Học cách tư duy là học cách kiểm soát suy nghĩ và cách thức suy nghĩ. Điều đó nghĩa là bạn phải đủ ý thức và nhận thức để lựa chọn đối tượng mình chú ý đến cũng như cách rút ra ý nghĩa từ trải nghiệm.
Bởi lẽ nếu không thể đưa ra những lựa chọn này khi đã trưởng thành, bạn sẽ gặp rắc rối.
– David Foster Wallace
Chọn Một Hướng Đi, Đặt Một Mục Tiêu
Thử nghiệm taxi
Nào, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu với một thử nghiệm tưởng tượng. Bạn bước vào một chiếc taxi…
→ Thử nghiệm taxi 1
Bạn bước vào một chiếc taxi và không nói cho tài xế biết địa điểm mình muốn đến. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Hai tình huống sau có thể xảy ra. Bạn vẫn ở nguyên tại chỗ, hoặc tài xế sẽ chở bạn vòng quanh thành phố trong suốt đêm. Thỉnh thoảng, tài xế sẽ dừng xe lại và hỏi, “Có lẽ anh/chị muốn xuống xe ở đây?”, nhưng bạn không trả lời được câu hỏi đó. Làm sao bạn biết nơi mình muốn đến trong khi chẳng có hướng dẫn nào để bạn dựa vào và ra quyết định?
→ Thử nghiệm taxi 2
Một lần nữa, bạn bước vào một chiếc taxi và cho tài xế biết chính xác địa điểm mình muốn đến, bao gồm tuyến đường bạn muốn người này đi theo. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Bạn sẽ đi trên tuyến đường định trước và đến đúng nơi cần đến. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là “Chuyến đi này mang lại cho bạn những gì?”. Nếu định sẵn mọi thứ, bạn sẽ không còn cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ.
→ Thử nghiệm taxi 3
Bạn lại bước vào một chiếc taxi. Lần này, bạn hướng dẫn tài xế, “Tôi muốn đến khu phía đông của thành phố, tới một quán bar nơi tôi có thể vừa thưởng thức đồ uống ngon vừa nhún nhảy theo điệu nhạc”. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Bạn sẽ đến được nơi mình muốn, nhưng bạn không biết trước đó là nơi nào.
Kết luận: Nắm khái quát hướng cần đi là một điều tốt, vì nếu không thì bạn sẽ chẳng đến được đâu. Tuy nhiên, đừng cố định mục tiêu một cách cứng nhắc mà hãy chừa chỗ cho những trải nghiệm và hiểu biết mới. Nói tóm lại, bạn nên đặt ra mục tiêu nhưng cởi mở về con đường mình sẽ đi.
Bạn phải có ý tưởng về điều mình sẽ làm, nhưng đó nên là một ý tưởng mơ hồ thôi.
– Pablo Picasso
Làm Điều Bạn Thích
Nếu bạn luôn làm điều mình thích, sẽ có ít nhất một người cảm thấy hài lòng.
– Katharine Hepburn
Nuối tiếc việc đã không làm
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem con người ta tiếc nuối điều gì vào cuối đời. Hóa ra mọi người đặc biệt tiếc nuối những việc họ đã không làm. Một khảo sát ở Mỹ còn cho thấy 70% số người lao động ở Mỹ – hơn 108 triệu người – thức dậy mỗi sáng và không hề hào hứng với công việc mình sắp làm trong ngày. Bạn đâu muốn là một trong số họ phải không?
Phương pháp Danh Sách Việc-Đừng-Làm xoay quanh việc đưa ra các lựa chọn giúp bạn làm điều mình thật sự muốn. Bằng cách đó, bạn không phải nuối tiếc về những việc mình đã không làm. Biết mình muốn gì là một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất trong cuộc đời.
Không bao giờ là quá trễ để trở thành người bạn có thể trở thành.
– George Eliot
Câu chuyện truyền cảm hứng về Barbara Beskind
Ngay từ bé, Barbara Beskind đã biết mình muốn trở thành nhà sáng chế. Ở tuổi 91, cuối cùng ước mơ của bà cũng trở thành hiện thực và bà đang làm công việc trong mơ tại IDEO – công ty tạo ra con chuột máy tính đầu tiên cho hãng Apple.
