Dù có nhiều tác giả đã ngụ ý như vậy, nhưng việc chiếm lấy kinh thành Huế vào ngày 5 tháng 7 năm 1885 đã không có mục đích chiếm lấy kho lẫm kho tàng [triều Nguyễn] “từng làm nhiều người mơ tưởng37”, lý do đơn giản là: chẳng một ai hay biết tầm vóc thực sự của kho tàng, cho dù có thể biết đâu đó sự hiện hữu của nó. Không đi vào chi tiết, Brossard de Corbigny đã nói về một “kho tàng của chính thể vương triều38”. Dutreuil de Rhins, trong tác phẩm của ông, Le Royaume d’Annam et les Annamites (1889), không hề nhắc đến chủ đề này. Jules Sylvestre, dù thời gian đó là người am hiểu nhất về tình hình Việt Nam, nói đến “những kho lẫm của hoàng gia” (ông viết theo “số nhiều”) và chẳng có ý niệm chính xác nào, cả về lượng và chất, về những gì được cất giữ trong kho báu của hoàng triều. Trong công trình của ông, viết vào năm 1882, công bố vào năm 1883, Notes pour servir à la recherche et au classement des monnaies et médailles de l’Annam et de la Cochinchine française [Ghi chép nhằm nghiên cứu và xếp hạng những đồng tiền và huân huy chương của xứ An Nam và vùng Cochinchine thuộc Pháp], ông nghiên cứu về các đồng tiền, các nén vàng, thỏi bạc dưới triều đại nhà Nguyễn, theo đó thiết lập ra một danh sách. Thế nhưng, chỉ ba năm trước khi kho báu triều Nguyễn bị chiếm lấy, nhà nghiên cứu không có một dòng nào về các thỏi vàng, thỏi bạc vốn có định danh với cân lượng kim loại quý hiếm nặng nhất trên thế giới thời gian đó: thỏi cỡ 100 lạng, nghĩa là tương đương lên đến 3,83 kilô! Những gì Jules Sylvestre kể ra chỉ là những thỏi vàng loại 10 lạng và 5 lạng, theo đó ông kể: “Các thỏi này được cất giữ trong kho lẫm của hoàng gia hay cất giấu kỹ trong các gia đình giàu có nhất, chúng có chức năng tương tự như các bộ trang sức được quý bà giới phú hộ An Nam trưng diện trên người39”. Ông lưu ý là các thỏi vàng 1 lạng40 và nhỏ hơn “rất hiếm gặp”. Ông đã dùng lại y nguyên danh sách được Giám mục Taberd cung cấp41: “thỏi vàng 10 lạng, loại nửa thỏi 5 lạng, “đinh vàng” (“clou d’or” sic) là 1 lạng, có loại nửa lạng và một phần tư lạng. Cũng tương tự như vậy với bạc, Jules Sylvestre chỉ kể ra loại thanh 10 lạng (nén bạc), có ghi dấu công giáp và trung bình, với các thanh dẹt loại 10 và 5 lạng. Ông viết thêm là lạng (“taël” sic) và những lượng nhỏ hơn chỉ được xuất từ kho tàng hoàng gia để ban ơn, làm quà, tưởng thưởng quan lại hay những cá nhân được triều đình ghi nhận công lao42”. J. Sylvestre cũng ghi lại những khối lượng phân ra khác nhau đã được [Giám mục] Taberd đề cập: trường hợp về bạc cũng tương tự như vàng.
37 Charles Fourniau, Vietnam. Domination colonial et résistance nationale, 1858-1914, Paris, 2002, p. 373.
38 C. P. Brossard de Corbigny, Huit jours d’ambassade à Hué (Royaume d’Annam), Le Tour du monde, XXXV-1878, p. 55.
39 Jules Sylvestre, Notes pour servir à la recherche et au classement des monnaies et médailles de l’Annam et de la Cochinchine française, Saigon, Imprimerie nationale, 1883, p. 60.
