Ngay khi De Courcy đặt chân đến Huế, Tôn Thất Thuyết đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc đối đầu không sao tránh khỏi. Ông Thuyết có trong tay khoảng hơn một vạn quân với một giàn pháo gồm sáu khẩu sơn pháo, sáu khẩu pháo cỡ nòng 12, ba khẩu nòng quay và hai cỗ súng máy. Vì biết rõ hỏa lực và sự cương quyết phía đối phương, Nguyễn Văn Tường không tin vào một thời cơ hành động tức thì. Trong số những nhân vật muốn giải quyết ôn hòa còn có Hoàng tử Hoài Đức, hoàng đệ của vua Thiệu Trị, Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hiệp. Không có mạng lưới tình báo, tướng De Courcy không nắm được tin tức nào chính xác về những âm mưu chuẩn bị [phía Việt Nam]. Tệ hơn thế nữa, ông không để tâm đến những đồn đại lan truyền được Giám mục Caspar, địa phận Huế, và đại tá Pernot cung cấp. Thuyết đã nghĩ đến việc tấn công vào đồn Mang Cá và phái bộ Pháp [tại Tòa Khâm sứ] lúc tiệc tối đến cao điểm, thời khắc các sĩ quan Pháp đều tập trung ở sân vườn của phái bộ, nhưng các thầy bói toán đã ngăn vì cho rằng không phải là giờ tốt. Do đó, cuộc tấn công từ phía quân Việt Nam được châm ngòi phát động trễ hơn, vào khoảng thời khắc đầu tiên của sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885.
Trong tiếng nhạc, dưới những chiếc đèn lồng và giữa bá quan văn võ khách mời, tướng De Courcy vô tư lự và, vào lúc 22 giờ, khi trung úy Bouché đến trình báo có những di chuyển [binh lính] đáng ngờ [của đối phương Việt Nam], ông tướng đe ngay là sẽ cho tạm giữ tám ngày vì “báo cáo láo”. Vào khoảng 23 giờ, các sĩ quan rời buổi tiệc phái bộ để về lại nơi đóng quân. Khi các khẩu pháo [Việt Nam] đồng loạt nổ súng, phía Pháp hoàn toàn bất ngờ: là thời điểm sĩ quan binh lính Pháp đã vào giường hay nghỉ ngơi. Tướng De Courcy ra lệnh cho lực lượng của phái bộ Pháp ngưng phản pháo vì cho rằng triều đình Huế đang cho bắn những phát súng danh dự để chúc mừng tướng quân đến Huế. De Courcy hoàn toàn chưng hửng khi buộc phải nhận ra đây là một cuộc tấn công [từ phía Việt Nam]. Đồn trại, các gian nhà phụ và chuồng trại của phái bộ Pháp đã làm mồi cho lửa đạn, trong khi đó đồn Mang Cá và khu nhượng địa bị lực lượng quân khởi nghĩa liên tục giội pháo. Do đã không có những biện pháp đề phòng, De Courcy mất liên lạc với quân Pháp ở Mang Cá, nơi đang phải chịu một cuộc tấn công khốc liệt nhất. Các hỏa tiễn gây cháy rơi trúng vào các tòa nhà phía Pháp, tường bao của khu vực nhượng địa bị phá đổ, khu đóng quân của hai đại đội bộ binh Bắc Phi bị bắn cháy. Quân khởi nghĩa đã xâm nhập được vào khu nhượng địa. Sĩ quan và binh lính Pháp choàng tỉnh, mắt nhắm mắt mở gắng tập hợp lại và cố thủ với đạn dược súng ống còn trong tay. Quân lính Pháp đã phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ để đẩy lùi lực lượng tấn công và dập tắt các đám cháy. Tiếp đó, lợi dụng sự không chính xác của các đợt bắn pháo từ quân của Tôn Thất Thuyết, trung tá Pernot đã lập lại được một phòng tuyến từ khu vực phái bộ Pháp đến đồn Mang Cá, theo đó cho đặt các khẩu pháo: với sự hỗ trợ hỏa lực hùng hậu của chiến thuyền Javeline đang thả neo trên sông Hương, các khẩu pháo quân Pháp đã phá hủy nhiều cứ điểm của quân khởi nghĩa và nhiều tòa nhà trong kinh thành và Hoàng thành. Dần hồi, từ khu vực nhượng địa của Pháp, cuộc phản pháo giảm dần và rồi gần như ngưng hẳn lúc mặt trời lên. Những đám cháy giờ đây như bập bùng soi rọi bầu trời của kinh thành Huế.
