Kiêu đấm đổ máu mồm một thằng dám trêu chọc cậu, nó nói mẹ cậu đi với giai khiến cậu lộn rụôt. “Mẹ mày đi với giai rồi, không về nữa” -Thằng oắt kia dẩu mỏ. Mở mồm ra là thối tha, mở mồm ra là khó chịu. Cái sự khó chịu ấy ban đầu thể hiện ở khuôn mặt, sau dâng lên mắt, lan tỏa và đi đến cánh tay, nắm đấm Kiêu vung ra. Không thể tha thứ cho thằng oắt xúc phạm mẹ. Mẹ Lệ là người mẹ tốt, mãi mãi yêu qúy của Kiêu. Cậu khẳng định điều đó. Tình yêu của mẹ chứng minh mẹ không phải là người vứt bỏ con đẻ để theo người đàn ông khác. Cho nên không ai có thể làm hình ảnh mẹ vấy bẩn, cậu không cho phép.
Hôm đó, cú đấm của Kiêu lướt một vòng trên không trung bằng sự căm phẫn. Nắm đấm được cậu dồn hết sức lực, như một hòn sắt. Thằng oắt kia rụng hai chiếc răng.
Cú đấm đó bắt Kiêu phải trả giá một trận đòn lê lết. Thằng oắt bị đánh tụ tập đám trẻ con chặn cậu trả thù. Chúng vây xung quanh quyết đánh bằng được. Dù biết là khó, nhưng Kiêu dứt khoát tìm cách thoát khỏi hơn chục thằng, cuối cùng cậu bị túm tóc, bị đòn đấm đá túi bụi rơi vào bụng, vào đầu, lưng và tay. May thay, có mấy người đánh dậm nhảy vào can, không thì Kiêu đã bỏ mạng giữa đồng xanh ập oà sương gió.
Trận đòn cho cậu hiểu rằng mình đang bị cô lập trong thế giới này. Trước đây, cậu có thể tự hào nói với chúng bạn về bố. Một chiến sĩ chuyên bắt tội phạm nguy hiểm, bọn chúng há mồm nghe, thán phục. Giờ người chiến sĩ không còn, ngay cả người mẹ đẹp của cậu cũng bị người ta nói xấu. Không ít người trước đây nịnh nọt vì mẹ cậu rất xinh đẹp thì nay làm ngơ trước hoàn cảnh cậu. Đi đâu Kiêu cũng một mình. Treo lơ lửng trong đầu cậu những lời cay nghiệt mà người ta dặn dò con cái họ: “Đừng chơi bời với con cái Lệ nhá, chơi với con nhà ấy là không ngoan. Bố nó ấy, không rõ bị tội phạm ma túy bắn trả hay là bị dịêt”.
Trận đòn nhừ tử, ê ẩm vãi máu khắp người dạy cậu phải mạnh mẽ lên, không thể nhận mãi những lời đe nẹt, nhục mạ, thách thức. “Phải bảo vệ mẹ và bà”, cậu nghĩ, “đứa nào dám xúc phạm mẹ, đứa ấy phải trả giá”, cậu hạ quyết tâm.
Ngôi nhà nghèo nàn nhưng rất đỗi thân thương. Dù chỉ sống bằng rau cháo và sự già nua của bà ngoại thì Kiêu vẫn thực sự yêu bà. Bởi đó là tất cả những gì bà có. Bà dành cho cậu hoàn toàn trái tim mình, khi mẹ cậu đã ở một nơi nào không thể biết nổi. Những năm tháng này, dù vất vả nhưng bà vẫn cố cho cháu học. Bà bảo ít nhất là hết cấp III. Không biết chữ dễ bị người ta bắt nạt. Một bà lão không biết chữ quanh năm chịu khổ chỉ có thể nghĩ được như thế. Cũng như bà đây, người ta có chửi chữ cũng chả biết, bảo gì nghe nấy, có phân biệt được gì ngoài chuyện nói thẳng tuột như ruột ngựa. Biết thế, nhưng Kiêu chẳng thể yên mà theo lời dạy của bà “ngoan, học cho giỏi, bà rất yêu cháu và mong cháu nên người”. Cậu luôn phải đấu tranh với những người xung quanh, với lũ học sinh không tốt luôn muốn xúc phạm cậu, cứa vào trái tim vốn đã có vết thương của cậu những lời nhục mạ đến uất ức. Phải dùng đến những quả đấm và thái độ lì đòn. Thường thì cậu không phải kẻ hiếu chiến, nhưng cậu muốn giữ bầu không khí hòa bình thì những người xung quanh chẳng ai nhiệt tình muốn hưởng.