40 Một lạng hay lượng, thời đó, là vào khoảng 38,5g (xem Phụ Lục 1, t. 265).
41 Jean-Louis Taberd, Dictionarium latino-anamiticum, Serampore, 1838, cité dans Jules Sylvestre: sách đã dẫn, t. 58.
42 Jean-Louis Taberd, sách đã dẫn, t. 63.
Nhà nghiên cứu Sylvestre, dẫu được biết như là người rất am tường, hình như đã không có thông tin về việc mua lại, ở vùng Cochinchine trước năm 1877, một bộ những thỏi bạc hết sức đặc biệt, về sau được lưu trữ ở Viện Bảo tàng Tiền cổ thuộc Sở Đúc tiền Paris [Monnaie de Paris43]. Đó là những thỏi dẹp và đều đặn, có trọng lượng: 1, 5, 10, 20, 30, 40, 50 và 100 lạng, có ghi dòng chữ nội thảng ngân (sic), “tiền thuộc kho báu triều đình44”. Năm loại nặng cân nhất được chế tác tinh xảo, trang trí rồng, với “châu ngọc bốc lửa” [“perles enflammées” sic], mặt trời, mây và dơi. Chính đây là một bộ sưu tập chỉ ra thật đúng một phần những của cải lưu trữ trong kho tàng hoàng gia, được chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng cho một nơi tiếp nhận như thế [Viện Bảo tàng nêu trên], và trước cả khi người Pháp chiếm lấy kho báu này ở kinh thành Huế! Sylvestre cũng không hề biết đến một loạt thỏi được phát hành từ tháng 8 năm 1822 (cỡ 1/5, 1/4, 1/3, 1/2, và 1/10 lạng), được ghi chép trong các tập biên niên sử Việt Nam45. Và chỉ vào năm 1885 người Pháp mới phát hiện là số lượng các loại thỏi theo cân lượng nhiều hơn rất nhiều so với những gì Giám mục Taberd và Sylvestre đã thống kê, vì lẽ Sở Đúc tiền Paris đến nay vẫn còn lưu giữ những thỏi vàng nhỏ cỡ 1/10, 2/10, 3/10, 4/10 và 5/10 lạng, và những thỏi cỡ 30, 40, 50, 100 lạng xuất phát trực tiếp từ kho báu [triều Nguyễn]. Ngoài ra, lưu ý là thỏi cỡ một phần tư lạng có trong danh sách do Giám mục Taberd cung cấp, đã không được tìm thấy.
43 DG: Được thành lập ngày 25 tháng 6 năm 864 dưới thời vua Charles II, Sở Đúc tiền Paris là một trong những nơi đúc tiền xưa nhất thế giới và là định chế quốc gia xưa nhất của nước Pháp còn hoạt động.
44 François Thierry, Les Collections monétaires VII. Monnaies d’Extrême-Orient, Paris, administration des Monnaies et Médailles, 2 vol., 1986, vol.II, n°V147 à V156.
45 ĐNTL, phần về vua Minh Mạng, chương XXVII, t. 17.
Liên quan đến các huân chương hay huy chương [hay “đồng tiền thưởng”] bằng vàng và bạc, Sylvestre kể lại nhiều hơn vì ông thấy rõ hàng ngày khi ông gặp gỡ giao thiệp với quan lại chức sắc, những người luôn thường đeo huân huy chương nơi ngực theo chức phận công việc. Huân huy chương có rất nhiều loại, bằng vàng và bạc, và theo các thời kỳ khác nhau, từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) đến thời vua Tự Đức (1848-1883), nhưng danh sách do Sylvestre không đầy đủ, vì ông phụ thuộc vào nguồn cung cấp thông tin. Chẳng hạn ông thú nhận là chưa bao giờ được nhìn thấy những tấm đầu tiên được làm bằng vàng, với hình rồng, gọi là “phi long” và “bán phi long” (“demi philong” sic), nhưng cũng nói thêm là đã nghe kể lại về sự tồn tại của những tấm đó. Nói về số lượng, Sylvestre chẳng có nguồn tin nào. Như chúng ta sẽ xem xét về sau, cũng như nhiều tác giả khác, Sylvestre có những ý kiến không có cơ sở thực tế về bản chất thật của những tấm huân huy chương mà ông xem như chỉ có giá trị “vinh dự vinh danh”, theo đó có thể xem như tương tự huân chương Bắc Đẩu Bội tinh [của nước Pháp].
