Kiêu không biết gã đầu trọc tên Ngõa lại đến tìm mẹ nuôi. Điều đó làm bà Hát đau khổ. Với bà, giờ đây gã đàn ông đó như một con bệnh cần tránh xa. Nhưng càng muốn tránh xa thì con bệnh đó càng bổ tới. Kiêu nhủ nếu bắt được sẽ cho gã nhát dao.
Bà Hát ốm đến nỗi không muốn nhấc mình ra khỏi giường. Tâm trạng bà đang rơi vào hoảng loạn, đầu óc bà ám ảnh quá khứ khổ đau, ruột gan như bị thiêu cháy, giấc ngủ đầy ác mộng. Những bất lợi đổ ập xuống thân thể bà. Giò phong lan héo rũ, nó được ném ra góc sân từ hôm trước. Trong phòng tranh ngổn ngang mấy bức phông đổ đè lên nhau. Bà Hát đã quên, không còn hứng thú hành hạ hai con rùa đến nỗi, con tên Ngõa hôm bà ấn vào cái hộp giấy để giấu người đàn ông đó đến nay vẫn chưa được lôi ra. Chú rùa bị bức bách ngoi ngoi cái cổ.
Kiêu đi học về, thấy mẹ nuôi khóc, như vừa trải qua một trận sợ hãi khủng khiếp, cậu con hỏi, bà nói:
- Tên hói đó lại đến, hắn không để cho mẹ yên. Mẹ sợ lắm, mẹ không muốn nhìn thấy hắn, mẹ muốn có con bảo vệ mẹ.
- Vâng - Kiêu thưa - con sẽ ở bên mẹ, nếu hắn đến con sẽ chém.
Những ngày này Kiêu phải tự đi chợ, về nhà nấu cơm, bưng đến cho mẹ, cậu đề nghị đưa mẹ đi bệnh viện nhưng bà từ chối. Bà bảo rất sợ bệnh viện, mùi mẽ ở bệnh viện khó chịu. Cái màu trắng toát khăn tang ở bệnh viện rất đáng kinh. Bà còn nói bệnh của bà là tâm bệnh, tâm bệnh phải chữa bằng cách khác chứ không phải thuốc. Kiêu không ngờ một người mạnh mẽ như mẹ nuôi lúc này lại trở nên yếu đuối như vậy. Cậu nghĩ lúc này là lúc để cậu chăm sóc bà, là thời cơ để trả ơn. Nấu cơm xong, cậu cẩn thận bày ra bàn cung kính mời mẹ ăn, mẹ nuôi không trở dậy, cậu đặt vào khay bưng ra giường kính cẩn mời mẹ ăn. Cậu học được đôi chút cách thức điều khiển vương quốc bếp, làm cho nó dậy mùi, sống động. Cậu vô vàn yêu từ đôi đũa đến cái bếp ga, từ quả trứng đến mớ rau khi chúng đã vào đến bếp. Thức ăn khá ngon nhưng bà Hát dùng được rất ít. Há miệng ra đưa thức ăn vào, nhai và nuốt là một việc hết sức khó khăn đối với bà, động tác nhai và nuốt còn khó hơn gấp nhiều lần. Thức ăn cứ nằm yên trong miệng cho đến khi bà đảo đi đảo lại lưỡi và răng một cách khó nhọc. Kiêu không ngừng giục: “Mẹ mau ăn đi cho khỏe”. Cậu động viên để bà có hứng nuốt, tình hình chẳng khá hơn.
Vừa lo lắng mẹ nuôi bị “tâm bệnh” rất khó chữa bằng thuốc thường, Kiêu luôn hướng về quê nhà, về người mẹ đã mất tích bao nhiêu ngày tháng qua. Lại nữa, cậu còn phải giải quyết sự tranh giành giữa hai cô gái Mẫn Hoằng và Mẫn Yến. Cậu thấy mình có lỗi khi để hai chị em họ xảy ra mâu thuẫn mà nhất thời chưa nghĩ ra cách giải quyết hợp lý.