Barbara Beskind trưởng thành trong thời kỳ Đại Suy thoái. Thiết kế đầu tiên của bà là một con ngựa bập bênh. “Trong thời kỳ suy thoái, nếu không có tiền mua đồ chơi thì tôi phải tự làm. Tôi quyết tâm có bằng được một món đồ chơi, thế là tôi mày mò làm con ngựa bập bênh bằng những chiếc lốp xe cũ. Tôi cũng học được nhiều điều về trọng lực sau nhiều lần ngã ngựa.” Sau đó, bà muốn học trường kỹ thuật nhưng bị từ chối vì là phụ nữ, vì vậy bà chuyển sang học về Kinh tế Gia đình. Cuối cùng, bà gia nhập và làm việc trong quân đội với vai trò chuyên gia trị liệu cơ năng trong 44 năm.
Mọi chuyện thay đổi khi bà xem một tập của chương trình truyền hình 60 Minutes (tạm dịch: 60 Phút) vào năm 2013. Nhân vật chính của tập đó là David Kelley, nhà sáng lập IDEO. Trong buổi phỏng vấn, ông nói về cách công ty IDEO luôn mong muốn có đội ngũ nhân viên đa dạng để mọi người có thể truyền cảm hứng cho nhau. Beskind quyết định nộp đơn ứng tuyển. Bà soạn thư ứng tuyển trong hai tháng, chỉnh sửa nhiều lần và rút gọn lá thư dài chín trang xuống còn một trang. Ở độ tuổi đã cao, cuối cùng bà cũng được làm công việc mình mơ ước.
Bạn đi chậm thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn không ngừng lại.
– Khổng Tử
Tuổi tác không phải là rào cản
Câu chuyện về Barbara Beskind chứng minh rằng không bao giờ là quá trễ để làm điều mình thật sự muốn. Thay vì nuối tiếc ước mơ tuổi thơ dang dở, Barbara đã tiến về phía trước và biến mơ ước thành hiện thực. Bà luôn hướng đến mục tiêu của mình. Có rất nhiều ví dụ về những người chạm đến ước mơ cuộc đời khi đã khá muộn. Diễn viên Harrison Ford làm thợ mộc đến năm 30 tuổi. Đạo diễn Lý An thất nghiệp ở tuổi 31 và cũng ở tuổi đó, J.K. Rowling – tác giả của bộ truyện Harry Potter – đang là bà mẹ đơn thân sống nhờ trợ cấp xã hội. Vậy nên dù bạn bao nhiêu tuổi, hãy luôn hướng đến mục tiêu của mình.
Tôi không phải sản phẩm của hoàn cảnh.
Tôi là sản phẩm của các quyết định của mình.
– Stephen Covey
Công việc không tạo ra gì ngoài tiền là một công việc kém giá trị.
– Henry Ford
Đừng chạy theo đồng tiền
Con người thường để tiền bạc dẫn dắt. Họ dùng tiền làm cái cớ để không làm điều họ thật sự muốn. Nhưng tiền chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Nếu bạn thật sự muốn làm điều gì đó, tiền không bao giờ là cái cớ có thể ngăn cản bạn. Tiền cũng không phải luôn là lý do tốt khiến ta làm một việc gì đó. Có một vài dự án tôi thực hiện với suy nghĩ “Mình có thể kiếm được nhiều tiền từ dự án này”. Hầu hết các dự án đó đều thất bại vì nó không có ý nghĩa – vì mục tiêu chính chỉ là kiếm tiền. Vì vậy, hãy đi theo con tim chứ đừng chạy theo đồng tiền.
Làm Thế Nào Để Biết Bạn Thật Sự Muốn Gì
Bài học rút ra từ thử nghiệm taxi là nếu không biết mình muốn đến đâu, bạn sẽ đến một nơi bạn còn không chắc mình có muốn đặt chân tới hay không. Đúng là không dễ để biết – một cách tương đối chính xác – nơi mình muốn đến. Bạn phải thành thật với bản thân thì mới biết mình thật sự muốn gì.
Đừng tự giới hạn bản thân. Nhiều người giới hạn bản thân với những điều họ nghĩ mình có thể làm.
Tâm trí của bạn vươn xa đến đâu, bạn sẽ đi xa được đến đó. Hãy nhớ rằng bạn có thể đạt được điều mình tin tưởng.
– Mary Kay Ash
Hãy tự hỏi, “Đâu là việc mà lúc nào mình cũng hào hứng muốn làm?”. Ghi nhớ câu trả lời và làm bài tập sau.
→ Lập danh sách những việc bạn thật sự thích làm.
