Triều đình Huế đã hiểu những điều khoản của hòa ước theo cách thuận lợi cho mình, trong khi đó phía Pháp tại chính quốc và tại Nam Kỳ lại diễn giải theo cách khác phù hợp với những tính toán lợi ích chiến lược và kinh tế. Mỗi lần phía Pháp lấn tới hay đe dọa, triều đình Huế lại tìm cách nới thòng lọng bằng việc vận động những đối tác khác trong vùng, và mỗi lần triều đình Huế chủ động một việc gì đó thì phía Pháp lại gia tăng áp lực. Vào tháng giêng năm 1876, chẳng hạn, triều đình Huế đã thư cho chính quyền Hồng Kông và Singapour để đề nghị mở lãnh sự quán An Nam ở các cảng biển. Cùng năm đó, một phái đoàn khác của An Nam sang Bắc Kinh. Vài năm sau đó, vào tháng 11 năm 1879, một phái đoàn sứ thần Tây Ban Nha được đón tiếp ở Huế và đã ký kết với triều đình An Nam một hiệp ước thương mại (27 tháng 1 năm 1880) với hai điều khoản quan trọng: mở các lãnh sự quán Tây Ban Nha ở các cảng tự do thông thương của Việt Nam và sự tự do đi lại giữa Việt Nam và Philippines. Điều khoản thứ nhất như thế đặt để lại vấn đề “độc quyền lãnh sự” của nước Pháp, và điều khoản thứ hai như thế mở cửa cho việc nhập khẩu ồ ạt nhân công rẻ tiền [“coolies” sic]. Phản ứng của phía Pháp luôn cùng một hình thức: những áp lực đe dọa triều đình Huế đồng thời là những hành động giới hạn tại khu vực Bắc bộ. Và điều đã đẩy người Pháp đến hành động đáp trả chính là việc triều đình Huế kêu gọi Thiên triều đảm bảo duy trì ổn định ở phía bắc vùng Bắc bộ.
Cuối năm 1878, Li Yangcai [Lý Dương Tài], một võ tướng Trung Hoa ở vùng Quảng Tây, nổi dậy chống lại chính quyền Trung Hoa, thâm nhập vào vùng Bắc bộ. Tướng Lý có một lực lượng khoảng một vạn quân, sau đó lại có sự tham gia của những bộ tộc vùng núi và thổ phỉ Cờ Vàng. Lý Dương Tài mau chóng tự xưng là hậu duệ nhà Lý, một triều đại đã nắm quyền từ năm 1009 đến năm 1225 (sic), để đòi lên ngôi. Lực lượng của triều đình do quan [Khâm sai] Hoàng Tá Viêm chỉ huy, không sao đẩy lùi được quân của kẻ nổi loạn đang chiếm đóng các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, rồi tiếp đến các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Ninh. Triều đình Huế phải quay sang cầu viện Thanh triều, thay vì nhờ đến Thống đốc Nam Kỳ, theo như khả năng điều khoản 2 Hòa ước [Giáp Tuất] 1874 cho phép: nước Pháp “hứa giúp đỡ hỗ trợ, và cam kết với [hoàng đế An Nam] sẽ cung cấp theo yêu cầu [của triều đình Huế], và một cách miễn phí, sự hỗ trợ cần thiết để duy trì trật tự và ổn định ở các vùng của vương triều, giúp vương triều chống lại mọi cuộc tấn công”. Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) gửi một đội quân với tướng chỉ huy là Feng Zicai [Phùng Tử Tài], sẽ liên kết chống giặc với lực lượng triều đình Huế và quân Cờ Đen. Vào tháng 5 năm 1879, tướng Lý Dương Tài bị đẩy lùi về hướng bắc, rồi bị bắt giữ vào ngày 17 tháng 10. Nhưng Phùng Tử Tài là một tay nổi loạn quy hàng nhà Thanh, không muốn rời khỏi Đại Nam nếu không thu được lợi lộc nào đó đáng kể cho bản thân và quân lính. Trong vụ việc này, các công sứ Pháp, đặc biệt là Kergaradec, đã thử tận dụng cơ hội có nổi loạn để biến vùng Bắc bộ thành đất bảo hộ thực sự. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Waddington, ghi ngày 1 tháng 10 năm 1879, đề đốc Jauréguiberry nói rất rõ rằng các cơ quan ngoại giao đoàn phía Pháp đã nghiêm chỉnh xem xét phương án “tước lấy” của vua Tự Đức vùng Bắc bộ “tiếp theo một sự tiếp xúc dàn xếp với viên chỉ huy của lực lượng nổi dậy”. Đề đốc viết thêm “Bắc bộ, một vùng chư hầu ít chịu nhẫn nhịn của xứ An Nam, rồi sẽ quay trở lại dưới trướng của vương quyền An Nam, sau khi đã không ngừng phản đối phản kháng [chống lại triều đình]? Hay là chúng ta [người Pháp] sẽ tạo cho vùng Bắc bộ có được quyền tự chủ dưới sự lãnh đạo của một [hậu duệ] đại diện ít nhiều nghiêm túc của triều đại nhà Lý trước kia? Trong cả hai trường hợp [tính toán như vậy], chúng ta sẽ đặt vùng Bắc bộ vào chế độ Bảo hộ [“Protectorat” sic được viết hoa] của nước Pháp”92.
