Vào thời điểm cuối năm 1884, tình thế hoàn toàn khác và sự bất hạnh của nước Đại Nam lúc đó là do giới lãnh đạo đất nước đã không nắm hiểu được bản chất của mối đe dọa: [Lược bỏ 1 dòng] Phụ chánh Nguyễn Văn Tường phần mình thì lại nghĩ rằng có thể cứu vãn được phần nào cái cơ chế truyền thống. Trong khi đó phía đối phương lại lộ diện một nhân vật ngoại hạng, Jules Sylvestre, được tướng Millot, chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh, tin dùng. Jules Sylvestre (1841-1918), là con nhà lính, tham gia vào lực lượng lính thủy đánh bộ vào năm 1858 lúc mới 17 tuổi, đã tham gia vào chiến dịch ở Nam Kỳ với tư cách chỉ huy trưởng tiểu đoàn bộ binh thuộc địa. Năm 1865, ông được chuyển sang ngạch hành chánh thuộc địa nhiệm sở tại Sài Gòn; năm 1880, trong một thời gian ngắn, ông được giao chức ủy viên giám sát Sở Thuốc phiện, tiếp đó trở thành thanh tra phụ trách “Nội chính Bản xứ” (Affaires indigènes sic). Ngay từ khởi đầu cuộc đời chuyên nghiệp, Jules Sylvestre đã tỏ ra rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam, bỏ công tìm hiểu kỹ lưỡng xã hội An Nam và bắt đầu kết giao sâu sắc, thâm tình với những vị thân hào bản xứ. Ông cũng nỗ lực học hỏi tiếng Việt và một ít tiếng Hoa. Bản thảo viết tay vào năm 1881 cho thấy ông đã đọc và viết tiếng Việt theo mẫu tự La-tinh gọi là quốc ngữ, nhưng hiểu biết còn rất ít về chữ Hán: chữ Hán, phần lớn từ tay một người khác viết với màu mực khác, khi được chính tay Sylvestre viết ra thì còn thô và đôi khi bị lỗi không rõ nét. Nhưng mặt chưa vững [về ngôn ngữ] như vậy chẳng mấy quan trọng và chẳng có hệ quả nào, vì giờ đây Sylvestre đã có một đội ngũ thư ký đông đảo gồm những người giỏi chữ Nho và thư pháp, có khả năng giải mã thư từ văn thư viết bằng chữ Hán, gồm các “thầy thông, thầy phán”, các vị chuyên lưu trữ văn thư hay sử quan. Ngoài ra, Sylvestre còn có mối quan hệ chặt chẽ với các vị thừa sai và người Việt có đạo, tất cả tạo thành một mạng lưới nhân sự hỗ trợ cho công việc Nội chính Bản xứ. Qua các mạng quan hệ như vậy, là một mạng lưới thu thập thông tin [tình báo], Sylvestre đã thành công trong việc nắm biết được những ai trong hoàng tộc, trong triều đình, trong thân hào hay quan lại, là thuận lòng theo, trung lập, hay chống lại nước Pháp, ở địa bàn [kinh thành] Huế và cả ở vùng Bắc bộ. Vào tháng 6 năm 1883, Sylvestre được đề bạt Giám đốc Dân sự và Chính trị vụ ở Bắc Kỳ và nhanh chóng trở thành người cộng tác chủ yếu của [tổng ủy viên] Jules Harmand, sau đó thay cho Harmand vào tháng 12 năm 1883. Ông là cố vấn của tướng Millot, sau đó bên cạnh tướng Brière de l’Isle.
Jules Sylvestre (ảnh chụp vào khoảng năm 19001)
1 DG: Nguồn, bản gốc tiếng Pháp, t. 94. Xem thêm LES GRANDS NUMISMATES - Jules Silvestre (1841-1918) của François Joyaux (Compte-rendu du Conseil International de Numismatique, 2011).
