Phần này dành cho các cá nhân muốn tìm hiểu về hai chữ TẠI SAO của bản thân. Dù bạn là doanh nhân, nhân viên làm việc trong một tổ chức, sinh viên, hay làm nội trợ ở nhà, quy trình này vẫn được áp dụng giống nhau. Nếu bạn muốn tìm hiểu hai chữ TẠI SAO cho một nhóm hoặc đội ngũ, hãy đọc chương tiếp theo trình bày về phương pháp Bộ lạc.
Giống như hầu hết mọi việc khác, quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi bạn đã có sự chuẩn bị đầy đủ. Hãy tham khảo biểu đồ dưới đây để hình dung tổng quan về quy trình bạn sẽ trải qua. Tiếp đến, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu chi tiết về bảy bước này.
Tìm cộng sự
Xin lưu ý, để tìm được hai chữ TẠI SAO của mình, bạn cần phải đãi cát tìm vàng trong dòng sông quá khứ, nhớ lại những câu chuyện đã diễn ra trong cuộc sống riêng và trong công việc, để từ đó làm hiện lên những chủ đề nổi bật. Chỉ mình bạn mới có thể gợi lên những câu chuyện đó từ trong ký ức của bản thân, nhưng khi chuyển sang khâu diễn giải chúng, thì một cặp mắt và đôi tai thứ hai – tức là người cộng sự – sẽ phát huy giá trị đáng kể. Khi lắng nghe những câu chuyện bạn kể, người cộng sự đó có thể đưa ra một góc nhìn mà từ vị trí của mình, bạn khó lòng nhìn ra. Như vậy, việc tìm được một người cộng sự phù hợp là phần việc quan trọng trong quy trình này. Điều đó không có nghĩa bạn bắt buộc phải tìm đến một chuyên gia tâm lý học hoặc huấn luyện viên được đào tạo bài bản. Chỉ cần một người thực lòng muốn giúp bạn tìm ra hai chữ TẠI SAO cho mình là đủ (mục “Phần dành cho người cộng sự” dưới đây sẽ hướng dẫn họ thực hiện những nhiệm vụ cần làm). Vai trò của người cộng sự sẽ là lắng nghe bạn kể chuyện và ghi chép lại, đồng thời đặt ra các câu hỏi nhằm giúp bạn rút ra những ý nghĩa sâu sắc hơn từ câu chuyện đó. Người cộng sự giúp bạn xác định được những mối liên kết, các chủ đề và ý tưởng liên tực xuất hiện làm nền tảng cho hai chữ TẠI SAO của bạn.
Bạn không nhất thiết phải hiểu rõ về người cộng sự của mình, nhưng chúng tôi khuyên bạn nên chọn người mà bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với họ những thông tin và cảm giác riêng tư của cá nhân mình. Mặc dù nghe có vẻ phi lý, nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên chọn cộng sự là người đã hiểu bạn quá rõ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, bạn đời, họ hàng thân thiết, và những người bạn thân thường khó giữ được cái nhìn khách quan. Không nên tìm cộng sự là người lúc nào cũng chực kể những câu chuyện của bạn thay cho bạn hoặc đính chính lại những câu chuyện bạn kể. Cộng sự tốt nhất sẽ là người lần đầu được nghe những câu chuyện của bạn. Họ sẽ ghi chép lại thông tin trong lúc bạn kể các câu chuyện của mình. Xin nhắc lại, họ phải là những người thực lòng mong muốn giúp bạn khám phá ra hai chữ TẠI SAO của mình.
Những người cộng sự tốt nhất cần có bản tính hiếu kỳ, điều này sẽ khiến họ lắng nghe tốt hơn và biết đặt ra những câu hỏi để khai thác thêm nhiều chiều kích cho các câu chuyện của bạn. Một người đang muốn tìm hiểu kỹ hơn về bạn có lẽ sẽ muốn đặt thêm nhiều câu hỏi mang tính gợi mở, đầy bất ngờ, và kỹ lưỡng hơn so với một người cho rằng họ đã biết mọi điều về bạn.