→ Xem xét danh sách đó một cách trung thực. Bạn đã đưa việc nào vào danh sách với suy nghĩ, “Việc này có thể giúp mình kiếm tiền”? Hãy gạch bỏ những việc đó và thay bằng những việc bạn chưa dám viết ra vì tiếng nói trong đầu bạn thì thầm “Mình không làm được”. Đừng nghe theo tiếng nói ấy, hãy viết ra việc bạn muốn làm, bao gồm cả những việc thoạt nhìn có vẻ không liên quan đến công việc. Đơn giản là cứ viết ra những việc làm bạn cảm thấy hào hứng.
→ Xem lại danh sách và chọn ra ba việc bạn muốn làm nhất.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên trước danh sách vừa lập, vì nó bao gồm những việc ban đầu bạn không định kể ra khi được hỏi về mục tiêu của bản thân. Không sao. Hãy dành một chút thời gian để làm quen với nó.
Danh sách những việc bạn thật sự muốn làm
_______________________
_______________________
_______________________
_______________________
Ba việc bạn muốn làm nhất
1. _______________________
2. _______________________
3. _______________________
Bạn Giỏi/Dở Việc Gì Nhất?
Những người sáng tạo thích làm nhiều việc khác nhau và họ thường làm khá tốt những việc đó. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tất cả những việc đó, bạn sẽ chỉ dừng lại ở mức khá tốt và không bao giờ làm xuất sắc việc nào.
Vòng tròn Năng lực của bạn là gì?
Quan trọng là bạn phải biết mình giỏi và không giỏi việc gì, hay nói theo cách của Warren Buffett, bạn phải hiểu rõ Vòng tròn Năng lực của mình. Những việc nằm trong vòng tròn là việc bạn làm giỏi. Nếu việc bạn giỏi cũng là việc bạn thích, bạn có thể làm rất xuất sắc việc đó.
Vòng tròn Năng lực của bạn trông như thế nào?
→ Vẽ một vòng tròn. Bên trong vòng tròn, viết ra tất cả điểm mạnh của bạn (kỹ năng, điểm tốt trong tính cách, sở thích). Bên ngoài vòng tròn, viết ra những điểm yếu của bạn.
→ Bây giờ, hãy gạch bỏ những việc bạn tương đối giỏi hoặc không quá dở. Nói cách khác, gạch hết những đặc điểm bạn không đặc biệt xuất sắc hay vô cùng tệ hại. Tiếp tục loại trừ đến khi còn tối đa ba đặc điểm trong vòng tròn – những việc bạn đặc biệt giỏi, và không quá ba đặc điểm ngoài vòng tròn – những việc bạn cực kỳ dở.
→ Đó chính là Vòng tròn Năng lực của bạn.
Tập trung vào điểm mạnh
Nếu trung thực thực hiện bài tập trên, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về thế mạnh của mình. Hãy tập trung vào những điểm mạnh đó, bởi lẽ cải thiện việc bạn đã giỏi sẵn dễ hơn nhiều so với cố gắng làm tốt việc bạn không giỏi.
Tài năng bị che giấu không mang lại danh tiếng.
– Desiderius Erasmus
Nhận ra điểm sáng của “Mặt Tối”
Danh sách điểm yếu của bạn không phải là không quan trọng. Dù điểm yếu không phải thứ bạn muốn mọi người biết, nhưng nó vẫn có thể giúp ích cho bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn xem những điểm yếu này như các “điểm sáng”? Tôi không phủ nhận nó là điểm không tốt trong tính cách của bạn, nhưng xét trên một quan điểm nhất định, đó là việc bạn làm tốt, miễn là bạn biết cách áp dụng nó với thái độ tích cực.
Lấy ví dụ, tôi khá thiếu kiên nhẫn. Tôi không cố trở nên kiên nhẫn hơn (vô ích thôi), nhưng tôi tận dụng tính cách này theo hướng có lợi cho mình và cho người khác. Ví dụ, nhờ thiếu kiên nhẫn mà tôi khá giỏi gọi điện thoại đến các hệ thống hỗ trợ khách hàng mang tính quan liêu. Đơn giản là tôi sẽ không cúp máy khi chưa đạt được điều mình muốn. Đôi khi bạn có thể dùng điểm chưa tốt của mình để tạo ra kết quả tích cực. Xin lưu ý: tôi không nói cư xử thô lỗ là hành vi được chấp nhận.
