Cảm giác vừa lạ vừa sợ, nó làm cho cậu bỡ ngỡ. Cậu sẽ phải trả lời mẹ nuôi thế nào đây? Hoàn toàn do cậu quyết định, không thể đem chuyện đó ra mà tham khảo ý kiến của bạn học, hay của thầy cô trong trường. Đương nhiên cậu không muốn thấy mẹ nuôi khổ. Bà cứu giúp, cho ăn học, cho ước mơ. Giờ chỉ cầu xin được ăn nằm, được cậu cho cảm giác của người đàn bà có chút hạnh phúc. Bản thân cậu đã chứng kiến cảnh cô đơn của một người đàn bà. Cậu đã thấy bà trong nhà tắm rất lâu. Chắc hẳn có lúc bà đã kì cọ đến mòn da, tứa máu. Qua một lần kính mỏng, đôi khi cậu thấy lờ mờ thân thể đầy tiềm tàng của bà. Nó gợi lên sức mạnh dục tính. Sức mạnh của một cỗ máy tinh vi thiếu nhiên liệu hoạt động. Nó thông báo tâm hồn bà đang gào thét, cần sự thỏa mãn và cứu rỗi. Bà không thể đem ra so sánh với thân thể của cô gái tên Quê nơi chôn nhau cắt rốn của cậu. Cũng không thể nào còn trẻ trung như cô bạn gái ngồi cạnh tên Hoằng ở trường bây giờ. Hoằng có đôi mắt hoang hoải sâu xa, cũng rất khó đoán, chỉ khi vui vẻ mới thấy hồn nhiên tỏa khắp. Còn ở mẹ nuôi, lúc nào cũng có vẻ trầm xuống, nín nhịn, như hai con rùa đang nín nhịn chịu đựng mẹ hành hạ. Nếu không làm hài lòng mẹ có thể nào Kiêu sẽ bị đem ra mà hận, ngôi nhà này xuất hiện con rùa thứ ba mang tên Kiêu. Điều đó thật khủng khiếp. Không, tôi không muốn thế. Cậu hét lên trong tâm thức.
Sau giây phút có một không hai diễn ra trong nhà tắm, cả hai đều thấy ngượng ngùng. Bà mẹ ngồi thất thần bên khung tranh, còn Kiêu ngồi yên một góc trên tầng. Kiến rù rì bò trong gan dạ hai con người đang nghĩ về những hành động vừa rồi. Kiêu có vẻ day dứt hơn. Cậu mắc nợ bà. Cậu kính trọng bà thực sự. Giá mà không xảy ra chuyện vừa rồi để cậu đỡ phải đau đầu. Nhưng nó đã xảy ra như một cơn gió cay nghiệt, quất cái buốt vào tim gan cậu, như nó vẫn quất vào những bức tường cắm mảnh chai. Phân tích lợi hại là điều tất yếu diễn ra. Cậu vẫn đang chờ người mẹ đẻ của mình. Mẹ còn sống sẽ về tìm cậu. Đã có lúc cậu mong đến chảy nước mắt. Nhưng phải giấu đi, nuốt trôi cho ngày tháng rộng dài còn có thể vung vẩy cánh tay. Đã có thời gian cậu nghĩ, thân xác mình chỉ để yêu một người, đó là Quê. Đầu óc ngày đó non nớt nhưng đã nảy nòi được phần nào nghiêm túc. Rồi sao đổi chỗ, gió mây biến thiên, tất cả đã tuột khỏi dự đoán của một cậu bé. Tiếng ho của mẹ nuôi dưới nhà khiến tâm trạng Kiêu thảng thốt, trong lòng dâng lên niềm cảm thương khôn tả. Hẳn là bà đã chịu nhiều ẩn ức, khổ đau. Đôi mắt bà được chong lên bởi những mệt nhoài của thăng trầm và biến cố. Cậu đã lên giường nằm trong nỗi trằn trọc. Không thể nào xua mình vào giấc ngủ, hay lừa được bản thân thiếp đi. Đồng hồ chỉ 4 giờ sáng, cậu tắt hẳn bóng đèn ngủ và cố thiếp đi chút ít. Cảm giác mẹ nuôi cũng không ngủ được. Có thể bà đang nhen nhóm ý định lên hẳn đây để gần cậu, hoặc đang ngấu nghiến ân hận. Cậu đoán già đoán non. Nếu là đau khổ bởi tình trường, hoặc một mất mát nào đó, cậu sẵn sàng ra khỏi giường, xuống dưới để an ủi bà. Còn đây là chuyện có liên quan đến cậu. Liên quan đến cả lòng kính trọng và biết ơn. Chiếc lá non nào có khả năng chịu được bão táp, thoát khỏi bầm dập, hẳn sẽ ở giai đoạn trưởng thành trong thời gian dài lâu.
Sớm hôm sau bà Hát vẫn dậy nấu cơm. Hai mẹ con ngồi ăn nhưng không khí bị chùng xuống. Bốn mắt nhìn nhau ngường ngượng làm sao. Kiêu ăn vội vàng rồi lên phòng. Bà Hát giục ăn nữa, cậu nói con ăn no rồi, không thể ăn tiếp. Bà cũng không nài thêm. Xong xuôi bà câm lặng cất dọn. Kiêu xách cặp đi sớm hơn mọi hôm. Chào bà trong cái cười không còn tự nhiên như mọi hôm, dù là cậu cố tỏ ra quên đi mọi chuyện.
