Cu cậu rất hay vỗ vào mông hét “Con sẽ giống bố, chuyên bắt kẻ có tội” rồi cười híp cả mắt. Hình ảnh đó về cậu con được trung úy Vũ Đại Hùng mang đi khắp nẻo đường công tác, giữa trập trùng núi non hay hải đảo xa xôi. Anh rất đỗi tự hào đem chuyện cậu con trai ngộ nghĩnh tinh nghịch kể với đồng nghiệp. Vũ Đại Hùng kỳ vọng vào “tác phẩm” Vũ Đại Kiêu của mình. Hổ phụ sinh hổ tử. Ngay từ khi vợ mới mang thai, anh hy vọng đó là con trai và ngập tràn ý tưởng, mong nó giống mình, theo nghề làm một chiến sĩ công an hình sự chuyên bắt tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mang lại hạnh phúc cho con người. Khi đó, anh nhận được tin vợ báo qua điện thoại. Người đàn ông sắp được làm bố mừng qúynh quáng, ôm chặt lấy người bạn bên cạnh và nhấc bổng anh ta như muốn tung lên trời. Chị Lệ, trước đó đã bàn với chồng: Nếu là con trai thì đặt là Kiêu, con gái thì lấy tên Vân. Kiêu - anh dũng gan dạ; Vân - êm đềm hiền hòa như dòng sông Vân nơi quê.
Và nó là Kiêu.
Đó là Kiêu, sinh ra không khóc không cười, hai tay huơ huơ muốn túm cái gì đó. Đây lại là dấu hiệu của sức mạnh, sự gan dạ và lòng quả cảm. Chi tiết này được bố Hùng sau này nhắc lại nhiều mỗi lần về phép: “Này, thằng lười khóc của bố, vỗ vào mông đi nào”, Kiêu lại lại ngoan Ngõan đưa hai mông ra sau, vỗ mạnh vào mông, hét: “con muốn giống bố”.
Xong, Hùng hỏi lại con:
- Giống bố như thế nào?
Kiêu vỗ vào hai má:
- Là rất giống bố.
- Chưa phải, chưa nghe rõ.
- Con muốn theo bố làm công an, có ông sao gắn ở mũ và áo.
Lớn lên một chút, Kiêu mỗi ngày lại rõ hơn công việc của bố thông qua lời mẹ kể. Mẹ kể say sưa, y như mẹ đã từng đi theo bố. Qua lời kể, cu cậu thấy bố mình tài quá, cậu càng khao khát giống bố. Có lần cậu hỏi mẹ “Làm sao để có mũ đẹp và có ông sao vàng hả mẹ?”, mẹ Lệ vui mừng nói: “Phải làm như bố con”. Điều đó càng làm Kiêu muốn trở lên giống bố.
Học lớp hai Kiêu đã rất thích vẽ. Bức tranh đầu tiên cậu vẽ là hình ảnh bố dắt tay cậu: bố đội mũ có cái ông sao. Nhìn bức tranh con vẽ, Lệ cười. Cu cậu tưởng mẹ “cười xấu” thì níu áo “Ứ, mẹ chê con, con vẽ đẹp mà!”. Chị nhìn lại bức tranh ngộ nghĩnh với những đường nét thật thô, gật đầu “ừ, con của mẹ vẽ đẹp, mẹ đâu có chê”. Cu cậu còn vẽ nhiều, xé giấy trong vở ra, tranh nào cũng khiến mẹ Lệ ngặt nghẹo cười.
Bố của Vũ Đại Kiêu hy sinh khi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam trong một vụ truy đuổi tội phạm ma túy. Đại úy Trần Dư cũng hy sinh trong trận nào. Mất mát quá lớn, găm vào tuổi thơ Kiêu những ám ảnh. Sự căm hận dệt dày cho cậu thêm ước mơ, mất mát làm mẹ Lệ đau đớn tột cùng. Mẹ khóc ròng rã, bà ngoại giấu được nỗi đau vào trong, để còn an ủi mẹ. Ngày xưa, nỗi đau bà mất chồng cũng đau đớn như thế. Bà biết động viên con thế nào cho qua đau đớn này.
