Cái chết đột ngột của vua Đồng Khánh ngày 28 tháng giêng năm 1889, ngay trước thềm Tết âm lịch truyền thống, đã gây bất ngờ bối rối cho nhà cầm quyền bảo hộ. Bối rối bất ngờ nhưng cũng là cơ hội mà phía Pháp hằng mong đợi để dứt khoát một lần, buộc vương triều Việt Nam phải vĩnh viễn khuất phục. Vấn đề kế vị không đạt được sự đồng thuận, tất cả các phe phái đều không thống nhất, dù là phía nhà cầm quyền Pháp, nhóm quan lại thủ cựu tại triều đình hay các vị quan thân Pháp. Tuy vậy, tất cả đều cùng đồng ý ở một điểm: thái độ không ủng hộ đối với hậu duệ của vua Đồng Khánh, nghĩa là đối với hoàng tử Bửu Đảo, lúc đó chỉ mới được 4 tuổi. Đại thần Nguyễn Trọng Hiệp gợi ý cho triệu hồi vị hoàng đế thất sủng Hàm Nghi từ Algérie về để trả lại ngôi báu, ông Etienne Richaud, Toàn quyền Đông Dương cũng thiên về giải pháp phục hồi cho cựu hoàng Hàm Nghi, nhưng sẽ không để “nhà vua” thực sự hiện diện trở về quê hương. Tổng trú sứ Rheinart là người nắm rõ tình hình, lại thường xuyên có quan điểm khác với Etienne Richaud, thẳng thừng chống lại một giải pháp như vậy. Do đó, sau khi tham vấn ý kiến của Hoàng thái hậu Từ Dũ, người ta lại quay sang xem xét phía hậu duệ của vị vua thảm thương Dục Đức, chính xác đó là người con trai cả của vị này, là một nhánh của dòng tộc triều Nguyễn: hoàng tử Bửu Lân312. Trước tiên hết, vị hoàng tử này có một điều thuận lợi: vào năm 1883, người cha của hoàng tử đã cung cấp cho Rheinart, lúc đó đang là chuyên trách sự vụ tại Huế, những thông tin hết sức quan trọng về tình hình nội bộ triều đình Huế. Do đó, giờ đây, “chúng ta [người Pháp] phải đền đáp món nợ ngày trước bằng việc đưa hậu duệ của ông lên ngôi vua”313. Trong khi đó, gia đình của vua Dục Đức quá cố, vợ là bà Phan Thị Điều và các con, đang sống khép kín, để không muốn nói là bị giam cầm314, bên trong Hoàng cung, dưới sự giám sát chặt chẽ của bộ hạ vua Đồng Khánh. Vua Đồng Khánh hiển nhiên có hai lý do để lo lắng: một, vua Đồng Khánh nhận ra trong đám con cháu, là những hoàng tử vị thế thấp này, những con người trong tương lai có tiềm năng tranh giành ngôi báu với dòng nhánh hậu duệ của mình; hai, vua Đồng Khánh đồng thời lo sợ sự trả thù của bà Phan Thị Điều: cha là Phan Đình Bình đã qua đời một cách rất khả nghi, mà vua Đồng Khánh lại như nắm biết nguyên nhân cái chết này. Rheinart kể lại, khi các phái viên của triều đình đến tìm gặp vị hoàng tử trẻ tuổi thì hoàng tử nhà ta đang đi lượm củi, mẹ hoàng tử, vợ góa của vua Dục Đức, thì van xin các phái viên của triều đình “hãy tránh áp đặt lên đầu con mình một gánh nặng áp lực đến như vậy”315.
