Mẹ đã đi rồi, và một điều dễ nhận thấy là mặt mẹ rất buồn. Khi nhận ra điều ấy thì Kiêu chẳng thể nào vui được. Kiêu mê man với hình ảnh khổ sở của mẹ khi phải thốt lên những lời lẽ đó. “Có lẽ mình đã lầm. Mình không nên làm mẹ quá khó xử như thế. Mình mang ơn mẹ”, Kiêu nghĩ, suýt nữa cậu quên mất là Hoằng đang tắm trong nhà tắm:
Mấy phút trước, Hoằng nói nóng quá. Hai ngày qua chưa để người chạm nước, cô muốn tắm. Cậu nói: cứ tự nhiên, thế là chẳng cần khách sáo, cô tự động đi vào xả nước. Đến khi cậu nghe thấy Hoằng thốt lên “sướng quá” thì cậu sực tỉnh.
- Đang nghĩ gì thế Kiêu?
- À không, tớ chỉ thấy hơi mệt thôi.
- Được rồi, cậu mệt thì cứ nghỉ đi. Lát nữa tớ sẽ tự đi chợ, mua cái gì đó về nấu cho cậu ăn. Thử tài của tớ xem thế nào nhé. Tớ cũng muốn thử cái “vương quốc bếp” của mẹ mà cậu vẫn ca ngợi nó như thế nào.
- Tuyệt đấy, tớ đợi nhé. Hy vọng Hoằng điều khiển được vương quốc bếp như mẹ tới đã điều khiển. Căn nhà sẽ dậy mùi thơm cho mà xem.
- Nhất định thế.
Kiêu ngồi bần thần bên bức tranh của mẹ. Ngoài kia, Hoằng đang dùng chiếc máy sấy tóc, hơi nó phả ra làm tung bay tóc cô. Điệu bộ của cô không có chút phiền muộn nào, rất bình thản, tự nhiên và gần gũi.
Cô là một cô gái tốt, nhưng chắc chắn những gì cô nói với Kiêu về gia đình mình còn chưa đầy đủ. Cậu đoán thế. Nếu có thời gian, ví như những ngày tự do bên nhau thế này, thể nào cũng phải hỏi cô cho rõ, rồi sẽ nói về hoàn cảnh của mình. Như thế sẽ hiểu nhau nhiều hơn.
Hoằng đi chợ sau khi đã xong việc gội đầu. Tí chút quần áo trong nhà tắm không thành vấn đề. Cô sẽ giặt ngay sau khi bữa cơm kết thúc, còn bộ quần áo lót cô mặc của bà Hát, sẽ trả lại sau. Tính khí vô tư đó của cô sẽ khiến nhiều người cảm thấy dễ gần, chứ không giống một số tiểu thư nửa mùa kênh kiệu vênh váo như bây giờ. Kiêu nhìn bóng cô đi hút, không quên để lại cái cười và một ánh mắt biết nói. Khi cậu có ý đi cùng thì cô lắc đầu, nói: “Cứ nghỉ đi, chỉ một loáng, chợ gần đây mà”. Cậu thấy mình ấm áp hơn lên.
Nghĩ đến mẹ nuôi thì đồng thời chẳng thể nguôi hình ảnh mẹ đẻ. Mẹ đang ở đâu rồi? Mẹ là mẹ của con, có lúc nào mẹ nhớ đến con không? Không giờ phút nào con không mong mẹ trở về và chúng ta sẽ sống bên nhau. Con lớn lên sẽ đi làm, kiếm tiền nuôi mẹ. Không, con sẽ nuôi và chăm sóc cho cả hai mẹ. Hai người mẹ của con. Bởi vì cả hai đều quan trọng với con, đều cho con bay lên trên đôi cánh của mình. Cả hai người đều khổ, con sẽ bù đắp cho những năm tháng khổ ải mà các mẹ đã trải qua.
Nhớ mẹ nuôi thì có thể gọi điện. Còn mẹ đẻ không có lấy một dòng tin tức, làm sao nghe được tiếng mẹ bây giờ. Lúc mẹ nuôi đi Hải Phòng, Kiêu chẳng nói được một lời tình cảm để mẹ vui. Sao lúc đó mình lại câm như hến thế nhỉ? Kiêu cúi đầu. Không khí trong phòng đang chùng xuống, mà cậu vừa đau đầu vừa thấy bất an. Cậu muốn gọi cho mẹ nuôi. Giờ chắc mẹ đang ở trên xe. Cậu muốn nói với mẹ rằng “con cảm ơn mẹ, rất muốn sống cuộc sống vui vẻ bên mẹ”. Nhưng khi bấm xong số vào máy di động của bà, cậu không nói được lời nào. Bà Hát hỏi: “Có việc gì vậy con?”. Cậu lại ấp úng: “Mẹ ơi con...con...không muốn làm điều dại dột... mẹ là mẹ của con...”