Kiêu tuy còn nhỏ, nhưng hiểu rằng nước mắt mẹ chảy nhiều thế kia là vì đâu. Chắc mẹ đang đau đứt từng khúc ruột. Bố được những người đồng đội vào sinh ra tử đưa về, mặt chú nào cũng một niềm tiếc thương. Các chú mặc quần áo giống bố, có ông sao như bố. Kiêu khóc, một chú đến ôm lấy cậu, nói khẽ vào tai: “Cháu hãy nhớ nhé, bọn tội phạm gây ra tai họa này. Chú muốn sau này Kiêu lớn lên, tiếp nối công việc của bố và các chú”. Cậu gật trong nấc nghẹn, nước mắt tràn xuống miệng, mặn chát. Sau đó cậu lau khô nước mắt, mím chặt môi. Tâm trạng lúc này là tiền khởi chỉ sự cứng rắn sau này, cậu không thể yếu mềm. Cái chết của bố khiến con tim cậu cứng cáp trước tuổi, nó đập chậm và chắc hơn.
Bố ơi, Kiêu gọi, bố nằm im thế, dậy đi. Bố dậy với mẹ và con, bà ngoại nữa. Bố cậu cứ nằm như vậy, mãi về thế giới bên kia, cùng với những chiến công và sự nuối tiếc của nhiều người. Mẹ ngồi bên cạnh ôm vai con, nức nở: “Từ nay hai mẹ con mất bố rồi, Kiêu ơi”.
Trước đây, mẹ chưa từng nói đến sự nguy hiểm của bố cho cậu. Chỉ biết đó là công việc vất vả và anh dũng. Mãi sau này cậu mới hiểu nguy hiểm luôn rình rập những chiến sĩ hình sự. Bọn tội phạm gian ác, liều lĩnh, sẵn sàng đánh trả để thoát thân. Cái chết của bố Hùng là nỗi đau âm ỉ cho những người còn lại. Anh là con của một gia đình nhiều bão tố đổ về. Cha mẹ mất khi anh đang học năm thứ nhất Trung học Cảnh sát, anh bươn trải, cố gắng học hành để trở thành một người có ích....
Sẩy cha còn chú, đằng bố tuyệt nhiên không còn ai có thể dựa dẫm trong những năm tháng khó khăn này; đằng ngoại còn bà và dì nhưng dì đã lấy chồng bên kia sông, cuộc sống trầy trật vô cùng. Nắng mưa trút cực nhọc lên vai người phụ nữ, cuộc sống đặt lên đó những lo toan. Dì còn ba con nhỏ lít nhít, làm sao quan tâm chu đáo đến Kiêu, dù rất thương cháu. Dì thi thoảng sang đò, thăm ngoại, tiện thể dúi vào tay cháu mấy hào lẻ, tuy ít ỏi nhưng lòng dì ấm áp. Các chú ở cơ quan bố thi thoảng về thăm, cho quà, động viên hai mẹ con. Kiêu nhớ nhất là chú Thanh, lần nào về cũng bảo với mẹ Lệ: “Thằng cu có tố chất đấy, tướng nó gan dạ lắm, sau này lớn lên, tôi hướng cho theo chúng tôi”. Mẹ cười: “Xin nhờ cả vào các bác các chú”. Nói câu đó là mẹ Lệ đã quyết tâm cho con theo các chú công an, nối nghiệp chồng. Mỗi khi chú Thanh chuẩn bị ra về, thể nào cũng đội mũ của chú lên đầu Kiêu. Chú bảo kiêu đội vào, oách không khác bố là mấy. Qua chú, cậu nghe được nhiều chuyện về bố mà mẹ không biết hết. Từ niềm vui nỗi buồn, đến những cung đường gian lao trên đường truy bắt tội phạm hay nhiều lần đối đầu với hiểm nguy.
Năm Kiêu học lớp tám thì cuộc sống của hai mẹ con có phần thay đổi. Bố Hùng hy sinh đã lâu mà mẹ còn trẻ quá, đẹp ngời ngời. Kiêu cũng không thể ngờ mẹ còn đẹp như thế, rất nhiều người mê, đôi khi, Kiêu còn có cảm giác mẹ đẹp nhất làng. Ngay cả những cô gái mười tám đôi mươi làng Vân Tỵ này cũng không bằng. Một hôm cậu hỏi:
- Trên đời này có ai xinh bằng mẹ không?
Câu hỏi ấy khiến mẹ cậu cười sặc, mặt tươi rói như bông hoa, dịu dàng mặt trăng toả rạng cuối trời.
- Cu Kiêu nói gì ý nhỉ?
Chị Lệ muốn biết rõ ý định của con, hỏi lại.
- Mẹ xinh quá chứ còn gì, trong làng mình, chắc chẳng ai bằng mẹ.
Mẹ đùa:
- Xinh thì có đẽo ra ăn được đâu.
