Nhiều người nghĩ rằng muốn giải quyết một vấn đề thì nhất thiết phải tấn công trực diện vào nó. Vì thế, họ sẽ tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ vấn đề từ vô số góc cạnh khác nhau, sau đó, vận dụng hết mọi phương pháp từng thành công trước đây để đối phó mà không nhận ra rằng, mỗi khó khăn đều tiềm ẩn một con đường sáng. Càng chăm chăm nhìn vào khó khăn, chúng ta càng chỉ thấy bóng tối mịt mù bao phủ. Khó khăn chỉ tồn tại nếu ta cho phép cái tôi ích kỷ dung túng chúng, và sau đó chăm bẵm để chúng lớn lên bằng sự chú ý liên tục của mình.
Hãy xem xét những gợi ý dưới đây để thay đổi cách nhìn nhận những “rắc rối trong tưởng tượng” đang nảy sinh. Bằng cách thay đổi lối tư duy, bạn có thể thay đổi mọi biến cố trong cuộc sống của mình. Đừng bao giờ nghi ngờ điều đó!
Bỏ thói phóng đại
Nghe có vẻ đơn giản đấy, nhưng không dễ chút nào để ta có thể phân biệt một tình huống “bình thường” với một vấn đề phức tạp. Tôi sẽ cho bạn một vài ví dụ:
- Bị mắc kẹt trong một cuộc họp nhàm chán mà lòng thì lo lắng không yên vì gói hàng chuyển phát nhanh của mình mãi vẫn chưa đến nơi;
- Không thể khởi động được máy tính trong khi rất cần in một tài liệu quan trọng;
- Đã hơn một tuần mà thợ xây vẫn chưa hoàn thiện xong phần ngoại thất trong khi hợp đồng tu sửa nhà của bạn đã bị trễ tiến độ;
- Bị trễ hẹn với bạn bè hay trễ giờ đón con vì máy tính tiền trong siêu thị trục trặc.
- Bị kẹt xe trên đường đến dự một cuộc họp quan trọng.
Tất cả những tình huống cực kỳ bình thường trên sẽ trở thành rắc rối lớn nếu chúng ta thổi phồng chúng lên. Không việc gì ta phải tự làm khó mình như thế!
Chỉ khi nào rơi vào tình huống có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng thì bạn mới nên xem nó là rắc rối thật sự. Nhưng ngay cả những tình huống này cũng có thể được coi như một cơ hội để rèn luyện bản thân.
Khi còn làm việc tại Đại học Minnesota, có lần một đồng nghiệp đã nói với tôi rằng mỗi lần kẹt xe, anh ấy lại dùng thời gian ấy để cầu nguyện; và việc đó làm thay đổi cảm giác của anh ngay lập tức. Hơn nữa, anh còn cảm thấy lời cầu nguyện của mình dường như giúp giao thông giãn ra. Tôi không biết liệu cảm nhận của người đồng nghiệp có đúng với thực tế hay không, nhưng chỉ cần bạn thấy tinh thần mình thoải mái khi làm việc gì đó - như việc cầu nguyện mỗi khi đối mặt với khó khăn - thì hành động ấy hoàn toàn chính đáng. Dành ra ít phút để cầu nguyện chắc chắn chẳng gây hại gì, ngược lại, có tác dụng hỗ trợ tinh thần rất lớn.
Hãy vui vẻ chấp nhận những tình huống khó chịu như chờ tính tiền quá lâu trong siêu thị, kẹt xe, máy tính hỏng... Hãy xem chúng là cơ hội để rèn luyện tính kiên nhẫn, kiềm chế nóng vội và sau đó, chờ đợi sự thay đổi trong nhận thức của bạn, mà tôi tin chắc sẽ xảy ra.
Cuộc sống thay đổi khi nhận thức của chúng ta thay đổi. Đó là một chân lý mà ta có thể tin tưởng!
Ngừng phản ứng thái quá
Cách đây khá lâu, khi đang trong giai đoạn kết thúc chương trình Tiến sĩ tại Đại học Minnesota, tôi đã có một kinh nghiệm thật sự đáng nhớ, giúp tôi nhận ra nhiều điều về sự phản ứng thái quá. Lúc đó, tất cả những gì tôi cần là luận văn của mình được năm vị giáo sư trong Hội đồng phản biện thông qua. Chỉ một lúc sau khi tôi trình bày luận văn, bốn vị giáo sư đã nhanh chóng chấp nhận, nhưng vị thứ năm cố tình lưỡng lự. Lẽ tự nhiên, tôi cho rằng ông ấy sẽ không thông qua luận văn của mình, nhưng vì quá bối rối, tôi đã không thể yêu cầu ông ấy sắp xếp cho tôi một cuộc gặp riêng.
