Chuyện Quê đi với Kiêu bị gia đình cấm. Nếu bố cậu không chết và mẹ không đi thì rất nhiều ông bố, bà mẹ có con gái độ tuổi này muốn được thông gia với gia đình có người làm công an, muốn có Kiêu làm con rể. Bây giờ không phải là trước đây, bây giờ bố Kiêu không còn, mẹ Kiêu bị người ta vu bỏ làng đi theo giai.
Bố mẹ Quê nói: “Tao cấm tiệt nghe chưa, đừng có xán với con nhà ấy. Đến cả bà nó cũng không còn.” Quê cãi: “Bạn ấy là người tốt, sao lại phải cấm?” Bố cô trợn mắt, mồm há chữ O: “À con này, tao muốn điều tốt cho mày, mày dám cãi, tốt à? Bố mẹ nó không phải con nhà tử tế, nên nó cũng chẳng tốt đẹp gì, không nói nhiều. Cấm là cấm!”
Ông bố bụng phệ, tính nóng như thét lửa giao cho thằng con trai tên Rõ chịu trách nhiệm giám sát con gái, chỉ cần bắt gặp đi hoặc có biểu hiện đi với thằng oắt ấy thì lôi về, dám há mồm cãi cho tát đổ máu mồm.
Thằng Rõ vai u thịt bắp mồ hôi dầu, nghe răm rắp lệnh bố, không lưu tâm đến tình cảm, bất biết khúc ruột trên khúc ruột dưới, cứ thấy bóng dáng em gái có ý định đi ra ngoài đường là đe: “Này! đừng đi với thằng đó nhá, tao túm tai đấy”.
Sở dĩ ông bố cấm con gái qua lại, đi học với Kiêu là vì có lời xì xào, đại loại như gia đình ông bà là gia đình có máu mặt ở vùng này, có con gái rượu lại để đi nhông nhông với thằng con mà dân làng đang nhìn nhận bằng con mắt hằn học. Ông vốn nổi tiếng gia trưởng, tự kiêu, muốn dập tắt ngay tâm nguyện của con gái.
Chuyện còn đến tai các thầy cô giáo trong trường, họ đều biết bố của Quê. Vài ba thầy cô được ông bán rẻ gạch về kiến thiết nhà cửa, công trình phụ. Đích thân ông đến gặp thầy cô chủ nhiệm Quê và Kiêu, ông bảo tách hai đứa ra không để chúng ngồi gần nhau. Ông tự lấy chuyện gia đình Kiêu làm quà, thêm chút mắm muối cho thêm thú vị, lại nói nhỏ vào tai thầy: “Để ý giúp em con nhóc không để chúng chơi với nhau, người ta đồn dát tai”. Thầy chủ nhiệm gật đầu.
Kiêu rất bất bình về điều này. Tuy nhiên, cậu chẳng thể cưỡng lại được thầy cô và các bạn lúc nào cũng nhìn cậu bằng ánh mắt khác thường. Giờ những con mắt ấy ngày càng hằn học hơn. Kiêu mong sao những năm học này kết thúc để mau chóng thoát nơi chật hẹp tăm tối này. Người thấu hiểu cậu là anh Tôn, dì Màng bên kia sông. Thêm một người nữa là chú Thanh. Nhưng thi thoảng chú Thanh mới về làm sao giúp được. Cậu nói với cái cây sau nhà như những ngày bé mẹ dạy cậu thầm thì: “Cây ơi tao muốn học xong, đi thi và trở thành người như chú Thanh, như bố tao ngày xưa”.
Cây không biết nói, không biết cảm thông an ủi. Nhưng cây biết gió và rụng lá. Thì cây rụng lá, lá rụng làm Kiêu thấy có bạn. Hai tay cậu nắm chặt, các ngón tay xiết vào như chuẩn bị đánh nhau.