Về phần khu vực phái bộ Pháp [Tòa Khâm sứ], cuộc báo động đã như đột ngột bùng lên: ngay trước mũi của người Pháp, những ngày trước đó, phía quân khởi nghĩa đã di chuyển các khẩu pháo từ Thành Nội ra tận bờ nam [sông Hương], và khi cuộc tấn công nổ ra, hỏa pháo và đạn pháo đã trút như mưa xuống khu vực phái bộ và các khu nhà trực thuộc. Mọi người đều hoảng hốt hỗn loạn: người Pháp, phần lớn, đều chạy chân không, còn mặc đồ ngủ để lao vào chiến đấu, gắng tập hợp lại trong phái bộ quanh tướng De Courcy, vì phần lớn các tòa nhà của phái bộ đã bị cháy, ngoại trừ khu vực dành cho bộ phận phụ trách điện báo. Trận chiến kéo dài trong hai tiếng đồng hồ, bất phân thắng bại, nhưng dần hồi, khi pháo của Tôn Thất Thuyết giảm dần thì các lực lượng quân khởi nghĩa bắt đầu rút lui. Lợi dụng lúc ngơi tiếng súng, De Courcy cho Créteaux, người phụ trách văn phòng điện báo, gửi đi bức điện đầu tiên:
“Phái bộ và [đồn] Mang Cá bị bất ngờ tấn công vào lúc một giờ sáng bởi toàn bộ lực lượng [Việt Nam] tại Thành Nội. Toàn bộ khu vực thủy quân lục chiến đóng quân hay khu nhà tranh xung quanh phái bộ đã bị hỏa pháo hay quân đối phương tự tay thiêu rụi. Khu nhà phái bộ còn nguyên vẹn. Không có tổn thất trầm trọng. Không sao có tin tức về những gì đã xảy ra ở đồn Mang Cá nơi tiểu đoàn 3 lính Bắc Phi đóng quân. Thành Nội bị cháy ở nhiều nơi: cuộc đọ súng đọ pháo rất khốc liệt. Theo hướng bắn pháo, tôi tin chắc là quân đối phương đã bị đẩy lùi. Tôi đã bảo vệ được khu vực nhà tranh dành cho phần hành điện báo. Tôi đã ra lệnh cho Hải Phòng gửi quân tăng viện. Tôi hoàn toàn không có gì phải lo lắng.”
Và thực tế là trung tá Pernot đã tung quân ra trong kinh thành, đẩy lùi lực lượng khởi nghĩa, lần lượt giành lại các vị trí trên tường lũy kinh thành nơi ông Thuyết trước đó đã cho đặt các khẩu pháo: trên đường phố kinh thành, người ta đã hiểu ngay là quan Phụ chánh đã thua cuộc. Và rồi hai tiểu đoàn lính Bắc Phi bao vây Hoàng Thành. Vào khoảng 5 giờ sáng [ngày 5 tháng 7], quân khởi nghĩa bắt đầu rút lui về hướng đông.
Bản đồ các hướng phản công [các mũi tên màu đỏ trên bản gốc nhiều màu] của lực lượng Pháp tại Kinh thành Huế vào rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, trích dẫn từ một tập tài liệu của đại úy Bastide, được ông Nguyễn Thứ phóng to149
