Tomé Pires, nhà dược học và ngoại giao Bồ Đào Nha, sinh sống ở Malacca [Malaysia] từ năm 1512 đến năm 1515, là người đầu tiên cung cấp cho người phương Tây những thông tin về sự tồn tại những kim loại quý hiếm ở Việt Nam: theo ông, vương quốc Đại Việt sở hữu “nhiều nhất là vàng và bạc, nhiều hơn cả xứ Champa […], tiền mà dân cư ở đây sử dụng mua thực phẩm là đồng tiền của Trung Hoa, mua hàng hóa thì bằng vàng hay bạc27”; nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha nói thêm rằng vàng của xứ Cochinchine “là vàng loại tốt để đúc các cruzados, chất lượng đến 9 mates [?] rưỡi hay hơn thế28”. Theo một bản ghi chép của các thành viên Công ty Đông Ấn Hà Lan vào đầu thế kỷ XVII.
27 Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campa du XVIe au XVIIe siècle, Paris EFEO, 1972, p. 41, 44-45.
28 Nguồn như trên, t. 240; DG: “cruzado” là tên của nhiều loại tiền của Bồ Đào Nha lưu hành từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX.
“Sản vật của xứ An Nam chủ yếu là vàng, sắt và lụa dạng nguyên liệu thô. Vàng có nhiều dạng, chất lượng cao nhất, 23-24 carats, năm đó [1633] giá bán đến 12 lượng bạc, thông thường chỉ khoảng 10 lượng bạc. Giá không bao giờ rớt xuống dưới ngưỡng này vì lẽ vàng không buôn được dễ dàng cho người Nhật hay người Bồ Đào Nha thì cũng luôn bán được cho người Hoa đến từ tỉnh Phúc Kiến29. Xung đột giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong không cản trở việc buôn bán giao thương giữa hai xứ này. Nếu Công ty Đông Ấn đồng ý để thời gian rộng rãi 50 – 60 ngày cho thương lái An Nam thì họ có thể thu mua lượng vàng rất lớn. Tiếng đồn có nhu cầu mua vàng rất lớn từ người nước ngoài có thể lan đến tận những vùng sâu vùng xa, và rồi cư dân cách xa vùng duyên hải sẽ mang đến cảng biển lượng vàng dồi dào như mong muốn.30”
29 Các thương lái Trung Hoa đến từ tỉnh Phúc Kiến vốn đã có những đầu mối giao thương quan trọng với đảo Đài Loan và Philippines.
30 W. J. M. Buch, La Compagnie des Indes néerlandaises et de l’Indochine (1), BEFEO, 1936, p. 129-130.
Nhiều nhà du hành phương Tây khác lại củng cố thêm hình ảnh một nước Việt Nam sản xuất vàng và cả bạc: họ kể ra các vùng như Bố Chính (bắc tỉnh Quảng Bình), Thừa Thiên (Huế), Quảng Ngãi và Phú Yên.
Nhà truyền giáo Pháp Vachet, có thời gian lưu lại ở Đàng Trong của các Chúa Nguyễn, vào khoảng năm 1700, kể lại rằng “ở xứ An Nam thấy rất nhiều vàng cám […] vàng ở những suối thác chảy xiết từ núi cao. Tôi đã chứng kiến những cục vàng rất tinh, to như hạt dẻ loại lớn […]. Người nước ngoài đến buôn bán ở xứ An Nam mua mang đi rất nhiều”. Ferreira, người Bồ Đào Nha có chuyến thăm xứ này cùng thời gian đó, nói là ở đây vàng rất dồi dào, có thể tìm thấy một phần dọc ven theo các con sông, một phần trong các hẻm núi […]. Có những ngôi làng chuyên khai thác vàng: mỗi làng có nghĩa vụ hàng năm nộp lại cho vua một lượng nhất định và có quyền giữ phần dôi ra còn lại31”. Vào năm 1778, tu viện trưởng Richard công bố lời chứng của một nhà truyền giáo đã lưu trú ở Việt Nam, khẳng định người dân xứ này sử dụng kim loại quý như một loại tiền để trao đổi buôn bán: “vàng và bạc, người An Nam khai thác từ các hầm mỏ bản địa hay từ giao thương với nước ngoài, được nấu chảy thành nén nhỏ hay thanh 10 onces [10 lạng sic] tương đương 12 [onces] của chúng ta [người Âu]. Loại vàng ở đây [tuổi hay] chất lượng cao, và bạc cũng vậy, ít nhất là tương đương với vàng thường giao dịch ở các thị trường32”. Từ đó có sự xác tín cho rằng Việt Nam, và nhất là khu vực phía nam, có thể là “miền đất hứa đãi ra vàng bạc” của châu Á…
31 Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Vietnam, sách như trên, t. 241.