Cậu vẫn không ngừng đấm vào bao cát, ban đầu lấy giẻ bọc tay, sau đấm tay không. Ngày trước về thăm, chú Thanh thấy bao cát treo lủng lẳng trên cành nhãn ngang bụng người, chú hỏi Kiêu. Kiêu nói cháu đang tập đấm bao cát. Chú bảo thế thì tốt quá, tập đấm bao cát luyện sức khỏe, luyện lòng dũng cảm. Người chiến sỹ không thể thiếu dũng cảm. Kiêu tập ngày một hăng hái.
Việc luyện đấm bao cát dòng dã nhiều ngày của Kiêu đã có kết quả. Đó là chỉ cần hai ba cú đấm, cậu đã làm nát nhừ một thân chuối. Ngày đó, dù không ai dạy phải đấm vào bao cát, cậu đã tìm cách và thấy bao cát thích hợp hơn, chỉ cần ít cát cho vào bao tải, buộc túm lại bằng dây thừng chắc chắn, treo lên là dùng được. Đấm chuối vừa khó lại chẳng đủ mà tập, rất tốn, mấy ngày là hết vườn. Bắp tay Kiêu nổi cuồn cuộn, cứng như thép. Quê thấy Kiêu ngày càng giống vận động viên tập thể hình mà cô thấy trên ti vi, khỏe và chắc. Dù cấm đoán, có người dõi theo mọi lúc mọi nơi nhưng Quê và Kiêu vẫn bí mật gặp nhau. Kiêu ra hiệu, dẫn Quê đến một con ngõ ở dọc đường đi, sau đó tiến thêm vào làng đó trò chuyện.
Đến lần thứ ba thì bị Rõ phát hiện, khi cô cậu dựng xe đạp ngồi nói chuyện dưới gốc đa cạnh sân đình của một ngôi làng. Khuôn mặt Quê tái dại, miệng ấp úng.
- Con ranh, về nhà ngay. Tao biết ngay mà, lũ chúng nó nói không sai!
Cái nhìn của Rõ bắn sang phía Kiêu, vừa khinh miệt, vừa coi thường kèm theo cái nhếch mép.
Quê bị Rõ lôi xệch dúi vào chiếc xe đạp, cả hai chiếc đổ kềnh, xe Quê chồng lên xe Kiêu, mặc cho Kiêu van xin, Rõ chẳng để ý.
Kiêu đứng bất động, tay chân rất ngứa ngáy, định xông đến dành lấy Quê, hoặc đánh nhau với thằng anh to con lớn tuổi của Quê. Cậu nghĩ lại, cậu chưa là gì của Quê cả, cậu không có quyền. Với người Vân Tỵ và cả người làng của Quê, Kiêu chỉ là con của một thằng chết đường chết chợ và một con đàn bà theo giai. Kiêu chỉ là thằng oắt mồ côi giờ không nơi lương tựa, sống nhờ chút ít đất do mẹ và bà để lại. Kiêu đứng mãi như thế. Thằng Rõ nhổ bãi nước bọt thách thức, khinh bỉ. Nó nói sẽ đánh Kiêu nhừ xương nếu còn gặp em gái nó.
Quê chỉ còn nhờ được vào một cô bạn gái đáng tin cậy, có thể chuyển thư cô viết tới tay Kiêu. Gần như mọi con đường để hai người gặp nhau đã bị chặn. Bố Quê xin với thầy hiệu trưởng cho cô chuyển lớp. Thầy giải thích là năm cuối cấp đang chuẩn bị kết thúc năm học. Quê mới không bị chuyển sang lớp khác. Cô lo Kiêu sẽ bị đánh nếu còn gặp cô.
