Khúc ngoặt lịch sử theo với dòng biến cố dường như đã đánh dấu bước thắng thế vinh quang của Sylvestre cũng như đỉnh cao ảnh hưởng của ông. Nhưng, một mặt, sự bất tài của các chính phủ trung ương tại Pháp trong việc hoạch định một chính sách cho một vùng Đông Dương mới thành hình (và nhất là phải kiên trì bám giữ), và mặt khác, sự mâu thuẫn đối đầu giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh, đã cho phép De Courcy nghĩ rằng ông có thể tự cho phép một sự tự chủ tự quyền nào đó: De Courcy thực tế đã tổ chức một quyền lực quân sự thực sự ở xứ An Nam và Bắc Kỳ, đặt bạn bè người này người kia, là quân nhân hay cựu quân nhân, vào tất cả các vị trí nhân sự. Thái độ hiềm khích đối kháng giữa vị giám đốc các Vụ việc dân sự và chính trị [Jules Sylvestre] và vị tư lệnh [De Courcy] không hề suy giảm, kết quả: Sylvestre bị loại bỏ và buộc phải trở về Pháp. Sylvestre sẽ chẳng bao giờ quay trở lại Đông Dương. Người ta cũng chứng kiến cảnh như vậy với những sĩ quan chủ yếu, như tướng Brière de l’Isle, bị gạt ra rìa và phải về nước. Duy có tướng Warnet được duy trì ở cương vị, dù mọi người biết là ông ra mặt chống lại tướng De Courcy. Nhưng cũng đến lúc già néo thì đứt dây: việc không có kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống lại phong trào Cần Vương và sự sa đà trong tự quyền độc đoán của De Courcy cũng khiến bắt đầu xuất hiện nhiều câu hỏi chất vấn tại Paris, và ngay cả những giới ủng hộ De Courcy nhiệt thành nhất cũng cảm thấy chán chường mệt mỏi. Thật vậy, sự nổi dậy nổ ra khắp nơi ở xứ An Nam từ nam chí bắc, trong khi đó vị tư lệnh De Courcy lại chẳng mang về được cho nước Pháp một chiến thắng vinh quang nào. Sau một cuộc đấu tranh gay gắt giữa phe ủng hộ và phe chống chế độ bảo hộ, nền Cộng hòa Pháp đi đến quyết định lập ra hai vùng bảo hộ với quy chế dân sự: một tại An Nam, một tại Bắc Kỳ. Để loại bỏ thái độ ngập ngừng của giới quân sự, các vùng bảo hộ này, cho đến nay thuộc quyền quản lý của Bộ Hải quân, nay sẽ thuộc bộ chủ quản là Bộ Ngoại giao268, kể từ ngày 7 tháng giêng năm 1886. Và vào thời điểm tướng De Courcy muốn tiến hành loại trừ tướng Warnet thì chính tướng De Courcy được lệnh triệu hồi của tướng Boulanger, tân bộ trưởng Bộ Chiến tranh, vào ngày 26 tháng 1 năm 1886. Quyền chỉ huy tạm thời vào tay tướng Warnet. Ngày 27 tháng giêng ra đời sắc lệnh về tổ chức “các vùng bảo hộ thuộc Đông Dương”. Ở An Nam và Bắc Kỳ, tất cả quyền hành được giao cho một Tổng Công sứ (résident général sic), một vị Thủ hiến [hay Thống đốc] thực sự, như thế nắm giữ dưới trướng tất cả các lực lượng quân sự. Paul Bert, nguyên là Bộ trưởng Giáo dục của chính phủ Gambetta, chính là người được chọn vào vị trí này theo sắc lệnh ngày 31 tháng giêng năm 1886. Trước khi nhận trọng trách này, Paul Bert đã báo trước: “Tôi muốn biết chính xác tôi sẽ đi đến đâu. Những gì gây cho chúng ta khó khăn gian khổ nhất từ năm 1858 đến nay chính là sự không nhất quán và thái độ hoài nghi lưỡng lự”269. Ngoài việc được trao toàn quyền trong việc triển khai chính sách, Paul Bert còn được Nhà Nước đảm bảo là sẽ không can thiệp vào việc quản trị tài chính của ông [ở vùng bảo hộ]. Lên con tàu Melbourne ở cảng Marseille vào ngày 12 tháng 2, Paul Bert, ngày 20 tháng 2, ngược đường với De Courcy ở cảng Port-Saïd [thông ra Địa Trung Hải của kênh đào Suez, Ai Cập]: vị tướng đang về nước trên con tàu Yang-Tsé. Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Hữu Độ đón tiếp Paul Bert tại Hà Nội. Ngày 3 tháng 5, Paul Bert đặt chân đến Huế để hội kiến đức vua An Nam mới lên ngôi, đi cùng có ông Charles Dillon, vừa được phong chức Khâm sứ Trung Kỳ (résident supérieur pour l’Annam sic).