Cậu rất thích nhắc về bà của mình bằng những lời tốt đẹp, sự thiêng liêng. Bởi quá yêu bà và những điều cậu nói thực sự chưa đáng kể gì với tình cảm mà bà dành cho cậu. Nào là, tay bà vừa thô vừa mát, rất nhẹ nhàng khi vuốt tóc cậu; bà nấu ăn ngon, dù chỉ là củ khoai lang nấu canh lẫn rau muống; bà thuộc nhiều chuyện cổ xưa và trầm ấm kể dưới trăng… Mỗi câu chuyện được tắm tâm hồn bà đều gắn với “bài học thực tiễn” mà bà muốn cậu tiếp thu và ghi nhớ dài lâu. Không còn cha, còn mẹ bên cạnh, ắt hẳn người ta sẽ khinh, cần phải cứng rắn và biết cách sống.
Bạn là một người đầy đủ trong cái bình dị của một làng quê? Có cha mẹ, ông bà, có tình thương và một nền giáo dục tàm tạm? Như thế đã đủ đối với bạn? Chưa chắc. Nhưng một người biết an phận đối với nền tảng gia đình và có chí khí vươn lên thì như thế tạm chấp nhận được. Còn có những người hầu như mất hết, sau vẫn gượng dậy làm người tốt, hùng dũng như thường.
Một đứa trẻ ôm trong mình mối nghi ngờ, buồn bã và sự thất vọng bước đi trong đời, rồi nhận lại sự khinh miệt của chúng bạn đã trở nên lầm lì. Sự xúc phạm nào cũng đáng nguyền rủa, cậu không cho phép bất cứ một kẻ nào nói xấu mẹ, bôi nhọ hình ảnh bố. Trường hợp của Kiêu là như vậy. Cậu sẵn sàng xông vào thằng ranh nào dám mang xấu xa cho mẹ mình, dù là kẻ đó lớn hơn một cái đầu, thua cũng phải đánh. Từ đó những thằng yếu hơn không dám hé răng, thằng khỏe hơn thì nhởn nhơ tạo sự căm phẫn, thằng yếu hơn cũng lên tiếng khi đi cùng thằng khỏe, hoặc kéo bè năm, sáu đồng thanh. Cũng có lần Kiêu mạo hiểm xông vào cả một lũ trẻ mà đấm túi bụi. Cũng có thằng hộc máu mồm. Đôi tay cậu dần trở thành tay sắt, cứng như thân tre. Cậu luôn tập luyện bằng cách đấm vào thân cây chuối trong vườn cho đến nát, rồi đấm cả vào những thân tre đến tóe máu. Căm phẫn đã bắt cậu phải làm vậy, cho cậu sức mạnh để bảo vệ phẩm giá cho mẹ mình, cho mình, rằng mẹ không bao giờ bỏ đi...
Đáng đời nhất là thằng Của, con lão Thủm trưởng thôn, hênh hoang bị Kiêu đấm vêu mồm, ấn đầu vào bãi cứt chó. “Này, cho mày ăn no đi, mất trêu ông. Thằng đểu!”. Kiêu đay nghiến cho nó mệt nhừ. Cậu cũng mệt nhừ sau hồi vần nhau với thằng đểu. Nếu là mấy hôm trước thì cậu chẳng dám “xuất đầu lộ diện đâu”, chúng kéo bè đông lắm. Nhưng thằng này vừa bị lũ trẻ con trong làng tẩy chay nên lủi thủi một mình. Đã vậy còn không biết điều.
Rất nhiều đêm trăng rót mật trước đây, sau khi bố mất, Kiêu cùng bà ngồi nói chuyện vui ngoài sân thì mẹ bỏ ra góc vườn ngồi một mình. Cơn gió nào đẩy mẹ ra đấy, Kiêu không biết, nhưng chắc bà ngoại biết vì bà không nói gì, thi thoảng bà ái ngại nhìn con gái đang thắp lên khuôn mặt một nỗi buồn mà chiều nào làm ngoài đồng cũng chăng mây u ám. Kiêu gọi mẹ vào ngồi cùng. Mẹ bảo nóng quá, ra tìm hơi mát ở lá. Ngày được bốn tuổi, mẹ cũng nói với Kiêu là lá biết hát. Khi đó mẹ còn hay hát, y như cô gái tuổi cập kê yêu đời. Giờ khác quá. Kiêu ngây thơ hỏi: “Lá mà cũng hát được à mẹ?” Mẹ bảo “Ừ, cứ áp tai vào lá, thể nào cũng nghe thấy”. Kiêu làm theo, cho đến khi cậu mỏi nhừ cổ vì cứ phải điều chỉnh tư thế cái đầu cho tai áp vào lá, vẫn chẳng nghe thấy tiếng nào. Cả những lúc chỉ có một mình, cậu ra vườn, làm y như mẹ. Nhưng lá không trả lời cậu, ngay cả khi cậu tức phát điên và hét lên. Lá vẫn câm bặt. Cậu cho là lá không biết hát.