Thầy hướng dẫn luận văn khuyên tôi nên đề nghị vị giáo sư kia bố trí một buổi vấn đáp trực tiếp giữa hai người. Tôi đã nghe theo và thỉnh cầu ông ấy dành cho tôi chút thời gian vào thứ năm. Rốt cuộc ông ấy cũng đồng ý. Tôi đến văn phòng của ông trong tâm trạng vừa lo sợ vừa hy vọng. Câu đầu tiên tôi nhận được khi mới vừa chạm mặt ông là “Luận văn này chưa đạt”. Ngay lập tức, tôi thấy choáng váng và hoảng hốt. Tôi ngồi ngây như phỗng mất vài phút, cố gắng tập trung và sắp xếp lại những suy nghĩ đang chạy tán loạn trong đầu. Tôi muốn gào lên, ném thẳng vào mặt ông ta những từ ngữ thô lỗ nhất rồi biến khỏi nơi này ngay. Tôi không thể hiểu được ông ta bởi vì chỉ trong thời gian ngắn, cả bốn đồng nghiệp của ông đều đã thông qua luận văn của tôi với những lời khen ngợi rất nhiệt tình.
Nhưng, tôi đã kịp định thần lại. Tôi hít một hơi thật sâu và sau đó, phép màu xảy ra. Có một sức mạnh huyền bí bên trong khiến đầu óc tôi trơ nên tỉnh táo; tôi đề nghị ông cùng tôi xem lại các lý do phản bác của ông một cách hết sức nhẹ nhàng. Tôi thật sự không biết những câu chữ ngọt ngào ấy ở đâu ra. Mới một phút trước, tôi còn muốn tỏ ra lỗ mãng. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ được bình tĩnh. Tôi đã không hành động thái quá. Thật ra, tôi đã chẳng phản ứng gì cả. Tôi đáp lại “sự tấn công” của ông ấy một cách điềm tĩnh.
Sau đó, tôi và vị giáo sư đã cùng nhau xem lại tất cả các lập luận chưa làm ông ấy hài lòng trong cuốn luận văn dài hơn 300 trang, và tôi lần lượt bảo vệ từng luận điểm với những lời giải thích mà thậm chí, tôi chưa từng nghe bao giờ. Nếu bạn yêu cầu tôi lặp lại chúng thì có lẽ tôi không thể. Khi về nhà, tôi cũng không nói với chồng tôi một lời nào về sự việc mới xảy ra. Lòng tôi vui phơi phới. Tôi tự hào về bản thân vì đã xóa bỏ được mọi phản bác của ông ấy, và cuối cùng, sau ba tiếng rưỡi, ông ấy cũng thừa nhận công sức của tôi với tất cả sự nhiệt tình.
Tôi rời văn phòng vị giáo sư, lòng cực kỳ phấn khởi. Tôi biết mình chưa hề chuẩn bị gì cho những câu hỏi của ông ấy. Nhưng câu trả lời đã trú ngụ sẵn đâu đó trong đầu tôi. Nếu lúc đó tôi xử sự theo thói quen cũ và phản ứng gay gắt với lời chỉ trích của ông ấy thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận được bằng tốt nghiệp. Qua sự việc này, tôi đã học được hai điều quan trọng, có giá trị lớn hơn nhiều so với tấm bằng tiến sĩ, đó là: 1. Giữ bình tĩnh luôn giúp ta tháo gỡ rắc rối và quên đi cảm giác sợ hãi; 2. Tôi có thể nghe thấy tiếng nói của “sự thông thái tiềm ẩn” đang trú ngụ trong mình nếu tôi muốn vậy.
Tôi không bao giờ quên được cảm giác khi bước ra khỏi văn phòng đó cũng như không bao giờ quên được chân lý: mọi câu trả lời đều có sẵn ngay trong chính bản thân ta. Tuy đã hiểu rõ như thế nhưng rất nhiều lần, tôi vẫn quên hướng tới nguồn sức mạnh sẵn có đó khi mình cần nó nhất.
