Việt Nam thời xưa, những công trạng hay thành tích nổi bật, tùy theo tầm cỡ, sẽ được tưởng thưởng, với viên chức cấp nhỏ thì thưởng bằng vàng và lụa, với quan chức cấp cao thì cấp sắc phong và đất đai. Người ta được biết là có dạng “huy chương bằng vàng” gọi là “kim phù” (sic), tưởng thưởng cho những công trạng lớn. Vào tuần trăng thứ 5, năm thứ 10 niên hiệu Cảnh Hưng (1749), vương triều [nhà Hậu Lê] đã tiến hành cải cách về ban thưởng, đặt ra các tấm bài bằng vàng và bằng bạc53. Chúng ta không được biết hình thù của tấm thẻ bài cũng như thời gian áp dụng tiếp theo sau thời nhà Lê, nhưng dưới triều vua Gia Long không có các tấm huân huy chương: lời chứng của các sĩ quan người Pháp theo phò tá hoàng đế đầu tiên của triều nhà Nguyễn hình như cho thấy việc quay trở lại tập quán tưởng thưởng thông thường trước kia bằng vàng hay bằng bạc dưới dạng nén [hay lạng]. Những tấm huân huy chương bằng vàng hay bạc có hình dạng những đồng tiền chỉ xuất hiện từ thời vua Minh Mạng.
53 ĐVSK, supplément, ch.IV, vol.III, p. 1129; Albert Schroeder, Annam, études numismatiques, Paris, Imprimerie nationale, 1905, p. 65-66.
Tương tự như nhiều tác giả phương Tây khác, Jules Sylvestre đã nhầm lẫn về chức năng của những tấm huân huy chương này khi nói rằng: “những tấm này không lưu thông trong giao dịch buôn bán: tương tự như một người Pháp được tưởng thưởng Bắc Đẩu Bội tinh chẳng thể nào nhượng lại vinh dự này cho ai đó người nước ngoài muốn sưu tập, có thể nói rằng người An Nam nào đã được tưởng thưởng những tấm huân chương như vậy sẽ chẳng thể nào bán chúng đi dễ dàng54”. Thực tế là việc sử dụng những huân huy chương này vào việc giao dịch, không chỉ các tấm bằng bạc, đã được chứng minh một cách rõ rệt: ngay từ những lần phát hành đầu tiên vào năm 1832 “giá trị trao đổi của những đồng lớn và nhỏ loại phi long vàng và bạc dưới triều Minh Mạng đã được ấn định để giao dịch: tấm lớn bằng bạc trị giá là 2 xâu tiền [ligatures sic], tấm nhỏ bằng bạc là một xâu tiền; tấm lớn bằng vàng trị giá 30 quan tiền lớn hay 60 quan tiền nhỏ, tấm nhỏ bằng vàng trị giá 15 quan tiền lớn hay 30 quan tiền nhỏ55”. Mười năm sau, vào cuối năm thứ nhất triều vua Thiệu Trị (1841), triều đình An Nam công bố một thang tỷ giá giao dịch của hai mươi lăm tấm huân chương được đúc trong năm đầu trị vì và trong suốt triều vua [Minh Mạng] trước đó, tùy theo dạng kim loại và mẫu mã56. Do đó có thể biết đồng tiền thưởng “Tam Đa57” [“trois abondances”] loại 2 tiền vàng thời vua Minh Mạng có giá trị là 17 xâu tiền, hay là đồng “Song Long” lớn loại 7 tiền bằng vàng dưới thời vua Thiệu Trị có giá là 60 xâu tiền, và nếu bằng bạc giá trị chỉ là 4 xâu tiền58. Cuối cùng, khi trao cho cùng một con người nhiều bản của cùng một loại huân chương khen thưởng chứng tỏ sự ban thưởng như vậy hẳn cũng có đặc tính ban phát tưởng thưởng về tài chính. Đó là những “huân chương- tiền thưởng” duy nhất được đục lỗ, với một dải đeo bằng chất liệu quý hiếm, kèm theo một “tờ lục chỉ59” có thể so sánh (một cách thận trọng) với những huân chương của các nước phương Tây.
