Kiêu không hề quên lời hứa sẽ nhờ mẹ nuôi tìm việc cho anh Tôn. Khi mẹ nuôi về, cậu trình bày chuyện này với mẹ. Anh Tôn là người tốt, anh ấy từng giúp đỡ cậu rất nhiều, giờ anh muốn có một việc để làm thêm. Đồng ruộng ở nhà, mình vợ anh có thể quán xuyến.
Bà Hát đồng ý, nói: “Việc này không khó vì mẹ có bạn ở nhiều nơi, mẹ sẽ xin cho anh Tôn của con một việc làm kha khá, lao động phổ thông thôi”. Lời hứa của mẹ làm cậu thấy sung sướng. Giúp được anh Tôn có việc, cậu mới cảm thấy thanh thản vì đã nợ anh, phiền phức gây cho anh cũng lắm.
Sau ba ngày đi nghỉ mát, mẹ nuôi mang về một ít đồ biển, trong đó có mực khô, thứ này cậu chưa từng thấy. Một con động vật bị phơi khô, chỉ cần nướng bằng lửa cồn, rồi xé nhỏ chấm tương ớt, uống với bia, ngon tuyệt. Cậu thấy lạ.
Mẹ nuôi mang theo cả một giò phong lan có nhành tim tím, nói là mua ở dọc đường, thích thì mua về ngắm. Phong lan rừng kiểu này Kiêu chưa từng thấy, cậu loi choi nhìn. Ngày trước, cùng với Quê đi chùa Hương, cũng thấy người ta bày bán phong lan, như chẳng thấy cây nào trổ hoa lá.
Chẳng mấy chốc anh Tôn đã lại gọi lên, anh thường đạp xe đến bưu điện để gọi. Lần gọi này anh nhận được tin vui từ Kiêu. Kiêu bảo: “Mẹ em đã tìm được việc cho anh rồi, anh lên ngay, đến bến xe thì đi xe ôm, bảo họ đưa đến số nhà A, ngõ B, phố C là thấy, mai em ở nhà cả ngày”. “Anh sẽ lên ngay ngày mai, thế nhé, hẹn gặp em”.
Tôn qúynh quáng buông máy. Kiêu đồ rằng anh sẽ vui lắm, không phải dùng đến chiếc xe ca tàng đó, vẫn có việc làm, có chỗ ăn chỗ ở. Thỏa khao khát lên phố của anh, đỡ vướng víu vào cái vòng luẩn quẩn của làng quê. Đã là làng quê thì biết đời nào mở mày mở mặt.
Một ngày, có người đàn ông lạ xuất hiện ở nhà Kiêu. Cậu đi học về thấy ông ta đang nói chuyện với mẹ nuôi ở bàn khách. Cậu cúi đầu, khẽ “chào bác” rồi đi lên cầu thang. Người đàn ông khen cậu đẹp trai, rất có phong độ. Ông thấy cậu sơvin, đầu chải mượt, đeo giày đen mõm ngóe, nom chững chạc thì cười. Hẳn là mẹ đã kể về cậu cho ông ta. Kiêu đoán.
Lúc ông ta vừa bước vào nhà sau hồi gõ cửa, bà Hát vội ấn con rùa dưới sàn vào một cái hộp để nó khỏi bò ra ngoài. Bà muốn giấu không cho người đàn ông kia biết mình đang hành hạ một con rùa mang tên Ngõa. Không ai hiểu tâm trạng bà dồn nén ứ đọng những suy nghĩ trái chiều, những tâm sự ngổn ngang.
- Thôi được rồi - bà Hát nói - Ông đã đặt vào đời rôi rất nhiều đau khổ, giờ thì đi đi, đừng bao giờ đến đây tìm tôi nữa, để tôi yên.
Gần hai tiếng đồng hồ đã qua ông không thuyết phục được bà, không làm sao để bà nguôi giận, chấp nhận lời đề nghị của mình. Bà dứt khoát chối từ. Đứa con đã chết, chẳng còn sợi dây nào níu kéo hai người, bà đã đằng đẵng hận thù. Bao nhiêu năm qua bà chịu đau khổ, ông đã đi đâu? Bao nhiêu ngày tháng bà sống trong nước mắt, ông có thấy nước mắt bà chảy dài? Không, tuyệt nhiên ông biến mất. Cái sự biến mất của ông gây ra nhiều đau khổ, sự đợi chờ, tuyệt vọng. Có bao giờ ông nghĩ người đàn bà này sẽ hận ông, như hận những cơn bão cướp đi tuổi trẻ và ước nguyện?
“Ông đã quên mất tôi, để tôi chịu khổ thêm nhiều năm nữa, ông đàn đúm ở phương trời nào?”. Không cầm được xúc động, nước mắt nước mũi dồn xuống mồm, đắng ngắt, một phần nước mắt nước mũi chui vào dạ dày.
