Chúng ta không bao giờ kiểm soát được kết quả của mọi tình huống, cho dù kế hoạch mình đặt ra hoàn hảo đến mấy. Tuy nhiên, chúng ta ít khi chấp nhận điều này như một diễn tiến bình thường của cuộc sống.
Ngay cả khi biết rằng không thể nhìn thấy trước một kết quả cụ thể nào, chúng ta vẫn cứ hy vọng sự việc diễn ra theo kế hoạch đã định. Nếu cuối cùng kết quả không được như ý muốn, chúng ta sẽ tìm ai đó để đổ lỗi, hoặc tự trách bản thân để rồi sau đó cảm thấy xấu hổ, tội lỗi một cách vô lý.
Dường như con người có sẵn thói quen cho rằng những gì đã xảy ra trong quá khứ chắc chắn sẽ lặp lại khi rơi vào tình huống tương tự. Đặc biệt, nếu một sự việc nào đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta càng tin chắc rằng nó sẽ xảy ra y như cũ. Nhưng rõ ràng, không có gì đảm bảo với chúng ta rằng sự việc chỉ diễn ra theo một cách duy nhất; và khi kết quả không giống như mình tiên đoán, chúng ta sẽ cảm thấy lúng túng. Chúng ta tự trút lên mình quá nhiều trách nhiệm cho những “thất bại”.
Nhưng liệu chúng ta có phải chịu trách nhiệm vì không thể đoán trước điều sắp xảy ra và không thể kiểm soát được kết quả của mọi việc? Tất nhiên là không. Tất cả những gì đòi hỏi ở chúng ta chỉ là sự nỗ lực.
Bạn chỉ có trách nhiệm nỗ lực, vậy thôi!
Tôi có thể nghe một vài người trong số các bạn đang cười nhạo luận điểm này bởi chính tôi cũng từng phá lên cười khi lần đầu tiên được nghe về nó. Làm sao tôi lại không có trách nhiệm cho điều có thể xảy ra trong một kế hoạch mình có liên quan, thậm chí khi mình là người khởi xướng? Điều đó hoàn toàn đi ngược với tất cả những điều tôi được học ở trường!
Tôi biết không phải chỉ mình tôi cảm thấy như vậy. Đa số mọi người từ nhỏ đã bị lẫn lộn giữa nỗ lực và kết quả. Chúng ta thường được bảo là phải hoàn thành những mục tiêu đề ra với kết quả tốt nhất. Nếu người thân trong gia đình chưa dạy cho ta điều này thì sớm hay muộn, các sếp và đồng nghiệp cũng sẽ nhồi vào đầu chúng ta bài học ấy. Chúng ta được khen thưởng khi chịu trách nhiệm vượt chỉ tiêu và bị phê bình khi lơ là trách nhiệm ấy. Chính vì vậy, đâu có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta quá chú trọng đến kết quả công việc mình làm? Chúng ta cần có đủ dũng khí và hiểu biết về giới hạn của con người cũng như vai trò của các yếu tố khách quan trong cuộc sống, để nhận ra được sự khác biệt giữa “nỗ lực hết khả năng” và “gánh chịu mọi trách nhiệm cho kết quả cuối cùng”.
Lần đầu tiên tôi biết đến quan điểm “Quan trọng là nỗ lực, không phải kết quả” là khi tham gia vào một buổi gặp gỡ của chương trình Twelve Step. Ngay lập tức, tôi cảm thấy mình sẽ tìm được sự nhẹ nhõm nếu tận hưởng cuộc sống theo đúng phương châm này. Nhưng tôi không dám chắc mình có thể thực hiện nó. Tôi vốn là người luôn chú trọng đến kết quả của công việc. Hơn nữa, quan niệm này áp dụng được trong môi trường của Twelve Step, nhưng trong cuộc sống bình thường, chắc gì đã phù hợp? Va chẳng phải tôi vẫn tiếp tục bị phê bình dựa trên các kết quả của mình, nhất là khi kết quả không tốt đó sao?
Nhưng rồi, tôi nhanh chóng nhận ra không có lý do gì để tôi phải kéo dài mãi sự ảo tưởng là mình có thể kiểm soát được mọi việc. Nhìn vào bất cứ đâu, chúng ta cũng thấy có những người đang nhầm lẫn giữa nỗ lực và kết quả. Bạn hãy để ý mà xem, những người làm cùng với chúng ta trong một dự án nào đó vẫn thường không xác định được nơi bắt đầu và kết thúc trách nhiệm của mình. Đó là những cơ hội để ta áp dụng câu châm ngôn: Đừng bận tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh, chúng ta chỉ có một nhiệm vụ là nỗ lực hết khả năng của mình. Sự nỗ lực là điều duy nhất chúng ta nên chịu trách nhiệm đầy đủ! Đây là một quyết định không dễ dàng chút nào, thậm chí, có thể khiến chúng ta bị chỉ trích. Nhưng tôi tin rằng đó là một quyết định đúng đắn.