Hoằng hơi quá đáng khi thấy Kiêu và Mẫn Yến đi cùng với nhau. Cậu nghĩ, và khẳng định lại rằng mình chưa từng hứa giời hứa biển cùng Hoằng, càng không có những cử chỉ để cô ta ngộ nhận. Kỳ thực, cô ta thân thiện với cậu ngay từ đầu những ngày mới nhập trường. Lúc đó, tim cậu rung rinh, xúc động thật, đem cô ra so sánh với người bạn cũ tên Quê đã đi lấy chồng, sau đó, nếu Mẫn Yến không xuất hiện thì biết đâu, có thể cậu đã yêu được cô.
Thế mới biết lòng người phức tạp, như dòng sông mà ta không thể hiểu chiều xoay của sóng, lúc thì dày và lúc thì rất mỏng. Kiêu thích Mẫn Yến thật, đêm về nằm mơ ôm và hôn Mẫn Yến. Giấc mơ ngọt ngào trở đi trở lại.
Ngày nào Hoằng cũng đến lớp với một khuôn mật hết sức khó coi, nói năng gắt gỏng và không thể nói với Kiêu được một câu tử tế. Cảm tưởng, miệng cô giờ chỉ thổi được ớt và lửa. Cô giận ư, hay sự ghen tuông đó chứng tỏ cô đã yêu mê đắm rồi? Bỗng thấy cô đáng thương làm sao. Càng nghĩ Kiêu càng thấy mủi lòng. Nhưng tình yêu không thể để tình thương chen vào. Kiêu là Kiêu, đã đủ cứng rắn và kiến thức để phân biệt chuyện này.
Hôm thứ 5, ngày X tháng Y là ngày sinh nhật Hoằng, cô không đến lớp. Cả lớp dáo dác hỏi nhau không biết tại sao hôm nay cô không đến. Có một gói quà của cả lớp dành tặng cô. Kiêu cũng chuẩn bị sẵn một gói quà là con búp bê nhỏ có vòng đá cuội ở cổ xinh và ngộ cậu đến tận nhà tìm, nhưng bà giúp việc bảo cô không có ở nhà. Mấy cô bạn gái cùng học đến tìm cũng không gặp. Kiêu đưa ra hai giả thuyết, hoặc là cô ở nhà nhưng không muốn gặp, hai là cô đã đi đâu chơi đó.
Tối lo cơm nước để mẹ ăn xong, cậu dọn dẹp sạch sẽ rồi đạp xe đến nhà Hoằng, bà giúp biệc bảo chưa về, Kiêu đờ đẫn quay ra. Khi cậu ngồi lên xe định đạp thì thấy bóng dáng của Hoằng, giỏ xe có một bó hoa nhỏ xinh xắn.
- Tớ đi tìm cậu, cả lớp hôm nay đều hỏi sao cậu không đến. Hôm nay là sinh nhật Mẫn Hoằng.
Hoằng hờ hững:
- Cậu quan tâm làm gì, mặc tớ.
Kiêu cầm vào tay lái xe Hoằng:
- Nói gì thế, chúng mình là bạn mà.
Hoằng gắt, gân ở cổ nổi lên:
- Bạn ư? Là bạn thì Kiêu đã không để tớ khó xử như thế. Lại còn bị mất mặt trước đứa em họ ngang ngược nữa chứ.
- Thôi được rồi, tớ xin lỗi. Vào quán cà phê bên kia nhé, hai mình nói chuyện.
- Chả có gì để nói, tớ đi đây!
- Kìa Hoằng, đừng như vậy. Tớ biết lỗi ở mình, cậu hãy nghe tớ nói được không?
Phải khó khăn lắm Kiêu mới thuyết phục được Hoằng vào quán cà phê. Khi ngồi xuống, khuôn mặt cô vẫn không thôi nặng trịch.
Gọi nước xong, Kiêu đưa gói qùa ra, hai tay đưa cho Hoằng, cô vẫn chưa thể nở nụ cười khi nhìn thấy ánh mắt khẩn thiết hối lỗi của Kiêu. Cô đưa tay nhận, cám ơn và lại ngồi im.
Nhân viên bưng nước đến, đặt vào vị trí của mỗi người rồi đi ra, Kiêu đan hai bàn tay vào nhau, những ngón tay chắc khỏe dập dờn như cánh chim. Cậu thảm nhiên:
- Hoằng giận tớ ư? Đừng thế. Hoằng nên biết tớ đã coi cậu là một người thân thiết khi nhập trường, giờ vẫn vậy.
