Khi muốn cuộc sống của mình khác đi, dù ở bất cứ khía cạnh nào, bạn cũng cần thay đổi suy nghĩ. Đây là điều kiện tiên quyết để bạn có được một cuộc sống bình yên hơn. Bước đầu tiên trong quá trình thay đổi tư duy là chúng ta cần nhận thức được quyền hạn của mình đối với chúng. Trí óc chúng ta không phải là một cái thùng rỗng được ai đó làm đầy sẵn. Những điều có trong đó là do chúng ta đổ vào! Bất cứ kết luận nào chúng ta “rút ra” từ các tình huống đều là kết quả trực tiếp của quá trình tư duy, và những ý nghĩ này đã được chọn lọc kỹ lưỡng.
Nhận thức “đúng đắn tuyệt đối” là điều không tồn tại. Tôi dám khẳng định như vậy, bởi nhận thức của chúng ta luôn bị tác động bởi cách ta gạn lọc thông tin từ những ký ức, nỗi sợ hãi, cảm giác bất an hay sự ngoan cố kiểm soát mọi việc của mình. Gần như trải nghiệm nào cũng bị trí óc bóp méo hoặc hiểu sai một cách chủ quan, và sự xuyên tạc này sẽ dẫn dắt lối cư xử của chúng ta. Chính vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy mình thường kết thúc các mối quan hệ trong xung đột - những xung đột hoàn toàn không cần thiết.
Chắc chắn bạn từng được đọc hay nghe nói rằng, nếu chúng ta chỉ tay vào mặt người khác vì cho rằng họ sai phạm điều gì đó (và tôi biết nhiều người vẫn đang hào hứng với trò chơi đổ lỗi rất thịnh hành này) thì sẽ có ba ngón tay chỉ ngược vào mình. Nói cách khác, thông qua sự buộc tội, chúng ta quẳng sang người khác những điều mình muốn phủ nhận ở bản thân; sự phủ nhận ấy giúp chúng ta được miễn trách nhiệm với bản chất con người của mình. Nếu muốn có những trải nghiệm khác, bình yên hơn trong cuộc sống, chúng ta phải sẵn sàng cho đi bất cứ điều gì trí óc mình đang che giấu, hay bám riết, để đổi lấy suy nghĩ về tình yêu, hòa bình, chấp nhận và tri ân.
Học cách sống
Tôi biết có hàng triệu người đang lãng phí những tháng năm quý báu khi để người khác chi phối đầu óc của mình. Al-Anon - chương trình hành động của Twelve Step dành cho gia đình và bạn bè người nghiện rượu - có một câu châm ngôn luôn khiến tôi phải bật cười: “Trong lúc hấp hối, thành viên Al-Anon nhìn thấy cuộc sống của tất cả mọi người, ngoại trừ bản thân họ, đi qua trước mắt”. Tôi cũng có một thuật ngữ, đã khá quen thuộc với các bạn, được dành riêng để miêu tả tình trạng này, đó là “lệ thuộc”. “Lệ thuộc” nghĩa là luôn luôn tập trung chú ý đến người khác. Chúng ta làm như vậy vì một trong hai lý do.
Lý do thứ nhất là vì chúng ta hoàn toàn dựa vào thế giới bên ngoài để định hướng suy nghĩ, bản chất cũng như giá trị của mình. Thế giới bên ngoài đó có thể là phản ứng của người khác đối với chúng ta, hay bất cứ điều gì xảy ra trong một hoàn cảnh.
Khi để mặc bản thân bị thế giới bên ngoài điều khiển như vậy, chúng ta hoàn toàn không nhận ra rằng mình có sự tự chủ, có một cuộc sống đầy ý nghĩa và riêng biệt. Chúng ta trở nên đui mù trước sự thật là mình cũng có những dự định rõ ràng cho cuộc sống; từ đó, ta xếp xó mọi suy nghĩ độc lập quý giá của bản thân. Chúng ta chấp nhận biến cuộc sống của mình thành vệ tinh xoay quanh quan điểm, hành động, kế hoạch và thậm chí là ý thích nhất thời của người khác. Nhiều người cảm thấy như vậy là an toàn; bởi lẽ ẩn mình trong cái lốt của sự đoàn kết, đồng cảm hay trắc ẩn, chúng ta có thể chối bỏ trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình. Nhưng nếu sống như thế, chúng ta còn tước đoạt mọi cơ hội của bản thân để thử một lần sống có trách nhiệm.
