Hơn nửa tháng trong bệnh viện, Kiêu trốn về. Hơn nửa tháng đó, bấy nhiêu ân tình, ơn huệ. Bà Hát đã tái sinh ra cậu, tình thương của bà đã cho cậu được sống lại. Không có cách nào thuyết phục Kiêu tiếp tục ở lại viện, bà cố gắng xin cho cậu được làm thủ tục sớm hơn người khác. Sẽ chăm sóc, chữa trị ở nhà. Cậu được đồng ý.
Ngôi nhà không đẹp đến mức phải thốt lên, nhưng rất đỗi gần gũi. Kiêu thích những bức tranh treo trên tường, hoặc để dưới đất. Tranh vừa tối vừa sáng màu. Có những bức nhìn vào cậu chẳng thể hình dung nổi ý nghĩa của nó nói về cái gì, nó mô phỏng sự nghiệt ngã, hay đơn thuần chỉ là mảng nội tâm mà người vẽ thể hiện. Chỉ là những tảng màu chắp vá lại với nhau một cách khéo léo. Bà Hát là họa sĩ, Kiêu không có tư cách để hỏi vì sao bà lại làm họa sĩ để vẽ những bức tranh kia. Chỉ có thể hỏi vì sao bà lại vẽ thế này và bức kia có ý nghĩa gì hay tại sao chỗ này màu đỏ mà không phải là màu khác. Dù không hiểu nhưng thích. Những tảng màu sáng, ngồ ngộ khiến cậu vui.
Ngày học cấp III cậu cũng từng vẽ. Cậu vẽ khuôn mặt bạn gái lớp trưởng có bím tóc xinh xinh. Vẽ bởi vì cậu thấy mình không thể không vẽ. Bạn ấy tên Phượng, môi hồng như hoa phượng và da trắng ngần như củ cải. Bạn Phượng vẽ hoa và cảnh đẹp tuyệt vời. Từng vẽ đôi chim bay trên bầu trời xanh để tặng thầy giáo chủ nhiệm nhân ngày cưới. Thầy là người điềm đạm và đầy tâm huyết. Học trò thấy cần phải tôn kính và qúy mến người thầy như thế. Bức tranh chim thể hiện lòng kính trọng. Khỏi phải nói thầy chủ nhiệm vui đến thế nào. Thầy rất khuyến khích những món quà mang tính nghệ thuật và tự tạo như thế vào ngày Hiến chương nhà giáo, thay cho những quà cáp tốn kém. Kiêu nhận ra vẻ đẹp của Phượng từ lâu. Nói là xinh nghe không lột tả hết sự ngưỡng mộ. Cậu thốt lên: Phượng đẹp quá! Thế là bằng tưởng tưởng và quan sát hình ảnh Phượng ngồi cặm cụi vẽ bức tranh về đồng quê, Kiêu chớp luôn. Được một khuôn mặt quá hiền hậu và đẹp. Lúc Kiêu đưa tranh cho Phượng, cô nàng thốt lên “Ôi đẹp quá”. Đó là phần thưởng tuỵêt vời nhất cho cậu. Sau đó một giây, có cô bạn cuối lớp nhìn thấy, đã dội luôn lên đầu cậu gáo nước lạnh: “Thằng Kiêu chẳng những đánh nhau tài mà vẽ tranh cũng giỏi”. Khuôn mặt cậu biến sắc. Tuy nhiên, câu nói đó chẳng đủ sức mạnh làm Kiêu mất điểm trước Phượng. Lúc về, Phượng nói cám ơn và tỏ vẻ thán phục. Sau này, cô đi học đại học, chẳng liên lạc nữa. Thi thoảng cậu ôm hình bóng cô, tưởng nhớ về những phút giây ham muốn, thèm khát được thơm lên đôi má trắng hồng của cô. Chỉ hình dung thôi, tưởng tượng thôi đã thấy cả một bầu trời tuyệt diệu.