268 Công Báo, ngày 8/1/1886, t. 123.
269 Paulin Vial, Nos premières années […], op.cit. p. 286.
Vua Đồng Khánh270
270 DG: Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, annexe n°19 “Tableau des rois d’Annam”, 1904.
Nhà vua trẻ mới 21 tuổi lúc lên ngôi, “khuôn mặt của ngài trông khá dịu dàng, diện mạo bề ngoài trông rất cao quý”. Những lời chứng về nhân cách của vua Đồng Khánh không thống nhất. Ban đầu, các tác giả mô tả đức vua theo chiều hướng thuận lợi: “ngài có những hiểu biết quý báu về chính trị. Với đầu óc cởi mở, ngài nhận thức những vụ việc của đất nước ngài một cách thật rõ ràng và chỉ đạo giải quyết với những ý tưởng thật phóng khoáng”271, “tỏ ra rất thông minh”272; Gosselin cũng nói là ngài thông minh và niềm nở, rằng ngài thích nghệ thuật… Thực tế là, chừng nào nhà vua còn trên ngôi và phục vụ nước Pháp, những chỉ trích phê phán [nhà vua] là không thích hợp. Nhưng khi nhà vua qua đời rồi thì mọi lời bới móc cũng tuôn ra. Người ta sau đó sẽ nói “đó là đồ bẩn thỉu với tất cả mọi thói hư tật xấu”273, là “một kẻ dở khùng dở điên có khuynh hướng bạo hành [tendance sadique sic]”274.
271 Catalogue de l’Exposition coloniale de 1889, Notices illustrées publiées par ordre du sous-secrétaire d’Etat des Colonies.
272 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 126
273 Báo cáo của Rheinart, 28/2/1889
274 Fourniau, Annam Tonkin 1885-1896 […], op.cit. p. 99
Vừa mới lên ngôi, vua Đồng Khánh đã hết lòng đáp ứng thỏa mãn những người đã đưa ngài lên làm vua và tuyệt nhiên không làm mất lòng họ. Theo tướng Prudhomme, người được trao lại binh quyền tại Huế khi De Courcy về lại Hà Nội, đức vua An Nam, “quá sung sướng vì được lên ngôi báu, nhanh nhẹn đáp ứng bất cứ mong muốn yêu cầu nào từ chúng ta [phía Pháp], thậm chí tìm cách, mọi lúc mọi nơi, bày tỏ sự thân thiện hiếu hảo đối với giới chức chính quyền Pháp”275. Đôi khi vượt quá ngưỡng có thể chấp nhận: sau ngày 5 tháng 7 [1885], De Courcy đã chiếm giữ nhiều tòa nhà cung điện trong hoàng cung, sĩ quan Pháp thì tùy tiện, xem cung cấm như thể là vùng chiếm đóng, nhưng vua Đồng Khánh không hề tỏ ý phản đối. Ngày 26 tháng 11 năm 1885, nhân ngày chào đời của con trai là Bửu Đảo276, vua Đồng Khánh mời các sĩ quan Pháp, trong đó có tướng Prudhomme, đến dự một tiệc trưa có ba mươi lăm khách mời tham dự. Đó là lần đầu tiên những người nước ngoài đặt chân vào trong khu vực cung cấm riêng biệt của các hoàng đế An Nam. Khách mời được đại thần Nguyễn Hữu Độ và cha Hoàng, một linh mục Công giáo người Việt, đón tiếp, “vị linh mục có tư cách thông ngôn cho nhà vua”. Cuối bữa tiệc, nhà vua nhanh nhẹn nâng ly chúc mừng sức khoẻ Jules Grévy, Tổng thống Cộng hòa Pháp.
