Tự nguyện vứt bỏ thói quen phán xét người khác là yếu tố cần thiết để chúng ta góp phần kiến tạo nên một thế giới hòa bình. Điều đó đòi hỏi chúng ta thay đổi lối cư xử đã ăn sâu vào tiềm thức. Tất cả chúng ta dường như đều quá quen thuộc với những lời phán xét của mình, đến nỗi không kịp nhận ra mình vừa để chúng tuôn khỏi miệng. Nghiêm trọng hơn, chúng ta thường không ý thức được mình chính là người tạo ra mọi suy nghĩ của bản thân. Các ý nghĩ xuất hiện một cách tinh vi, đến nỗi ta có thể vờ như mình không liên quan đến chúng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật: Con người nắm quyền sở hữu cũng như loại bỏ mọi suy nghĩ trong đầu mình.
Muốn chấm dứt thái độ phán xét, trước hết, chúng ta cần tìm một thái độ khác để thay thế. Điều tốt nhất chúng ta nên rèn dũa là lòng tri ân. Nó có thể làm thay đổi mọi sự việc và mọi con người, trong đó có bạn và tất cả những ai từng bị bạn phán xét trước đây. Thái độ biết ơn cho phép chúng ta nhận ra sự cần thiết của mỗi cá nhân xuất hiện trên con đường của mình và xem họ như là cơ hội để ta thể hiện tình yêu thương vô điều kiện. Bạn thấy đấy, phán xét và yêu thương là hai phạm trù đối kháng nhau, chúng không thể cùng tồn tại. Trong mỗi thời điểm, chúng ta chỉ thể hiện một trong hai thái cực đó mà thôi. Hiếm khi nào chúng ta giữ được quan điểm khách quan trong việc nhìn nhận các biến cố của mình. Thể hiện tình yêu thương vô điều kiện và quan tâm đến người khác nhiều hơn mới đích thực là nhiệm vụ đúng đắn chúng ta cần thực hiện trong cuộc đời này. Không ai có thể thực hiện nhiệm vụ ấy giúp chúng ta. Không ai có thể ngăn cản chúng ta hoàn thành nó. Tất cả mọi người đều được hưởng lợi ích mỗi khi ai đó trong chúng ta dành một chút nỗ lực để sẵn sàng dâng hiến yêu thương, thay vì phán xét.
Sự phán xét: “Gậy ông đập lưng ông”
Sự phán xét người khác phản ánh cảm nhận của chúng ta về bản thân. Nhận định này thường bị mọi người gạt đi một cách mau chóng, bởi chúng ta luôn nghĩ rằng mình không thể nào mang những nét tính cách mà ta không thích ở người khác. Suy nghĩ đó đã cản trở mọi biểu hiện của tình yêu. Nó đẩy chúng ta tách khỏi bạn bè, gia đình và làm tăng thêm cảm giác thua kém - khiến ta luôn muốn phán xét người khác.
Sự phán xét chắc chắn đang ngầm phá hoại mọi kỷ niệm chúng ta có trong gia đình, với bạn bè hay thậm chí với một người xa lạ. Có lẽ điều tôi sắp nói đây sẽ khiến bạn khó hiểu, nhưng căn nguyên của sự phán xét chính là nỗi sợ hãi. Chúng ta không thể giải phóng mình khỏi thói quen phán xét chừng nào chưa thừa nhận sự tồn tại và nắm rõ nguồn gốc của nỗi sợ hãi.
Thật may mắn bởi khi tập trung tinh thần để kết nối với cuộc sống, để nhận thức rõ ràng sư độc lập của mình với người khác, chúng ta sẽ tự động kéo mình tránh xa sự phán xét - nó chỉ có thể nảy sinh khi tâm hồn chúng ta không khỏe khoắn. Và chúng ta cần nuôi dưỡng cảm xúc của yêu thương, của đoàn kết để loại bỏ hoàn toàn sự phán xét, không cho nó cơ hội lại gần.
