Đổi mới nhận thức là một khái niệm mà tôi biết đến thông qua cuốn sách A Course in Miracles. Thật ra, trong cuốn sách ấy, “phép mầu” được định nghĩa không có gì to tát hơn “sự thay đổi trong nhận thức”. Đa số suy nghĩ được chúng ta tạo ra mỗi ngày đều chỉ thoáng qua trong chốc lát và thường không có hại gì. Một vài trong số chúng còn có tính tích cực và hữu ích. Bài học mấu chốt ở đây là làm sao nhận ra sức mạnh mà ta có để điều khiển tư duy và làm thế nào để sẵn sàng thay đổi những suy nghĩ không hữu ích.
Toàn bộ lập luận cơ bản của cuốn sách này chỉ xoay quanh vấn đề: Nếu bạn không thích những gì mình đang nghĩ trong đầu, đặc biệt la khi chúng có hại cho bạn và những người khác, thì hãy thay đổi chúng đi. Một quan niệm thật đơn giản! Nhưng liệu nó có khả thi không? Tôi cam đoan với bạn là có. Việc này không có nghĩa là bạn phải sống trong tình trạng phủ nhận mọi thực tại xung quanh; nó chỉ có nghĩa là chúng ta không cần ôm lấy bất kỳ ý nghĩ nào mình không thích, dù tốt hay xấu. Có một điều lạ lùng rằng, con người có thể truyền sức mạnh cho suy nghĩ họ đang nuôi dưỡng, và cuối cùng, chính suy nghĩ đó sẽ định đoạt những biến cố họ phải trải qua. Tôi chắc chắn đó là sự thật.
Quyền chọn lựa suy nghĩ
Lần đầu tiên tiếp cận khái niệm này, tôi đã không thể hiểu hết giá trị của nó. Tôi cứ đinh ninh những ý nghĩ của mình đã nằm sẵn ở đó, trôi bồng bềnh trong tâm trí, tôi chỉ việc tóm lấy mà thôi. Hoặc là, chúng được tạo ra từ hành động, quan điểm và lời nói của người khác. Tôi tin chắc rằng mình không có trách nhiệm gì với chúng. Mà giả sử tôi phải chịu trách nhiệm đi chăng nữa thì nó cũng đã có ở đó rồi.
Hơn ba thập kỷ không thèm bận tâm đến mọi suy nghĩ của mình và sống một cách vô trách nhiệm đã khiến tôi chết đuối trong cảm giác tự ti, bất an, bối rối và lưỡng lự. Nó cho phép những cơn thịnh nộ của tôi tiếp diễn và tôi tin chắc rằng, mình luôn bị đối xử bất công. Nó nuôi lớn nỗi sợ hãi đang giam cầm tôi. Bằng cách từ chối dùng đến sức mạnh mà mình có để thay đổi suy nghĩ, tôi liên tục né tránh những bài học mà lẽ ra tôi phải học thông qua sự trao đổi chân thành với người khác.
Phải có trách nhiệm với suy nghĩ của bản thân có nghĩa là tôi không bao giờ được phép đổ lỗi cho người khác vì những việc xảy ra với mình. Đáng lẽ tôi phải đảm đương trách nhiệm khiến cuộc đời mình khác đi; đáng lẽ tôi không bao giờ được đổ lỗi cho cha mẹ, bạn bè hay chồng con của mình; đáng lẽ tôi không bao giờ được biện hộ cho bất kỳ cuộc trốn chạy nào...
Nhưng khi vượt qua được sự chống đối ban đầu, vốn được tiếp thêm nhiên liệu bởi nỗi lo lắng phải thay đổi lối cư xử cũ, tôi bắt đầu nhận ra chân lý, rằng chúng ta luôn luôn tự chọn lựa suy nghĩ của mình, thậm chí cả những cái đáng khinh và hèn hạ nhất. Và chân lý ấy thật quyền năng! Nó có nghĩa là không ai có thể hạ thấp chúng ta và kìm giữ ta mãi. Nó có nghĩa là không ai có thể khiến chúng ta thất bại trong mọi việc mà ta cố gắng. Nó có nghĩa là sẽ có ngày chúng ta trở nên khéo léo như mình muốn, nếu sẵn sàng quyết tâm. Nó có nghĩa là chúng ta có thể thay đổi bất kỳ sự việc nào đang khiến mình mắc kẹt, ngay trong quá trình diễn ra của nó. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thay đổi tư duy của mình.