Người đàn ông tên Ngõa, cái đầu nhẵn bóng có thể dùng làm gương soi vẫn chưa chịu đi. Ông nhìn bà Hát giàn giụa nước mắt, nghe bà trách móc, nhận lời xỉ nhục, mong muốn tình hình giảm căng thẳng. Nhưng căng thẳng không giảm, căng thẳng càng tăng, bà Hát không chấp nhận người đàn ông này, ông ta đáng bị hận như thế, suốt đời.
- Tôi xin em, hãy nghĩ lại ân tình một thời của chúng ta. Người đầu hói nài nỉ.
- Không còn ân tình nào hết - giọng người đàn bà lạnh tanh - ân tình đã rơi tõm xuống cái hố ích kỷ của ông rồi, cút đi cút đi. Đồ tồi, tôi không muốn nghe nữa.
Bà Hát giãy nảy, mắt đỏ sục, tóc tai roã rượi. Bà quay ngược lại, lưng bắn phía người hói, nước mắt tuôn tuôn. Bà mím chặt môi, nước mắt vẫn tuôn tuôn, cảm thấy toàn thân bã bời, không thể chấp nhận tha thứ cho ông ta một lần nào nữa, không bao giờ.
Người đó tên Ngõa, cảm thấy không thể níu kéo được bà, không đủ sức lay động để khiến bà tha thứ liền quay trở ra, dắt xe đi.
Ông ta có tên trên lưng con rùa. Ông ta là con rùa tên Ngõa, con rùa đầu trọc. Ông ta đáng bị như vậy. Bà Hát thì thầm “đồ rùa già”.
Kiêu nghe thấy hết chuyện đó. Ông ta là Ngõa, là một con rùa đã không ngờ một người đàn bà từng ngủ với mình hận mình sâu sắc đến vậy. Cùng lúc chứng kiến sự đau khổ rệu rã của mẹ nuôi, trong lòng cậu cũng dâng lên niềm căm hận. Không có những người như ông ta, sẽ chẳng có những người mẹ tan tác như mẹ nuôi, đau khổ như mẹ, tuyệt vọng như mẹ.
Đêm đó bà Hát nằm mơ, nửa đêm bật dậy hét “cút đi, cút đi, đồ tồi” mồ hôi vã ra như tắm. Trong mơ, bà thấy Ngõa không chịu buông tha, bám riết lấy mình, chẳng để cho một giờ ngơi nghỉ. Trước đây, trong đời thực quá nhiều lần bà hét như thế với Ngõa, ngàn lần hét như thế, đuổi cả Tân hét với Tân, khi họ giả vờ an ủi xót thương. Bà Hát với lấy khăn tay, lau mồ hôi và nước mũi, người bà lên sốt nhẹ. Xong từ đó trằn trọc, chẳng thể nào nhắm nổi mắt. Hai mắt căng ra đến sáng, khi mặt trời lên, bà sốt nặng.
Không chịu nằm yên, bà trở dậy nhấc giò phong lan đặt lên một chếc ghế, kéo sát vào giường, ngắm mãi không thôi, ngắm đến nhức mắt, tưởng như cháy hoa.
Buồn quá, bà sợ Kiêu không để ý đến mình, lo thằng bé ngại chuyện vừa mới sảy ra, khi tiếp xúc ngượng ngập. Ngồi mãi chán ngắt mà đi ra ngoài chẳng hứng thú, đành nằm xuống, bà cho phép mình miên man nghĩ đến Kiêu.
Thằng bé ắt hẳn vẫn đang nghĩ đến mình. Nó sẽ nhớ mãi những gì mình đã nói, trông nó không có vẻ gì là kẻ vô tâm. Bà trở đi trở lại ý nghĩ đó. Bà muốn con ngồi tâm sự với mình.
Biết bà ốm và đang dùng thuốc, Kiêu nói:
- Con sẽ đi chợ mẹ nhé. Mẹ cứ ở nhà nhé. Mẹ muốn ăn gì?
Câu hỏi của cậu con khiến bà dâng lên niềm vui, cảm thấy cơn sốt vơi đi một nửa. Ngẩng đầu lên, bà nói:
- Con mua thịt bò với tỏi tây, hành tây về xào. Trong tủ lạnh vẫn vòn cái chân giò, mẹ định nấu khoai tây. Này, mẹ đưa tiền, con đạp xe ra chợ nhé.
Kiêu nhận tiền và dắt xe đi, chiếc xe đạp mẹ mới mua mới coong. Tuy đã biết dùng xe máy nhưng cả hai mẹ con đều nhất trí Kiêu nên đi xe đạp cho an toàn. Cậu vừa đạp vừa húyt sáo, cảm thấy vui chảy dài, phố xá lúc nào cũng tấp nập người và xe, cây xanh hai bên đường sừng sững toả bóng mát.