Mẹ cứ khẳng định lá hát được. Lại nói phải là người yêu lá nữa. Điều đó làm Kiêu nghĩ rằng mình chưa thực sự yêu lá. Cậu tự hứa sẽ yêu lá dần dần, để lúc nào đó lá sẽ trả lời. Cậu còn nói: “Mẹ Lệ à, đừng lừa con nhá. Lá có hát con nghe thật không?”. Mẹ cậu ừ, rất ngọt.
Người mẹ phì cười với câu nói của con “sẽ yêu lá hơn”. Lệ thấy con mình ngây thơ quá. Cái điều chị bịa kia, hóa ra lại cho con một bài học, từ bài học này có thể áp dụng được với nhiều bài học khác. Chị sẽ bồi đắp, dạy cho con biết yêu những gì bình dị.
Sau này vì mải đấu tranh với lũ trẻ trong làng để bảo vệ mẹ, Kiêu dường như quên mất trò chơi và lời hứa sẽ yêu lá cây để được nghe nó hát. Khi nhớ ra thì cậu đã mười tuổi, cái tuổi đã chẳng còn thích nổi một chiếc lá cây. Cậu đi vào việc đấm lên những thân chuối. Mẹ cậu vì nỗi đau, cũng quên luôn bài học dạy con và phát triển thêm những bài giảng bổ ích. Thời gian chị dành để kiếm sống và để xoa dịu nỗi đau trong lòng. Lệ đôi khi thấy sự lạ lùng của con là đấm vào những thân chuối, chị hỏi tại sao? Thằng bé hè hè cười như cái máy xay gạo bị tắc.
Những ký ức đó làm sao mà quên được. Với người khác nó có thể nhỏ bé vụn vặt, nhưng với Kiêu, nó lớn lao biết bao nhiêu. Cậu không bao giờ muốn bứt mình ra khỏi ký ức đó. Có ký ức, cậu còn rõ nguồn gốc của mình. Mẹ dù bỏ cậu đi, nhưng cậu sẽ không hận mẹ, không ân hận là con của mẹ. Cậu nghĩ, sẽ sống để đợi mẹ quay về.
Đêm, ngày rồi lại đêm, cậu qua cấp II để đến cấp III, thời gian không làm nguôi nỗi nhớ mẹ mà nó dày thêm theo số lần đổi mùa, nhân lên cùng với sự già nua của bà. Cậu rất tự hào về tài sát cá của mình. Bữa cơm của hai bà cháu lẽ ra chỉ có rau cà tương đậu thì còn có cá kho. Bà thích món này, cho nên Kiêu chẳng ngại vất vả, vác cần đi, câu cá. Cậu thưa:
- Kiêu sẽ làm cho bà sống lâu nhờ ăn cá.
Bà phóm phém cười:
- Thằng quỷ, ăn cá làm sao sống lâu!
Kiêu nhe răng:
- Sống lâu chứ bà, ăn cá ngon hơn không ăn cá.
Kiêu giơ cánh tay chắc nịch ngang khuôn mặt có nước da bánh mật để thể hiện quyết tâm cho lời hứa vừa rồi. Điều đó giống như một lời thề. Tuy vậy, bà không muốn Kiêu bêu nắng. Bêu nắng dễ ốm, bà vẫn muốn cháu an toàn. Cháu khỏe thích hơn ăn cá ngon.
Kiêu khoe với bà mình có cô bạn rất tuyệt. Cậu nói: đó là một đứa con gái mạnh bạo bà ạ. Bà gật đầu: rủ nó đến nhà chơi nhá. Kiêu: vâng.
Quê là cô gái học cùng lớp với Kiêu. Cậu nhận ra chỉ có Quê là lương thiện, là đồng minh của cậu. Cô gái này không đẹp, nhưng cậu thấy cô có “duyên ngầm”. Cái duyên ẩn vào trong không dễ gì nhận ra. Thân nhau vào hôm dạo chơi ở sân đình có một toán thanh niên làng bên chuẩn bị xông vào đánh Kiêu khi cậu phản ứng trước những lời tròng ghẹo của chúng. Cô đứng ra ngăn bọn kia. Cô chẳng biết rằng dù không bênh vực thì Kiêu chẳng hề gợn chút nao núng trước chúng. Một cô gái để lại cho cậu ấn tượng. Ít nhất thì cô cũng có cái gan to.