54 Jules Sylvestre, Notes pour servir […], op.cit. p. 84.
55 MMCY [?], ch.XVII, p. 22b.
56 François Thierry, Les Collections monétaires […] op.cit. vol.II, p. 25-26, voir tableau en Annexe 2, p. 289.
57 DG: Xem thêm Nguyễn Đình Chiến và Trương Văn Thắng, “Về sưu tập tiền thưởng triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Giai đoạn từ vua Gia Long đến vua Tự Đức)”, Di sản văn hóa vật thể, số 1(54) 2016.
58 DG: Về hình ảnh các loại tiền thưởng, huân chương dưới triều Nguyễn: https:// alaintruongdotcom.wordpress.com/category/numismatique/
59 DG: “Sơ lược về tiền thưởng triều Nguyễn - Kim tiền, Ngân tiền, Đồng tiền”, Việt Nam Phong hóa, https://www.facebook.com/vietnamphonghoa98/posts/ 1823607911002240/
Những đồng tiền thưởng khác trước nhất là để ban thưởng vào những dịp đại lễ, làm quà ngoại giao hay những tưởng thưởng vật chất, mà sự ban nhận, không giống như trường hợp ban thưởng các loại huân chương ở các nước phương Tây, chỉ ban tặng [mỗi lần] một tấm hay đơn vị duy nhất. [Ở triều đình An Nam] không hiếm trường hợp ban thưởng đồng thời nhiều tiền thưởng bằng vàng hay bạc: chẳng hạn như vào năm 1839, triều đình đã quyết định ban thưởng nhiều tiền thưởng lớn nhỏ loại phi long bằng bạc cho các quan lại có nhiều công lao trong việc quản lý các hầm mỏ. Ba mươi năm sau, vào năm 1869, trong một dịp tưởng thưởng những quan chức có công trạng trong việc chống lại giặc cướp gây bạo loạn, triều đình đã ban thưởng cho thăng cấp và thưởng nhiều quan tiền, ngoài ra mỗi quan chức có công còn được nhận mỗi người một đồng tiền thưởng lớn và một đồng tiền thưởng nhỏ bằng bạc có tên là sử dân phú thọ60 (sic). Năm thứ 31 [triều vua Tự Đức] (1878), theo một phong cách đậm sắc màu Khổng giáo, triều đình quyết định ban tặng cho các vị bô lão: “những vị trên 100 tuổi sẽ được nhận một đồng tiền vàng vạn sự như ý, trên 90 tuổi sẽ được nhận một đồng tiền thưởng lớn kèm một đồng thưởng tiền nhỏ phi long bằng bạc, trên 80 tuổi sẽ được nhận một đồng tiền thưởng lớn phi long bằng bạc, trên 70 tuổi sẽ được nhận một đồng tiền thưởng nhỏ phi long bằng bạc61. Nhiều trường hợp khác cho thấy việc ban phát nhiều loại tiền thưởng là đồng thời, với cả cùng loại, và không phải là những trường hợp hiếm hoi: vào tuần trăng thứ 7 năm thứ 21 dưới triều vua Tự Đức (1868), một thương lái người Hoa tên là Ouyang Rong được “ban thưởng một đồng tiền thưởng bằng vàng, kèm theo là 5 đồng tiền thưởng theo mỗi loại tiền thưởng bằng bạc sử dân phú thọ: lớn, trung bình và nhỏ62”. Vào tuần trăng thứ 12, năm thứ 31 [triều Tự Đức] (tháng giêng năm 1879), Huang Shouzhong, một trong những tướng lĩnh của quân Cờ Đen, ngoài những ban thưởng khác, còn được ban tặng ba loại tiền thưởng sử dân phú thọ, bốn đồng cho mỗi loại63. Dịp năm mới năm Bính Tý (1880), [Tổng trú sứ Pháp] Rheinart được dự một tiệc tối với hoàng đế An Nam và được ban thưởng một hộp khảm xà cừ, một tiền thưởng bằng vàng, một tiền thưởng bằng bạc64; dịp năm mới năm Canh Thìn (1880), lại được [hoàng đế An Nam] ban tặng nhiều món quà khác: “Những vật phẩm vua ban: những đồng tiền thưởng bằng vàng với sắc chỉ, kèm theo là vài đồng tiền thưởng khác bằng bạc (một số thuộc triều vua Minh Mạng) dành cho đức vua Tây Ban Nha, có một đồng tiền thưởng có mặt bóng láng tương tự như một đồng tiền thưởng cho bản thân tôi […]65”. Vào dịp phê chuẩn hiệp ước Patenôtre (6 tháng 6 năm 1884), các vị đặc mệnh toàn quyền phía Pháp được ban tặng, kèm theo những tấm lụa, những món đồ khảm xà cừ và những thanh kiếm, là những đồng tiền thưởng bằng vàng và bạc; quân lính cận vệ đi theo thì được ban thưởng những nén bạc, kèm theo là heo, bò, dê, gà vịt66. Sau khi vua Hàm Nghi đăng quang, ngày 17 tháng 8 năm 1884, triều đình ban phát tiền thưởng bằng vàng cho các sĩ quan Pháp, kèm theo là bò, heo, gà vịt, chuối trái và tiền bạc cho quân lính:
60 ĐNTL, section Tự Đức, ch.XL, p. 18.
61 ĐNTL, section Tự Đức, ch.XL, p. 22.
62 ĐNTL, section Tự Đức, ch.XXXIX, p. 9.
63 ĐNTL, section Tự Đức, ch.LX, p. 47.
64 Rheinart, “Journal, notes et correspondances”, L.Sogny chú giải, BAVH, 1943-1, p. 45.
65 Rheinart, “Journal,…”,… p. 75.
66 Rheinart, “Journal,…”,… p. 170.
“[phía An Nam] xin lỗi là không thể ban phát cho lính tráng những nén bạc nhỏ vì chỉ còn một ít trong kho lẫm. Chúng tôi [phía Pháp] xin nhận lương thực và 200 đồng [“piastres” sic] cho quân lính, nhưng chúng tôi xin [phía An Nam] nhận lại giúp 1800 đồng, vì một món quà lớn như vậy là quá tốn kém cho xứ An Nam, và vượt ra ngoài tập quán ứng xử [của phía Pháp]. Vì đã chọn lập ra một đội hộ tống 160 lính, gồm những thành phần ưu tú nhất, tôi đã yêu cầu phía An Nam vui lòng tặng cho mỗi người một nén bạc nhỏ loại nửa lạng để giữ làm kỷ niệm về dịp lễ [vua An Nam lên ngôi]. Triều đình An Nam sẵn lòng đồng ý: phía Pháp đã gửi lại [tương đương] hơn 8000 quan Pháp để nhận lại [món quà trị giá chỉ tương đương] 560 quan Pháp, là giá trị của những nén bạc67”.
67 Rapport de Rheinart au général Millot, cité dans H.Cosserat: “Comment on écrit l’histoire: Réception du Colonel Guerrier à la Cour d’Annam le 17 août 1884”, BAVH, 1924-III, p. 292-293.
Mặt khác, điều đáng chú ý là các đồng tiền thưởng được hoàng đế An Nam ban tặng không phải lúc nào cũng đục lỗ ở chính giữa để có thể mang vào ngực. Trong nhiệm vụ sứ thần tại Huế, nam tước Brossard de Corbigny được vua Tự Đức ban tặng một số các đồng tiền thưởng bằng vàng và bạc, không rõ là bao nhiêu: các hình minh họa theo với lời thuật lại chuyến đi của nam tước, cho thấy có ít nhất bốn đồng trong số các đồng tiền thưởng được trao cho nam tước là không có đục lỗ68.