Hoằng khác, xinh hơn những hôm trước. Cô chuyển lên ngồi gần Kiêu được hai buổi. Lý do một người bàn cậu bỏ hẳn học mà cô gái thì bị tra tấn ở phía dưới bởi một gã dở hơi suốt ngày tán tỉnh bằng vốn từ ngữ vừa thô thiển vừa lùn lồm cồm sát mặt đất, lại được chuyển tải bằng giọng vừa ngọng vừa lệch. Cô cầu cứu Kiêu và sẵn sàng tâm sự hết những khó chịu của mình. Nơi đó là địa ngục. Ngồi cạnh Kiêu, cô cho là mình được thoát nạn Luyện ngục trở về Thiên đàng. Áo cánh sặc sỡ hợp với cô và cũng là sở trường. Khuôn mặt của Kiêu khiến cô không thể vui, luôn mồm hỏi làm sao và động viên bằng cách: này, hãy quên đi mọi muộn phiền và sống thật thỏai mái. Ước gì có thể thỏai mái như lời cô. Kiêu cũng hy vọng cô gái này đừng giống Liễu gái điếm mà cậu gặp trong công viên. Dù cô hành nghề kia, tư tưởng không bị hoen ố thì nhuốc nhơ chẳng thể nào gột được nữa rồi. Ở khuôn mặt cô chỉ có chữ Đáng Thương hiện hình thôi. Cô không đáng trách. Còn Hoằng, cô con nhà tử tế, đang được học hành và sẽ có tương lai. Ai đó đã nói con người ba bẩy đường biến thành quỷ dữ, sa ngã có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khối cô điếm vẫn non tơ hồn nhiên như thường, chất mộc mạc nhà quê còn giúp họ moi tiền từ khách làng chơi tự cho mình sành gái. Hoằng có cái đáng yêu riêng của cô. Cũng như Quê ngày xưa (hiện thời đang chịu sự quản thúc của gia đình) cũng có cái đáng yêu riêng. Kiêu cho phép mình hồi ức về cô như những kỷ niệm mà năm tháng thiệt thòi đã qua cậu thấy hàm ơn. Sẽ chẳng thể nào có nhau được nữa. Cô và cậu đã bị tách ra hai thế giới rồi. Quê sẽ nghe gia đình, cưới chồng. Còn cậu sẽ sống với chân trời của mình, với những định vị đang được sắp đặt. Cậu ngẩng mặt lên nhìn Hoằng lấy một lần. Mắt cô ươn ướt màu thạch mấy bà vẫn ngồi cắt cho vào chè thập cẩm giải khát.
Thôi, quên đi những muộn phiền nào.
Lại là một câu nói đầy nữ tính của Hoằng, như khẩu hiệu của một doanh nghiệp tư nhân bắt buộc mọi nhân viên đều phải thuộc và thực hiện. Cậu nói nhưng tớ không thể vui được, chẳng xóa được muộn phiền. Hãy cứ để tớ sống với nó. Hoằng nói dứt khoát không được thế. Vậy thì sẽ sống mãi với sự khó chịu, rất nhanh già. Tuổi già rượt đuổi trí khôn trẻ nhóc. Thôi cũng được. Thì cười. Cậu nhoẻn miệng đầu lưỡi đỏ au, khiến Hoằng được phen cười sặc. Thế chứ. Thế mới khỏe người ra chứ. Thôi, cứ như vậy đi.
Kiêu về nhà trước bà Hát hồi lâu. Mặt đỡ rười rượi hơn ban sáng. Kiêu thẽ thọt chào mẹ. Bà Hát cũng đổi luôn, thay thế khuôn mặt ban sáng bằng vẻ tươi tỉnh bình thường. Tay cầm cốc nước lọc, bà gọi Kiêu lại gần. Giọng tự tin và đĩnh đạc: Là một chàng trai rồi, mẹ tin con đã lớn và hiểu được những gì mẹ nói. Con thấy đấy, mẹ đã nói ra rồi, quyết hay không là ở con, mẹ không trách đâu.
Được câu nói này thoát ra, không khí giữa hai mẹ con mới bớt nặng. Cứ như buổi sáng thì ngột ngạt chết mất. Kiêu chỉ vâng, không nói là sẽ suy nghĩ hay là bao giờ suy nghĩ. Bà Hát cũng để cho cậu thỏai mái. Bà thấy mình cần phải đối diện với ham muốn của mình. Đêm qua nằm, bà đã nghĩ một điều như vậy không nói ra, đầu bà nổ tung lên mất. Cứ nói, may ra nhận được thông cảm. Chuyện về hai con rùa cũng vậy. Chúng đã cho bà cảm giác hả hê.
Kiêu nhận được điện thoại từ quê của anh Tôn. Anh nói mình đạp xe lên bưu điện chợ Bái để gọi. Quyết định quay về hôm đó của anh là sáng suốt. Đường ra phố mùa này đẹp lắm. Mẹ mong vợ mong con mong. Công lao ra sông ra biển hết rồi. Hy vọng tuột tay mất rồi. Tìm cơ hội khác nuôi hy vọng khác thôi. Đã bảo con người vẫn thích nhen nhón những ước mơ khó thành. Chiếc xe không thể đi được nữa. Nó đã được trả lại chủ. Anh nhận tiền hoàn lại, tuy nhiên đằng kia đã “xử lý” mất một ít. Chắc anh cũng xí xoá luôn. Một cú hú vía. Cỗ xe lịch sử nào đó cũng gần giống như vậy. Người ta mơ màng không nhận ra mình đang sống ở đâu và sống như thế nào. Có phải cứ tiến là tiến ngay được đâu. Tiến mà không đủ sức thì què chân mất hơi giữa đường. Luận điểm chính của một số chuyên gia kinh tế nói rằng Việt Nam còn lâu mới hóa rồng. Một người nói vui nếu thi vào trường nói phét, hoặc tổ chức thi chạy thành tích thì Việt Nam đứng đầu người đỗ. Kiêu rất cảm thông với những khó khăn của anh Tôn. Anh đáng thương quá. Hoàn cảnh bi đát và thê lương như cái ao tù lá sung rụng nước thối. Anh thông báo một tin khiến Kiêu rụng rời chân tay: Quê đã cưới chồng. Nhanh như ba ngày Tết. Thôi rồi Quê ơi. Số phận chó chết làm sao thế! Sao lại bắt cậu sớm trở thành một hình nhân trong nhà tù. Lẽ ra Quê đã có thể là của cậu, một người vợ tốt với những ước mơ bình dị. Và biết đâu, đôi vợ chồng sẽ bước lại bước chân của vợ chồng anh Tôn, nghèo nàn và nheo nhóc. Kiêu gắt lên trong điện thoại. Bất chợt anh Tôn cảnh báo anh là Tôn chứ không phải là người cậu có thể hét lên. Giọng cậu mới dịu xuống.