312 DG: bản gốc ghi là “Bảo Lân”
313 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit., p. 311
314 Rheinart, “Journal, […]”, op.cit. p. 194
315 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit., p. 310-311
Một lựa chọn người kế vị như thế, đối với triều đình, có được thuận lợi là nối lại với một nhánh hoàng tộc đã được chọn lựa theo như di chiếu của vua Tự Đức. Ngoài ra, đối với phái quan lại thủ cựu, chọn một đứa trẻ vị thành niên cho ngôi báu sẽ tạo thêm trọng lượng cho hội đồng phụ chánh, hội đồng này sẽ là trung gian giữa người Pháp với đức vua cao quý. Nhưng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”… [Về phía Pháp], Rheinart lại thấy việc đặt lên ngôi một đứa trẻ 9 tuổi cũng là một cơ hội tốt: cấu hình vương quyền như thế sẽ có thể chế hội đồng phụ chánh khá lâu dài, thuận lợi cho quyền lợi của người Pháp nếu người Pháp biết xoay xở xếp đặt, nghĩa là nếu người Pháp biết tạo ra một hội đồng phụ chánh “tốt đẹp” [theo góc nhìn của phía Pháp]. Trước cả khi vị hoàng tử trẻ tuổi đăng quang, Tổng trú sứ Rheinart đã cấu hình hội đồng phụ chánh với bốn vị đại quan mà Rheinart biết rõ là thuận lòng theo với nước Pháp: các vị hoàng tử Tuy Lý và Hoài Đức được đưa vào hội đồng chỉ mang tính chất trang trí mà thôi.
“Hai vị hoàng tử Thuy-Li và Hoai-Duc [sic], là hai người con cuối cùng của vua Minh Mạng, trong những bộ phẩm phục xưa cũ, đi đứng không vững, phải được nâng đỡ, trông quá già yếu, lại mang trên người nào những thẻ bài, nào những đồng tiền [thưởng] nặng cân, làm cho các ngài như chúi người ra phía trước. Ôi trang sử nào là hệ trọng trong cuộc đời của hai ông lão này!316”
316 Maréchal Lyautey, Lettres du Tonkin […], op.cit. p. 398
[Kế sau hai vị hoàng thân] ông Nguyễn Trọng Hiệp là phụ chánh đại thần đứng hàng thứ ba: Rheinart chấp nhận sự có mặt của vị này vốn là một nhân cách mạnh mẽ. Vị thế của Nguyễn Trọng Hiệp có phần khó hiểu, là một người vừa gắn bó với truyền thống, vừa có xu hướng thực dụng trong thái độ lựa chọn thân Pháp: sự tham gia của ông Hiệp có thể xem như là sự đảm bảo dành cho phái thủ cựu tại triều đình. Vị phụ chánh đại thần thứ tư là ông Trương Đăng Đản [1833-1914], nguyên là tuần phủ tỉnh Quảng Trị, trước đây đã có một số việc chứng minh cho sự gắn bó của ông đối với phía Pháp317.
317 Còn được gọi là Trương Quang Đản, xem chương 2
Trương Quang Đản318
318 DG: Hay Trương Đăng Đản, BAVH số 1/1915
Vị vua trẻ lên ngôi vào ngày 1 tháng 2 năm 1889, niên hiệu là Thành Thái, với sự giám sát của một hội đồng phụ chánh được hình thành một cách rất phù hợp theo với thời thế. Nhưng chừng đó cũng chưa thỏa mãn Rheinart, ông nghĩ là cần phải nắm lấy cơ hội này để áp đặt những giới hạn mới cho tính độc lập của triều đình An Nam: ngày 26 tháng 2, viên Tổng trú sứ Rheinart ký với phía chính quyền Việt Nam một công ước cho phép ông tổng trú sứ Pháp hay người đại diện tham dự tất cả các cuộc họp của triều đình Huế (Hội đồng Phụ chánh, Hội đồng Tôn Nhân phủ [Conseil privé sic], Hội đồng Cơ mật) và được quyền ký duyệt (contresigner sic) tất cả các văn bản chiếu chỉ do triều đình Huế ban hành. Thêm vào đó, một nhân viên người Pháp được biệt phái sang Bộ Hộ, và như Toàn quyền Đông Dương Richaud đã nhận xét “chúng ta [phía Pháp] can thiệp vào việc xử lý mọi công việc lớn nhỏ liên quan đến Kho báu kho tàng của triều đình và tình hình của tất cả hoàng thân hoàng tử của hoàng tộc. Đến hôm nay, chúng ta đã chi phối kiểm soát các hội đồng của triều đình Huế và không có bất cứ lệnh nào từ triều đình ban hành cho các giới chức chính quyền bản địa mà không được thông báo cho chúng ta”319.