275 Cité dans Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 239
276 Về sau là vua Khải Định (1916-1925)
Hai tháng sau, nhà vua lại mời các sĩ quan dự một bữa tiệc hoành tráng nhân dịp Tết âm lịch của người Việt Nam (3 tháng 2 năm 1886), và nhất là sau đó, theo yêu cầu của tướng Prudhomme, đi dạo cùng với tướng Pháp ở các nẻo phố phường của kinh thành Huế. Trong khi đó cần biết là đứng về mặt nghi lễ nghi thức [truyền thống] nhà vua không bao giờ xuất hiện ở nơi công chúng. Ngoài những thời điểm hết sức đặc biệt như vậy, nhà vua vẫn đón tiếp các sĩ quan Pháp: trung úy Jullien kể lại:
“đã được bệ kiến riêng với Đức vua […] Năm trước [1885], không thể nào có cơ hội thấy được, dù chỉ thoáng qua, nhân vật đầy quyền lực theo lối phương đông này, và còn hơn thế, nếu có gặp được [trên đường đi] một vị nào đó hay những vị đã tại vị trước đây, thì chỉ qua một đám bụi mù mịt [của đoàn ngự giá]. Nhưng giờ đây, bất cứ ai [phía nhà cầm quyền Pháp] đều có thể được phép bắt tay nhà vua […]. Ẩn sau giọng nói vui tươi [của đức vua] là sự hài lòng mãn nguyện thực sự: tôi sung sướng vì đã được tướng Prudhomme đề nghị tháp tùng đến nơi ở của nhà vua, trong một cuộc yết kiến riêng tư. Tướng quân đã xin nhà vua cho bệ kiến và dịp đó xin nhà vua cấp cho tôi đồng tiền thưởng: tôi được trao một sắc chỉ mới, một đồng tiền thưởng mới, bằng vàng, lần này được như thế tôi lại như được lên cấp”277.
277 Général Jullien, “La chefferie du Génie […]”, op.cit., lettre du 17 janvier 1886, p. 233-234
Nhà vua cho thấy rõ ràng sở thích đối với tất cả những gì được mang đến từ nước Pháp, và với mọi thứ dù nhỏ nhặt nhất. Frédéric Baille, Khâm sứ Trung Kỳ vào năm 1888, nói rõ là nhà vua thích nhấm nháp rượu Bordeaux theo như chỉ định của các thầy thuốc, “nhằm điều chỉnh củng cố một thể trạng khá yếu ớt”. Một người thân cận của Paul Bert tán thưởng “khuynh hướng thích Pháp [của vua Đồng Khánh] được nhà vua bày tỏ ra theo vẻ can trường hơn là vì thận trọng”. Nhưng tất cả những hành vi không tôn trọng nghi thức nghi lễ như thế, cùng những thái độ thân thiện với sự hiện diện của người Pháp, gây bối rối hoang mang cho một bộ phận của triều đình Huế. Nhưng cũng có khả năng là nhà vua cần đến người Pháp để tỏ rõ quyền uy với những dòng tộc lớn và lâu đời [ở kinh thành hay xứ An Nam].