Thư gửi qua người bạn, cô viết: “Tớ biết đã liên luỵ đến Kiêu nhiều quá, những phiền toái gây ra cho Kiêu không biết kể bao nhiêu cho vừa. Thế này nhé, Kiêu đừng gặp Quê nữa, hãy để chuyện này qua đi, nếu sau này, mình còn có thể gặp nhau thì sẽ nói chuyện tiếp. Còn giờ đây tớ rất không muốn thêm một thiệt thòi nào xảy đến với Kiêu nữa. Cậu đã chịu quá nhiều rồi. Hãy xa tớ ra không thì ông anh cục mịch của tớ sẽ đánh cậu đấy. Kiêu phải thực hiện ước mơ của mình là trở thành một chiến sỹ công an và đi tìm mẹ về. Tớ cũng tin với cậu là mẹ cậu không phải là con người như người ta đã vu khống. Mẹ cậu là người tốt, chỉ do chuyện gì đó trắc trở thôi. Kỳ thực tớ cũng xấu hổ vô cùng khi là một đứa con gái, sinh ra không có quyền gì cả, chịu sự áp đặt của bố mẹ và anh trai. Ai bảo tớ lại sinh ra trong thời gian này cơ chứ. Bố tớ bảo làm vậy là vì tớ, nhưng vì sợ tiếng xấu thì đúng hơn, còn tớ thì không, chơi với Kiêu tớ nhận ra ở cậu nghị lực, mất mát và đau đớn liên tiếp dội về như gió bão mà vẫn học giỏi, nung nấu được ước mơ. Tớ phải học cậu nhiều.
Kiêu ơi! dù năm tháng đổi thay, thì Quê cũng không thể nào quên những tình cảm mà cậu dành cho. Để viết ra chắc phải cả cuốn nhật ký. Nhưng tớ sẽ mãi nhớ Kiêu với màu hoa gạo đỏ bập bùng thương nhớ, loài hoa dịu dàng hiền lành.
Ngoài kia, hoa gạo rơi đỏ gốc. Tớ biết là Kiêu cũng đang trong tâm trạng của những người sắp xa trường. Ngoài ra, tớ cũng biết cậu mong tốt nghiệp càng nhanh càng tốt để thoát khỏi nơi này. Cậu sẽ bay cao, bay xa phải không nào? Tớ cũng vậy, ước mơ làm cô giáo mà không biết có thành hiện thực.
Rồi mai kia, dù hoa gạo không còn đỏ nữa, thì Quê vẫn tin rằng ở một góc trái tim Kiêu còn có hình bóng tớ.
Hãy vượt qua tất cả mọi trở ngại. Quê tin tưởng ở Cậu”.
Bức thư làm Kiêu cảm động, tay cậu chắc nịch, áp chặc nó vào ngực. Cái tình yêu tuổi học trò tinh khôi tuyệt vời. Dù cả hai chưa từng thổ lộ, nhưng đã công nhận rằng: Rất yêu người kia. Kiêu viết lại một bức thư ngắn, gửi cô bạn kia chuyển lại.
“Cảm ơn tình yêu, Kiêu sẽ sống và thực hiện ước mơ, thi vào Đại học cảnh sát để làm việc mà bố tớ đã làm. Quê cũng cỗ gắng nhé. Cảm ơn Quê, cảm ơn màu hoa gạo của chúng mình. Tớ đã tưởng mình không thể yêu nổi một loài hoa, cho tới khi gặp Quê.
Mãi mãi là người yêu dấu!”
Một ngày trong những ngày chờ đợi giấy báo dự thi đại học thì “Cú đấm thép” của Kiêu đã có chỗ dùng.
Hôm đó trời xâm xấp nắng sau cả tuần mưa dầm trong tiết xuân, Kiêu đi chăn giúp cho anh Tôn hai con bò, gặp Rõ anh trai Quê đi từ lò gạch về. Hai con bò ngang nhiên đi qua đường mà không biết có người đang đi tới, bụng nó quệt làm Rõ và chiếc xe ngã bổ chửng. Rõ bỏ xe đấy đứng lên quát:
- Thằng chó, để bò của mày hại ông thế à? Vẹo xe ông rồi.
Tức tối sẵn, Kiêu cười khẩy, bất cần:
- Là anh đâm vào con bò của tôi, vẹo xe hay vẹo người thì mặc anh chứ.
Rõ di chuyển thân hình to lớn của mình lên mấy bước:
- Muốn ăn đòn hả? Khôn hồn thì dựng xe lên trả ông, không ông bẻ răng. Hỡi thằng oắt có con mẹ đi đánh đĩ kia!