Dù sốt cao nhưng bà Hát vẫn còn sức điều khiển vương quốc bếp ăn của mình. Sốt không quật ngã được, giữ nổi chân bà yên một chỗ. Ngược lại, khi điều khiển vương quốc bếp, bà thấy thỏai mái hơn, căn bếp không quá rộng, không quá hoành tráng ngồn ngộn đồ đạc, nhưng đủ sạch sẽ để có thể nấu những món ăn ngon. Hễ bà bước vào là mùi thơm dậy lên, béo ngậy nức mũi.
Kiêu giúp mẹ cắm cơm, gọt khoai tây, thái khoai tây. Bà Hát chặt chân giò cành cạnh trên thớt, đập tỏi khô cành cạnh trên thớt, mỡ trong chảo xèo xèo dậy mùi, nấu cơm hai mẹ con vui hơn một người, ăn cơm cũng vậy, một mình không biết chia sẻ với ai. Kiêu nghĩ mình đang làm một điều gì đó lớn lao lắm cho mẹ nuôi, giúp mẹ bớt buồn. Cậu ước gì mình có thể làm tan biến mọi bực tức trong mẹ.
Sau bữa tối, bà Hát ngồi xem thời sự. Đói khát và giàu sang vẫn là hình ảnh đối lập của một đất nước đang hóa rồng, chủ đề chính được nhắc tới. Kẻ thù Đói khát vẫn hành hạ một đất nước kiên cường kể từ sau khi thoát khỏi chiến tranh. Phần tin quốc tế, vẫn là đánh bom đẫm máu, chiến lược bảo vệ tầng khí quyển là nhiệm vụ hàng đầu đối với nhân loại... Bà không chịu đựng được quảng cáo tràn lan, nên đã tắt màn hình trước khi bước bào phần dự báo thời tiết.
Bà tiến đến gần một bức tranh, không cảm hứng vẻ, bộ mặt bức tranh rất đỗi hờ hững nên càng dìm đầu cảm hứng.
Có tiếng gõ cửa, bà Hát ra mở. Lại là Ngõa với cái đầu hói có thể dùng làm gương soi. Sự xuất hiện của ông làm bà thót tim, quay đi.
- Còn quay lại đây làm gì, hãy đi với “chân trời mới” hay “chân dài mới” của ông đi.
- Ông hói đưa một cái hộp nhỏ ra hí hửng thông báo
- Anh đã tìm thấy viên kim cương đó, mang trao lại em.
- Với tôi, nó đã nhuốm bẩn và tội lỗi, hãy cầm lấy và cút đi, tôi căm thù sự xuất hiện của ông.
- Kìa Hát…
Không chịu đựng được nữa, bà không chấp nhận sự có mặt của Ngõa, không muốn hắn cố gắng trì níu mọi thứ. Khuôn mặt của hắn chỉ làm đầu óc bà muốn nổ tung.
- Kiêu đâu - bà Hát gọi - Kiêu đâu hãy đuổi ông ta ra cho mẹ.
Kiêu chạy từ tầng trên xuống, bà Hát chỉ vào ông hói.
- Vào bếp vác dao, đuổi ông ta đi cho mẹ. Ông ta không đi con cứ chém.
Nhanh chư chớp, Kiêu nhấc con dao chặt xương sáng loá vung lên, ông hói không thể không chạy. Khi ông phi xe máy vụt mất từ lâu, Kiêu vẫn không ngừng vung con dao lên, miệng nói: “Tôi sẽ chém ông, tôi sẽ chém ông chết”. Khi chắc chắn ông ta đã đi xa, bà Hát bảo con vào nhà, cậu con đi vào, mặt hầm hầm tức giận. “Con sẽ chém thật nếu ông ta còn quay lại” Kiêu nói. Bà mẹ vỗ vai con “ông ta sẽ không quay lại nữa đâu, đố dám”.
Một đêm nữa không ngủ, hai đêm nữa không ngủ, rất nhiều đêm không ngủ. Hai mắt bà trũng hóay, người bà teo quắt, lớp mỡ đang nguy cơ biến mất. Người bà không chỉ sốt, đau tê tái, khó thở ở mũi, chùn ở chân, bải hoải tất cả tâm hồn, những nghiệt ngã đó cùng lúc đổ lên thân xác. Bà không muốn động đến việc gì, li bì trong buồn tẻ. Ai đó đã nói: Hận nhiều yêu lắm. không ai đoán được bà có còn yêu Ngõa không, để mỗi khi gặp xúc động dâng lên ngút ngàn.