Các nhà nho làm thông dịch tại Công sứ Bắc Kỳ132
132 DG: Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (Hachette Paris 1892, p. 521).
Tương tự như Harmand, Sylvestre nghĩ rằng giải pháp cho vấn đề Bắc bộ nằm tại Kinh thành Huế, chính ngay tại kinh thành này sẽ có điểm mở nút thắt mang tính quyết định: Sylvestre đã lưu giữ ý tưởng rằng người Pháp phải là “người thi hành di chiếu” của vua Tự Đức, nghĩa là, trong số nhiều vụ việc khác, người Pháp phải có những biện pháp dự phòng hữu dụng nhằm thực hiện di chiếu, với khả năng tiến hành chuyển giao quyền lực giữa những người thừa kế [ngai vàng]. Trong khi đó, vào năm 1884, trong số ba vị hoàng tử là con nuôi của vua Tự Đức, Ưng Chân, Ưng Đăng và Ưng Kỷ, chỉ còn Ưng Kỷ là còn sống: khi đưa Ưng Lịch lên ngôi, các quan Phụ chánh như thế đã không tuân thủ “thực hiện đúng đắn di chiếu”. Ngoài ra, Sylvestre, người vốn rất am tường lịch sử Việt Nam, cho rằng ý tưởng về sự “phục vương phục quốc”, không tuân phục mang tính lịch sử của vùng Bắc bộ, chống lại quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là một ý tưởng sai lầm, Sylvestre cho rằng nước Pháp có lợi hơn nhiều khi duy trì Bắc bộ nằm trong lãnh thổ vương quyền của “vua An Nam”, vì lẽ Bắc bộ là “cái nôi của “dân tộc An Nam”: nước Pháp cần phải cai trị Bắc bộ vì vua An Nam. Quan điểm đó của Sylvestre nhận được sự ủng hộ của những thân hào vùng Bắc bộ mà tiêu biểu nhất chính là ông Nguyễn Hữu Độ, tổng đốc Hà Nội.
Đại thần Nguyễn Hữu Độ, vào năm 1885, bức họa dựa theo một ảnh chụp đăng trên tạp chí Illustration (do ông L. Sogny cung cấp)133
133 DG: BAVH số 2/1924.
Ông Nguyễn Hữu Độ134 (1833-1888) là hậu duệ của một gia đình có truyền thống làm quan võ, ông nội là Nguyễn Hữu Luận, một trong những vị cận thần từng đồng hành cùng Nguyễn Ánh (vua Gia Long, người sáng lập ra triều đình nhà Nguyễn) lúc Nguyễn Ánh còn bôn ba ở các vùng đầm lầy của miền cực nam nước Việt. Ông Độ đỗ cử nhân vào năm 1867, được bổ về tỉnh Hải Dương nơi ông sẽ đánh dẹp đám nổi dậy và giặc cướp biển trong những năm đầu của thập niên 1870. Năm 1873, ông được bổ làm quan bố chính tạm thời ở tỉnh này. Năm 1876, vua Tự Đức cử ông Độ tiếp nhận vũ khí quân nhu mà nước Pháp đồng ý chuyển giao cho Đại Nam, trong đó có năm tàu chạy bằng hơi nước. Tiếp theo đó, ông Độ đã thuyết phục được phía Pháp không xây sứ quán cho phái bộ Pháp ở một địa điểm mà vua An Nam không đồng ý chuyển nhượng. Với những thành công như thế trong quan trường, ông Độ được bổ làm tuần phủ Hà Nội vào tháng 9 năm 1877. Tiếp đó, ông được tạm thời giữ chức tổng đốc, phụ trách các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang, những nơi ông Độ tỏ ra rất tài năng trong việc đánh dẹp các đám giặc đến từ Trung Hoa và các đám cướp biển. Khi quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, ông Độ được vua Tự Đức bổ làm Khâm sai vào tháng 5 năm 1882: ông tuân thủ lệnh chính thức [từ triều đình Huế] tránh đối đầu với quân Pháp. Là Tổng đốc Hà Nội vào năm 1883, ông vào thế đối kháng với hai ông Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết. Mâu thuẫn chống đối nhau trở nên càng tồi tệ hơn nữa khi vua Hiệp Hòa bị các quan Phụ chánh loại bỏ vào ngày 29 tháng 11 năm 1883: ông Độ tỏ rõ gần gũi hơn với người Pháp và trở thành đồng minh chủ yếu của phía Pháp tại Bắc bộ135. Xưa nay, vẫn có luồng ý kiến coi Nguyễn Hữu Độ như là một kẻ phản trắc mạt hạng [traître absolu sic], tuy nhiên cách hành xử của nhân vật này phức tạp hơn rất nhiều: ông Độ lo lắng cho đất nước mình rơi vào tình thế thuộc địa tương tự như trường hợp Philippines hay Java [Indonesia] và ông nghĩ là người Pháp có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa nhưng không đánh mất đi bản sắc, do đó phải chấp nhận những nhượng bộ: những gì trao nhượng cho phía Pháp thì ngày nào đó có thể thu hồi lại một khi Việt Nam, tương tự như nước Nhật, trở thành một nước hùng mạnh ngang ngửa với các nước phương Tây.