Đêm, bà Hát thường ngồi bất động trước khung tranh, tìm cấu tứ và bố cục cho nó. Có lúc tay bà thoăn thoắt quệt cây cọ. Lúc dừng tay, bóng bà bất động, đúng như tấm bia đá lớn. Kiêu ước gì mình có thể vẽ. Sẽ vẽ dáng bà ngồi bên khung tranh, vừa để tôn vinh bà vừa để cảm ơn tình thương của bà. Một vị ân nhân lớn.
Kiêu không ngủ được, sự trằn trọc giữ cậu lại với không gian tĩnh mịch của căn phòng. Cậu cố nhắm mắt lại, nhưng đôi mắt cứng đầu cứ bị vành ra, chẳng thể đưa cậu vào giấc mộng. Đôi mắt làm cậu quay sang nhìn người đàn bà, rồi cậu lê lết ra phòng ngoài.
Cháu có thể học vẽ được không? Cậu cứ định hỏi bà câu đó, nhưng sợ mình thành vô duyên nên cứ ngập ngừng. Mình có làm phiền bà quá không? Một kẻ bị quẳng ra đời, chẳng còn gì, sao đáng để một người điêu luyện như vậy phiền lòng. Cậu không đáng. Nhưng bà đã bảo có điều gì thì cứ nói, đừng ngại. Không ngại thì không ngại! Cậu đã thốt lên “Cháu học vẽ được không ạ?”. Câu hỏi còn găm vào hai bên mang tai cậu, nó ù ù không dứt.
Bà Hát cười hiền, còn rung rinh cả lúm đồng tiền nữa. Lúm đồng tiền đã dán khuôn khuôn mặt ấy và làm cho nó trở nên thanh thoát hơn. Có những lúm đồng tiền chôn cả tài tử danh nhân, làm khuynh gia bại sản. Còn lúm đồng tiền của bà, có vùi chôn bậc tài danh nào, hay đã gây nên nghiệt ngã cho bà?
- Muốn học vẽ ư? Dễ thôi. Cậu cần phải học kiên nhẫn. Trước hết là phải bỏ tính nóng nảy đi. Nóng nảy với họa sẽ hỏng hết. Người cầm cọ cần nhu mì, có cốt cách, không ngại gian nan. Cây cọ là công cụ để bộc lộ nội tâm của chủ nhân nó. Đôi khi cũng cần dữ dội, hãy để cho nghệ thuật trên phông tranh tuyên chiến với thói đời xấu xa, với sự nghiệt ngã của thời gian. Hơi khó hiểu phải không? Muốn học thì dần dần phải hiểu.
Những lời của bà Hát quả là quá tải đối với cái đầu còn non nớt của Kiêu. Nhưng bà đã chẳng bảo muốn học thì dần dần phải hiểu còn gì. Dần dần có nghĩa là sẽ hiểu được. Cậu tin rằng mình đã đủ lớn để suy nghĩ, rằng để đạt được điều gì đó thì phải cố gắng. Cậu nói hùng hồn:
- Cháu sẽ cố gắng, sẽ học để biết nhẫn nại, tu rèn tính cần cù.
Điều đó làm bà Hát hài lòng, rất yên tâm và tin rằng mình đã cứu không nhầm người. Thằng oắt con coi như có tố chất và cốt cách của nó. Chắc chắn, bà cần phải dụng công để làm cho nó bớt hoang dã. Bà có một ý nghĩ cực đoan rằng những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, bị ném ra đời thường ngấm vào mình cái hoang dã của đời. Việc làm này cũng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách của một người trưởng thành sau này.
- Vất vả đấy cậu nhóc ạ - bà Hát nói - nhưng cô tin cậu nhóc sẽ làm được.
Bà Hát đứng dậy vươn vai, ngáp đến thượt một cái dịu dàng, đóng nắp hộp màu, bỏ cọ sang một bên và chuẩn bị đi ngủ. Bà bảo Kiêu vào phòng rồi đi vào nhà vệ sinh.