Quyết định từ bỏ những phản ứng thái quá chắc chắn sẽ giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với những người xung quanh; nó lát gạch trên con đường dẫn đến cuộc sống thanh thản mà ta luôn mong muốn; nó mở cánh cửa đưa tới “sự thông thái tiềm ẩn” đang trú ngụ trong bản thân mỗi người. Và nếu chúng ta không thể từ bỏ hoàn toàn thói quen phản ứng thái quá trong mọi tình huống thì ít nhất, mỗi ngày hãy cố gắng kiềm chế một lần. Điều đó sẽ tác động lên cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta theo cách ta không thể ngờ tới. Thay đổi xảy ra không ảnh hưởng riêng rẽ lên bất kỳ cá nhân nào, mà là tất cả những ai có mối liên hệ với nhau.
Không làm gì cả!
Thật khó có thể cưỡng lại lòng ham muốn được trả đũa khi có ai đó chống đối hay công kích mình, dù bằng bất kỳ hình thức nào. Ngày trước, mỗi khi có người động chạm vào cuộc sống của tôi là tôi lại xù lông nhím lên ngay lập tức và đáp trả bằng một đòn cực kỳ ác ý, ác ý hơn hẳn những gì đối phương gây ra cho tôi. Trong gia đình, cha và tôi là hai người thường xuyên vướng vào “vũ điệu” này nhất. Tôi rất dễ nổi giận trước bất kỳ điều gì động chạm đến bản thân hay mẹ và em trai tôi. Trong những cuộc chiến vô nghĩa ấy, chẳng có ai là người thắng cuộc. Cách cư xử của tôi không giúp ích gì cho mẹ, em trai hay bản thân tôi. Những lời bào chữa tôi viện ra để biện bạch cho hành động của mình thường nhanh chóng tiêu tan. Hình như lần nào tôi cũng chỉ cảm thấy tủi nhục, xấu hổ, bối rối hay thậm chí tệ hơn nữa. Tôi luôn cảm thấy khó chịu mỗi khi nhớ lại cách xử sự của mình. Nhưng không bao giờ tôi sẵn sàng nói lời xin lỗi.
Khi bị tấn công, dù bằng lời nói hay vũ lực, chúng ta cũng không cần phải đáp trả. Đó là một suy nghĩ rất chín chắn nhưng nó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Tôi có thể rút lui khỏi những tình huống căng thẳng hoặc thậm chí, nhờ đến sự giúp đỡ của ai đó được mọi người tín nhiệm; nhưng điều quan trọng là tôi không cần phải đánh trả khi bị tấn công. Thật nhẹ nhõm khi nghiệm ra điều này! Trong một thời gian dài, tôi đã có rất nhiều cơ hội để học cách bỏ qua cho người khác, đặc biệt là trong mối quan hệ của tôi với cha, với chồng cũ hay với các cấp trên. Thật đáng tiếc vì tôi đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội quý báu này, cho đến lúc trở lại với cuộc sống bình thường sau khi cai nghiện. Chưa từng có lần nào tôi hiểu được rằng công kích chính là một biểu hiện của sự sợ hãi. Nhưng đó là sự thật.
Thời còn trẻ, tôi thấy sự bỏ qua biến mình thành kẻ ba phải vì khi làm như vậy, quan điểm của tôi sẽ không được hiểu một cách rõ ràng và đầy đủ. Nhưng giờ đây, tôi hiểu ra rằng bỏ qua không có nghĩa là đồng ý với đối phương. Nó chỉ có nghĩa là bạn lựa chọn đình chiến. Hiện tại, tôi sẵn sàng vui vẻ đón nhận mọi cơ hội để biến những điều từng kích động sự giận dữ của mình trong quá khứ thành động lực vượt qua một tình huống khó khăn. Và lần nào tôi cũng thấy mình như được truyền thêm sức mạnh.
Càng về già, tôi càng nhận ra sự tức giận của mình chẳng giúp giải quyết bất cứ việc gì. Và gần như chưa từng có tình huống nào thực sự gây nguy hiểm đến cuộc sống của tôi. Cho nên, nếu cứ tiếp tục để bản thân mắc kẹt trong những cuộc cãi vã hết sức vặt vãnh và vô nghĩa thì tôi sẽ không bao giờ tìm thấy sự thanh thản. Khi sáng suốt phân tích sự việc theo cách này, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều thứ nhỏ nhặt hằng ngày không nằm trong danh sách “báo động”. Khi mọi chuyện đã được an bài thì “hành động” hữu ích nhất giúp bạn quét sạch mọi lo lắng là “không làm gì cả”.