134 DG: Về gia thế ông Nguyễn Hữu Độ, xem bài khá chi tiết của L. Sogny, “Les familles illustres de l’Annam – S. E. Nguyen-Huu-Do” (BAVH 2-1924, p. 169-206).
135 Emmanuel Poisson, Mandarins et subalterne au nord du Vietnam, une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918), Paris, Maisonneuve&Larose, 2004, p. 143-144.
Ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Jules Sylvestre bắt tay vào xây dựng bộ máy thư ký và tổ chức các mạng lưới [quan hệ]: mục đích là đảm bảo sao cho cơ quan phụ trách Chính trị và Dân sự vụ kiểm soát được hoạt động hành chánh cai trị bản địa và chuẩn bị cho bước đưa triều đình Huế vào guồng. Cho rằng chính sách của triều đình và các quan phụ chánh nhằm mục đích kích động kháng Pháp, Jules Sylvestre vạch ra một kế hoạch rất quy củ, cần thiết phải tiến hành thực hiện thật nhanh: “Tôi lượng định, về phía Pháp, cần phải khẩn cấp thông qua một kế hoạch hành động nhằm lường trước những khả năng tình huống có thể nảy sinh bất cứ lúc nào”136. Kế hoạch Sylvestre vạch ra như sau: “Tôi giả định là, một sáng nào đó, Tòa Khâm sứ nhận được tin nhà vua [An Nam] đã cùng triều đình tẩu thoát, đồng thời lại đưa ra lời kêu gọi [nhân dân] nổi lên cầm vũ khí [chống lại quân Pháp] […]. Như thế tức thì các quan phụ chánh sẽ bỏ Kinh thành Huế, đưa vua Hàm Nghi đi, vậy thì sẽ phải giữ ngay Chánh Mông tại điện vị này đang ở bên ngoài hoàng cung, phải giám sát chặt để ngăn vị này tự ý hay bị buộc phải đi theo [quan quân bỏ trốn khỏi kinh thành]: Chánh Mông sau đó sẽ được [phía Pháp] đưa về điện Thái Bình với nghi lễ thật long trọng […] để chính thức lên ngôi […] đồng thời có thể cùng lúc cho thành lập một hội đồng nội các mới (Conseil de gouvernement sic) chấp hành nhiệm vụ ngay tức khắc. Về các vị trí Thượng thư [trong nội các], tôi có thể đề nghị danh sách sáu vị sẽ được đề cử như sau”137. Kế hoạch vạch ra hoàn chỉnh vào ngày 19 tháng 11 [năm 1884], được trao cho các tướng Brière de l’Isle và Millot, nhưng kế hoạch chỉ được chuyển về Paris vào ngày 20 tháng 5 năm 1885.