Hướng dẫn cộng sự
Sau khi người mà bạn chọn làm cộng sự đã chấp nhận giúp đỡ bạn, chúng tôi đề xuất bạn nên bắt đầu bằng cách cho họ xem bài thuyết trình của Simon để nắm được khái niệm cơ bản về Vòng tròn vàng. Để hỗ trợ cho cộng sự của bạn, chúng tôi đã tập hợp video ghi lại bài thuyết trình đó cùng nội dung trong mục “Phần dành cho cộng sự” dưới đây tại địa chỉ http://bit.ly/FYWresources. Hãy yêu cầu cộng sự của bạn đọc phần này trước khi bắt đầu để họ có sự chuẩn bị trước về vai trò của mình trong quy trình này.
* * *
PHẦN DÀNH CHO CỘNG SỰ
Xin chào mừng bạn!
Cảm ơn bạn đã đồng ý giúp đỡ một người khám phá và học cách diễn đạt thành lời hai chữ TẠI SAO của họ – tức là mục đích, sứ mệnh, hoặc niềm tin làm động lực sống cho họ. Đối với chúng tôi (Peter và David), việc giúp đỡ người khác tìm ra hai chữ TẠI SAO của họ là một trong những điều mang lại sự phấn khích lớn nhất trong các công việc chúng tôi làm. Chúng tôi luôn yêu thích cơ hội được kết hợp với ai đó và nhìn thấy khuôn mặt họ bừng sáng lên khi cuối cùng cũng có thể trình bày một cách rành mạch hai chữ TẠI SAO của mình. Dù đã làm công việc này hàng trăm lần rồi, nhưng lần nào chúng tôi cũng đều cảm thấy hào hứng như vậy. Bây giờ, bạn sẽ là cộng sự trong chương trình này. Vì thế, hãy có thời gian thật sự vui vẻ và hân hoan với món quà mà bạn sắp trao cho người khác.
Mục tiêu tới cuối khoảng thời gian hợp tác chung này là tạo ra bản nháp của tuyên ngôn “tại sao” cho người đã chọn bạn làm cộng sự. Tuyên ngôn này sẽ đóng vai trò bộ lọc cho những quyết định họ đưa ra để họ có thể tìm thấy thật nhiều niềm vui và có được sự mãn nguyện trong công việc cũng như sự nghiệp của mình.
Phần này cung cấp cho bạn các lời khuyên và công cụ cần thiết để có thể hỗ trợ cho họ thật tốt. Đừng lo lắng quá – bạn không cần phải là chuyên gia trị liệu tâm lý hoặc huấn luyện viên cá nhân xuất sắc mới có thể trở thành một cộng sự tốt. Bạn chỉ cần có mong muốn được hỗ trợ người bạn đồng hành của mình tìm kiếm hai chữ TẠI SAO cho họ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước trong quy trình này. Ở phần Phụ lục 2 của cuốn sách, chúng tôi cũng cung cấp một phần tóm tắt về tất cả các lời khuyên và câu hỏi mà bạn sẽ cần đến, như vậy bạn sẽ không cần quay lại đọc chương này trong lúc thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”.
Về bản chất, TẠI SAO là câu chuyện kể về sự khởi đầu. Con người chúng ta hiện tại là tổng hòa của tất cả các trải nghiệm có được trong quá trình trưởng thành – những bài học chúng ta rút ra, những giáo viên chúng ta theo học, và những việc chúng ta đã làm. Để giúp người bạn đồng hành của mình khám phá được hai chữ TẠI SAO của họ, bạn sẽ phải lắng nghe những câu chuyện trong quá khứ của họ. Hai chữ TẠI SAO đó đại diện cho con người họ khi ở vào trạng thái tự nhiên nhất, chúng sẽ được thể hiện thông qua những câu chuyện và trải nghiệm cụ thể đã tác động đến cuộc sống của họ cũng như định hình nên họ ngày nay.
Vai trò của bạn
Vai trò chính của bạn là lắng nghe những câu chuyện họ kể, sau đó đặt ra những câu hỏi cẩn trọng để giúp họ đào sâu tìm hiểu ý nghĩa gốc rễ của từng ký ức đó. Trong lúc lắng nghe, bạn hãy chú ý ghi chép lại, xác định các chủ đề nổi bật, ý tưởng, từ ngữ hoặc cụm từ xuất hiện nhiều lần trong những câu chuyện đó. Những chủ đề này sẽ đan quyện lại với nhau và định nghĩa nên con người họ khi ở trạng thái tự nhiên nhất.
