Trong khi đó, từ hai năm trước, phía Việt Nam đã chuẩn bị cho việc triều đình cùng nhà vua rút đi về hướng bắc, mà không hề hay biết Sylvestre đã chuẩn bị cho cả khả năng này, và ông cũng mong muốn [kế hoạch] cứ như thế diễn ra. Công việc xây dựng một thủ đô bí mật (mà rồi chẳng còn mấy bí mật) ở Tân Sở, thuộc tỉnh Quảng Bình139, đã bắt đầu từ khoảng cuối triều vua Tự Đức, vào đầu năm 1883. Việc chuẩn bị như thế đã phải tuyển mộ những nông dân ở các vùng lân cận, huy động lính tráng ở các phủ trấn xung quanh và thậm chí dùng cả phạm nhân ở công trường. Nguyễn Văn Tường, trước đó được bổ nhiệm hai lần ở vùng này, có lẽ là người đã ra quyết định chọn một địa bàn như vậy: một bình nguyên ở độ cao một trăm mét phía Tây-Nam của thị trấn Cam Lộ, gần với hai ngôi làng của những người nông dân nghèo khổ. Địa bàn được chọn theo như quan niệm của Trung Hoa cổ đại về một thủ phủ lý tưởng cho vương quyền: “Là thành đô hình vuông của Con người Duy nhất [trong Thiên hạ], thủ đô, trung tâm của thế giới, mở ra theo bốn cửa”. Và thật thế, thành [Tân Sở] có hình vuông hoàn chỉnh, mỗi cạnh dài gần một cây số, với hai vòng thành với cọc nhọn cao đến bốn mét và bốn hàng rào tre, hàng rào được ngăn với nhau bởi một con hào rộng cỡ mười mét. Chính giữa mỗi cạnh của thành là một cổng vào: bốn cổng của thành nhắm về bốn hướng [Đông Tây Nam Bắc]. Ở trung tâm của thành là một vòng thành thứ hai cao hai mét bảo vệ cho Thành Nội tương đương với Hoàng thành tại Kinh thành Huế. Cuối cùng, ở ngay chính trung tâm là một không gian sau cùng tượng trưng cho Tử Cấm Thành nơi làm Hậu Đường (sic) dành cho hoàng đế: phía bắc được bảo vệ với nhà viên chỉ huy của thành, phía nam có điện Tiền Đường (sic) được trấn với hai khẩu pháo thế kỷ XVIII cực lớn ở hai bên, phía đông và phía tây là tư gia của hai vị đại thần. Trong Thành Nội [ở Tân Sở] thấy có những bếp ăn, các kho lương thực và kho lẫm, kho báu, và ở các góc thành có bốn ụ súng có trang bị khẩu pháo. Bên ngoài vòng thành này có các trại lính, một ngôi chợ và bốn giếng nước. Bên ngoài nữa, phía bắc có một ngôi làng và một kho thuốc súng; phía nam có các chuồng voi và kỳ đài với cờ phướn của nhà vua. Nguyễn Văn Tường cũng là người chịu trách nhiệm việc triển khai kế hoạch xây dựng và củng cố con đường xuất phát từ Kinh thành Huế [đến Tân Sở]140.
Thành Tân Sở theo bản vẽ của Delvaux141
139 DG: Tác giả có sự nhầm lẫn, Tân Sở thuộc địa bàn làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
140 DG: Xem thêm Đỗ Bang, “Hệ thống phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn”, t. 155-160; A.Delvaux, “Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam”, BAVH 3/1941, p. 270 bis.
141 DG: BAVH số 3/1941.
Sylvestre đã căng “mạng lưới nhện” [để bắt mồi]: ông hoàn toàn có đầy đủ thông tin về những chuẩn bị của Tường và Thuyết nhằm tránh để triều đình rơi vào tay của phía Pháp. Ngoài vấn đề bố phòng quân sự [phía Việt Nam], Sylvestre còn nắm chi tiết về vấn đề tài chính, được nghiên cứu rất kỹ. Cũng như về tất cả những chuyển dịch đi lại của phu phen Việt Nam ở những vùng núi của Cam Lộ, việc vận chuyển ngân quỹ [phía triều đình] cũng không thoát khỏi lưới tình báo của phía Pháp. Trước đêm định mệnh mồng 4 tháng 7 năm 1885142, ngay từ tháng 6, các quan Phụ chánh đã lệnh cho một quan võ chỉ huy ngự lâm quân, đề đốc Bích, cho di chuyển kho báu của hoàng gia đến một nơi an toàn, một phần đưa về Tân Sở, một phần phân bố ở các tỉnh phía bắc. Vào những ngày đầu của tháng 6, nhiều nhân chứng, đặc biệt là các vị thừa sai và người Việt có đạo, đã báo cho công sứ và các vị phụ trách lãnh sự phía Pháp về các đoàn dài phu khuân vác. Do đó, Jules Sylvestre, đang ở tại Hà Nội, nhận cảnh báo rằng ở Huế, người ta thấy “từng đoàn dài vận chuyển tiền của, đầu tiên về hướng Cam Lộ, tiếp đó về hướng Lào và các tỉnh phía bắc kinh thành. Hàng vận chuyển là những nén vàng nén, bạc được chia sẵn trước đó theo từng lô chứa trong các thùng được bọc chiếu và buộc tre vững chắc để phu phen khuân đi. Và trong suốt tháng 6, các đoàn vận chuyển như vậy nối đuôi nhau không ngớt”143.