149 DG: BAVH số 1-2/1933.
Bị thức giấc bởi tiếng đạn pháo, vị vua trẻ tuổi Hàm Nghi cảm thấy lo lắng và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Phụ chánh Tôn Thất Thuyết vào bệ kiến và bẩm là quân Pháp đã tấn công. Một lát sau, khi cuộc đọ súng có lúc tạm ngừng, Thuyết long trọng tuyên bố là đã thắng trận, nhưng Nguyễn Văn Tường lại cẩn thận cho rằng phải đợi đến lúc trời sáng hẳn mới có thể khẳng định quân Pháp đã bại trận. Thực tế là Tôn Thất Thuyết đã quá lạc quan, đánh giá quá cao lực lượng Việt Nam đồng thời đánh giá thấp phía đối phương. Và rồi, vào thời khắc trời tờ mờ sáng, lúc đức vua đang được dâng hầu bữa điểm tâm thì đột ngột được báo tin quân Pháp đã đánh tràn vào Thành Nội, đang tiến gần đến hoàng cung! Giờ thì khó có ai còn tin vào đại thần Tôn Thất Thuyết có thể đẩy lùi quân địch. Đã 5 giờ sáng, Phụ chánh Nguyễn Văn Tường phải có ngay những biện pháp khẩn cấp để đảm bảo một nơi an toàn cho vua: ông cho gọi ngay phu kiệu, quạt hầu, lọng vàng để lên đường ngay tức khắc. Tôn Thất Thuyết từ phía các tường thành thất thần chạy về để hộ tống đoàn ngự giá đi ra theo cửa Quảng Đức, hướng tây-nam của Kinh thành rồi nhắm hướng bến đò. Đã có rất nhiều người trốn chạy khỏi Kinh thành, “tiếng gà vịt quang quác, tiếng chó sủa vang, hòa vào tiếng chúng sanh náo động”150. Vì muốn rời khỏi kiệu, vị vua trẻ bị lún chân vào bùn nhão ở bờ sông. Thật là điềm xấu. Nhà vua bật khóc. Không sao tìm được một chiếc đò [để qua sông]. Đám đông lại dồn đến, “lũ lái đò thật khốn nạn, lợi dụng chuyện tai họa mà đòi những món tiền khủng cho chuyện chở người qua sông. Người thì phải bỏ ra cả khối nén vàng vòng bạc, kẻ thì phải xòe ra cả những tấm lụa là”. Đoàn ngự giá đi ngược lên sông Hương, ngang qua trước chùa Thiên Mụ, ra đến làng La Chữ thì dừng chân, nơi có một doanh trại mới lập ra của giới sĩ phu. Thế rồi nơi đây đã diễn ra cuộc tranh cãi gay gắt công tội: Tôn Thất Thuyết từ tuyến đầu trở về, nộ khí xung thiên gây sự với quan Thị lang bộ Hình Tôn Thất Phan, là người đã hết mình chủ trương kháng cự [chống Pháp] đến cùng rồi bỏ chạy ngay khi tiếng súng nổ; ông Thuyết cũng mạt sát ông Châu Đình Kế, Thượng thư bộ Công và ông Phạm Thận Duật, Thượng thư bộ Hộ, cho rằng hai ông này kém cỏi bất tài làm cho một kế hoạch tài tình như vậy [của Phụ chánh Thuyết] đổ vỡ. Hoàng Thái hậu cố gắng làm ông Thuyết dịu giọng. Tôn Thất Thuyết giao việc hộ giá cho Đô thống Hữu quân Hồ Văn Hiển [“Hiền” ở bản gốc tiếng Pháp] và quan Tham tri bộ Binh Trương Đăng Đệ. Lúc đó thấy thiếu mất quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lo ngại có sự phản bội: ông cho đoàn ngự giá lên đường ngay về hướng bắc, để gắng đưa vua thoát đi xa khỏi tầm khu vực quân Pháp.
150 E. Le Bris, “Complainte annamite […]” op.cit. p. 25. La “Complainte sur la prise de la capitale” (Vè thất thủ kinh đô”) est un poème populaire anonyme des années 1900-1914 que récitaient les conteurs publics.
Nhưng giờ đây đã có đến hàng ngàn, hàng vạn dân thường của Kinh thành khắp các nẻo đường trốn chạy thật hỗn độn chen chúc ngựa xe, ghế kiệu, người thì đi bộ, kẻ thì cưỡi ngựa, phụ nữ bồng bế con trẻ, cả dòng tộc cùng đi, người già trẻ nhỏ, cả những “cành vàng lá ngọc” vốn quen đi lại bằng kiệu, đây là lính tráng, kia là lính lệ, quan thầy [đủ cả mọi thành phần] v.v. Kẻ mạnh đạp lên kẻ yếu, rồi lũ bất lương thì chớp lấy thời cơ kiếm chác: đây một bà góa mù, vốn là phu nhân quan lớn, được người hầu dắt đi thì bị cướp ngay lấy chiếc hòm nhỏ chứa vài đồng tiền thưởng bằng vàng vớt vát được vào phút cuối; kia là ngài hoàng tử Chánh Mông (người mà Jules Sylvestre đã nói cần phải giữ lại ở tư dinh không để chạy theo các quan Phụ chánh) đang phi ngựa bỏ chạy thục mạng làm rơi vãi đây đó vài đồng tiền vàng được giao cất giữ. Ở kia xa, khói từ các đám cháy bốc lên trên Kinh thành Huế…
Cuối cùng, vào lúc chiều tối ngày 5 tháng 7, đoàn ngự giá lại tiếp tục lên đường với một đội hộ vệ ít quân hơn vì số kẻ đào tẩu đã tăng lên nhiều. Tôn Thất Thuyết đích thân chỉ huy đoàn ngự giá. Người vua lắc lư mạnh theo chiếc kiệu, đầu va vào cả các thanh gỗ: nhiều nhân chứng đã nghe tiếng ngài khóc.