Lũ thanh niên bảo “không liên quan đến mày, khôn hồn thì biến không phải đầu cũng phải tai”. Quê bảo: “Đánh cậu ấy thì cứ đánh tao trước, mấy người hèn quá, năm mà định xông vào đánh một”. Thằng có nốt ruồi án ngữ ở mép và rất sẵn trứng cá trên mặt nhăn nhó hô chúng tao không đánh con gái, chỉ giải quyết thằng làm chúng tao ngứa mắt. Quê đấu lý: “Chúng mày không trêu người ta trước thì người ta nói gì? Vô lý quá, chính các người mới là những kẻ rất ngứa mắt”. Một thằng gạt cô ra: “Chúng tao không dài dòng với mày, bọn bay đâu, đánh” !
Kiêu giơ chưởng ra, bọn kia vẫn chưa xông vào thì Quê đẩy một thằng loạng choạng. Sức mạnh của cô gái yếu đuối đôi khi xảy đến rất đột ngột mà sau đó bình thường cô không làm được. Hèn quá, chúng mày là lũ hèn. Quê nhắc lại và đứng giang tay che cho Kiêu, lúc đó cậu vẫn chưa cất lời. Thằng nhiều trứng cá trên mặt gật đầu: rất có khí phách, thôi được, chúng ông tha cho mày, lần sau gặp thì tránh xa ra, không chúng ông túm cổ nện cho chết. Chúng quay đi, Kiêu mới lên tiếng: Có giỏi thì cứ xông vào, bố chẳng sợ đâu. Bọn kia định xông vào nhưng thằng mặt trứng cá ngăn lại, nó ném lại một câu: “Câm đi, bố tha xin tí tiết” rồi cúp đuôi hết cả. Không rõ chúng tỏ ra xấu hổ trước một cô gái hay tay chân không muốn động.
Kiêu quay gót, vẫn giữ khuôn mặt có thuốc súng của mình, định không cho bọn kia đi, nhưng bà cậu mới cảnh báo đi chơi xuân đừng đánh nhau. Nhớ lời bà, cậu hãm lại. Cô gái tên Quê cất lời trước.
- Đừng gây sự với chúng, đó là những kẻ hư hỏng, xem ra cậu có vẻ không sợ chúng.
- Tớ chả sợ.
- Cậu trông có vẻ rất khỏe, nhưng dù sao một cũng không chọi được năm.
Kiêu tỏ ra hào hứng với lời nhận xét này:
- Đánh được thì sao nào?
Trước thái độ quyết đoán và một chất giọng tự tin của Kiêu, cô gái phải lái sang chuyện khác. Cô không thích nói đến chuyện đánh nhau, nhất là mùa xuân. Ẩu đả của đám con trai vẫn làm lũ con gái rùng mình, có khi mặt tái không cắt ra giọt máu.
Quê nói mình ở làng bên và không quên tả đôi nét khi Kiêu đến lớp. Không nói chuyện với ai và rất lầm lì. Mọi người được vào lớp 10 học, nên rất sung sướng, đang hào hứng làm quen với trường mới, bạn mới. Họ còn để ý tìm chơi với những người bên ngoài ưa nhìn một chút. Đằng này chỉ thấy Kiêu lủi thủi một mình mà không đi chung với ai. “Nhiều lúc, rất muốn nói chuyện với cậu, nhưng nhìn mặt cậu tớ lại thấy sợ. Cứ như chỉ cần hỏi một câu cậu sẽ cho tớ cái tát ngay tức khắc. Nhưng không sao, mới chỉ có hai tháng đầu năm thôi mà. Từ nay, cậu cứ vui lên, tớ sẽ chơi chung với cậu”. Những lời lẽ đầy khẩu khí và rất đỗi mạnh bạo của một bạn gái làm khuôn mặt Kiêu dãn ra. Chưa bao giờ có ai nói với cậu như thế, cũng chưa bao giờ có cô gái nào dám đứng ra cản năm thằng con trai, Kiêu nghĩ và thấy vui sướng ở lời đề nghị này.
- Là con gái, mà cậu dũng cảm thật, chẳng sợ gì lũ chúng nó cả. Cậu tên Quê đúng không nhỉ?
- Đúng rồi. Quê trả lời và đưa tay lên quệt ngang mặt, nụ cười lấp loá.
