Phần lớn của cải sẽ xuất hiện trong biến cố năm 1885 được chế tác từ các công xưởng hay quan xưởng của triều đình Huế. Vào buổi đầu của triều đại nhà Nguyễn, thời vua Gia Long (1801-1820), việc chế tác các thỏi vàng không được quy định một cách triệt để: việc chế tác thuộc thẩm quyền một sở đặc biệt ở kinh thành, “Sở đúc tiền kim loại quý hiếm” (“Office des monnaies précieuses”, Bảo tuyền cục sic) và việc chế tác thực sự được thực hiện ở các quan xưởng của Nội vụ phủ (sic) có đặc quyền chế tác đồ bằng vàng, trong khi đó các thanh bạc (nén bạc) loại mười lạng lại được cho phép sản xuất tại công xưởng ở các tỉnh hay cơ sở tư nhân. Cơ quan Nội phủ chịu sự kiểm soát của hội đồng Nội các gồm các vị đứng đầu của hoàng tộc, chịu cả sự kiểm tra của Bộ Hộ và Đô sát viện48 (“bureau des Finances et du Censorat” sic). Kể từ thời vua Minh Mạng, việc quản lý trở nên kỹ lưỡng, tỉ mỉ hơn: ở mỗi tỉnh có một viên chức đặc biệt chuyên kiểm tra cân lượng và chất lượng của nén bạc, sau khi kiểm tra sẽ đóng hai con dấu trên nén bạc, dấu trung bình và công giáp. Ngoài ra, từ năm 1832, lại thêm niên hiệu vương triều, tên của tỉnh thành và ngày tháng. Ngoài những nén bạc vừa nêu, còn có những nén chế tác công kỹ hơn được đóng dấu xuất xứ: quan ngân, “bạc của công khố” khi những nén này xuất phát từ ngân khố quốc gia, và nội thảng ngân, “bạc của ngân khố triều đình”, khi xuất ra từ ngân khố hoàng gia. Với vàng thì cũng có những chỉ dấu tương tự như vậy: “vàng từ công khố”, “vàng từ ngân khố triều đình”, hay chỉ đơn giản ghi là “nội thảng”, từ “ngân khố triều đình”, hay còn là “cung thảng”, từ “ngân khố cung đình”. Đôi lúc người ta lại ghi thêm tỉ lệ về chất lượng kim loại. Vào tháng 7 năm 1885, người ta khám phá ra, ngoài những nén vàng, nén bạc xuất xứ từ ngân khố cung đình hay triều đình, còn có những nén đến từ phần dôi ra từ công khố.
48 DG: “Ngự sử đài” dưới thời vua Gia Long, là tiền thân của “Đô sát viện” dưới thời vua Minh Mạng, cơ quan giám sát tối cao.
Dù có những thận trọng và biện pháp kiểm soát, sự gian lận về chất lượng và cân lượng các nén bạc vẫn trầm trọng, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn và Cao Bằng. Những kẻ làm bạc giả giảm tuổi của bạc bằng cách thêm vào thiếc hay kẽm, nhưng phương thức thông dụng vẫn là “độn” vào các nén với kim loại rẻ tiền như đồng hay thiếc, thậm chí là cả chì. Phương thức gian lận này không chỉ xuất hiện với các nén bạc lớn loại 10 lạng: nhà cầm quyền còn đối mặt sự gian dối với cả loại nén một lạng. Đó là lý do vì sao, vào năm 1829, người ta đã cho thay đổi hình dạng, làm các nén mỏng hơn để không thể nào độn nhét vào49. Thời gian khởi đầu triều đại tiếp theo, triều vua Thiệu Trị (1841-1847), một báo cáo của Bộ Hộ cho biết là có quá nhiều nén bạc khả nghi, không có dấu kiểm định chất lượng, không có cả dấu ghi ngày tháng niên hiệu và đã đề nghị những nén như vậy không được cho lưu hành. Hoàng đế [Thiệu Trị] chuẩn y đề nghị này, nhưng để tránh khó khăn về lượng tiền giao dịch, ngài đã cho phép gia hạn lưu hành thêm trong thời gian 5 năm, để sau đó thu hồi, nấu chảy và đúc thành những nén cùng cân lượng nhưng mỏng hơn. Biện pháp này được thực hiện ở mỗi tỉnh, dưới sự giám sát của Bộ Hộ, và tốn kém công của là 2% giá trị của mỗi nén. Sự thể là người ta rất ít biết về các nén bạc có niên hiệu triều Thiệu Trị50: tập quán trước đó đã ăn sâu bén rễ nơi người dân và việc chế tác trở lại như cũ vào triều đại sau đó, có hay không có đóng dấu ghi ngày tháng niên hiệu.