319 Etienne Richaud, “Rapport avril 1889”, cite dans Charles Fourniau, Vietnam […], op.cit., p. 449
Ngoài ra, Rheinart cũng vận dụng lại một ván cờ xa xưa như cái thế giới Hán hóa ông đang dự phần vào: dựa vào một bè nhóm từ phía ngoài, nghĩa là, trong trường hợp này, dựa vào các bà hoàng (thái) hậu. Ông tán thưởng khuyến khích các tham vọng của hoàng thái hậu Từ Minh, mẹ của vua Thành Thái, vốn mong muốn có một vai trò trong triều đình tương tự như hai hoàng thái hậu Từ Dũ và Trang Ý. Mà muốn vậy thì hoàng thái hậu, mẫu hậu của nhà vua đang trị vì, tất phải dựa vào thế lực [nước ngoài] đang bảo hộ. Năm tiếp theo, nhằm cân bằng ảnh hưởng vượt trội của đại thần phụ chánh Nguyễn Trọng Hiệp trong hội đồng phụ chánh, tổng trú sứ Pháp đã vồn vã đón nhận ý kiến của hoàng thái hậu Từ Minh: bà mong muốn đưa người được bà sủng ái là ông Bùi Ân Niên, Thượng thư Bộ Lễ, tham gia vào hội đồng phụ chánh.
Triều đại vua Thành Thái khởi đầu với rất nhiều thuận lợi và đã mang lại nhiều kết quả như mong muốn: chính sách của Pháp, được các quan Toàn quyền lần lượt kiên trì tuân thủ, là nhằm đặt triều đình vua quan nhà Nguyễn vào thế chịu sự bảo trợ, và rồi nhà vua chỉ còn mỗi vai trò mang tính trang trí hình thức. Về mặt tài chính, người ta đã sắp đặt để chiếm hữu những phương tiện tài chính của vương triều bằng cách chuyển dần hồi những nguồn thu nhập còm cõi của triều đình sang phạm vi ngân sách của chính quyền bảo hộ hay thuộc về ngân sách của chính quyền Đông Dương. Ngày 3 tháng 9 [1889], tổng trú sứ đạt được việc chuyển cho Sở Thuế [Đông Dương] phụ trách thu thuế [chuyên mãi] từ hai món thuốc phiện và quế, tiếp đó việc chuyển cho các cơ quan của chính quyền bảo hộ việc thu thuế thân đối với những người châu Á nước ngoài đang thường trú ở xứ An Nam. Vào tháng 3 năm 1892, thuế gián thu về rượu, gạo, muối, thuốc lá, dầu hoả, v.v. được chuyển sang cho các cơ quan của Pháp nêu trên phụ trách: các bộ phận thu thuế này có trách nhiệm chuyển lại một phần ba tiền thuế thu được cho ngân sách của triều đình Huế. Vào tháng 9 năm 1893, triều đình Huế bị buộc phải thiết lập ngân sách theo các chuẩn mực của Pháp, biện pháp này cho thấy nước Pháp đã ngừng vĩnh viễn việc rót vào ngân sách triều đình Huế phần triều đình được hưởng trên số thuế thu được tại Bắc Kỳ. Theo sắc lệnh ngày 9 tháng 8 năm 1894, tổng trú sứ Pháp phụ trách định kỳ hàng tháng kiểm tra tài chính của triều đình. Và theo một sắc lệnh khác ký ngày 13 tháng 6 năm 1895, nhân viên Pháp làm việc tại Bộ Hộ có trách nhiệm kiểm tra nguồn thu chi và giám sát về tài vụ kế toán của triều đình. Cuối cùng, ngày 15 tháng 8 năm 1898, theo một chiếu chỉ của triều đình, tất cả nguồn thu của ngân sách vương triều An Nam được chuyển sang thuộc ngân sách của chính quyền bảo hộ Pháp: nguồn thu nhập duy nhất còn lại [của ngân sách triều đình] là một món tiền trợ cấp ấn định ở mức 925.000 piastres theo ngân sách năm 1899, và phần dành riêng cho cá nhân đức vua là 3.500 piastres mỗi tháng320. Thu thuế theo sản vật hiện vật được bãi bỏ vĩnh viễn, thay vào đó là thu thuế bằng tiền, và tạm thời, với giới hạn ở mức một phần ba, thì thu bằng xâu tiền. Số tiền này, được Bộ Hộ quản lý dưới sự giám sát của chính quyền bảo hộ, được dành cho những chi tiêu của hoàng cung, hoàng tộc và chính quyền bản địa. Kể từ ngày 8 tháng 6 năm 1900, một Hội đồng Bảo hộ xứ An Nam được thành lập, có trách nhiệm thiết lập ngân sách và quyết định tính chất cũng như chỉ tiêu thu thuế: trong thực tế, chính quyền của Liên hiệp Đông Dương nắm giữ mọi quyền lực về tài chính321.