Trong quá trình này, điều quan trọng là bạn hãy tạm gạt đi những thành kiến riêng của bản thân. Đừng để những gì bạn đã biết về người bạn đồng hành của mình, hay những gì bạn nghĩ là mình biết về họ, che lấp đi sự khách quan. Việc quan trọng nhất cần làm là dành trọn vẹn sự chú ý khi ở bên họ, nghĩa là tạm tránh xa những yếu tố có thể gây phân tâm và hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” không phải là một buổi trị liệu tâm lý hoặc chương trình tư vấn; đó không phải thời điểm để bạn đưa ra những quan điểm và lời khuyên của mình hoặc để giải quyết vấn đề. Nhiệm vụ của bạn là hãy vào vai một người lắng nghe trên tinh thần chủ động.
Cách trở thành người lắng nghe chủ động
Lắng nghe chủ động nghĩa là không chỉ dừng lại ở việc nghe những gì người khác nói. Lắng nghe chủ động nghĩa là hiểu được ý nghĩa, động cơ, hay cảm xúc đằng sau những lời nói đó. Một số kỹ năng lắng nghe chủ động rất đơn giản: duy trì giao tiếp bằng ánh mắt; ghi nhận những gì người kia đang nói bằng lời nói hoặc bằng các biểu hiện phi ngôn ngữ (ví dụ, đưa ra những lời khẳng định như “tiếp đi” hoặc gật đầu khi bạn hiểu ra điều gì đó); khuyến khích họ nói thêm về những gì đã xảy ra hoặc chia sẻ những cảm giác của họ về chuyện đó. Hãy đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu phi ngôn ngữ. Những biểu cảm trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể, và thậm chí là sự im lặng kéo dài – tất cả đều là những tín hiệu cho biết họ có cảm nhận gì về câu chuyện mình đang kể.
Đó sẽ là một trong số những câu chuyện có ý nghĩa nhất trong cuộc đời họ, và chúng có thể gợi lên những cảm xúc mãnh liệt. Lòng tự hào, tình yêu, sự mãn nguyện, nỗi sợ hãi, niềm mong mỏi, sự cô đơn – tất cả các cảm xúc này có thể sẽ xuất hiện theo những cách khác nhau. Một số người có thể sẽ trở nên bồn chồn hơn – chẳng hạn, họ thực hiện cử chỉ tay nhiều hơn, ngồi ở mép ghế, giọng nói của họ cao hơn – một số người khác lại nghẹn ngào hoặc nói nhỏ và trầm tư hơn. Bạn không cần ghi chép lại tất cả những gì họ nói. Tuy vậy, hãy nhớ ghi lại những gì họ nói mỗi khi bạn để ý thấy một dấu hiệu về mặt cảm xúc hoặc trực quan – đây có thể là những chi tiết quan trọng khi bạn bắt tay vào tìm kiếm sợi chỉ đỏ xuyên suốt các câu chuyện của họ.
Cách đào sâu vấn đề hơn
Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người thường có thói quen bắt đầu câu chuyện của mình bằng những dữ liệu thực tế đơn giản – chuyện gì đã xảy ra, vào thời điểm nào, và những ai có mặt ở đó. Mặc dù những chi tiết này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bối cảnh để họ tiếp tục chia sẻ ký ức của mình, nhưng chúng không giúp ích nhiều cho bạn trên hành trình khám phá hai chữ TẠI SAO, vì điều này liên quan đến cảm xúc. Chia sẻ về cảm xúc là một phần rất quan trọng trong quy trình này. Mục tiêu là giúp họ diễn đạt những gì họ cảm thấy vào thời điểm đó. Rất khó hiểu được cảm xúc của đối phương nếu họ diễn đạt một cách chung chung. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng những câu chuyện người bạn đồng hành của bạn kể cần phải rất cụ thể. Chẳng hạn, có thể ban đầu họ nói: “Ngày trước, mùa hè nào tôi cũng đến thăm ông bà. Ở đó rất vui.” Trên cương vị là cộng sự của họ, bạn sẽ không rút ra được nhiều thông tin có ý nghĩa ở câu chuyện này. Bạn muốn họ chia sẻ về một mùa hè, sự kiện hoặc cuộc tương tác cụ thể. Nếu lần đề cập đầu tiên đến câu chuyện không hàm chứa cảm xúc nào, bạn hãy đào sâu hơn bằng cách gợi ý: “Trong số tất cả các mùa hè mà anh ở với ông bà, hãy kể cho tôi về một mùa hè nổi bật nhất.” Mục đích là tạo điều kiện để họ kể thật chi tiết về sự việc, chẳng hạn: “Tôi nhớ mùa hè năm tôi 13 tuổi. Lúc đó, tôi vừa đón sinh nhật và chính thức bước vào tuổi vị thành niên. Tôi cảm thấy mình thực sự đã trưởng thành và muốn làm những việc mà người trưởng thành làm. Còn nhớ ngày ấy tôi làm việc ở ngoài sân với ông. Ông để tôi dùng máy cắt cỏ và tôi cảm thấy như mình vừa được ông tin tưởng giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Điều đó khiến tôi cảm thấy tự tin.” Có rất nhiều khía cạnh có thể khai thác thêm trong câu chuyện này.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI CỘNG SỰ
Nếu bạn để ý thấy rằng người bạn đồng hành của mình bắt đầu nói chung chung hoặc kể một câu chuyện đại khái khi bạn hỏi về một điều cụ thể, đừng vì lịch sự mà bỏ qua cho họ. Điều đó sẽ càng khiến công cuộc tìm kiếm hai chữ TẠI SAO của họ khó khăn hơn, và việc kết nối các chủ đề trở lại với những câu chuyện của họ cũng gian nan hơn rất nhiều, trong khi đây là một phần việc hết sức quan trọng. Hãy nhớ, TẠI SAO không phải là con người mà chúng ta mong muốn trở thành, nó là con người thực sự của chúng ta.
Nếu ngay từ đầu họ đã cho bạn biết trải nghiệm đó khiến họ cảm thấy thế nào, thì cũng đừng vội chấp nhận những gì họ nói ở giá trị bề mặt; hãy đặt thêm câu hỏi để làm rõ vấn đề. Thông thường, việc diễn đạt cảm giác cho thấy ở đây tồn tại một bài học quan trọng đóng vai trò nền tảng hoặc một mối quan hệ đặc biệt đại diện cho con người thực sự của họ ở thời điểm hiện tại. Nếu ví cảm xúc như một làn khói, thì ý nghĩa ở đằng sau đó chính là ngọn lửa. Và ở đâu có khói, nơi đó ắt có lửa.
Nhiệm vụ của bạn là đặt ra các câu hỏi khai thác cho đến khi phát hiện được lý do vì sao câu chuyện này lại quan trọng đến vậy đối với họ. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn tìm hiểu được mọi chuyện kỹ lưỡng hơn (bạn có thể tìm thấy một phần tóm tắt về tất cả các lời khuyên và câu cần hỏi ở Phụ lục 2).
• Chuyện đó khiến bạn cảm thấy thế nào?
• Trải nghiệm này có điều gì khiến bạn yêu quý đến vậy?
• Có lẽ bạn từng trải qua cảm giác này rồi. Điều gì khiến câu chuyện đó đặc biệt? (Ví dụ: Nếu họ nói bản thân “cảm thấy tự hào”, bạn có thể hỏi xem niềm tự hào đó có gì đặc biệt không.)
• Trải nghiệm đó có ảnh hưởng gì đến con người bạn ngày hôm nay không?
• Bài học nào rút ra từ trải nghiệm ấy mà hiện nay bạn vẫn mang theo bên mình?
• Trong số tất cả các câu chuyện bạn có thể chia sẻ với tôi, điều gì khiến câu chuyện này đặc biệt đến nỗi bạn chọn nó để kể cho tôi nghe?
• Nếu có người nào đó nổi bật trong câu chuyện mà họ kể, hãy hỏi xem người đó đã mang lại sự khác biệt nào trong cuộc sống của họ, hay họ yêu thích hoặc ngưỡng mộ điều gì ở người đó.