Hôm đó, sau khi Kiêu cầm dao đuổi Ngõa về, bà Hát bước liêu xiêu, đôi chân muốn khuỵ. Kiêu có thấy, muốn chạy ra đỡ, mẹ nuôi có điều gì đó khó nói ngăn lại, mà bà thì ao ước, quá chừng. Trước hết ở tình mẹ con bà muốn cậu thể hiện tình cảm của một đứa con đối với mẹ mình, sự quan tâm trước những bất ổn mà con người thế gian dễ mắc phải, giống như sự sẻ chia vẫn thấy mỗi gia đình. Đã có những giây phút bà định gọi con lại, bảo đừng hờ hững đừng nhìn mẹ như thế, mẹ không thể chịu đựng được con cứ đứng nhìn trân trân. Những ý nghĩ khác lại xua ý nghĩ này đi, dồn vào quên lãng.
Hơn chục năm về trước, bà Hát nhớ rất rõ, đã có lúc gần như bà phải quỳ xuống van lơn Ngõa, nhưng gã đầu hói này quyết định rồi. Gã bảo cái “đồ” già mải miết chạy theo cái “đồ” non. Ông ta mải miết chạy theo cái “đồ” non, phũ phàng quên một người vợ chung thủy. Đàn bà lừa đàn ông bằng nhan sắc, đàn ông lừa đàn bà bằng sự cả tin. Hai tâm hồn đó đã đồng điệu càng ngân lên khúc hoan ca, tưởng sẽ mãi mãi chung sống hạnh phúc, ai dè, “Khúc hoan ca khác” đã đẩy khúc hoan ca Lưu Thị Hát sang một bên. Con chim đã bỏ quên cái lồng cũ, bay đậu lên chiếc lồng sơn xanh. Đàn bà bị bỏ rơi dễ lâm tuyệt vọng hơn đàn ông.
Ngần ấy năm và những mối tình, giảng đường đại học, một nữ giảng viên duyên dáng hay một người đàn bà tấp tểnh chạy trên dòng đời tìm hạnh phúc. Bà nay là một người vẽ tranh, vẽ nỗi buồn và cơn nhức nhối, vẽ một ngôi nhà chật chội nỗi buồn.
“Anh đừng bỏ em, tất cả những gì anh làm cho em đều để em nghĩ anh là một anh hùng. Tân đã ném em vào tuyệt vọng, anh lôi em lên, giời lại muốn ném em vào đó sao?”...
Tất cả những điều đó không núi kéo được chân Ngõa. Ngõa không vợ chính thức, không nhớ hết mình đã bao nhiêu con, quyết tâm theo đuổi bóng hình khác. Mấy ngày trước đó, Ngõa đã để cho mình và Hát thoải mái làm tình với nhau, Hát không nghĩ đó là lần làm tình cuối cùng. Cuộc làm tình kéo dài từ sáng đến tối, mệt thì ăn, nghỉ, khỏe tiếp tục làm tình.
Ngõa không công nhận điều đó, phải đến khi chính miệng ông ta nói ra “đây là lần cuối cùng hạnh phúc bên nhau, anh có con đường riêng của mình” thì Hát ngỡ ngàng thực sự. Sau Hát, ông ta đã tổng kết mình trải qua bao nhiêu con đường?
Sốt miên man kéo dài, mệt bã bời toàn thân kéo dài, bà Hát thấy tủi buồn chảy mãi. Những ký ức đồng hiện, khổ đau kéo dài, đến nay còn tiếp diễn đã khiến bà mê man, không làm chủ được bản thân. Bà thực sự căng thẳng, thực sự thấy còn cần một người đàn ông, bà luôn nghĩ mình đang hồi xuân.
Không còn người đàn ông nào đáng tin cả, bà hận, không tin nổi bất kỳ một người đàn ông nào, trừ thằng con nuôi. Tuy vậy không thể lại nói tọac ra chuyện đó, để thằng bé sợ, bỏ đi mất. Mỗi khi nhìn Kiêu trước từ nhà tắm ra, bắp chân chắc nịch nổi cuồn cuộn, bà rất thèm, ước ao nhảy múa, xáo trộn tâm trạng thành mớ hổ lốn.
Hai đêm sau gió mùa về, mưa quất ràn rạt, những bông cúc trong lọ hoa đã héo. Nhành lan tím nhắc bà nhớ về cô con gái Hương Lan bà có với Ngõa đã bị tai nạn chết ở Sài Gòn khi hai tuổi. Tội nghiệp con, bà mua phong lan tưởng nhớ. Trong ngôi nhà đang nghe rõ tiếng mưa đó, bà Hát tưởng mình sắp không qua khỏi, tưởng sau trận này sẽ về cùng hai đứa con có với hai người đàn ông quan trọng nhất đời mà cũng để lại nhiều đau khổ nhất đời. Nước mắt không ngừng tràn ra mỗi khi nghĩ đến điều đó.