[Lược bỏ 6 dòng]
Và rồi, khi chiều xuống, đoàn ngự giá trông vô cùng lộn xộn khi về đến làng Văn Xá để nghỉ đêm. Sáng hôm sau, lúc mờ sáng, đoàn ngự giá lại lên đường để về đến Quảng Trị vào khoảng 10 giờ sáng. Lúc người ta đang dọn bữa ăn trưa cho vua và các quan đại thần thì có những nhóm binh lính khác vừa đến từ Văn Xá: không có gì để nhét bụng thế là nổ ra một cuộc ẩu đả. Tôn Thất Thuyết phải đích thân đứng ra giải quyết. Sau một đêm và một buổi sáng phải chiến đấu gian khổ, thêm một đêm thức trắng và hành quân nhanh gần 70 cây số, tinh thần binh lính đã xuống thấp, do đó Thuyết cho phép một số binh lính được nghỉ ngơi vài ngày. Ngoài ra, trên 400 lính còn lại, 250 người đã được cho giải ngũ. Dù vậy vẫn tiếp tục có hiện tượng lính đào ngũ. Triều đình nhóm họp toàn thể trong thành nội [Quảng Trị]: đại đa số thuận lòng quay trở về Huế. Hoàng Thái hậu Từ Dũ, Hoàng hậu Trang Ý, Hoàng hậu Học Phi và đa số các hoàng tử có mặt đều từ chối theo chân Tôn Thất Thuyết lên vùng núi của Cam Lộ, họ quyết định về lại kinh thành. Khi vua Hàm Nghi bày tỏ mong muốn nghe theo Hoàng Thái hậu, Thuyết nói một cách thẳng thừng: “Nếu bệ hạ muốn quay về Huế thì xin ngài để lại đầu của ngài nơi đây”151. Tôn Thất Thuyết không nhượng bộ và quyết định đưa vua Hàm Nghi theo: Thuyết cho chuẩn bị những thứ cần thiết, binh lính đồn trú ở Quảng Trị được lệnh giã gạo [dự trữ lương thực], chuẩn bị sẵn sàng lên đường vào sáng hôm sau. Sự bất bình gia tăng [trong hàng ngũ]. Tôn Thất Thuyết lệnh cho quan tuần vũ Quảng Trị, Trương Đăng Đản, cho chuyển toàn bộ kho lương thực ra Tân Sở, rồi sai tổ chức một đội bảo vệ cho Hoàng Thái hậu và các hoàng tử muốn ở lại Quảng Trị trong khi chờ về lại Huế. Tối hôm đó, Thuyết được tin Nguyễn Văn Tường đã quy hàng phía Pháp và nay đứng đầu nội các triều đình: Thuyết hết sức tức tối và gửi bộ hạ đốt cháy tư dinh của Nguyễn Văn Tường ở Kinh thành. Nguyễn Văn Tường đã chẳng chạy theo dòng người hoang mang hoảng hốt lánh nạn. Lợi dụng lúc lộn xộn, Nguyễn Văn Tường đã bỏ đoàn ngự giá152 rồi đến lánh nạn ở tu viện Kim Long, nơi ở của Giám mục Caspar: nơi đây, ngay từ tối ngày 5 tháng 7, ông đã mở cuộc đàm phán với phía Pháp.
151 Nguyễn Thị Bích, Hạnh Thục Ca (1885), cité dans Charles Fourniau, Vietnam […] op.cit. p. 374. Nguyên Thi Bich, princesse lettrée du harem de Tự Đức, préceptrice de Kiến Phúc, écrivit un long poème pour raconter la chute de Huê et la fuite de la cour à laquelle elle participa.
DG: Về mối quan hệ giữa hai quan Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, và việc rời bỏ kinh thành của vua Hàm Nghi, xem thêm Nguyễn Quốc Trị, “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn” (sđd, t. 902-918).