142 DG: Tối ngày 22 qua rạng sáng ngày 23 tháng 5 âm lịch, ngày “Thất thủ Kinh đô” theo cách gọi truyền thống của người Huế về ngày này.
143 Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine”, op.cit. XII, p. 95.
Như thế, khi quyết định lên đường đi Huế để trình quốc thư, tướng De Courcy đã nắm trong tay tất cả các thông tin [về tình hình]. Ông điện cho Paris: “Tôi lên tàu đi Huế với một tiểu đoàn lính Bắc Phi [zouaves sic]. Tôi sẽ đến cảng Thuận An vào ngày 1 tháng 7, tôi đề nghị được hoàng đế tiếp kiến vào ngày 3 tháng 7”. Nhưng tướng De Courcy có một quyết định thật lạ lùng: buộc Sylvestre phải trụ lại Hà Nội, nghĩa là ông đã tự đánh mất đi việc có thể trông nhờ vào con người nắm rõ nhất về tình thế, về triều đình Huế, về giới chính trị Việt Nam. Và như đại úy Charles Gosselin đã nhận xét:
“Tướng quân [De Courcy] đã mắc một sai lầm kinh khủng, dù người ta không thể theo đó mà trách móc tướng quân, đó là chẳng nắm hiểu gì hết về xứ An Nam. Tướng De Courcy tỏ ra rất xem thường bản lĩnh người An Nam: ông không tin là đám quan lại An Nam có đủ sức để tỏ rõ bất cứ hành động hùng dũng nào, lại tự nghĩ rằng một tiểu đoàn lính Bắc Phi cộng với một đại đội bộ binh, đi cùng ông với tư cách là quân hộ vệ danh dự, đã đủ để làm khiếp vía các quan Phụ chánh, triều đình Huế cũng như dân thường […]. Với chừng đó [quân lính vũ trang] tướng De Courcy cảm thấy tự tin vô bờ bến”144.
144 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 204.
Tướng De Courcy hẳn nhiên muốn “giáng một đòn thật mạnh”, nhưng chẳng một ai, và có thể kể cả tướng quân, biết chính xác giáng xuống ở đâu và như thế nào. Một bức thư riêng, có lẽ do chính tay Sylvestre viết để gửi cho một vị sĩ quan, cho thấy những mục tiêu của chuyến “hành quân” còn rất mơ hồ:
“Sáng ngày 27 tháng 6, tướng De Courcy, cùng đi có đại tá Crétin và các sĩ quan tùy viên, xuống Hải Phòng để lên con tàu Henri-Rivière khởi hành đi Huế. Theo sau là con tàu Brandon chở theo tiểu đoàn 3 lính Bắc Phi cùng với một trăm năm mươi lính bộ binh. Lính Bắc Phi sẽ đóng quân tại kinh thành Huế, nơi mà tướng De Courcy sẽ có thể phải tỏ ra cương quyết triển khai. Một việc phải làm, thà chậm còn hơn không. Sẽ bắt giữ ông Tường với ông Thuyết? Hay là, tốt hơn hết, đưa cả hai ông này vào thế không còn có thể chống lại phía Pháp? Người ta đồn rằng của cải ngọc ngà châu báu của triều đình Huế đã được các quan Phụ Chánh cho đưa đi cất giữ ở những nơi an toàn, đâu đó ở vùng núi của Lào. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngày nào đó được tin triều đình Huế lên đường đến nơi cất giữ kho báu…”145
145 Ibidem, p. 196-197.
Và thực tế dòng sự kiện diễn biến cho thấy chẳng có gì được thực sự tiên liệu.