Hai người sánh bước bên nhau trong hội vui chơi ở sân đình được tổ chức hàng năm. Chưa phải hội chính của làng, nhưng có rất nhiều sinh hoạt. Người ta trang trí đèn nhấp nháy lên mấy cây đại cổ thụ có thân hình xù xì, những chiếc cờ hồng tung bay phấp phới trong gió, những tiếng trống vang lên đâu đó nghe như đang tập trận. Kiêu hưởng ứng lời đề nghị của cô bạn gái, rằng cậu rất thích tính của cô, mạnh mẽ, dám can thiệp vào chuyện bất bình. Quê chỉ cười, sau cô giải thích rằng cô ghét, thậm chí căm thù kẻ ức hiếp người khác, lũ hách dịch. Cũng không biết đã lấy đâu ra sức mạnh để che chở cho Kiêu lúc đó. Kiêu nói nhỏ vào tai bạn: “Năm thằng đó tớ không sợ, tớ có võ mà”. Quê gật “hèn nào...!”
Kiêu và Quê đã hẹn nhau đi Chùa Hương cách nhà chừng 30 cây số nhưng cả hai đều chưa từng đặt chân đến. Sự háo hức hiện lên hai khuôn mặt khi một người vô tình khơi ra. Kiêu vẫn cho rằng chuyến đi Chùa Hương cực kỳ xa xỉ, bởi chả lẽ lại đi có một mình, còn gì là thú vị nữa.
Thằng con trai lầm lì, luôn sờ tay xuống vết thương, rất khép mình gặp đứa con gái cởi mở, mạnh bạo, bỗng chốc như vườn cây khô gặp mưa, trăm hoa đua nở. Lòng Kiêu phơi phới gió xuân. Trời đầy cúc và đào. Người ta dạo chơi trong mùa xuân có hoa và tình yêu. Còn Kiêu, trong tâm trạng vui mừng được đi chung với một cô gái.
Kiêu quyết tâm khẳng định “chủ quyền” sau chuyến đi này. Cậu thấy ở cô gái có cái gì đó gần gũi lạ thường, chỉ đứng sau bà ngoại lúc này. Cảm giác đó cho cậu yên tâm là sẽ lâu bền chơi thân với cô. Lũ thanh niên vẫn thể hiện chủ quyền của mình trên danh nghĩa với những cô gái họ chọn. Ở trường Tân Lập này, bọn con trai cũng thể hiện chủ quyền của mình trên những đứa con gái bằng cái nắm tay, sự ân cần quan tâm hay kín đáo là những nụ hôn…Nhiều đêm Kiêu mơ thấy một cô gái, không tay chân nằm bên cạnh mình, khuôn mặt xinh xắn, chứa đầy nỗi buồn. Dường như bên cạnh mỗi cái đẹp thường có thêm cái buồn ngự trị. Không rõ giấc mơ đó từ đâu tới và có nghĩa gì. Kiêu mơ hồ cho rằng mình quá căng thẳng trong thời gian vừa qua. Sau này cậu mới biết, dù rất vui, đầu óc chẳng chút căng thẳng nào thì cô gái không tay chân trong mơ vẫn đến. Khuôn mặt cô gần như muốn kêu cứu mà miệng không tài nào thốt lên. Sự yếu ớt và thánh thiện của cô cần Kiêu che chở.
Tạm thời gác lại chuyện giấc mơ, cậu mạnh chân đạp xe, mỗi lúc như thế chiếc xe vụt lên. Đó là chiếc xe mới và rất bon của Quê do bố cô mua cho làm phần thưởng vào cấp III. Kiêu chưa bao giờ được đụng đến chiếc xe đẹp và đắt tiền thế này. Nay không những ngồi lên nó, còn đèo theo một cô gái, có nằm mơ cậu cũng không ngờ.
Ân hụê đó phải kể đến cô bạn gái cùng lớp đã dũng cảm đứng ra bênh vực. Giờ ngồi đằng sau, cô đang say sưa hát, nhẹ thôi nhưng Kiêu nghe rõ. Nó du dương, êm ả, giống như mùa xuân chưa biết muộn phiền, cái nắng xuân cũng ủ màu hoa cúc non, tiếng hát vui vui quện vào. Bức tranh này ai chẳng muốn sở hữu.
Kiêu hơi quay đầu ra sau, nói cậu hát hay lắm, giọng tớ vịt đực, chịu thôi.
Quê ngừng, cười khành khạch. Cái cười tuy không mấy sinh động nhưng rất gần gũi, càng khiến Kiêu cảm thấy đó chẳng những là tiếng cười của một đồng minh, mà còn là người bạn đã biết thông cảm cho nhau. “Cứ tốc độ này chắc đến nhanh thôi”, Kiêu nói. Quê để ý cột cây số chỉ thì còn nửa đường nữa. Tức 15 cây số. Không đến nỗi tồi tệ. Nửa đường vừa rồi chẳng thấm tháp gì, nửa còn lại cũng sẽ vượt băng. Kiêu gần như thốt lên một quyết tâm mới, như sự giao ước với đoạn đường đầu tiên hai người đi với nhau. Đoạn đường xuân.
- Nếu mệt thì để tớ đèo nhá. Quê nói, rất thiện tâm.
- Thôi mà, Kiêu khỏe lắm. Sẽ đưa cậu đi đến nơi về đến chốn một cách ngon lành.
Câu nói đó đủ chia sẻ phần nào mệt nhọc này của Kiêu. Vả lại, nếu là xe đạp của cậu thì chẳng đi nhanh mà nhẹ nhàng thế đâu. Xe của Quê nên thảnh thơi mà đạp.
Hơn nửa tiếng sau họ đến khu danh thắng Chùa Hương. Người đông như nêm. Bối cảnh cho thấy không khí đang náo nhiệt và là những ngày chính hội. Bài thơ thành bài hát của Nguyễn Nhược Pháp cảm hứng từ đây. Kiêu có thể nhẩm lại được chút ít, còn Quê chắc chắn hát được từ đầu đến cuối. Hôm qua em đi Chùa Hương... Sau hồi hộp, rời rã là đến vui mừng. Cuối cũng cũng đến được đất Chùa Hương bằng xe đạp, cảm giác thật tuyệt vời.
Hà hít không khí lễ hội. Những con người với đủ màu sắc áo quần đến và đi. Người xuống thuyền kẻ lên thuyền. Kẻ mời mọc người lắc đầu. Một không khí hoàn toàn mới. Phía kia, một chiếc thuyền chở nam thanh nữ tú dập dềnh trên sóng nước, thỏai mái cười vang.
Kiêu và Quê lẽ ra thuê riêng một chiếc thuyền để ngao du sơn thủy và leo lên núi. Kiêu không có tiền nhưng Quê có. Nhà cô khá giả chứ không đến nỗi kẹt. Mấy khách hành hương rủ lên thuyền đi cùng, mỗi bên chịu một phần cho rẻ. Kiêu cho đó là ý kiến hay. Thế là nhập cuộc.
Đó là một đôi vợ chồng, ba con và một cô cháu gái. Đôi vợ chồng khá vui tính. Cậu con trai có vẻ là cả lại trầm lặng. Kiêu chú ý đến cô thứ hai, cô ta tên Miền, sở dĩ cậu biết được là cô cháu gái kia gọi Cô cháu gái tên Sắc. Miền có nước da trắng và miệng cực xinh. Sắc chỉ bình thường, được cái vóc dáng rất chuẩn, cao ráo và thanh thoát.
Quê rất vui, nói đến nơi sẽ chụp ảnh làm kỷ niệm. Kiêu bảo chưa từng biết đến một tấm ảnh. Cậu nói: “Bà tớ bảo người sống đẹp thì ắt sẽ đẹp thôi. Cái bụng xấu thì ảnh cũng chẳng để làm gì”. Câu nói ấy làm mấy người kia cười ngặt. Bỗng chốc đôi bên trở nên ấm cúng gần gũi. Đôi vợ chồng ngỏ ý tất cả sẽ đi cùng nhau, để lúc về ra thuyền cùng, đỡ phải đợi chờ nhau. Từ sau lúc Kiêu trích dẫn lời dạy của bà ngoại ra, Quê cứ nhìn cậu tủm tỉm cười. Hỏi, cô nói Kiêu ngờ nghệch quá. Kiêu hỏi lại: “Ngờ nghệch á?” “Ừ, nhưng càng đáng yêu. Tớ không nghĩ một người quen đấm đá như cậu lại ngờ nghệch được như vậy” - Quê nói.
Kiêu chắp hai tay vào nhau, ý bảo đừng trêu. Xem ra Quê rất thích làm cho Kiêu cười, cái thứ mà những ngày thường rất hiếm gặp. Ở cô, gây chú ý nhất có lẽ là cái mũi hơi to trên khuôn mặt, nó lại đỏ hồng lên mỗi khi người chủ của nó cười, thậm chí quá cỡ nếu cười sặc sụa. Không sao, càng thính. Kinh nghiệm của bà ngoại nói thế mà, Kiêu rất nhớ. Chân to chạy khỏe, tai to nghe giỏi, mắt to nhìn tinh… Chắc chắn mũi to sẽ ngửi thấy mùi hương từ xa.