Thế anh có muốn ra phố làm nữa không? Kiêu hỏi. Em sẽ xin mẹ nuôi tìm cho anh một công việc, chắc chẳng cần dùng đến xe máy đâu. Làm và ăn ở luôn chứ. Phải tìm công việc như thế, lúc nào muốn về bỏ vài ngàn xe ôm với chục ngàn xe khách là đến nhà. Anh Tôn cười như oà vỡ một cơn mưa lũ. Chắc chắn là vậy rồi, thích như chú chim chục năm mới được thả khỏi lồng thỏai mái đập cánh vậy. Nghèo hèn nô dịch ước mơ. Anh sẽ còn nhào nặn đến bao giờ. Anh nói sẽ chủ động gọi điện để biết thông tin về việc làm. Cố gắng giúp anh nhé, Tôn sốt sắng. Anh sẽ ở nhà chuẩn bị tinh thần, Tôn nhắc lại.
Anh Tôn buông máy từ lâu mà Kiêu còn áp vào tai mãi. Trong ống nghe anh không ngừng phả ra những thông tin xa xót đó. Quê đi lấy chồng theo sự sắp xếp của cha mẹ, cái thảm kịch thâm căn cố đế của một ngôi làng. Người dân vẫn muốn mua dây buộc mình trong cái thời đại đã rất tiến bộ này. Ôi con đường để quê hóa phố còn vô vàn gian nan. Hơn tám mươi triệu người dân mũi tẹt da vàng, bao nhiêu phần trăm sẽ có của ăn của để, hưởng cuộc sống của một đất nước hóa rồng? Nhiều nơi họ vẫn cố dìm mình trong lửa hoả ngục, tự bỏ tay buông rơi bản thân xuống đáy vực sâu, xa tầng mây xanh ngút ngàn lớp lớp. Quê ơi Quê, hãy cho Kiêu được xưng anh lúc này. Em không có lỗi gì phải không? Chính anh đã gây cho em tất cả, nếu không gặp em thì cha mẹ đã chẳng xua em đi vào một gia đình mà em mãi mãi không muốn.
Kiêu ước ao nhìn thấy tất cả những người con gái có chút gì đó giống Quê, dù tí tẹo đầu móng tay. Cậu sẽ đề nghị được hôn, hay ít nhất là chăm sóc người đó trong ít giây lát và chỉ để đánh một dấu gì đó vào người kia. Tháng tháng năm năm, mỗi con người sẽ bước đi. Nhưng người con gái đó cũng đi. Nơi này nơi khác, bến này bến khác nhưng ít nhất họ mang âm hưởng của ánh mắt cậu đã kịp lan toả, ghi khắc trên đó. Cậu không cần biết là nó lưu lại được bao nhiêu, chỉ cần biết mình nghĩ là nó lưu lại thì nó sẽ được như vậy.
Bằng ý nghĩ này cậu đã chạy ra ga tàu. Cậu muốn quan sát ở đây những cô gái. Không ai có khuôn mặt giống Quê. Không ai cậu có thể đặt lên nụ hôn hoặc sự săn sóc trong giây lát, hoặc chỉ là vài ba câu hỏi chuyện. Cậu đã nhặt một viên sỏi và đánh dấu vào những toa tầu. Khỏang 3 đoàn tầu gì đó cậu không nhớ. Nhưng rõ là bàn tay cậu đã vạch rất nhiều, đến mỏi nhừ, đến tứa máu mấy đầu ngón tay. Cậu lang thang như thế cho đến gần tối. Việc làm vô nghĩa chẳng có chút chủ đích của hiện thực thông báo tâm trạng bất ổn của cậu. Lại lang thang về nhà. Cô bạn gái cùng bàn tên Hoằng đến tìm từ rất lâu, nhưng cô không dám gọi ai mà chỉ thầm thì ngoài cổng. Cô nói với Kiêu là chỉ đứng đây nhìn, khi thấy cậu cô sẽ gọi. Hơn một giờ đồng hồ chân mỏi muốn nhũn ra mà không thấy Kiêu. Cậu mời cô vào nhà. Hoằng nói không muốn, chỉ muốn cậu đi chơi cùng một lát.
Kiêu mở cửa vào nhà xin phép mẹ. Nói sẽ không ăn cơm ở nhà. Con đi với bạn mẹ ạ, rồi có thể ăn tạm ở đâu đó. Bà Hát thấy ở con có gì đó như nỗi ưu tư khó đoán chằng chịt bám trên khuôn mặt. Bà không hỏi cặn kẽ đi đâu, chỉ dặn đừng bỏ bữa. Một nụ cười trên khóe môi. Con đi đi. Vâng, con chào mẹ. Hai người đèo nhau bằng xe đạp. Lâu lắm Kiêu mới có cảm giác được bạn gái đèo và đèo bạn gái. Hoài ức về cô gái tên Quê xưa có thể gợi lại trong tâm tưởng cậu bất cứ lúc nào. Như một món ăn ngon nào đó mà bạn rất thích, bạn luôn nhớ và thèm ăn nó. Chẳng hạn là cà muối. Rất nhiều người xa quê không quên nổi thứ quả muối bình dân này. Dù thậm chí chẳng có chút chất bổ béo nào, nhưng nó vẫn được ưa chuộng ở phố. Kiêu không muốn Hoằng nhận ra cậu đang buồn, hơn nhất là cậu đang nghĩ đến Quê. Bà mẹ hẳn sẽ ngạc nhiên lắm. Bà không cho rằng cậu nhanh chóng hòa đồng đến mức có thể cùng bạn đi ăn lai rai bên ngoài. Chính đôi lúc Kiêu thấy mình thay đổi. Chút ít hoang dã đã bay đi như sương trời gặp nắng hửng. Phố có muôn vàn hoa đẹp và những trò hấp dẫn. Được lên học hành và sống trong một ngôi nhà như bây giờ là điều không tưởng. Cậu đang rất nhớ mẹ, không biết mẹ có được sống trong ngôi nhà như mình đang sống, hay chịu mưa rét gió vùi ở một phương trời nào.
