Nguyễn Văn Học
Khi vết thương nằm xuống
Tiểu thuyết
Nguyễn Văn Học
Khi vết thương nằm xuống
Tiểu thuyết
Lũ thanh niên nhìn thấy một thằng oắt con nhà quê đang tìm cách dắt chiếc xe chúng dựng bên lề đường. Một tên hô lên, cả đám nhổ khỏi bãi cỏ la liệt bánh kẹo đang ồn ã của buổi sinh nhật. Chúng vụt nhanh như mũi tên.
Thằng oắt con nhà quê nhả xe chạy, nhưng bọn kia tóm được. Chân chúng giơ lên, nắm đấm giáng xuống, hừ hự hừ hự, túi bụi, tối tăm mặt mũi, nó cố đưa tay lên đỡ, che đầu che cổ, nhưng đòn vẫn rơi vào. Sức của nó xuống cấp sau rất nhiều ngày đói khát, lê lết. Vả lại, đòn của đám trẻ thành phố dường như dư thừa sức mạnh, giáng xuống tới tấp.
Giống một đám quỷ dữ đói khát, đám thanh niên này ngứa chân ngứa tay, có thể lâu ngày chưa được động chân động tay nên vớ được một thằng kẻ trộm là đấm đá cho sướng, cho chết, cho ngã ngửa người, cho sáng mắt ra. Khi thằng oắt kia ngã xuống đất, chúng vẫn muốn đánh tiếp, cho sướng tay, chúng hỏi nhau: “Đánh nữa nhé? Một thằng hô to “Đánh!”, trận mưa đòn được tiếp tục.
Mấy chục cái chân lại giơ lên, đồng loạt nện xuống “hự”, người thằng oắt lại rung lên, như miếng giẻ rách.
Nhiều người đi qua chỉ chống chân đứng nhìn. Đám sinh nhật kia chỉ vào đống giẻ rách nằm dưới đất nói: Đây là thằng ăn trộm, định dắt xe bị tóm. Có ai đó nói xen vào: “Đánh chết đi”. Không ai muốn cứu thằng oắt ăn trộm xe máy. Họ ghê tởm thằng ăn trộm. Tất cả những thằng ăn trộm đều đáng bị đánh. Ở thành phố này, thằng bị đánh này không hề ít. Hàng ngàn hàng vạn thằng bé ăn đòn.
Chúng đánh một hồi, dừng lại, lau mồ hôi, một tiếng hô khác vang lên:
- Thằng ăn cắp xe có đáng bị đánh chết không? Thằng nghiện có đáng bị đánh chết không?
Chúng đồng thanh hô:
- Đáng lắm, đáng lắm! Đánh đánh đánh!
Chúng dùng chân, khỏi phải dùng tay, bởi thằng oắt đang nằm bệt dướt đất. Những gót chân liên tục nện vào, hừ hự. Thằng bé bất động. Nó hoàn toàn rơi vào trạng thái im lặng, vô cảm giác. Chỗ nào cũng dính đòn, đau đớn, máu mồm, máu mũi ộc ra. Hai hốc mắt cũng đầy máu. Vệt máu lê lết dài mấy mét lê theo những bàn chân nện xuống của bọn kia.
Khi cảm thấy chân cũng đã mỏi, bọn chúng hỏi nhau “Sướng chưa?”. “Sướng rồi”, chúng hô lên. Lúc này mới có người chạy đến, họ bảo tha cho thằng ăn trộm. Lũ trai nhìn người kia, đó là một người đàn ông, theo sau ông ta là một người đàn bà. Họ xin tha cho thằng bé. Họ ái ngại nhìn thằng bé, nó nằm bẹp, không nhúc nhích.
