Paul Bert ngay tức khắc có một động thái quan trọng chỉ có thể làm hài lòng nhà vua: “ông trao lại cho nhà vua một phần kho báu của vương triều, vốn đã bị niêm phong sau cuộc tấn công vào ngày 5 tháng 7”287. Như thế, theo với quyết định từ ba Bộ có liên quan [trong chính phủ Pháp], vua [Đồng Khánh] nhận lại một nửa kho báu, nghĩa là một khối lượng vàng và bạc không phải nhỏ: hơn 1,3 tấn vàng và 14,6 tấn bạc. Vua Đồng Khánh về sau sẽ viết cho Tổng thống Pháp: “Sau đó đến lượt ngài Paul Bert đến với chúng tôi, ngay khi đặt chân đến đây, ngài Tổng công sứ, nay ngài không còn nữa, đã bắt đầu bằng việc trao trả cho chúng tôi kho báu kho lẫm và của cải của chúng tôi”288. Nhưng có nhiều chỉ dấu cho phép nghĩ rằng nhà vua trước đó đã sở hữu một lượng tiền của đáng kể xuất xứ từ kho báu, được trao cho nhà vua trước ngày 5 tháng 7.
287 Paulin Vial, Nos premières années […]; op.cit. p. 323
288 Archives Affaires étrangères MD. Asie. 58, f°278; voir aussi Archives AMM, Dossier Huê, 24/3/1900.
Chúng ta cũng còn nhớ, con người lúc đó chỉ mới là hoàng tử Chánh Mông, trên đường chạy trốn đã làm rơi vãi những đồng tiền thưởng289 ngài mang theo. Rồi sau đó, khi đã lên ngôi, chúng ta chứng kiến đức vua ban phát một cách dễ dàng những đồng tiền vàng cho các quân nhân Pháp. Vào dịp Tết năm 1886, nhà vua không ngần ngại ban phát rộng rãi các đồng tiền thưởng cho sĩ quan, quân lính và giới dân sự phía Pháp. Tướng Prudhomme “thời gian sau khi được thông báo, đã nhận được các huy hiệu huân chương [nghĩa là các đồng tiền thưởng] được mang đến cho tướng quân với đầy đủ nghi lễ nghi thức hoành tráng. [Quà tặng] Gồm những đồng tiền thưởng bằng vàng với các mẫu khác nhau, với đề nghị phân phát ngay cho quan quân để mang vào phô trương trong buổi duyệt quân vào buổi chiều”290. Vua rất hào phóng, đích thân tặng cho tướng [Prudhomme] một đồng tiền thưởng bằng vàng: theo mô tả của thiếu tá Jullien thì đó là đồng 1 lạng (khoảng 38,5g) loại vạn thế vĩnh lại (sic), “một vạn thế hệ vẫn trường tồn niềm tin”, cộng thêm “một thanh kiếm tuyệt đẹp, giá ước chừng khoảng hai ngàn quan Pháp” và “một bộ áo quần dành cho quan lại cũng giá trị như vậy”291.
289 Xem chương 5.
290 Général Cosserat, “Les fêtes du Têt en 1886 à Huê, Promenade publique du roi”, BAVH, 1924-III, p. 303; Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 244-245.