Người trẩy hội như nêm, suối Yến sóng sánh, bọt nước ập oà mạn thuyền. Những khuôn mặt như đã lột hết lo âu đến cửa Phật. Kiêu không rõ Phật là gì, chỉ nghĩ hẳn đó là một vị thần rất linh thiêng, là người cai quản thế giới, có quyền thưởng phạt đối với cái thiện, cái ác. Cậu rất thích ngắm những quả núi xa gần, những ruộng lúa ngun ngún trong gió nước. Khuôn mặt của Quê cũng đang dãn ra, say sưa với cảnh sắc mây trời. Tâm trạng Kiêu đặt trong hoàn cảnh này, có thể nói là cực kỳ thỏai mái. Những tưởng cậu mãi chỉ có một mình mỗi khi đi đâu đó. Nào ngờ số phận lại đặt cho cậu một cô gái bên cạnh trong lúc này, khi mới bước vào cấp III. Xin cảm ơn Trời Phật.
Đó là một ngày du xuân vui vẻ và đầy ấn tượng. Ấn tượng với Kiêu không hẳn là cảnh sắc cậu chưa từng gặp, mà còn bởi sự hào phóng của đôi vợ chồng lạ kia mà đến lúc về cậu mới hỏi tên, bởi sự nhiệt tình của Quê, những câu nói rất “thỏai mái” của cô. Và vì cậu được đi chơi với một... cô gái.
Tối mịt hai người mới về đến nhà. Phờ phạc. Kiêu đèo gần về đến nhà thì chân quá mỏi, Quê đạp thay. Cô đưa Kiêu về nhà rồi một mình quay lại. Kiêu tiễn bằng một câu cảm ơn và “Tớ rất vui sướng, Quê ạ”. Quê nhoẻn cười.
Gặp nhau ở buổi học đầu năm. Quê mặc áo màu hồng mua trước Tết. Màu hồng tươi khiến cô như một chùm hoa phượng rực rỡ mơn man bởi nắng vàng. “Cậu đẹp quá!” Kiêu nói. Lời khen khiến Quê hơi ngượng, mũi đỏ nựng, tay xách cặp vung vung.
- Kiêu đỡ mệt chưa? Quê hỏi.
- À, từ hôm đó hả? Tối về mệt, đến hôm sau thì hết. Khoe với bà ngoại, bà vui lắm. Bà bảo chưa bao giờ đến đó. Dù cũng đã từng hát: “Hôm qua em đi chùa Hương…”.
- Chắc bà cậu hát hay lắm.
- Tớ không biết, vì chưa nghe bao giờ.
Sau Tết, không khí vui chơi theo học sinh đến trường, leo lên tầng vào lớp. Những chuyện vui chơi, mua sắm, đi những đâu, ăn gì, gặp ai, tiền lì xì thế nào… được tung ra. Sàn lớp la liệt vỏ kẹo, hạt dưa, hạt táo… những sản phẩm “hậu Tết”.
Kiêu ăn một cái kẹo Quê đưa. Hai người chọn ghế cuối lớp ngồi vì không muốn lên trên, phá vỡ sự sắp xếp đầu năm. Cô gái bị ngồi sai vị trí phụng phịu. Ba cậu con trai không nói gì. Kiêu cũng được cô bạn mừng tuổi, cảm giác thật tuyệt vời. Cậu thốt lên: “Tớ cũng có hân hạnh này cơ à?”. Khi đó, Quê cười rất thỏai mái, nói tất nhiên rồi, bởi vì Kiêu là người bạn thân nhất của tớ trong lúc này. Hôm đó, sau buổi học, Kiêu dẫn bạn về nhà chơi, gặp bà. Giọng của bà trầm ấm làm Quê thấy ấm áp. Cô chưa từng thấy một người bà nào hiền như vậy. Bà của cô cũng hiền. Có lẽ, trên thế gian này tất cả những người bà đều nhân hậu. Một người bà thường gắn với vóc dáng già nua, bàn tay chai sần, đôi mắt chằng chịt vết chân chim và đôi chân không còn linh hoạt nữa. Với cô, cảm nhận về bà của Kiêu lại khác hẳn. Bà vui tính, hoạt bát. Điều đặc biệt nữa là bà rất qúy Quê. Điều này làm cô vui và cảm giác rất dễ gần người già.
Hôm đó hai người rủ nhau ra vườn hái quả. Quê không ngớt khen bà của Kiêu và giới thiệu về bà của mình. Kiêu cũng thể hiện lòng tự hào khi nghĩ về bà, và một phần hồi tưởng lại những gì bà đã làm cho cậu, chăm sóc cậu trong những năm tháng rù rì đã qua.
- Tớ thấy rất tự hào. Dù bà tớ chỉ có rau dưa, thực sự là tớ rất khỏe mạnh. Kiêu nói.
- Đúng, cậu rất khỏe mà. Nhìn là biết. Hóa ra rau dưa chẳng phải là thứ không tốt. Quê đế thêm.