Đêm vắt mình sang ngày mới, đủng đỉnh như trẻ mục đồng, sự yên tĩnh giăng tràn trong không gian, tiện lợi cho những người mê ngủ, ủng hộ cho những người quá thừa ồn ã…
Con rùa bò chậm chạp dưới mặt đất khiến Kiêu giật mình. Không phải sự hung tợn của nó làm cậu giật mình. Con rùa làm gì có khả năng hung dữ! Nó muốn hung dữ cũng chẳng được. Bản chất của rùa là hiền lành và sinh ra, nó được gắn với nhiệm vụ là thực thi mệnh lệnh người khác, kể cả những mệnh lệnh vô liêm sỉ. Nó rất biết nghe lời. Cậu giật mình vì sự xuất hiện đường đột của nó ở đây. Con rùa được tĩnh dưỡng trong ngôi nhà độc thân này, hay chỉ là vô tình nó viếng thăm, từ một nẻo đường nào đó. Cũng có thể là một sự trốn thoát ngoạn mục từ bể nước nhà giàu, từ chiếc chậu thủy tinh của một cô gái đỏng đảnh yêu động vật hoặc đơn giản là thoát khỏi bàn tay của một người buôn. Nó nghĩ rằng ngôi nhà này thực sự bình yên?
Người đàn bà nhìn Kiêu đang bối rối trước con rùa. Cậu đã đi lại được, chỉ có cánh tay đau là khoác cái băng như người lính nhiệt tình ôm súng canh cho đất trời bình yên. Những vết thương trên mặt, trên bả vai, cánh tay cũng đang kéo vẩy và căng da non, mấy chiếc sườn bị gãy cũng đã tạm lành. Bà mỉm cười. Đã rất lâu bà không mỉm cười với ai đó vào buổi sáng. Buổi sáng thức dậy, mỉm cười nhiều, đó là một ngày bắt đầu với rất nhiều niềm vui. Nụ cười không hề mất tiền, nhưng con người vẫn tiết kiệm nó.
- Rất đẹp phải không cậu nhóc? Nó là thành viên của ngôi nhà này. Cậu chưa biết hết đâu, ngôi nhà này không chỉ có mình tôi.
Kiêu nhìn kỹ phần lưng con rùa, có viết một chữ “Ngõa” vừa điêu luyện vừa cẩu thả. Chữ viết bằng sơn đỏ. Việc này rất gây tò mò cho Kiêu. Chưa bao giờ cậu nhìn thấy rùa, mà chỉ được xem trên phim ảnh. Con rùa không to lắm, chỉ bằng hơn nửa bàn tay, khuôn mặt của nó như người đã kinh qua thời gian cơ cực bần hàn, lại ảo não. Một con vật ảo não buồn bã cũng giống con người. Kiêu từng thấy sự buồn bã của con chó nhà bà ngoại khi nó đói meo, hoặc một lần phạm lỗi bị bà mắng. Cậu gí gí ngón tay vào đầu rùa, nó rụt cổ lại. Giống gã nhà quê nửa hiền lành nửa hèn nhát. Thấy không có sự nguy hiểm nào, cậu mới nhấc nó lên. Đang định hỏi bà Hát là nó có cắn không thì bà nói:
- Rùa là loài hiền lành mà. Nhưng nó đang được cô dùng làm biểu trưng cho hận thù. Cũng biết là tội nghiệp nó. Ai bảo ông trời để cô tội nghiệp. Cháu sẽ ngạc nhiên khi thấy trên lưng rùa có chữ Ngõa. Nó là tên một gã đàn ông. Một gã đàn ông bỉ ổi và hèn nhát. Cô ám chỉ gã là con rùa này. Gã tên Ngõa. Ngõa đã cứa vào lòng cô những vết thương tóe máu. Hạ nhục con rùa này cũng là hạ nhục gã. Cô làm vậy vì thấy mình nhẹ nhõm hơn. À, mà cô nói ra chuyện này làm gì nhỉ, cô lắm chuyện quá...
Bà Hát bỗng bối rối lạ lùng.