Tránh xa rắc rối
Có lần, tôi tới dự một bữa tiệc cưới mà thành phần khách mời hầu hết là bên gia đình nhà trai. Testosterone (kích thích tố nam) kết hợp thêm men rượu đã dẫn đến một trận hỗn chiến, rất nhiều nước mắt và cuối cùng là sự có mặt của cảnh sát. Khi mọi chuyện đang rối loạn, tôi thấy tốt nhất mình đừng nên đổ thêm dầu vào lửa.
Tham gia vào cuộc chiến nghĩa là tự chuốc lấy rắc rối cho mình. Người khôn ngoan sẽ lặng lẽ rút khỏi bữa tiệc, đồng thời, tìm cách báo cảnh sát để họ đến giải tán cuộc ẩu đả.
Hầu hết các vụ lộn xộn đều phát sinh từ những xích mích nhỏ nhặt, nhiều khi được sự tưởng tượng nghiêm trọng hóa thêm lên. Để giải phóng bản thân khỏi rắc rối, bạn cần phải tập trung vào sự việc đang diễn ra ngay lúc đó, đừng để cảm xúc từ những “vết thương” trong quá khứ chi phối tâm trí mình. Và bạn phải thật sự tập trung cao độ. Suy nghĩ của chúng ta rất dễ bị hút về phía trải nghiệm cũ và căn cứ vào đó để diễn giải hay tiên đoán những sự kiện tiếp theo. Nếu trải nghiệm đó gắn liền với một sự tổn thương, lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ nghĩ rằng điều tương tự cũng sắp xảy ra ngay lúc này.
Tôi có thể lấy ví dụ, nếu gia đình bạn thường xuyên cãi nhau, nếu cha mẹ bạn xích mích nhiều hơn hòa thuận, thì chắc chắn hiện tại, bạn sẽ luôn bị ám ảnh bởi cảm giác sắp có “chiến tranh” xảy ra trong các mối quan hệ thân thiết của mình. Nhưng bạn có thể chọn lựa một lối đi khác. Đo là một “chìa khóa” cho tất cả những ai đang trên con đường tìm đến hạnh phúc. Chúng ta không cần cư xử theo thói quen. Chúng ta không cần suy nghĩ theo lối tư duy lỗi thời. Chúng ta không cần mong đợi những điều cũ kỹ.
Chúng ta có thể giải thoát tâm trí mình khỏi những rắc rối trong quá khứ bất cứ khi nào ta muốn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không cần dính dáng gì đến chuyện của người khác, mặc dù có thể họ đang đi ngay cạnh bên ta trên cùng một con đường. Sự né tránh rắc rối của chúng ta đôi khi còn có thể giúp mọi người nhận ra một bài học quý báu. Không có ai bị ép buộc dính vào những chuyện buồn bực hay phức tạp của người khác. Nhưng, hình như rất nhiều người vẫn chưa biết được sự thật này.
Nhiều người trong chúng ta không biết rằng tránh xa ra hay dính líu vào rắc rối đều có thể dễ dàng trở thành thói quen giống như nhau. Đó chẳng qua chỉ là sự khác biệt trong cách tư duy, là cơ hội để chúng ta thay đổi suy nghĩ và khám phá cuộc đời của mình trên một lối đi mới, bình yên hơn nhiều so với ngày trước. Bạn hãy nhớ là mọi thói quen đều đòi hỏi sự luyện tập. Hầu hết chúng ta đều rất sẵn sàng tiếp nhận thói quen xấu. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có cơ hội để sống khác với những lối mòn cũ: Hãy luyện tập cả thói quen tránh xa rắc rối nữa. Không có gì cản trở bạn đâu; tất cả “vũ khí” bạn cần chỉ là một chút quyết tâm.
“Vậy thì đã sao?”
Tôi không bao giờ quên được cảm giác hụt hẫng khi nghe người bạn thân gắt lên “Vậy thì đã sao?” qua điện thoại. Hôm đó, lại một lần nữa tôi gọi cho cô ấy và than vãn về những rắc rối trong các mối quan hệ đang khiến tôi khổ sở. Không biết đã bao nhiêu lần, tôi tìm đến cô ấy để có được sự an ủi và sẻ chia. Và lúc nào, cô ấy cũng sẵn sàng lắng nghe.
Thế nhưng lần này, cô ấy cắt ngang lời tôi. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, đau khổ và tức giận ghê gớm. Tôi không hiểu nổi cách phản ứng của cô ấy. Sao cô ấy có thể làm thế? Cô ấy không thèm đếm xỉa gì đến tình bạn của chúng tôi sao?