152 DG: Xem thêm các bài của A. Delvaux, BAVH số 2/1920 và BAVH số 3/1941.
Phía Pháp cũng rất cần việc này vì sau những cơn đụng độ hỗn loạn, tướng De Courcy cũng chẳng biết phải giải quyết như thế nào. Khi đoàn ngự giá rời Kinh thành với sự hộ tống của Nguyễn Văn Tường, cuộc chiến trong kinh thành vẫn chưa kết thúc. Tôn Thất Thuyết vẫn nỗ lực để đảo ngược tình hình trong hơn một tiếng đồng hồ, nhưng các khẩu pháo của phía Việt Nam dần hồi tắt tiếng, lực lượng Việt Nam càng lúc càng thêm giảm quân số do bỏ ngũ trước các đòn phản công của các tiểu đoàn lính Bắc Phi và thủy quân lục chiến vốn vượt trội về súng ống hỏa lực. Vào khoảng 7 giờ sáng, quân Việt Nam thử một cuộc phản kích cuối cùng nhưng vô vọng, bị đẩy lùi bởi lực lượng của thiếu úy Blondat và sĩ quan chỉ huy Metzinger lúc đó đã vào đến chân tường thành của Tử Cấm Thành. Tiếp đó, được sự hỗ trợ của cánh quân của trung tá Pernot, cánh này đã băng qua Kinh thành từ bắc xuống nam để đến cổng Hiển Nhơn, cánh cổng lại không sao mở ra được. Quân Pháp vượt qua các vòng thành bên trong [Hoàng Thành] rồi tiếp cận sân điện lớn nằm ngay sau cổng Ngọ Môn: khu vực Tử Cấm Thành hoàn toàn bị chiếm đóng. Quân Bắc Phi tự làm một cờ tam tài để treo lên cột cờ của Hoàng Cung. Đến 8 giờ sáng, cung điện của hoàng đế đã rơi vào tay quân Pháp. “Từ rạng đông đến giờ Tý, quân Pháp đã quét sạch [quân Việt], và giờ đây lá cờ Pháp tung bay trên Kỳ Đài153 [của Kinh thành Huế]”. Chỉ đến trưa người ta mới mở được các cổng vào cung điện: chỉ còn bắt gặp khoảng bốn mươi người phụ nữ và vài con voi của hoàng cung.
153 E. Le Bris, “Complainte annamite […]” op.cit. p. 27. Giờ Tý tương ứng với 10 giờ sáng; “Kỳ Đài” là một cột cờ rất lớn đối diện ngay với cổng Ngọ Môn.
Phía Pháp, về thương vong sau trận đánh, có hai mươi ba người tử trận và mười bốn người bị thương nặng; phía quân Việt Nam, có khoảng một ngàn ba trăm người chết. 11 giờ sáng ngày 5 tháng 7, tướng De Courcy gửi một bức điện về Paris để báo tin chiến thắng:
“Chúng ta đã kiểm soát được Thành Nội, thu được 1.100 khẩu pháo. Lực lượng của Pháp thật rất đáng khen ngợi, đầy tự tin. Có thương vong đáng kể. Cuộc tấn công của người An Nam bắt đầu nổ ra vào một giờ sáng hôm nay, nhắm vào đồng thời cả hai nơi, chỗ chúng ta đóng quân trong thành và khu nhà phái bộ Pháp [Tòa Khâm]. Quân tấn công lên đến 30.000 người, đầu tiên sử dụng các loại hỏa pháo để đốt cháy khu nhà tranh đồn trú ở đồn Mang Cá và ở khu vực phái bộ. Quân trang đã bị cháy hết. Súng đạn lương thực được bảo toàn. Tòa Khâm sứ của phái bộ Pháp bị đạn pháo bắn thủng nhiều nơi. Tôi đã đề ra các biện pháp cần thiết để đẩy lùi một cuộc phản kích có thể xảy ra khi đêm đến, ít nhất là có thể nhắm vào khu vực phái bộ. Xin [trung ương] không phải lo lắng”154
154 Archives Affaires étrangères MD. Asie. 47; f°21.
Tướng De Courcy, ảnh do ông Tôn Thất Sa họa lại theo một bức vẽ của H. Meyer, đăng trong cuốn La Guerre du Tonkin [của Lucien Huard], t. 785155.
155 DG: BAVH số 1/1916.