Khi quyết tâm xây dựng tình yêu thương vô điều kiện - một bài tập không hề dễ dàng, tôi bỗng nhận ra mình có rất nhiều điểm tương đồng với những người xung quanh, và thói quen phán xét của tôi giảm đi rõ rệt. Các bạn hãy gạch chân từ “thói quen” nhé! Phán xét có thể trở thành thói quen và tình yêu vô điều kiện cũng vậy, mặc dù khó hơn một chút. Một phương pháp rất có hiệu quả với tôi là thể hiện một cư chỉ yêu thương nào đó thật chân tình mỗi khi có ý nghĩ phán xét thoáng qua trong đầu. Nếu thấy mình bị sự phán xét bủa vây, bạn hãy làm như vậy. Ngay lúc cảm thấy sự phán xét manh nha xuất hiện, hãy bày tỏ ngay tình yêu vô điều kiện của bạn.
Giũ bỏ nỗi sợ hãi
Tôi nghĩ mình nên phân tích kỹ hơn luận điểm: Nỗi sợ hãi luôn nấp đằng sau sự phán xét tiêu cực của chúng ta. Tại sao ta sợ? Và sợ cái gì? Vấn đề sẽ được làm rõ ngay sau đây.
Nỗi sợ phát triển từ sự so bì của chúng ta với những người xung quanh. Chúng ta nghĩ rằng ai cũng giỏi giang, nhiều “tài năng” hơn mình. Và chính vì cảm giác thua kém ấy mà vô tình hay cố ý, chúng ta muốn ngầm phá hoại sự tự tin và công sức của họ trong tất cả mọi hoạt động có mình tham gia. Chúng ta tưởng rằng sự phán xét của mình - đồng thời với hy vọng đối phương gặp phải rủi ro - sẽ giúp nâng cao giá trị của bản thân; hoặc chí ít thì chúng ta cũng cảm thấy như vậy trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Quả là một lựa chọn hết sức tiêu cực! Nhưng hãy nhìn vào nền văn hóa của chúng ta và cả mọi nền văn hóa khác, chúng ta có thể thấy ngay lối nhận thức này đã thịnh hành đến mức nào.
Phương hướng giải quyết vấn đề này là thay đổi lối tư duy cũ kỹ ấy bằng một nhận thức mới mẻ hơn: Điều tất cả chúng ta đang nhận được không phải sự phán xét mà là tình yêu thương vô điều kiện. Chúng ta có thể tin vào điều đó vì cuộc sống vẫn luôn ban phát tình yêu thương cho mọi người một cách hào phóng.
Nếu chúng ta lựa chọn nhìn nhận tình yêu thương như chiếc chìa khóa vạn năng - có thể thay đổi bản thân sâu sắc từ trong ra ngoài, cũng như thay đổi tất cả những ai ta từng tiếp xúc - thì rèn luyện tình yêu thương vô điều kiện thay vì phán xét là một bài tập khá thú vị. Tôi xin nhắc lại, vấn đề cốt yếu là thay đổi tư duy của bạn và chờ đợi cuộc sống thay đổi theo!
Sự phán xét giam hãm bạn
Chúng ta thường tự nhủ mình không hề phán xét mà chỉ quan sát người khác thôi. Nhưng đó chẳng khác nào một lời nói dối. Tập trung chú ý vào sự thất bại, sự hèn hạ của người khác đồng nghĩa với việc ta đang thổi phồng chúng lên qua mức, từ đó, làm tổn thương họ.
Tất nhiên, điều ngược lại cũng có tác dụng tương tự. Nếu lựa chọn nhìn vào điểm tốt vốn dĩ luôn tồn tại trong người khác, chúng ta sẽ củng cố thêm điểm tốt ấy cho họ, cho bản thân chúng ta cũng như cho cả cộng đồng; chúng ta sẽ giúp những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé nhất, lan tỏa khắp nơi. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn nhìn vào điểm tốt trong mọi người. Đó là lối tư duy ta nên rèn luyện vì lợi ích của cả xã hội.