Cách chúng ta suy nghĩ; cách ta nhìn nhận bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tình cảm; cách ta nhìn nhận người khác và cả cách ta hoạch định để trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày... sẽ quyết định ta là ai. Liệu chúng ta có đủ khôn ngoan? Chúng ta có cảm thấy niềm tin đang đồng hành ngay bên cạnh? Liệu nỗi sợ hãi có đang điều khiển hành động của chúng ta?
Suy nghĩ của chúng ta cũng quyết định cách ta nhìn nhận những người bạn đồng hành theo hướng tích cực hay tiêu cực. Những điều gợi chúng ta nhớ về quá khứ đã trôi qua từ lâu thường chẳng giúp ích được gì, dẫu cho ký ức ấy có tốt đẹp đến mấy. Ngày mai sẽ đến như một hình ảnh phản chiếu sự kỳ vọng, vốn dĩ bị điều khiển bởi những suy nghĩ của chúng ta. Về căn bản, để sống đúng với hiện tại, chúng ta chỉ cần dẹp yên quá khứ sang một bên.
Emmett Fox(*) đã từng nhấn mạnh một câu rất hay: “Nghĩ về mình thế nào, bạn sẽ như thế ấy”. Chính xác! Suy nghĩ của chúng ta là tất cả. Không có gì tồn tại nếu ta không nghĩ về nó. Mơ rộng lập luận trên xa hơn một chút, tôi có thể nói: “Nếu tôi không thích con người của mình, tôi cần sẵn sàng thay đổi điều mình nghĩ”.
(*) Emmett Fox (1886-1951): Nhà văn người Ai-len.
Như vậy, tôi sẽ là con người đúng như tôi nghĩ mình có khả năng trở thành. Nhưng, và đây điểm quan trọng, tôi có thể phát triển bản thân theo những hướng đi mình chưa từng hình dung trước đây bằng cách nỗ lực thay đổi lối tư duy. Điều này đúng cho tất cả chúng ta. Nếu tôi muốn một cuộc sống bình yên, tôi biết mình cần làm gì.
Nếu suy nghĩ khiến bạn khổ sở, hãy thay đổi chúng đi!
Trừ khi đã thành công trong việc rèn luyện bản thân trên con đường tìm đến hạnh phúc, hiếm khi nào chúng ta hiểu ra rằng chẳng điều gì là có thực - ngoại trừ những suy nghĩ của chúng ta, và những suy nghĩ đó đang tạo ra tất cả hiện thực mà ta đang nhìn thấy. Nếu không thích thực tại đang diễn ra xung quanh, chúng ta có thể thay đổi nó. Con người có xu hướng bám lấy suy nghĩ già cỗi của mình, bất chấp chúng khiến ta đau đớn đến mức nào, bởi vì ít nhất chúng giúp ta biết trước nên trông đợi điều gì. Chúng cho ta vay mượn cảm giác yên tâm giả tạo với cuộc sống của mình; hoặc đó là điều chúng ta đang tưởng tượng. Chúng ta luôn định sẵn trong đầu ai là ai và cái gì là cái gì, mặc kệ những sai lầm mình từng mắc phải.
Những ý-nghĩ-trói-buộc-ta đã được nhét vào đầu chúng ta bởi cha mẹ, thầy cô, bạn bè và người thân. Chúng không hề được khắc sẵn trên đá. Chính vì vậy, chúng ta luôn có cơ hội giải thoát bản thân khỏi quá khứ và mọi ý nghĩ khiến mình cảm thấy không thoải mái. Khi suy nghĩ của bạn không còn phù hợp với thực tại, hãy thay đổi chúng đi! Có lẽ bạn sẽ phải tiếp tục vật lộn, tiếp tục chiến đấu với những ý nghĩ của mình để đảm bảo rằng chúng không thể biến bạn thành kẻ mù lòa trước một bức tranh lỗi thời về thế giới, nhưng bạn luôn có quyền lựa chọn. Mỗi giây phút, chúng ta đều phải lựa chọn.