Mẹ ơi, con không muốn làm cô Hát buồn. Cô ấy rất thương con. Và con đã gọi cô là mẹ, thân thương và gần gũi như con và mẹ ngày đó. Con đã biết mẹ sống khổ sở thế nào ở quê. Cay đắng ập oà còn nhiều hơn trận vỡ đê năm 1990 cát tràn đồng, tiêu diệt cây trồng và nhà cửa. Tự con có thể kể lại toàn bộ những chi tiết đó, nhưng con không muốn tiếp diễn những chuyện buồn đau trong đời mình. Cần phải quên đi mọi khổ đau để sống tốt phải không mẹ? Con còn đang nghĩ đến mẹ nuôi của con là cô Hát bây giờ nữa. Cô ấy rất tốt, cũng khổ tâm như mẹ ấy, bị đàn ông ruồng rẫy phụ bạc. Con hận những người đàn ông đã gây đau khổ cho người thân của con, dù cho kẻ đó là ai, là bố con cũng vậy. Con sẽ hận ông ấy nếu ông ấy làm khổ mẹ? Cô Hát đã khiến con khó xử trong trường hợp này. Phải làm sao hả mẹ. Một chuyện gần như trái với đạo lý, với luân thường, con cứ thấy tất cả đảo lộn làm sao. Vì thế, chẳng rõ đúng sai thật giả thế nào. Có thể chuyện quan hệ đó là tốt với cô Hát, nhưng chẳng tốt với con. Suy nghĩ của mỗi người đều khác nhau, nhất là người lớn và trẻ nhỏ. Một giới hạn, một ngăn cách rõ ràng. Giờ thì con khôn ra nhiều rồi, nhận thức được phần lớn những chuyện đang diễn ra. Nếu gặp con, mẹ sẽ thấy là con rất cao, có phần đẹp trai nữa. Nếu gặp mẹ, con sẽ hỏi ý kiến mẹ chuyện này. Cô ấy đã dám nói ra ham muốn của mình, lẽ nào con không thể hỏi mẹ. Dù cô đã nói quyết định là ở con nhưng nhìn sâu trong đôi mắt cô ấy, con nhận ra những khẩn cầu tha thiết. Con là một chàng trai đang hăm hở đổi mới mình, không thể là thằng cu con bị người ta khinh rẻ, chế nhạo, một đứa con hoang. Con muốn sau này được sống cùng mẹ, và cả mẹ nuôi nữa.
“Đã đến hồ Gươm rồi”. Thông báo của Hoằng làm Kiêu sực tỉnh. Cậu oà lên một câu cảm thán không tròn vành, biểu lộ sự ngưỡng mộ đối với hồ Gươm có đèn nhấp nháy lóng lánh mỹ miều. Ngày nhỏ, đứa trẻ nào ở quê cũng ao ước một lần ra Hà Nội. Chỉ nghe ngoài đó bán la liệt đồ chơi hấp dẫn, đa phần dính dáng bạo lực là đứa nào cũng mắt chữ a mồm chữ o. Kiêu còn thấy sự thiêng liêng và hấp dẫn của Hà Nội qua lời kể của anh Tõn con bác Vin, được ông chú cho đi Hà Nội chơi một ngày. Thì đây, lý tưởng đã được thỏa mãn, con người lại đi tìm những lý tưởng khác. Giờ không phải ao ước gặp một Hà Nội thanh bình nữa, mà có thể đến với Sa Pa mù sương, Đà Lạt diễm tình hay Sài Gòn hoa lệ. Những nơi đó lại là điểm đến của Kiêu trong tương lai, những nơi nhào nặn ham muốn, và trở thành những lý tưởng. Kiêu thốt lên một lần nữa để hưởng ứng câu nói “lãng mạn quá” của Hoằng vừa rồi. Đứng đó một lát, Hoằng gợi ý đến ngồi ở ghế đá. Được. Chiếc xe dựng ngay bên cạnh. Hai người như đôi tình nhân hướng mặt tháp rùa, những đôi bạn trẻ yêu nhau vẫn sóng sánh lướt qua, đôi khi nhấm nháp nhau bằng những ánh mắt đẹp đến phát sáng, hoặc nhởn nhơ nhìn cảnh như bò gặm cỏ non. Một vài vị khách nước ngoài di chuyển khối thịt đồ sộ của mình một cách vừa dềnh dàng vừa vồi vội. Những chiếc máy quay, máy ảnh thi thoảng được đưa ra sử dụng rất đúng mục đích, giống một nhà báo chuyên nghiệp, biết rõ mình nên tác nghiệp lúc nào, chẳng bỏ qua những chi tiết nhỏ mà cần thiết.
Kiêu bảo Hoằng cứ ngồi nói chuyện một lát rồi đi ăn. Hoằng ý nhị cười, dịu dàng như cô gái đang yêu. Mà sao mặt cô gái bỗng ửng đỏ như qúyt chín đầu xuân thế nhỉ, không chịu dịu đi để người ta bớt sốt ruột. Phải khẳng định rằng, ở không gian này Hoằng trở nên xin đẹp điệu đàng. Hình như quá mức cần thiết. Nói như vậy bởi vì nó không hợp hoàn cảnh. Nếu Kiêu đang muốn chinh phục, hoặc cô đang um úm ý đồ thì đi nhẽ khác. Đằng này Kiêu đang âm thầm buồn. Hoằng nói đến những người bạn trong lớp, những cô gái con nhà giàu chỉ nói chuyện nhắng nhít yêu đương và ăn uống. Thông tin về cướp giết hiếp được họ nói đến với tần số nhiều nhất trong ngày, ứng cử viên thứ hai là chuyện yêu đương và quan hệ tình dục. Một tờ báo có bài viết sâu sắc đã nhận định rằng lớp trẻ Việt Nam ngày nay quan tâm đến tình dục hơn bất cứ chuyện cơm áo nào khác. Những thông tin tràn lan, ngập ngụa, chúng chất lên như những đống rác lớn bao vây nhiều thành phố và bốc mùi. Sau đó, không ít nhà báo đã dành tâm huyết viết bài, giống như tiếng kêu cứu: Hãy cứu lấy lớp trẻ, hãy làm trong sạch đầu óc lớp trẻ. Nhưng họ không gánh vác được công việc này. Đó đòi hỏi phải đồng bộ, chung sức, quyết tâm, có tuyên truyền và chiến lược hẳn hoi. Và chắc chắn là khó hơn bất kỳ việc chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo khác. Vì sao? Mỗi con người vẫn có thể trả lời được ít nhất tám mươi phần trăm. Không có pháp luật nào cấm người ta không được nghĩ xấu. Càng chẳng có rào cản nào cho những bộ óc đen tối. Hoằng thi thoảng lại thở dài, nói chán. “Chúng nó đi học thế quái nào nhỉ. Ở nhà cho xong tội, làm vậy vừa mất tiền cha mẹ, vừa chẳng giải quyết việc gì”. Câu nói được thốt ra từ miệng một cô gái chưa có nhiều kinh nghiệm sống, thậm chí quá non nớt trong thế giới này, dù cô ở thành phố. Với người lớn, hoặc Kiêu, chỉ có thể giải thích rằng điều đó là tất yếu. Con của nhà giàu sống trong sự bao bọc của quyền chức và tiền bạc bố mẹ, con nhà nghèo đi học bằng rau cỏ dưa cà mắm muối nhà quê. Tất cả những thứ đó đều được nhuộm một thứ chất có tên Nước mắt. Vậy thì thôi, Kiêu bảo, chúng ta chẳng nên than thở chuyện đó, ai có thân người ấy lo. Bất thình lình Hoằng nhận thấy nỗi buồn không cưỡng lại được, được tô vẽ trên khuôn mặt đang giãn ra của Kiêu. Cô hỏi:
- Sao thế?