“Chết thì phải nói” bà nghĩ, phải nói với thằng cu khờ khạo này, nó còn non nớt và lương thiện, một trang giấy trắng, một con đường vừa đổ bê tông...
- Kiêu ơi mẹ muốn nói với con chuyện này, mẹ rất muốn nói với con chuyện này, mẹ rất muốn con thuộc về mẹ, thậy đấy, mẹ không tin vào một người nào khác, chỉ tin vào con thôi. Hãy làm mẹ thỏa mãn, hãy cho mẹ một lần, bởi vì có thể mẹ sẽ chết, trước khi chết mẹ sẽ dặn dò mọi việc, con phải sống một mình thôi, phải cố gắng lên để làm người tốt, có tương lai.
Lần này không tốn thời gian suy nghĩ bằng lần trước, không bị ngập ngừng giằng xé. Bà thấy nhẹ nhõ hơn.
Trái với dự tính, Kiêu không sợ, không giận, chỉ dâng lên niềm cảm thông, cậu nói, nước mắt trào hai khóe mắt.
- Con rất thương mẹ, mẹ đừng nói thế, mẹ không thể chết được, con sẽ chăm sóc mẹ như mẹ đẻ của con. Sau này mẹ con về, con sẽ chăm sóc cả hai mẹ, còn chuyện kia con rất sợ, con chỉ là một thằng nhóc.
Hoàn toàn không phải là chuyện phi lý, điều gì cũng có thể xảy ra trong cuộc đời này, Kiêu nói bằng giọng tỉnh táo, bằng sự kính nể đối với bề trên. Kiêu ôm lấy mẹ, hai mẹ con ôm nhau nức nở.
- Mẹ yên tâm đi, mẹ không chết được, con sẽ chăm sóc mẹ, con hứa đấy, đừng buồn khóc nữa.
Anh Tôn mang chuyện ở làng lên làm quà. Anh nói làng quê xảy ra nhiều chuyện quá ư buồn cười. Lũ trẻ đồng loạt đổ ra quán nét cắm mặt vào đó. Làng quê bị nạn nét trẻ em hành hạ. Chúng bỏ bễ học hành, và sẵn sàng trở thành một kẻ ăn cắp để có đồng tiền đi chơi. Lại còn chuyện dở khóc dở cười ở gia đình chú Thảnh. Anh sốt sắng mô tả tỉ mỷ về chuyện đó. Chú Thảnh cũng là một gã đàn ông mộc mạc phân trâu như Tôn, từng muốn đời mình khác đi mà không được.
Bắt đầu là chuyện chú Thảnh đẻ đứa con gái thứ bảy. Ngay lập tức cái Thanh đang học cấp III muốn bỏ học vì xấu hổ. Chao ơi, bố mẹ năm mươi tuổi mang khuôn mặt của người già gần bẩy mươi và ý nghĩ hời hợt như đứa trẻ đã gây ra chuyện này. Thanh khóc nức nở một tuần lễ, bạn bè dỗ mãi không chịu đến trường. Thầy giáo hùi hụi tiếc một học sinh xuất sắc đến tận nhà động viên không làm em thay đổi. Người bố bứt đầu bứt tóc than, tiếng thở dài não nuột nhiều đêm mờ cả mảnh trăng le lói lọt qua tàu cau. Cũng bởi vì nỗi đau không con trai. Một mống con trai thôi mà để gần hết đời người chú Thảnh không yên chút nào. Thím Ngải đã lặn lội truy tìm không biết bao nhiêu ông thầy lang chẳng gặp thuốc, để buồng trứng của thím cứ nhằm loại vịt giời mà ấp ủ. Đau đầu hơn là có kẻ ác tâm tôn chú Thảnh lên làm đại trưởng xóm. Trước đây chỉ là “Trưởng”, nay cao hơn một bậc nữa vì chú phá kỷ lục.
Người ta bảo đàn bà xóm này ăn phải đũa nhau, nên không biết đẻ con trai. Một số người lo xa không dám gả chồng cho con gái về xóm nữa. Nhiều đôi không thể không cưới thì bắt buộc chuyển đến một mảnh đất khác để cho số phận của mình khác đi. Xung quanh đây chừng mười hai nóc nhà thì đến tám nhà đẻ nhiều con gái. Dân làng gọi Xóm vịt giời. Nhiều tuổi nhất là ông Cẩu, tám người con gái được ông cho “ra lò” trong vòng mười lăm năm. Giờ ông đã về thiên cổ. Các cô đã đi xây dựng gia đình. Người nhiều tuổi thứ hai là bác Cốm, bốn cô thì hai cô quá lứa nhỡ thì một người được chia nửa suất phần trăm xây “lăng” ở riêng. Người nhiều tuổi thứ ba là chú Thảnh. Còn như anh Nhi anh Tuấn, vừa cưới được bảy năm cũng đã “sáng tạo” được ba cô gái tóc tém xác xơ nắng gió triền sông, nheo nhóc. Vân vân và vân vân. Nỗi heo hắt thổi qua thổi lại khuôn mặt của những người gia trưởng xóm này. Họ gặp nhau mở niềm vui chỉ có nửa, nửa kia dành cho nỗi lo lắng và xấu hổ. Đôi khi trẻ già ngồi với nhau ngấu nghiến nước chè và than thân trách phận về những con vịt giời mình đẻ ra.