Hoằng thở dài:
- Giờ khác, giờ là Mẫn Yến. Cậu đã thay đổi, khi gặp con bé đó, cậu đã thay đổi, nó ngủ với bảy thằng con trai, giờ muốn cậu, cậu cũng thích nó, cậu thích sự dễ dãi của nó.
Giống kẻ hàm oan bị buộc tội, Kiêu sững sờ chết lặng. Nói xong câu đó Hoằng khóc ngon lành như một con mưa giông. Trong giây lát ấy Kiêu nhìn cô, xót xa sụt sùi. Kiêu bỗng thấy mềm nhũn người khi nghe tiếng con gái khóc. Bỗng nhiên Hoằng lau nước mắt, đứng lên nói lời cảm ơn về món quà và lời từ biệt: “tớ về đây”. Kiêu không cản được, không có cách nào, cô lao ra ngoài rồi mất hút ở cửa nhà mình. Kiêu chẳng còn cách nào khác, thanh toán rồi đạp xe về.
Mất hai mươi phút thì về đến nhà, cậu lấy khóa mở vì lúc đi đã khóa ngoài. Bước vào nhà thấy bà Hát đang đè hai chân lên hai con rùa, cả hai không nhúc nhích. Thấy Kiêu, bà ngẩng đầu lên, nói “sao đi về muộn thế?”. Kiêu nhìn đồng hồ thấy 10 giờ “vẫn sớm mà mẹ” cậu nói. Bà Hát “à” lên một tiếng, thì ra vì sốt ruột, bà cứ nghĩa là khuya lắm.
- Mở cửa ra cho mẹ, bà nói.
- Khuya rồi mẹ còn định đi đâu?
- Ra ngoài có việc
- Mẹ có việc gì để con làm cho là được rồi?
- Mẹ phải ra ngoài ném hai con rùa xuống hồ, mẹ không muốn thấy chúng nữa.
Kiêu đề nghị mình sẽ giúp mẹ nuôi việc đó, bà Hát dứt khoát không chịu, khăng khăng đích thân mình phải đi. Kiêu chiều theo ý bà, cậu mở khóa và cả hai mẹ con cùng đi
Nhà không cách hồ Ba mẫu là mấy, chẳng bao lâu đã tới nơi. Lúc đi trên đường bà Hát ngật bên nọ, ngật bên kia y như động kinh trước dòng người còn đông đúc, ánh đèn xe cộ lao vào nhau, trộn vào nhau. Kiêu cố gắng giữ cho chặt để bà khỏi đâm vào xe .
Bà ngồi xuống cạnh bờ hồ, hai con rùa bị giữ trong tay, cái đầu ngọ nguậy, dường như chúng rất hồi hộp khi biết mình sắp được xuống nước, hưởng tự do. Bà Hát chưa thả ra, vẫn vờn chúng trên bờ, Kiêu giục:
- Mẹ thả xuống đi rồi về.
- Không - bà Hát nói - mẹ không muốn thả nữa, chúng làm bạn với mẹ trong thời gian rất dài rồi, không có chúng mẹ sẽ thấy buồn.
Kiêu chuyển sang thuyết phục:
- Mẹ thả đi nào, thả đi rồi về, chúng chỉ làm mẹ bận tâm và đau khổ thôi, mẹ hãy vứt đi rồi về thanh thản sống.
- Không!
Bà chuyển sang cười, hi hi, ha ha, hả hả, hà hà. Chuyển từ bình thường sang thê thiết. Cười ứa nước mắt, phun nước mũi, khạc ra đờm, tuôn ra mật, bong phổi cháy gan, híp cả mắt, ngật ngưỡng thân người, run run mớ tóc lập cập chân tay…
Bà cười, hút sự chú ý của quán hàng đêm, người đi bộ, nam nữ yêu nhau rời môi nhau ra. Cậu con không làm sao gỡ được hai con rùa trong tay bà ném xuống hồ để đỡ bà lên. Ở nhà, bà nói sẽ thả rùa, đến đây bà lại khư khư giữ chặt lấy chúng, hai con rùa ngo ngoe muốn thoát thân, cố gắng giãy giụa mà không thoát, chúng vẫn bị dính chặt vào tay bà.