Thật may mắn vì chúng ta có thể cảm nhận được lợi ích của sự chuyển biến này ngay lập tức. Đôi khi, ta cần phải quyết định lại; nhưng mỗi khi chọn lựa nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác, thay vì chú tâm vào khiếm khuyết, chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên tốt bụng hơn, khoan dung hơn. Và điều đó sẽ tiếp sức cho hy vọng. Sự tự tin, hạnh phúc và lòng nhiệt thành của ta càng tăng lên bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy cuộc sống thanh thản bấy nhiêu.
Một vài người còn tin rằng, khi nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác là chúng ta đã làm trọn ý nguyện của Thượng đế, bởi lẽ đó chính là cách Thượng đế nhìn nhận con người. Dù ý tưởng này phù hợp với niềm tin của bạn hay không cũng chẳng quan trọng. Lời khuyên mấu chốt tôi muốn đề cập ở đây là chúng ta cần ý thức được rằng, tâm trạng của mình sẽ thay đổi khi ta cư xử một cách hòa nhã và nhiệt tình với mọi người xung quanh, thay vì hạ thấp họ bằng các phán xét. Bạn nên biết con người luôn cảm nhận được sự phán xét dù có thể họ không nhìn thấy hay nghe thấy. Nói một cách đơn giản, thái độ phán xét khiến thế giới của chúng ta nhỏ hẹp. Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung.
Có thể bạn vẫn cho rằng có nhiều thứ chúng ta không thể thay đổi được. Trái lại, tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi bất cứ điều gì nếu ta tìm đến đúng nguồn trợ giúp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có lòng quyết tâm theo đuổi nhận thức mới và sẵn sàng thực hiện mọi công việc được yêu cầu. Bạn có thể làm được điều đó. Tôi chính là bằng chứng đây!
Phán xét cản trở mọi mối quan hệ
Chúng ta chưa thể cảm nhận cuộc sống bình yên chừng nào còn tiếp tục phán xét người khác. Chỉ cần một lời phán xét thôi cũng đủ làm tổn thương tất cả các mối quan hệ của chúng ta. Dường như phát biểu này là quá nặng nề. Nhưng tôi cố ý nhấn mạnh như vậy vì bạn cần phải ghi nhớ nó nằm lòng. Cách ta đối xử với một người tác động đến tất cả mọi người. Khi phán xét người khác, chúng ta không thể bày tỏ tình yêu, lại càng không thể nuôi dưỡng cảm giác bình yên trong cuộc sống của riêng mình và cả cuộc sống của những người đang chia sẻ hành trình với chúng ta nữa. Bị giam hãm trong những thành kiến, chúng ta sẽ chặn đứng dòng chảy tự nhiên của sự phát triển, và điều này cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống của những người xung quanh chúng ta.
Nếu phán xét tai hại như vậy, tại sao chúng ta cứ thích thú và hăm hở phán xét? Theo tôi, cách đơn giản nhất để lý giải điều này là hãy tưởng tượng bộ não của chúng ta đang được xẻ làm đôi. Ở một bên là cái tôi ích kỷ. Bên còn lại là cội nguồn của tình yêu. Việc tưởng tượng này giúp chúng ta đơn giản hóa câu hỏi về tiếng nói mình cần lắng nghe trong mỗi khoảnh khắc. Trong mỗi khoảnh khắc, tôi chỉ có thể lắng nghe một tiếng nói duy nhất, hoặc bên này hoặc bên kia trí óc. Tiếng nói của cái tôi ích kỷ luôn ồn ào, và nó sẵn sàng tách tôi ra khỏi mọi người. Nó không bao giờ vẽ tôi thành con người hiền hòa hay tốt bụng với bất kỳ ai.
Cảm giác xa cách, được củng cố thêm bằng những phán xét bất công và cay nghiệt, chính là “chất liệu” dệt nên những mối bất hòa. Mỗi lần cho phép suy nghĩ của mình bị dẫn dắt bởi cái tôi ích kỷ thay vì cội nguồn của tình yêu - vốn luôn hiện hữu - chúng ta đã khiến các mối bất hòa trở nên trầm trọng hơn; và chúng sẽ tái diễn hết lần này đến lần khác cho đến khi mọi mối quan hệ đều trở nên ngột ngạt.