Hé Lộ Con Người Bạn Có Thể Trở Thành
Vậy là bạn đã có danh sách những điểm mạnh nhất và yếu nhất của mình, bên cạnh đó là danh sách những việc bạn muốn làm nhất. Tốt lắm. Hãy tìm điểm chung giữa những việc đó bằng phương pháp chồng lấp.
→ Vẽ ba vòng tròn cùng cắt nhau.
→ Viết một điều bạn muốn làm nhất vào mỗi vòng tròn.
→ Phần thú vị là xem điều gì xuất hiện trong mảng chồng lấp của các cặp vòng tròn. Đâu là điểm chung của hai điều bạn muốn làm nhất?
→ Vậy là còn lại mảng ở giữa, phần giao nhau giữa ba vòng tròn. Đặc điểm chung của tất cả kết quả trước đó là gì? Đó chính là bạn! Hãy viết tên bạn vào đó.
Kết quả của bài tập trên tiết lộ con người bạn sẽ trở thành nếu làm những việc mình thích nhất. Mảng chồng lấp của các vòng tròn là phần thú vị nhất. Tại đó, hai đặc điểm hợp lại và tạo thành một tổ hợp độc đáo – một điểm đặc biệt về con người bạn.
→ Thực hiện bài tập trên với ba điểm mạnh nhất của bạn.
→ So sánh kết quả của hai bài tập, nghĩ xem tổ hợp các thế mạnh/đặc điểm có thể giúp bạn làm điều mình muốn như thế nào.
Tất nhiên bạn cũng có thể thực hiện bài tập này cho những điểm yếu nhất. Kết quả của bài tập đó có thể cung cấp cho bạn những thông tin thú vị.
Ba Bước Lập Kế Hoạch Cuộc Đời
Giờ là lúc vạch ra kế hoạch chinh phục mục tiêu. Kế hoạch đó khá đơn giản: Làm thế nào để đi từ A đến B?
Thiết kế là bản kế hoạch sắp xếp các thành phần theo cách tối ưu nhằm đạt được một mục đích nhất định.
– Charles Eames
1 – Bắt đầu từ điểm kết thúc
Bạn đã biết cái đích mình muốn đến, đó là làm điều bạn thích và trở thành con người bạn muốn. Vậy là bạn có mục tiêu và phương hướng. Bạn không cần vạch sẵn hướng đi một cách cứng nhắc – nhớ thử nghiệm taxi chứ? Tuy nhiên, bạn phải biết mình sẽ rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng khi đứng trước những ngã rẽ nhất định.
Nếu một người không biết thuyền của mình cần cập bến cảng nào thì gió thổi chiều nào đối với họ cũng như nhau.
– Lucius Annaeus Seneca
2 – Bạn đang ở đâu?
Trong các buổi học taekwondo, thầy dạy võ của tôi từng hỏi, “Trong buổi đấu tập, mục tiêu của các em rất rõ ràng. Các em muốn đánh bại đối phương. Các em đứng đối mặt nhau trên thảm tập. Nhưng làm thế nào các em biết mình phải dùng chiến lược gì để đạt được mục tiêu đó?”.
Các học viên đai đen lập tức trả lời, “Bằng cách hiểu rõ đối thủ”. Dĩ nhiên. Nhưng có một việc bạn cần làm trước cả việc đó. Một cô gái đai trắng đề xuất, “Bằng cách hiểu rõ chính mình”. Và đó chính là mấu chốt của vấn đề. Bạn phải biết mình đang đứng ở đâu thì mới có thể xác định chiến lược mình sẽ áp dụng.
3 – Lập kế hoạch
→ Lấy một tờ giấy, đặt nó nằm ngang trước mặt và chia trang giấy thành ba cột.
→ Viết “Mục tiêu” vào đầu cột bên phải và “Nơi tôi đang đứng” vào đầu cột bên trái. Tạm thời để trống cột giữa.
→ Viết ra ba việc bạn muốn làm nhất vào cột bên phải.
→ Ở cột bên trái, viết ra nơi bạn đang đứng – những việc bạn hiện đang làm.
→ Làm sao để nối cột bên trái và bên phải với nhau? Tất nhiên là thông qua cột ở giữa. Viết “Chiến lược” vào đầu cột này.
