Nhưng ngay tại địa bàn xứ An Nam, cả ở Nam Kỳ và Bắc bộ, một số người đã tỏ ra mất kiên nhẫn. Nhất là khi xảy ra vụ sát hại một nhân vật rất có vai vế, thương nhân giàu có Francelli, vào tháng 11 năm 1879: trước đây vị này cũng thuộc phe nhóm Dupuis và sau đó trở thành một trong số giới chủ hàng đầu tại Hải Phòng. Sau khi một người tự nhận là hậu duệ nhà Lý xuất hiện như đã nói ở trên, thì nay lại xuất hiện một người tự nhận là hậu duệ nhà Lê, một triều đại đã nắm quyền từ năm 1428 đến năm 1789. Vào tháng 11 năm 1879, công sứ Pháp tại Hải Phòng kín đáo hỗ trợ cho một âm mưu do một trong những vị thông ngôn của mình lên kế hoạch: một người có đạo có tên là Lê Bá Đinh, tự cho mình là hậu duệ nhà Lê. Mục đích: lập ra ở vùng Bắc bộ, dưới sự bảo trợ của Pháp, một nhà nước ly khai với người đứng đầu là một người họ Lê được “phục ngôi”, với chính ngay nhân vật Lê Bá Đinh, lấy tên là Lê Gia Hưng, niên hiệu Ưng Thuận. Nhân vật “muốn lên ngôi” được sự hỗ trợ của một số thân hào đất Bắc, vài nhân vật khai thác thuộc địa [người Pháp] cùng với một nhóm nhỏ gồm khoảng một trăm lính đánh thuê người Pháp và hàng trăm dân quân bản địa do Jocelyn Pène-Siefert, một tay phiêu lưu, tuyển mộ (chúng tôi sẽ đề cập sau này). Âm mưu bị lộ, không khí trở nên căng thẳng vì các công sứ Pháp, hẳn nhiên có tham gia vào một cách kín đáo, đã tỏ ra muốn lợi dụng những kẻ nổi loạn để tách Bắc bộ khỏi vương quyền Việt Nam, để rồi Toàn quyền Nam Kỳ buộc phải lên án “những âm mưu nổi dậy liên quan một nhóm nhỏ người Âu thật liều lĩnh, gây nguy hiểm thật không đúng lúc”96.
96 Ministère des Affaires étrangères, Documents diplomatiques, Affaires du Tonkin I, op.cit., p. 131.
Các đại diện ngoại giao của nước Pháp không chỉ giới hạn ở những hoạt động chính trị quanh co khúc mắc. Đầu năm 1880, công sứ Kergaradec gửi đi hai nhóm công tác gồm các nhà địa dư và kỹ sư lên các vùng cao ở Bắc bộ để lập bản đồ, tìm kiếm các vỉa quặng có thể khai thác, thăm dò các đường thủy và đường thông thương sang Trung Quốc. Những chuyến công tác thăm dò bị quân Cờ Đen chặn lại, các kỹ sư bị quấy rối ngược đãi. Việc đi lại trên sông Hồng vẫn bị chi phối tùy thích bởi lực lượng Cờ Đen và giới chức Trung Hoa. Các công sứ Pháp cũng bất bình tương tự như các thương nhân, cả người Pháp lẫn người Hoa, vốn chỉ muốn được yên ổn làm ăn. Trong khi đó Phùng Tử Tài lẫn đám Cờ Đen lại chốt đặt các trạm thuế tùy thích, cùng lúc các đám lính tráng người Hoa lại ra sức cướp bóc các thị trấn nhỏ và các làng ở các tỉnh bị chúng kiểm soát, chúng đòi tiền mãi lộ của các đoàn thương nhân, lấy thuế các thuyền buôn qua lại, bắt cóc cả phụ nữ, trẻ em để bán sang Trung Quốc. Ở vùng bờ biển thì cướp biển người Hoa ngày càng trở nên manh động. Mà giới buôn bán làm ăn thì chẳng thích chuyện lộn xộn vô chính phủ. Trong khi đó triều đình Huế lại chẳng còn kiểm soát được tình hình ở vùng phía bắc của Bắc bộ và rồi, theo nhãn quan những giới muốn thấy một hành động cứng rắn, nước Pháp tỏ ra quá “thụ động”.