68 G. P. Brossard de Corbigny, “Huit jours […]”, op.cit.p. 63-64.
Trong mọi trường hợp, là đồng tiền thưởng hay các nén vàng bạc, là ban thưởng, ban tặng mang tính ngoại giao hay chu cấp cho hoàng tộc, các tập biên niên sử chính thức [của An Nam] đều ghi chép tỉ mỉ kỹ lưỡng, rất nhiều lần như vậy, tất cả những gì được xuất ra từ kho tàng của cải hoàng gia. Chẳng hạn như vào năm 1862, 6000 nén bạc được phân phát cho những quan lại trung thành và những đội lính can trường tại [cảng] Thuận An, từ người chỉ huy cao nhất cho đến người lính bình thường. Những cuộc phân phát có thể rộng khắp: vào năm 1864, việc ban thưởng cho quan quân vùng Bắc bộ được tiến hành “theo công lao của mỗi người, từ tướng soái cho đến lính thường, phân phát: cho lực lượng Hải [Dương-Quảng] Yên loại 1000 nén loại 5 tiền, 2000 nén loại một xâu tiền và 8000 nén loại 7 mạch (sic); cho lực lượng tại [Bắc] Ninh-Thái [Nguyên]-Lạng [Sơn-Cao] Bằng 500 nén loại 5 tiền, 1000 nén loại 1 xâu tiền và 2000 nén loại 7 mạch; cho lực lượng ở Tuyên Quang - Hưng Hóa 300 nén loại 5 tiền, 1500 nén loại 2 tiền69”. Vào tháng giêng năm 1879, [triều đình An Nam] đã cảm ơn thủ lĩnh nổi tiếng của quân Cờ Đen, Liu Yongfu [Lưu Vĩnh Phúc] khi trao cho ông một đồng tiền thưởng bằng vàng trị giá 4 tiền loại Tứ Mỹ70 (sic). Vào tuần trăng thứ 5 năm thứ nhất triều Tự Đức (1848), người ta dâng lên những quà tặng theo nghi thức tại cung Diên Thọ gồm 10 lạng vàng, 100 đồng vàng (“pièces d’or” sic) và 200 đồng bạc (“pièces d’argent” sic) […], kèm theo là 2 nén vàng loại 10 lạng và 20 nén bạc loại 10 lạng71”. Năm tiếp theo, người ta dâng lên Hoàng thái hậu “những nén vàng nhỏ, của Cung Gia Thọ (7 phân 2 li chiều dài, 3 phân 2 li bề dày, cao trung bình là 9 phân, bằng vàng loại 24 carats, cân nặng 7 lạng 6 tiền 1 phân, có khắc bốn chữ Gia Thọ Cung Bảo […]72)”. Năm sau đó, vào tuần trăng thứ 5, Cung Gia Thọ dâng tặng một nén vàng 10 lạng với chất lượng 850°/0073. Hiển nhiên là những nén vàng hay bạc này, cộng với những đồng tiền bằng vàng hay bạc, cấu thành như một phần của danh mục của cải riêng tư trao tặng cho Hoàng thái hậu, để được sử dụng vào việc tu bổ cung cấm của bà, trả công cho người hầu hạ kẻ tuần phòng, cũng như mua sắm những tiện nghi cần thiết cho sinh hoạt của Hoàng thái hậu.
69 ĐNTL, phần vua Tự Đức, ch.XXX, t. 14.
70 Như trên, phần vua Tự Đức, ch.LX, t. 47.
71 Như trên, phần vua Tự Đức, ch.II, t. 56.
72 Như trên, phần vua Tự Đức, ch.IV, t. 37-38.
73 Như trên, phần vua Tự Đức, ch.V, t. 18.