Hoằng chợ về, lao vào bếp nấu ăn, cố gắng khởi động vương quốc bếp của mẹ nuôi Kiêu.
- Cậu chưa nói rõ cho mình về gia đình cậu đâu nhé. Tớ rất thích cái bếp của mẹ nuôi cậu, bà ấy “sành điệu” đấy!
Như vậy để thấy cô cậu đã rất gần gũi với nhau về tình cảm. Qua đây, Hoằng muốn thể hiện mình quan tâm đến cậu ,thực sự phải tâm sự vơi nhau nhiều hơn nữa.
Kiêu vỗ vỗ lại hai bàn tay vào cốc lipton, như hôm nào Hoằng đã làm.
- Hoằng nữa, cũng nói gì nhiều đâu. Kiêu chưa hiểu gì nhiều về cậu. Mà tớ nghĩ chúng ta nên tâm sự với nhau nhiều hơn về gia đình mình. Có một người bạn thân để tâm sự những chuyện đó là hạnh phúc đấy nhé.
- Chơi với nhau sẽ hiểu. Nhưng mà, thực sự tớ thấy Kiêu như người bước ra từ tiểu thuyết vậy, lạ lắm!
- Lạ gì cơ? Tớ có da thịt bình thường đấy chứ. Đúng là cậu khéo tưởng tượng.
- Lạ chứ, một gã trai quê rơi vào vương quốc của người đàn bà họa sĩ. Cậu đang biến thành chàng hoàng tử.
- Vương quốc? Vương quốc và chàng hoàng tử ấy à? Như phim ấy.
- Tớ đã bảo rất giống phim.
Kiêu tròn mắt, cả hai cười bả lả.
Trong số những cô gái mà cậu đã từng gặp có lẽ Hoằng tự nhiên và sâu sắc hơn cả, ý nghĩ toát lên từ lời ăn tiếng nói thường cứng cỏi vượt số tuổi cô đang có. Cậu chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện lập gia đình riêng, thảng hoặc dăm ba lần ở bên cạnh cô, cậu thấy có cái gì đó là lạ, run rẩy trong người. Cái run rẩy ấy cho phép cậu dự liệu về một tình yêu mới, đang thành hình hài, còn những lời đã nói với cô gái năm xưa, lẽ nào nhẫn tâm cất gọn vào một ngăn của đáy sâu tâm hồn. Bởi vì cô đã lấy chồng. “Thôi Quê ạ, hãy sống tốt và làm một người vợ, người mẹ trong gia đình, và coi Kiêu như một kỷ niệm buồn, đã trôi theo dòng sông. Tớ cần thanh thản để sống tiếp”. Cậu nói.
Đêm qua, cậu mơ thấy Quê lên phố, nón mê đội đầu, thân hình tiều tụy, dắt theo đứa con suy dinh dưỡng. Kiêu đuổi theo, gọi khản cổ, nhưng càng tăng tốc thì Quê càng chạy xa.
Điều này chứng tỏ gì thế, không ai biết.
Hoằng rủ Kiêu ra phố chơi, cậu lắc đầu nói muốn ở nhà. Mẹ nuôi trước khi đi dặn kỹ, không nên bỏ nhà nhiều quá.
- Cậu đúng là người con ngoan.- Hoằng nói.
- Tớ cũng thấy hơi mệt - Kiêu nói.
Kiêu ngả người xuống giường mẹ nuôi, Hoằng ngồi bên cạnh, cũng ngả người xuống tay ôm gối, măt hướng về phía Kiêu, miệng gần như phụng phịu.
- Cũng có lúc tớ cảm thấy chán thành phố này. Bởi vì tớ sinh ra ở đây. Cậu hạnh phúc vì được sinh ra ở quê, tớ thấy thèm vì điều đó.
- Thế thì Hoằng chưa biết rồi, sinh ra ở quê tớ lại thích ở thành phố. Ở quê ngột ngạt, khó chịu khủng khiếp.