Lũ thanh niên bỏ đi, mang cả đám sinh nhật đến chỗ khác. Người xem giải tán dần. Mấy người lật thằng ăn trộm lên, mặt đầm đìa máu. Hai người kéo nó vào lề đường, sau khi thấy nó cựa quậy, họ chỉ tay “Nó tỉnh rồi, thằng ăn trộm tỉnh rồi.” “Sao lại đi ăn trộm hả cháu, dại quá, để chúng nó đánh cho, còn sống là may”. “Tỉnh rồi thì đi đi, lần sau đừng ăn trộm nữa, kẻo người ta đánh cho”. Thằng bé không nói gì, người ta cũng đi hết, chỉ còn lại mình nó như miếng giẻ rách bên lề đường, ngấm vào da thịt khớp xương những nhức tấy. Thằng bé nhớ đến mẹ, đến bà rồi ngất lịm trong đau đớn. Người đi đường không ai đoái hoài. Đất trời nhiều vật vô tri vô giác. Nhưng cơn gió lạnh thì đoái hoài. Gió lạnh và lá phố chứng kiến hôm nay nó bị đánh.
Đó là cậu oắt nhà quê, tên Kiêu. Lý lịch trích ngang của cậu có gió cây và sương trời làm chứng, những tiếng xe cuối ngày làm chứng. Kiêu là Kiêu, giờ nằm đó sau trận đòn, mơ màng nhớ tháng năm ấu thơ từ nay không còn.
Tỉnh dậy khi xuất hiện tiếng chổi quét rác sớm của một lao công cần cù nào đó phía bên kia đường. Kiêu quờ quạng và thấy toàn thân đau nhức. Hơi lạnh ngấm vào từng lỗ chân lông. Cậu lấy hết chút sức lực vừa hồi phục được lê lết vào một mái hiên có cánh cửa sắt. Ước gì chị lao công kia sẽ không thấy mình, cậu nghĩ, bởi vì có thể chị sẽ rơi tim ra mất. Không muốn một người như vậy phải sợ hãi. Mà dù chị ta không sợ, có đến gần hỏi han, thì chắc gì đã giúp được. Gối đầu lên mô đất của một gốc cây và súyt soa cái lạnh. Chắc chắn những kẻ gây ra trận đòn này, chẳng thể ngờ được mình còn sống. Cậu đang nghĩ vậy, vì chúng tin rằng sức mạnh của chúng còn đủ để giết thêm mấy người nữa. Hừ, chúng đã nhầm tai hại, vẫn còn sống đây, một người còn sống sót trong trận mưa đòn.
Còn sống sót là một kỳ tích đối với Kiêu, những cơn đau nhức thì không tha hành hạ cậu. Những cú đấm đá, những nguyền rủa. Ban đầu là như vậy, sau đó là mê man, thấm buốt trong một màu máu và mùi chết chóc. Nhưng cái chết từ chối cậu rồi. Nó ném cậu lại cuộc đời, xâm xấp những buồn bã và tẻ nhạt. Ước gì có thể chết đi được. Ý nghĩ đó còn giằng xé tâm can đến bao giờ nữa? Chẳng thể yêu được bản thân mình khi mà mình chẳng còn gì ở trên đời.
Một người sống sót sau trận mưa đòn đang ngẫm về cái chết và sự thối rữa. Cậu không còn gì cả. Gia đình ư? Người thân ư? Cuộc sống ư? Không có gì cả. Sao không chết đi cho rồi! Trong thâm tâm, Kiêu đang nguyền rủa ông trời về cái sự trớ trêu khốn kiếp này. Mơ hồ hay đau đớn lại làm cậu ngất đi, khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên một cái giường, trong ngôi nhà lạ, rất nhiều tranh. Trong nhà bếp đang có tiếng lách cách. Cơn ho khù khụ của cậu gọi người chủ nhà tiến lại. Đó là một người đàn bà.
- Tỉnh rồi hả cậu nhóc? Tôi sợ quá, nhưng đã đến lúc phải đến bệnh viện rồi, bởi vì tôi thấy không yên tâm nữa. Lẽ ra tôi phải đưa cậu vào viện ngay vừa rồi, nhưng sẽ chẳng ai làm việc lúc đó. Có đưa vào cũng phải chờ đợi.
Tiếng người đàn bà nghe ấm lạ lùng, chưa bao giờ Kiêu được nghe lời một người đàn bà có giọng ấm cúng và dễ gần như thế kể từ khi không còn mẹ. Buổi sớm, người bà đã toả ra mùi gì đó rất thơm, đến nỗi cậu chưa bao giờ biết đó là mùi gì, chưa bao giờ được ngửi thấy.