→ Viết vào cột ở giữa cách bạn đi từ cột bên trái (“Nơi tôi đang đứng”) đến cột bên phải (“Mục tiêu”). Bạn cần thay đổi điều gì để đạt được mục tiêu? Các đặc điểm của bạn hỗ trợ (hoặc cản trở) bạn ra sao trong việc này? Bạn nên và không nên làm gì? Bạn cần tập trung vào đâu?
Đơn giản vậy thôi. Nếu bạn biết mình đang ở đâu và muốn đến được đâu, phần ở giữa chỉ là bài tập điền vào chỗ trống đơn giản. Đó sẽ là kế hoạch của bạn, nhưng đừng lập kế hoạch quá cứng nhắc. Suy cho cùng, không gì dễ thay đổi bằng con người. Vì vậy, hãy chừa chỗ để điều chỉnh lộ trình của mình.
Việc đặt mục tiêu trung gian có thể hữu ích trong trường hợp này. Bạn muốn đạt được những gì trong một năm tới? Bạn có thể đặt mục tiêu cho từng năm. Tóm gọn những mục tiêu của năm tiếp theo vào một phương châm hoặc khẩu hiệu; đó sẽ là chủ đề hành động của bạn. Cuối năm đó, bạn có thể đánh giá việc mình đã làm. Có lẽ bạn sẽ hoàn thành và đạt được những việc bạn không dự tính trước. Những thành tựu bất ngờ này vẫn có thể là một phần của con đường dẫn đến mục tiêu dài hạn.
Ba Bước Lập Kế Hoạch Cuộc Đời
Bắt đầu ở đây
Bước 1.
Mục tiêu
Bước 2.
Nơi tôi đang đứng
Bước 3.
Chiến lược
Khi bạn biết mình muốn gì, nhiều cánh cửa sẽ bất ngờ mở ra cho bạn. Đó không phải là may mắn hay ngẫu nhiên. Suy cho cùng, với một phương hướng rõ ràng, bạn sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội mà bạn sẽ không nhận ra nếu không biết mình muốn đi đâu. Bạn cũng sẽ giỏi hơn trong việc quyết định xem mình nên nắm bắt và bỏ qua cơ hội nào.
Tôi cực kỳ thích thúkhi kế hoạch được thực hiện.
– John “Hannibal” Smith, trong bộ phim The A-Team
Cho Mọi Người Biết “Menu” Của Bạn Có Gì
Bạn đã biết hướng mình muốn đi. Vậy làm thế nào để kết hợp hướng đi đó với công việc hàng ngày? Khá đơn giản, bạn hãy thể hiện nó ra. Trước đây khi lập một trang web mới, tôi bàn luận về nó với người bạn làm thiết kế. Tôi chia sẻ rằng tôi muốn làm những dự án mang lại thu nhập, nhưng cũng muốn hướng sự chú ý của mọi người đến điều tôi thật sự muốn làm. “Dễ mà”, anh bạn tôi nói, “anh chỉ cần đưa việc mình muốn làm lên trang web và loại bỏ những việc khác”.
Mọi người tìm đến bạn vì những thứ bạn đưa lên menu trang web(1) của mình. Làm dự án để kiếm thêm thu nhập không có gì sai, chỉ là bạn không cần quảng cáo nó.
(1) Menu của một trang web là thanh trình đơn dùng để hiển thị các liên kết chính trong trang web. Nhìn vào menu, chúng ta có thể biết được các chuyên mục chính của trang web.
Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, dù bạn đang kinh doanh riêng hay đi làm thuê. Những việc bạn đưa vào “menu” phân biệt bạn với người khác. Menu càng ngắn gọn, phạm vi sản phẩm càng rõ ràng, và bạn càng dễ tập trung vào các sản phẩm hoặc kỹ năng đó.
#Hashtag của bạn là gì?
Có thể bạn cũng biết, hashtag(2) cung cấp nội dung gắn với một chủ đề trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram hoặc LinkedIn. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này để đưa ra lựa chọn. Hãy nghĩ một hashtag từ một đến ba từ đại diện cho bạn trong vai trò người sáng tạo. Hashtag này giúp bạn kiểm tra xem việc mình sắp làm có phù hợp với Kế hoạch Cuộc đời không. Nếu một hoạt động hoặc dự án không phù hợp với hashtag, bạn có thể chuyển nó vào Danh Sách Việc-Đừng-Làm.
(2) Hashtag: một từ hoặc một chuỗi các ký tự viết liền nhau được đặt sau dấu #. Hashtag được sử dụng như một công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, và bạn có thể nhấn vào một hashtag để xem được tất cả những nội dung chứa hashtag đó.