Trong số những người khổ nhất hiện nay của xóm vịt giời có lẽ là gia đình chú Thảnh. Thím ấy đã quá mệt mỏi vì đàn con và ruộng đồng. Tất cả chất lên lưng một người đàn bà nặng ba tám cân rưỡi. Thím lại dặt dẹo ốm o liên miên. Thành ra công việc phần lớn chú Thảnh lo. Đứa con cả vừa theo chồng qua bên kia sông, thi thoảng về thăm bố mẹ và các em. Đứa thứ hai vì tình phụ giờ ngớ ngớ ngẩn ngẩn ngồi tha thẩn ở nhà, khi lại đi rong người đường hoặc bêu nắng trên đồng, chẳng thể nào chữa khỏi. Cái Thanh học cấp III mơ ước thoát khỏi lũy tre làng thì bỏ học vì không qua nổi xấu hổ. Còn mấy đứa cuối cả ngày inh ỏi đau óc nhức đầu. Ngần ấy cái tàu há mồm, ngần ấy con vịt giời đủ để biến thân xác chú thành ra cái tã cho trẻ con. Đó là chú cay đắng nói thế. Chú còn nói cái tã của người ta giờ cũng lành lặn lắm, đắt tiền nữa. Chú không bằng cái tã, nhàu nhĩ sống trong sự chán chường. Và nhiều đêm, trong ánh trăng xuồng xã, chú thốt lên “Ôi con trai, sao ở xa vời vợi. Ông trời ơi!”. Mà tiếng kêu than ấy, đâu phải chỉ chú nói cho mình, thím gái cũng biết. Hàng xóm cũng biết.
Thanh nghỉ học, rủ cái Vân con chú Tiền đi làm giày da cho công ty liên doanh, mỗi tháng được trả bốn trăm rưỡi tiền lương, sau sẽ tăng dần. Cái Thơi em sau Thanh học lớp tám thấy chị nghỉ cũng muốn theo đi làm cho có tiền. Chú Thảnh bảo: “Mày không được nghỉ, bằng mọi giá mày không được nghỉ”. Mặt cái Thơi buồn rười rượi: “Chị Thanh nghỉ được, con lại không!”, nó hậm hực cắp cặp đến trường. Thanh và Vân đã đến tuổi lấy chồng. Thường thì xóm đông con gái phải nhộn nhịp mới phải. Nhưng không, chính cái “thương hiệu” của xóm kia đã hại những cô gái. Trai làng hay trai từ thôn khác đến tìm hiểu gái trong xóm chỉ là những chàng bị loại, hay người lớn gọi là “trai loại hai”. Những chàng cừ khôi thì đã đi tìm những cô gái khác. Họ chê con gái ở xóm vịt giời không biết đẻ, rồi sẽ sản sinh ra một lũ vịt giời thôi. Ô hay, đàn ông vẫn thường thích ngủ với nhiều đàn bà, nhưng lại không thích đẻ ra nhiều cô gái!
Cái Thanh con chú Thảnh bỏ học rồi, đi làm, có người đến tìm hiểu. Nhưng chàng trai này trông cục mịch và cũ càng quá, chẳng có chút phong độ của thằng đàn ông. Nên nó chưa ưng, chỉ cầm chừng. Lần đầu tiên nó biết cái câu “yêu cầm chừng” từ miệng chú Thảnh nói ra. Chú bảo “mày đẹp gái, chả sợ gì ế. Cứ từ từ, xem có thằng nào đường được không hẵng!”. Thế mà cái Thanh nghe. Còn nhiều đứa lo ế, nhiều ông bố bà mẹ lo không gả được chồng cho con, chấp nhận kết thông gia với những gia đình nghèo và “yêu yếu” một chút. Lũ “vịt giời” trong xóm thế mà lần lượt được “xuất”, rầm rộ như một phong trào lớn. Chú Thảnh bảo xóm này không có duyên với rể qúy rồi. Rể qúy nó bạt đi nơi khác hết. Sự thể xa xót vô cùng trong những tâm hồn chênh chao nửa non nớt nửa già nua của những ông bố bà mẹ, bất đắc dĩ nhắm mắt đưa chân, gả con cho những chàng rể mà mình chưa thực sự tin tưởng, để rồi dựa vào ý trời. Trời cho sướng thì được sướng. Còn chẳng may, vớ phải thằng chồng vũ phu cục súc, rượu chè, thì chấp nhận con ơi thân gái dặm trường. Bao nhiêu lượt con gái Xóm vịt giời sang sông. Chỗ gần không gả được thì phải gả xa. Chồng gần không lấy, không, không lấy được chồng gần. Em đây mang tiếng bao phần từ khi…! Đó còn là lời hát đau thương của những cô gái phải lấy chồng xa, ngày cưới mà nước mắt rơi lã chã như mưa.