Đó là một cách trả thù mới mẻ đến ngoạn mục mà Kiêu thấy. Thì ra cánh trí thức sâu sắc trong những cách trả thù thế này. Nhưng nó có phần ngây thơ thì phải. Kiêu nghĩ. Gã đàn ông kia ở xa, nào có biết bà đang hạ nhục một con rùa. Cũng có chút ít ngây thơ ở đây. Đàn bà sâu sắc thường hời hợt và ngây thơ trong nhiều tình huống không ngờ. Bà lại còn hành hạ nó bằng cách dúi đầu vào háng mình, hoặc đái vào đầu, rồi lúc sau dội nước ào ào vì sợ nó sẽ bốc mùi. Bà Hát tiện thể sự hào hứng lắng nghe của Kiêu, kể thêm vài ba cách trút giận lên đầu rùa mà chỉ riêng bà nghĩ ra. Nào là cho ăn ớt, nhốt trong nước nóng 60 độ, đội băng vệ sinh trên lưng nó…Không chỉ có con rùa này. Còn một con khác, bà tiết lộ vậy. Nó đang trốn trong góc nào đó, để tìm được cũng mất chút ít thời gian. Con đó tên Tân, hèn nhát hơn con Ngõa. Nếu bà tìm được, ắt sẽ có cách xử phạt nặng hơn, để cho nó nhớ đời.
- Chuyện thế này cháu chưa thấy bao giờ. Người bị cô trả thù cũng đâu có biết mà đau đớn.
Kiêu nói với vẻ ngờ nghệch. Bà Hát cho cậu biết, chỉ cần cảm thấy mình thỏai mái sau khi hành hạ lũ rùa, coi như được hả hê. Trong những ngày tháng này, ngoài vẽ tranh, bà chẳng hứng thú với cái gì hơn là trút giận lên đầu hai con rùa. Nói rồi cười ha hả. Kiêu rất dễ nhận ra bà đang nuốt nước mắt vào trong. Điểm yếu của những người cố tỏ ra cứng rắn là họ luôn để lộ vẻ yếu đuối của mình. Thượng đế thật khéo tạo con người!
Chợt thấy chẳng thể mãi khơi ra nỗi đau đó làm gì. Nó sẽ đồng loạt trở về và chỉ kích thích nước mắt, với sự yếu mềm đáng thương chảy dòng trong tâm khảm, hãy đóng khung tạm thời, để sự bất lương đó trôi đi ít phút. Bà Hát đứng lên, nói sẽ đi chợ và nấu món gì đó ăn cho ra trò.
Kiêu rất thích thức ăn bà nấu. Không phải vì chưa bao giờ cậu được ăn thức ăn như vậy, hoặc là cậu quá đói mà vì hương thơm từ nhà bếp toả ra hết sức quyến rũ. Nó bay vào mũi và ngấm qua từng thớ thịt của cơ thể, nó là sản phẩm từ đôi bàn tay của bà. Khi bà nấu ăn, bà cần mẫn như chị Ô-sin, một nhân vật xuất hiện trên truyền hình Việt Nam gần mười năm trước. Người mà bị đánh cắp cái tên để đặt cho tầng lớp những người có công việc thấp hèn trong xã hội, công việc là đi ở và hầu hạ, bởi sự ấu trĩ và khiêm tốn về hiểu biết của nhiều hạng người. Giá tầng lớp người kia ai cũng được như chị Ôsin nọ, vận động từ một người xuất thân hèn kém, trở thành một bà chủ có uy tín to lớn thì xã hội này đã bình ổn từ lâu. Tay bà Hát múa rất khéo trong khi cầm đũa và muôi, như một nghệ sĩ. Bà làm chủ được những dụng cụ trong căn bếp nhà mình. Kiêu đang muốn bà đi chợ nhanh để bà làm vua căn bếp nhỏ nhoi kia, quên đi những buồn bực đang ngự trị. Có những việc làm rất dễ vơi bớt nỗi đau.
- Cháu ở nhà nhé.
- Vâng, cô đi chợ đi. Cháu sẽ bật tivi và xem - Kiêu ngoan ngõan.
- Thế cháu thích ăn gì nào? Bà Hát hỏi.
- Cháu ăn gì cũng được, sẽ theo sự chỉ đạo của cô.
- Vậy nhé, cô đi đây.
Sau cái đóng cửa của bà là không khí trầm lắng. Kiêu thấy có màu tim tím của bầu trời ngoài kia hất lại, sự pha trộn của màu xanh cây sấu. Hà Nội vẫn là vương quốc của sấu mà Sài Gòn nằm mơ cũng không có. Hình như là trời nắng nhẹ. Bên kia, ngôi nhà sơn xanh đỏ đang mở nhạc Trịnh, Diễm Xưa.
