẳng phiu màu xám, nhìn Emily và mở đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi quen thuộc của mình: “Vậy cô có thể mang lại điều gì cho công ty chúng tôi?”
Vì còn vài tháng nữa là đến ngày tốt nghiệp đại học, nên Emily tranh thủ gửi hồ sơ ứng tuyển vào một vị trí đang trống ở một tập đoàn toàn cầu lớn. Vốn là sinh viên xuất sắc toàn diện được học bổng toàn phần, cô dễ dàng vượt qua vòng đầu tiên, và lúc này đang tham gia một cuộc phỏng vấn hội đồng, ngồi đối diện với giám đốc nhân sự và ba vị lãnh đạo khác. Đọc hồ sơ của cô, họ biết cô là người giỏi, chỉ có điều họ e ngại cô thiếu kinh nghiệm thực tế. Quan trọng hơn, họ muốn tìm hiểu xem cô có phù hợp với nền văn hóa của công ty không và sẽ ứng phó như thế nào khi gặp áp lực.
Vị lãnh đạo trong bộ com-lê màu xám nói rõ hơn: “Có rất nhiều ứng viên trình độ cao xin ứng tuyển vào vị trí này. Hãy cho chúng tôi biết những điều khiến tôi khác biệt so với họ.”
Vốn có tính cẩn trọng, Emily đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc phỏng vấn này bằng cách tìm hiểu mọi điều có thể về công ty này. Nhưng các ứng viên khác cũng tiếp cận được những thông tin hệt như cô. Vì thế, Emily quyết định tiến một bước xa hơn. Cô bắt đầu nói về hai chữ TẠI SAO của mình.
“Trước khi trình bày về những điều tôi có thể mang đến cho công ty của các vị,” cô điềm tĩnh nói với vị giám đốc nhân sự, “trước tiên tôi xin nêu lý do vì sao tôi ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng.”
“Tôi luôn cố gắng giúp mọi người trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ. Đó là điều tạo nguồn cảm hứng cho tôi. Dựa trên những thông tin trên website của các vị, tôi cho rằng đó cũng chính là điều các vị tin tưởng. Vì thế, tại sao tôi lại không ứng tuyển để trở thành một phần trong tổ chức của các vị chứ?”
Câu trả lời của cô đã thu hút sự chú ý của ban giám khảo.
Những người phỏng vấn lập tức ngừng lật giở sổ sách và ngước lên nhìn cô. Sau đó, Emily khéo léo chuyển sang phần thuyết trình truyền thống về các kỹ năng và điểm mạnh của mình, nhưng dù gì, cô cũng đã giành phần thắng trong cuộc chiến này. Ngay trong cuộc trao đổi đầu tiên, vốn chỉ kéo dài chưa đầy 30 giây, cô đã thuyết phục được những người phỏng vấn rằng họ cần phải tuyển dụng cô. Bằng cách bắt đầu với hai chữ TẠI SAO, Emily đã chạm thẳng vào trung tâm ra quyết định nằm trong hệ viền não của họ. Bằng cách thể hiện rằng cô là ai, chứ không chỉ nói về những việc mình có thể làm, cô đã hình thành được một mối liên hệ trực tiếp và chân thực. Tất cả chỉ cần có vậy. Trong thâm tâm, họ biết ngay rằng đây chính là người họ muốn đưa về đội ngũ của mình.
Mọi việc cũng tương đối dễ dàng và đơn giản đối với Emily. Thay vì dành thời gian chuẩn bị những câu trả lời thông minh và khôn khéo cho hàng loạt các câu hỏi giả định của giám khảo, cô chỉ tập trung vào việc rèn luyện để bản thân thấy thật thoải mái khi chia sẻ về hai chữ TẠI SAO của mình. Khi đối diện với hội đồng phỏng vấn, tất cả những gì cô cần làm là cất lên tiếng nói “từ trái tim” (tức là từ phần hệ viền trong não bộ) về những điều tạo nên động lực khiến cô muốn làm việc ở đó. Phần còn lại của cuộc phỏng vấn mang màu sắc một cuộc trao đổi thân tình hơn, và tất cả các câu trả lời của cô đều góp phần khẳng định cho trực giác của hội đồng phỏng vấn. Sau đó, trước khi về tới nhà, điện thoại di động của cô đã đổ chuông. Người gọi là vị giám đốc nhân sự, ông mời cô nhận vị trí công việc mới này.
Các công cụ có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn, với một chiếc búa trong tay, chúng ta có thể thực hiện một công việc đơn giản như treo bức tranh lên tường, nhưng cũng có thể xây nên cả một ngôi nhà. Phương pháp TẠI SAO của chúng tôi cũng là một công cụ linh hoạt như vậy, nó có nhiều ứng dụng ở những phạm vi rộng và hẹp khác nhau. Chúng ta có thể sử dụng nó để tạo sự nổi bật cho mình trong một cuộc phỏng vấn hoặc truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình. Một doanh nhân có thể sử dụng nó để định hướng cho mảng hoạt động mới hoặc cho toàn bộ tổ chức của mình. Một công ty có thể sử dụng nó để truyền cảm hứng cho chiến dịch marketing hoặc để biến đổi hoàn toàn nền văn hóa của tổ chức.
