Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta đã bàn nhiều về việc sống có trách nhiệm với bản thân và gạt bỏ ý muốn kiểm soát người khác. Nhưng nỗi ám ảnh được nắm quyền kiểm soát những người xung quanh thường rất mạnh mẽ. Nó xuất hiện trong mối quan hệ của chúng ta với con cái, vợ/chồng, bạn bè, thậm chí cả nhân viên hay cấp trên. Đôi lúc, nỗi ám ảnh ấy mãnh liệt đến mức chúng ta công khai thể hiện quyền hành của mình. Tất nhiên, có rất nhiều lý do để giải thích điều đó và trong phạm vi của chương này, chúng ta chỉ xem xét vài lý do thôi.
Theo quan điểm của tôi, lý do thường thấy nhất là vì chúng ta nghĩ rằng, thành công trong việc kiểm soát người khác sẽ giúp ta giữ chặt lấy họ, khiến họ luôn cần sự hiện diện của ta và nhờ vậy, ta mới cảm thấy được yêu thương. Trong trường hợp này, lòng ham muốn nắm quyền kiểm soát chính là một kiểu phòng thủ giúp ta chống lại cảm giác bất an và thiếu thốn. Thế nhưng ta càng cố kiểm soát người khác thì họ lại càng không muốn dính dáng gì đến ta. Khao khát “chạy trốn” của họ sẽ tỉ lệ thuận với nỗi ám ảnh muốn “trói buộc” họ của ta.
Chắc bạn còn nhớ tôi từng đề cập đến việc chia bộ não của chúng ta thành hai phần? Một bên là cái tôi ích kỷ; nó thường hét thẳng vào tai chúng ta để chiếm lấy quyền kiểm soát tình hình và để trả đũa người khác. Còn bên kia là tiếng nói nhỏ nhẹ từ cội nguồn của tình yêu, nơi chúng ta luôn được yêu thương mà không phải lệ thuộc bất kỳ ai. Mỗi lần toan kiểm soát người khác, dù với bất kỳ lý do nào và dù họ là ai, chúng ta cũng đang đánh mất sức mạnh tối cao của mình.
Chúng ta chưa thể chấp nhận sự thật trên chừng nào còn thiếu quyết tâm từ bỏ các thói quen cũ. Chúng ta chưa thể chấp nhận thực tế là mọi người không thể bị ta kiểm soát chừng nào ta còn chưa tập trung tinh thần cao độ và tập luyện không ngừng. Và sự nghi ngờ ấy thể hiện cụ thể ở khắp nơi: một người cha độc đoán, một người sếp duy ý chí, một chính phủ cực đoan... Mỗi cuộc chiến tranh là một minh chứng rõ ràng cho thấy con người vẫn tiếp tục tin rằng họ có quyền kiểm soát người khác. Tuy nhiên, phần khôn ngoan của trí óc cũng có lúc giành được chiến thắng. Hay nói đúng hơn, cái tôi độc tài đôi khi cũng bị gạt bỏ.
Nếu cuộc sống bình yên là mục tiêu chúng ta theo đuổi thì ta phải từ bỏ lối cư xử thiếu ôn hòa. Quyết định giải phóng tất cả mọi người khỏi những nỗ lực sai lầm của chúng ta nhằm kiểm soát họ là bước tiến lớn đầu tiên.
Rút lui
Đây là một luận điểm tương đối dễ hiểu. Trong chương đầu tiên của cuốn sách, chúng ta đã bàn về vấn đề “để người khác tự do xoay sở cuộc sống của họ”. Nhưng ở đây tôi muốn nói lại nó theo một cách khác: Rút lui! Đừng đến những nơi bạn không được chào đón. Đừng phát biểu điều gì trừ khi ai đó thật lòng thỉnh cầu ý kiến của bạn. Tôi biết rằng thật khó có thể giữ được im lặng khi thấy bạn bè hay người thân của mình đi lạc vào con đường mà ta biết chắc sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp. Nhưng chúng ta phải im lặng. Nếu cứ khăng khăng bắt người khác phải nghe theo lời khuyên của ta thì “lời khuyên” ấy không những bị lờ đi mà còn có khả năng khiến mối quan hệ của chúng ta bị rạn nứt hoặc thậm chí đổ vỡ. Nó biến ta thành kẻ vô dụng trong mắt bạn bè người thân, trong khi họ sẵn sàng thỉnh cầu lời khuyên từ người họ kính trọng - một người họ nghĩ là dày dạn kinh nghiệm và khôn ngoan hơn mình.