320 “Chính quyền Bảo hộ phụ trách những phần chi tiêu của triều đình Huế và chính quyền An Nam. Phần đóng góp về mục này cho triều đình Huế được ấn định là 925.000, là từ nguồn thu thuế trực thu cộng với phần mà chính quyền Bảo hộ trích từ nguồn thuế gián thu”, Paul Doumer, Situation de l’Indochine française de 1897 à 1901, Hanoi, 1902, p. 429. Thời điểm đó, một piastre tương đương khoảng 2 quan Pháp.
321 Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Vietnam […], op.cit. p. 173-185
Những can thiệp lấn lướt dần hồi từ phía nhà cầm quyền Pháp, vào lúc khởi đầu triều đại vua Thành Thái, như đã nhận thấy trong nhiều lãnh vực hành chính cai trị khác, đã gây ra một số phản ứng: đáng kể nhất là cuộc nổi dậy trở lại của phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, đã làm rối loạn vùng An Nam từ tháng 12 năm 1893 đến tháng 12 năm 1895. Cùng lúc là những nổi dậy từng lúc từng nơi ở vùng Bắc Kỳ, kéo dài cho đến năm 1897. Nhưng tình hình lúc này đã khác với buổi đầu những năm 1880: về chuyện đàn áp phong trào [kháng Pháp] thì ông Nguyễn Thân chẳng hề nương tay. Sự chần chừ của một Hoàng Tá Viêm, sự ái ngại của một Nguyễn Trọng Hiệp hay sự do dự của một Hoàng Cao Khải không còn hợp thời nữa. Những người nổi dậy không chịu khuất phục như Hoàng Hoa Thám322 sẽ bị săn đuổi và nổi loạn sẽ rơi vào biển máu của đàn áp. Người Pháp không chùn tay chùn bước để dàn diễn những cảnh rất man rợ: những vị thủ lĩnh nổi dậy cuối cùng bị đưa về kinh thành Huế để chặt đầu rồi bêu đầu trong giỏ tre trước công chúng. Thậm chí, người ta còn cho quật mồ Phan Đình Phùng để đốt thi thể và rải tro cho công chúng xem. Rốt cuộc, thế là kháng chiến kết thúc.
322 Được biết tiếng nhiều hơn với cái tên Đề Thám nghĩa là “chỉ huy Thám”, ông có căn cứ địa ở tỉnh Quảng Yên từ năm 1886. Người Pháp không sao tìm ra ông, một con người thao lược khôn ngoan. Quy hàng nhiều lần rồi lại quay về căn cứ địa [tiếp tục kháng cự], Đề Thám trở thành một tên tuổi huyền thoại trong bối cảnh lịch sử người Pháp xâm chiếm thuộc địa tại Bắc Kỳ.
Và rồi chỉ còn việc chốt-chặn lại toàn bộ tình hình, quyền lực này sẽ được giao phó cho một nhân vật vững chãi, người mà “chúng ta [người Pháp] đã đẩy ra ở cương vị hàng đầu”, là ông Hoàng Cao Khải, vị kinh lược sứ đầy quyền uy của Bắc Kỳ, đồng thời cũng là Thượng thư Bộ Binh, hàm Võ Hiển điện Đại học sĩ và một trong Tứ trụ của triều đình. Tiếp đó, năm 1896, Tổng trú sứ Brière thay thế đại quan Trương Đăng Đản mờ nhạt bằng một nhân vật vừa dẹp tan cuộc nổi dậy cuối cùng của giới nho sĩ, người mà theo như cách nói của Lyautey sẽ là “con người của ngày mai tương lai”: đó là Nguyễn Thân, được thăng chức Thượng thư Bộ Lại323, hàm Văn Minh điện Đại học sĩ, một trong Tứ trụ của triều đình. Để tổng kết một quá trình công lao mẫu mực như vậy, Nguyễn Thân trở thành nhạc gia của đức vua khi vua [Thành Thái] đặt con gái của Nguyễn Thân lên ngôi vị Đệ nhất Giai phi324.