Ở phần trước cuốn sách, tôi đã đề cập đến từ “bạn đồng hành”. Có thể hiểu “bạn đồng hành” là những người sát cánh bên ta ở nơi sinh sống, làm việc hoặc bất kỳ nơi nào khác. Họ là những người sẽ chỉ bảo cho ta nhiều điều hay, ngược lại, cũng học hỏi ở ta những điểm tốt. Bạn đồng hành mang đến cho chúng ta cơ hội chia sẻ quan điểm trong các tình huống liên quan đến cả hai, mà không hề mong đợi quan điểm của mình sẽ được đón nhận nồng nhiệt.
Khi làm việc với những người bạn đồng hành chưa từng biết đến nguyên tắc “chịu trách nhiệm vì nỗ lực của mình chứ không phải vì kết quả cuối cùng”, chúng ta sẽ thấy rõ phần nào nằm trong quyền kiểm soát của ta và phần nào là của các yếu tố khách quan khác. Hành động của ta đôi khi sẽ giúp khai sáng người bạn đồng hành. Bằng cách chỉ chịu trách nhiệm với nỗ lực của mình, chúng ta đem đến cho người khác cơ hội để tìm thấy phần nào sự bình yên và thanh thản trong cuộc sống.
Đừng nhìn lại quá khứ
Đến lúc này, có lẽ các bạn đã quá quen thuộc với luận điểm chúng ta phải sống hết mình với khoảnh khắc hiện tại nếu muốn mình hạnh phúc. Nhưng tôi thấy vẫn nên nhắc đi nhắc lại điều đó bởi mỗi lần nghe hoặc đọc về nó, chúng ta lại được nhắc nhở để thực hành. Tất cả chúng ta đều biết cách sống đó đòi hỏi rất nhiều luyện tập.
Chúng ta vẫn thường mơ đến viễn cảnh tương lai. Khi còn nhỏ, ta lên kế hoạch cho ngày mình được lái xe hơi. Lúc vị thành niên, ta lên kế hoạch cho ngày mình vào đại học. Ngay khi vừa bắt đầu đi làm, ta lại lên kế hoạch cho lần thăng chức đầu tiên và cả lần tiếp theo nữa. Tất nhiên, nhìn xa trông rộng cũng có mặt tốt của nó. Để có sự chuẩn bị chu đáo và thích hợp nhất, chúng ta cần phải lên kế hoạch cho những thành quả mình muốn gặt hái trong đời, dù là với công việc hay cuộc sống cá nhân. Rắc rối chỉ nảy sinh khi ta cứ mải sống trong kế hoạch tương lai thay vì hiện tại, bởi như thế nghĩa là chúng ta lần lượt bỏ qua từng bài học mà cuộc sống đang dạy cho mình hằng ngày.
Song song với những khoảnh khắc mơ mộng về tương lai là khuynh hướng gợi nhớ về qua khứ. Như đã trình bày ở chương trước, chúng ta đã quen dựa vào quá khứ để suy diễn những gì đang diễn ra trong hiện tại. Nhưng chỉ cần trở về quá khứ trong chốc lát để tìm kiếm sự hướng dẫn, lập tức ta đánh mất hình ảnh của chính khoảnh khắc hiện tại. Hiện tại cứ trôi qua không chờ đợi ta chú ý, trân trọng, học hỏi và biết ơn nó. Hiện tại không thể chờ. Nó biến mất chỉ trong chớp mắt, cái chớp mắt mà ta đã lãng phí để nghĩ về khoảng thời gian và không gian khác.
Có thể bạn cho rằng những lời này là sáo rỗng, nhưng sự thật là, xao nhãng khỏi hiện tại và vị trí mình đang đứng chắc chắn sẽ tước mất sự thanh thản mà chúng ta xứng đáng nhận được. Khi để tâm trí trôi ngược về quá khứ hoặc mơ mộng tới tương lai, chúng ta đã tự đánh mất cơ hội tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn; và cũng có thể đang tự nhấn chìm bản thân trong hối hận và sợ hãi. Trong trường hợp ký ức va viễn cảnh gợi ra cho chúng ta những cảm xúc tươi đẹp, chúng ta vẫn bỏ lỡ khoảnh khắc kỳ diệu và thần thánh chỉ có ngay lúc này và ngay bây giờ. Điều sẽ đến với chúng ta trong vài giây sắp tới rõ ràng là thứ gì đó hoàn toàn khác khoảnh khắc hiện tại.