Đã không ít chàng trai “mạo hiểm’ lấy vợ xóm vịt giời, về thụ thai, quyết tâm phải đẻ con trai, nên công nghệ thời hiện đại được họ áp dụng triệt để. Phải đi siêu âm, nội soi thật lỹ lưỡng. Nếu là con trai thì để, con gái thì bỏ. Ông trời phũ phàng chơi khăm họ, có cô, sau khi “làm sạch” đứa con gái trong bụng, vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ nữa. Và nước mắt của cô chảy dài hơn, xa xót hơn.
Chuỵên này nữa, ập đến như cơn lũ vô tình vào gia đình chú Thảnh. Đó là chuyện cái Thanh mang thai. Nó đã bỏ rơi anh chàng cục mịch vẫn đến tìm hiểu. Anh chàng chán ngán phải chuyển hướng chiến lược. Chú Thảnh tiếc nửa vời: “Trông nó chắc không phải dân nghiện ngập hay vũ phu, giá nó có cái tem bảo hành…” Chuyện động trời này chú Thảnh cố tình giấu kín, nhưng nó cứ vỡ tung ra, cả làng ai cũng biết. Thím Thảnh bị một cú sốc nặng, đổ bệnh. Đối với dân làng, cái chuyện kia quá xấu xa và phải nhận sự khinh miệt đến nghiệt ngã. Rồi thím ra đi. Cơ thể thím không chịu được những lời bàn ra tán vào, sự kết tội. Gần bốn mươi cân cơ thể, cả áo quần, nằm khô khốc trên giường, rồi được đưa vào áo quan. Năm đứa con gái ời ời khóc. Đau đớn nhất là tiếng khóc của cái Thanh. Đứa con thứ sáu chẳng hiểu gì, thấy nhà mình đông quá, chẳng hiểu sao hỏi chị: “Người đến nhà mình đông quá chị nhỉ?”, còn con út vẫn phải người bế trên tay.
Cái Thanh nghĩ rằng chính việc làm của nó đã gây ra cái chết của mẹ. Từ nay bố nó phải chịu cảnh gà trống nuôi con, mà bố thì đã yếu quá rồi. Đứa thứ hai thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Sự đau lòng này đã gây nên nỗi đau vô tường tận trong lòng Thanh. Nó khóc ngặt nghẹo, ngất đi ngất lại bao lần. Chôn cất mẹ xong rồi, nó bắt đầu nghĩ đến chuyện ra đi. Nhưng chú Thảnh đã cản lại: “Mày đi, tao biết trông cậy vào ai. Tiếng xấu thì đã mang rồi, mày đi không rửa được”. Thanh đành ở nhà, nghe lời bố. Chú Thảnh uất cái Thanh lắm nhưng không làm gì được. Chuyện đã lỡ rồi, có chém nó thành trăm mảnh thì cũng thế. Cái tình của người cha cho phép chú bình tĩnh lại, tìm đường, mà đường ở đâu để về phía sáng sủa bây giờ.