“Đi đánh đĩ?”. Thằng Rõ dám xúc phạm đến mẹ, đáng ăn đòn rồi. Máu trong người cậu sôi lên, muốn túm tóc thằng Rõ ấn đầu nó xuống nước cho chết ngạt. Cậu nhẫn nhịn thêm chút nữa, dù sao nó cũng là anh trai của Quê, cô gái cậu yêu mến. Cái thằng gà tồ vai u thịt bắp này vẫn luôn bị gọi là không thể yêu được cô nào, đơn giản chỉ vì không cô gái nào có thể chịu đựng được nó nói trong nửa buổi tối, lần nào cũng ngờ nghệch và thô hết cỡ.
- Mẹ tôi không xấu như các người nghĩ, đừng có xúc phạm.
Thằng Rõ cười hihi, haha, bảo còn qúy báu lắm đấy, đã thối lại còn ngăn nó bốc mùi. Nó di chuyển tấm thân như hộ pháp của mình tiến lại gần Kiêu, đưa tay gấu to bè đẩy Kiêu chúi ra thách thức.
- Cứ xúc phạm đấy, thằng oắt làm được gì? Đòi mơ màng em gái tao hả? Nó bị xích ở nhà rồi chẳng thi thố gì hết. Đừng mông muội nữa hãy làm đĩ như mẹ mày đi.
Không thể chịu đựng nổi, Kiêu vung tay ra sau, nắm đấm lượn một nửa vòng rồi rơi vào mắt trái thằng Rõ đánh “bét”. Sau tiếng “bét” ghê rợn, thằng Rõ ngã ra, giẫy đành đạch, kêu ầm ĩ. Kiêu sợ quá, ù chạy, bán sống bán chết. Kiêu vụt qua cánh đồng, hướng tới bờ sông bên kia, phía sau chỉ nghe tiếng thằng Rõ hét “vỡ mặt rồi” kèm tiếng kêu như lợn bị cắt tiết. Chân cậu phầm phập bao nhiêu ô ruộng xanh mơn mởn. Hai con bò cũng bị bỏ lại phía sau. Kiêu cứ hướng bờ sông mà chạy. Cậu chắc rằng mình đã đấm nổ mắt trái thằng Rõ. Thoát thân lúc này là hơn hết, nỗi sợ bắt cậu phải bỏ đôi bò ở đó, đôi bò là tài sản lớn nhất của vợ chồng anh Tôn.
Sông cạn nước, Kiêu băng qua những bãi ngô tra trên nền đất cát vừa lớn bằng ngang tay, cậu lội qua sông, lao vút sang bờ bên kia không ngoái lại. Gan dạ cậu có nhưng vẫn tồn tại nỗi nhút nhát của một cậu bé. Cậu chưa trải đời. Đấm vào bao cát và cây chuối thì biết. Mắt có chắc bằng cây chuối không? Thân chuối còn nát huống hồ mắt người. Thằng Rõ đã kêu gào đến thế cơ mà, ắt hẳn mắt nó đã nổ tung.
Qua sông một đoạn, cảm thấy tạm an toàn, Kiêu đứng đỡ ngực và thở. Mặt ngoái lại phía sau, chân đá vào những cây ngô nhỏ và tâm trạng cực kỳ bồn chồn lo lắng.
- Mình sẽ không về được nữa rồi. Nhà nó sẽ bắt mình, khóet cả hai mắt chứ không phải một, biết làm gì bây giờ? Không về đó được nữa.
Vừa nói vừa thở. Kiêu cũng lo lắng về hai con bò của anh Tôn, chúng sẽ không thể tự về được, chúng không phải là con chó, chó thông minh hơn bò. Chó tự tìm được đường về.
Giờ không thể tự mình quay trở lại đó dắt bò về. Thằng Rõ chắc đang được đưa về nhà và mang đến bệnh viện. Người nhà nó sẽ lùng săn cậu để trả thù. Hai con bò hay là hai con mắt? Kiêu không muốn đánh đổi. Cho đến lúc này, tim cậu vẫn không ngừng loạn xạ. Biết chắc không có ai đuổi theo, Kiêu ngồi bệt xuống nền bãi cát, cho phép mình nghỉ ngơi một phút.