Cách ta đối xử với một người tác động đến tất cả mọi người và kết quả là họ sẽ có cách đáp trả tương xứng! Chu kỳ này cứ tiếp tục diễn ra cho đến một lúc nào đó, chúng ta kiên quyết nỗ lực để thay đổi. Mỗi lần đưa ra một lựa chọn hòa bình và quả quyết hơn, chúng ta đã đóng góp một phần quan trọng để thay đổi thế giới. Tôi hoàn toàn tin đó là sự thật.
Chọn hòa bình thay vì chiến thắng
Chúng ta hãy phân tích sâu hơn luận điểm này. Nhờ có các mối quan hệ mà chúng ta mới trưởng thành và học hỏi được những điều mình cần. Trong cuốn sách có tựa đề Sacred Contracts, Caroline Myss cho rằng trước khi sinh ra, trong sự kết nối với các tâm hồn khác, mỗi chúng ta đều đã xác định điều mình muốn học cũng như các biến cố mình muốn trải qua để thu nhặt những bài học kinh nghiệm. Dù bạn có đồng tình với ý kiến này hay không thì nó vẫn giúp chúng ta đưa ra lời giải thích cho nhiều tình huống không mong đợi mà mình mắc phải. Nếu chú tâm xây dựng quan niệm rằng mọi trải nghiệm ta có đều được chọn lựa từ trước, kể cả những cái ta không nhớ mình đã chọn, thì cũng sẽ đến lúc chúng ta sẵn sàng chấp nhận và tiếp thu nó. Tôi nghĩ là đôi khi chúng ta còn cảm thấy thích thú với nó.
Nhìn nhận các mối quan hệ - như là đã được chọn lựa trước - bằng cách nào đó cho phép chúng ta nhận ra ý nghĩa sự hiện diện của chúng trong cuộc đời mình, thay vì chống lại sự hiện diện đó và phán xét tất cả những người có liên quan. Nhờ lối tư duy cởi mở này mà chúng ta nhận thức được rõ ràng tại sao mình và những người khác đang ở đây. Cuộc sống chứa đầy những bí ẩn lý thú; mỗi cái đều được viết riêng cho định mệnh của chúng ta. Nếu nắm bắt được quan niệm này, dù chỉ trong chốc lát, chúng ta sẽ nhìn lại quá khứ theo một chiều hướng hoàn toàn khác, và dễ dàng nhận ra tương lai tươi sáng của mình.
Trân trọng mọi trải nghiệm ta từng chia sẻ với người khác là con đường duy nhất để chúng ta thỏa mãn nỗi khao khát bình yên, một nỗi khao khát mà tôi nghĩ là ai cũng có. Chỉ cần quan tâm đến việc thực hiện mọi thứ cần thiết nhằm hàn gắn một mối quan hệ là chúng ta có thể giảm bớt sự căng thẳng trong đời sống một cách diệu kỳ.
Làm cách nào chúng ta thực hiện điều này?
Mỗi khi bất hòa bắt đầu nổi lên, hãy im lặng. Bạn nên tin rằng giữ hòa khí chắc chắn có lợi hơn giành chiến thắng hay tự động rút lui khỏi trận chiến. Bày tỏ tình yêu và lòng khoan dung, mặc kệ mọi lời xúi giục của cái tôi ích kỷ. Hãy là người tử tế cho dù người khác đối xử với bạn có tốt hay không. Nếu không làm đúng theo các lời khuyên này, xu thế bất hòa sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Hãy yêu quý các mối quan hệ như thể đó là cơ hội duy nhất bạn có để hành động theo ý nguyện của Thượng đế. Chỉ riêng suy nghĩ này đã có thể thay đổi mọi thứ trong cuộc sống của bạn theo chiều hướng tích cực. Tôi nhớ có một câu thành ngữ như sau: “Cuộc sống vốn ngắn ngủi, món ngon nên ăn trước”. Gửi tình yêu của chúng ta đến tất cả những ai mình từng gặp gỡ chính là một “món ngon”, bởi nó khiến mỗi giây phút của cuộc sống thêm ngọt ngào. Hơn nữa, nó còn mang sự ngọt ngào đến với hành trình của tất cả những người đang đi cùng với chúng ta.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là đối xử thật tốt với nhau. Dù bạn làm công việc gì, phi công, giáo viên, nhân viên bán hàng hay lính cứu hỏa, thì sứ mệnh duy nhất bạn cần phải hoàn thành trong đời là bày tỏ tình yêu thương thay vì sự phán xét. Tôi biết đó là một việc khó khăn, đặc biệt là khi ta đang đối đầu với sự giận dữ, coi thường, bỏ rơi hay tệ hơn nữa là sự triệt hạ. Nhưng cơ hội để ta thể hiện tình yêu thương vẫn tiếp tục hiện hữu, và nó sẽ xuất hiện trong rất nhiều, rất nhiều hình thái khác nhau, trong đó có cả những điều tưởng chừng không đáng để ta phí phạm tình yêu của mình chút nào. Và đây thật sự là một thử thách: tiếp tục bày tỏ sự yêu thương ngay cả khi ta thấy người khác không đáng nhận được nó.