Hoằng trề môi:
- Ngột ngạt gì chứ! Xe máy ít cho nên không ô nhiễm, bụi bặm chả có, mà toàn cây xanh nên mát mẻ.
- Không phải ngột ngạt vì điều đó. Ở quê ngột ngạt về con người, ngoài phố ngột ngạt về môi trường. Đúng là cả hai nơi đều ngột ngạt, ngột ngạt về con người đáng sợ hơn.
Lần đầu tiên Hoằng thấy cậu bạn mình nói được câu hay như thế. Cô hỏi bạn về sự ngột ngạt về con người và được Kiêu kể lại. Cô uống từng lời. Đúng là sự chật trội về con người đáng sợ hơn. Ngoài phố xá phải bon chen đủ điều, nỗi lo cơm áo cũng nhiều hơn. Ở quê thì hầu như ngược lại, những hủ tục truyền kiếp hành hạ con người. Hoằng cắt ngay ở đó, bảo Kiêu không nhắc đến nữa. Cô đã hiểu, có thời gian thì nên nói về gia đình, để chia sẻ với nhau còn hay hơn là nói những chuyện đó. Dẫu sao, những điều đó cũng phần nào cho Hoằng hiểu hơn về cuộc sống ở quê của Kiêu mà cô chưa bao giờ thấy.
Hoằng đề nghị rót cho cốc nước lọc. Kiêu mở tủ lạnh, cầm ra chai nước suối, nhấc hai cái cốc. Cậu quay ra lấy thêm quả xoài xanh.
- Mẹ nuôi cậu bao giờ về?
- Tớ cũng chưa biết chắc chắn. Mẹ tớ bảo có thể là ngày mai.
- Vậy thì được, tớ nghĩ mình nên hạn chế tới đây, ít gặp mẹ nuôi cậu đi thì hơn.
- Sao thế?
- Tớ chỉ nghĩ vậy, là con gái mà. Dù biết là mẹ cậu rất thỏai mái.
- Ừ, nhưng không sao. Thích thì chúng ta đi với nhau. Không phải quê tớ mà sợ người ta xăm soi.
Ăn cơm xong, Hoằng nói muốn về. Phải chuẩn bị một số bài vở, cô đã bỏ bê khá nhiều. Cô nói sau một tiếng thở dài. Kiêu cũng công nhận hơn một tuần qua Hoằng lơ là học hành, đầu óc gửi đi đâu, nên động viên cô chú ý hơn nữa. Tiễn Hoằng ra cửa, Kiêu đứng nhìn cho đến khi khuất hẳn. Cô là người dễ cảm thông đấy chứ, nhưng sao không thể nói chuyện được với mấy bạn con nhà giàu, chỉ dăm câu ba điều là nổi cáu. Có lúc cô nói với Kiêu cô không chịu được giàu mà hách dịch. Đến khiêm tốn còn bị người ta nghĩ là này nọ, huống hồ… Cậu quay vào trong định làm gì đó nhưng nhất thời quên mất. Đứng bần thần một lúc, cậu quan sát những bức tranh. Có cảm tưởng chúng dễ vẽ mà chẳng dễ chút nào. Kiêu đã thử rồi, cực khó.
Ti vi phát sóng về một vụ án mại dâm xảy ra ở vũ trường. Kiêu nhìn thấy liền bị công an áp giải, mặt cúi gằm. Kiêu khẳng định chắn chắn đó là Liễu. Khi ngồi ở công viên, cậu đã quan sát rất kỹ nốt ruồi dưới cằm phía trái. Một cảnh phim quay nhanh, nhưng đã cho cậu hình dung về một đời người, một cô gái điếm.
Hôm sau đến lớp, giờ ra chơi, Hoằng thao thao bất tuyệt về một cô em gái họ, con chú ruột đang học lớp 11 từng ngủ với bảy thằng con trai, giờ đang khóc lóc vì bị thằng con trai lừa có chửa, được gọi là “dũng sĩ diệt trai” nhìn dáng vẻ non nớt hồn nhiên bên ngoài, không ai nghĩ nó có nhiều “thành tích” đến thế. Kỳ thực nó xinh gái, bất cứ thằng con trai nào gặp cũng muốn chiếm đoạt.
- Tớ nói với Kiêu là bởi vì tớ rất thương nó. Cũng là vì Kiêu là bạn thân của tớ.
Chữ “thân” hâm lòng Kiêu ấm lên. Ở quê hay phố, nơi nào cũng có một cô gái “thân”, hay diễm phúc của cậu trong “đường hẹp” đang dẫn vào đời.