Giả sử trong giây phút có mặt ở văn phòng vị giáo sư phản biện, người trước đây đã không đánh giá cao luận án của tôi, tôi để những thất bại của quá khứ hoặc lo lắng về tương lai chiếm giữ tâm trí mình, có lẽ tôi không thể thành công. Và tôi sẽ không được nhận tấm bằng tiến sĩ, hay nói cách khác là phải viết lại toàn bộ luận án. Bằng cách nào đó, tôi biết mình cần hít một hơi thật sâu và đặt niềm tin tuyệt đối vào giây phút đó mà thôi.
Cuộc sống không dài như ta tưởng và chẳng có gì được bảo đảm ngoại trừ khoảnh khắc hiện tại. Không quả cầu thủy tinh nào có thể báo trước cho chúng ta biết mình còn lại bao nhiêu thời gian. Nhưng nếu cuộn mình lại trong tấm chăn của hiện tại, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình yên. Chúng ta sẽ sống trong những điều tốt đẹp mà hiện tại ban tặng. Phần thưởng đặc biệt khi chọn lựa cách sống này là chúng ta sẽ không bao giờ nghi ngờ những gì cuộc đời lấy đi và mang đến cho mình. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy sợ hãi. Hãy cuộn mình trong tấm chăn êm ái của hiện tại, bạn sẽ nhận ra điều đó!
Ngừng lo lắng về tương lai
Chúng ta từng nghe rất nhiều câu chuyện bi thương về những người đột ngột qua đời, do các bệnh tim mạch hay tai nạn. Mỗi lần như thế, tôi luôn tự hỏi (có lẽ bạn cũng từng hỏi bản thân như vậy) liệu họ có đang vui vẻ hay không ngay trước khi ra đi. Không biết họ đang tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại hay đang bận lo lắng về tương lai, hoặc mải buồn phiền vì kết quả của những việc đã rồi?
Lo lắng là trạng thái chỉ xuất hiện mỗi khi chúng ta không toàn tâm toàn ý sống cho hiện tại. Nó là bằng chứng cho thấy chúng ta đang cố can thiệp vào tương lai - mà chúng ta tin rằng nó sẽ xảy ra giống y như quá khứ - và những trải nghiệm đau thương ta không hề muốn lặp lại chút nào. Chúng ta lo lắng vì không chắc chắn về sự hiện hữu của niềm tin. Phải chăng niềm tin đã từng xuất hiện nhưng chúng ta lại không nghe theo sự dẫn dắt của nó? Hãy tin chắc rằng niềm tin luôn luôn hiện diện, chỉ có điều là chúng ta không kịp nhận ra vì còn mải mê hoạch định tương lai.
Trí óc của chúng ta chỉ có thể xử lý mỗi lần một ý nghĩ. Các bạn muốn chào đón nỗi lo âu hay sự hiện diện của niềm tin?
Niềm tin trong mỗi người đang có mặt ngay lúc này đây. Và nó cũng sẽ đồng hành trong tương lai cùng với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ là sự hiện diện của niềm tin chỉ có thể được cảm nhận trong từng khoảnh khắc một, và như thế nghĩa là chúng ta cũng phải xuất hiện trong mỗi khoảnh khắc ấy. Bỏ qua khoảnh khắc hiện tại vì lo lắng cho các mối quan hệ, cho sự nghiệp, ước mơ, hoài bão... sẽ ngăn cản chúng ta lắng nghe tiếng nói của niềm tin cuộc sống. Khi cam kết trải nghiệm mỗi khoảnh khắc cùng hiện tại, chúng ta sẽ không còn sợ hãi, không còn âu lo, mà sẽ sống với một niềm tin tuyệt đối.
Nếu những lời trên đây của tôi nghe có vẻ quá đơn giản thì chính là bởi tôi đúng là người như thế. Những trải nghiệm của tôi là một người thầy vĩ đại. Trong công việc tư vấn cho khá nhiều phụ nữ trẻ, tôi vẫn thường nói với ho rằng: “Đừng đi trước mũi bạn”. Đó là lời nhắc nhở tuyệt vời cho những ai đang hoạch định tương lai; nó sẽ nhanh chóng đưa chúng ta trở về hiện tại. Tôi cũng muốn gợi ý với các bạn là mỗi khi những ý nghĩ về tương lai lởn vởn trong đầu, hãy tưởng tượng mình thổi chúng bay khuất tầm mắt. Nghe có vẻ thật ngớ ngẩn nhưng cách này hiệu quả đấy! Tôi đã dùng nó nhiều năm rồi.
