Năm 1971 là thời điểm tôi giảng dạy tại một lớp viết văn ở Đại học Minnesota. Lúc đó, tôi đã yêu cầu sinh viên đọc một cuốn sách của John Powell có tựa là Why Am I Afraid To Tell You Who I Am? (Tại sao tôi sợ nói cho bạn biết mình là ai?). Đương nhiên, tôi phải nghiên cứu cuốn sách trước khi làm việc với sinh viên. Và trong trang 38 của cuốn sách, Powell đã thuật lại một câu chuyện làm thế giới quan của tôi rung chuyển, một câu chuyện chứa đựng bài học sâu sắc dành cho tôi, dù lúc đó tôi chưa sẵn sàng áp dụng nó vào cuộc sống của mình.
Powell và một người bạn đang tản bộ trên con phố quen thuộc họ thường đi dạo ở New York. Họ dừng lại trước một quầy bán báo bên đường để mua tờ nhật báo. Đó cũng là quầy báo mà người bạn của Powell luôn ghé mua. Người bán báo đối xử với khách cực kỳ thô lỗ mặc dù đã nhận được tiền boa khá hậu hĩ từ bạn của Powell. Sau khi rời khỏi đó, Powell hỏi bạn của mình tại sao ông ấy lại tỏ ra quá tử tế với một người bán báo hình như ngày nào cũng thô lỗ với ông. Ông ấy trả lời: “Tại sao tôi phải để ông ta phá hỏng một ngày mới tươi đẹp của tôi chứ?”.
Tôi đã sửng sốt trước câu trả lời của người đàn ông đó. Ban đầu tôi rất nghi hoặc, liệu có thật là tôi được quyền lựa chọn cách đáp lại hành động của người khác và liệu tôi có thể hành động khác đi trong hầu hết những biến cố trong đời, nếu tôi muốn như vậy không. Thời thơ ấu, tôi thường hay quan sát khuôn mặt của người khác để tìm ra manh mối về giá trị của bản thân và gia đình; hầu hết các khuôn mặt đều tỏ ra lạnh lùng vô cảm hay thậm chí chẳng thèm đoái hoài đến tôi. Khi người khác cau mày khó chịu hay chĩa thẳng những lời lẽ cay nghiệt vào tôi, sự tự tin và lòng tự trọng trong tôi lại sụt giảm thêm một ít. Và sự thật là việc đó đã xảy ra rất nhiều lần. Nếu không được nói chuyện trực tiếp với người khác, tôi lại cảm thấy mình trở nên vô hình vì tôi đã thử tìm kiếm cử chỉ giao tiếp bằng mắt của họ và chẳng thấy gì cả.
Trong nhiều năm trời, tôi tự đánh giá bản thân hoàn toàn dựa trên những nhận xét mình nhận được từ người ngoài. Hiếm khi nào tôi được hưởng sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương từ người khác. Mỗi lần nhận ra điều đó, tôi đều cảm thấy mình thấp hèn và thảm hại. Thật xấu hổ phải thừa nhận rằng tôi đã sống như thế nhiều năm ròng rã. Điều giúp tôi thấy dễ chịu hiện nay là không còn thái độ của bất kỳ ai có thể điều khiển hành động hay cảm nhận của tôi về bản thân, cho dù người đó là cha mẹ, cấp trên hay chồng con của tôi chăng nữa. Tôi đã mất một thời gian dài để hiểu ra điều này, một khoảng thời gian dài hơn để chấp nhận sự thật và nhiều năm nỗ lực để lĩnh hội được nó một cách sâu sắc. Và bù lại, tôi đã có được sự tự do mình hằng ấp ủ, và tôi biết mình sẽ không bao giờ để mất cảm giác tự do ấy.
Đừng lệ thuộc vào ý kiến của người khác
Nhiều người trong chúng ta từ lâu đã quen đối phó với cuộc sống và hoàn cảnh thay vì tự mình hành động. Chúng ta để thái độ của người khác chi phối cảm nhận của mình về bản thân. Để có thể chọn lựa hành động một cách tỉnh táo thay vì đối phó, chúng ta cần phải có sự suy nghĩ chín chắn. Sẵn sàng chịu trách nhiệm về bản thân, cam kết giữ vững lập trường thay vì phụ thuộc vào ý kiến của người khác là những điều góp phần thiết lập nên cái nhìn tổng quát về bản chất của mỗi cá nhân. Đối với nhiều người, có lẽ đây là một bước tiến vĩ đại.