Tướng De Courcy đặt chân đến Huế ngày 2 tháng 7 vào lúc 5 giờ chiều và được phái bộ Pháp tiếp đón. Ngày hôm sau, lực lượng Pháp triển khai quân tại kinh thành và các cuộc đàm phán bắt đầu ở phái bộ để hoàn chỉnh các vấn đề nghi thức chuẩn bị cho việc hoàng đế tiếp kiến. Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đến dự. De Courcy tỏ rõ thái độ khinh thường đối với phái đoàn Việt Nam và làm mọi cách sao cho cuộc đàm phán bế tắc đổ vỡ: tướng Pháp đòi mở cổng chính [ở Ngọ Môn vốn chỉ dành cho đức vua] để đi vào cùng với tất cả sĩ quan và binh lính tháp tùng. Mà đây là điều không thể chấp nhận xét về phương diện nghi thức nghi lễ. Ngày hôm sau, 4 tháng 7, khi phái đoàn của Cơ Mật viện đến lại để cố thương thuyết một sự sắp xếp dung hòa, tướng De Courcy không tiếp và cho triều đình hai mươi bốn tiếng để chấp nhận tối hậu thư ông đưa ra: nếu không chấp nhận, ông sẽ có những biện pháp. Sau đó trong ngày, nhiều quan chức được Hoàng Thái hậu Từ Dũ phái đến phái bộ Pháp với nghi thức rất long trọng để chuyển quà cho tướng De Courcy: vị tướng Pháp đuổi họ về với một thái độ cực kỳ thô lỗ. Thái độ của De Courcy lại càng củng cố quan điểm của Tôn Thất Thuyết, trong cùng lúc đó tướng Pháp lại càng tỏ ra rất tự tin vì tin tưởng vào sức mạnh quân sự của mình: trong khi chờ triều đình Huế trả lời tối hậu thư, vào tối ngày 4 tháng 7, tướng De Courcy tổ chức một buổi tiếp tân trong khu vườn được thắp sáng của phái bộ Pháp, mời tiệc tất cả giới chức dân sự cũng như sĩ quan Pháp hiện diện tại Huế.
Bản vẽ Kinh Thành Huế, được đại tá Perrier, phụ trách bộ phận [Bản đồ] Địa dư thực hiện, trên cơ sở những tài liệu được tướng De Courcy cung cấp146
146 DG: BAVH số 1-2/1933.
Trụ sở phái bộ Pháp nằm ở bờ nam sông Hương, đối diện với phần phía đông của kinh thành Huế. Kinh thành được người Pháp lúc đó gọi là “thành Huế” (citadelle de Huê sic), gồm ba phần lồng vào nhau: Kinh Thành là một không gian hình vuông lớn, được bảo vệ với những tường thành vững chắc xây dựng theo lối Vauban, [chạy dọc theo] là các [hộ thành] hào rộng, tạo nên một thành phố đúng nghĩa, với những khu phố, khu vườn, kênh đào, đền miếu, trại lính, có [xưởng] thợ thủ công và [dinh thự] các Bộ. Bên trong không gian hình vuông này là Hoàng Thành, còn gọi là “Thành Nội” (ville intérieure sic), là một không gian vây bọc với các bức tường cao có hào bảo vệ, là nơi tập trung các cung điện của [quý bà] Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu và các Hoàng tử, các đền miếu hoàng gia, thư viện và nhiều dinh điện chính thức khác [của triều đình]. Hoàng Thành mở ra ở hướng nam với cổng Ngọ Môn đồ sộ, được tôn cao lên với Lầu Ngũ Phụng với kiến trúc thanh thoát. Ở vị trí trung tâm của Hoàng Thành là một không gian với tường bao kín mít, Tử Cấm Thành hay “Hoàng cung”, nơi có cung điện của hoàng đế: từ bên ngoài vào đây qua cổng Đại Cung Môn hay “Kim môn” (Porte dorée sic). Ở góc bắc tường thành của Kinh thành có một thành lũy nhỏ, gọi là [đồn] Mang Cá147: từ ngày ký kết hòa ước Harmand, lính Pháp đóng tại đồn này. Ở góc phía đông-bắc của Kinh thành có khu vực nhượng địa của Pháp. Trong cả hai khu vực vừa nói, có trại lính của phía Pháp, do trung tá Pernot chỉ huy.
147 Được đặt tên như vậy do hình thù giống “mang của cá”.
Ngọ Môn với lầu Ngũ Phụng, ảnh chụp thời Pháp thuộc148
148 DG: BAVH số 1/1934.