Bạn sẽ biết mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp khi họ bắt đầu ít nói về những gì đã xảy ra và chia sẻ nhiều hơn về những suy nghĩ, cảm nhận hoặc cảm xúc của bản thân về những gì đã xảy ra. Họ có thể nói những câu như: “Tôi cảm thấy thật mãn nguyện khi được là một phần trong đó”, hoặc “Thật sự rất thất vọng khi tôi biết rằng mình đã phụ sự kỳ vọng của bố mẹ”. Khi nghe họ chia sẻ những điều đó, bạn hãy bắt đầu đào sâu tìm hiểu hơn. Chẳng hạn, ý họ là gì khi nhắc đến những từ như “mãn nguyện” hay “thất vọng”? Có thể bạn cho rằng mình hiểu họ muốn nói gì, nhưng định nghĩa của họ về các khái niệm đó có thể khác với bạn. Vì thế, hãy đặt câu hỏi để họ trình bày cụ thể hơn, chẳng hạn:
• Hãy cho tôi biết ý bạn là gì khi nói: “Tôi cảm thấy thật mãn nguyện.”
• Có lẽ trước đây bạn đã từng cảm thấy thất vọng. Vậy cảm giác thất vọng cụ thể trong câu chuyện này có điểm gì khác khiến bạn vẫn nhớ tới nó sau nhiều năm như vậy?
Có thể bạn sẽ được nghe những câu chuyện không mấy ấm áp hoặc hạnh phúc. Điều đó là bình thường. Có thể tìm hiểu thêm rất nhiều về một người từ những trải nghiệm tích cực và tiêu cực của họ. Nhiệm vụ của bạn trên cương vị một cộng sự là giúp họ “nhìn ra” những bài học hay thậm chí thấy được tia sáng trong những tình huống khó khăn đó. Chẳng hạn, chúng tôi từng thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” với một người, và khi được yêu cầu kể về một trải nghiệm hạnh phúc thời niên thiếu, cô ấy đáp rằng bản thân đã có một tuổi thơ thật kinh khủng. Sau đó, cô ấy kể lại những câu chuyện về người bố hay bạo hành con cái của mình. Tuy nhiên, trong mỗi câu chuyện cô ấy kể, chúng tôi đều nghe về việc cô ấy đã đứng ra bảo vệ người em gái trước ông bố ra sao. Cô ấy chưa từng nhận ra sự tồn tại của mô típ ấy. Ngay sau khi chúng tôi chỉ ra tia sáng đó, điểm tích cực nhất trong một trải nghiệm ảm đạm và u tối, cô ấy lập tức bật khóc. Sở dĩ cô ấy trở thành con người như ngày hôm nay vì cô ấy đã học được cách che chở cho những người không thể tự bảo vệ bản thân. Những ký ức hạnh phúc hoặc buồn bã, những câu chuyện về thời cơ và chặng đường gian khổ – tất cả đều mang lại cơ hội giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một người và về hành trình đã đưa họ trở thành con người hiện tại. Tất cả các nẻo đường đều dẫn đến hai chữ TẠI SAO.
Bạn càng thu thập được các chủ đề về những gì họ cảm nhận được, thì việc soạn ra bản tuyên ngôn “tại sao” phản ánh chân thực con người họ sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh những chủ đề liên tục xuất hiện trong từng câu chuyện, hãy lưu ý đến hai yếu tố quan trọng khác: sự đóng góp và tác động. Đây là những yếu tố nền tảng tạo nên bản tuyên ngôn “tại sao” cuối cùng – những đóng góp người đó mang lại cho cuộc sống của người khác và tác động của sự đóng góp ấy theo thời gian. Chúng tôi trình bày nó theo dạng thức này:
CẦN PHẢI LÀM__________ ĐỂ___________ .
Ô trống đầu tiên nói về sự đóng góp, và ô trống thứ hai nói về tác động. Chẳng hạn, Simon Sinek, tác giả của cuốn sách Start With Why (Bắt đầu với câu hỏi tại sao), diễn đạt hai chữ TẠI SAO của anh như sau: Cần phải truyền cảm hứng cho mọi người để họ làm những việc truyền cảm hứng cho bản thân, để qua đó chúng ta có thể cùng nhau thay đổi thế giới. Sự đóng góp của Simon là những việc anh chủ động làm cho người khác (tìm cách truyền cảm hứng cho họ) và tác động là những gì diễn ra khi sự đóng góp đó được thực hiện (rất nhiều người đang chung tay góp sức để cùng nhau làm thay đổi thế giới).