Mặt trời đi ngủ, bóng tối trở về. Kiêu lững thững đi vào làng, ngơ ngác súyt va phải xe đạp của người đi đường. Ra khỏi ngôi làng đó, cậu thấy một ngôi miếu, trong đó thắp một bóng điện nhỏ. Cậu bước vào, không có ai. Cậu quyết định dừng chân ở đó.
Đêm miên man dài và lạnh, cậu không thể ngừng nghĩ ngợi. Tại sao người ta cứ phải thêu dệt những chuyện của mẹ lên, vu cho mẹ tiếng xấu, rồi bao nhiêu ghen ghét khinh bỉ trút cả lên đầu cậu. Bố, mẹ, bà và cả cậu nữa đâu có làm gì chướng tai gai mắt, gây nên thù hằn. Tại sao mọi người làm vậy? Không làm gì thì chẳng chịu được sao? Thế giới con người vẫn phức tạp như vậy ư?
Sớm sau, Kiêu quyết định vượt sông về làng dò xét tình hình hai con bò có thể về với anh Tôn hay không? Tuy nhiên, cậu rất sợ người nhà thằng Rõ bắt gặp hay người làng nhìn thấy đi báo, cậu sẽ bị vây và tóm gọn. Không thể đường đường chính chính trở về, phải ẩn nấp thận trọng để tránh nguy hiểm.
Cậu nghĩ ra cách là phải tìm cho được một cái nón đội lên đầu, người ta có gặp cũng khó nhận ra. Muốn lúc này thì chỉ có nước đi ăn trộm. Mà ăn trộm ở đâu, có phải ai cũng bỏ quên mũ nón ở ngoài. Kiêu nghĩ: thì có thể lấy bất cứ thứ gì có thể khiến người khác khó nhận ra. Trong lúc bí bách đó, cậu nhìn thấy một cái nón mê rách người ta vứt ở góc ao. Cậu nhặt lấy vẩy vội nước và đội lên đầu.
Kiêu núp trong lùm cây nhìn thấy bác Mến đi cắt cỏ. Bác Mến hiền lành, chưa bao giờ nói xấu ai. Kiêu không cho là bác ghét cậu, nên mạnh dạn đến hỏi bác về tình hình. Bác nói:
- Nhà thằng kia sục sạo tìm mày. Nó mà bắt được thì mày bị khóet mắt là cái chắc, con nhà nó nổ mắt rồi. Hai con bò nhà thằng Tôn không hiểu đi đâu mất, hay có người dắt đi, cả hai vợ chồng nó đang đạp xe đi tìm.
Tin tức của bác Mến làm Kiêu nổi gai ốc, lạnh trườn sống lưng, chui vào tim. Cậu chào bác rồi lẩn vội vào lùm cây. Không thể về được, cậu nghĩ, còn mặt mùi nào về gặp anh chị ấy, chỉ mong anh chị ấy tìm cho được hai con bò. “Em xin lỗi, nhưng em không thể về được nữa, bắt được em người ta sẽ chặt đầu, em phải đi thôi. Xin lỗi Quê, tớ đã làm hỏng mắt anh trai bạn rồi”.
Kiêu nhắm mắt tưởng tượng ra thảm cảnh của mình sắp tới. Không nơi nương tựa. Đói và khát. Ước mơ của bố mẹ, bà và của chính cậu sẽ tan đi như cơn gió. Từ khi sinh ra mẹ đã cho cậu biết thế nào là tình yêu, dạy cho biết qúy trọng bầu trời, thì giờ cậu phải làm quen với đói khát, xa nhà, nạp vào người thêm rất nhiều mùi vị cuộc đời. Con đường đến đại học đã đóng sầm lại rồi, còn ước mơ? Ngay cả tính mạng lúc này cũng giữ được, dù có giữ được mạng sống cũng khó sống với hai bàn tay trắng. Chắc chẳng thể hòng có lúc người ta nguôi giận mà tha cho. Cậu nhắc đi nhắc lại ý nghĩ đó trong đầu, người ta sẽ chờ đợi cậu trở về để nộp hai con mắt. Về mà mất hai mắt, ai dám. Thôi, phải ly rời quê hương.