Tôi đã nhiều lần khám phá ra rằng, bất kỳ những gì bạn từng từ chối yêu thương sẽ có lúc tái xuất hiện trong cuộc đời bạn. Có thể nó không quay lại trong hình dáng cũ nhưng các sự kiện xảy ra là tương tự nhau. Cơ hội tốt nhất để chúng ta trưởng thành lại thường nằm trong chính những mối quan hệ căng thẳng bị ta đối xử một cách cay nghiệt. Quả là một thử thách thú vị phải không? Sự thật là bạn không thể chạy trốn những bài học của cuộc đời mình. Đến lúc nào đó, bạn sẽ cần đến chúng.
Ngừng phán xét, vì lợi ích của chính bạn!
Các bạn hãy nhớ lại cảm giác của mình khi chỉ trích người khác. Bạn thấy xấu hổ? Bối rối? Nhỏ nhen? Nói chung là không dễ chịu chút nào. Cách tốt nhất để tránh được những cảm giác này là hãy cân nhắc điều bạn sắp nói trước khi nó vuột ra khỏi miệng. Nếu nó để lại trong bạn cảm giác ghê sợ và khó chịu thì đừng nói ra!
Những lời chỉ trích phản ánh cách ta cảm nhận về bản thân; chúng che giấu nỗi sợ rằng ta không vượt qua nổi. Điều mỉa mai là mỗi lần phán xét người khác, chúng ta lại càng thổi phồng cảm giác thua kém mà mình đang cố chạy trốn hoặc phủ nhận. Chính vì thế, cách cư xử này hóa thành một cái vòng luẩn quẩn. Chỉ trích người khác, chúng ta thấy hổ thẹn, nhưng chúng ta lại chỉ trích nhiều hơn, với hy vọng rằng sự phá hoại ngấm ngầm ấy sẽ nâng cao giá trị của mình, giúp mình giảm bớt cảm giác bất an. Nhưng đã bao giờ cách này có hiệu quả? Nó giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân chăng? Không hề! Vậy tại sao ta làm vậy?
Chừng nào tâm trí của chúng ta còn bị vùi lấp trong sự phán xét thì cảm giác bình yên mà ta đang theo đuổi sẽ không bao giờ trở thành sự thật, dẫu là với cá nhân chúng ta hay với cộng đồng.
Lựa chọn đối xử tử tế với những người xuất hiện trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ củng cố thêm lòng tự trọng, giá trị bản thân và ý thức về tình yêu vô điều kiện. Điều đó rồi sẽ thúc đẩy chúng ta quyết tâm thực hành những lựa chọn này lần nữa. Mỗi lần bạn thực hiện điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt đối với ít nhất hai người: bạn và người được nhận sự tử tế, tốt bụng từ bạn. Tôi tin rằng mọi luận điểm và lời khuyên trong cuốn sách này, bao gồm sự lựa chọn hành động theo tình yêu, đều mang lại lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ngay lúc này đây, lợi ích đầu tiên cho tôi và các bạn là cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đó chẳng phải là lý do quan trọng nhất để ta thay đổi hay sao?