Kiêu thả mình lên giường, bật vô tuyến bằng điều khiển từ xa. Bộ phim truyền hình đang chiếu nói về người chồng, chủ gia đình đang tìm cách giải cứu vợ và con mình đang nằm trong tay bọn bắt cóc và chúng đòi khỏan tiền chuộc quá lớn. Người đàn ông lực lưỡng dũng cảm này sẽ làm gì? Mạng sống của vợ con quan trọng hay của cải? Tất nhiên, với một người có bản lĩnh và yêu thương vợ con, anh ta sẽ chẳng màng sống chết mà tiến lên, làm việc gì đó thực sự cần thiết, kể cả nhảy vào hang cọp.
Kết thúc phim, gia đình họ đoàn tụ. Anh chàng đã chiến thắng. Vẫn là bộ phim gay cấn, hành động nhanh, cái tài chí, sự dũng cảm và cái thiện đã chiến thắng. Loại phim quen thuộc trên truyền hình. Dù đã xem không ít bộ phim như thế ở nhà ông Dải dưới quê, nhưng bộ phim này vẫn nhận được sự yêu thích của chàng trai mới lớn như Kiêu. Vòng tay ôm của người chồng với vợ và con trai khiến cậu nghĩ đến gia đình.
Tôi là một kẻ mồ côi cha, hoặc là không có cha. Có mẹ nhưng mẹ bỏ đi. Một kẻ bỏ học giữa chừng, da tai tái, mắt tương đối to, cao xấp xỉ mét bẩy. Gầy nhẳng vì đói và lang thang sống, vật vưỡng bên đời, sẽ ngóc đầu lên bằng gì đây? Một loạt những suy nghĩ khiến Kiêu cảm thấy mệt mỏi. Cậu chưa biết sẽ ở lại đây bao lâu và đi đâu, về đâu. Ai sẽ là người giúp cậu?
Bà Hát về, hai tay khệ nệ thực phẩm. Tiếng đẩy cửa ken két. Nét mặt bà hồ hởi như người bắt được vàng. Bà nói với Kiêu sẽ làm món giả cầy, ăn với thịt gà luộc có lá chanh. Với Kiêu thì món nào cũng ngon. Những thứ bà kể với cậu là cao lương mỹ vị. Tiếc vì tay chân không để động vào để giúp bà rửa rau. Cậu nghĩ. Rồi cũng hỏi: “Cháu giúp được gì ạ?”. “Cứ ngồi đó là được rồi”, bà Hát nói, miệng lại hát bài Khát vọng do Thuận Yến phổ nhạc. Đối với bà Hát, tự hát trong khi nấu ăn cũng là một thú thưởng thức đáng được cổ vũ. Có nhạc sĩ cổ vũ và xuất hiện trong bếp núc, các món ăn sẽ ngon hơn, đôi bàn tay nội trợ càng tận dụng được hết năng khiếu bẩm sinh. Nhưng cũng nguy hại đối với các cô gái trẻ tuổi đỏng đảnh hồn nhiên, mải nghe nhạc hoặc luôn miệng hát mà làm cơm sống đậu rán cháy. Giả cầy và gà luộc có Thuận Yến thì tuyệt vời rồi. Những ông nhạc sĩ vẫn chịu thiệt thòi và oan ức vì bài hát của họ thường được hát trong nhà vệ sinh và nhà bếp. Nếu hát trong đó mà họ được trả tiền thì đất nước xuất hiện nhiều tỉ phú.
- Bà ngoại cháu mất lâu chưa? - bà dừng hát và tự nhiên hỏi đến chuyện này.
- Hơn một năm rồi ạ. Cháu nhớ bà quá.
- Ờ nhỉ! Mày đã nói một lần rồi. Cô quên mất đấy. Xin lỗi nhé!
- Có sao đâu cô. Cô chẳng phải nói vậy, nói vậy là khách sáo rồi. Cháu làm sao dám để ý đến chuyện đó cơ chứ. Chỉ là thằng oắt con và đang ở nhờ nhà cô.