291 Général Jullien, “La chefferie du Génie […] op.cit., lettre du 14 février 1886, p. 235; Lucien Huard, La Guerre du Tonkin, op.cit. p. 1194
Vua Đồng Khánh, được đặt lên ngôi báu và có lại được kho báu, giờ đây hy vọng có thể có được một sự tự chủ nào đó từ ông Tổng công sứ Pháp. Nhưng điều nhà vua không biết đó là Paul Bert thực sự muốn đưa đường dẫn lối cho cái chưa chính thức là “Đông Dương” [thuộc Pháp], mà nay cũng chẳng còn hoàn toàn là đế chế An Nam, sẽ trở thành một hình thái hệ thống [người Pháp] cai trị hành chính trực tiếp: cần phải hiểu “hành chính trực tiếp” đó là một sự lãnh đạo không còn bàn cãi của phía Pháp và sự thi hành của các công chức địa phương chỉ biết vâng lời. Ý kiến này được triển khai rõ ràng trong vấn đề quyền lực tại Bắc Kỳ, một vấn đề có liên quan với vấn đề tài chính của triều đình Huế. Do những nhu cầu chi tiêu của triều đình, và nhất là về phần nhà vua, vấn đề tài chính ngày càng trở nên quan trọng hơn nữa. Nhà vua “cho hóa giá” những quyền hạn tại Bắc Kỳ cho quan kinh lược, nghĩa là cho tổng công sứ: mỗi năm nhà vua được nhận 380.000 xâu tiền (tương đương 285.000 quan Pháp) cộng thêm 380.000 đấu gạo (mesures de riz sic) lấy từ việc thu thuế tại Bắc Kỳ. Nhưng một lời hứa như vậy chỉ có giá trị với những người đã đưa ra lời hứa. Paul Bihourd, người kế nhiệm Paul Bert, sẽ nói rõ: theo điều 11 hòa ước Patenôtre ký năm 1884, việc thu và sử dụng tiền thuế tại Bắc Kỳ là thuộc thẩm quyền các tổng công sứ và chỉ một phần dôi ra còn lại mới được trao cho triều đình Huế292. Do vậy, không thể nói trước về số tiền sẽ rót cho triều đình Huế. Người ta trao đổi với nhà vua, nếu thu được tiền thuế lên đến 10 triệu xâu tiền, thì sẽ rót lại cho nhà vua 1,5 triệu. Triều đình Huế tìm cách thương lượng và phái ông Nguyễn Hữu Độ đàm phán để yêu cầu được nhận 4 triệu xâu tiền. Đương nhiên Bihourd từ chối một số tiền như vậy và đề ra một biện pháp khác: trong chừng mực có thể, bố trí vào trong bộ máy hành chính trung ương và địa phương của vùng Bắc Kỳ những quan lại công chức xuất thân ở Bắc Kỳ, như thế để làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của triều đình Huế. Về phía triều đình, điều này có nghĩa là thu nhập lương bổng của các quan đại thần, các hoàng tử, hoàng thân quốc thích hoàng tộc và của ngay chính nhà vua sẽ bị giảm trừ đi rất nhiều. Và thực vậy, Richaud, Toàn quyền Đông Dương [9/1888 – 5/1889] mới nhậm chức, vào yết kiến vua Đồng Khánh ngày 27 tháng 9 năm 1888, đã không thể không đưa ra lời nhận xét: “Chúng ta đã không còn ở vào thời của vua Tự Đức. Cái triều đình An Nam tội nghiệp này, vừa trải qua bao chuyện không may hết sức dị thường, nay thực sự đã mất đi hào quang, mất đi cảnh bày biện nghi thức tráng lệ xa hoa”293. Người Pháp có chiếm đóng một số khu vực lãnh thổ vương triều và rồi nắm giữ quyền hành chánh của đất nước, phần lớn quan quân triều đình Huế, về sâu xa, chẳng lấy chuyện đó mà phản đối, chừng nào người Pháp vẫn rót đủ tiền bạc cho triều đình để duy trì thang bậc vương triều và cung cách sống vương giả. Nhưng, có thế nào đi nữa, một sự sụt giảm thu nhập không thể là hệ quả của chính sách phục tùng của vương triều. Do đó, trong nội bộ triều đình giờ đây, đã có tiếng ra tiếng vào tỉ tê những từ như là “thỏa hiệp nhu nhược” (complaisance) và “lãng quên quyền lợi quốc gia” (oubli des intérêts nationaux sic). Và bắt đầu có sự đồn đại về tâm thần rất bất ổn (démence sic) của nhà vua, về xu hướng thần bí (mysticisme sic) của ngài, những lời đồn lan ra ngay cả trong giới người Âu. Nhưng giới chức cầm quyền [Pháp] tiếp tục ủng hộ đức vua “của họ”, “ngài chẳng có dấu hiệu gì là điên khùng, tính cách rất độc đáo, một số sự việc hành vi chỉ có vẻ bề ngoài rất khác lạ, khuynh hướng thần bí của ngài về mặt tín ngưỡng bị khai thác theo chiều hướng bất lợi, bị diễn giải không đúng thực chất, bị những kẻ có ý xấu thổi phồng lên, và rồi tất cả những điều này đã tạo điều kiện cho những đánh giá không đúng về đức vua chủ yếu theo vẻ bề ngoài của ngài”294. Tuy vậy, người ta hoàn toàn biết rõ là hoàng hậu, là con gái của đại quan Nguyễn Hữu Độ, đã bị vua Đồng Khánh túm tóc và đánh tám mươi roi. Người ta cũng đã biết rất rõ nhiều người phụ nữ khác đã bị hành hạ tổn thương về thể xác khi hành lạc theo lối bạo hành của đức vua; người ta cũng biết rất rõ việc đức vua “chạy theo những chuyện thật tồi tệ bẩn thỉu”. Thế nhưng nhà vua vẫn là “đức vua của chúng ta [người Pháp]”.