Khi quyết định chịu trách nhiệm về bản thân và cố gắng kiểm soát mọi hành động, cảm xúc cho phù hợp với từng hoàn cảnh, chúng ta đã tạo tiền đề cho việc hình thành những mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều người sẽ tỏ ra không thích “sự độc lập” mà chúng ta chọn lựa, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn khả năng kiểm soát hành động của chúng ta nữa. Việc giải phóng bản thân khỏi sự kiểm soát của người khác sẽ có lợi cho cả hai bên. Mỗi lần áp dụng cách cư xử mới này, bạn sẽ cảm nhận được nguồn sức mạnh tiềm ẩn mà bạn chưa từng biết mình đang sở hữu.
Hằng ngày, rất nhiều cơ hội vẫn xuất hiện bên cạnh bạn. Tận dụng chúng để hành động thay vì đối phó với sự biến động không ngừng của cuộc sống sẽ giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi khi đứng giữa những kẻ luôn muốn hạ bệ chúng ta.
Hành động thay vì đối phó không chỉ hữu ích trong những cuộc chạm trán gay go. Và việc tự giác chịu trách nhiệm về hành vi của mình là một yêu cầu quan trọng. Bài học rút ra ở đây là chúng ta hoàn toàn có quyền quyết định cách thức hành động của mình trong bất kỳ tình huống nào, và sau đó thực hiện chúng!
Phản ứng tức thời - một sai lầm
Thoạt đầu, tôi không định phân tích luận điểm này. Song, kinh nghiệm bản thân cho thấy nó quá quan trọng nên tôi không thể bỏ qua được.
Trong gia đình tôi, phản ứng tức thời rất phổ biến và luôn đi kèm sự giận dữ. Thật không may, tôi và em trai lại hay dính vào kiểu phản ứng này, đến nỗi đã thành bản năng mỗi khi giao tiếp với người khác. Tôi sớm nhận ra rằng, dành thời gian suy nghĩ trước khi hành động lúc nào cũng có ích hơn nhiều so với phản ứng tức thời. Những hành động hấp tấp của chúng ta thường rất khó lường trước hậu quả, mặc dù không phải lúc nào cũng sai. Đôi khi chúng phù hợp, nhưng thường thì chúng sẽ khiến sự việc rối tung lên. Chỉ khi nào rơi vào tình huống nguy hiểm cận kề thì bạn mới phải quẳng sự thận trọng sang một bên và phản ứng thật mau lẹ. Và ngay cả trong những trường hợp đó, lựa chọn tốt nhất vẫn là suy nghĩ kỹ lưỡng và tập trung chú ý trước khi hành động.
Nhưng làm thế nào chúng ta tránh được kiểu phản ứng tức thời? Câu trả lời là: hít thở thật sâu trước khi hành động. Nghe có vẻ quá đơn giản và hiển nhiên nhỉ? Thế mà đó lại là giải pháp hiệu quả mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần bạn hít một hơi thật sâu và sau đó, cách nhìn nhận của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ thấy mình không còn bị áp đảo về cảm xúc nữa và nhận thức được sự bình yên trong tâm hồn.
Sự kết hợp giữa một cách nhìn mới, những cảm xúc trong sáng và sự bình yên trong tâm hồn chắc chắn sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn. Điều này tiếp tục mang đến cho chúng ta sự trợ giúp vững vàng trong những tình huống khó khăn và đầy áp lực. Một lợi ích khác của việc hít thở thật sâu trước khi hành động là làm giảm bớt mức độ trầm cảm của chúng ta, nói cách khác là có lợi đối với sức khỏe về lâu dài. Và cuối cùng, theo quan điểm của tôi, lợi ích quan trọng nhất của cách cư xử ôn hòa trong mọi tình huống là chúng ta đã góp phần tạo nên sự bình yên và hạnh phúc cho tất cả những người hiện diện quanh mình.
Hành động ôn hòa của chúng ta cũng là một tấm gương tuyệt vời cho những người khác để họ học tập và tạo thói quen cư xử hòa nhã trong bất kỳ tình huống nào.