Không khỏi ngạc nhiên khi biết mình đang nằm trong một ngôi nhà lạ của người đàn bà lạ. Chẳng thể tránh được những câu hỏi kèm theo hàm ơn. Nhưng Kiêu còn ngạc nhiên hơn khi thấy mình đã bị lột trần và được bọc bởi cái chăn rất mới và thơm tho. Nhiều vết thương đã được thoa thuốc và bó lại, hoặc được dán cao trắng thơm.
- Cô là ai, và cháu đang ở đâu? Cháu đã chết chưa? Có phải cô là...
- Đừng hỏi nhiều thế, đây là nhà tôi và đã đến lúc tôi phải đưa cậu đến bệnh viện. Lẽ ra phải đưa đi luôn, nhưng tôi cứ mạo hiểm để cậu nằm đây, những thứ tôi bôi lên người cậu chẳng đủ để cứu cậu đâu.
Kiêu ù ờ trong miệng:
- Nhưng cháu đang ở nhà ai? Cô là ai, sao lại tốt với cháu như vậy?
- Tôi không tốt với cậu, mà người ta đã đánh rơi cậu vào nhà tôi. Coi như chúng ta có duyên. Còn tôi là ai có quan trọng gì.
Hoàn toàn ngạc nhiên bởi cách nói lạ lùng đó. Khuôn mặt bà ta đầy vẻ phúc hậu. Đôi mắt to đen và biết cười thầm, nhưng cười thầm được thì cũng khóc thầm được. Điều đó giải thích vì sao sau này bà ta hay khóc thầm. Tuổi thì có lẽ bằng tuổi mẹ Kiêu trước đây, đàn bà ở phố thường trẻ hơn đàn bà ở quê, với những suy đoán của cậu, cộng với sự kính trọng đối với người trên, Kiêu gọi người đó là “cô” và xưng “cháu”. Coi như là hợp tình hợp lý.
Dầu vậy, cậu cũng cảm thấy hơi lạnh trườn dọc sống lưng, ngoài cơn đau ghê ghớm đang đồng hành trên khắp cơ thể. Đã mất hết niềm tin ở con người, rằng trên đời chẳng còn lòng tốt. Cho nên cậu nghĩ rằng mình nên đề phòng. Con nhím vẫn thường xù lông gai trước mỗi nguy hiểm. Người đàn bà này với cậu có quan hệ gì đâu. Cậu sẽ chẳng có gì để bà lợi dụng, chỉ là một cái xác đầy vết thương, vậy thì cứu cậu có ích lợi gì, hay bà sẽ chờ đợi cậu qua giai đoạn này, rồi mới tính đến chuyện lợi dụng? Hoặc là bà ta đã tính toán trước chuyện lợi dụng, khi cúi xuống cứu cậu. Vậy là miệng buột ra: “Tôi thì có lợi gì cho bà?”. Cách xưng hô lạnh lùng này, cả sự chuyển đột ngột khiến người đàn bà thóang chút ngỡ ngàng. Sao thế cậu bé, bà hỏi. Cậu có lợi gì cho tôi ư? Cậu nghĩ là cậu thì có lợi đối với một người đã chẳng cần gì nữa ư. Ngay cả với người khác, cậu có lợi gì. Chả có gì cả, cậu đừng buồn, nhưng đừng tự cao. Ta bảo thật, cậu quá đáng thương, mà ta không thể hờ hững trước một người đáng thương. Thôi, không nói nhiều, tắc-xi đến rồi. Để tôi đỡ cậu ra xe...
Những lời của bà khiến lòng Kiêu ấm lại, thân thể vơi bớt nhức nhối. Cậu thực sự thấy hối hận về mấy lời vừa rồi. Bà xốc cậu ra xe, dứt khoát và mạnh mẽ. Cậu chẳng ngờ bà lại có sức khỏe như vậy, giống như vận động viên cử tạ xách một con gà mái. Cậu nhanh chóng được đưa ra xe, cảm giác ân cần bởi sự chăm lo của một người mẹ. Trong thâm tâm, cậu muốn gọi bà là mẹ quá chừng. Người mẹ đã cứu con.