Với những hướng dẫn này, bạn hãy làm những gì có thể để tìm hiểu xem trong từng câu chuyện mà người bạn đồng hành của mình kể, họ trao cho người khác điều gì và nhận về điều gì (đóng góp), và điều đó có thể mang lại sự khác biệt nào cho họ hoặc cho những người khác (tác động). Bạn sẽ bắt đầu nhìn ra một xu hướng hoặc mô típ nào đó để giúp bạn hiểu được sự đóng góp và tác động trong hai chữ TẠI SAO của họ. Khi họ nói về một hoặc cả hai chủ đề này (tức sự đóng góp và tác động), hầu như bao giờ ở họ cũng sẽ xuất hiện những tín hiệu về mặt cảm xúc, có thể được biểu hiện bằng lời nói hoặc biểu cảm và cử chỉ.
Một số mẹo hay giúp bạn đặt ra những câu hỏi đắc dụng:
• Đặt những câu hỏi mở. Những câu hỏi tốt nhất sẽ không thể trả lời bằng câu đáp có hoặc không đơn thuần. Thay vào đó, chúng đòi hỏi người trả lời cung cấp thêm thông tin. Hãy nhớ, quá trình này là nhằm tìm hiểu về bản chất thực sự của họ, chứ không phải con người của họ trong mắt bạn. Hãy thử diễn đạt theo những cách như: “Hãy giúp tôi hiểu rõ hơn điều đó khiến bạn cảm thấy như thế nào.”
• Tránh những câu hỏi bắt đầu với hai chữ “tại sao”. Lời khuyên này nghe có vẻ phi lý, vì bạn đang thực hiện quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao”. Nhưng những câu hỏi bắt đầu với từ “Tại sao” thường gặp phải một vấn đề trái khoáy: Chúng khó trả lời hơn so với các câu hỏi dạng khác. Chẳng hạn, câu hỏi “Tại sao câu chuyện đó lại quan trọng đối với bạn?” kích hoạt phần não không phụ trách vấn đề ngôn ngữ. Những câu hỏi bắt đầu bằng từ để hỏi “Cái gì” sẽ dễ trả lời hơn nhiều. Ví dụ: “Câu chuyện đó có điều gì thực sự quan trọng đối với bạn?” Về cơ bản, hai câu hỏi trên là một, nhưng cách hỏi thứ hai dễ dàng cho người trả lời hơn. Nó tạo điều kiện để đối phương nói cụ thể hơn về những khía cạnh có ý nghĩa trong câu chuyện họ kể. Hãy thử cả hai cách hỏi trên, và bạn sẽ hiểu ý chúng tôi.
• Ngồi yên lặng. Nếu bạn đặt ra một câu hỏi và người bạn đồng hành dường như đang loay hoay tìm câu trả lời, vậy hãy cứ để họ suy nghĩ. Dù có thể bạn sẽ cảm thấy mình nên hỗ trợ họ để xua tan bầu không khí im lặng của buổi nói chuyện, nhưng đừng làm vậy. Hãy kiềm chế ý định lấp đầy sự im lặng đó bằng một câu hỏi khác hoặc gợi ý cho họ cách trả lời. Thay vào đó, hãy yên lặng chờ đợi. Các cảm xúc thường rất khó diễn đạt thành lời, và đối phương có thể sẽ phải mất một chút thời gian mới tìm được từ ngữ phù hợp. Đôi khi sự im lặng lại là công cụ tốt nhất bạn có trong tay để khiến họ chia sẻ nhiều thông tin hơn. Hãy học cách sử dụng công cụ này thật thành thạo.
Cách ghi chép
(Đây là mục cuối cùng – bạn sắp đọc xong phần của mình rồi!)
Thật đáng ngạc nhiên, cách thức ghi chép của bạn có thể thực sự đắc lực trong việc giúp người bạn đồng hành của bạn kết nối mọi việc với nhau. Dĩ nhiên, bạn có thể ghi chép theo bất kỳ hình thức nào, nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng định dạng này thực sự rất hiệu quả; hãy thử áp dụng, biết đâu bạn cũng sẽ thấy nó có ích.