92 Ministère des Affaires étrangères, Documents diplomatiques, Affaires du Tonkin I, op.cit., p. 119-120.
Sau khi vụ tướng nổi loạn Trung Hoa đã được giải quyết, viên công sứ Pháp tại Hà Nội đã không che giấu sự lo lắng trong trao đổi với giới chức Pháp tại Nam Kỳ: tại Bắc bộ, các lực lượng triều đình Việt Nam không đủ sức duy trì ổn định nếu không có sự hỗ trợ của quân Cờ Đen, và lực lượng Trung Hoa có vẻ như muốn ở lại gần như vĩnh viễn ở các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh. Việc đi lại trên sông Hồng không còn được tuyệt đối an toàn, mặt khác lại nổ ra một trận dịch tả ở các vùng Hà Nội và Hải Phòng. Tóm lại, tình hình là nghiêm trọng, và những lợi ích của nước Pháp bị đe dọa, do đó có thể nên nhắm đến việc thực hiện một “chế độ bảo hộ thực thụ”. Nhưng ở Paris, cho đến 1879, các chính phủ Pháp, khuynh hướng bảo thủ, chưa quyết định dứt khoát về một hành động vũ lực, mặc dù có những khuyến nghị [thuận lợi] từ phía các sĩ quan trẻ thuộc quân chủng hải quân, dù đang đương nhiệm hay đã chuyển sang ngành ngoại giao hay hành chính, như trường hợp các ông Rheinart hay Kergaradec. Trong khi đó, Toàn quyền xứ Nam Kỳ lại được phép gửi quân chi viện cho lực lượng đồn trú ở Hà Nội và Hải Phòng.
Tổng trú sứ Rheinart (ghi chú: ông Tôn Thất Sa vẽ lại, theo một bức họa được lưu trữ tại phòng họp của Viện Cơ Mật tại Huế93)
93 DG: BAVH số 1/1916.
Đầu năm 1879, giới chính trị theo xu hướng Cộng hòa lên nắm quyền, tình thế sẽ thay đổi: tại xứ Nam Kỳ [thuộc Pháp], có chủ trương chấm dứt “quyền lực trong tay các vị Đề đốc”, và bổ nhiệm một vị Toàn quyền dân sự đầu tiên, đó là ông Le Myre de Vilers. Ở Huế, vị Đại lý Philastre (chargé d’affaires sic, hay “đại biện thường nhiệm”), vốn được biết như có thái độ chống lại một chính sách hiếu chiến [từ phía Pháp], được bãi nhiệm và thay thế bởi [Tổng trú sứ Pierre-Paul] Rheinart, người được giao chỉ thị xử lý ngược lại với chiều hướng quá hòa hiếu của người tiền nhiệm Philastre94. Mặt khác, vào tháng 2 năm 1879, việc bổ nhiệm đề đốc Jauréguiberry vào chức Bộ trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa, một bộ phụ trách việc bảo hộ, lại củng cố thêm cho phe chủ trương can thiệp [vào An Nam]: Jauréguiberry là một trong những sĩ quan hải quân hiếm hoi thuộc phái Cộng hòa và trước đó đã là Thống đốc xứ Nam Kỳ. Cùng với Rheinart và Kergaradec, Jauréguiberry đẩy tới một cuộc diễu võ dương oai bằng chiến thuyền tại kinh thành Huế cộng với một hành động ở vùng Bắc bộ nhằm buộc [triều đình Huế] xem xét lại Hòa ước ký kết năm 1874, với mục đích là chấm dứt “tình trạng [vị thế] không rõ ràng của nước Pháp ở Bắc bộ”. Vào đầu tháng 10 năm đó, ông Bộ trưởng yêu cầu gửi một đoàn quân viễn chinh 6000 lính đến Bắc bộ. Khủng hoảng tại Tunisie95 [Bắc Phi] làm chậm lại kế hoạch can thiệp ở vùng Viễn Đông, cũng trong thời gian này sự thất bại của lần viễn chinh ở Mehico [1861- 1867] vẫn còn khắc sâu trong ký ức [người Pháp].
94 DG: Xem thêm Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn: Nguyễn Văn Tường tranh thủ Philastre, và việc Philastre trách móc F. Garnier (t. 129 -133).
95 Hội nghị tại Berlin (1878), Tunisie được giao cho nước Pháp, đổi lại nước Anh được nhận đảo Chypre. Việc chia chác Đế chế Ottoman đã làm phật lòng nước Ý vốn có những quyền lợi rất lớn ở Tunisie. Với thái độ trung lập của nước Anh, nước Pháp đã xoay xở trong hai năm để củng cố các vị trí của mình. Cuối cùng, vào đầu năm 1881, nước Pháp can thiệp trực tiếp rồi áp đặt chế độ bảo hộ đối với Tunisie thông qua hiệp ước Bardo mà thống đốc Tunisie buộc phải ký kết (12 tháng 5 năm 1881).