Tách khỏi chuyện của người khác
Bận tâm chuyện của người khác rõ ràng không phải là nhiệm vụ chúng ta cần làm, mặc dù đôi khi, nó tỏ ra đầy cám dỗ. Mỗi chúng ta phải tự thực hiện hành trình của riêng mình, và ngay cả khi người ta yêu thương dường như sắp đưa ra quyết định sai lầm cho một vấn đề quan trọng thì bạn vẫn không thể can thiệp để xoay chuyển tình thế, trừ khi người đó thật lòng hỏi ý kiến bạn. Hơn nữa, quan tâm đầy đủ đến việc của riêng mình thôi cũng đã đủ khiến bạn bận rộn.
Mỗi khi có ý muốn điều khiển, chỉnh sửa hay phán xét những việc người khác đang hoặc sắp làm, hãy gạt nó đi ngay lập tức. Đó là một lựa chọn khôn ngoan. Thậm chí, nếu bạn cho rằng kế hoạch của người khác là nguy hiểm, liều lĩnh hay điên rồ, thì bạn vẫn không có trách nhiệm phải cố gắng thay đổi suy nghĩ của họ.
Quan niệm có vẻ thờ ơ này dường như quá lạ lẫm. Chúng ta nghĩ rằng “nhúng mũi” vào cuộc sống của người khác là một cách thể hiện sự quan tâm và yêu thương; chúng ta muốn chỉ ra cho họ cách giải quyết đúng đắn khi họ gặp khó khăn hay giúp tìm hướng đi để họ thoát ra một cuộc xung đột nào đó; chúng ta muốn “cứu” họ khỏi những sai lầm mình từng phạm phải và nhờ vậy, họ sẽ tránh được một vài nỗi đau mà ta đã nếm trải. Chẳng phải chúng ta chỉ muốn thể hiện lòng trắc ẩn thôi sao? Có gì sai trái chứ?
Cái sai là ở chỗ chúng ta đang ngăn cản họ học điều cần thiết và hành động theo ý nguyện của chính họ. Chúng ta biết đến thế giới nhờ những gì đôi mắt, trí óc và trái tim mình cảm nhận được. Chúng ta phải chấp nhận rằng những người xung quanh cũng dựa vào đôi mắt, trí óc và trái tim của họ để nhìn thấy thế giới họ muốn và trải qua bài học họ cần. Thậm chí, nếu chúng ta thật sự hiểu rõ hoàn cảnh của người khác nhờ đôi mắt khách quan của mình thì ta vẫn không có quyền hạn hay trách nhiệm điều khiển hành động của họ. Mỗi người đến với cuộc đời này là để hoàn thành khóa học của riêng mình; chúng ta hãy chấp nhận sự thật này.
Lần đầu tiên tôi nghe câu nói “Chúng ta đến với cuộc đời này là vì những bài học dành riêng cho mỗi người” là khi tôi mới cai nghiện xong. Tôi cảm thấy quá lạ lẫm với ý nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có con đường hạnh phúc đặc biệt và duy nhất, khác với con đường của bất kỳ ai xung quanh; rằng chúng ta gặp những người mình cần gặp để học những điều mình cần học. Thật lòng, tôi đã hơi hoảng sợ vì ý nghĩ này. Ngay lập tức, tôi nhớ lại những lần suýt chết hay tan vỡ trong đời, và tôi không biết mình phải làm sao để thấy được những trải nghiệm đó mang đến ý nghĩa gì.
Thật may mắn vì lúc đó, một người bạn tốt của tôi đã gợi ý rằng tôi đừng cố gắng phân tích nó nữa mà thay vào đó, hãy gạt sang một bên sự hoài nghi để xác nhận nó. Cô ấy đề nghị tôi bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng biết ơn với mọi biến cố đã xảy ra và cô ấy nói thêm rằng, sự trân trọng những người từng xuất hiện trong đời, từ quá khứ đến hiện tại, sẽ giúp tôi nhìn nhận họ với góc độ hoàn toàn khác.
Cô ấy đã đúng! Biết ơn những điều đã và đang xảy ra, bất chấp mọi hoàn cảnh, là một vũ khí mạnh mẽ có khả năng biến đổi cuộc đời của ta cũng như mọi cuộc đời ta từng chạm đến. Thêm vào đó, chúng ta phải để cho tất cả những ai đang đi bên cạnh mình trên cùng con đường được tự do trải qua bài học của họ, mà không có bất kỳ sự can thiệp nào. Hãy để người khác nuôi dưỡng lòng tri ân đối với cuộc sống, nếu chúng ta muốn hoàn thành phần nhiệm vụ đã được dành riêng cho mỗi người.