323 Trong các tài liệu của Pháp thời thuộc địa, “Bộ Lại” của An Nam thường được dịch là “Bộ Nội vụ” (ministère de l’Intérieur sic)
324 DG: Xem thêm “Thành Thái” ở Wikipedia ngày 28/12/2020
Vài tháng sau đó, sau khi thông báo cái chết của Phan Đình Phùng, Brière có được việc từ chức của “kẻ thù sát nách” (ennemi intime sic) của Nguyễn Thân, đó là lão quan Nguyễn Trọng Hiệp. Với sự ra đi của ông Hiệp, phái thủ cựu tại triều đình như mất đi thủ lĩnh. Hai vị hoàng tử già nua Tuy Lý và Hoài Đức lần lượt qua đời vào năm 1897, chỉ còn lại hoàng thái hậu Từ Dũ, mất vào ngày 23 tháng 5 năm 1901. Hoàng thái hậu Trang Ý rút khỏi sinh hoạt triều chính sau khi vua Thành Thái đến tuổi trưởng thành, lui về ẩn cư ở lăng Tự Đức sau khi hoàng thái hậu Từ Dũ qua đời, rồi mất vào ngày 3 tháng 6 năm 1902. Có thể nói giờ đây tình hình trật tự ổn định tại vùng kinh thành Huế. Nhưng nay vấn đề của người Pháp lại chính là đức vua…
“Chúng ta có thể tự tán tụng đã làm “hỏng” mất ngài Thành Thái”
Vua Thành Thái (1889-1907)325
325 DG: BAVH số 3-4/1939
Năm 1889, Thành Thái còn là một đứa trẻ, một đứa-trẻ-làm-vua, với tất cả hàm nghĩa của cụm từ này. Bất thường, bốc hứng, thích các trò chơi hơn là học hành, đã trở thành kẻ độc đoán nhỏ tuổi ngay từ những năm đầu lên ngôi báu, [lược bỏ 5 dòng]. Năm 1896, vị chỉ huy Lyautey, một người không chuyên chú nhưng am hiểu về vấn đề này, đã mô tả vị vua An Nam như sau:
“và rồi cuối cùng, từ bóng tối xuất hiện một bóng dáng chói sáng: một thiếu niên xinh xắn, thanh mảnh với dáng vẻ thanh lịch trong bộ phẩm phục bằng lụa vàng óng làm nổi bật tấm dải đeo tấm Bắc Đẩu Bội tinh [của Pháp ban tặng] và đồng tiền thưởng hạng lớn “vạn thế vĩnh lại” (?: grand sapèque des dix mille soutiens sic), cổ đeo thêm một chuỗi kim cương dài lê thê, đầu đội một khăn đóng cùng một loại lụa như bộ phẩm phục. Đó chính là vua Thành Thái, đức vua của xứ An Nam. […] Dưới cái mặt nạ trẻ thơ trông như đang suy tư như thế, hao hao như khuôn mặt thiếu nữ, thật khó mà hình dung ra con cọp con được phơi bày ra qua các báo cáo. [lược bỏ 5 dòng]326.
326 Maréchal Lyautey, Lettre du Tonkin […], op.cit. p. 399-400
[Lược bỏ 4 dòng]
Trong lúc người ta tước đi của người những quyền lực chính trị thì đức vua vẫn tiếp tục chơi đùa và càng làm nhiều việc bốc đồng. [lược bỏ 12 dòng].
[Lược bỏ 6 dòng] Đối với những người nổi dậy khuynh hướng truyền thống [quân chủ] như Phan Đình Phùng hay những người theo khuynh hướng cải cách như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu hay Thái Phiên, tất cả đều xem vua Thành Thái chỉ đơn giản là công cụ rất hữu dụng trong tay nhà cầm quyền bảo hộ Đông Dương327. [Lược bỏ 3 dòng]. Ông Phan Bội Châu chính là người đã bày tỏ một thái độ chung nhất như sau: “Có thể thẳng thắn mà nói ra là cần phải loại bỏ một vị vua như vậy, mà có ai phải nuối tiếc? Nhưng người Pháp có lý do của họ để duy trì một thứ bóng ma như vậy ở ngôi báu…”328.