Kiêu vượt sông, băng qua bờ bên kia, cậu bưng mặt. Lúc này cậu cảm thấy cực kỳ tủi thân, bỏng họng gọi mẹ, gọi bố, tha thiết trong nỗi tột cùng bất hạnh.
Kiêu không có gì đút vào bụng bốn ngày cho đến khi lả đi. Ngay cả rắm cũng không có để xả. Nước thì có cậu vục tay xuống chỗ trong nhất của một cái ao nhỏ đưa lên miệng húp sùm sụp, nước ao chảy vào trong, chảy vào bụng làm cậu vơi khát, nhưng không thể làm vơi đói. Một người đàn ông thấy cậu ngã gục bên nề đường, đã chạy đến bế vào bóng mát, nghĩ do cậu cảm. Ông ta gọi thêm hai người một nam một nữ nữa. Họ đưa Kiêu vào một ngôi nhà gần đó. Cậu được quạt mát, chưa kịp động chạm gì đã tỉnh, chỉ nói một câu: “Cháu đói quá”.
Người ta cho cậu ăn, mau chóng hồi sức lực, họ xúm vào hỏi han, cậu trả lời gấp gấp, chưa thực sự no, cậu vẫn nói “cháu no rồi” khi người đàn bà hỏi. Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến Kiêu trả lời không kịp, cậu liến thoắng đến nỗi phun cả nước bọt ra ngoài.
- Cháu ở đâu? Con cái nhà ai?
Đến câu này thì Kiêu chững lại, chưa biết trả lời thế nào. Nói thật ư, có an toàn không? hay là nói dối. Cuối cùng, Kiêu quyết định nói dối, cậu nói mình ở một nơi rất xa bố mẹ đã chết hết cả rồi, đi lang thang vì đói quá mà ngất.
Những ân nhân muốn rõ quê hương bản quán của Kiêu để có thể họ sẽ tạo điều kiện đưa về nhưng Kiêu nói dối, không muốn về thì không ai có thể đưa cậu về. Cậu vòng vo, nói là muốn đi tìm một bà họ ở trên Hà Nội. Họ hỏi bà ở phố nào? Cậu lắc đầu “Thế thì làm sao tìm được” - Người đàn ông bế cậu vào bóng mát thở dài. Chiều mát Kiêu nói dứt khoát phải đi tìm bà. Những ân nhân không muốn nói gì thêm. Họ nghĩ công việc của họ đến đó là kết thúc, người ta chỉ tốt đến thế là cùng, với lại thằng nhỏ họ cứu được cũng đã lớn rồi. Con cả người đầu tiên thấy cậu ngã năm nay cũng thi vào đại học.
Kiêu tiếp tục đi trong sự vô vọng của trái tim non nớt, chân bước theo quán tính và đầu óc không mục đích. Đôi chân sẽ dẫn cậu đi đường nào, đường lớn hay đường hẹp, cậu không biết, lúc này tâm trạng cậu đầy lo lắng, mâu thuẫn và một chút quyết tâm là… phải đi.
Tám ngày được hai cái bánh mỳ thiu vào bụng Kiêu đã lên phố, ngơ ngác như hạt bụi quá bé nhỏ bị gió nhấc lên không trung lơ lửng, chẳng thể rơi xuống đất. Đến ngày thứ chín, cậu ngồi thất thần ở góc phố, ông đi qua, bà đi lại, gió bụi quất liên hồi. Tiếng xe pháo kêu đinh tai, ở đó biết bao khuôn mặt, bao nhiêu số phận có số phận nào giống một thằng nhóc không có quê hương, trong người không có bất cứ giấy tờ tùy thân. Trong hàng triệu con người đó, ai có số phận giống như Kiêu, hoặc chỉ tương tự như vậy. Kiêu thấy nỗi chán nản đang bủa vây toàn thân, những khớp xương rệu rã, có một người đá đít đuổi cậu vì ngồi quá lâu. Kiêu nhấc bộ xương của mình đến một vị trí khác, gã lại đuổi nhất định không cho cậu ngồi đó. Kiêu nhấc mình thất thểu bước. Cậu dừng lại ở một đoạn đường có đám sinh viên đang túm tụm nói cười, bánh kẹo hoa quả bầy la liệt ra nền cỏ xanh, hình như đang tổ chức sinh nhật.