Kiêu nói:
- Không sao, cậu kể về gia đình cậu đi.
Hoằng hỏi lại:
- Gia đình tớ ý à, có gì đâu mà kể.
Có vẻ Kiêu không thích nghe câu nói này. Hoằng nhận ra điều đó, vội xin lỗi bạn để không khí đừng loãng ra. Kiêu nói “không có gì đâu”, tay khua khua không khí. Thế rồi Hoằng cũng thành thật nói sơ qua rồi hẹn lúc nào đó có thời gian nói kỹ hơn, sâu hơn. Đại thể bố cô là một trí thức, chính xác hơn là một nhà thơ kiêm nhà văn ôm cả nghề báo, lắm lúc ngứa ngáy ngồi thẫn thờ vẽ tranh. Cái mốt “nhiều nhà trong một nhà” bây giờ phổ biến trong giới trí thức. Một người kiêm sáng tác trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ở mảng nào cũng um úm tiếng tăm. Mẹ cô là một người không có tố chất chịu đựng được một người chồng như vậy. Hoằng được sinh ra là con một, ăn sâu vào đầu óc những đêm cãi vã của cả hai người và được hướng dẫn theo tuỳ hứng mỗi người ở mỗi lúc. Sau đó cả hai ngớ ra cô con gái chẳng am tường ham thích thứ gì, thi hai trường đại học không đỗ, bảo bố xin cho học ở trường Trung cấp Tài chính, chuyên ngành kế toán. Mẹ cô bảo học trường đó cũng được, tương lai mẹ cô xin cho một chân vì bà đang làm ở một ngân hàng có tiếng. Nói đến đây Hoằng thở dài, rồi dấn thêm chút ít về cảm xúc của mình. “Tớ chán lắm, ngày nào bố mẹ cũng cãi nhau. Mỗi người thích một kiểu. Gia đình tớ đang khủng hoảng. Ai cũng bảo cái mà mình đang nghĩ là tốt”. Kiêu động viên cô bạn bằng một câu trích dẫn quen thụôc: mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh rất bình dân mà cha ông ta bao đời nay nhắc đi nhắc lại.
Đã rất đói. Kiêu đứng lên vươn vai. Mấy khớp xương răng rắc kêu như hạt hướng dương trong chảo rang. Mớ tóc cậu bị gió đánh tạt, phất ngược phất xuôi, bồng bềnh tổ quạ. Hai người nhất chí đi ăn. Chiếc xe đạp làm nhiệm vụ vận tải. Kiêu lãnh trách nhiệm đạp. Người cậu mềm ra và đôi chân đờ đẫn. Xe đạp có thể đi được vì sau cậu là một cô gái...
Trở về nhà lúc mười rưỡi đêm. Kiêu mệt nhoài và muốn đi ngủ ngay. Bà Hát đang làm luôn hai việc là vừa xem tivi vừa lật tờ báo. Cậu đến gần chào mẹ và xin phép đi ngủ. Bà Hát thấy con buồn nhưng không nỡ giữ lại, chắc nó mệt thật, để cho nó đi ngủ trước.
Con trai đã đi nằm từ lâu, nhưng nó dường như không ngủ nổi, mọi cựa quậy đều không qua nổi bà Hát. Tiếng cựa quậy vọng xuống, lòng người mẹ mui mủi buồn. Tắt tivi, bà Hát trở lại với những phông tranh, nhưng thấy đầu óc trống rỗng, mình mẩy thê lương, liêu xiêu trong xáo trộn ngổn ngang tâm trạng. “Thằng bé hẳn là đã xốc, cho dù nó cố giấu đi mình nghĩ là nó đang rất đau đầu. Sao mình có thể nhẫn tâm thế này? Giờ mình thấy ân hận quá. Nó chỉ là một đứa trẻ... Nhưng đã trót nói chuyện đó ra mất rồi. Mình đúng là người mẹ tồi”. Rất nhiều ý nghĩ cứ mụ mị rượt đuổi trong đầu. Bệnh của thời hiện đại cũng từ đó mà ra. Stress phải được giải tỏa bằng sự am tường về nguyên nhân sâu xa của nó. Ẩn ức của bà là loại ẩn ức gì vậy? Hoàn toàn không giống như mặc cảm Ơdip mà Freud đã phải nghiên cứu tạo thành Phân tâm học. Mỗi ngày, con người trải qua rất nhiều mối quan hệ xã hội. Những bực dọc, oán hận, mừng vui, lo lắng, thỏa mãn rất thường xuyên xảy ra. Với bà, ngay cả lúc nằm duỗi hai tay, mắt nhắm nghiền những lo lắng tủn mủn vẫn vơ vẩn trong đầu. Đời người như một khúc sông hay khúc sông như một đời người. Ranh giới đó được bà Hát đưa ra tư duy trong lúc này. Nghi ngờ chính lòng tốt của mình, đồng thời không dám tin vào đàn ông đã trở thành căn bệnh hết thuốc chữa trong thẳm sâu tim bà. Rồi có giây lát, bà mong mình có thể tin được vào một ai đó.