32 Richard, Histoire naturelle, civile et politique du Tonquin, Paris, 1778, được dẫn bởi: Albert Schroeder, Annam, études numimastiques, Paris, Imprimerie nationale, 1905, p. 326.
Cũng theo chiều hướng này, các nguồn tư liệu Việt Nam cũng gợi ra một hiện tượng tương tự một “cuộc đua đào đãi vàng” ở Đàng Trong, giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII. Những mỏ vàng dồi dào nhất nằm ở Quảng Nam, đặc biệt là vùng Duy Xuyên, gần sông Thu Bồn, nhưng cũng có thể kể đến những xã như Phú Vinh hay Phú Au (sic) thuộc thủ phủ Thuận Hóa, hay như là các bãi cát có chứa vàng của sông Nha Trang ở Khánh Hòa. Thời đó đã có vô số phu đãi vàng hay thợ mỏ đến những vùng này: khai thác theo lối cá thể, nhưng người ta được biết có những thành phần quý tộc khai thác một cách có hệ thống, có quy củ. Đặc biệt có thể kể ra trường hợp quan Phụ chánh Trương Phúc Loan [? - 1776] đầy quyền uy và rất gian tham, đã nắm thực quyền ở Đàng Trong, dưới thời vị Chúa trẻ tuổi Định Vương (1765-1777): quan Phụ chánh họ Trương đã cho khai thác để trục lợi cá nhân một hầm mỏ ở Duy Xuyên với khoảng một trăm thợ mỏ, cho sản lượng khoảng 1000 hốt33 vàng mịn mỗi năm, tương đương gần 400 kilô34.
33 DG: Khoảng 0,04mg, xem thêm Hệ đo lường cổ của Việt Nam ở Wikipedia.
34 Nguyen Thanh Nha, Tableau économique du Vietnam aux XVIIe et XVIIIe siècles, Paris 1970, p. 90-91.
Cuối thế kỷ XVIII, linh mục De la Bichassère cũng ca tụng sự dồi dào của các mỏ ở Đàng Ngoài: “ở vùng Tunquin, cát ở nhiều con sông lẫn đầy vàng, ở nhiều vùng núi, ngay trên mặt đất, có thể thấy những mẩu vàng với khối lượng lớn, rất tinh, hơn hẳn bất cứ nơi nào khác ở các nước phương Đông. Người ta còn kháo rằng nhiều cục vàng nặng hơn hai onces35”. Cũng chính ở miền Bắc đã phát hiện nhiều mỏ bạc nhất và dồi dào nhất, đặc biệt ở hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên.
35 Pierre-Jacques de la Bichassère, sách đã dẫn như trên, quyển 1, t. 44. Hai onces tương đương khoảng 56g.
Sau chiến thắng chống lại nhà Tây Sơn vào 1802, nhà Nguyễn làm chủ toàn bộ đất nước và như vậy nắm trong tay toàn bộ hầm mỏ cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, những hầm mỏ thu lợi được nhiều nhất đều nằm ở Đàng Ngoài: về vàng là ở các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn và Cao Bằng, về bạc là ở Thái Nguyên36. Năm 1839, dưới triều vua Minh Mạng, ở vùng Bắc bộ thống kê có tổng cộng hai mươi bảy mỏ vàng trong đó có mười tám mỏ đang khai thác, cộng với ba mỏ bạc cũng đang hoạt động. Nhưng ngược lại với những gì diễn ra vào thế kỷ trước đó, không còn được phép xuất vàng hay bạc ra nước ngoài: như vậy lệnh cấm có hiệu lực với những người Hoa, vốn là những người khai thác chủ yếu các hầm mỏ, cấm họ xuất đi các kim loại quý hiếm, với hình phạt, nếu vi phạm, là đòn roi và tịch thu sản vật. Vi phạm trên 50 lạng, cứ thêm 10 lạng là thêm 10 roi: nếu xuất lậu trên 120 lạng thì người phạm tội sẽ bị kết án “giảo giam hậu” [giam lại chờ án thắt cổ].
36 Albert Schroeder, Annam, études numimastiques, Paris, Imprimerie nationale, 1905, p. 329-357.