Lúc đó, tôi không đứng trước mặt cô ấy để có thể nói ra cảm giác tổn thương sâu sắc của mình, nhưng sau khi ngẫm nghĩ, tôi bắt đầu thấy mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Đột nhiên, tôi hiểu ra là cô ấy đang cố nói với tôi “hãy vượt qua nó”, cho dù “nó” có là gì chăng nữa. Cô ấy muốn tránh xa sự than phiền liên tục của tôi và thông qua đó, cho tôi thấy rằng tôi có thể tự giải thoát mình khỏi những tình huống khó khăn mà lâu nay tôi vốn cho rằng mình bất lực.
Tôi nhận ra hình như lúc nào mình cũng gọi cho cô ấy vì những chuyện vặt vãnh được tưởng tượng ra và sau đó phóng đại lên nhiều lần. Trong các mối quan hệ cá nhân, nhiều người trong chúng ta có xu hướng tìm kiếm những bằng chứng cho thấy mình không được người khác quan tâm thay vì chú ý đến sự yêu thương đang hiện diện quanh mình. Có thể đôi khi tôi không được đối xử một cách nhẹ nhàng, âu yếm nhưng đó đâu phải là sự ghét bỏ. Chẳng phải câu nói “Vậy thì đã sao?” của bạn tôi là lựa chọn hợp lý hơn hẳn sự im lặng và chịu đựng những lời than vãn? Mãi sau này, tôi mới hiểu thông suốt điều đó.
Tôi tự thấy mình là người may mắn khi cuộc hôn nhân hiện tại vẫn tốt đẹp suốt 20 năm qua. Thế nhưng, trong thời gian đầu, tôi đã dò xét kỹ lưỡng và cố tìm cho được mọi dấu hiệu thể hiện tình yêu và sự quan tâm không ngừng của chồng. Cả tôi và anh ấy đều có chung nỗ lực nhằm xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc; nhưng ban đầu, phương pháp của chúng tôi không hề giống nhau. Trong gia đình của anh, không có người con nào nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ bởi họ có đến tám đứa con. Còn tôi lại lớn lên trong một gia đình lúc nào cũng đầy xung đột và giận dữ. Chúng tôi giống như hai con tàu đi ngang qua nhau trong đêm tối. Tôi sợ mình bị anh xem như “vô hình”. Còn anh thì không biết cách thể hiện sự quan tâm. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi cũng học được cách dung hòa những yêu cầu của nhau sau khi phải trải qua vài nỗi đau, cộng thêm rất nhiều kiên nhẫn và tận tụy để không bỏ cuộc giữa chừng.
Tôi cũng đã hiểu được giá trị của câu “Vậy thì đã sao?” khi chấp nhận sự thật là tôi không cần phải mổ xẻ tất cả những vấn đề trong hôn nhân nói riêng và trong toàn bộ cuộc sống nói chung của mình.
Tôi biết rằng hành trình cuộc sống của mình chỉ xoay quanh quá trình học cách xử lý những tình huống từng gây nhiều trở ngại thời còn trẻ. Tôi biết rằng tất cả những người cùng tôi đi trên một con đường đều đóng góp phần nào đó vào cuốn sách vĩ đại của đời mình, cho dù đó là kẻ từng xúc phạm tôi hay người bạn thân đã nói câu “Vậy thì đã sao?”. Tôi tin chắc điều này cũng đúng với bạn. Hơn nữa, tôi còn tin rằng những quãng thời gian đau buồn trước đây của mình - bao gồm thời thơ ấu đầy xung đột, sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên và những năm tháng nghiện ngập - đều có vai trò nhất định, giúp tôi trở thành người phụ nữ của hôm nay.
Khi nhìn lại mọi biến cố trong đời, tôi thấy lẽ ra mình có thể nói “Vậy thì đã sao?” với mỗi biến cố đó. Thật ra, chẳng có sự việc nào xảy ra với mục đích hủy hoại tôi cả. Tự tôi tưởng tượng như thế. Tôi đã để trí óc tự do điều khiển cảm xúc và hành động của mình. Giá như biết trước những điều mình học được từ câu nói của người bạn thân, thì có lẽ tôi đã cứu mình khỏi chìm đắm trong sự tự thương hại bản thân từ rất lâu rồi.
Trong bất kỳ tình huống nào, bạn cũng luôn có quyền chọn lựa giữa “bám giữ” hoặc “bỏ qua”. Sau này, mỗi khi bạn bắt đầu cảm thấy cuộc đời đối xử với mình quá bất công, hãy thử nói to lên: “Vậy thì đã sao?”; và, như một phép màu, nỗi lo âu trong bạn sẽ dần tan biến.