Vụ đoàn sứ thần An Nam sang Trung Quốc đã làm cho tình thế xoay vần nhanh chóng. Để thoát khỏi sự bóp nghẹt từ phía Pháp, vào tháng 4 năm 1880, triều đình Huế đề nghị Thiên triều cho biết khi nào thì đoàn sứ thần An Nam có thể sang Trung Quốc để cống nạp lễ vật theo như lệ thường. Các công sứ và nhân viên ngoại giao Pháp khi nghe tin này đã tức khắc phản ứng quyết liệt: trước tiên là trách cứ các chính phủ trước đó của nước Pháp đã phạm sai lầm khi đã không có phản ứng lúc triều đình Huế cống nạp Thiên triều vào năm 1876: theo khoản 2 của hòa ước ký tại Sài Gòn “[nước An Nam] hoàn toàn độc lập với mọi cường quốc nước ngoài”! Trong khi đó, chuyến đi sứ sang Thiên triều rõ ràng có mục đích chủ yếu, mà ai cũng biết chẳng cần phải giấu giếm: đề nghị sự bảo trợ của Trung Hoa chống lại những ức hiếp của phía Pháp. Trong những năm 1879-1880, Trung Hoa đã nhiều lần cho loan truyền trên báo chí cũng như trong dư luận, những thành quả tốt đẹp từ sự có mặt của lực lượng Trung Hoa ở Bắc bộ đánh dẹp các đám nổi loạn của Lý Dương Tài, dẫn đến tái lập sự bình yên cho “vùng lãnh thổ một nước chư hầu thần phục [Thiên triều] chúng ta”. Chuyện này rất bất lợi cho giới chức ngoại giao của nước Pháp đóng tại Bắc Kinh: họ khuyến cáo phải giải quyết dứt khoát vấn đề bảo hộ đối với Việt Nam, sẽ theo lẽ thực tế diễn ra [“de facto”sic], nếu không thì theo như lẽ pháp quyền [“de jure” sic] theo tinh thần hòa ước [Giáp Tuất] ký kết năm 1874. Ý tưởng như vậy lan tỏa, theo đó, lúc xảy ra vụ Lý Dương Tài, “chúng ta [người Pháp] đã mắc sai lầm là đã không đích thân tái lập trật tự tại Bắc bộ, và rồi […] chúng ta đã mất đi cơ hội nêu cao nêu rõ khẳng định quyền hạn của chúng ta theo như điều khoản 2 cho phép”, theo như cách trình bày của Jules Patenôtre, lúc đó đang là đại biện thường nhiệm tại Bắc Kinh. Chính phủ Pháp theo đó chuyển hướng sang ý đồ có hành động vũ lực, và bước đầu chỉ tìm cách ngăn cản chuyện triều đình Huế gửi đoàn sứ thần sang tiếp xúc Thiên triều.
Nhưng triều đình Huế, vẫn còn ghi nhớ vụ việc Garnier, với kết cục “có hậu” như vậy, vẫn duy trì [ý đồ đi sứ] và quyết định củng cố các khả năng phòng vệ. Triều đình cho tiếp xúc với giới trung gian ở Hồng Kông để mua thêm vũ khí, và, với sự bảo trợ của lực lượng chính quy Trung Quốc, bắt đầu củng cố một số cứ điểm trên bến bãi sông Hồng. Tại Sài Gòn, [phía Việt Nam] còn tiếp xúc với cả các thương nhân Trung Hoa hay Anh quốc để mua sắm khí tài quân sự. Triều đình An Nam còn nhiều lần yêu cầu Thống đốc Nam Kỳ cung cấp cả người huấn luyện và súng trường hiện đại. Ngoài ra, triều đình còn lên danh sách lực lượng có thể động viên ở làng xã và đặt ra ở cấp địa phương một loại thuế bổ sung nhằm phục vụ tài lực cho chiến tranh. Freycinet, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, còn thổ lộ với người đồng nghiệp Jauréguiberry, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, một “dự định khả dĩ cử sang triều đình An Nam một “Phái viên Đặc mệnh” [Envoyé Extraordinaire sic viết hoa]: vị này sẽ có nhiệm vụ thiết lập những nền tảng vững chắc hơn cho các mối quan hệ giữa nước Pháp với triều đình An Nam. Vị sứ thần đặc biệt này, với chức danh cao quý hơn là chức danh “Đại biện thường nhiệm” [Chargé d’affaires sic], cùng với màn hỗ trợ “diễu võ dương oai” thỏa đáng [démonstration suffisante sic], sẽ có thể khắc phục được dễ dàng hơn những chống đối đề kháng của giới quan lại và triều đình An Nam97”. Những chuẩn bị từ phía Pháp không phải là không gặp phản ứng từ phía Trung Hoa: hầu tước Zeng, đại sứ Trung Hoa tại Paris, phản đối những mối đe dọa đối với một nước chư hầu của Thiên triều. Những nỗ lực từ phía Pháp [ngăn cản chuyến đi sứ của triều đình Huế] không đạt được kết quả. Ngày 29 tháng 12 năm 1880, Đề đốc Cloué, vị tân Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa thông tin cho ông Barthélémy Saint- Hilaire, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
97 Ministère des Affaires étrangères, Documents diplomatiques, Affaires du Tonkin I, op.cit., p. 147-148.
“Hôm qua, tôi có gửi điện cho ông Thống đốc Nam Kỳ, đề nghị Thống đốc vận dụng tất cả uy tín ảnh hưởng của mình để thuyết phục triều đình Huế không gửi phái đoàn sứ thần đi Trung Hoa. Đáp lại điện của tôi, ông [Thống đốc] Le Myre de Vilers [1833-1918] cho biết, qua một bức điện tôi vừa mới nhận tức thời, đoàn sứ thần An Nam đã có mặt ở Trung Quốc.98”