Vua Đồng Khánh đón tiếp long trọng các đại diện phía Pháp278
278 DG: Docteur Hocquard, “Une campagne au Tonkin” (Hachette Paris 1892, p. 521)
Trong suốt giai đoạn này, triều đình Huế vẫn còn chịu cú sốc tinh thần của biến cố [thất thủ kinh đô] ngày 5 tháng 7, đã có những thay đổi sắp xếp lại. Nếu trong nội bộ triều đình chẳng còn những thành phần thực sự theo phe kháng Pháp, thì phe nhóm này vẫn đang còn trên đường lẩn trốn đâu đó, chủ yếu ở các tỉnh phía bắc của Trung Kỳ, nhưng triều đình vẫn chia làm hai phe: một phe có thể gọi là nhóm “An Nam xưa” [hay “An Nam thủ cựu”, “Vieil Annam” sic], và một phe gồm các hoàng thân hoàng tử và quan lại thuận tình liên minh với nước Pháp. Nhóm An Nam xưa tập hợp xung quanh hoàng tử Thọ Xuân cùng Hoàng Thái hậu Từ Dũ, vốn có uy tín rộng khắp, tập hợp những hoàng hậu, các nhà quý tộc và nhiều quan lại xuất thân từ vùng Nam Kỳ, như Hoàng Thái hậu vậy. Họ xem rằng không thể nào làm khác đi được ngoài việc phải chịu đựng sự thống trị của người Pháp, nhưng họ hy vọng một ngày nào đó có thể trở về nguyên trạng [chế độ quân chủ] trước đây. Một số còn có ý tưởng thà bỏ rơi đi vùng Bắc Kỳ vào tay người Pháp, đổi lại có được sự độc lập thực sự của xứ An Nam [vùng Trung Kỳ]. Ngoài ra, dù không tuyên bố rõ ràng công khai, nhóm này cho rằng vị vua mới không thực sự lên ngôi một cách chính thống, dù tình thế diễn ra buộc phải chấp nhận một người lên ngôi như vậy. Tuyên cáo của Hoàng Thái hậu, ngày 12 tháng 9 1885, đã chất chứa thái độ lưỡng lự khó hiểu như thế:
“Ta đây, là một người phụ nữ lớn tuổi, ta đã suy nghĩ như thế này: nếu không hành xử như thế thì Thái tổ miếu chín đời tổ tiên của các vua sẽ không có ai hương khói, dân chúng An Nam và Bắc Kỳ, vốn đã bị xáo động từ hơn bốn tháng nay, sẽ chẳng biết trông cậy vào ai. Còn nữa, ngôi báu không thể bỏ trống một thời gian dài. Lại không thể nào đối đầu với những thành ý của những con người đã giao trả cho chúng ta những gì chúng ta đã đánh mất, đã phục hồi lại những gì bị đổ vỡ. Vào thời khắc này, nếu chống lại những mong muốn của số đông dân chúng, chúng ta sẽ còn làm tổn hại đến những vụ việc cơ đồ của ban bộ triều đình”279
279 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 222-223
Phe nhóm thứ hai, tập hợp các quan đại thần, các vị Thượng thư và người thân tín của vua Đồng Khánh, được dẫn dắt bởi hai khuôn mặt lớn, các ông Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình. Ông Độ là người thực sự nắm quyền bính của triều đình, trước đây nguyên là tổng đốc của Hà Nội, kinh lược sứ Bắc Kỳ, nay được phong là “trụ cột280 của Đế chế281 [An Nam]” (colonne de l’Empire