Kiêu chỉ nói đùa là muốn xem mặt cô em đó ra sao mà “sát trai” đến vậy, Hoằng tin điều đó, sốt sắng sẽ để cậu gặp cô em ngay chiều đó.
- Có cần vội vàng thế không?
Kiêu tỏ ra như người vừa nghe nhầm nên hỏi lại. Hoằng vỗ vai khẳng định lại “Tớ không nói đùa, có đi không?”. Kiêu càng có khí thế. Kiêu đang muốn xem một đứa con gái phổ thông thất tình, cậu chưa từng tận mắt thấy một đứa con gái thất tình, dù là vùng quê hay thành phố.
- Gặp thì gặp tớ cũng tranh thủ kiếm thêm bạn. Cậu dõng dạc.
- Được. À, mà bạn trong lớp cậu đã chơi hết đâu.
- Trong lớp nhiều người không thể chơi thân được. Hoằng còn thấy khó chịu nữa là.
- Phải rồi, chơi với em tớ, còn có cái cớ đúng không? biết đâu…
- Biết cái gì cơ?
- Mà thôi vào lớp đi, để chiều tớ nói.
Học lớp 11 và từng ngủ với bảy thằng con trai. Cô gái có cái nick name Manyenbocau123… thường nướng 5 giờ mỗi ngày vào chuyện chát chít. Lúc Hoằng dẫn Kiêu đến cũng phải chạy ra quán Internet tìm. Cô nàng “câu” thêm của Hoằng 10 phút. Kiêu phải đợi thêm 10 phút.
- Ra kia uống ca phê với chị đi.
- Có gì quan trọng đâu nào, đừng giục em cuống lên thế.
Hoằng kéo tay cô em, nói:
- Chị chỉ muốn đi uống nước với em, xem chuyện riêng tư của em thế nào.
- Trời ơi, nói làm gì. Em không muốn nhắc đến thằng ranh đó nữa. Chị có bạn mới giới thiệu cho em đi, khá vào. - cô em rổn rảng nói.
- Có, ra đây chị giới thiệu nào!.
Mẫn Yến nhìn theo cánh tay chị gái chỉ về phía một bạn trai, biết là bạn chị cô không tư lự mà dấn bước. Trước đây cô đã được chị giới thiệu cho hai người bạn rồi, nhưng đều lớn tuổi hơn, rất nghiêm khắc. Điều đó khiến cô thất vọng. Từ khi sinh ra ông bà, cha mẹ đã không ai nghiêm khắc với cô cả, chiều chuộng nâng niu cô từ trong trứng ra. Ai nghiêm nét mặt là cô đã nản.
Ba người kéo nhau vào quán cà phê bên đường, ngồi cạnh một cây trúc Nhật đang trổ hoa, gần đó có lọ lục bình, cắm hoa nhựa, nhìn không tinh sẽ tưởng hoa thật. Mẫn Hoằng đưa tay về phía Kiêu và nói: “Đây là anh Kiêu bạn chị”. Cô lại quay sang phía Mẫn Yến “đây là em Yến, em gái con chú tớ”. Mẫn Yến nhìn Kiêu, đầu cúi xuống: “Em chào anh ạ”. Hoằng là người làm cho câu chuyện rộn lên. Qua đây Kiêu tận mắt chứ không chỉ là qua lời kể của Hằng thấy vẻ đẹp tinh khôi của cô gái cấp III hồn nhiên. Nó cho phép cậu hồi ức về thời của mình: hoa gạo trôi sông, đỏ đượm tình.
Mẫn Yến, về mọi chi tiết nhỏ bên ngoài, tất cả đều hài hoà, cân xứng. Thượng đế đã rất tài tình sáng tạo nên con người này. Với Quê, hoặc Hoằng, một vài chi tiết thô còn lòi ra thì với Yến, nó đã được giấu sạch.
Kiêu nói “Em là cô gái thực sự xinh mà anh từng gặp”. Mẫn Yến nói che miệng “Anh quá khen, như thế chị Hoằng sẽ giận đấy”. Hoằng xua tay, nói: “Không sao, sự thật là như vậy. Sự thật là Mẫn Yến quá xinh, chị sánh sao được”.
Chuyện lặng đi vài giây, khi đó một bản nhạc Bach chen ngang. Hoằng gọi ý khi bản nhạc đang ở cung thấp nhất “Chị muốn biết tâm trạng của Yến trong lúc này, và vì sao phải hành hạ mình như vậy? Em đã cắm mình ở quán nét đó từ sáng đến giờ”.