Hãy kẻ một đường thẳng chia đôi trang ghi chép (chúng tôi có đưa ra ví dụ minh họa ở phần Phụ lục để bạn dễ hình dung). Ở bên trái đường thẳng, hãy ghi ra các chi tiết thực tế của câu chuyện (ví dụ: tốt nghiệp đại học). Ở phía bên phải, hãy tập trung ghi lại các cảm giác, cảm xúc, hoặc những cách diễn đạt ý nghĩa của câu chuyện (ví dụ: quan tâm đến những điều khiến cho ông của anh ấy cảm thấy tự hào). Ở phía bên tay phải, bạn cũng có thể ghi lại bất kỳ từ ngữ, cụm từ, các tín hiệu bằng lời nói và phi lời nói xuất hiện nhiều hơn một lần. Việc phân chia nội dung ghi chú theo cách này giúp bạn dễ dàng rà soát lại chúng vào cuối buổi trò chuyện và xác định ra những yếu tố quan trọng nhất đối với quy trình Khám phá câu hỏi “tại sao” (bật mí: Tất cả các nội dung thiết yếu đều sẽ nằm ở cột bên phải).
Trong lúc ghi chép cho nhiều câu chuyện khác nhau mà người bạn đồng hành của mình kể lại, bạn sẽ dần dần nhận ra những chủ đề, từ ngữ, cụm từ, hay ý tưởng xuất hiện nhiều nhất. Hãy gạch chân, khoanh tròn, tô đậm, hoặc đánh dấu tích bên cạnh những từ hoặc cụm từ như vậy. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng xác định được các chủ đề có thể dẫn đến hai chữ TẠI SAO. Ngoài ra, đối với mỗi câu chuyện, hãy viết “đóng góp” và/hoặc “tác động” ở cột bên phải, lấy đó làm dấu hiệu nhắc nhở bạn rằng đừng vội chuyển sang câu chuyện tiếp theo cho đến khi hiểu rõ được rằng họ đã cho đi hay nhận lại điều gì (đóng góp) và điều đó tác động đến họ cũng như những người khác như thế nào (tác động).
Như vậy, chúng tôi vừa chia sẻ với bạn rất nhiều thông tin hướng dẫn chi tiết và hy vọng rằng chúng sẽ giúp bạn trở thành người cộng sự tốt nhất. Xin lưu ý, điều này thực sự quan trọng đối với người bạn đồng hành của bạn, và họ đã nhờ bạn giúp đỡ. Đó là một vinh dự lớn lao. Điều quan trọng nhất là bạn xuất hiện với tâm thế hiếu kỳ và mong muốn giúp đỡ người mà bạn sắp làm việc cùng. Biết đâu sau khi phiên trao đổi này kết thúc, bạn lại có cảm hứng để lên đường tìm kiếm hai chữ TẠI SAO cho chính mình.
Chọn thời gian và địa điểm
Quán cà phê Starbucks nằm ở vị trí giữa văn phòng của bạn và văn phòng của người cộng sự thì sao nhỉ? Chắc chắn là không rồi. Các bạn chuẩn bị có một buổi nói chuyện rất riêng tư, thân tình. Tiếng ồn và những yếu tố gây phân tâm sẽ khiến cuộc trao đổi khó lòng diễn ra như ý muốn, dù ở đó luôn có sẵn cà phê để các bạn thưởng thức. Hơn nữa, bạn sẽ chia sẻ rất nhiều thông tin cá nhân – vậy thì tại sao lại thực hiện cuộc nói chuyện này ở một nơi mà tất cả mọi người đều có thể nghe được câu chuyện giữa hai bạn? Hãy chọn một nơi mà bạn có thể tập trung và cảm thấy thoải mái khi chia sẻ thành lời những câu chuyện cá nhân của mình.
Bạn cũng có thể trao đổi với cộng sự qua điện thoại hoặc gọi video, nhưng chúng tôi khuyên bạn hãy gặp trực tiếp. Có như vậy, người cộng sự mới có thể dễ dàng quan sát các ngôn ngữ cơ thể của bạn (chứ không chỉ biểu cảm trên khuôn mặt) và các tín hiệu trực quan khác. Nếu các bạn buộc phải làm việc từ xa, hãy chọn một địa điểm yên tĩnh, không có những yếu tố gây phân tâm, và hãy đề nghị người cộng sự cũng làm như vậy.