Một cách khác để nghĩ về mô hình TẠI SAO là hình dung nó giống một mảnh ghép trong trò chơi xếp hình. Khi bạn biết mảnh ghép của mình trông như thế nào, việc nhìn xem nó khớp vào vị trí nào sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các quyết định có thể được đưa ra nhanh chóng hơn và với sự chắc chắn cao hơn. Khi người khác nhìn thấy mảnh ghép của bạn, họ cũng có thể biết liệu nó có khớp với mảnh ghép của họ không. Nếu khớp, đó là khi bức tranh bắt đầu thành hình. Trong thế giới thực tế, điều đó giống như việc một đội ngũ tập hợp nhau lại để cùng thúc đẩy một tầm nhìn chung (hoặc, giống như những người đã quyết định tuyển dụng Emily, họ biết cần mời ai tham gia vào đội ngũ của mình).
Có hai cách để gây dựng nên một sự nghiệp hoặc một công ty. Chúng ta có thể sống như một người gõ bàn phím mổ cò, tìm kiếm các cơ hội hoặc khách hàng, và hy vọng rằng sẽ có thứ gì đó kết nối với nhau. Hoặc chúng ta có thể sống với chủ đích, biết rõ mảnh ghép của mình trông như thế nào, hiểu rõ hai chữ TẠI SAO, và đi thẳng tới những vị trí phù hợp với bản thân.
Tìm vị trí phù hợp
Đó là giờ nghỉ giải lao của một nhóm các vị lãnh đạo cao cấp của một kênh truyền hình trong lúc họ đang thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” cho công ty mình. Trong lúc những người khác tìm đến khu bày đồ ăn nhẹ, giám đốc nhân sự Susan tiến về phía đồng nghiệp Jim. “Tôi nghĩ chúng ta không nên tuyển dụng anh ta,” cô nói.
Vài tuần nay, Susan và Jim đang tranh cãi nhau về việc có nên tuyển một ứng viên vào một vị trí quan trọng trong công ty hay không. Họ đã tìm kiếm tương đối rộng rãi và rút gọn lại danh sách chỉ có một người duy nhất. Nhìn vào hồ sơ, người đó dường như rất tuyệt vời. Anh đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra. Nhưng vẫn có điều gì không đúng lắm.
“Trước đây tôi không biết vấn đề nằm ở đâu,” Susan nói. “Nhưng giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng rồi.”
Jim hoàn thiện nốt dòng suy nghĩ của cô. “Anh ta không tin tưởng vào điều chúng ta tin tưởng.”
Nhờ quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”, cả Susan và Jim đều nhìn ra được vấn đề. Ứng viên họ đang cân nhắc đáp ứng tất cả các yêu cầu đặt ra, nhưng anh thiếu mất một điều hết sức quan trọng. Anh không thể hỗ trợ cho hai chữ TẠI SAO của họ. Vị trí anh ứng tuyển giữ một vai trò chủ chốt, và nếu tiếp tục để trống vị trí này thêm vài tháng nữa thì chắc chắn công ty sẽ chịu nhiều thiệt hại. Nhưng họ đã ra quyết định ngay lúc đó, ngay tại bàn bày đồ ăn nhẹ trong giờ giải lao. Dù có phải chịu những tổn thất ngắn hạn, họ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi gặp được người có đủ khả năng đảm đương trọng trách đó và phù hợp với công ty của họ.
Rất dễ tuyển dụng một người nếu chỉ dựa trên hồ sơ lý lịch cá nhân của họ. Nhưng tìm người phù hợp với nền văn hóa của doanh nghiệp lại là cả một quá trình gian nan. Lý do cho việc này rất dễ hiểu. Thông thường, chúng ta đăng tin tuyển dụng vì công ty có một công việc cần người làm. Chúng ta nhìn vào hồ sơ lý lịch cá nhân để xác định xem liệu ứng viên có những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để thực hiện công việc đó không. Nghĩa là chúng ta nhìn vào những dữ liệu thực tế. Dù theo chiều hướng tốt hơn hay xấu đi, việc tuyển dụng người phù hợp với nền văn hóa doanh nghiệp thường ít thiên về dữ liệu thực tế mà liên quan nhiều đến cảm nhận. Những vị lãnh đạo vô trách nhiệm sẽ bỏ qua cảm nhận đó (tức là trực giác của bản thân) trong khi những vị lãnh đạo tốt sẽ lắng nghe. Vấn đề nằm ở chỗ, dù sao đó vẫn chỉ là cảm nhận.