327 Nguyễn Thế Anh, “L’abdication de Thành Thái”, BEFEO 64, 1977, p. 260-261
328 Phan Bội Châu, do Nguyễn Thế Anh trích dẫn: “L’élite intellectuelle vietnamienne en le fait colonial dans les premières années du XXè siècle” (“Giới trí thức tinh hoa Việt Nam trong chuyển biến thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX”), Revue française d’Histoire d’Outre-Mer, n°268, 1985, p. 297. Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam (“Nền quân chủ và vấn đề thuộc địa tại Việt Nam”), op.cit. p. 202-204
Thực tế là, cho đến tận những 1905-1906, giới cầm quyền phía Pháp đã có phần nào đó khoan nhượng dung thứ đối với những hành vi thái quá của vị vua trẻ tuổi. Năm 1896, Lyautey cho rằng trách nhiệm về sự hao công tốn của về phương diện con người và chính trị, chính thuộc về nước Pháp:
“Thật không có ngôn từ nào đủ mạnh để phê phán lối hành xử của nước Pháp đối với ông vua con này. Chúng ta ở tư thế thuận lợi để tỏ rõ sự bất bình đối với [lược bỏ 1 dòng] thái độ vô tư lự của đức vua […] Nhưng mà, cuối cùng, xét cho cùng, ai là người chịu trách nhiệm? […] Tất cả những diễn văn bóng bẩy, diễn từ hào nhoáng cũng chẳng thể ngăn cản chúng ta tự tán tụng là đã làm “hỏng” (“raté” sic) làm hụt mất ngài Thành Thái”329.
329 Maréchal Lyautey, Lettres du Tonkin […], op.cit. p. 420-422
Năm 1905, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có vẻ khoan dung hơn nữa trong việc đánh giá [vị vua An Nam trẻ tuổi]:
“Lề lối giáo dục dành cho vị vua trẻ, cái quyền uy tuyệt đối mà nhà vua có trong tay bên trong cung cấm, mà không một ai được để mắt vào, đã làm nảy sinh nơi đức vua những thói xấu mà thường người ta phải bỏ công loại bỏ ngay đối với bất cứ ai khác. Đức vua hành xử tùy ý thích, bốc hứng bốc đồng. Đóng khung trong cung điện cung cấm lạnh lẽo tối ám, và hơn thế nữa, khuôn định trong những nghi thức nghi lễ bức bách đã ngự trị hàng bao thế kỷ, quy định nghiêm ngặt mọi hành vi ứng xử của bao đời vua An Nam, [hiển nhiên là] vị vua trẻ tuổi đã có những lúc nổi loạn của tuổi thanh xuân, những ước ao được tự do, mà do chính sự hiện diện của chúng ta [người Âu, người Pháp] đã đem đến, gợi ra […] Và rồi từ những thiếu sót như vậy [của đức vua] đã bị cho là tội ác, những tự do phóng túng về hành vi hay ngôn ngữ [của ngài] khiến triều đình Huế than phiền, rồi nêu ra những phàn nàn yêu cầu đến tận ông tổng trú sứ Pháp, để rồi vị này đôi lúc phải can thiệp. Cần phải nói thêm là, vào độ tuổi mà người An Nam thường chưa lập gia thất, thì vua Thành Thái đã có cả một cung cấm đông đúc quý phi chính thức, ái phi và người hầu hạ khác giới: tất cả sự thể như thế chẳng giúp cho đức vua có được sự cân bằng về mặt trí tuệ và tinh thần. Trong những ngày dài bị ép mình trong cung cấm và nhàn rỗi, nhà vua trẻ tuổi có thái độ buông thả [lược bỏ 1 dòng]. Nhưng sự việc như thế quá dễ diễn giải và bị nhiều người thoải mái thổi phồng.”330
330 Paul Doumer, L’Indo-Chine française (Souvenirs), Paris, 1905, p. 171
Giờ đây điều gây phiền toái cho nhà cầm quyền bảo hộ không chủ yếu nằm ở sự rối ren lộn xộn từ ngay đức vua và cung đình, mà chính là hình ảnh con người đức vua trẻ tuổi hình thành nên trong dân chúng và giới nho sĩ, thậm chí ảnh hưởng đến cả dư luận ở chính quốc.
[Lược bỏ 9 dòng].