98 Ministère des Affaires étrangères, Documents diplomatiques, Affaires du Tonkin I, op.cit., p. 165-166.
Quả thế, tháng giêng năm 1881, đoàn sứ thần triều đình Huế được loan tin đặt chân đến Bắc Kinh, và chính phủ Trung Hoa mong muốn theo đó tạo ra một tiếng vang đặc biệt: cơ quan ngôn luận chính thức “Chính Báo” (Jingbao sic) cho đăng ở vị trí trang trọng bức thư của vua Tự Đức gửi cho hoàng đế [nhà Thanh] Quang Tự, thư bắt đầu với dòng chữ: “Nguyễn Phúc Thìn99, vua An Nam, khép mình bái lạy và kính gửi bản tấu sau đây cho Hoàng đế [Thanh triều]…”. Để bày tỏ sự quan tâm đối với nước chư hầu [phương Nam], Trung Hoa gửi chiến thuyền tuần tra ở vịnh Bắc bộ trước sự bực tức bực bội của các công sứ Pháp tại Hà Nội và Hải Phòng.
99 Nguyễn Phúc Thìn là lối xưng theo kỵ húy thay cho Nguyễn Phúc Thì, tên riêng của vua Tự Đức: chữ “thìn” hay “thần”, thay cho chữ “thì” không được sử dụng để nói hay viết, và hai chữ gần như đồng nghĩa.
Tự tin với sự hỗ trợ của phía Trung Hoa, triều đình Huế có thái độ không khoan nhượng [đối với phía Pháp] và Đại biện thường nhiệm tại Huế Louis-Eugène Palasne de Champeaux không sao đạt được một yêu cầu phía Pháp đã đưa ra từ nhiều tháng trời: xin vào tiếp kiến trực tiếp với vua Tự Đức. Chính phủ Pháp quyết định gia tăng áp lực quân sự và, vào tháng 7 năm 1881, bỏ phiếu thông qua ngân sách cho [những tính toán ở] vùng Bắc bộ. Vào tháng 9 cùng năm, Đề đốc Cloué nói rõ với Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers rằng “phải có một thái độ và lối nói [nhất định] đối với triều đình Huế, phải làm cho triều đình hiểu là đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc những điều khoản cam kết, vốn đã trở nên vô nghĩa do những mưu mô của chính sách không ngay thẳng trung thực [từ phía triều đình Huế]”. Chưa phải là lúc tiến hành một chiến dịch quân sự nhưng [phía Pháp] như đã muốn hàm ý cho biết một hành động quân sự, là hậu quả không tránh khỏi do thái độ không hợp tác [của triều đình Huế]. Do đó, phía Pháp quyết định thúc đẩy hướng “diễu võ dương oai” bằng việc gia tăng các lực lượng đồn trú ở Hà Nội và Hải Phòng.
Palasne de Champeaux (bản vẽ của ông Tôn Thất Sa theo một bức họa trong tác phẩm “La Guerre du Tonkin, t. 128100)
100 DG: BAVH số 1/1916.
Cái cớ cho việc can thiệp [quân sự] gia tăng: vào tháng 10 năm 1881, việc lực lượng dân quân [Việt Nam] và quân Cờ Đen bắt giữ các ông Courtin và Villeroi101 dường như cho phép [phía Pháp] phát động các chiến dịch. Ngày 21 tháng 12 năm 1881, Le Myre de Vilers cho là đã đến thời điểm hành động:
101 DG: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn: “Những lý do người Pháp tạo ra để can thiệp vào Bắc Kỳ; a. Quân Cờ Đen bạc đãi các nhà “bác học” Pháp?” (t. 269-270).
“Trái đã chín, thời cơ đã chín muồi để gặt hái. Nếu chúng ta không ra tay, nhiều kẻ khác sẽ chớp thời cơ, hoặc đất nước này sẽ tan rã […]. Tôi tiên lượng, trong thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta [phía Pháp] buộc phải chiếm đóng thành Hà Nội, kiểm soát việc hành chính của thủ phủ và các vùng lân cận”.
Thêm vào đó, Gambetta đang là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là người chủ trương tích cực cho chính sách [mở rộng] thuộc địa. “Trước thái độ hành xử của quân Cờ Đen”, Le Myre de Vilers đề nghị với Maurice Rouvier, Bộ trưởng bộ Thương mại và Thuộc địa, tăng gấp đôi quân đồn trú ở Hà Nội (16 tháng giêng năm 1882). Nhiệm vụ này được giao quyền chỉ huy cho [đại tá hải quân] Henri Rivière. Ngày 17 tháng giêng năm 1882, Le Myre de Vilers gửi nhiệm vụ lệnh cho vị đại tá H. Rivière: “Do cuộc tấn công mà nạn nhân là hai ông Courtin và Villeroi, những nhà du hành người Pháp có đầy đủ thông hành hợp lệ…”, [phía Pháp] buộc phải đánh đuổi bọn Cờ Đen và khai thông đường thủy trên sông Hồng. Chiến dịch này mở ra với việc tăng gấp đôi quân đồn trú ở Hà Nội, và lệnh này được Bộ trưởng Bộ Hải quân Jauréguiberry chuẩn thuận vào ngày 4 tháng 3.