Kiêu nép vào một gốc cây quan sát, khung cảnh có vẻ rất sinh động, lô nhô gần hai chục cái đầu con trai nhưng chỉ có duy nhất một cô gái, không biết ai là chủ nhân buổi sinh nhật. Ánh đèn cao áp ý nhị hắt xuống lượng ánh sáng vừa đủ, vàng và rất trong trẻo. Bên cạnh cô gái còn có một bó hoa to, giấy gói phản quang óng ánh. Xe máy dựng lổn nhổn phía bên kia đường, tuyệt nhiên không một chiếc xe đạp. Kiêu đoán chúng đều là con nhà giàu, bởi chỗ xe dựng đó đều rất đẹp mà quê cậu chưa ai có, đắt tiền phải biết. Duy nhất có một chiếc xe đỏ ngoài cùng là có vẻ rẻ tiền, đó là chiếc có mác Wave Alpha.
Đói khát xui cậu nghĩ lung tung. Những ý nghĩ nhảy múa trong đầu cái nhanh cái chậm. Cậu chưa từng ăn cắp. Lúc này một người như cậu không thể làm gì khác để có miếng ăn ngoài ăn cắp. Mục tiêu mà cậu muốn hướng tới lúc này là no bụng, nên đồng hành với nó là việc ăn cắp xe máy. Đầu cậu lại phân tích xem lợi hại của cái việc ăn cắp xe máy. Đám kia đang bả lả nói cười, tán ngẫu, chắc chẳng để ý. “Cứ lấy chiếc xe đỏ rồi tính”. Bụng bảo dạ vậy và cậu rời gốc cây để tiến sang bên kia đường. Trước đó cậu chưa từng đặt ra giả thiết nếu xe bị khóa rồi thì phải làm sao. Chắc chắn bó tay vì cậu chưa có chút kinh nghiệm vào về chuyện phá khóa. May thay khi lần vào chỗ khuất của chiếc xe to, cậu phát hiện chìa khóa vẫn cắm ở ổ. Cậu mừng qúynh, tim đập rợn. Cậu nghĩ mình cứ lẳng lặng dắt xe đi, như một người đi đường bị hỏng xe, bọn chúng mải vui, sẽ chẳng biết. Ý nghĩ này được lướt qua một lần nữa trong đầu khiến Kiêu vừa mừng vừa hồi hộp. Tim thình thịch đập.
Hạ quyết tâm, Kiêu đứng lên dong chiếc xe Wave, nhưng ác thay nó không nhúc nhích. Cậu vặn khóa thấy vấn đề không phải ở chiếc khóa. Hai bánh cũng không khóa, cậu nhìn vào hai bánh, cũng không có chiếc khóa dây nào. Vì chưa bao giờ dùng xe nên cậu rất lúng túng. Càng lúng túng, cậu càng sợ, tim đập càng mạnh.
Kiêu đưa chân giậm càng, giậm trước giậm sau, chiếc xe vẫn khựng lại, cậu không thể dắt chiếc xe. Tức thì có tiếng hò từ đám sinh nhật “trộm xe, trộm xe”. Kiêu chỉ kịp ngẩng cổ lên thì đám thanh niên đã ập tới, cậu buông tay chạy. Bọn chúng vây và chỉ trong nháy mắt, cậu bị tóm. Chúng ra sức nện hừ hự vào người cậu không thương tiếc, không cần biết kẻ đó là ai cho tới khi cậu ngã khuỵu, bất tỉnh. Thì Kiêu ơi, thân thể trơ xương mệt mỏi ấy hứng đòn, cứ rung lên, như người ta đá vào mớ giẻ rách. Cậu chìm vào bóng đêm miên man.