292 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 535-536.
293 Etienne Richaud, Voyage à Hué, s.l., s.e., 1888, p. 3
294 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 241
Chuyến công tác của vị nghị viên khuynh hướng phóng khoáng Lanessan mang lại cho triều đình Huế, trong một thời khắc ngắn ngủi, ảo tưởng rằng rồi sẽ diễn ra sự thay đổi về nhịp độ, có thể dẫn đến việc giảm nhẹ tình trạng gò bó siết chặt của phía chiếm đóng thuộc địa. Nhưng, ngay tại thủ đô Paris, chính phủ Pháp lại đang hướng đến một sự thay đổi từ nền móng trong việc tổ chức chế độ bảo hộ: cần phải hình thành nên một cấu trúc hành chính mới, là một Đông Dương thuộc Pháp, được đặt dưới một sự chỉ đạo chính sách chính trị duy nhất.
Và rồi, về mặt tài chính, vị Toàn quyền đầu tiên của xứ Đông Dương, Etienne Contans [tháng 11/1887 – tháng 6/1888], vào mùa xuân 1888, đã đề nghị chỉ ứng cho triều đình Huế 190.000 xâu tiền, số tiền còn rút xuống 100.000 vào cuối tháng 9 cùng năm, với lý do thất thu thuế khóa ở vùng Bắc Kỳ. [Phía Pháp] người ta hứa là, năm sau nếu việc thu thuế được cải thiện, số tiền rót cho triều đình Huế có thể tăng lên 500.000 xâu tiền, rồi lên 1.000.000 vào năm 1890, và rồi chỉ đến năm 1891 mới tăng lên đến số tiền 1.500.000 như đã hứa trước đó. Nhưng bước đầu, nếu muốn nhận được số tiền 100.000 xâu tiền, thì triều đình Huế phải chấp nhận việc nhường toàn quyền sở hữu cho phía Pháp ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Tourane [Đà Nẵng]! Vua Đồng Khánh chẳng có gì trong tay để cưỡng lại, nhất là, vào tháng 9 năm 1888, Paris đã cử nam tước Pierre-Paul Rheinart des Essarts làm Tổng trú sứ tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, một nhân vật được biết tiếng ủng hộ cho một chính sách cứng rắn tại thuộc địa. Thực tế là, ngay từ đầu, mối bận tâm chủ yếu, mối lo lắng thực sự của vua Đồng Khánh là có đủ ngân sách để duy trì đền đài cung điện, lính tráng tùy tùng, người hầu kẻ hạ, cung cấm cung phi, để mua sắm vật phẩm phương Tây đức vua rất thích, để có sinh hoạt sang trọng hoành tráng mà đức vua rất sính. Nhà vua cũng đã lại nhanh chóng lao vào việc tôn tạo hay xây dựng lại những cung điện dinh thự bị hư hỏng hay hủy hoại trong những tháng kinh thành thất thủ, tháng 7 đến tháng 9 năm 1885. Và nhà vua có nhiều việc phải làm vì kinh thành Huế bị tang thương tan nát, trong “một tình trạng thê thảm”: “tàn tích đây đó trong Thành Nội bao la bị cây cối dần hồi che phủ”295. Vua Đồng Khánh quyết định xây một thư viện hoàng gia mới vì lẽ các tòa nhà của thư viện trước đây đã được dùng làm nơi đóng quân cho phía Pháp. Tiếp đó, đức vua, vì ý thích cá nhân, lại muốn xây thêm một cung An Định rất tốn kém ở bờ nam sông Hương.