136 Archives Affaires étrangères MD Asie 45, f°231.
137 Archives Affaires étrangères MD Asie 46, f°228-234.
Làm như thế là đưa đẩy các quan Phụ chánh vào sai lầm để loại trừ các vị này, sắp xếp buộc các quan phải trốn chạy với vua Hàm Nghi, nhằm có thể đưa hoàng tử Ưng Kỷ (tức Chánh Mông) lên ngôi, sắp đặt lại hoàn toàn giới lãnh đạo [triều đình Huế] và dứt khoát thiết lập chế độ bảo hộ của Pháp. Một số giới chức trong chính phủ trung ương tại Pháp, ở Nam Kỳ hay ngay trong số những người thuộc phái bộ Pháp tại Kinh thành Huế, như Palasne de Champeaux chẳng hạn, cũng nghĩ đến một kế hoạch tương tự nhưng với một chút thay đổi, theo đó sẽ ngăn vua Hàm Nghi bỏ trốn, được duy trì ở ngôi báu nhưng đi kèm với một đội ngũ lãnh đạo thuận lòng với chế độ bảo hộ của Pháp. Trong khi đó, tính triệt để của kế hoạch Jules Sylvestre đề ra lại chính là việc bôn tẩu của vua Hàm Nghi cùng triều đình, sẽ trở thành lý do duy nhất tự thân cho phép “dọn dẹp [sạch sẽ] triều đình” để rồi [người Pháp] nắm thực quyền. Thế sự giằng dai, chính phủ tại Paris không biết phải lựa chọn giải pháp nào. Ngày 14 tháng 4 năm 1885, trước cả khi Paris được thông tin về kế hoạch do Sylvestre vạch ra, tướng theo khuynh hướng bảo hoàng Philippe-Marie André Roussel de Courcy được đề cử chức Tổng tư lệnh thay cho tướng Brière de l’Isle, và là Tổng sứ [résident général sic] tại Kinh thành Huế. Ngày 1 tháng 6 (1885), vị tướng Pháp mới được bổ nhiệm đặt chân đến Hà Nội tuyên bố ông quyết tâm “ra một cú đấm mạnh”, thông qua về cơ bản kế hoạch của Sylvestre, nghĩa là một hành động quân sự sẽ dẫn đến việc loại bỏ các quan Phụ chánh Việt Nam. Nhưng vị tướng đã không nắm hiểu cái cốt lõi của kế hoạch. Ngày 4 tháng 6, bức điện của tướng De Courcy gửi cho công sứ Pháp tại Huế như sau:
“Tình hình tại [Huế] có những yêu cầu làm tôi nghĩ rằng tôi cần phải đến Huế với một đội quân hộ vệ khoảng từ một ngàn đến một ngàn hai trăm người […] hành động của chúng ta chỉ có thể hiệu quả nếu diễn ra đột xuất bất ngờ và được tiến hành thật kỹ lưỡng. Do đó, việc cần thiết là chúng ta phải nắm được trước đó những tin tức tình báo như chúng ta mong muốn, về tình hình tại chỗ, về những nhân vật và những lực lượng có thể chống lại chúng ta. Với sự đồng thuận của trung tá Pernot, đề nghị ông chuẩn bị thật kỹ lưỡng các biện pháp đảm bảo cho sự thành công [của kế hoạch], lựa chọn những cứ điểm cần chiếm đóng nhằm ngăn chặn triều đình [Huế] trốn chạy về hướng Cam Lộ hay về bất cứ địa phương nào khác vượt ra ngoài tầm hoạt động trước mắt của chúng ta. Cuối cùng công sứ cũng cần thu thập quy tụ những thành phần sẽ cho phép chúng ta [phía Pháp] thay thế những phần tử chống đối lại chế độ Bảo hộ, [vận động] những nhân vật có khả năng ủng hộ chúng ta và dễ sai khiến, đồng thời là theo với những gì đã thỏa thuận trong thư của tướng Brière de l’Isle cho ông Lemaire. Giữ bí mật phải được đảm bảo tuyệt đối, hiển nhiên là cho đến giờ phút cuối”.
Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, tướng Campenon cho tướng De Courcy những chỉ thị cuối cùng:
“Chúng tôi đã trao cho ông tất cả các quyền hạn cần thiết. Hãy vận dụng những quyền hạn này một cách phù hợp và cương quyết: chúng tôi chỉ muốn lưu ý ông về điều thuận lợi mang tính quyết định từ việc đề phòng triều đình [Huế] bỏ trốn vào vùng sâu”138.
138 Archives Affaires étrangères MD Asie 46, f°434.