Để người khác được tự do lựa chọn sẽ tốt hơn cho họ và cả chúng ta, cho dù những lựa chọn ấy đôi khi sai lầm. Nếu ta đưa ra một quyết định ngớ ngẩn khi được nhờ lựa chọn giúp, ta sẽ trở thành lý do biện hộ cho mọi thất bại về sau của họ. Chúng ta vô tình trở thành người “chịu trận” cho tất cả những thứ bị “trật đường ray” trong đời họ. Đó là một gánh nặng không ai muốn rước vào mình vì nó chẳng giúp ích gì cho cuộc hành trình của chúng ta.
Một lý do nữa để rút lui khỏi chuyện của người khác là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống của mình. Đây là món quà đầy ý nghĩa, dù ban đầu bạn không nhận ra vì vẫn còn bị ám ảnh bởi cách sống của ai đó. Nhưng theo thời gian, bạn sẽ quen dần với việc quan sát người khác thay vì điều khiển họ và lợi ích đạt được là sự khôn ngoan khi đưa ra lựa chọn cho tương lai. Nói tóm lại, chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm với bản thân, với cách ta sống và con đường ta đang đi. Chúng ta chỉ gặt hái được mọi thứ mình xứng đáng khi làm trọn bổn phận và trách nhiệm của mình.
Giành quyền kiểm soát ư? Bạn sẽ thất bại!
Thỉnh thoảng, chúng ta “gặp may” và được người khác chấp nhận nỗ lực kiểm soát của ta. Mỗi lần như vậy, thật dễ ngộ nhận rằng chúng ta có khả năng kiểm soát mọi việc, và đó là điều tốt. Thế nhưng, sự thật là hành động của người nào thì người đó tự điều khiển. Họ có thể quyết định nghe theo lời khuyên của ta nhưng ta vẫn không có quyền kiểm soát. Không còn lời giải thích nào chính xác hơn.
Nếu đôi khi người khác thật sự thay đổi vì điều gì đó chúng ta từng nói hoặc làm, chúng ta sẽ cảm thấy giá trị của mình được công nhận. Cảm giác này giúp nâng cao sự tự tin trong ta. Nhưng thật không may, nó cũng khuyến khích chúng ta lặp lại hành vi của mình không chút đắn đo. Hãy đối mặt với sự thật: Người khác thay đổi vì bản thân họ muốn thay đổi chứ không phải vì chúng ta muốn họ thay đổi.
Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng làm điều không thể? Sau nhiều năm quan sát, kết hợp với lời cam kết của bản thân để thay đổi thói quen này, tôi đã kết luận rằng: Chúng ta nỗ lực kiểm soát người khác vì muốn chế ngự cảm giác bị đe dọa mỗi khi bạn đồng hành của chúng ta có những quan điểm, thái độ hay cách ứng xư khác với mình. Càng lo sợ bao nhiêu, chúng ta càng cố kiểm soát mọi việc bấy nhiêu.
Nhưng điều ta khám phá ra khi từ bỏ nỗ lực kiểm soát mọi người và mọi việc là chúng ta sẽ có thêm thời gian và cơ hội để học hỏi, thay đổi và trưởng thành. Thông qua đó, chúng ta có thể tiến tới cấp độ cao hơn của nhận thức.
Một lợi ích đáng ngạc nhiên khác là bằng cách bỏ qua, tiến lên phía trước và chủ động tận hưởng cuộc sống của riêng mình một cách thanh thản, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho người khác tự thay đổi bản thân đúng như những gì chúng ta mong muốn ở họ. Thật lạ lùng, đúng không?
Một người bạn của tôi từng nói rằng: “Càng cố thúc ép mọi việc, cuộc sống của tôi càng ngột ngạt”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Sắp đặt vòng vây bủa kín tất cả mọi người và mọi việc chẳng khác nào ta đang tự rút cạn nguồn năng lượng của bản thân để “vác tù và hàng tổng”. Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành trung tâm của vũ trụ và là trung tâm trong cuộc sống của người khác. Chính vì vậy, thật tốt nếu có người nào đó nhắc chúng ta nhớ rằng, mình chỉ là một kẻ bình thường như bao người họ từng quen biết. Không có gì phải xấu hổ vì điều đó. Chúng ta nên biến nó thành cảm giác nhẹ nhõm và cho phép bản thân tự do tận hưởng cuộc sống - một cuộc sống thoải mái của một người bình thường.