295 Etienne Richaud, Voyage à Hué, op.cit., p. 17
Ngoài kho báu trong tay cộng với những gì người Pháp cung cấp cho đức vua hàng năm, vua Đồng Khánh còn có những thu nhập ít ỏi ngay trong khu vực An Nam, những năm đó thuế thu được không nhiều do tình hình loạn lạc ở các tỉnh vùng này, mà cả đức vua và người Pháp cũng không thực sự kiểm soát được. Nhưng ngay cả những nguồn thu nhập này cũng bị đủ loại trích xuất, được hợp pháp hóa bởi các công ước bổ sung cho các hòa ước đã ký kết trước đây liên quan các nguồn thu nhập từ thuế má, hầm mỏ, v.v. Điều hiển nhiên, tình hình tất cả các nguồn thu nhập như vậy đã không sao đủ cho những trang trải của đức vua An Nam, đức vua phải đi tìm những nguồn khác: trong cuộc thăm khám cung điện do Rheinart tiến hành sau khi đức vua qua đời, người ta được biết là vua Đồng Khánh đã phát hiện và tiêu sạch những khối lượng nén vàng, được cất giấu, theo lệnh của vua Minh Mạng, trong các súc gỗ được nạo rỗng ruột. Người ta cũng đã phát hiện là vua Đồng Khánh đã làm cạn sạch ba trong số những nơi cất giấu của cải có từ thời vua Minh Mạng, nằm khuất dưới nền nhà hay trong tường vách của cung điện: Rheinart theo đó đã lưu ý, đích thân “đã thấy ba viên đá lát nền từ thời Minh Mạng, mỗi viên che đậy một nơi cất giấu 100.000 nén bạc, dành cho những hậu duệ minh tuệ (tổng giá trị của cả ba hầm cất giấu lên đến 450.010 piastres)296”. Và rồi, năm 1899, người ta phát hiện và mở ra bốn nơi cất giấu tương tự, mỗi nơi dưới một tấm gạch nền được chạm khắc, mỗi hầm chứa khoảng 10.000 nén loại 10 lạng bạc297. Như thế vua Đồng Khánh đã làm gia tăng thêm kho lẫm của bản thân, tối thiểu là thêm khoảng chừng 30.000 nén bạc loại 10 lạng, tương đương khoảng 11 tấn: những nén bạc này được nhà vua sau đó cho đóng dấu niên hiệu trị vì của mình, theo hai thời điểm mang tính chu kỳ: Bính Tuất (1887) và Mậu Tý (1888)298.
296 Rheinart, “Journal, […]”, op.cit. p. 196
297 Như thế tương đương khoảng chừng 3,850 tấn, xem Schroeder, Annam, Nghiên cứu về tiền xưa, t. 138. Xem chương 10, Schroeder, trong công trình của mình năm 1905 đã không có các số liệu thông tin được Rheinart công bố vào 1943, và Schroeder chỉ nói đến một nơi cất giấu duy nhất được/bị vua Đồng Khánh phát hiện và tiêu sạch.
298 Zhu Jianqing, “Yuenan Tong Qing […]” p. 40, voir ill. p. 267.
Nhưng không chỉ thỏa mãn với việc hăng say truy lùng những của cải dự trữ được các vị tiên đế cất giấu, vua Đồng Khánh còn lao vào các cuộc đầu cơ để gia tăng thu nhập và, theo ngôn ngữ thời đó, đức vua còn “mánh mung đầu tư” (“traficoter” sic). Giới chức cầm quyền bảo hộ phía Pháp do đó nhận được thông tin, từ kho báu hoàng gia, đức vua còn đều đặn cho tư nhân hay quan lại vay nặng lãi những số tiền lớn. Ngoài ra đức vua còn tham gia những vụ làm ăn buôn bán không chính thức thông qua một thương nhân người Pháp sống tại Huế. Ngài còn giao cho những kẻ môi giới những khối lượng lớn nén bạc để nhờ mua các món trang sức299.