sic). Ngoài ra, từ tháng 2 năm 1886, Nguyễn Hữu Độ đã trở thành nhạc phụ của vua Đồng Khánh khi ông đã thành công trong việc con gái thứ hai của ông kết hôn với vua Đồng Khánh. Ông Độ có tư cách là “Tể Tướng”282 (Premier ministre sic), đứng trên tất cả các bộ của triều đình và thực tế đã trở thành người đứng đầu của Cơ mật viện, trong khi về mặt thể chế tổ chức thì cơ quan này vốn không có người chủ trì. Cơ mật viện do đó đã trở thành trung tâm quyền lực hành pháp thực sự [với sự hiện diện của ông Độ]. Nguyễn Hữu Độ là người của phía Pháp, nhưng người Pháp lại làm tiếc là ông Độ không có uy tín về mặt tinh thần đối với những đại quan triều đình vì ông Độ bị những vị này xem là quá thỏa hiệp [với Pháp]:
280 DG: Nguyễn Hữu Độ được phong là “Cố mạng lương thần gia hàm Thái sư, Cần chánh điện Đại học sĩ kiêm Cơ mật đại thần” (nguồn Wikipedia)
281 Xem chương 5 và Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Vietnam, une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918), Paris, Maisonneuve & Larose, 2004, p. 144
282 Trong năm “điều không nên làm” để cai trị tốt theo vua Gia Long, có một điều đó là không lập chức vị Tể Tướng (Nguyễn Tiến Lãng, “Quelques mandarins d’hier”, BAVH, 1939-II, p. 135)
“Ông [Độ] không mấy được cảm tình của các vị thân hào nhân sĩ xưa nay vốn quen với thái độ tinh tế khéo léo của những vị cận thần dưới triều vua Tự Đức […]. Ông là kẻ có thời, bị ganh ghét đố kỵ nhỏ nhen trong cái triều đình mà dường như ông xem thường cái nghi lễ nghi thức kính cẩn tỉ mỉ chốn triều trung, cũng là nơi khi ông xuất hiện lại nhắc nhở mọi người sự thống trị của người Pháp.”283
283 Paulin Vial, Nos premières années […]; op.cit. p. 319-320
Nguyễn Hữu Độ trở về lại Bắc Kỳ vào tháng 6 năm 1887 để lo trọng trách Kinh lược sứ. Để thay cho mình, Nguyễn Hữu Độ đã cẩn thận đưa hai ông Hoàng Tá Viêm và Nguyễn Trọng Hiệp vào Cơ Mật viện. Độ qua đời vào ngày 18 tháng 12 năm 1888.
Phan Đình Bình, nguyên là tổng đốc Nam Định, trước đó trở thành Thượng thư Bộ Hộ, là một người quyết liệt đối đầu với Nguyễn Văn Tường. Ông cũng là nhạc phụ của cố hoàng đế Dục Đức. Hiển nhiên ông cũng là thành viên của Cơ Mật viện. Và rồi hai nhân vật chủ chốt [Bình và Độ] của phe thân Pháp nhanh chóng đối đầu nhau. Nguyễn Hữu Độ trách cứ Phan Đình Bình đã không thành công trong việc tái lập ổn định ở vùng Quảng BÌnh, và ông Độ còn hàm ý ông Bình có thể đã thông đồng với [nhóm] triều đình đang lẩn trốn. Vào tháng 11 năm 1887, ông Độ tố giác với vua Đồng Khánh và kết án ông Bình với tội khi quân phạm thượng: bị bắt giam, Phan Đình Bình chết một cách bí ẩn trong ngục tù.