Một khuỷu tay bị mẻ xương và giãn cơ nên phải mổ và bó bột, đầu khâu hơn ba mươi mũi, hốc mắt đều tổn thương nặng, xương sườn gãy ba chiếc, rất nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương, phải chữa trị nhiều ngày... Chữa trị cho cậu đòi hỏi thời gian và tốn kém tiền bạc. Người đàn bà cứu cậu quyết điều đó, bà ta cần cứu cậu, cần cứu thằng oắt bị đánh cho đến ngất xỉu. Bà nghĩ. Bàn tay bà êm ái, bà đã cứu cậu, bà ở hiền gặp lành.
Những ngày trong bệnh viện cậu nhận được đặc ân từ người đàn bà. Cậu nhận ra tên khi bà nói chuyện với các bác sĩ. Bà tên Hát. Lưu Thị Hát. Bà ở bên và lo lắng cho cậu, như ngồi bên đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Có những lúc, Kiêu thấy bà đăm chiêu, dáng vẻ ảo não đến tuyệt vọng. Căn nhà chỉ có mình bà. Cậu đoán bà là một người cô đơn, hay đã từng mất mát quá nhiều điều qúy giá của cuộc đời.
Bà không quá đẹp, nhưng toát lên vẻ lương thiện, nhân hậu vô cùng. Cậu từng nghe ai đó nói cái gì đẹp thường gắn với u buồn, nhưng chưa được chứng thực, cho đến hiện tại. Tóc ngang vai, xoã, xoăn, da trắng, sống mũi cao, miệng xinh, má hồng, đôi mắt ảm đạm, u uẩn. Đó là những gì cậu nhanh chóng đọc được trên bà Hát. Cậu gọi là cô và xưng cháu. Đôi câu bà xưng “cô” và gọi “con”. Càng ấm lòng một gã trai gặp nạn.
- Nói cho cô lý do làm sao ra nông nỗi này đi. Tại sao lại bị đánh đến thảm thương như thế. Quê cháu ở đâu?
Súyt nữa thì Kiêu đã khóc. Nhưng cậu là Kiêu, là một thằng con trai. Lũ thanh niên kia đánh đến chết cũng không khóc. Huống hồ trước một câu hỏi của người đàn bà. Nhưng cậu đã khóc rồi, và cố gắng nuốt nước mắt vào trong. Có gì xúc động hơn là nghĩ về nỗi khổ của mình. Nghĩa là tự mình sờ vào chỗ đau của mình, bóp mạnh một cái. Lúc này dù nhớ lại, hay người khác tỏ lòng cảm thông, cũng dẫn đến niềm xúc động. Những người đàn bà thường khóc rống lên, những gã đàn ông yếu đuối, lũ trẻ sẵn sàng khóc rống lên khi có ai đó đột nhiên cảm thông, động chạm vào nỗi niềm mình đang cần chia sẻ. Kiêu khác. Kiêu cần phải là Kiêu. Thế nên đã không có giọt nước mắt nào chảy ra.
Bên cạnh câu hỏi là bàn tay bà đưa miếng cam vừa gọt vào tay kia để Kiêu chỉ việc cho vào miệng. Chi tiết này làm cậu nhớ lại hình ảnh ngày trước bà ngoại chăm sóc cậu. Cuộc đời của bà chỉ có bấy nhiêu, những thứ nhỏ nhoi bình dị, một góc vườn với cây táo cây ổi, quả bầu quả bí, canh cua cá đồng. Bàn tay sần chai xạm nắng của bà đã hái ổi và đưa vào tay cậu thế nào. Cậu lớn lên được nhờ bàn tay đó, sự cần mẫn của người bà già nua. Bằng tình yêu thương như cây lá ngoài đời.
“Cháu xin”, cậu nói và đỡ lấy miếng cam. Chưa đưa vào miệng vội. Cậu nhìn nó một cách kỹ lưỡng, không phải tìm xem trên đó có bám bụi hay không mà tỏ ý trân trọng rằng trên đó đậu biết bao nhiêu tình. Cũng là để biết ơn. Sau đó nó được đưa vào miệng ngon lành. Bà Hát lại giục: “Cháu nói đi nào, nói về những chuyện vừa xảy ra cho cô nghe đi.