Cuộc sống những tưởng sẽ trôi đi bình yên, nhưng đã có sự xáo trộn. Sự xáo trộn đầu tiên là tâm trạng Lệ, kể từ khi người đàn ông đó đến. Người đàn ông làng Hạ làm nghề chài lưới bên sông Bút. Ông ta cao lênh khênh, hơn người bình thường một cái đầu. Ông mang một cái tên rất buồn: Nguyễn Văn Sầu, hơn mẹ Lệ mười một tuổi, mất vợ cách đây hai năm. Ông muốn “nối lại sợi dây đàn” với Lệ. Chắc chắn có người mở đường nên ông ta mới tìm đến. Ngay sau hôm ông ta đến tìm Lệ thì trong làng đã có tiếng xì xào: Lệ muốn đi bước nữa với người đàn ông lênh khênh. Xì xào ném người xuống ao. Kiêu không bao giờ nghĩ mẹ sẽ lấy một người đàn ông khác. Cậu không muốn điều đó xảy ra, chỉ mong mẹ ở mãi bên mình, chăm sóc mình.
Chiều đó, xách giỏ cá rô đầy lèn về, cậu vứt phịch ngoài sân, lao vào nhà hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, bọn thằng Nhắt nói mẹ sẽ lấy ông cao kều.
Mẹ lắc đầu:
- Bậy nào, sao nó dám nói nhảm nhí vậy! Con đừng nghe chúng nó nói linh tinh.
- Mẹ đừng bỏ Kiêu nhé, đừng lấy ông cao kều.
- Ừ, mẹ không bỏ Kiêu đâu, đừng nghe người ta nói nhảm.
Kiêu gật đầu, yên tâm vì điều đó. Những ngày sau ngoài việc học, cậu thường đi câu cá đem về mẹ kho, cải thiện bữa ăn. Gió gió mưa mưa nắng nắng, cậu luôn thể hiện mình là đứa sát cá, sát chim và nhanh như sóc trèo cây. Mẹ nói:
- Con đừng trèo cao quá, ngã thì sao. Đừng để mẹ lo lắng thế. Cũng đừng liên tục ra đồng câu, nhiều cá mẹ và bà ngoại ăn không hết.
- Không, Kiêu trèo giỏi không ngã được. Đi câu là ý thích, mẹ và bà không ăn hết thì bán, không bán thì cho. Chỉ cần mẹ vui và không đi lấy người cao kều đó.
Mẹ cậu hứa:
- Ừ, nhất định thế!
Người đàn ông cao kều vẫn đến nhiệt tình, cần mẫn. Ông ta đúng là kẻ lì lợm. Lệ dứt khoát không đồng ý, ông vẫn không ngừng từ bỏ ý định. Điều đó gây ra rắc rối, hiểu lầm cho chị. Kiêu tức như bò đá, ấm ức dâng lên cổ họng. Làng có tiếng xì xào “Con Lệ còn trẻ, đời nào lại lấy một gã già khọm như thế” hay “Nó đợi chờ một người đàn ông giàu có khác”. Còn nhiều lời khó lọt tai khác, Lệ bỏ qua tất cả như giũ bỏ nỗi buồn cố tình chất lên thân phận mình.
Số tiền ít ỏi được trợ cấp sau khi chồng mất chỉ đủ Lệ sửa sang căn nhà dột nát. Người làng Vân Tỵ nghĩ chồng chị làm công an chắc tích luỹ nhiều vàng lắm, chỉ làchưa xây nhà to. Ai hiểu cho hoàn cảnh của chị?
Vừa có ý thoát khỏi sự đeo đẳng của người đàn ông cao kều tên Sầu làng Hạ, vừa muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống, Lệ quyết định lên Điện Biên làm ăn. Ở đó có nhiều người làng Vân Tỵ. Tháng trước về, chị Nguyền bảo công việc nhiều, lúc nào lên cũng được, chỉ thiếu sức.
Chị đi vào một ngày quá ư bình thường, không phải kiêng cữ. Thời tiết chẳng quá nắng. Chị gửi con cho mẹ : “Con muốn có chút vốn liếng đầu tư cho cháu học”. Nói thế rồi đi. Nước mắt chị chảy dài, nước mắt mẹ chị lặn vào trong, ê ẩm nỗi buồn chia ly.
Chị đi rồi không thấy tin tức gì về. Người làng ở Điện Biên nói không thấy chị lên đó. Chị đi đâu, mẹ già và con thơ mong ngóng, lo lắng trong chấp chới sớm chiều?
Có lời đồn chị đi với giai, không về nữa. Nhưng không ai dám khẳng định.