Tránh thói quen đổ lỗi
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ điệp khúc tuổi thơ của mình: “Nó bắt con làm vậy đấy”. Bất cứ khi nào làm điều gì sai trái, nhưng lại muốn tránh đòn roi của cha mẹ, tôi đều gán tội cho em trai mình. Tuy nhiên, thật may mắn cho em tôi vì chẳng mấy khi cách đó có hiệu quả. Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu ra rằng, đổ lỗi cho người khác còn tồi tệ hơn là làm điều sai trái. Đó là sự dối trá, thiếu tự trọng và vô nhân đạo. Nhưng trên hết, nó cản trở tôi gặt hái sự tiến bộ - vốn chỉ có được khi ta dám chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Có lẽ đến giờ phút này, tôi đã thôi không đổ lỗi cho người khác vì những bất hạnh của mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thoát khỏi cách xử sự này. Nếu bạn nằm trong số ấy, bài học quan trọng cần nhớ là không có ai từng là nguyên nhân gây ra những hành vi của bạn, và bạn cũng chưa bao giờ là lý do của người khác. Cho dù chúng ta sẵn sàng bảo vệ điều ngược lại đến mấy thì đây vẫn là sự thật.
Chúng ta sống trong một nền văn hóa mà việc quy tội cho người khác vì hành động của mình dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Những vướng mắc quân sự của nước Mỹ trong suốt nhiều năm qua là ví dụ đầu tiên. Một số người sẽ phản đối rằng nước Mỹ không có quyền lựa chọn trong những vấn đề như chiến tranh, vũ khí hạt nhân... nhưng trái lại, tôi cho rằng luôn có sự lựa chọn, dù rất khó khăn. Tương tự, chúng ta bào chữa cho những cuộc chiến cá nhân bằng cách xuyên tạc hành động của người khác. Chính vì không sẵn lòng gánh trách nhiệm về bản chất con người, về cách suy nghĩ và hành động của mình mà chúng ta sa lầy trong bất hòa, và cái vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn. Mọi thứ vẫn như cũ nếu không có sự thay đổi.
Đó là lý do vì sao bạn cần phải nhớ rằng mình luôn có quyền lựa chọn, có cơ hội để thay đổi bản thân. Khi dám thay đổi, bạn sẽ khuyến khích những người khác đổi mới theo. Hãy cân nhắc điều này mỗi khi giao tiếp với bất kỳ ai. Mỗi cuộc tiếp xúc đều đem đến cho chúng ta cơ hội để thể hiện hoặc chống lại quyết tâm “tự chịu trách nhiệm”. Nếu lựa chọn chịu trách nhiệm, bạn sẽ nhận ra cảm giác được giải thoát khỏi lo lắng về tương lai hoặc lối cư xử cũ kỹ. Hơn nữa, bạn sẽ nhận thức được sức mạnh của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại và trong những tình huống sắp tới.
Phát huy sức mạnh mới này phần nào đồng nghĩa với việc từ chối bào chữa cho cách cư xư của người khác, đồng thời giúp bạn từ bỏ thói quen đổ lỗi lên ai đó vì hành động của mình. Điều này sẽ biến đổi cuộc đời bạn! Không lặp lại sai lầm là một thử thách khó khăn, vì tật cũ khó bỏ. Nhưng bạn còn toàn bộ khoảng thời gian phía trước để nỗ lực trở thành con người đúng như mình mong muốn. Tôi biết bạn rất nóng lòng, nhưng đừng mất kiên nhẫn với bản thân hay bất kỳ ai khác.
Miễn là bạn đang từng bước tiến triển, rồi một ngày nào đó, bạn sẽ chạm tới cái đích cuối cùng theo đúng như dự định. Mức độ tiến triển sẽ được nhận biết thông qua cảm giác tự do bạn đang có trong mối quan hệ với người khác. Và tấm gương của bạn sẽ giúp những người vẫn còn thích chơi trò đổ thừa thấy rằng: luôn có một lối đi khác để trải nghiệm cuộc đời - lối đi nuôi dưỡng sự bình yên và lòng tri ân.