- Cháu sẽ kể cho cô kỹ khi cháu khỏe lại. Còn giờ, cháu xin thưa với cô sơ qua thôi ạ. Cháu có một ông bố tuyệt vời nhưng đã chết, là một chiến sĩ công an dũng cảm. Bọn tội phạm gian ác đã giết chết bố, sau đó gia đình tan tác, mẹ mất tích, rồi bà ngoại cũng mất vì bệnh tật và già yếu. Bà ngoại nuôi nấng cháu lớn lên, cho học, hết cấp III. Đó là một kỳ tích chưa bao giờ cháu có thể tưởng tượng nổi. Bà nghèo lắm, nhưng nghị lực. Cả đời này cháu biết ơn bà. Cô biết không, cháu lớn rồi mà chẳng làm gì để có thuốc chữa trị cho bà. Nếu có thuốc, nếu cháu có điều kiện, bà đã sống thêm được nhiều năm nữa. Cứ coi như cháu đã giết bà rồi. Chính cháu, vì lo lắng cho cháu mà bà ốm nặng dần mỗi ngày. Cháu là thằng không ra gì...
Bà Hát nghe xong lắc đầu, bà nghĩ, tướng mày thì biết là đã trải qua nhiều khổ ải rồi. Nhìn Kiêu một lượt từ đầu đến chân, rồi dừng lại lâu hơn ở khuôn mặt. Bà nói cậu cứ ở lại đây tĩnh dưỡng, chữa trị cho khỏi hẳn, rồi sẽ tính tiếp. “Cháu thấy đấy, cô chỉ có một mình nên cứ yên tâm, đừng ngại gì cả”. “Vâng ạ!”. Kiêu kéo dài âm “ạ”, cậu như được mờ cờ trong bụng. Và chắc chắn rất lâu rồi mới có một người tốt với cậu thế nhỉ. Lâu lắm rồi cậu mới gặp may. Càng nghĩ lại càng xúc động. Cơn đau bắt cái tiếng của cậu meo méo, rè rè.
Hỏi tuổi cậu, song chưa để cậu kịp nói, bà đoán luôn 19. Đúng quá. Cậu 19 và chuẩn bị bước sang tuổi 20, số tuổi mà bà ngoại nói lại. Còn chính cậu, có lúc cũng nghi ngờ mình không phải ngần ấy tuổi. Nhiều đứa trẻ thậm chí chẳng biết mình sinh ngày nào. Sinh ngày nào chúng không có điều kiện để biết, chỉ nghe người lớn nói lại. Nói bao nhiêu biết bấy nhiêu. Cứ công nhận tuổi của mình như vậy đi. Đó là ngày trước, khi thắc mắc với bản thân, cậu tự bảo vậy. Chả quan trọng gì tuổi tác, quan trọng hơn là có cái gì cho vào bụng không. Cái đút vào bụng sẽ biết cách nói bao nhiêu tuổi. Cậu nghĩ.
- Con cô mà còn, tuổi nó cũng bằng mày. Bà Hát buột miệng.
Giống một mũi kim châm vào da Kiêu, nhoi nhói. Kiêu giật mình hỏi lại: “Con cô chết rồi ư?”. Bà Hát chùng giọng, không muốn nhắc đến nỗi đau đang cất giấu sâu trong quá khứ nên lắc đầu “không”. Kiêu gặng hỏi. Bà dứt khoát gạt đi: “Lúc khác cô nói”.
Kiêu không hỏi nữa, cậu nhủ thầm: Hẳn là bà đang rất đau khổ nên không muốn móc vào nỗi đau đó để nó tứa máu thêm. Đứa con đó nếu là thật, thì cũng đã khắc nỗi buồn vào lòng bà rồi. “Thôi được, mình sẽ tìm hiểu sau”. Cậu nhủ trong quyết tâm, bởi vì cậu thấy mình cần phải quan tâm đến người đang quan tâm đến mình.