Hình ảnh thảm thương vô cùng, đau đớn vô cùng. Kiêu hiểu rằng mẹ nuôi còn đau đớn gấp ngàn lần. Có những điều mà bà chưa cho cậu biết, muốn giấu kín trong lòng, hoặc chưa phải lúc, nên mới dồn nén ứ động đến thế. Bà điên thất rồi sao? Kiêu tự hỏi. Khi trước với một vài biểu hiện, cậu không tin hẳn nhưng cho đến lúc này, cậu không thể không tin mẹ mình đã đau đớn đến phát điên.
Cậu ôm mẹ khóc, nước mắt rửa mặt. Càng khóc to cậu càng ôm xiết mẹ chặt hơn. Người bà run lên càng bật ra tiếng khóc, hai tiếng khóc trộn vào nhau, hai dòng nước mắt trộn vào nhau. Hai con rùa trong tay bà lỏng dần. Kiêu đỡ bà đứng dậy, rùa rơi bịch xuống, nhân đó Kiêu dùng chân hất cả hai rơi tõm xuống hồ Ba mẫu, bà Hát nghe thấy nhưng mặc, con trai đã ôm lấy người bà và vẫn không thôi khóc. Mặc kệ bà bước theo con trai, phải mặc nó thôi. Cứ nên để chúng ở dưới đó. Đúng rồi, hai con rùa, hai mảng ký ức đau đớn. Kiêu dìu mẹ nuôi bước, như dìu người mất một chân, rất khó đi, cứ nghẹo bên này, xô bên kia.
Đến nhà, bà đổ vật ra giường, tiếng khóc trộn tiếng cười, nước tràn ra gối. Kiêu khóa cửa rồi vào an ủi mẹ. Bà Hát vẫn muốn con trai ôm lấy mình. Bà yêu con trai thật, rất yêu, tin tưởng hơn bất kể gã đàn ông nào. Trong vòng tay con bà thấy hơi ấm sự bình yên, nghe thấy con tim non nớt đập. Bà cứ nằm thế cho đến khi nước mắt khô, khi bà đã có thể nở nụ cười nhẹ nhõm, khi hai cánh tay chắc khỏe của Kiêu đã mỏi nhừ. Bà bảo để bà nằm xuống. Kiêu kéo chăn đắp cho mẹ, mắt bà lim dim rồi mở tròn, sâu hoắm, Kiêu nói “Mẹ nghỉ đi, con lên phòng đây”. Bà gật, Kiêu đi mất bước bà gọi lại.
- Con có muốn mẹ điên không?
Kiêu lắc đầu.
- Mẹ đừng nghĩ thế, đời nào con muốn mẹ điên.
- Vậy thì lên đây nằm cùng mẹ, mẹ muốn có hơi ấm của con.
Kiêu lắc đầu.
- Không, không thể thế được. Con không thể làm thế, chúng ta là mẹ con. Con chỉ là một thằng nhóc.
Nước mắt trong hai khóe mắt đã nhiều nếp nhăn của bà Hát lại trào ra.
- Con lỡ thấy mẹ như vậy sao? Con có lương tâm không? Con là người có lương tâm thì phải biết là mẹ đang cần con đến thế nào. Sao con sắt đá vậy. Ít ra thì mẹ cũng là mẹ nuôi của con.
- Ý con không phải vậy, chỉ bởi vì con tôn trọng mẹ, thực lòng con rất thương mẹ.
- Thương mẹ ư? Thương mẹ thì hãy làm những gì mẹ muốn đi. Thôi, được rồi, con hãy lên đây nằm với mẹ. Chỉ là nằm cạnh mẹ, để mẹ cảm thấy là con ở bên thôi.
Vài phút đấu tranh nội tâm lưỡng lự gào thét lấy lại can đảm vượt qua ranh giới, cuối cùng Kiêu đã lên, cậu nằm im bên mẹ, càng nằm im, càng thấy tim trong ngực đập dồn dập, bà Hát không nói gì nữa, tay chân cũng lặng im. Bà thấy hơi ấm từ cơ thể Kiêu đang lan toả và cần phải nằm im để lan toả càng nhiều, sau đó bà chuyển tư thế nằm nghiêng, mặt hướng sang con, tay vắt ngang người cậu, cả hai im lặng.