Bạn hãy nhớ lại câu chuyên tôi kể trong chương trước về người bạn của John Powell. Ông ấy không bao giờ cho phép sự khiếm nhã của người bán báo thô lỗ có quyền quyết định cảm giác của mình. Đó là một ví dụ rất hay vì nó chứng minh rằng, tất cả chúng ta đều có khả năng tận hưởng một cuộc sống lành mạnh, tự chủ, không bị người khác kiểm soát và thậm chí, không bị tác động bởi những người bạn đồng hành - nếu sự tác động ấy có hại đến hạnh phúc của chúng ta. Câu chuyện về người bạn của Powell đem đến cho chúng ta một ví dụ súc tích mà ý nghĩa, để ta biết rằng mình cũng có thể tạo ra điều kỳ diệu tương tự. Nó chỉ đòi hỏi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về bản thân trong mối quan hệ với người khác. Và sau đó, ta cần phải rèn luyện thật nhiều!
Lý do thứ hai vì sao người “lệ thuộc” quá để tâm đến chuyện của người khác nghe rất quen thuộc. Đó là vấn đề về quyền kiểm soát. Trong cuộc sống của mình, người lệ thuộc vừa cảm thấy bị người khác kiểm soát, lại vừa cố gắng giành quyền kiểm soát chính những người đó. Dù bạn là người nắm quyền kiểm soát hay bị kiểm soát thì cuộc sống của bạn cũng tồi tệ như nhau.
Trong trường hợp này, nhiệm vụ của chúng ta là hãy “bỏ qua”. Nếu bạn đang vướng vào trò chơi kiểm soát, “bỏ qua” có thể giúp bạn trút bỏ một gánh nặng khổng lồ và giải thoát bạn khỏi nỗi thất vọng triền miên, nhất là khi mong muốn nắm quyền kiểm soát của bạn quá mãnh liệt. “Bỏ qua” cho phép bạn đẩy lùi những suy nghĩ vô ích và khập khiễng, vốn chiếm đóng trí óc quá lâu. Thay vào đó, bạn sẽ lấp đầy tâm trí bằng những suy nghĩ tích cực, giúp phát triển cá nhân theo cách hữu hiệu nhất. Chỉ khi nào tâm trí bạn thôi bị vây kín trong cuộc sống của người khác, bạn mới có thể hoàn thành các dự định của mình. Cuộc sống của riêng bạn đang vẫy gọi bạn đấy! Đừng chậm trễ nữa!
Đừng bỏ lỡ bài học của mình
Nhiều người trong chúng ta sa vào sự lệ thuộc vì những vai trò khác nhau mà ta đảm đương trong cuộc sống. Chắc chắn bậc làm cha làm mẹ phải để tâm đến chuyện của con cái trong một số giai đoạn nhất định - khi con cái cần có sự dẫn dắt của người lớn. Nhưng dù như vậy chăng nữa, chúng ta vẫn phải nhận ra rằng mọi việc sẽ không tốt đẹp nếu ta chú ý thái quá đến con cái, sống bằng cuộc đời của chúng, cố gắng kiểm soát chúng. Khi quan tâm tới con cái đến mức bỏ qua việc chăm sóc bản thân, chúng ta không thể học được những điều mình cần, không thể hoàn thiện bản thân. Tất cả những ai thích ban phát sự quan tâm sẽ tự cảm thấy mình đang lý tưởng hóa cuộc sống, nhưng đây là việc không cần thiết. Thay vào đó, chúng ta có thể nhìn nhận việc quan tâm đến người khác như cơ hội để xây dựng và duy trì một ranh giới hợp lý. Tất nhiên, chúng ta phải thận trọng. Hãy tự hỏi bản thân liệu ý muốn tham gia hành động của chúng ta có cản trở người khác thực hiện nhiệm vụ của riêng họ không. Chúng ta chẳng giúp ích được ai khi tự ý gánh vác công việc mà lẽ ra phải để người khác xoay xở.