Bà Hát bỗng thấy có hứng thú nói chuyện, nói vọng ra:
- Cô rất thích nói chuyện với mày. Mày nói có cái gì đó ngộ nghĩnh. Đã lâu cô không có tâm trạng vui thế này.
- Cô không chơi với ai à?
- Sao thế được. Ai cũng có bạn chứ. Cô cũng có vài người bạn, thi thoảng kéo nhau đến đây và bọn cô nấu ăn. Mấy hôm nay có lẽ họ bận, không thì đã đến rồi.
- Một mình, cô nấu cơm cũng ngại nhỉ? Ăn một mình chẳng có cảm giác gì. Ngon hay không chẳng biết nói với ai.
- Chả sao, cô quen rồi.
Bà tỏ ra thanh thản, không có vướng mắc gì rồi tiếp tục chỉ huy vương quốc bếp đáng yêu của mình. Những rau củ quả, thịt, cá, gia vị, nồi niêu xoong chảo, đũa…là những tên lính thông thạo và hiếu chiến nếu rơi vào tay người chỉ huy tài ba. Người ta đã từng ca ngợi rất nhiều người phụ nữ đảm đang, rằng người phụ nữ hạnh phúc là người chồng cô ta thích được ăn những món cô nấu, hay niềm vui của người đầu bếp là người ăn dùng hết thức ăn trên bàn. Để có thêm không khí trong nhà, bà Hát vừa nấu ăn vừa hỏi Kiêu biết nấu những món gì. Kiêu cười rằng, cháu chỉ biết nấu cơm và làm những món luộc. Bởi vì ở quê có muốn cũng đâu có gì mà nấu cầu kỳ. Sống với bà chỉ toàn cơm cà, rau muống với muối vừng.
Bà Hát nói:
- Chắc là cháu luộc rau ngon lắm nhỉ?
Trong câu này có cả chút hài hước ngoài ít phần trăm hỏi thật ra. Kiêu lắc đầu nói không. Cháu không có trình độ nấu ăn. Chỉ biết nấu thế nào ăn thế ấy. Người nhà quê đơn giản như cây lá trong vườn, thế thôi.
Bữa cơm được dọn ra. Hương thơm nhảy nhót múa ca, bốc lên phưng phức. Bà Hát đóng vai trò người mẹ hiền dễ tính chăm chút con trai, tự thưởng thức sự ấm cúng hiếm hoi bình dị, như sợ không khí này sẽ vụt lên mây. Trong ngần ấy thời gian sống làm người, đã có lúc bà tưởng hạnh phúc sẽ ở bên mãi. Bà cầm nắm được nó trong tay, khóa nó lại bên mình để nó không rời xa, tuột mất. Sau này bà hiểu thêm rằng hạnh phúc không cần nhiều như thế. Có lúc hạnh phúc là cái gì đó rất nhỏ bé. Đôi khi, hạnh phúc có nghĩa là cuộc đời này, mình cảm thấy rằng mình không chỉ có một mình. Nụ cười và những cái vuốt ve âu yếm sẽ tốt hơn cả một đống tiền. Đồng tiền có thể làm mất lương tâm của con người, nhưng tiền không mua lại được lương tâm.
Trong bữa ăn, bà gắp cho Kiêu rất nhiều. Kiêu có gắp lại cho bà hai lần. Kiêu được bà giục ăn khỏe để lại sức. Lòng bà Hát tự dưng ấm áp lạ lùng. Phải rồi, đã lâu rồi bà không có cảm giác mình có một gia đình. Trước đã từng có và nay không. Chẳng phải bà không đủ đảm đang để gìn giữ nó mà bà không cưỡng được. Có loài cây nào đứng trong bão mà không lung lay.
Nên nghĩ đến chuyện đó thôi chứ nhỉ, bà dồn tâm chí vào một chuyện. Đằng nào thì thằng bé cũng không còn người thân thiết, cứ giữ lại bên mình. Bà Hát nghĩ. Rất có thể nó sẽ là chỗ dựa cho bà. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi, đã thấy ý nghĩa cuộc sống đang dập dờn ở ngoài kia, cũng đủ để bà cần phải trân trọng thằng bé này biết bao.