Cách tạo #hashtag
Làm thế nào để nghĩ được một hashtag vừa hay vừa bao hàm mọi việc bạn làm? Kế hoạch Cuộc đời, Vòng tròn Năng lực và bài tập chồng lấp có thể giúp bạn. Sau đây là một số chỉ dẫn thêm:
→ Giả sử có người đăng một nội dung về công việc của bạn trên mạng xã hội, bạn muốn họ gắn hashtag nào cho nội dung này?
→ Hashtag của bạn có độc đáo nhưng vẫn đủ thông dụng để mọi người hiểu được không? Ví dụ, hashtag #Thietke quá phổ biến. Có nhiều kiểu nhà thiết kế, và họ đều có thể sử dụng hashtag này. Tôi chọn hashtag #chudong (chữ động), vì trong vai trò typographer(3), công việc chính của tôi là thiết kế giao diện và danh đề phim.
(3) Typographer: người thiết kế, lựa chọn, sắp xếp các câu chữ với nhiều kích thước, loại phông và màu sắc khác nhau sao cho thành phẩm thể hiện được tinh thần và thông điệp họ muốn nhắm đến.
→ Kiểm tra hashtag bằng cách thêm vào từ “Không”.
Hãy tạo dựng phong cách hình ảnh của riêng bạn.
Phong cách đó cần thể hiện được điểm đặc biệt của bạn nhưng vẫn phải dễ nhận dạng với người khác.
– Orson Welles
Kiểm tra hashtag
→ Lập danh sách những từ miêu tả bạn. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cứ nghĩ gì viết nấy.
→ Thêm từ “không” vào trước các từ trong danh sách. Việc này có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng đó chính là mục đích của phần này. Ví dụ, nếu lúc nãy bạn viết từ “sáng tạo” thì bây giờ bạn sẽ có từ “không sáng tạo”.
→ Bây giờ, nghĩ thử xem có cá nhân hoặc tổ chức sáng tạo nào giới thiệu bản thân là “Chúng tôi không sáng tạo” không. Khả năng đó rất thấp. Như vậy nghĩa là hashtag #sangtao quá phổ biến. Những ai nhìn nhận bản thân theo bất kỳ kiểu sáng tạo nào cũng có thể sử dụng hashtag này. Áp dụng phương pháp này để loại bỏ những từ miêu tả quá phổ biến trong danh sách.
#Daubepvietsach là một hashtag khá hay cho những ai vừa yêu thích nấu ăn vừa đam mê viết lách, đặc biệt là viết sách dạy nấu ăn. Suy cho cùng, không nhiều người sáng tạo tự nhận mình là nhà văn hoặc đầu bếp, số người nhận mình là tác giả viết sách dạy nấu ăn càng ít hơn. Vì vậy, đây là một hashtag độc đáo nhưng vẫn dễ hiểu với tất cả mọi người.
Bây giờ, hãy nhìn lại các vòng tròn chồng lấp của bạn và xem thử khi bạn đặt hashtag của mình vào phần chính giữa (thay cho tên bạn) thì kết quả sẽ thế nào. Nó có phù hợp với đặc điểm của phần chồng lấp không? Nếu có thì bạn đang đi đúng hướng! Bạn đã tìm ra hashtag thể hiện việc bạn sẽ làm và sẽ không làm.
Vậy, #Hashtag của bạn là gì?
Viết hashtag của bạn vào đây.
Hãy viết bằng bút lông đầu to!
Tạo menu
Mọi người nên tìm đến bạn vì kiểu dự án nào? Họ cần ghi nhớ điều gì về công việc của bạn? Menu của bạn càng ngắn gọn, người khác càng dễ nhớ.
→ Lập danh sách những kỹ năng và dự án của bạn.
→ Kiểm tra xem kỹ năng và dự án nào phù hợp với hashtag bạn vừa tạo.
→ Đặt những kỹ năng và dự án đó vào "menu".
Bây giờ bạn đã nắm trong tay bản kế hoạch về nơi mình muốn đến (các mục tiêu) và cách đến được đó (sử dụng hashtag và tạo menu). Sự tập trung này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn nữa bằng cách xây dựng thói quen làm việc. Đó cũng chính là nội dung của chương tiếp theo.
Khi số lượng cánh cửa giảm xuống, số người bước qua đúng cánh cửa bạn muốn họ bước qua sẽ tăng lên.
– Scott Belsky