Mẫn Yến không muốn nhắc đến những chuyện nhảm nhí cô đang làm, cô quay sang hỏi chuyện Kiêu, Mẫn Hoằng vẫn muốn truy cho bằng được, Mẫn Yến nổi cáu.
- Ô hay, chị gọi em ra đây là muốn giới thiệu bạn cho em, hay chỉ để hỏi về những chuyện vớ vẩn đó?
Hoằng chạnh lòng, có cái gì đó tắc cổ họng, cô không thốt lên được, đành chiều cô em, không hỏi nữa. Chừng năm giây, Mẫn Yến đứng lên bỏ đi. Hai người không kéo lại được. Hoằng bảo “thôi, mặc nó”.
Cô gái có cá tính, đúng chất Mẫn Yến con gái của giám đốc Mẫn Kiên Giang khét tiếng kinh doanh giỏi, trốn thuế, luồn lách trên thương trường. Hai hôm sau, gặp Kiêu đi trước cổng trường Trung cấp Tài chính của anh, chính cô là người chủ động mời Kiêu vào quán nước.
- Anh không bận thì đi uống nước với em.
- Được, chúng ta đi. Hôm trước em bỏ về, làm anh ngại quá.
- Em xin lỗi, nhưng em không muốn chị em nhắc hộ em những chuyện buồn đó.
Họ gọi nước cam và hạt dưa trắng. Mẫn Yến thích nghe nhạc tây nên yêu cầu chủ quán bật đĩa hát. Cô gác chân nọ lên chân kia, cầm hạt dưa đưa lên miệng, cắn. Mẫn Yến mặc áo trắng đồng phục của trường, quần bò sát, rất ung dung, không có tí chút nhút nhát nào.
Cô là một sản phẩm của thời công nghệ thông tin, chưa biết sẽ tiến bộ ra sao, một số người đã “dự báo” cô chuẩn bị biến thành... phế phẩm. Một cô gái hoàn toàn bị thả rông trên phố. Con cái và gia đình là quan trọng, nhưng ở người cha của cô, tiền bạc quyến rũ và đáng quan tâm hơn bất kể thứ gì. Cô bị nhồi nhét rất nhiều thứ trong đầu, từ trộm cướp, giết người, tham nhũng đến hủ bại, loạn luân… Vấn đề xã hội tiêm nhiễm vào đầu cô, như người ta tiêm cho bệnh nhân liều thuốc mê dài, chẳng còn phân biệt được trắng đen. Cô nghi ngờ tất cả, niềm tin rơi tõm xuống dòng chảy đen ngòm phố thị, và đi cùng cơn gió thác loạn. Ngày còn nhỏ, cô đã ngây ngô hỏi bố: ăn bẩn là gì? Ông bố chắc chắn câu này có nghĩa khác, sợ nhúng vào đầu con những điều không tốt, lảng sang nghĩa thông thường là: “ăn không sạch” đồng thời ông hôn chụt con một cái vào má bảo “đừng ăn bẩn nhá”. Mẫn Yến ngây ngô “vâng”.
Có chiếc áo nào đổ thuốc nhuộm vào không dính màu? Rất nhiều người cho rằng cô con gái ông giám đốc coi thường pháp luật kia đang bị đổi màu trước xã hội. Hôm nay cô còn đóng vai trò là tấm áo đang đổi màu, đổi một cách từ từ.
- Ngày nào em cũng dành nhiều thời gian cho chuyện chát, sẽ ảnh hưởng đến học tập. - Kiêu nói.
Lời dự cảm của Kiêu nhận được cái thở dài. Mẫn Yến lắc đầu bảo:
- Đâu có mấy liên quan. Nếu đời đã chán nản thì học làm quái gì, lên mạng chơi giải tỏa, đỡ buồn.
- Đừng quá lạm dụng. Anh bảo thật, ngồi nhiều trên đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp còn sa sút đấy.
Kiêu cười, Mẫn Yến cười, rất nhẹ nhàng cô gái chợt đưa cốc nước lên ngang mặt soi, như tìm khuôn mặt mình trong đó.
- Em chả cần! Thật đấy, em chán nản tất cả, chỉ thích có ai đó để đi chơi, xả hết buồn phiền, quên hết mọi chuyện.