49 François Thierry, “Datation des lingots d’un lang de l’ère Minh Mang”, Cahiers numismatiques, n°115, mars 1993, p. 54-58.
50 Miura Gusen, Annam senpu, 3 volumes, Tokyo, 1965-1971, vol. III, p. 47.
Việc chế tác vàng nén hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Nội vụ phủ triều đình, là đặc quyền của các quan xưởng cung đình, phụ trách việc đúc các nén vàng và huân huy chương. Nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng chế tác lậu các nén vàng, khá giống nén thật, để qua mắt các quan chức phụ trách nhập kho, hiển nhiên không kể đến trường hợp chính ngay các quan chức này tham gia vào việc gian lận: vào thời điểm tiến hành kiểm tra phần thuộc về phía Pháp trong toàn bộ kho báu của [triều đình] Huế, các viên chức Sở Đúc tiền Paris đã ghi nhận có mười nén lớn nhỏ được đúc bằng chì mạ vàng (“en plomb doré” sic), với tổng trọng lượng là 15 kilô.
Việc đúc huân huy chương tuân thủ một quy trình phức tạp51. Thợ cho đổ kim loại nấu chảy vào những khuôn đúc lớn, những tấm bạc hay vàng thành hình sau đó được đun nóng và đập cho đến khi có được độ dày mong muốn. Những tấm kim loại sẽ được nhanh chóng cắt theo kích thước các dạng đã tiên lượng, sau đó được nung lại để có bề mặt phẳng láng: tấm bằng vàng thì làm nguội qua nước, tấm bằng bạc thì để trong không khí. Những huân huy chương sẽ được chạm khắc theo những khuôn bằng sắt có chạm trổ, ở các quan xưởng của Nội vụ phủ. Trước khi bắt đầu công việc chạm khắc thực sự, trên bề mặt khuôn sắt dự trù cho mặt có chữ viết người ta kẻ những đường với mũi nhọn của dùi bằng thép, vạch ra đường nét hay những điểm cho phép định vị và định kích cỡ của chữ. Với bề mặt có hình trang trí như rồng, mặt trời, mây, v.v., người ta vẽ ra chủ đề họa tiết với một mũi nhọn, cho ra hình dạng hình thù theo những vành hạt nổi mà rồi người thợ chạm khắc phải lần dò theo đó, có khi do vụng về, người thợ lại chẳng lần theo. Trên một số huân huy chương được lưu trữ ở viện bảo tàng các đồng tiền thuộc Sở Đúc tiền Paris, nhìn bằng kính lúp, chúng ta có thể quan sát được các đường dấu chấm chạy theo với hình dạng của rồng và mây52. Những mẫu đã được chạm khắc sẽ còn trải qua một công đoạn đặc biệt khác: bạc thì được làm cho sáng trắng, vàng thì cho sắc đậm. Vàng được ưa thích nếu thật đậm màu, nhưng do tuổi vàng chỉ hai mươi chứ không phải hai mươi bốn carat, thậm chí chỉ còn mười tám carat, nên trông nhợt nhạt: người ta phải làm cho vàng trông đậm màu hơn, gần như là màu cam, bằng cách nhúng các tấm huân huy chương (đôi khi các nén vàng cũng làm như vậy) vào một dung dịch đặc biệt gồm nước chanh và cánh kiến. Theo thời gian, những vật được xử lý như vậy ngả màu đồng hay đỏ đồng.
51 Albert Schroeder, Annam, études numismatiques, Paris, Imprimerie nationale, 1905, p. 447.
52 François Thierry, Les Collections monétaires […] op.cit. vol.II, n°V170, V171, V284, V294.