Sáu tháng trước khi xảy ra biến cố ngày 5 tháng 7 năm 1885 [hôm sau “ngày 23 tháng 5 âm lịch”] toàn quyền xứ Cochinchine [thuộc Pháp] Charles Le Myre de Vilers có nói đến một “kho lẫm cực kỳ to lớn” nhưng ông không có hiểu biết thực sự và chi tiết về kho lẫm này [của triều Nguyễn]: ông đã ước đoán thấp về số lượng vàng vì ông tính toán giá trị vào khoảng 2 triệu quan Pháp, trong khi, khi được tìm thấy, giá trị thật lên đến khoảng trên 7 triệu quan Pháp. Ngược lại, quan toàn quyền người Pháp đã ước chừng quá cao lượng nén bạc khi đưa ra con số giá trị khoảng 11 triệu quan Pháp, trong khi giá trị thực sự là 6 triệu rưỡi quan Pháp46. Cuối cùng, cũng chẳng ai biết được về hàng ngàn nén bạc mà hoàng đế Minh Mạng (1820-1840) đã cho chôn giấu trong vách tường hay dưới nền gạch của Hoàng cung triều Nguyễn, một số những nén này sẽ được vua Đồng Khánh thu giữ, và một phần còn sót lại chỉ được người Pháp khám phá vào năm 1899! Người Pháp hình như đã không biết đến một số giao dịch về tài chính của các hoàng đế An Nam: tháng 7 năm 1885, người ta đã phát hiện trong kho lẫm hoàng gia hàng ngàn đồng tiền vàng cỡ 5 roupies của English East Asia Company [Công ty Đông Á của Anh], được đúc ở Madras [tên gọi cũ của thủ phủ Chennai, thuộc bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ]. Như thế, vào một giai đoạn nào đó, những đồng tiền Anh đã được [triều đình nhà Nguyễn] mua vào. Hiểu biết của người Pháp, như thế, trước khi chiếm lấy kho báu triều Nguyễn là khá sơ sài.
46 Charles Le Myre de Vilers, “L’expédition du Tonquin, le passé, le présent, l’avenir”, La Nouvelle Revue, décembre 1884, p. 707.
Theo một số nhà nghiên cứu, và rất hiếm hoi, việc người Pháp chiếm lấy kho báu triều đình nhà Nguyễn không phải với ý đồ nắm lấy những tài sản vô cùng lớn mà họ không hề biết về số lượng khối lượng: mục đích đầu tiên trước hết là tước đi hết mọi phương tiện tài chính vật lực [triều đình] có thể sử dụng để chống lại người Pháp, như là tài trợ cho đám Cờ Đen, mua vũ khí hiện đại từ Trung Hoa, v.v.
“Chừng nào kho báu [triều đình An Nam] chưa được kiểm tra và kiểm toán chặt chẽ, để rồi sử dụng vào việc công ích hay đóng góp vào những chi tiêu công khai, bổ sung cho những chi tiêu của chúng ta [phía Pháp] vốn đã quá tốn kém, thì chúng ta có thể tin chắc kho báu sẽ được sử dụng chống lại chúng ta [người Pháp]. Sẽ là phản chính trị nếu phải chiếm lấy kho tàng này một cách bất ngờ, như người Anh đã làm khi tước đoạt của cải kho báu của nhiều vị đại quan toàn quyền giàu có ở Ấn Độ, nhưng cũng sẽ thật kỳ lạ nếu như có sự thiếu vắng những vị quan chức thượng hạng mà chúng ta phải trả lương duy trì ở vùng “Cochinchine thượng” (“haute Cochinchine” sic) trong khi các ủy ban nghị viện của chúng ta lại không hề quan tâm đến trị giá của kho báu [triều đình An Nam]: phải làm sao để cuối cùng chúng ta có thể sử dụng của cải từ kho báu này thay vì luôn phải vắt kiệt túi tiền của người đóng thuế ở nước Pháp47”.
47 Jocelyn Pène-Siefert, La Question tonkinoise avant et après le traité avec la Chine, Paris, Lemerre, 1885, p10-11.