Dỡ bỏ gánh nặng
Kiểm soát người khác đồng nghĩa với việc bỏ lỡ mục tiêu của riêng mình. Chừng nào chúng ta còn mải mê quan sát người khác thay vì bản thân thì nỗi lo sợ thất bại càng có cơ hội biến thành hiện thực. Khi dành cả đời chạy theo người khác với hy vọng ngày nào đó điều khiển được họ, chúng ta đã chuẩn bị sẵn cho mình một lời bào chữa mỗi lần không thành công trong việc gì đó.
Điều này có thể không đúng với hoàn cảnh hiện tại của bạn, nhưng hãy tự hỏi bản thân: Trong số các mục tiêu đề ra, bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần? Nếu chưa đạt tới thành quả như dự định, hãy nghĩ lại xem bạn đã tiêu tốn nguồn sinh lực dồi dào của mình vào đâu.
Kiểm soát người khác là một mong muốn hão huyền. Vứt bỏ nó đi không những giúp bạn được tự do mà còn giúp những người khác thực hiện công việc vốn gói gọn trong trách nhiệm của họ. Nhiều người đã cố gắng mang vác gánh nặng của người khác quá lâu. Và kết quả chỉ là sự thất vọng, vỡ mộng, rối loạn, bỏ lỡ nhiều cơ hội quý báu, đổ thêm sự xúc phạm vào vết thương chưa lành và thường xuyên bị công kích một cách giận dữ bởi những người họ tưởng rằng đang được mình giúp đỡ.
Đã đến lúc đối mặt với thực tế. Cố gắng kiểm soát người khác nghĩa là bạn đang bước chân vào một trận chiến thảm bại. Nếu bạn vẫn chưa hiểu điều này, tôi tin chắc bạn sẽ thấy mọi việc sáng tỏ ngay khi thử thay đổi suy nghĩ của mình lúc thấy tâm trí bắt đầu chú ý đến cuộc sống của ai đó. Hãy ghi nhớ những điều này: Cuộc sống ban cho ta sự thanh thản để chấp nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí khôn để nhận ra điểm khác biệt.
Quyền tự quyết đối với cuộc đời mình là món quà tuyệt vời nhất mà mỗi chúng ta được trao tặng trên hành trình vươn tới hạnh phúc. Hãy tin tôi! Rồi sẽ đến lúc bạn cảm ơn nó.
Hãy sống với hành trình đã chọn!
Mỗi lựa chọn, mỗi sự kiện, mỗi con người... có mặt trong cuộc sống của chúng ta đều có một lý do nào đó. Không ai xuất hiện do tình cờ. Không gì xảy đến do ngẫu nhiên. Chúng ta lựa chọn gặp gỡ một người vì họ đem đến cho ta bài học nào đó.
Dường như đây là một quan niệm lạ lùng. Nhưng bạn hãy gạt bỏ sự hoài nghi trong chốc lát và nhìn lại quá khứ. Bạn có đồng ý rằng nhiều người xuất hiện trong đời bạn mang theo những thông điệp mà mãi về sau bạn mới nhận ra mình thật sự cần đến?
Tất cả chúng ta đều là thầy giáo và học trò trong cuộc đời của người khác. Từ thầy giáo này, chúng ta học được lòng khoan dung, ở thầy giáo khác lại là sự kiên nhẫn. Một số người có thể học được từ chúng ta đức tính tốt đẹp nào đấy. Trong mỗi cuộc tương tác, chúng ta được ban cho đặc quyền tiếp thu hoặc truyền đạt điều gì đó giá trị. Chúng ta có thể nhất thời coi thường bài học người khác đang truyền đạt. Nhưng hãy tin tôi, bài học ấy sẽ quay lại lần nữa, vì nó là của chúng ta.
Sự khôn ngoan đến trong nhiều sự kiện khác nhau, từ nhiều phương hướng và với nhiều hình dạng, kích cỡ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một vài cuộc hội nghị của Twelve Step mình từng tham dự. Lúc đó, tôi có ý bỏ qua bài giảng của một số diễn giả vì nghĩ rằng những điều họ nói không phù hợp với thực tế cuộc sống của tôi, và chẳng ích gì cho quá trình cai rượu tôi đang theo đuổi. Nhưng người bảo trợ của tôi đã rất khéo léo. Cô ấy nói: “Tất cả những điều họ nói đều ẩn chứa một thông điệp. Một ngày nào đó, nó có thể cứu nguy cho chị. Hãy lắng nghe đi!”.