Đừng để người khác quyết định cảm xúc của bạn
Lớn lên trong một gia đình với người cha bạo lực và người mẹ cam chịu tận cùng sự đọa đày đã nhào nặn tôi thành con người luôn để cho tâm trạng của người khác sai khiến cảm xúc của mình. Cha tôi nhất định đòi tất cả chúng tôi phải có niềm tin giống như ông ấy, chấp nhận từng quan điểm cứng nhắc của ông và sống theo luật lệ ông đặt ra. Tôi không hay biết rằng mình vẫn có những lựa chọn khác.
Mọi việc trong gia đình tôi là như thế cho đến khi tôi bắt đầu nổi loạn. Từ năm 14 tuổi cho đến năm 36 tuổi, tôi là kẻ nổi loạn trong gia đình, đối đầu với cha trong những trận chiến mà không một ai khác dám tham dự. Suốt thời gian đó, tôi lúc nào cũng đưa ra các lựa chọn đối lập với từng khía cạnh những điều cha muốn áp đặt lên tôi.
Tôi không hề tự hào về sự thật này chút nào, bởi giờ đây, tôi đã biết là luôn có cách tốt hơn để khẳng định bản thân, thay vì những cuộc nổi loạn đầy đau khổ đó. Nhưng tôi chia sẻ quá khứ với các bạn vì nó thể hiện rõ ràng sự tự nguyện của tôi khi để tâm trạng của người khác chi phối cảm xúc và hành động của mình. Điều khiến tôi băn khoăn hiện nay là mặc dù hoàn toàn không nghiện rượu, cha tôi vẫn luôn chịu đựng sự phiền muộn, chán nản và thể hiện rất nhiều triệu chứng của một người sống trong môi trường nghiện rượu. Có lẽ cách cư xử của ông ấy là kết quả một phần từ di truyền và một phần từ sự dạy dỗ, giống như tôi.
Ở chương trước, tôi có nhắc đến “căn bệnh” đối phó với hành động của người khác. Nhưng tôi muốn phân tích lại lần nữa, vì nó liên quan tới luận điểm tôi đang đề cập. Trẻ em cũng như người lớn đều dễ bị mắc kẹt trong nhịp điệu tâm trạng của người khác; và việc chúng có nổi loạn giống như tôi không, chưa phải là vấn đề mấu chốt. Tuy nhiên, khi hành vi của một người dễ dàng bị chi phối bởi tâm trạng của người khác, nó sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp và tác động lên vô số người trong cùng một lúc.
Bạn hãy nhớ rằng, tâm trạng của một cá nhân chỉ phản ánh duy nhất bản chất của cá nhân đó, ngoài ra không còn gì khác. Tiếp xúc với những người thường xuyên ở trong tâm trạng tồi tệ hay vô cảm lại càng khiến lòng khát khao được yêu mến, được tán thành, được công nhận giá trị của chúng ta trở nên mãnh liệt hơn. Chúng ta rất dễ bị điều đó thu hút. Nhưng ta không thể và thậm chí không nên thử thay đổi tâm trạng của người khác. Sự thật là vậy đấy! Điều duy nhất ta có thể làm là thay đổi thái độ của mình với những người xung quanh. Hoặc ta có thể chọn cách tránh xa những ai đang trong tâm trạng tồi tệ. Làm như vậy, đảm bảo chúng ta sẽ không bị sự buồn rầu của họ khiêu khích - khiến ta hành động một cách bốc đồng.
Chúng ta hoàn toàn có khả năng định đoạt hạnh phúc của mình. Không có ai kiểm soát chúng ta. Không có ai để ta đổ lỗi. Không có ai gây áp lực. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tâm trạng của bản thân. Bất cứ niềm hạnh phúc nào ta cảm nhận được từ các mối quan hệ trong cuộc sống đều không phải là kết quả đến từ vận may, càng không đến từ sự chú ý, tận tụy, vui vẻ của người khác đối với ta; mà đó là kết quả đến từ sự tận tụy của chúng ta đối với bản thân. Hãy trân trọng điều đó! Chìa khóa mở ra quãng đời còn lại của chúng ta đúng như ta mong muốn chính là chấp nhận sự thật rằng: Chúng ta phải chịu trách nhiệm về bản thân, và chỉ bản thân chúng ta mà thôi.