- Bà bảo rau dưa gần gũi với con người. Đặc biệt là với bà. Cứ xem cây nhà lá vườn quanh đây. Mỗi cây đều có một tình yêu.
- Phải rồi. Tớ biết là cậu rất tự hào.
Kiêu chẳng rành rọt lý do làm sao Quê có khả năng đánh thức được niềm vui sống trong cậu. Cậu đã tự thu hẹp thế giới của mình lại, tuyệt nhiên không muốn nói chuyện với ai. Nhưng rồi, gặp Quê, cậu có cảm giác mình rất muốn được tâm sự với cô. Mỗi khi thấy cô cười, cậu cảm giác chân tay mình run rẩy.
Mùa xuân đó, cây hai bên đường đi học rất xanh. Cũng ít bụi hơn vì người ta trải nhựa. Đường nhựa ngoằn nghoèo kéo ra cả những cánh đồng quanh làng. Kiêu lại có thêm cảm giác thích đạp xe chầm chậm trên con đường này. Nhất là khi có Quê, dù đi sớm thì hai người vẫn vào lớp muộn. Kiêu nói với bạn gái rằng: Từ ngày có bạn, tớ thấy mình thích mở miệng hơn.
Đó là những ngày tháng tuyệt vời. Nó cho phép Kiêu những hình dung đầu tiên về một tình yêu non nớt tuổi học trò. Cậu không biết chắc chắn tình yêu phải như thế nào, nhanh hay chậm, to hay nhỏ, tròn hay méo. Cậu thấy nhớ và nỗi nhớ ấy ngày ngày da diết. Hôm nào không gặp nhau thì quả là rất khó ngồi yên một chỗ. Kiêu phải làm cách này cách khác tìm hiểu là Quê ốm hay có việc gì. Nhưng nó cũng phải qua đi thôi. Dù thời gian này, mối quan hệ này, cô gái tuy không mỹ miều nhưng trái tim cậu rung rinh, thì cũng đến lúc cậu phải trải qua điều đó như một tất yếu, dù rằng cậu không muốn nhưng nó vẫn diễn ra. Điều đó chỉ là một nấc thang nhỏ trong vô vàn nấc thang mà cậu phải trèo lên, đến đỉnh cao vút, hoặc có thể còn ngã khuỵu nữa. Nhưng thực sự, cậu rất nhớ Quê. Cô cho cậu ký ức đẹp của những ngày thơ ấu mà nếu không có cô, thì chẳng cách nào cậu có được.
Giữa năm học lớp 11, trời lấy đi chỗ dựa cuối cùng của Kiêu là bà ngoại. Bà mất vì bệnh tuổi già, người già thường khó chịu nổi một cơn co giật của bạo bệnh. Tuổi già vít cong lưng bà, vất vả không cho bà ngẩng đầu lên. Khổ thân bà, cả đời chưa một ngày nhàn hạ. Kiêu từng hứa: “Khi lớn lên, cháu sẽ nuôi bà để bà được sung sướng”. Cậu chưa kịp làm ra tiền, bà chưa được ngửi mùi sung sướng đã vội ra đi.
Người dì khốn khổ bên kia sông muốn đón cháu về ở cùng, mà cuộc sống trầy trật quá, biết làm sao. Mưa cứ giăng tràn trên mái nghèo. Kiêu không thể sang đó làm phiền dì. Dì còn lũ trẻ con, cậu cũng phải học cho hết. Trước khi mất bà dặn: “Cháu phải học để có ông sao trên ve áo như bố”, cậu khắc lời dặn đó trong tim.
- Bà ơi, mẹ ơi, con sẽ không quên đâu, con sẽ quyết tâm theo nghề của bố, sẽ có nhiều ông sao, học võ để bắt tội phạm, trừng trị kẻ gian ác.
Cậu nói với hai người đã chết, quỳ trước mộ chí, cậu nói với chính mình. Không sang với dì, cậu sẽ ở lại ngôi nhà ngày trước cậu được sinh ra và hai mẹ con chờ đợi đợi bố nghỉ phép về. Anh Tôn vừa là hàng xóm, vừa là họ hàng xa tận tình giúp đỡ. Anh còn đề nghị Kiêu sang ở với vợ chồng anh chị và các cháu. Mấy người bà con họ ngoại lo tang lễ cho bà, động viên Kiêu sống tốt. Dì thi thoảng vượt sông sang thăm cháu, nhiều lúc còn rơm rớm nước mắt, dúi vào tay cháu mấy hào lẻ sặc mùi tanh của tôm cá. Chú Thanh ở cơ quan bố thi thoảng có về, động viên, cho quà khích lệ. Những điều đó đủ ấm lòng cậu bé, đủ để cậu có niềm tin.