“Tai nghe mắt thấy” mới tin!
Bạn biết không, người ta vẫn thường nói rằng các nhân chứng của cùng một vụ tai nạn sẽ nhớ ra những chi tiết hoàn toàn khác nhau về sự việc xảy ra và cả những người liên quan đến tai nạn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy ai đó sửng sốt khi nghe người khác kể về một sự việc cả hai đã từng trải qua hoặc chứng kiến. Cách giải mã cho sự đánh lừa thị giác này khá đơn giản. Nhìn vào một bức tranh, bạn sẽ thấy một hình ảnh hiện ra. Bạn gõ nhẹ vào đầu, lạ lùng chưa, một hình ảnh khác lại hiện ra. Liệu điều này có khiến một trong hai hình ảnh đó là thật còn cái kia trở thành ảo ảnh? Không hẳn thế. Có phải các chi tiết của một nhân chứng trong một vụ tai nạn là chính xác, trong khi những người còn lại đều sai? Không chắc. Chỉ khi nào vụ tai nạn đó được camera tự động ghi hình lại thì chúng ta mới xác định được sự thật tuyệt đối.
Vấn đề mấu chốt ở đây là con người - họ luôn luôn chỉnh sửa lại điều họ thấy. Nói chung, việc “thêm mắm thêm muối” này là do vô thức và thường bị phủ nhận nếu có ai tố cáo nó. Mặc dù vậy, nó vẫn diễn ra. Vậy điều gì gây ra quá trình tự điều chỉnh này? Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy chính xác những gì đang xảy ra? Ta cần phân tích sâu xa hơn khoảnh khắc hiện tại của mỗi biến cố thì mới hiểu được vì sao sự không nhất quán này lại xuất hiện.
Chúng ta khó có thể sống mà chỉ duy nhất gắn với thời điểm hiện tại, vì thông thường con người đã có sẵn định kiến từ những việc họ trải qua trong quá khứ cũng như cách họ mong đợi một sự việc nào đó diễn tiến. Và những định kiến đó sẽ tô vẽ nên hình ảnh mà ta thấy trong mọi việc.
Có lẽ một số người đang thắc mắc: “Đó thật sự là vấn đề sao? Liệu thay đổi có cần thiết không?”. Câu trả lời của tôi là: mức độ thanh thản của bạn là yếu tố quyết định. Nếu bạn đang mãn nguyện với cuộc sống hiện tại thì chẳng có lý do gì để cố gắng thay đổi. Nếu thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu, bạn nên xem xét việc thay thế phương pháp bạn đang dùng để chọn lọc suy nghĩ và nhìn nhận mọi việc. Nhưng nếu bạn đang thấy khổ sở, bức xúc, thường xuyên muốn tranh cãi với người khác hoặc không thể tập trung làm việc thì bạn nên đổi sang một cách nhìn mới về thế giới xung quanh. Chẳng hạn, bạn có thể gạt qua một bên những lời phán xét của mình; hoặc bạn có thể dành vài phút để tỏ lòng biết ơn đến những gì cuộc sống ban tặng. Nhìn mọi việc từ góc độ chứa đầy hy vọng có thể tạo ra một tác động hết sức sâu sắc. Quyết định theo đuổi một cuộc đời bình yên hơn cho bản thân sẽ giúp ích cho nhiều người khác nữa. Đó chính là lý do thú vị vì sao chúng ta nên đảm nhận trách nhiệm này.
Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực
Con người có vẻ như không có cách gì ngăn cản được suy nghĩ của mình. Nhưng sự thật là có. Những ý nghĩ tiêu cực được tạo ra và nuôi dưỡng từ trí óc của ta; chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng. Thứ duy nhất cản trở tiến trình thay đổi này là bản thân chúng ta mà thôi. Để thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta cần trải qua một quá trình gồm nhiều bước liên tục.
Bước đầu tiên là sẵn sàng từ bỏ những kiểu suy nghĩ quen thuộc. Đây là bước từng khiến rất nhiều người trượt chân ngã sóng soài. Thật ra, khá nhiều người trong chúng ta không nhận ra suy nghĩ của mình là tiêu cực và mặc kệ nó. Nhưng một khi bạn bắt đầu nhận thấy lối suy nghĩ nào đó không còn phù hợp với mình nữa thì bước tiến quan trọng cần thiết là sẵn sàng thay đổi nó.
Bước thứ hai là hình dung bạn đang sống trong một hoàn cảnh mới, thực hiện những vai trò mới, có thể là ở nơi làm việc, ở nhà hay giữa bạn bè. Hãy nhìn vào bản thân - đang vượt qua mọi thách thức từng gây trở ngại cho bạn trong quá khứ. Hãy chiêm ngưỡng bản thân theo cách mà bạn muốn! Hãy tưởng tượng hình ảnh tương lai của bạn càng chi tiết càng tốt.
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm nhỏ khi tôi hình dung ra mình trong tình huống sắp phải đối mặt. Đó là khoảng thời gian tôi chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ ở Đại học Minnesota. Tôi tình cờ đọc được một bài báo trên tờ Psychology Today. Nội dung bài báo xoay quanh cuộc thử nghiệm được tiến hành với các vận động viên trượt tuyết đang chuẩn bị cho kỳ thi Olympic. Họ chia các vận động viên thành hai nhóm. Một nhóm tập luyện trên các đường đua dốc mỗi ngày giống như những năm trước. Nhóm còn lại chỉ tưởng tượng họ đang tập luyện, tự cho rằng mình hoàn thành toàn bộ đường đua và vượt qua mọi địa hình phức tạp một cách xuất sắc.
Vào thời điểm cuộc thi đấu thật sự bắt đầu, nhóm vận động viên chỉ đơn thuần tưởng tượng họ thi đấu thành công đã ghi điểm tốt hơn hẳn nhóm còn lại. Cuộc nghiên cứu kết luận rằng khi chúng ta hình dung ra mình hoàn thành xuất sắc một thử thách nào đó, chúng ta có thể dựa vào hình ảnh đó và dùng nó như người dẫn đường để đạt được thành công thực sự.
Khi ngày bảo vệ luận văn đến gần, tôi bắt đầu tự hình dung mình đứng ở chiếc bục đối diện với Hội đồng phản biện. Tôi chăm chú chờ đợi mỗi vị giáo sư đặt câu hỏi và sau đó, tôi tưởng tượng mình mỉm cười mỗi lần trả lời suôn sẻ chất vấn của họ. Tôi cứ lặp đi lặp lại bài tập này trong tâm trí suốt hai tuần trước buổi bảo vệ luận án. Vào cái ngày tôi thật sự phải đứng ở chiếc bục đối diện với năm vị giáo sư, tôi cảm thấy khá thoải mái và tự tin rằng mình có thê trả lời tốt các câu hỏi của họ, và rốt cuộc tôi đã làm được đúng như thế!
Phác họa chân dung con người mà bạn muốn trở thành là một việc hết sức thú vị. Hãy thử nghiệm với bản thân mà xem! Trí tưởng tượng sẽ giúp chúng ta trở thành con người giống như mình mong muốn.
Lý do cuối cùng để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta là nó giúp ta thay đổi cách cư xử với người khác trong cuộc đời mình. Có lẽ vài người sẽ cho rằng đây là lý do tuyệt nhất trong tất cả những điều tôi vừa nêu. Đối xử tốt với mọi người sẽ thay đổi cả cuộc đời của chúng ta. Ảnh hưởng của nó cứ tỏa sóng, lan rộng như những vòng tròn đồng tâm vô tận.