Chúng ta để người khác chi phối tâm trí mình qua nhiều hình thức khác nhau. Tôi đã từng đề cập một vài hình thức trong số đó. Nhưng nói chung, tất cả mọi người đều có thể bị mắc kẹt trong cảm giác bất an của mình, để rồi sau đó bị ám ảnh bởi năng lực có thật hoặc do ta tưởng tượng ở những người khác. Trong quá trình đó, chúng ta từ bỏ mọi cơ hội vận dụng những bài học đang hiện ra trong cuộc sống của mình, những bài học có thể nhìn thấy rõ ràng trong vô số mối tương tác được mở ra với những con người cùng đi trên hành trình của chúng ta. Bạn đừng quên rằng, bất kỳ ai có mặt trên con đường của bạn đều do cuộc sống sắp đặt.
Thời gian đầu trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình, tôi thật sự bị đánh đố bởi quan niệm: Chúng ta ở đây với thân xác này để tìm kiếm những bài học. Thành thật mà nói, tôi còn không hiểu “bài học” nghĩa là gì trong ngữ cảnh này. Từ khi sẵn sàng lắng nghe tiếng nói thông thái vốn tồn tại xung quanh mình, sự bối rối trong tôi dần dần được tháo gỡ. Tuy vậy, vẫn mất nhiều năm tôi mới hiểu ra rằng, mỗi giây phút tiếp xúc với người khác là một cơ hội để học hỏi, nếu tôi biết cách tận dụng nó. Thậm chí hiện tại, tôi vẫn chưa hiểu thấu đáo quan niệm này nhưng nó luôn luôn đúng, không chỉ với riêng tôi mà với tất cả chúng ta.
Tôi biết rằng những bài học mình trải qua trong đời là vô giá, từ bài học thời thơ ấu của những lần xung đột với cha cho đến bài học được ngụy trang trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Những bài học vẫn tiếp tục vẫy gọi sự chú ý của tôi khi ngồi trên ghế giảng đường và trong công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Chúng vẫn chờ đợi tôi và tôi luôn có quyền lờ chúng đi như trước kia. Nhưng tôi biết nếu muốn trở thành người học trò xuất sắc của cuộc sống, chúng ta phải mở rộng tư duy - một tư duy không bị tác động bởi suy nghĩ của người khác.
Tất cả chúng ta đều là người thầy, đồng thời cũng là học trò, trong cuộc sống của người khác. Nhưng chúng ta không cần phải nhìn thấy và phân tích vai trò mình đang nắm giữ mọi lúc mọi nơi. Việc đó không quan trọng. Thời gian vẫn trôi qua bất chấp tất cả. Hãy sẵn sàng lắng nghe người khác chăm chú; để ghi nhớ trong tim rằng cuộc sống vẫn đang trò chuyện với ta thông qua mỗi biến cố ta trải qua cùng người khác, khiến nó trở nên thiêng liêng; và để cảm ơn mỗi khoảnh khắc - bởi không có gì thật hơn những phút giây mình đang sống. Đó chính là bài học đầu tiên dành cho mỗi chúng ta, mặc dù đôi khi nó xuất hiện đúng vào lúc bạn ít mong đợi nhất.
Khi tâm trí bạn hướng về người khác...
Bạn không thể nghe thấy tiếng nói từ bên trong tâm hồn mình nếu để tâm trí hướng về người khác. Luận điểm này có gì khác so với chủ đề chúng ta vừa bàn tới? Ở đoạn trước, chúng ta nói về thói quen biến người khác thành mục tiêu chú ý của mình và để họ chi phối đầu óc chúng ta. Nhưng điểm nhấn mạnh trong đoạn này xoay quanh tiếng nói bên trong và lý do chúng ta không thể nghe thấy nó khi bị chi phối bởi suy nghĩ của người khác.