Sự khủng hoảng tâm trạng của bà sẽ dẫn đến sự khủng hoảng của tranh. Rất lâu rồi bà chưa vẽ được bức nào ra hồn. Vẽ hình một thiếu nữ lại hóa ra khuôn mặt mình. Một sự buồn nản tức cười. Ba hôm trước, bà đang tâm xé bỏ bức đó.
Nên chắc gì đêm nay những bức tranh trong phòng đã không thao thức. Ngoài kia, ngoại cảnh sẽ không ngủ. Giống như đêm giao thừa quanh Kiếm Hồ. Mọi người chờ khỏanh khắc xuân đến để mà yêu, mà hồi hộp. Còn ở đây, ngoại cảnh lẫn không gian đều muốn giễu nhại bà.
Thôi được rồi, bà tự thì thào với mình, hãy nghĩ đến chuyện hài hước của mấy gia đình hàng xóm vậy. Mấy gia đình đã xôm trò cả xóm vì linh tinh thứ chuyện. Chao ôi là hài hước. Cuộc đời khéo léo sắp xếp các vị gần nhau, để làm nên một bức tranh với nhiều màu sắc vừa phát ớn vừa gây tò mò, chẳng phải dành cho người lớn, cho trẻ em. Nó không dành cho loại người nào. Nó chỉ gây cười. Bà tự kể cho mình nghe. Ngồi mà nghiền ngẫm mấy bức tranh, cũng chỉ góp phần kích hoạt cho đầu óc nổ tung, chẳng sung sướng gì!
Chuyện bắt đầu từ những bà vợ khó tính đến kinh người. Bạn có thể không nghe lời một bà vợ kêu ca không biết mệt mỏi cả ngày, lại nắm phần lớn kinh tế trong gia đình. Quả thực Thọ đang phải chịu một cổ một chòng cứng mà khó cưỡng vô cùng. Không nghe lời cô ấy thì biết mặt. Sẽ nhảy thách lên, vu cho là Thọ ngược đãi, chẳng biết chăm lo cho gia đình. Với vợ, anh chỉ cần nói sao thì ngoan ngoãn gật đầu đã là chăm cho lo gia đình và biết thương vợ rồi. Vì thế anh mới có thời gian mà cống hiến cho sự nghiệp của mình, vốn đã được “lên dây cót” từ lâu, đó là ngồi yên vị một chỗ, nghiên cứu, viết sách. Nhà nước không in thì bỏ tiền túi ra in, rồi ấn vào thư viện, tặng bạn bè, kiếm cái danh. Sợ vợ là bệnh của các học giả thì phải. Chả thế mà cái xóm Gầm Cầu này giờ có tên là Xóm sợ vợ, tụ tập phần nhiều các học giả lớn, những công chức to.
Thọ là một nhà nghiên cứu có tiếng về văn hóa, văn học, sở hữu một bà vợ có tiền và hai con du học. Giờ anh sống bằng tiền của vợ, in sách bằng tiền vợ. Tiền lương, cô nhà cho anh thoải mái để uống rượu, tụ tập bạn bè, miễn là đừng dùng đi bao gái. Cô đã cảnh cáo là nếu bắt gặp sẽ cắt tai. Sở dĩ gọi bằng cô vì phu nhân của anh vẫn còn rất đằm thắm mặn mà. Để chiều lòng vợ và mình được yên thân ngồi đọc, nghiên cứu, đi lai rai với bạn bè thì anh chỉ còn cách là chịu đựng những bực dọc vợ trút ra, an ủi cô khi thương trường bấn loạn nhiều thua lỗ lọc lừa, đồng thời răm rắp những kế hoạch mà cô vạch ra. Đến cái chuyện này nữa, là vứt con chuột sang nhà bên cạnh, tồi tệ đến mức mất liêm sỉ anh cũng phải nghe.
Chuyện thế này: vợ Thọ và cô Ngân nhà bên cạnh là hai đối thủ trên thị trường kinh doanh áo dài truyền thống. Hai công ty còn nằm gần nhau trên một tuyến phố cổ Hà thành. Con gà tức nhau tiếng gáy. Năm ngoái cô Ngân được tặng danh hiệu “Doanh nghiệp điển hình”, báo chí đến phỏng vấn, viết bài, chụp ảnh nườm nượp. Yến vợ Thọ tỏ ra tức tối, làm một sêri quảng cáo trên hàng loạt các báo lớn, tạp chí có tiếng, chi phí hơn trăm triệu đồng. Vừa rồi, chồng Ngân lại được một giải thưởng gì đó về đề tài phát triển con người, lại được phong Giáo sư. Yến bảo Thọ “Em thấy anh có năng lực mà không thấy lên giáo sư gì cả. Hay là anh không biết luồn cúi?”. Thọ hơi gắt “Em này, cứ làm như bọn anh luồn cúi mà thành giáo sư!”. Yến liếc xéo “Vậy thì chỉ là do năng lực anh kém thôi. Em không chịu đựng được cảnh năng lực chồng em kém hơn năng lực chồng người. Lão kia lên giáo sư, con vợ hắn vênh lắm, cứ như đeo thuốc súng, em nhìn thấy mà muốn bổ vào mặt. Phải làm gì đó cho bõ tức”. Nhân tiện có con chuột nào đó thất cơ lỡ vận, chết đâu không chết, chui vào khe cửa nhà Thọ mà “yên đời”, vợ anh nhìn thấy. Ban đầu là chân tay bủn rủn, chun mũi, nhăn nhó mặt, kinh khiếp. Từ đó nảy nòi ra một kế họach trút giận. Sẽ ném chú chuột này sang nhà hàng xóm. Giáo sư à? Vênh mặt à? Sẽ được ngửi mùi chuột chết! Cô nàng nguyền rủa “Các người chỉ là lũ chuột chết!”.