Làm một lúc hai công việc, viết văn và diễn thuyết, tôi thường có một thời khóa biểu đầy kín. Chỉ cần bắt đầu nghĩ về tất cả những việc phải làm trong thời khóa biểu, hoặc thậm chí vài việc trong tuần tới, là cũng đủ khiến tôi thấy hãi hùng và quá tải ngay. Chính vì vậy, đã đến lúc nên trở về với hiện tại.
Mỗi khi để tương lai, thay vì hiện tại, chiếm giữ tâm trí, chúng ta sẽ đánh mất sự bình yên của khoảnh khắc đó. Những lúc như vậy, tôi luôn cố gắng làm theo cách vừa được đề cập ở trên: Thổi bay những suy nghĩ ra khỏi đầu! Và một lần nữa, tôi luyện tập để tin rằng Niềm tin và Nỗ lực sẽ giúp mình xử lý tất cả công việc đã cam kết thực hiện, khi đến thời hạn cần hoàn tất chúng.
Trong môi trường của Twelve Step, tôi thường xuyên nghe người khác lặp đi lặp lại câu nói: “Nghĩ đơn giản thôi!”. Những từ ngữ ấy có thể làm thay đổi cả một cuộc đời. Nếu chúng ta chịu ở yên trong khoảnh khắc hiện tại, nơi niềm tin luôn hiện diện, thì tất cả những lời giải đáp mà ta hằng tìm kiếm sẽ tự xuất hiện, và chúng ta sẽ không còn là nô lệ cho bất cứ nỗi lo lắng nào nữa.
Tìm kiếm niềm vui ngay tại đây, ngay lúc này!
Luận điểm này có gì khác với những ý kiến chúng ta vừa thảo luận ở trên? Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, niềm vui là do ta tạo ra và cách dễ dàng nhất để tạo ra chúng là thừa nhận sự tồn tại của các quy luật khách quan. Tôi xin nhắc lại rằng, thừa nhận sự tồn tại của các quy luật khách quan là một bài tập cần thiết. Ít nhất bản thân tôi đã hiểu ra điều đó. Như tôi đã nói, trí óc chúng ta không thể xử lý nhiều hơn một suy nghĩ trong một lần. Nếu ta thừa nhận các quy luật khách quan trong cuộc sống, mọi trải nghiệm đều có khả năng đem đến niềm vui.
Tất nhiên, tôi biết rằng đôi khi bi kịch vẫn xảy ra, dù chúng ta có cố tình né tránh. Nếu để sự vận động tự nhiên của các quy luật cuộc sống xử lý mọi việc và vỗ về, an ủi ta thì ta sẽ nhận thức được rằng, mỗi sự việc đều không phải ngẫu nhiên mà có; đó là những mảnh ghép từ một bức tranh lớn và vai trò của bất cứ ai ở trong đó đều cần thiết như nhau.
Tôi không hề có ý nói các quy luật khách quan của cuộc sống luôn tạo ra bi kịch để truyền đạt cho chúng ta điều gì đó. Thực lòng, tôi không tin như thế. Nhưng có lẽ chúng ta đều từng thấy “điều tồi tệ xảy ra với người tốt”. Mỗi khi gặp chuyện như vậy, chúng ta hãy tìm đến các khái niệm Chấp nhận, Nỗ lực, Niềm tin để tìm kiếm sự dẫn dắt, thông cảm và thanh thản trước những gì đã xảy ra.
Niềm vui là thứ vẫn hiện hữu quanh ta mọi lúc, mọi nơi. Nhưng để cảm nhận được nó, chúng ta phải thật cởi mở. Một cái đầu hẹp hòi, ưa chỉ trích, chứa đầy nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ nhận ra được niềm vui. Một nụ hồng vừa chớm nở, một nhành liễu đong đưa trong gió, một ánh cầu vồng sau cơn mưa, những hạt sương long lanh trên ngọn cỏ mỗi sớm mai, một cô bé chập chững những bước đi đầu đời - tất cả những khoảnh khắc ấy đều đang chứa đựng hạt giống của niềm vui. Mỗi ngày, mỗi giây phút, chúng ta đều có thể nhìn thấy dấu hiệu của sức sống tươi mới trong vạn vật. Cảm nhận được niềm vui bất tận từ những điều đó hay không, quyết định là của chúng ta.