Tiếng nói bên trong mà tôi đang đề cập tới là tiếng nói của tình yêu, hy vọng và lòng tri ân. Nhưng không phải chỉ cần vỗ nhẹ đầu mình là chúng ta sẽ nghe thấy tiếng nói đó. Không, chúng ta phải đấu tranh để lắng nghe nó, vượt qua sự ồn ào xung quanh. Từ lúc bước vào tuổi dậy thì cho đến khi bắt đầu cai nghiện, tôi đã nghe rất nhiều tiếng nói trong đầu mình, nhưng hiếm khi nào đó là tiếng nói của yêu thương. Chúng thường xuyên chế giễu hoặc chỉ trích mọi quyết định tôi đưa ra. Chúng bắt chước lời lẽ của cha và sau này là chồng cũ của tôi. Chúng dường như là bản sao của mọi thông điệp thù địch tôi đã tự tạo ra trong nhiều năm mà không cần sư giúp đỡ của ai khác. Rõ ràng, chúng chẳng giúp ích gì cho tôi nhưng tôi lại không thể thoát khỏi chúng. Vì vậy, khi nghe bạn bè trong chương trình cai nghiện nói về tiếng nói yêu thương từ bên trong, tôi cảm thấy lúng túng và lạ lẫm. Tôi không muốn phải thừa nhận rằng mình không biết đến tiếng nói này, và tôi thậm chí không dám chắc là mình cũng có nó.
Cùng với kiến thức trong cuốn A Course in Miracles, cuối cùng tôi cũng học được từ bạn be là luôn luôn có hai tiếng nói tồn tại trong đầu tôi. Một cái rất ồn ào và luôn chỉ sai đường cho hành động và suy nghĩ của chúng ta. Nó là tiếng nói khiến chúng ta mắc kẹt trong lối cư xử cũ kỹ, nuôi dưỡng sự sợ hãi, giận dữ và bất mãn triền miên trong ta. Trong khi đó, tiếng nói còn lại dù tồn tại một cách lặng lẽ nhưng không ngừng truyền đạt những thông điệp của sự yêu thương, ân cần, hy vọng và lòng tri ân. Nó dẫn dắt chúng ta đến với các bài học; nó khuyên chúng ta yêu thương ngay trong mỗi phút giây, như thể đó là cơ hội để chúng ta làm tròn ý nguyện của Thượng đế, thông qua đó, góp phần tạo nên hòa bình. Đó là tiếng nói giúp chúng ta thanh thản. Trong lúc lắng nghe nó, chúng ta sẽ tự nguyện trải rộng lòng mình để nhìn thấy điểm tốt ở người khác, từ đó, giúp họ được thanh thản như mình. Tiếng nói này mang đến cảm giác bình yên, khiến ta sẵn sàng để lĩnh hội những bài học đang chờ phía trước.
Nhưng thử thách của chúng ta là làm sao tìm ra cách phá vỡ thanh âm ồn ào của sự sợ hãi để hòa cùng nhịp điệu với tiếng nói êm ái, dịu dàng của tình yêu và hy vọng. Thật ra việc đó không khó, nhưng nó là con đường không quen thuộc và đòi hỏi chúng ta phải bẻ gãy những thói quen cũ kỹ đã được mài dũa từ lâu. Để làm được vậy, chúng ta phải quyết định lắng nghe tiếng nói êm ái, ôn hòa. Hãy vui mừng vì chúng ta có thể thay đổi cách đối xử với con người và sự kiện xảy ra trong cuộc sống của mình. Hãy vui mừng vì chúng ta có quyền kiểm soát suy nghĩ của mình mà không để người khác chi phối. Hãy vui mừng vì quyết tâm nhận trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ cần chúng ta hoàn thành. Hãy vui mừng vì chân lý chúng ta vừa giác ngộ. Đó là cách ta có thể thay đổi tư duy của mình, và rồi, cuộc sống sẽ thay đổi theo.
Ám ảnh về cuộc sống của người khác
Có nhiều lý do để chúng ta lo âu và chán nản. Một số người cảm thấy chán nản và lo âu đến mức khủng hoảng khi phải chịu đựng một sự việc đau lòng, hoặc khi đối mặt với một sự kiện quan trọng mà họ cảm thấy mình chưa chuẩn bị chu đáo cho nó. Đôi khi, các toa thuốc do bác sĩ kê đơn có thể giúp giảm bớt tình trạng lo lắng tạm thời này.