Thọ bị vợ lôi ra cửa:
- Con chuột chết này sẽ cho vợ chồng mình cảm giác thú vị là làm cho gia đình nó ngửi mùi thối tha. Đến tối, anh hãy lựa mà ném vào chậu hoa ngay cửa ra vào nhà nó, ắt hẳn tha hồ thấy mùi, mà khó biết bắt nguồn từ đâu.
Lời hạ lệnh của vợ rắn đanh và cực kỳ dứt khoát. Anh hiểu là lời nói của mình rất khó làm cô rút lại. Nhưng vẫn cố gắng vớt vát:
-Làm thế có được không mình? Chúng ta là những người đàng hoàng, có văn hóa…
Quả nhiên cơn tam bành nhè nhẹ nổ ra. Cô vợ nghiến răng nghiến lợi nói anh hèn nhát. Muốn người khác nhục mà không chịu hành động. Chẳng phải rất nhiều người được gọi là có văn hóa đã tán tận lương tâm để kiếm lợi đấy thôi. “Anh không làm thì ai làm? Tôi rất điên nhà nó, không chịu được, hãy giúp tôi rửa hận!”. Ở cơ quan, anh đã chán ngấy chuyện cấp trên làm sai trút trách nhiệm cho cấp dưới, còn những danh hiệu, bằng khen thì cứ mạnh bạo nhận. Anh chưa thấy người nào có tư chất “lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ” bao giờ. Những thối tha, rác rưởi, con người ta vẫn thải ra, rồi đổ ụp đấy không chịu nhận, cứ đưa đẩy này nọ. Mà hương thơm trái ngọt bằng mồ hôi nước mắt người khác lại nhơ nhẩn nhận. Vậy biết làm sao. Anh không thể làm vợ giận, cô nàng sẽ nghĩ ra ngàn vạn câu chuyện ý nói là anh bênh vực kẻ thù, rồi sẽ đay nghiến, xỉa xói, trách móc. Buộc phải nhận lời, miễn cưỡng cười với vợ để cô nàng vui.
Chả cần đợi đến tối, Thọ đã có thể ném vèo chú chụôt đã bọc gọn trong giấy báo. Lúc này, chỉ cần bỏ ra, lót tay và cầm đuôi vung. Ngày trước, anh còn tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam, từng ném lựu đạn trúng mục tiêu trăm phần trăm. Giờ chỉ nhẹ một cái, chú chuột đã chui vào nách lá của cây trinh nữ, chờ nay mai thối rữa là bốc mùi. Ắt hẳn vợ anh sẽ hả hê khi ngôi nhà kia bị mùi chuột chết tạt vào khăm khẳm, đến bữa ăn cũng phải nhăn mũi, dù có đóng cửa lại, thì chả lẽ không có lúc mở ra.
Công hiệu đã xảy đến vào hai ngày sau. Đó là hiện tượng gia đình bên cạnh cứ phải chun mũi khi ra vào cửa. Khách đến cũng phải che bàn tay vào mũi khi đứng đợi gia chủ mở cửa cổng sắt. Lúc khách nổ máy biến mất từ lâu, bên này Thọ còn thấy Giáo sư Ngõa ở nhà bên kia lom khom tìm nguyên nhân mà chưa thấy. Có lẽ tại cặp mắt cận được trang bị đôi đít chai dày cộp đã cản tầm nhìn của ông. Ông già hơn vợ gần hai mươi tuổi, nhưng rất mực sợ vợ. Nhìn cái dáng lưng gù, chân bước mà đầu cứ vươn phía trước là khổ ải lắm, chẳng sung sướng gì. Bởi thế mà dù đã học hàm học vị đẫy đà mà về nhà lệnh vợ ông cũng khó dám cưỡng. Đi đông đi tây học trò vạn vạn, về nhà vợ vẫn ‘dạy’ cho như thường.
Tin đến tai Yến vợ Thọ, một nỗi mừng rơn ngun ngún trong lòng. Thế là hả, cơ thể nóng bừng đôi chút “nguội” đi. Yến bảo Thọ: “Anh vất vả thế mà mới tiến sĩ, phải bằng cách nào đó lên giáo sư cho vợ chồng nó bớt vênh. Em là em tức lộn ruột”. Ôi trời ơi, Thọ ra chỗ khác thở dài. Trên con đường tiến thân của chồng, những người vợ luôn đẩy chồng mình dấn bước.
Tất nhiên gia đình này cũng không chịu bó tay ngồi yên. Bằng sự nhạy cảm của những người có học, óc quan sát của dân buôn. Gia đình Ngân chẳng bó tay ngồi yên. Họ thừa biết kẻ nào đã gây ra chuyện này, kẻ đó còn đang mừng lên mặt nữa. Cứ thấy ả vợ gã chồng ra ra vào vào, vừa mừng rỡ vừa chờ đợi là biết ngay. Rất thường đứng vu vơ Ngõai cổng, ngó sang bên này cười thầm, như thể muốn thấy bên này đang nhấm nháp sự đau đớn. Chồng Ngân là giáo sư Ngõa có tiếng tăm lừng lẫy. Tuy nhiên, Ngân chẳng cần phải dùng đến học thức của chồng để đối phó trong trường hợp này. Phải lấy tiểu nhân đo lòng hạ nhân mới khớp. “Cứ ném cho nó rác rưởi, ô uế là lần sau nó khiếp ngay”. Ngân nghĩ, kiểu gì cũng trả thù, không thì đầu mình sẽ điên lên mất. Thế là Ngân sai ông chồng già nua và nặng nề chữ nghĩa của mình phải đi tìm xỉ than. Đầu phố đầy nhà đốt than tổ ong, họ đánh đống của một góc chờ xe rác đến mang đi. Cứ khuân một ít về, nghiền nhỏ rồi đợi đêm đến, gia đình Thọ không ngờ đến thì “tương” vào. Giáo sư Ngõa không thể không nghe, động vào “tổ kiến lửa” là y rằng có chuyện, vợ ông lại vùng vằng ôm chăn ra hè ngủ ngay tức khắc. Mà giáo sư, thì ai để vợ ra nông nỗi ấy. Cô nàng còn cho ta tiền, là thần tài thần lộc của ta…
Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng đến ngạc nhiên. Quả nhiên sáng sau, cửa nhà Thọ đầy bột than tổ ong. Yến tức lộn ruột, vu vơ chửi, đầy ám chỉ và vô cùng xỉa xói. Chị ta cũng cố tình không để quá to tiếng, ảnh hưởng đến Khu phố văn hóa mà năm nào chốn này cũng được nhận. Lại còn danh hiệu gia đình văn hóa nữa chứ. Tổ trưởng tổ dân phố biết, ông ta sẽ tước đoạt ngay tức khắc. Vợ chồng Ngõa-Ngân cũng điên tiết, nhưng chả lẽ không khảo mà xưng. Kệ nó, nhà mình không đun than, chẳng bắt được tận tay thì lấy đâu ra chứng cứ. Ngân trấn an giáo sư như vậy, và bắt đầu nghĩ cách để đề phòng nhà kia trả thù.