Trong ví dụ về các vị lãnh đạo của kênh truyền hình nêu trên, trực giác của họ cho biết ứng viên đó không phù hợp với công ty của họ, dù anh ta sở hữu những kỹ năng cần thiết đúng với yêu cầu cho vị trí đó, và cũng rất tài năng. Nhưng vì không diễn đạt được thành lời lý do họ cảm thấy ứng viên đó không phù hợp, nên họ không thể dùng trực giác làm cơ sở ra quyết định được. Đây là chuyện vẫn thường xuyên xảy ra đối với hầu hết chúng ta – khi tất cả các dấu hiệu đều nói “đi”, duy chỉ có trực giác mách bảo bạn hãy dừng lại. Sở dĩ có hiện tượng này là vì chúng ta đang chuẩn bị đưa ra một quyết định đi lệch với các giá trị và niềm tin của bản thân. Ngay khi hai chữ TẠI SAO của một công ty được diễn đạt thành lời, nền văn hóa trong công ty đó sẽ trở nên cụ thể và hữu hình hơn, và họ có thể nhận thấy rõ quyết định nào là đúng đắn.
Hai chữ TẠI SAO tồn tại ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Mỗi công ty, phòng ban hay cá nhân đều có hai chữ TẠI SAO riêng. Cơ hội là làm sao để bảo đảm rằng bạn tìm được đúng người làm việc ở đúng vị trí trong đúng công ty. Chúng tôi sẽ bàn thêm về ý tưởng này, mà chúng tôi đặt tên là Tổ TẠI SAO, ở Chương 4.
Nếu kinh doanh là khoa học thuần túy thì sẽ rất tốt, nhưng thực tế không phải vậy. Trong khi một số khía cạnh trong doanh nghiệp có thể dự đoán được và dễ đo lường (ví dụ: lợi nhuận, doanh thu, và các khoản chi phí), thì phần lớn những khía cạnh khác lại không thể dự đoán, trừu tượng, và khó đo lường (ví dụ: tầm nhìn, nguồn cảm hứng, sự tin tưởng... và tuyển dụng một người phù hợp với nền văn hóa của doanh nghiệp). Vấn đề không phải là chúng ta không hiểu giá trị của những thứ trừu tượng; vấn đề là chúng ta gặp khó khăn trong việc giải thích giá trị đó là gì. Đôi khi các giá trị trừu tượng bị bỏ qua bởi áp lực bên trong và bên ngoài đòi hỏi phải “đạt được chỉ tiêu doanh thu” lấn át những mối lo lắng khác về tình trạng sức khỏe lâu dài của doanh nghiệp. Hoặc đôi khi những yếu tố trừu tượng bị bỏ qua bởi chúng ta không đủ khả năng để hiểu thấu đáo hoặc giải thích chúng, chúng ta thiếu kiên nhẫn để nuôi dưỡng chúng hoặc không biết thước đo nào có thể đo lường chúng một cách chính xác. Nếu có trong tay các công cụ phù hợp để quản lý những yếu tố trừu tượng và vô hình, có lẽ chúng ta sẽ dành cho chúng nhiều sự chú ý hơn.
Các công cụ giúp chúng ta theo dõi được số lượng hàng hóa tồn kho trong một doanh nghiệp, nhưng công cụ nào đo lường được khả năng phù hợp với nền văn hóa công ty của một ứng viên tiềm năng? Chúng ta có thể dễ dàng tính toán được lợi nhuận bằng cách lấy thu nhập trừ đi các khoản chi phí, nhưng làm thế nào để đo lường được nỗ lực của đội ngũ lao động trong công ty? Chúng ta có thể biết lịch sử mua hàng của một vị khách, nhưng làm thế nào để biết được liệu họ có tin tưởng công ty hay không? Chính vì không có câu trả lời nào cho những câu hỏi này mà trong quá trình tuyển dụng, rất nhiều công ty đặt tiêu chí kỹ năng lên trên tiêu chí phù hợp với nền văn hóa doanh nghiệp. Họ nói về nền văn hóa nhưng không biết làm thế nào để xây dựng được nó, và không tạo dựng được những mối liên hệ sâu sắc, nhân văn với nhân viên và khách hàng.
Phương pháp TẠI SAO là một công cụ giúp mang lại sự rõ ràng cho những gì còn mông lung, và khiến những thứ trừu tượng vô hình trở nên cụ thể, hữu hình. Khi được sử dụng hợp lý, nó có thể hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, phát triển các chiến lược và truyền thông rõ ràng hơn (cả trong nội bộ lẫn bên ngoài). Phương pháp TẠI SAO sẽ đặt ra một tầm nhìn giúp truyền cảm hứng cho mọi người. Phương pháp TẠI SAO có thể hướng dẫn chúng ta hành động với chủ đích, xuất phát từ chủ đích.
Trong các chương sau, chúng tôi sẽ giải thích cách khám phá hai chữ TẠI SAO của bạn và diễn đạt nó thành lời.