299 ANSOM Indochine AF 48/D (07)
Như thế nhà vua đã chi dùng cả trong phần kho báu đã được [phía Pháp] trao trả, và cả những gì ngài xoay xở được chỗ này chỗ kia, để trang trải cho sở thích lối sống chi tiêu này nọ, chu cấp ban thưởng cho hoàng thân quốc thích hay những ai được ngài sủng ái. Vua Đồng Khánh vẫn tiếp tục sống theo truyền thống [vương giả] xa xưa, vẫn ban thưởng tiền vàng nén bạc cho quan quân có công lao, kể cả quan quân người Pháp, xem như là quà thưởng ngoại giao. Bằng chứng: chẳng hạn đại úy Mouteaux, với công trạng rượt đuổi nhóm quan quân triều đình trên đường trốn chạy [theo vua Hàm Nghi], vào năm 1887 đã được ban tặng một đồng tiền thưởng bằng vàng; các hạ sĩ quan và lính Bắc Phi đi theo có công trạng cũng được ban thưởng tổng cộng là 18 đồng tiền thưởng bằng bạc loại cỡ lớn; 15 đồng tiền thưởng bằng bạc cỡ nhỏ được ban cho lính bộ binh người An Nam có công trong việc thám sát300. Ngày 21 tháng 11 năm 1888, lần trở lại Huế để nhận nhiệm vụ Tổng trú sứ, ngoài nhiều món quà khác, Rheinart còn được vua ban hai đồng tiền thưởng bằng vàng, phu nhân Rheinart cũng được ban một đồng tiền thưởng301. Vua Đồng Khánh còn cho lấy trong dự trữ kim loại thuộc kho báu hoàng gia (Nội vụ phủ) những nén vàng, nén bạc để đúc các loại tiền thưởng vàng hay bạc, kim khánh, ngân khánh, kim tiền và ngân tiền, có đóng dấu niên hiệu của vua, nhằm vinh danh ngài302. Tuy nhiên, những đồng tiền thưởng có dấu niên hiệu vua Đồng Khánh có chất lượng thấp hơn những đồng tiền cùng loại dưới các đời vua trước, lý do chủ yếu là vì phần lớn những người thợ thủ công chuyên việc đúc tiền cho hoàng gia đã chạy trốn khỏi vùng kinh thành. Nét chữ chạm khắc thô tháp không sắc sảo: chữ được sắp xếp chẳng tuân theo quy tắc hài hòa cân đối nào, chữ lệch dòng và không đúng kích thước, nét chữ chẳng rõ là đầy đặn hay thanh mảnh. Các họa tiết trang trí được cách điệu tối đa. Về ngay chính việc đúc, có vẻ như còn mềm và yếu, vì được làm với những khuôn rập không công kỹ, không thật có nét nên sản phẩm đôi khi phải được chỉnh lại với dao khắc, điều có thể quan sát qua một số nét chữ trên một số đồng tiền thưởng303. Ngoài ra, kim loại của các đồng tiền thưởng vàng và bạc có độ tuổi thấp nên đồng tiền trông như bằng bạc loại thấp hay bằng đồng: đức vua cũng bớt xén cả về chất lượng kim loại…
300 Léopold Cadière, “Quelques papiers du capitaine Mouteaux”, op.cit. p. 79
301 Rheinart, “Journal, […]”, p. 185-186.
302 Đặng Ngọc Oánh, “Les distinction honorifiques annamites”, p. 392-393
303 François Thierry, Catalogue des monnaies vietnamiennes. Supplément, Paris, BnF, n°522 et 523, 2002
Kim khánh ngoại hạng (dưới triều vua Đồng Khánh304)
304 DG: BAVH số 4/1915