Đêm hôn ấy, hai ông chồng đôi bên đều nhận nhiệm vụ vợ giao phó là tìm xỉ than để tung vào cửa nhà kia. Kỳ thực, cả hai đều không muốn làm. Tình hàng xóm quan trọng biết nhường nào. Người ta bảo bán anh em xa mua láng giềng gần. Giữ được tình hữu hảo giữa con người với con người thật là khó. Nếu không vì hai bà vợ ương bướng, biết đâu…
Nhưng hai người đàn ông trong gia đình vẫn phải làm. Họ đi tìm than, về nhà cho vào bao tải nghiền nát. Chuẩn bị chờ cơ hội thì “tấn công”. Thật may là hai nhà đều không ai nuôi chó cả. Nếu có chú chó thì mọi chuyện lại khác. Quãng quá mười hai giờ, hai ông chồng bắt đầu “hành sự”. Lạ lùng thay, không hẹn mà gặp. Hai ông chồng mặc áo ba lỗ, quần đùi, rón rén từng bước, đẩy được cửa sắt nhà mình ra, hướng mặt vào nhà kia thì chạm mặt nhau. Trên tay mỗi người là bọc tải đựng xỉ than. Họ đứng chết sững trong nhiều giây, rồi không ai bảo ai, đều rút lui cả. Người nào cũng hồng hộc thở, bung ra cả tai, lấm lem bung bét. Tất nhiên, đêm đó cả hai “anh hùng” đều bị vợ trách quở vì…hèn. Sao đã bưng đi lại bưng về? Bởi vì hai bà vợ hung dữ ấy đều không ngủ, ngồi xúi chồng và đợi chồng xong việc trở về. Hai ông chồng đều nói mình đã gặp đối thủ cũng muốn làm chuyện tương tự. Rồi chuyện xô xát nho nhỏ trong mỗi nhà lại diễn ra. Hai ông chồng đều thấy nỗi nhục hiển hiện trong chốc lát. Nhưng hai bao tải xỉ than đó vẫn không được chuyển đi để tống khứ khi có kẻng rác gọi, mà họ để một góc, khi nào vợ cần đến thì họ đem ra...
Người ngủ và tranh cũng đã lặng im. Bà Hát không còn thấy con cựa quậy ở phòng trên. Câu chuyện được bà nhớ lại trong đầu, dù chưa phải là chi tiết đầy đủ, nhưng nó dựng được một khung cảnh của những trí thức hiện thời. Họ sống quanh bà, bà còn nói chuyện với họ. Đã có lúc bà nghĩ họ sống rất vui vẻ và cởi mở. Chữ nghĩa học được đều đưa ra dùng rất đúng lúc, đúng quy cách. Tóm lại với bà, họ hoàn toàn không có hại.
Bà Hát nhìn đồng hồ. Hai kim trùng nhau và đều đứng ở số 9. Một ngày mệt nhoài mở ra với bà, đầy nhạo báng của tâm trạng. Bà gọi con, nhưng cậu không còn ở nhà. “Chắc nó ra ngoài” - Bà suy đoán vậy rồi vớ lấy cái lược ở chiếc bàn gương ngay cạnh chiếc giường ngủ, uể oải chải. Bà định sẽ đợi con về, dặn dò vài việc rồi đi Hải Phòng. Tự dưng muốn xuống đó để xả stress, cái bệnh phát sinh trong thời hiện đại và những vụn vặt đẩu đâu. Nghĩ đến chuyện mấy người đàn ông của Xóm sợ vợ, bà thấy nực cười. Đàn ông mạnh mẽ ở vài trường hợp, nhưng có những tình huống hèn nhát không mê được.
Quần áo sẽ được chuẩn bị nhanh thôi, nhưng nếu thằng Kiêu không về, mà đi đến tối thì lỡ việc mất. Tìm nó ở đâu bây giờ? Hay là cứ chạy qua trường, xem nó có ở đó không. Bà nghĩ vậy rồi vận động cho chân với tay nhanh hơn, linh hoạt hơn. Bà chuẩn bị dắt xe ra thì Kiêu về, mang theo Hoằng. Cô gái chào bà bằng giọng rất giống con nhà được giáo dục tốt. Bà tin vậy. Chơi với những cô gái không hư thì con mình sẽ an toàn. Bằng không là một nguy hiểm. Bà rất muốn có cậu đi cùng, dù ở cương vị là một người mẹ. Một người mẹ thì sao không thể đi chơi với cậu con. Nhưng có cô gái kia ở đây, bà không tiện nói. Nếu có một mình Kiêu, có thể bà đã thốt ra lời đề nghị. Thôi, đành đi một mình vậy. Bà cố mỉm cười cho thật tươi với hai đứa.
- Ở nhà chơi nhé, mẹ sẽ đi mấy ngày.
- Vâng, con chào mẹ. Con sẽ ở nhà trông nom nhà cẩn thận, mẹ yên tâm.
- Nhớ khóa cửa cẩn thận nhé.
- Vâng ạ. À, mẹ sẽ đi ôtô à? Mẹ đi với ai?
Bà Hát nói tránh đi.
- Mẹ sẽ đến nhà cô Hạnh và đi cùng cô ấy ra ô tô. Mẹ đi nhé.
Hoằng cất lời “Cháu chào bác ạ”, cũng nở một nụ cười tươi, xinh xắn.