Sau triều đại của vua Đồng Khánh, người Pháp với quyền lực bảo hộ tiến hành một cách có hệ thống việc giảm thiểu đến triệt tiêu quyền hành của Nhà Nước Việt Nam, chỉ để lại cho nhà vua xứ An Nam phần nghi thức nghi lễ, vẻ sang trọng hào nhoáng cùng với những lạc thú ân sủng, như Lyautey đã nhận xét: “Cái thực tế nô dịch ẩn tàng dưới một lớp vỏ bài trí không hề thay đổi, tình trạng giải thể tất cả [vương quyền] ẩn giấu dưới vẻ toàn vẹn bề mặt của những nghi thức xưa cũ, khoác những bộ áo xống màu mè, dưới cái bề ngoài của một triều đại già cỗi”311. Có vẻ như nhà vua An Nam, để có thể duy trì những ưu tiên lợi lộc cho bản thân và vương triều, đã dần hồi dễ dàng nhượng lại mọi đặc quyền của một vị quân vương cho ông tổng trú sứ Pháp tại Huế, đồng thời chịu khuất phục và để mất đi hoàn toàn chủ quyền vào tay nước Pháp mà người đại diện là quan Toàn quyền Đông Dương. Về mặt tài chính, sự thể tiến triển sâu sắc, sẽ có những hệ quả rất lớn đối với triều đình Huế, đối với phong cách triều chính cung đình cũng như đối với dự trữ kho lẫm hoàng triều. Dưới triều vua Thành Thái (1889- 1907), đã thiết lập rõ rệt một sự ràng buộc về mặt luật lệ quy định, tước đi của nhà vua và triều đình sự độc lập về mặt tài chính: vua Thành Thái nếu đã phản đối là để yêu sách nhiều hơn về thu nhập của bản thân, hơn là vấn đề tình trạng chuyển dịch âm thầm [của phía Pháp] từ chế độ bảo hộ sang chế độ thuộc địa. Trước thái độ không khoan nhượng của nhà cầm quyền Pháp, nhà vua An Nam đành phải sử dụng kho lẫm triều đình để chi tiêu cho những món không nằm trong dự toán ngân sách chính thức thuộc chế độ bảo hộ áp dụng cho xứ An Nam.
311 Maréchal Lyautey, Lettres du Tonkin […], op.cit. p. 401