Trong nhóm thứ hai này còn có thể kể đến bốn nhân vật khác với tầm vóc ảnh hưởng không như nhau: hoàng tử Tuy Lý, không có nhiều quyền hạn nhưng lại rất quý báu trong con mắt người Pháp do vai vế lớn trong hoàng thân quốc thích; đại thần Nguyễn Trọng Hiệp được bổ nhiệm kinh lược sứ tạm thời tại Bắc Kỳ để tạo điều kiện cho Nguyễn Hữu Độ có thể trụ lại ở kinh thành Huế, là một kẻ chờ thời: ông Hiệp, do được đào luyện từ con đường khoa cử, gắn liền với phe nhóm thủ cựu, nhưng ông Hiệp chấp nhận sự can thiệp hỗ trợ từ phía Pháp; Hoàng Cao Khải, đặc phái viên, “tiêu vụ sứ” (sic) để bình ổn các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Hưng Yên vào năm 1887, rồi trở thành tổng đốc Hải Dương (1888) rõ ràng có thái độ thuận tình với sự hiện diện của người Pháp; cuối cùng là ông Nguyễn Thân, là một trong những võ tướng tích cực nhất, đã nổi bật, trong khoảng những 1885 – 1889, với những hành động hiệu quả chống lại phong trào Cần Vương ở địa bàn các tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tại Bắc Kỳ, với sự hỗ trợ của phe nhóm thứ hai này, dần hồi hình thành nên một bộ máy hành chính địa phương gồm những quan lại cấp dưới và các thân hào, được chính quyền phía Pháp tạo điều kiện tham gia vào những vụ việc cai trị. Thật thế, để bẻ gãy quyền lực của giới quý tộc tại kinh thành, Paul Bert dựa vào giới [địa] chủ và giới thân hào [địa phương] ở các tỉnh thành: những giới này được yêu cầu bầu ra một viên chức đại diện ở mỗi tỉnh thành, từ đó hình thành nên một hội đồng tham vấn sẽ cho ý kiến về nền hành chính đất nước, về các biện pháp cần phải đưa ra, và thông tin lại những nguyện vọng của người dân. Kỳ họp đầu tiên của hội đồng tư vấn thay mặt thân hào nhân sĩ Bắc Kỳ diễn ra tại Hà Nội ngày 27 tháng 7 năm 1886, tại ngôi chùa của người Hoa (pagode des Chinois sic) với sự đồng chủ toạ của Paulin Vial, Tổng sứ Bắc Kỳ và Nguyễn Trọng Hiệp. Những vị thân hào và quan lại [đại diện] này như thế được công nhận có vai trò trung gian giữa chính quyền Pháp và người dân bản địa: họ có mặt để thi hành các chính sách do nước Pháp quyết định, nhưng họ được hưởng những quyền lợi không nhỏ, về mặt xã hội và cả về mặt tài chính. Chính quyền thuộc địa rất rộng lượng với những ai phục vụ [chính sách cai trị của người Pháp] và trong thời gian dài đã nhắm mắt làm ngơ sự tham nhũng, háu ăn hám lợi của giới quan lại, miễn sao là thuế má vẫn thu đầy đủ, và sổ đinh vẫn được ghi chép không sót một ai284.
284 Về chủ đề này, xem Phan Châu Trinh, Lettre au Gouverneur général, dans “Chroniques”, BEFEO, 1907, p. 170-171.
Vào tháng 5 năm 1886, Paul Bert gặp vua Đồng Khánh: “Paul Bert bày tỏ hết mực sự kính cẩn đối với đức vua và làm hết sức mình để làm cho đức vua có lại được phần nào đó uy thế của những vị tiên đế”285. Đằng sau những nụ cười của Paul Bert là quyết tâm nắm chắc trong tay triều đình Huế cùng nhà vua. Để đạt mục đích, Paul Bert bố trí một con người thông thái theo đạo Cộng giáo, xuất thân từ Nam Kỳ, vào làm việc tại cơ quan lưu trữ văn khố của hoàng triều, ông Trương Vĩnh Ký, được biết nhiều hơn với tên gọi Petrus Ký. Lý do nêu ra là để nghiên cứu đường biên giới của vùng Mékong, nhưng trong thực tế ông Trương Vĩnh Ký có nhiệm vụ thực sự là tạo ảnh hưởng nhiều nhất có thể được đối với vua Đồng Khánh. Thật vậy, con người này đã thuyết phục được đức vua: ban đầu phong cho ông Ký một chức quan lớn, tiếp đó phong chức cố vấn tại viện Cơ Mật (tháng 6 năm 1886). Petrus Ký không che giấu mục đích của mình: “Tôi sẽ loại bỏ những kẻ được sủng ái [mà không được việc] và rồi xếp đặt xung quanh đức vua, cũng như bố trí trong thành phần viện Cơ Mật, những con người thực sự có khả năng”286.
285 Paulin Vial, Nos premières années […]; op.cit. p. 319-320.
286 Charles Fourniau, Vietnam […] op.cit. p. 409.