Những lời lẽ tiêu cực đó thốt lên từ miệng cô gái non nớt, chán chường chảy dài. Kiêu bỗng thấy mình phải làm gì đó, ít nhất làm tìm cho cô có lối thoát. Mẫn Yến đang rất bế tắc, cô cần có người dẫn đường, lôi ra khỏi tăm tối mà cô đang lún sâu vào. Kiêu tự nghĩ người giúp cô chính là mình, vì cô đang tâm sự với cậu.
Góc phố ồn ào vì một vụ tai nạn. Một người điều khiển xe máy quá chén đâm xầm vào một chiếc tắc xi đang sang đường. Tắc xi bẹp một góc, xe máy rúm ró nằm giữa đường, còn người quá chén nằm giẫy giẫy những cái cuối cùng trong vũng máu.
Mẫn Yến rất sợ tai nạn, cô nói, em không dám nhìn đâu. Kiêu chỉ đứng lên đi mấy bước rồi quay lại, ngồi xuống ghế. Tai nạn ngay trước cửa quán QueenBee hai người ngồi. Cậu thấy đời người thậm chí chỉ ngắn bằng gang tay, người chết vì tai nạn hôm thứ sáu trên đường lớn cũng có mạng sống bằng gang tay. Ông ta bị xe tải nghiến nát đầu, óc phụt bốn phía, trắng nhởn.
Kiêu trở về với câu chuyện bằng cách bốc mấy hạt dưa lên cắn, cậu bảo Mẫn Yến: “Không ngờ em bi đát như thế”. Mẫn Yến được đà nói rằng cô khổ nhất trong những đứa con gái khổ, lại chẳng thể tâm sự được với những đứa bạn cùng lớp vì không hợp. Mười ngón tay búp măng của cô bớt múp míp hơn, người cô bớt mập hơn, nên phần đáng yêu đã giảm.
Kiêu nói, như thể với một người thân rất mực thân thiết:
- Hy vọng anh sẽ là người lắng nghe em tâm sự hết những buồn phiền.
- Này, nhưng em sợ chị Hoằng ghen đấy. Chị ấy là chị con bác mà. Hai chị em lại…
Kiêu gạt tay:
- Không, không có gì đâu, anh và Mẫn Hoằng chỉ là bạn cùng lớp, ghen cái gì chứ?
- Cứ nói trước thế, chẳng may hai anh chị… biết đâu chị ấy thích anh thật, em có cảm giác thế. Thôi, có lẽ em phải về, anh thanh toán tiền nước nhé, hẹn gặp lại.
Mẫn Yến dừng chuyện đột ngột ở đó, Kiêu hiểu là cô không muốn nhắc nhiều nữa. Chị em gái với nhau, có đôi điều phức tạp khi cùng liên quan đến một người con trai.
- Chính cô đã làm hỏng con, cô là mẹ mà không quan tâm đến nó, chỉ chú ý đến cái “lỗ” của cô thôi. Cô phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Thế thằng bố suốt ngày chỉ biết đến tiền, áo trút ra thấm mùi tiền, phun nước bợt ra mùi tiền thì không có trách nhiệm à? Tôi không quan tâm đến cái “lỗ’ của tôi thì ông yên ổn mà làm tiền à? Con này đã hy sinh quá nhiều rồi.
- Cô đi thì sướng cô chứ sướng gì tôi. Đã đêm nào cô phục tùng tôi mà không mặt nặng mày nhẹ chưa? Đã bao giờ đối tác của tôi đến nhà mà cô bỏ xỉa xói, mặt nặng như chì thâm như đít trâu chưa?
…
Chuyện đó diễn ra thường xuyên trong ngôi nhà của Mẫn Yến, chuyện tương tự như thế thường xuyên ức hiếp sự hoà bình trong ngôi nhà này. Mẫn Như Sông, anh Mẫn Yến, nghiện bỏ đi chưa biết sống chết ra sao. Chị thứ hai Mẫn Ái theo giai vào Sai Gòn. Mẫn Yến ở nhà như con thiêu thân, lao vào hư đốn!
Mẫn Yến đi học về thì gặp bố mẹ đang cãi nhau, cô dắt xe quay đầu. Cô không muốn nghe họ cãi nhau. Rốt cục, chỉ để lại sự bực dọc và nước mắt. Cô chán ngán điều đó, chán ngán tất cả. Cô ước một ngày bình yên, cô ước gia đình mình có thể có những ngày yên ấm như bao gia đình khác. Vậy mà cũng giống như màu xanh, những bộn bề đó như đã được lập trình sẵn trong cuộc đời này.