Nỗi đau ê ẩm làm Kiêu căm thù lũ thanh niên kia. Nếu chỉ có một thằng, cậu sẵn sàng “ứng chiến”. Còn nếu cả bọn mà đấu một một thì cậu cũng sá gì thời tiết xấu đẹp. Cậu đã biết cách lì lợm, biết cách làm sao để đánh gục đối thủ một cách nhanh nhất. Nhưng lũ này quá đông, và dại gì chúng đứng nhìn để từng thằng xông lên. Cuộc tổng tiến công của chúng khiến Kiêu không thể chống đỡ được lâu hơn. Cậu yếu dần, không còn khả năng tránh đòn, mỗi lúc một nhiều đòn rơi vào người. Trận mưa đòn đã ôm cậu vào lòng, như bão tố đã ôm trọn biết bao làng mạc miền Trung. Khuỵu ngã. Đớn đau.
- Cháu đang nghĩ gì vậy?
Câu hỏi làm Kiêu giật mình. Cậu căm thù lũ thanh niên kia, cậu vung tay, lại là cái tay đau, nên có cái nhói buốt như đâm tọac màng da.
- Đang nghĩ về cháu - Giọng chùng xuống, Kiêu ấn đầu mình mạnh hơn xuống gối.
Đừng nghĩ nữa làm gì. Mày đã sống được mấy gang tay. Bà Hát thầm cười, bảo: Mày nghĩ về mày ư? Đời chứ gì. Đời mày làm sao lắm gian truân như tao. Có thể mày đã mất hết, nhưng mày còn biết mày mất. Tao mất, nhưng chẳng biết đã mất những gì. Nghĩ vậy, cũng chẳng thể dựng thằng bé dậy mà tranh xem ai đau khổ hơn ai. Bà tự nhủ: Thằng oắt chỉ đáng tuổi con. Kẻ chỉ đáng là con tranh hơn làm chi. Hơn nữa nỗi đau cũng cần giấu kín, càng kín càng tốt. Hãy chôn sâu nó, như chôn sâu những tình yêu đã gào thét đi ngang qua đời người con gái, vóng vót găm vào sự nhẹ dạ cả tin đến dại khờ vì yêu, nhức nhối mãi đến tuổi này.
Ta đã từng đi tìm mãi mà chẳng thấy hạnh phúc. Ta không phải người quá cầu toàn. Ta cần những điều giản dị nhất, mà đâu có được. Có những lúc, ta mong mình có thể giấu tình yêu ở mọi nơi mọi lúc, để người đàn ông nào đi ngang qua cũng sẽ khuỵu ngã, phải lòng ta, để ta mãi mãi được cưng chiều. Nhưng đàn ông chỉ là những cơn mưa lũ, tuôn chảy rồi ào ạt biến mất. Ta biết mình đã nhầm. Ta đã ngồi, rầu rĩ nhiều đêm như tấm bia tưởng niệm chính cuộc đời ta. Cháu không biết đâu. Sau rồi những ý nghĩ của ta cũng biến thành cổ điển, ta gọi đó là những ý nghĩ hào hùng, rồi thấy mình không thể như thế mãi.
Sau hồi độc thoại nội tâm, tự dưng bà Hát muốn làm điều gì đó cho kẻ không may mắn kia. Nó có thể sống được không nếu ném trả nó ra đời. Bà bảo hãy yên tâm, cô sẽ giúp. Cô đã chẳng còn người thân nào bên cạnh ngoài mấy bà bạn lắm mồm thích nói xấu chồng. Cô sẽ nhận cháu là người thân của mình, sẽ chăm lo cho cháu, và chính cháu là chỗ dựa cho cô.
Cậu bé gật đầu cảm động. Không còn người thân bên cạnh, chẳng chốn nương nhờ, cũng không biết mình nên đi đâu về đâu, có nằm mơ cậu cũng không tưởng tượng được lại có một “bà tiên” xuất hiện. Kiêu quyết định ở lại. Cảm ơn cô, cậu nói. Cháu rất cảm ơn cô.
Bà cười nhẹ nhõm. Nhìn cậu trai gầy gò tái dại, bà rất thương.
Bởi vì nếu có ném nó lại cuộc đời, thì đời sẽ dạy cho nó xảo trá hơn. Con người xã hội ngày càng xảo trá. Nó sẽ học được “Đại học xã hội” dần dần trở nên hoang dã bạo tàn. Bà Hát nghĩ, hãy nhận nó làm con. Bà Hát quyết định.