Và nhớ dành riêng cho buổi trao đổi này một khoảng thời gian vừa đủ – ít nhất là ba tiếng. Đúng vậy, đó là sự đầu tư tương đối lớn về thời gian và đòi hỏi các bạn cam kết với nó, nhưng nếu bạn muốn khám phá ra hai chữ TẠI SAO của mình thì không có con đường tắt nào cả. Hãy coi đó là một buổi tập luyện. Càng đầu tư thời gian cho nó, bạn sẽ càng thu về được nhiều thành quả tốt đẹp.
Như đã nói trong Chương 2, có ba bước để khám phá hai chữ TẠI SAO của bạn (kể những câu chuyện, xác định các chủ đề, soạn thảo bản tuyên ngôn “tại sao”). Cách làm hiệu quả nhất là bạn có thể hoàn tất cả ba bước trên trong cùng một buổi. Nếu bạn dừng lại sau hai hoặc ba câu chuyện, và vài ngày sau mới tiếp tục, bạn sẽ phải làm lại từ đầu để quen với trạng thái kể chuyện. Chúng tôi khuyến khích bạn nên thực hiện liên tiếp ba bước này không gián đoạn (ngoại trừ một vài đợt giải lao ngắn). Việc liên tục phát hiện ra các chủ đề trong những câu chuyện mà bạn kể sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thực hiện bài tập này nửa chừng và một thời gian sau mới tiếp tục. Tương tự, việc soạn ra bản tuyên ngôn “tại sao” cũng sẽ dễ dàng hơn khi những chủ đề và mô típ xuất hiện trong các câu chuyện vẫn còn hiện lên sống động trong tâm trí bạn.
Hãy tắt điện thoại, loại bỏ mọi yếu tố có thể gây phân tâm, và tập trung vào quy trình này.
Thu thập các câu chuyện của bạn
Trước khi gặp cộng sự, bạn cần phải chuẩn bị một chút. Hai chữ TẠI SAO của bạn được sinh ra từ những trải nghiệm trong quá khứ; các bài học bạn đã rút ra, những kinh nghiệm bạn đã có, và những giá trị bạn quyết định tôn thờ khi trưởng thành. Bạn đang tìm kiếm những câu chuyện giúp khám phá ra con người thật sự của mình khi ở trạng thái tốt nhất. Trong lúc nhớ lại những câu chuyện đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho buổi trao đổi này, hãy ghi chép lại những điểm đáng chú ý của từng câu chuyện để bạn có thể nhanh chóng nhớ lại chúng khi ngồi với người cộng sự. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn thu thập được các câu chuyện sẽ giúp bạn tìm được hai chữ TẠI SAO của mình.
• Hãy nghĩ đến những trải nghiệm và con người cụ thể trong cuộc đời đã thực sự định hình nên con người bạn hiện nay. Có thể bạn sẽ lựa chọn một sự kiện quan trọng, chẳng hạn ngày bạn đưa ra được một ý tưởng thiên tài cho công ty, hoặc cũng có thể là một sự kiện ít rõ ràng hơn, chẳng hạn một khoảnh khắc mang tính quyết định giữa bạn với người sếp cũ. Nếu sự kiện đó có ý nghĩa với bạn, giúp bạn trở thành con người như hiện nay, dạy cho bạn biết điều gì đó, hay khiến bạn cảm thấy tự hào, hãy viết lại nó. Khi bạn nghĩ về những người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời mình, hãy thử nhớ lại thật chi tiết những điều họ nói hoặc làm đã mang đến cho bạn sự khác biệt lớn đến vậy.
• Vì hai chữ TẠI SAO này xuất phát từ quá khứ, tức là giai đoạn từ khi bạn chào đời cho đến ngày hôm qua, nên bạn có thể chọn ra những câu chuyện tại bất kỳ thời điểm nào nằm giữa hai cột mốc đó. Những ký ức này có thể đến từ trường học, nhà riêng, công việc, hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác trong cuộc sống của bạn. Có thể bạn sẽ nhớ đến những quãng thời gian hoặc sự kiện vui vẻ khiến bạn mừng rỡ khi nhớ lại. Hoặc cũng có thể bạn sẽ nhớ về những ký ức đau buồn mà bạn không bao giờ muốn nghĩ đến nữa. Điểm chung giữa hai loại trải nghiệm này nằm ở chỗ, dù tốt hay xấu, chúng cũng góp phần tạo nên con người bạn như ngày nay.