Vị vua bé nhỏ xinh xắn (“le mignon petit roi”, sic) tính cách có phần dị thường đã trở thành hình ảnh châm biếm về một con rối biến chất của chế độ thực dân. Trong khi đó lại có nhiều ứng viên khác cho ngôi báu. Cựu hoàng Hàm Nghi, đang lưu trú tại Alger, vẫn là một biểu tượng của một vị quân vương hoàn toàn đáng kính mà nhiều sĩ phu vẫn trông ngóng hướng về. Thái độ cao quý của Hàm Nghi thu hút thiện cảm của một số người Pháp, đặc biệt là những sĩ quan Pháp đã từng phục vụ ở Đông Dương. Mặt khác, vào đầu thế kỷ XX, dần hồi hình thành một phong trào ái quốc khuynh hướng cải cách với thủ lĩnh là hoàng thân Cường Để, dù đây chỉ là danh xưng nhưng ông rất tích cực hoạt động. Cường Để là hậu duệ trực hệ của vua Gia Long, được sự hỗ trợ của Phan Bội Châu, Thái Phiên và Gilbert Chiếu. Năm 1904, phái này lấy tên là Duy Tân Hội, hội của những nhà cải cách và bắt đầu thúc đẩy những người trẻ Việt Nam, cả ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, tiến hành “Hành trình về phương Đông” có tên là Đông Du, hướng về Tokyo, nước Nhật, để học hỏi từ nước Mặt Trời Mọc đã phục hưng. Thực tế là vào thời gian đó đã diễn ra một sự kiện có ảnh hưởng vô cùng lớn: sau một năm nổ ra chiến tranh, nước Nhật đã đánh bại nước Nga. Lần đầu tiên, một cường quốc phương Tây buộc phải chấp nhận bại trận trước một nước châu Á. Hệ quả là ở các nước Trung Hoa, Indonesia, Việt Nam, một tia hy vọng mới xuất hiện cho các dân tộc dưới ách thuộc địa. Nước Nhật hiển nhiên muốn phát huy làn sóng này và không ngần ngại đón tiếp, hỗ trợ những nhân vật ái quốc đến từ các nước châu Á, đồng thời gửi sang các nước thuộc địa trong vùng những thương nhân, nhà khảo cổ hay kỹ sư mà thực chất là những phái viên thường trú khả kính. Trong cục diện tình thế như vậy, nhân cách đáng lo của vua Thành Thái không thể nào là điểm kết tinh cho lòng yêu nước của người Việt Nam. Thêm vào đó, như thư từ ngài trao đổi đã chứng minh, đức vua An Nam chỉ mong chuyển nhượng vĩnh viễn cho nước Pháp vùng Bắc Kỳ và các tỉnh cực bắc của Trung Kỳ để đổi lấy sự tự chủ của vương triều chỉ còn giới hạn ở vùng An Nam, Trung Kỳ…
Những hành vi thái quá của đức vua không hề chấm dứt, nhà cầm quyền Pháp buộc phải có thái độ dứt khoát, nhất là với sự xuất hiện của vị Tổng trú sứ mới, ông Lévecque, vốn được biết tiếng là không dung hòa khoan nhượng: đáp lại những bốc đồng bốc hứng của vua Thành Thái là sự giận dữ của ông tổng trú sứ. Những phía duy nhất bảo vệ cho vua Thành Thái là các tờ báo do Hội Truyền giáo Hải ngoại tài trợ như các tờ L’Avenir du Tonkin và L’Indépendance tonkinoise… Sau nhiều chần chừ đắn đo, vua Thành Thái bị phế truất vào ngày 29 tháng 7 năm 1907 và buộc phải nhường ngôi cho con mình là Vĩnh San vào ngày 3 tháng 9 năm 1907. Vị cựu vương đi đày ở Vũng Tàu (người Pháp gọi là Cap Saint-Jacques), rồi sau đó bị đưa sang đảo Réunion vào năm 1916. Theo suy nghĩ của một số nhà nghiên cứu hiện nay, người Pháp đã cho phế truất vua Thành Thái vì nhà vua là một nhà yêu nước tầm cỡ. [Lược bỏ 12 dòng]. Vua Thành Thái chưa từng đề cập vấn đề độc lập, điều mà Hoàng Cao Khải sẽ làm, dẫu vị này được xem như là một cộng tác viên đắc lực [của phía Pháp]. Năm 1910, với tất cả sự thận trọng cần thiết, Hoàng Cao Khải không ngần ngại nói rõ quan điểm của mình và nêu ra sự độc lập như một “quyền”331.
331 Hoàng Cao Khải, En Annam, op.cit. p. 53-55
[Lược bỏ 12 dòng]
Hoàng Cao Khải, Kinh lược sứ Bắc Kỳ (ảnh chụp của P. Dieulefils, 1900)