Sự mất cân bằng hóa học trong não bộ đã được xác minh là một trong các nguyên nhân gây lo âu và chán nản. Trong trường hợp này, tình trạng rối loạn có thể kéo dài vĩnh viễn, do đó, bệnh nhân phải sử dụng dược phẩm lâu dài. Nhưng không phải tất cả những người mắc chứng lo âu đều thuộc dạng này. Nhiều người tôi từng hân hạnh quen biết đã quản lý khá tốt mọi mặt trong cuộc sống của họ từ lúc tìm thấy phương thuốc hiệu quả cho trạng thái tâm lý của mình.
Điều đó cho thấy một điều quan trọng: tình trạng chán nản và lo âu thực ra là hoàn toàn co thể chữa trị.
Tôi muốn lưu ý các bạn là việc bị ám ảnh về cuộc sống của người khác cũng có thể khiến chúng ta lo âu và chán nản. Nhưng thật may mắn vì chỉ cần chúng ta thay đổi tư duy của mình, nỗi ám ảnh này sẽ bị cắt đứt ngay lập tức. Một trong các nguyên nhân gây chán nản là sự ám ảnh của chúng ta về người khác. Nó ngăn cản chúng ta tận hưởng cuộc sống, hành động theo cách mình hứng thú nhất. Bạn có nhận ra là mình đang lỡ mất bài học quan trọng không?
Chúng ta không thể vui vẻ, hân hoan và nhận ra ý nghĩa của bản thân đối với các sự kiện đang diễn ra xung quanh khi nào còn đang mắc kẹt trong vấn đề của người khác. Sự chán nản cũng được tạo ra khi ta không ngừng so sánh bản thân với người khác, để rồi tự cho mình là thấp kém. Hiếm khi nào chúng ta thấy mình ngang bằng với chủ thể mà ta so bì và chú ý. Cái tôi ích kỷ không bao giờ muốn chúng ta được thanh thản trong các mối quan hệ, kể cả những mối quen biết thoáng qua. Nó muốn chúng ta cảm thấy tồi tệ, sa lầy trong sự phán xét và sẵn sàng phá hoại hay thậm chí, tấn công người khác. Chính vì thế, nó tạo ra cái bẫy để ta thấy mình “kém cỏi”, và sự thất vọng luôn sẵn sàng tóm lấy chúng ta.
Như tôi đã lưu ý ở các phần trước, có những khoảng thời gian chúng ta cần để tâm đến hoạt động hay hành vi của người khác, con cái chúng ta chẳng hạn. Nhưng có một điểm khác biệt, khác biệt rất lớn, giữa quan tâm và mắc kẹt trong việc của người khác. Con cái có thể cần sự chăm sóc của cha mẹ nhưng chúng không cần sự “theo dõi”. Người bạn đời đang gặp khó khăn hay lâm bệnh nặng cần sự quan tâm và yêu thương, chứ không phải để trở thành “gánh nặng” cho người thân. Chúng ta cần nỗ lực hoàn thành công việc, nhưng đừng bao giờ đem việc về nhà. Mỗi ngày, chúng ta đều phải khỏe khoắn để làm việc thật tốt, nhưng đừng để kiệt sức vì công việc.
Mệt mỏi vì những ám ảnh mơ hồ thường là nguyên nhân dẫn đến chán nản. Tôi có thể khẳng định với bạn một điều là khi đầu óc chúng ta tập trung chú ý cao độ vào người khác - thay vì những niềm vui trong cuộc sống của mình - sự chán nản sẽ ập đến ngay lập tức.
Liều thuốc giải độc hữu hiệu cho trạng thái chán nản là quyết tâm tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Hãy bày tỏ lòng biết ơn tới vô số điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng ta không thể nhận ra những phúc lành này nếu cứ thích chú tâm vào chuyện của người khác.
Sống với lòng tri ân thay vì sự chán nản dường như là một lựa chọn quá rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những người vốn chỉ nhận ra giá trị của bản thân thông qua mối quan hệ với người khác thì đó là một lựa chọn khó khăn và không dễ thực hiện. Như tôi đã nói nhiều lần, cuộc sống của chúng ta là khoảng thời gian được vạch ra bởi các suy nghĩ. Để toàn tâm toàn ý xây dựng cách tư duy mới, chúng ta cần có sự quyết tâm và thận trọng. Bù lại, phần thưởng sẽ xứng đáng với những nỗ lực chúng ta bỏ ra.