Việc thay đổi nhận thức và thừa nhận giá trị của những điều bạn tiếp thu hôm nay chứa đựng tiềm năng chuyển biến tương lai của bạn. Mỗi phút giây chúng ta đang sống sẽ trở thành một món quà, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng với chúng. Gặp những người bạn cần gặp, học điều bạn cần học, trưởng thành theo cách bạn cần trưởng thành... là những mảnh ghép quan trọng góp phần kiến tạo nên bức tranh cuộc đời bạn một cách hoàn chỉnh.
Không phải bài học nào cũng làm thay đổi cuộc sống mà ngược lại, đa số chúng mang một dáng vẻ rất bình thường. Nhận thức được điều này có ý nghĩa quan trọng vì nhờ đó, chúng ta sẽ không coi nhẹ bất kỳ trải nghiệm nào của mình. Chúng ta cũng không được phép coi nhẹ trải nghiệm của những người xung quanh. Mỗi cuộc gặp gỡ là một nhân duyên mà chúng ta không thể biết trước nó đóng vai trò gì trong cuộc sống của mình. Với sự biến đổi nhận thức này, những tình huống khó khăn đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Tôi đang từ chối bài học nào đây?
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn hãy giả sử là luôn có điều gì đó đáng để mình học hỏi và cảm ơn cuộc đời. Hơn nữa, hãy nghĩ rằng người khác đang nhìn vào chúng ta như người thầy giáo của họ, cho dù ta hoặc họ có nhận thức được điều đó hay không.
Hãy vui mừng vì bạn đang đi trên hành trình mình đã lựa chọn. Không có thử thách nào xuất hiện trên hành trình này mà bạn chưa chuẩn bị để đón nhận, hoặc vượt qua, nếu bạn nhờ đến sức mạnh của tình yêu thương. Ngay bây giờ cũng như mọi thời điểm khác, bạn đều đứng đúng nơi mình phải có mặt và thực hiện những việc cần được hoàn thành. Chân lý này đúng với bạn thì cũng đúng với cả người khác. Hãy để họ tự lắng nghe và sắp xếp cuộc hành trình của riêng mình.
Nỗ lực kiểm soát chỉ dẫn đến bất hòa
Đến lúc này, mặc dù đã mổ xẻ chủ đề “kiểm soát” từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng cuộc thảo luận của chúng ta sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sót vấn đề về sự bất hòa. Mỗi ngày, chúng ta bỏ qua rất nhiều cơ hội rút ra bài học từ hành động, quan điểm, hy vọng và ước mơ của người khác. Thật khó khăn nếu chúng ta phải “bỏ qua” khi có mối quan hệ đặc biệt với một người nào đó. Thậm chí, điều này có vẻ giống như sự vô tâm. Thế nhưng, can thiệp vào quá trình hình thành quyết định của người khác khi họ không muốn là một dấu hiệu của bất hòa. Đôi lúc, những xích mích trở nên trầm trọng đến nỗi chúng hủy hoại vĩnh viễn cả mối quan hệ. Chẳng hạn, cố gắng thuyết phục con cái, anh chị em hay bạn bè của mình chấm dứt một mối quan hệ mà chúng ta cảm thấy không lành mạnh là việc làm hoàn toàn ngớ ngẩn và có nhiều khả năng dẫn đến sự đổ vỡ trong chính quan hệ của ta với người mà ta đang cố khuyên nhủ.
Bạn không nên mạo hiểm với mối quan hệ của mình bằng cách đòi hỏi người khác phải giải quyết tình huống theo ý bạn. Điều đó không đáng đâu! Làm như thế, mối quan hệ của bạn nếu không xấu đi thì cũng ngấp nghé bờ vực đổ vỡ.
Bất hòa là do chúng ta tạo ra khi bước chân vào nơi mình không được chào đón. Sự hòa thuận rất dễ hình thành, ngoài ra, còn mang đến cho ta cảm giác vui vẻ. Nó phụ thuộc vào những lựa chọn khôn ngoan hơn của chúng ta. Đơn giản vậy thôi! Tại mỗi ngả rẽ, chúng ta phải tự hỏi bản thân liệu mình muốn có hòa bình hay xung đột, liệu mình muốn có mối quan hệ tốt đẹp hay căng thẳng. Sau đó, ta cứ dựa theo đó mà hành động. Nói cách khác, nếu muốn các mối quan hệ của mình tốt đẹp, chúng ta phải để người khác được tự do sống cuộc đời của họ.
Bỏ qua, học cách sống và sống cho xứng đáng, cầu nguyện cho cuộc hành trình tìm kiếm nhận thức ta đang theo đuổi là những công cụ hứa hẹn sẽ đem đến cho chúng ta sự bình yên. Đó là món quà ai cũng xứng đáng được nhận.