Không phải cái Thanh hư hỏng. Nó có ý đồ khác. Muốn chuyện riêng tư của mình khác đi. Nó và cái Vân rủ nhau “câu” mấy anh đẹp trai xóm Trại. Đàn ông con trai thường dễ ngã lòng khi con gái tự đổ vào mình. Thằng Khắc con lão Ngồng đã dính…chưởng. Thằng này nổi tiếng đẹp trai và kênh kiệu, nhưng đã bị hút hồn bởi cái Thanh, trong một đêm trăng dưới gốc gạo nhà thờ. Chúng rủ nhau đi hí húi ở một nơi xa hơn. Trong hai đứa, hình như đều có quan hệ với Khắc, nhưng chỉ Thanh là “dính”. Thanh tính toán rằng, khi mình đã cho Khắc làm chuyện ấy, anh ta chẳng làm sao bỏ mình được nữa. Nó sẽ được sở hữu một anh chàng đẹp trai hẳn hoi, chứ không phải loại lùn một mẩu tóc tai bờm xờm. Nhưng nó đã nhầm. Khắc chỉ muốn lợi dụng thân xác nó, khi biết Thanh có mang, Khắc tính bài chuồn. Sự thể đã khiến dư luận trong làng quan tâm. Người ta đồn ầm như ong vỡ tổ, đến cả những ngôi làng xung quanh. Người ta chỉ chích không riêng gì gia đình nhà chú Thảnh không dạy được con mà cả gia đình lão Ngồng nữa. Nhưng lão bất cần, thằng Khắc cũng bất cần. “Ong nào mà chả đốt” - đấy là cái lý của bố con Khắc. Chú Thảnh dứt khoát muốn làm to chuyện này. Cuối cùng, vì đuối lý cũng vì nhà chú Thảnh được nhiều người ủng hộ. Lão Ngồng nghe ra, thấy cái Thanh cũng nết na, chịu khó, lại xinh, chỉ ít giây phút yếu lòng. Lão khuyên con làm theo chú Thảnh. Thằng Khắc cau có không chịu, nhưng vì áp lực của bố, vì bố nó hứa cho mảnh đất đầu làng dựng nhà, nó nghe.
Một đám cưới diễn ra không lấy gì làm vui. Một đám cưới đã từng chịu nhiều lời chỉ chích của dân làng vì ý nghĩ dại dột của cái Thanh. Cho đến ngày cưới, những “bà mẹ xóm vịt giời” vẫn thương cho nó mà rằng: Mày đi lấy chồng, hạnh phúc ít khổ nhiều, con ạ, cố mà chịu đựng. Ai ngờ đó lại là sự thật. Những người đàn bà kia nói đúng. Họ không ý đồ chúc dữ cho Thanh, nhưng họ dự liệu được việc này. Khuôn mặt Khắc không giống một kẻ vũ phu nhưng nó đã làm chuyện đó để trả thù. Nó hận bố con Thanh đã ép nó làm chuyện nó không muốn, phải mang tiếng xấu với bạn bè. Đã có lúc thằng Khắc cãi lại: “Tao ngủ với người yêu của tao thì việc gì?”. Nhưng lời thằng Khắc không thắng được dư luận vẫn đang chảy tràn. Nó đành trút giận lên đầu vợ. Những trận đánh cãi diễn ra liên miên, trong ngôi nhà mới ở đầu làng. Ba năm, Thanh sinh ra hai đứa con gái. Một sự trớ trêu, có lúc, Khắc tỏ ra bàng quan trước việc Thanh sinh con gái. Nhưng khi rượu vào, không chịu được, nó quát vợ rằng: “Tôi sẽ cho cô đẻ một lũ con gái. Đàn bà xóm vịt giời các cô, chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp vịt giời cả”. Thanh ời ời khóc gọi mẹ hằng đêm. Nước mắt vón cục trong lòng. Một bận Thanh buông lời cãi chồng, Khắc cầm cái điếu cày vung vào đầu vợ, chẳng may phải chỗ phạm, Thanh khuỵu xuống, rồi chẳng bao giờ dậy. Thằng Khắc sợ chín mặt, hóa điên. Không biết điên thật hay giả mà cả ngày nó lê la đầu đường xó chợ, bẩn thỉu vô cùng. Hai đứa cháu ngoại nheo nhóc. Chú Thảnh thương, nói chuyện với lão Ngồng xin đón về nuôi. Lão Ngồng bảo: “Thôi, để tôi nuôi đứa lớn, còn ông nuôi hộ tôi đứa bé”. Chú Thảnh mang đứa bé về, hận mình đã tính sai một ly đi một đời. Chú trách mình sao lại gả con gái cho thằng giời đánh đó, những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nào ngờ…
Những người đàn ông Xóm vịt giời đến động viên, giúp đỡ chú. Họ góp tiền để chú đưa đứa con gái thứ hai đi chữa bệnh ngớ ngẩn vì tình phụ. Những người đàn bà, con gái xóm vịt giời vừa góp công vừa góp của nuôi đứa con nhỏ Thanh bỏ lại trần thế. Họ đặt tên cho con bé là Sướng vì nó có quá nhiều mẹ, cô dì chú bác. Nhưng chú Thảnh đã kịp đặt cho nó cái tên mỹ miều là Hải Trinh rồi. Nó sẽ ngoan hiền và không sai lầm như mẹ nó.
Đêm đêm, những người đàn ông xóm vịt giời vẫn tụ tập nhau dưới trăng, bên chiếc điếu cày, bàn tính chuyện tương lai cho con em mình. Làm sao thoát khỏi Xóm vịt giời. Chuyện khó như đưa con voi chui qua lỗ kim ấy. Khó thật!